LTS: Thân hữu TVLong vừa vĩnh biệt chúng ta cuối tháng sáu 1994, tại San Diego, California, Hoa kỳ. Trong hơn mười hai năm sinh hoạt thân hữu điện lực vừa qua, anh Long đã đóng góp nhiều công sức và bài vở cho các sinh hoạt cũng như bản tin THĐL này. Tuy có đôi lúc anh tỏ ra bất bình và bất mãn đối với xung quanh, nhưng anh đã chứng tỏ là một người có tấm lòng rất là đôn hậu, có trái tim rất nồng ấm, nhất là trong giao tình với bạn bè thân hữu. Để tưởng nhớ đến anh, chúng tôi lục đăng lại bài viết này của anh, đã phổ biến trên bản tin THĐL số 2, năm 1984, lại đúng mười năm về trước.
Sáng thứ hai tôi thức dậy sớm để đi làm. Tôi ngụ tại vùng East, gần downtown L.A., và phải đi bằng xe bus để đến hãng tại vùng Van Nuys. Cách đây một năm tôi thất nghiệp và đã mất gần sáu tháng mới tìm được job mới. Tôi tìm việc bằng cách đọc báo Việt cũng như báo Mỹ, cùng những thông cáo ở những công sở. Tôi đọc báo Việt nam, bài vở cũng như quảng cáo tràn ngập, tìm rất lâu và chỉ thấy lai rai vài mục cần người, như thợ may -- biết overlock -- hoặc nhân viên tắm hơi. Tôi là thanh niên độc thân, áo tôi đứt nút, phải để vậy và chờ đến khi đứt hai, ba nút, là đành mua áo mới, còn nói gì về chuyện overlock! Thôi đành bye bye mục này. Còn nói chi về mục thứ hai, tôi làm gì có đùi, ngực nở nang để được mướn! Có điểm cần nói thêm là, ông chủ nhiệm -- hay ông phụ trách mục quảng cáo -- của tờ tuần san nói trên ơi, ông nhận đăng những quảng cáo như nghề tắm hơi làm chi, một nghề đã mang nhiều tai ti 6’ng! Tội nghiệp cho các cô gái Việt nam đang tuổi xuân thì -- nhiều khi muốn kiếm việc làm part time -- lắm quý ông ơi! Nước Mỹ này đã có nhiều cám dỗ và nhiều crimes rồi, xin các ông đừng "vẽ rít thêm chân", mong lắm thay! Nói chi đến việc dùng báo Việt ngữ để tập cho thế hệ trẻ đọc và trau dồi Việt ngữ, để khỏi quên cội nguồn. Làm sao có thể giải thích cho các nhóc con, con em chúng ta, nghe "tắm hơi" là gì?
Tôi tìm trên báo Việt nam không có -- về vấn đề job -- tôi bèn đọc báo Mỹ, báo LA TIMES, thường thường là báo đề ngày chủ nhật, nhưng in ra từ chiều thứ sáu để kịp phát hành vào sáng thứ bảy. Thôi thì đủ nghề, đủ nghiệp. Nhìn section rao vặt cần người dày cộm, nặng gần 2 pounds, người đọc -- và thất nghiệp -- có cảm tưởng là mình sẽ có job và có thể đi làm trong tuần tới. Tuy nhiên đó chỉ là cảm tưởng và hy vọng mà thôi. Từ hy vọng đến khi nắm được job thực sự, muôn ngàn trở ngại và khó khăn. Có lẽ việc hy vọng trúng độc dắc jackpot ở các slot machines tại các sòng bạc Las Vegas -- mà các bạn đã được nghe và hình dung là nó khó bực nào -- còn dễ nghe hơn nhiều! Xin đừng "nghèo mà ham!" Các hãng nhỏ đăng cần người về job nào đó, và họ ghi số phone của họ. Khi tôi gọi họ vào sáng sớm thứ hai, họ nghe giọng nói tiếng Mỹ của tôi có pha giọng ngoại quốc, là họ không "ưa" rồi! Họ từ chối khéo cũng có, thẳng thừng cũng có, là job đó đã có người "trám" rồi. Làm gì mà họ nhận người làm sớm vậy, từ hôm qua chủ nhật?
