NHữNG NĂM SÁU MƯƠI
Hồi ký của Song Nguyễn

LTS : Năm ngoái tác giả Song Nguyễn gửi cho Bản tin THĐL tập Hồi ký này, chia làm nhiều phần. Phần Hồi ký 2 đã đến trước, và khi bản tin số 13 sắp sửa "chạy tới nhà in" thì chúng tôi nhận được phần Hồi ký 1. Đành phải cho phần 2 đi trước. Năm nay, xin mời các thân hữu đọc lại phần 1, và riêng các thân hữu xuất thân từ Trường Cao đẳng Điện học Phú thọ, Sài gòn, xin rán vận dụng lại trí nhớ để góp phần bổ túc cho tác giả Song Nguyễn về những chỗ thiếu hoặc sai sót. Sang năm hy vọng chúng ta sẽ được đọc phần 3 và nhiều phần tiếp theo khác, thời kỳ Hệ thống Phối trí, Trung tâm Điều hợp Điện năng, và Nha Tiếp vận, Công ty Điện lực Việt nam.

Hồi ký 1: Trường Cao Đẳng Điện Học

Năm 1960, tôi thi đậu vào Trường Cao đẳng Điện học (CĐĐH), gọi tắt là "Trường Điện", khóa 4 Kỹ sư. Lúc ấy, trường Điện có 3 khóa đàn anh đang học : khóa 1 vào trường năm 1957 vừa lên năm thứ tư, kế đó tới khóa 2 lên năm thứ ba, và khóa 3 vừa lên năm thứ hai; tụi tôi khóa 4 chập chững bước vào năm thứ nhất. Khóa 1 là khóa "đầu đàn" của trường Điện, sau này khi ra trường lãnh nhiệm vụ tiên phong đi làm việc ở khắp nơi, đã đem lại sự tin tưởng của các giới trong ngành kỹ thuật, công cũng như tư, đối với thành phần kỹ sư điện đào tạo tại Việt nam. Nhiều tên tuổi các thân hữu khóa 1 chắc mọi người còn nhớ như các anh TĐ Thơm, TMNhựt, NĐHuấn, HĐBá, HVPhong, NMLinh, PHBình, PTNghĩa, TBLân, PVThịnh, NXGiễm, NQHữu, VHThường, NQThiều, PĐĐiền, NHPhúc, ĐTPhúc, NHĐộ, LĐLuyện, PVQuan, DTHiểu, ƯHiến, VKỳ, ... và chị ĐTNMai, người nữ kỹ sư điện đầu tiên và cũng là duy nhất của trường Điện (tính cho tới năm 1975, sau này tôi không biết).

Tiếp đến là khóa 2 với các tên tuổi như TKKhoa, BTuân, NXTrường, ĐVPhúc, TVThanh, HDKiều, TKhiết, TTTôn, ... Khóa 3, đàn anh trực tiếp tụi tôi có các anh NTDũng, NMBàng, HMCần, NCThuần, ĐPViễn, NDĐức, QVNăm, NVPhương, LVPhúc, NHTý, PXHùng, TTUẩn, ...

Trường CĐĐH thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (TTQGKT), thành lập vào năm 1957 với mục đích đào tạo kỹ sư các ngành cho Việt nam. Vì tọa lạc tại khu vực Phú thọ, ngoại ô đô thành Sài gòn, nên trường được mang danh là Phú thọ, tuy trên giấy tờ, bằng cấp của tụi tôi đều ghi là Sài gòn. Cái tên Phú thọ càng ngày càng phổ thông đến nỗi hồi 75 khi tôi sang Mỹ, nói tới trường Phú thọ thì không những người Việt ai cũng biết, mà những người Mỹ có liên hệ tới Việt nam cũng không lạ gì.

Vào thời kỳ đó, TTQGKT có ba ngành : Điện, Công chánh, và Công nghệ. Sau này mở thêm ngành Hóa học, riêng trường Điện cũng mở thêm ngành Điện tử. Giám đốc Trung tâm là Thầy Lê Sĩ Ngạc; Thầy Nguyễn Khắc Nhẫn là Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Giám đốc Trường Điện, Thầy Nguyễn Chánh là Giám đốc Trường Công Chánh, và Thầy Văn Đình Vinh là Giám đốc Trường Công nghệ.

Trước khi vào trường Điện tôi có học ở trường Đại học Khoa học, đang quen với không khí tự do của phân khoa này nên thời gian đầu ở trường Điện tôi thấy mệt quá. Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, sinh viên phải học hàng chục môn, từ lý thuyết tới thực tập. Chiều thứ năm lại phải ra sân vận động tập thể dục với đủ mục : chạy, nhảy, leo dây; cuối năm thi lấy điểm lên lớp đàng hoàng chứ không phải tập để chơi. Ngày thứ bảy trên nguyên tắc được nghỉ, nhưng nhiều khi giáo sư bận việc không dạy được trong tuần, cũng phải xếp giờ học luôn. Ngoài ra lại còn mục kiểm soát hiện diện như học sinh trung học. Trong lớp,tên nào ngồi chỗ nấy nhất định, mỗi đầu giờ là Giám thị Triệu Liên Hoa tới đứng ngoài cửa lớp, dương mục kỉnh nhòm vào kiểm soát ghi danh những tên vắng mặt không có phép.

Hai năm đầu, ba ban Điện, Công chánh, và Công nghệ học chung phần khoa học và kỹ thuật căn bản; hai năm sau mới chia ra ban nào về trường nấy. Giáo sư có một số vị từ Viện Đại học Sài gòn sang như Thầy Đặng Đình €ng và Thầy Lê Kim Đính dạy Toán; Thầy Trương Công Cừu dạy Văn chương Pháp, Thầy Mai Văn Lễ dạy Kinh tế, ... Một thành phần giáo sư khác là các kỹ sư tốt nghiệp ở ngoại quốc về đang làm việc ở các cơ sở chuyên môn công tư, trong đó tôi còn nhớ các Thầy Phan Đình Tăng, Dương Kích Nhưỡng, Trương Thanh Xuân, Nguyễn Văn Lân, Bửu Đôn, Lê Khắc Huề, Nguyễn Hữu Minh, Trần Văn Bé, Bùi Văn Lễ, Hồ Văn Trượng, Hồ Tấn Phát, Nguyễn Duy Thu Lương, Võ Văn Nhung, Phạm Minh Dưỡng, Phạm Văn Khắn, ... Phần ban giáo sư riêng của Trung tâm tôi nhớ có các Thầy Nguyễn Chánh, Võ Thế Hào, Cung Tất Cường, Nguyễn Khắc Nhẫn, Kha Tư Khải, Nguyễn Tư Dục, Võ Đức Diễn, ... Bên trường Điện có thêm giáo sư Salomon từ Pháp sang dạy Toán một thời gian.

Sinh viên trong trường hồi đó trung bình mỗi ban có khoảng 25 tên, nhưng không hiểu sao riêng khóa Điện tôi học rất ít, chỉ có không tới hai chục tên vào năm thứ nhất. Tới khi ra trường rụng bớt chỉ còn 15 tên, cọng với 3 quân nhân bên quân đội gửi sang học là 18 người tốt nghiệp cả thảy. Tuy sinh viên ít như vậy mà tôi cũng gặp lại nhiều bạn cùng học ở trung học trước kia. Bên Công chánh có Nguyễn Quốc Bảo cùng học với tôi ở lớp đệ nhị B trường Hồ Ngọc Cẩn, và Lê Trọng Trực cùng học đệ nhất B3 ở Chu Văn An. Bên trường Điện có Phan Đình Chỉ cũng là bạn cùng lớp 1B3 với tôi và Trực. Anh Chỉ quê ở Hà tĩnh, thuộc dòng họ Phan Đình của cụ Phan Đình Phùng. Phan Đình Chỉ người thấp nhưng to ngang, mặt vuông chữ điền, đúng vẻ con nhà võ. Tuy vậy tính anh rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ. Rất tiếc, mới học được nửa năm thứ nhất thì anh bị thiệt mạng tại suối Lồ ồ ở Biên hòa trong một vụ án tình rất khó hiểu, làm xôn xao dư luận Sài gòn thời đó.