Buồn nản và giận quá nhưng tôi cũng đành chịu gác máy phone xuống không lẽ đập bể, nó có tội tình gì? Thủ phạm là nền "kinh tế mùa hè" hiện tại này. Mùa hè sắp đến, các cô gái chưng diện, ăn mặc những kiểu áo ngắn ngủn, giống như áo bà ba của ta nhưng ngắn hơn nhiều. Nói cho dễ hình dung là ngắn đến độ lai áo lên đến gần "trung tâm vũ trụ." Phải chăng nguyên do là vì nền kinh tế suy thoái -- nên các cô thiếu vải may -- hay vì mùa hè nóng nực, hay cả hai? Có một vị "cấp cao" có thể trả lời câu hỏi này, nhứt là vào những tháng cuối năm nay, mùa bầu cử Tổng thống Mỹ. Thôi chúng ta rán giữ gìn máy phone, để tìm và kiếm được job khi nền kinh tế "bớt bịnh" hơn!
Trên đây là nói về các hãng nhỏ. Những hãng lớn, kiểu cách rao vặt có vẻ "lớn" hơn, đường bệ hơn. Mỗi rao vặt họ đều ghi "Equal Opportunities Male/Female /Minority", tạm dịch là "không kỳ thị." Khi đọc tiếp tục, ta mới tá hỏa ra, những nghề nào "thơm", họ chỉ đòi rất nhẹ nhàng "US citizen required" -- cần có quốc tịch Mỹ! Thẻ xanh tôi còn chưa có, nói chi đến quốc tịch! Tôi đang làm thủ tục xin thẻ xanh, chờ tại cơ quan INS, gần City Hall, từ ba giờ sáng, và mất ba lần như vậy mới xong thủ tục, và đang tiếp tục chờ họ gởi thẻ về nhà! Các ông bà của những hãng lớn kia ơi, quý vị "bảo thủ", dành riêng các job cho người Mỹ cũng vừa vừa thôi, xin nhín chút đỉnh cho các legal aliens nhờ -- hay sống -- với!
Nói đến chữ sống, tôi nhớ đến cái chết thê thảm của một người Cămpuchia ở vùng ven biên freeway ở Texas, vào tháng 2/83. Anh này đã đi làm, sau đó thất nghiệp và không được lãnh welfare, vì thủ tục welfare ở Texas rất khó, nếu không muốn nói là "hắc ám." Theo báo chí Mỹ, welfare tại đây chỉ dành riêng cho các "thân chủ" lâu năm, họ biết "đường đi nước bước" -- biết cách khai -- đõược lãnh mà thôi! Những người nghèo, hay thất nghiệp chân chính, không biết khai hay khai trật một vài câu, là có nước về nhà chơi! Anh Campuchia kia đành ra ở bụi rậm vắng người, ven bờ freeway, và ăn đến lon đồ hộp cuối cùng, và nằm chết đói. Chết thong dong, chết tức tửi ở bụi bờ, may mà còn thây!
Người trong cuộc còn ngán ngẩm, huống chi người thọ lãnh. Một cô thiếu nữ mù từ nhỏ, đi học đậu bằng Bachelor về Social Sciences và đi làm thẩm vấn viên welfare. Sau đó cô tự động bỏ job này và đi hát dạo tại những đường phố sang trọng ở New Jersey. Có điểm đáng nói là những bản nhạc rất hay và cô hát cũng như đàn rất giỏi. Cô sống nhờ tiền thưởng của khách đi đường và cũng "làm việc" rất nghệ sĩ, mỗi tuần chỉ hát dạo ba ngày, thứ hai, ba,sáu, weekend ở nhà tà tà, để săn sóc nhà cửa hay để sáng tác những bản nhạc mới.
Tôi vẫn thường tự nhắn nhủ để luôn luôn ghi nhớ là tôi mang ơn nước Mỹ -- và dân chúng Mỹ -- hai ơn rất nặng. Nước Mỹ đã cho tôi một chỗ dung thân và nuôi tôi sống bằng welfare, cho đến ngày tôi đi làm và tự nuôi thân. Tôi còn mang một ơn nặng khác, xin hẹn sẽ đề cập đến vào một dịp khác.
Trở lại việc kiếm job, tôi cũng gởi thơ đến nhiều hãng để xin. Có hãng trả lời, có hãng không, mặc dù chỉ trả lời để từ chối. Hãng nào trả lời thì họ dùng chữ rất khéo để từ chối. Họ nói khả năng của tôi không "match the requirement", chớ không phải tại không "meet the requirement." Họ cho tôi ăn bánh vẽ nhiều quá, họ làm tôi có cảm tưởng là khả năng tôi có thể cao hơn đòi hỏi của họ! Các ông bà ở sở nhân viên của các hãng kia ơi, phải chi quý vị vận dụng hay quản trị nền kinh tế, hay hãng của quý vị cũng giỏi, hay giỏi hơn, việc "múa danh từ", nền kinh tế xứ này có phải khá hơn và phục hồi nhanh hơn rất nhiều? Và chúng tôi cũng được hưởng lây!