Trong các anh em cùng khóa ở bên Công chánh và Công nghệ cũng có nhiều bạn có đặc tính khác thường làm tôi nhớ mãi. Anh Tô Ngọc Sử học Công chánh, hồi đó mới ở Pháp về. Anh được gia đình cho sang Tây học từ nhỏ, nhưng khi đang học đại học ở Paris thì ông già mất, nên gia đình gọi về ... lấy vợ. Vì mới ở Tây về nên anh còn giữ nhiều phong cách của dân Parisien, nói chuyện chen lẫn tiếng Tây, có xe hơi riêng lái đi học mỗi ngày. Vào các giờ rảnh rỗi trong lớp, anh thường kể những chuyện hấp dẫn của đời sống sinh viên bên Pháp cho bạn bè nghe. Nguyễn Thanh Hùng nguyên là "công tử Hà nội" bị kẹt lại miền Bắc sau 1954, học kỹ sư hóa học ở Hà nội. Sau đó anh vượt tuyến vào Nam tìm tự do, vào trường Công chánh học để "làm lại cuộc đời." So với tụi tôi, Hùng thuộc loại "già" nhưng tính tình rất tếu, thường nói chuyện tiếu lâm loại "cấm đàn bà", chuyện văn nghệ, và ngâm thơ (lúc đó anh chưa nổi tiếng là giọng ngâm Nguyễn Thanh trên đài phát thanh như sau này).

Bên Công chánh cũng còn nhiều anh em khác : Nguyễn Quốc Bảo con nhà gia thế, gia đình đạo Công giáo nhưng thường rủ tôi sang Phú nhuận học đạo Tin lành với một vị mục sư người Mỹ, mục đích là... tập nói tiếng Anh. Nguyễn Thiệp từ Huế vô, nói chuyện nhỏ nhẹ, có vẻ sống nhiều về nội tâm. Nguyễn Ngọc Cương người vạm vỡ, tính vui vẻ hoạt bát, kiến thức rộng. Lê Nghiêm Hùng đeo kiếng cận dày cộm lúc nào cũng lăm lăm cầm thước tính (règle de calcul, thời đó chưa có máy tính điện tử bỏ túi như sau này). Phạm Thái Nguyên dáng cao cao, tính hiền lành, sau này tôi gặp lại vào năm 1974, anh là Trưởng ty Công chánh Pleiku. Lê Thanh Tòng người cao lớn, ăn nói rất lưu loát, bặt thiệp. Huỳnh Mộng Tuyên cũng cao lớn, dáng vẻ công chức bự. Sau này có lúc Tuyên làm Trưởng ty Công chánh Đà lạt. Bên Công chánh còn có ngành Địa chánh, sinh viên được cấp học bổng đi học, tôi nhớ có các anh Trình Hữu Dục, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Hữu Nghĩa, Dương Đen. Anh Dục người trắng trẻo, đeo kính, ăn nói từ tốn, đúng vẻ công chức. Nguyễn Hữu Thọ (trùng cái tên với ông Luật sư đáng sợ!) người cao gầy, có thời làm Công cán Ủy viên tại bộ Canh nông. Hồi 75 tôi có gặp Thọ ở trại Pendleton, sau này nghe nói anh học lại kỹ sư cơ khí. Trần Hữu Nghĩa đẹp trai, da dẻ hồng hào, người vạm vỡ khỏe mạnh nhưng có bệnh thần kinh, thỉnh thoảng phải đi bác sĩ chạy điện trên đầu, lúc ra quên không nhớ đường về nhà. Hồi đầu năm 75, tôi gặp lại Nghĩa, lúc đó đang làm tại nha Lộ vận. Dương Đen, da ngăm ... đen, tóc rễ tre, đeo kính dày cộm, vào lớp đi giày đinh lộp cộp. Sau này anh đi Pháp và hiện đang làm việc tại Căm bốt trong phái đoàn Liên hiệp quốc, phụ trách việc lập lại địa bạ cho nước Miên vì hồ sơ cũ đã bị Khmer đỏ thiêu hủy.

Bên Công nghệ có Đỗ Mậu Quỳnh người gầy gò, đeo kính dày cộm, thích sửa chữa máy móc vô tuyến điện. Đào Hữu Hạnh mập mạp, mặt tròn, tính tình vui vẻ. Nguyễn Quang Vận người chững chạc, ăn nói lịch sự, đầu tóc áo quần lúc nào cũng tươm tất.

So với các sinh viên Công chánh, các anh em bên Điện khóa tôi tương đối có vẻ "bảo thủ" và chăm chỉ hơn. Các anh em từ Huế vô như Vĩnh Tiếu, Ngô Minh Thuyết, Nguyễn Khắc Khánh, đều là các "cây" gạo. Các bạn này mướn nhà ở ngay gần trường, ban ngày đi học, buổi tối có khi cũng tới trường vào các lớp trống ngồi học bài (hồi đó trường Điện chưa có thư viện). Trần Văn Đạt người chững chạc, nhà có tiệm bán xe gắn máy ở Phú nhuận. Khi ra trường Đạt lập gia đình sớm, tôi nhớ có lần được anh mời tới ăn đầy tháng đứa con đầu lòng, nhà anh chị ở Thủ thiêm bên kia sông Sài gòn, tôi tới bờ sông thì có một chú bé neo thuyền chờ sẵn chở tôi qua sông rồi dẫn về nhà Đạt. Sau này khi tôi ở cạnh nhà anh tại cư xá Thủ đức, anh chị đã có 3 con trai. Nguyễn Hữu Nhơn học trường Tây ra, tính hiền lành vui vẻ. Hồi đó Nhơn ở ngã tư Bảy Hiền, ông cụ là Giám đốc cơ sở Thú y tại đó. Nhà tôi ở khu Hòa Hưng, thỉnh thoảng hư xe phải đi xe lam lên ngã tư Bảy Hiền nhờ Nhơn chở đi học. Từ ngã tư Bảy Hiền chỉ việc chạy băng qua rừng cao su Phú thọ là tới trường. Tôi nhớ có lần tới nhà Nhơn thì gặp một lũ chó nhỏ, lloại chó Bắc kinh lông nâu dà rất đẹp, chạy ra "đón tiếp."

Trương Hữu Lượng cũng dân trường Tây (Yersin Đà lạt), người cao ráo, lúc nào trông cũng có vẻ nghiêm trang. Nguyễn Kim Thới to con, dáng khỏe mạnh. Trần Văn Long có ông anh (Trần Văn Thanh) học trên hai lớp. Long nhà ở Gia định, thỉnh thoảng tôi kẹt xe chở giùm về qua đường Trần Quốc Toản bỏ xuống khúc Lê Văn Duyệt đi xe lam về nhà. Nguyễn Trung Hiếu, học ở trường Khoa học đậu MPC (Math, Physique, Chimie) rồi mới vào năm thứ hai, thấp người, đeo kính dày cộm, dáng lanh lẹ. Huỳnh Thu Tâm cao ráo, da trắng, đeo kính trắng trông đẹp trai và trí thức, thường đi cặp với NT Hiếu. Cung Giác Lộ người gầy, da trắng, tính rất văn nghệ và thích họp mặt bạn bè. Nhà Lộ ở đường Bùi Viện gần ngã tư quốc tế, khi tôi tới chơi buổi tối về khuya ở lại trên căn gác nhà Lộ thường được nghe tiếng nhạc từ tiệm nhảy đầm Văn Cảnh vọng sang rất quyến rũ. Thỉnh thoảng tụi tôi cũng đi la cà chung quanh, khi thì ăn phở gánh ở góc đường nhỏ trông ra đường Trần Hưng Đạo, khi thì ghé vào tiệm chuyên bán cháo đậu xanh với hột vịt muối, những hôm nào "yếu địa" thì tới quán Anh Vũ, nguyên là phòng trà ca nhạc, nhưng mỗi chiều có nấu cơm cho sinh viên 5 đồng một phần ăn no thôi.

Võ Kim Bình hồi đó còn trẻ mà mắt đã kém, đeo kính d 1ạy cộm, khi đọc vẫn phải dí sát mắt vào sách mới thấy đường. Bình học rất siêng, kể cả những môn phụ như thể dục; khi gần tới ngày thi mỗi chiều Bình cũng chịu khó ở lại tập chạy quanh trường để dọn thi. Lê Khánh Tâm người nhỏ nhắn, hiền lành; khi nói chuyện thường hay đút tay vào túi quần, đầu cúi, chân di di xuống đất. Vào khoảng năm 1974, tôi gặp lại LKTâm thì anh đang là ... Hội viên Hội đồng xã tại một vùng ven biên Sài gòn. Tâm giải thích là anh bị động viên đi lính đóng tại vùng này rồi ra ứng cử Hội đồng xã để được giải ngũ. Nguyễn Hữu Thu có "hành tung" bí ẩn nhất, từ ngày ra trường không biết làm ở đâu, mấy năm sau có lần mò về Sài gòn nộp đơn vào Điện lực, Thầy Xuân coi đơn rồi hỏi tôi "Anh chàng này ở đâu ra vậy?"