Tôi xin mở ngoặc, một vị mục sư sau khi bị "lê-ốp" khỏi một job của cộng đồng tôn giáo của ông, ông đi tìm việc gần một năm mà không có. Vị này đã là chánh cống US citizen rồi, và học lực khá cao. Do đó nghĩ đến "thâm niên thất nghiệp" của tôi mà "sức mấy"! Tức mình, vị đó viết sách nói về kinh nghiệm đi tìm job của mình, trong cuốn "What color is your parachute?", tạm dịch "Khi nào cờ đến tay anh phất!" Cuốn sách bán rất chạy từ năm 82 và hiện nay ông không cần đi làm nữa mà cũng trở thành triệu phú (tiền đô la Mỹ chớ không phải tiền VC, triệu phú VC chỉ có nước đi về vùng kinh tế mới mà sống). Cuốn sách bán chạy như tôm tươi, phải chăng vì "đạo quân thất nghiệp" khá -- hay quá -- đông, khoảng mười triệu người? Tôi đóng ngoặc!
Buồn quá, trong khi chờ kiếm được job, tôi xin đi làm volunteer, nôm na là làm không lương, chơi. Trời ơi, một vài cơ quan volunteer cũng chọn lựa kỹ lắm. Tôi không muốn dùng chữ "kỳ thị" vì làm việc cho họ có ăn cái giải gì? Họ cũng bày đặt từ chối, đôi khi đưa ra những lý do rất là vô lý hay vô duyên. Mình đã tỏ ra có thiện chí đối với họ trước, họ đáp lễ rất là kỳ khôi. Mayor Tom Bradley ơi, ông có biết được "thảm cảnh" này không? Khi ông đứng sừng sững, to tổ bố, trên các bích chương dán khắp nẻo đường và nói "VOLUNTEERS, WE NEED YOU!", một vài cơ quan tuyển volunteer họ làm và nói " We don't care!" Việc volunteer mà tôi xin làm có gì đâu, chỉ có việc "lè lưỡi dán thơ" -- đại khái như vậy -- nhưng họ vẫn chê tôi!
Cảnh "ông thổi kèn, bà đánh trống" vẫn còn xảy ra dài dài. (Xin đừng đọc tréo lại mà nghĩa nó trật xa ngàn dặm!) Sau đó tôi cũng tìm được một chỗ làm volunteer, sau khi qua được một cuộc interview kỹ lưỡng và được nhận cho làm không lương. Tôi vừa làm việc này vừa để ý tìm kiếm việc nào có chất green.
Tôi đi làm volunteer được ba tháng thì tôi nhận được job hiện tại, nhờ một người bạn hướng dẫn, xin nhắc lại là nhờ bạn bè, chớ không phải nhờ ông LA Times đâu nhá! Có lẽ tôi phải trở về nguyên lý cũ của việc mua báo này : Học, trau dồi Anh ngữ, tìm chỗ nào bán sale, và để cắt coupons mua đồ ăn. Ở xứ Mỹ này không có việc dùng báo cho việc "tối cần thiết khác", ông LA Times mà biết được việc này, ổng "tủi" lắm!
Tôi đi làm, mỗi ngày từ 6 am đến 6 pm, bằng xe bus. Tôi đổi nhiều chặng xe, và đến hãng khoảng 7:30. Chẳng thà tôi "cho không" hãng của tôi nửa giờ, còn hơn là bị mất job, khi mà khó kiếm nó. Tại một vài chặng dừng để đổi xe bus tuyến đường khác, tôi gặp một số học sinh -- mà Mỹ đều gọi từ lớp một đến đại học là student ráo nạo -- high school. Có một sáng thứ sáu, dịp cuối tuần hay lễ lạc gì ở trường của các đương sự, một cô bé high school mặc một kiểu áo đến "giựt mình." áo kiểu cổ hở rộng, một vai áo trịch xuống một bên, bày ra cái vai -- và phía dưới chút nữa -- trắng nõn nà. Cô bé ơi, cô có biết là cô ác lắm không? Cô bày ra "ba mươi cuốn lịch" làm gì! Khi có kẻ nào không tự chủ được, làm bậy, thì lúc đó cô và dư luận -- nhứt là phái nữ -- lại nguyền rủa, lên án kẻ thủ phạm. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", xin cô bé hãy ghi nhớ chút xíu về câu này!
Trong khi ngồi trên xe -- hay đứng vì xe bus đôi khi cũng có cảnh "cá mòi" -- một số người, thường thường là từ các nước Nam Mỹ, nói chuyện với nhau rùm beng, như khi đi chợ ở xứ họ, chớ ở super market của Mỹ cũng yên lặng lắm. Xin rán giữ lịch sự thêm chút nữa trên xe bus, các vị "lắm mồm" Nam Mỹ này ơi!