Trong khóa tôi có ba sĩ quan từ Quân đội gửi sang học, các anh đều lớn tuổi, làm việc theo kỷ luật quân đội nên được các thầy quý. Anh Lữ Phúc Bá đã từng đi Mỹ về, khi vào trường Điện đã có bằng Bachelor tại Mỹ. Anh Nguyễn Hữu Đức cũng đi Pháp về, rất chăm chỉ, ghi bài kỹ lưỡng. Anh Nguyễn Xuân Diệu đã có vợ con đùm đề nhưng tính xuề xòa vui vẻ, thường rủ tôi đi uống cà phê ở tiệm Phở Tàu bay trên đường Lý Thái Tổ.

Trong lớp tôi cũng có vài ba anh em theo học một thời gian nhưng vì lý do này hay lý do khác không hoàn tất học trình. Ngô Trọng Hùng là sinh viên trẻ nhất khóa, hồi vào năm thứ nhất mới có 17 tuổi. Vì còn nhỏ, Hùng ăn nói hơi bộp chộp nhưng bù lại anh học rất chăm chỉ hăng hái. Hùng cũng có tính nghệ sĩ, thích nghe nhạc và ch 7Đi đàn ghi ta. Cuối tuần tôi với Hùng thường rủ nhau đi đánh "tilt" (bàn banh điện). Lúc đó Sài gòn có phong trào đánh tilt, buổi tối cuối tuần tới quán cà phê Pole Nord ở đầu đường Tự do cạnh rạp Majestic là gặp rất nhiều các văn nghệ sĩ và một số giáo sư trung học có tiếng tại Sài gòn hồi đó tụ họp chơi trò lẩm cẩm này. Học tới năm thứ ba thì Hùng được ông già là chủ nhà xuất bản Như ž ở Phú nhuận cho du học tự túc sang Canada.

Trần Thể rớt từ khóa 3 xuống, có phong độ rất công tử, thỉnh thoảng đi học mặc áo veste, miệng ngậm pipe sang thăm trường Nữ công Gia chánh. Sau khi thi rớt lên năm thứ tư, Thể bỏ về Huế. Phạm Quang Hiền đã đậu Cử nhân toán tại Đại học Khoa học nên được đặc cách vào học năm thứ ba. Nhưng sau nửa năm thấy không thích hợp với ngành điện, anh xin nghỉ học đi làm cho hãng Xi măng Hà tiên. *ít năm sau tôi gặp Hiền ở Đà lạt, lúc đó anh đã đổi lên làm cho Nguyên tử lực cuộc. Sau cùng là Lê Đồng, người có nhiều điểm đặc biệt có thể gọi là một tay "giang hồ quốc tế." Tôi chỉ chơi với anh ta có ít năm mà chứng kiến bao nhiêu cảnh "lên voi xuống chó" của đời anh. Lê Đồng có tướng lạ, với đôi lông mày "chổi xể" rất rậm, để râu, vẻ rất bụi đời. Anh chuyên hút thuốc lá Bastos xanh khét lẹt. Đồng quê ở Nha trang, con nhà khá giả. Anh học Yersin Đà lạt, sau khi đậu Tú tài Pháp được đi Canada học kỹ sư tại trường Bách khoa Montreal. Học được hơn ba năm thì anh gặp chuyện rắc rối về vấn đề tình cảm gì đó bị "tống" về nước. Lúc đó là giữa năm 1962, Lê Đồng về Sài gòn xin được vào năm thứ ba trường Điện cùng với tụi tôi. Đồng có cá tính mạnh, nhưng nóng nảy và liều lĩnh không thích hợp với kỷ luật học đường, nhất là trường Điện. Vì vậy cuối năm thứ ba anh bị loại, phải bỏ ngang. Cũng thời gian ấy anh ta ăn ở với một người đàn bà và có một đứa con trai, tôi tới nhà một lần thấy gia đình Đồng sống nheo nhóc trên một căn gác nhỏ trong xóm lao động, vợ ốm con đau mà Đồng lại thất nghiệp và không có tiền bạc chi cả, tôi thấy ngán quá bèn ... trốn luôn không dám trở lại nữa.

Bẵng đi một thời gian, tới năm 1964, khi một số bạn cùng khóa ra trường đi làm việc tại Khu Kỹ nghệ An hòa Nông sơn thì gặp Lê Đồng cũng đang làm việc tại đó. Anh ta vẫn phây phây như "không có việc gì xảy ra." *ít lâu sau Đồng may mắn được đề nghị cho đi tu nghiệp, nhưng rủi khi làm giấy tờ lòi ra tội ... trốn lính, thế là anh ta lại một lần nữa xuống dốc thê thảm, phải bỏ việc ở Nông sơn về Sài gòn. Tôi nghe tin cũng đành chép miệng cho rằng kỳ này chắc anh sẽ "hết thuốc chữa." Vậy mà chỉ ít lâu sau tôi ngạc nhiên thấy Lê Đồng áo quần bảnh bao lái xe hơi loại thể thao tới rủ tôi vào Chợ lớn ăn nhậu. Đồng cho biết đã lấy vợ, vợ anh còn rất trẻ, con nhà gia thế tại Sàigòn. Vì gia đình nhà vợ có quốc tịch Pháp nên anh cũng xoay xở được vào quốc tịch Pháp, đi đâu cũng mang thông hành ngoại kiều không lo gì chuyện lính tráng nữa. Cũng nhờ là dân Tây nên hai vợ chồng Đồng được cấp môn bài đại lý độc quyền bán la de nước ngọt tại một tỉnh miền Nam, kiếm ăn được. Vài năm sau hắn tới nhà tôi chào từ giã để ... "về" Pháp. Từ đó tôi mất dấu anh luôn. Không hiểu cuộc sống của Đồng bên Âu châu đã ổn định hay còn chìm nổi ra sao. Tuy nhiên nếu bây giờ có ai kể cho tôi nghe một chuyện lạ lùng nào đó về Lê Đồng tôi cũng sẽ không ngạc nhiên, vì kinh nghiệm cho tôi biết đối với một người như anh ta thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra được cả.

Về phần các giáo sư, vì học quá nhiều môn, học rồi thi liền liền hết môn nọ lại tới môn kia, các thầy thì bận bịu tới dạy hết giờ là phải đi ngay nên chúng tôi không có dịp tiếp xúc nhiều (ngoại trừ sau này ra đi làm gặp lại các thầy thì không kể). Tuy nhiên tôi cũng nhớ một số giáo sư với ít nhiều kỷ niệm.

Thầy Nguyễn Chánh hồi đó còn rất trẻ, dáng điệu thư sinh nho nhã. Tuy giữ chức vụ Giám đốc trường Cao đẳng Công chánh nhưng Thầy ăn mặc rất giản dị, áo sơ mi trần không thắt cravate. Người nào không biết chắc tưởng Thầy là sinh viên chứ không phải giáo sư. Thầy Chánh nổi danh học giỏi, xuất thân từ trường Bách khoa Paris. Thầy dạy Toán, môn Động lực học (Dynamique); vào lớp Thầy ăn nói nhỏ nhẹ nhưng rất hấp dẫn, tới khi thi cho mở sách tham khảo. Thầy Nguyễn Chánh dạy tới năm 1965 thì sang Pháp làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp. Tới khoảng đầu thập niên 70, nghe tin Thầy từ trần ai cũng tiếc. Sau này có lần nói chuyện điện thoại với Nguyễn Quốc Bảo, tôi được Bảo cho biết lúc Thầy mất hắn có ở đó. Bảo thuật lại là Thầy Chánh bị đau bao tử phải vào nhà thương giải phẫu, đến khi về nhà thì bị biến chứng xuất huyết nội không cứu kịp.