Xe bus 420 đi ngang vùng Hollywood Bowl -- nơi có sân khấu để trình diễn văn nghệ hay khi có đoàn xiệc -- tôi lại nhớ đến chuyện welfare, lại welfare, khác. Một ông Việt nam, trên năm mươi tuổi nhưng "độc thân trên giấy tờ" -- vì vợ còn kẹt ở Việt nam -- phải đi quét dọn và rửa sạch Hollywood Bowl này mỗi đêm để "trả nợ welfare." Mỗi ngày vị này từ Long Beach phải mất ba tiếng đi xe bus để đến đó quét dọn vào buổi khuya, sau khi các cuộc trình diễn tan. Có làm như thế, "họ" mới phát khoảng $200/tháng, nếu không họ sẽ cắt. Vị councelor của cơ quan này còn nói thêm "Không biết sau này sẽ cử những người độc thân -- như vị này -- làm việc gì (để cấn nợ), nếu chủ công ty Hollywood Bowl không mướn những người này nữa!" Vị cao niên Việt nam này, trước là thợ bạc tại Việt nam, khi được phóng viên hỏi đã trả lời rằng "Tôi làm như vầy cực hơn lúc trước ở Việt nam nhiều, tuy nhiên tôi thấy vui!" Phải chăng "Vui là vui vậy kẻo mà!" Câu chuyện xảy ra vào dịp Giáng sinh 83.
Tôi đi làm và về nhà lúc 6 giờ, nhiều khi trễ hơn, nếu muốn ghé đâu mua sắm cái gì. Cứ thế năm ngày liền, tôi bước vô phòng tôi ở là khi nào không có ánh nắng mặt trời. Gần giống như "đi cày" như một vị nào đó ở San Jose đã trả lời câu phỏng vấn của đài BBC vào dịp Tết vừa qua : "ông/Anh nghĩ thế nào về cuộc sống ở Mỹ, có sung sướng không?"
Hai ngày cuối tuần tôi không đi làm, tôi lo giặt giũ, nấu nướng, dự trù cho tuần tới. Thanh niên độc thân Việt nam ở Mỹ này đảm trách việc nội trợ khá lắm, xin các cô đừng e ngại gì hết! Đôi khi cuối tuần, bạn bè chở tôi đi Santa Ana chơi. Tôi đi trên phố sá dọc theo Bolsa Ave. mà có cảm giác là "mình về thăm lại quê hương." Các cửa tiệm đều có bảng hiệu bằng Việt ngữ, phố sá đông đúc toàn người Việt, vui vẻ và "tà tà" lượn phố. Đó là việc mà một số người Mỹ không ưa vì "người Việt nam không chịu gia nhập vào cộng đồng Mỹ and/or xã hội Mỹ",theo như nhận xét của đài BBC. Tôi sẽ đề cập về việc "nhập cuộc" và việc "thoát xác" vào một dịp khác.
Cuối tuần, nếu không đi đâu, đi chơi hay mua sắm -- nôm na là đi chợ -- gì, tôi ở nhà đọc báo hay xem TV, với mục đích như đã nói ở một đoạn trên. Xem các diễn viên trên TV, mạnh họ họ nói hay cười, mạnh tôi tôi nghe! Tuy nhiên lần lần, tôi cũng hiểu thêm được chút nào, nghĩ lại xem TV cũng có lợi! Tối chủ nhựt tôi thường xem chương trình "60 minutes" của CBS. Chương trình này phanh phui nhiều vụ "động trời" nên gây ra nhiều cảnh "ân oán giang hồ." Gần đây, chương trình này đã có nói về vụ "Tướng Kỳ và việc buôn lậu cần sa ma túy." Tuy nhiên, họ -- CBS -- đã "bạch hóa hồ sơ cho Tướng Kỳ." Mừng cho ông -- và cho cộng đồng Việt nam vì có thể bị ảnh hưởng phần nào -- vì không lẽ họa đến hai lần, ông vừa bị bankruptcy, nay không lẽ bị "giáng" thêm một họa nữa, phải không Tướng Kỳ? Sau chương trình "60 minutes", tôi ngồi viết thơ gởi bạn bè cũng như người quen, ở Mỹ, cũng như còn kẹt ở Việt nam.
Sau đó là chín giờ rồi, tôi đi ngủ để chuẩn bị ngày mai, thứ hai, có thể thức dậy sớm mà "đi cày." Cầu mong rằng ngày mai hãng sẽ không phát check đồng thời với "lê-ốp."