Trái ngược với Thầy Chánh, Thầy Nguyễn Khắc Nhẫn lúc nào cũng "cổ cồn cà vạt" đàng hoàng. Dáng Thầy bề ngoài rất nghiêm nghị nhưng bên trong rất tốt và luôn luôn để ý giúp đỡ tất cả mọi sinh viên. Thầy quan niệm là người kỹ sư phải "présentable", áo quần tươm tất, nói năng chững chạc, vì "ấn tượng đầu tiên khi gặp mặt rất quan trọng." Thầy dạy môn Thủy học (Hydraulique), Thầy phát sách giáo khoa cho mọi sinh viên rồi bắt chia phiên mỗi tên lên thuyết trình về một chương. Sinh viên lên nói phải thắt cravate đàng hoàng, "để cho quen sau này." Thầy Nhẫn rất giỏi về tổ chức, có thể nói Thầy đã đóng góp rất lớn vào việc thành lập và phát triển trường Cao đẳng Điện học trong những năm khởi đầu. Thầy cũng là người đặt ra việc tổ chức "Đêm Điện" hàng năm để giới thiệu các khóa Kỹ sư và Cán sự mới tốt nghiệp, biến thành một truyền thống rất tốt đẹp của trường Điện còn được giữ mãi về sau này.

Giáo sư Võ Thế Hào đối với tôi có nhiều "duyên nghiệp", tôi học Thầy từ lớp đệ tứ trường Trung học Trần Lục (năm 1955). Lúc đó giáo sư Hào còn trẻ măng, mới khoảng trên dưới hai mươi tuổi, đang còn là sinh viên ở Đại học Khoa học. Thầy Hào đi dạy học thường mặc quần ka ki xanh, áo sơ mi ngắn tay, đi xe đạp ghi đông chữ U, vào lớp yêu cầu học sinh gọi bằng anh thay vì bằng Thầy vì sợ "mắc cỡ." Một hai năm sau Thầy Hào nổi danh học giỏi vì chỉ trong ba năm đã lấy xong bằng Cử nhân Toán với hạng tối ưu. Sau đó giáo sư Hào đi Bỉ học Tiến sĩ Toán, làm luận án về một ngành rất mới thời đó là ngành Cơ học Lượng tử (Mécanique Quantique). Lúc khóa tôi lên năm thứ hai thì Thầy Hào mới ở Bỉ về, được Trung tâm mời dạy môn Toán. Sau đó Thầy Hào dần dần trở thành trụ cột của Ban giáo sư Trung tâm, rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Khoa học Căn bản (phụ trách chương trình học cho hai năm đầu bậc kỹ sư).

Thầy Cung Tất Cường người gầy, chân Thầy bị tật phải đi cà nhắc. Thầy rất hiền và tốt, dạy tụi tôi những bài học "vỡ lòng" về các loại đèn hai cực, ba cực, ... trong môn Điện tử. Tôi nhớ có lần chiếc xe gắn máy mới mua của tôi để ở sân trường bị một tên ăn cắp bẻ khóa tính lấy, Thầy Cường trông thấy vội hô hoán lên khiến tên này phải bỏ chạy, nhờ đó tôi hú vía giữ lại được chiếc xe.

Có những vị giáo sư tuy chỉ dạy ít giờ nhưng có đặc tính riêng khiến tôi nhớ mãi. Thầy Bùi Văn Lễ bên Hải quân qua,tóc cắt ngắn, mùa đông mặc quần soọc trắng, dạy môn Technologie. Thầy Nguyễn Văn Lân dạy môn Communications, vào lớp hút thuốc lá liên miên, trong túi lúc nào cũng có hai bao Ruby. Thầy Lân nói thao thao, có khi viết phương trình dài nguyên tấm bảng mà không cần sách vở; cuối năm thi oral Thầy rất hắc búa, tên nào lạng quạng là chém liền, không thương tiếc. Thầy Nguyễn Duy Thu Lương dạy làm projet về *éclairage, thường nói chuyện về khía cạnh thực tế của người kỹ sư. Thầy Lê Khắc Huề dạy môn Appareillages *électriques, chuyên để tay túi quần giảng bài. Thầy Phạm Minh Dưỡng dạy môn Optique, dùng cours học từ *école Centrale mang về, ngày thi Thầy ngồi trên bàn canh không cho tên nào "cọp dê." Thầy Võ Văn Nhung dạy bằng cách đưa ra từng vấn đề thảo luận. Thầy Hồ Tấn Phát dạy môn Centrale Thermique, xong phần nào là cho làm bài tập rồi thi lấy điểm liền, y hệt lối học của Mỹ.

Thầy Trương Thanh Xuân dạy hai môn, một môn lý thuyết Essaie des Machines, và một môn projet về transformateurs. Vào lớp Thầy nói tiếng Pháp vèo vèo, khi thi oral quay rất kỹ. Những khi ngập ngừng, Thầy hay dùng câu "Comment dirai je ...?" thành ra Thầy có biệt danh là "Monsieur Comment dirai je." Sau này tôi có dịp làm việc nhiều với Thầy Xuân, nhất là ở Hội Điện học, Thầy là Chủ tịch, tôi là Tổng Thư ký. Hội Điện học trong khoảng thời gian đó có nhiều sinh hoạt đáng kể như tổ chức các cuộc hội thảo về kỹ thuật, mở các lớp huấn luyện thợ điện cấp tốc cho cơ quan Điện lực Việt nam. Năm nào Hội cũng đảm nhiệm việc tổ chức "Đêm Điện" cho các anh em sinh viên tốt nghiệp. Hội Điện học còn lập ra Hợp tác xã gia cư, hội viên chung tiền mua bảy mẫu đất ở Xa lộ, cạnh Làng Báo chí, để làm cư xá. Hồi đầu năm 1975 đất đã mua xong được đổ thành nền cao và chia lô đàng hoàng thì mất nước, không biết sau này chính quyền cọng sản làm gì với khu đất này.

Nhắc tới các hoạt động của Hội Điện học, tôi cũng xin mở ngoặc nói về Hội Cựu Sinh viên trường Cao đẳng Điện học. Hồi mới ra trường tôi thường hay chạy lăng xăng nên được các anh em khóa trên kéo vào làm việc. Đầu tiên là anh Thơm, sau tới anh Thịnh và Khiết. Hồi anh Thơm là Chủ tịch Hội CSV/CĐĐH tôi có tham dự, sau đó khi anh Thịnh làm Chủ tịch tôi được phong làm Tổng Thư ký. Vì vậy sau này anh em thường gọi đùa tôi là "Tổng Thư ký các hội."

Một vị giáo sư dạy rất ít ở trường Điện nhưng sau này tôi lại có dịp gần gũi nhiều nhất, đó là giáo sư Mai Văn Lễ, dạy môn Kinh tế. Hồi khoảng năm 1964, tôi gặp giáo sư Lễ ở trường Luật, Thầy nhận ra học trò cũ nên kéo tôi cùng một số bạn bè về nhà ở Làng Đại học Thủ đức chơi. Từ đó tôi và một nhóm anh em bạn thường liên lạc bàn luận với giáo sư Lễ về các vấn đề thời sự nóng bỏng vào thời đó, nhiều khi "ăn dầm ở dề" nhà Thầy Lễ như người trong nhà. Thầy Lễ trong lớp dạy rất nghiêm, nhưng ra ngoài rất bình dân. Thầy chuyên lái chiếc xe 2CV con cóc chở tụi tôi đi khắp nơi. Sau 75, giáo sư Lễ kẹt lại bị đi học tập rất lâu mới được về. Mãi tới khoảng năm 1991 Thầy mới được sang Mỹ đoàn tụ gia đình.

Trong các anh em làm Phụ tá Phòng Thí nghiệm như anh Sanh, anh Ngọc, anh Lộc, sau này tôi thân với anh Lộc nhất. Anh Trần Quang Lộc hồi ở trong trường tôi thường gặp chạy hết đầu nọ tới đầu kia lo công việc. Lúc sau anh Lộc có nhà ở Làng Đại học Thủ đức, thỉnh thoảng kéo ông Xuân, Khiết, tôi, và một số bạn tới ăn nhậu. Anh Lộc rất chịu khó, có lúc vừa đi làm ở trường, vừa làm ăn bên ngoài mà vẫn học tiếp ra Kỹ sư Điện tử. Sau đó anh được bổ làm Giám đốc trường Trung đẳng, kéo tôi vào dạy ít giờ.

Về phần các nhân viên làm việc trong văn phòng trường, tôi còn nhớ Giám thị Triệu Liên Hoa, người mập, da đỏ, đeo kính; tên nào hay "cúp cua" là coi chừng Giám thị Hoa. ng Chung Quang Thắng người mập, đi xe Lambretta, thường đeo bao kính ở thắt lưng. Ông Nguyễn Thành Hứa người gầy gò, làm Tổng Thư ký trường. Bác Mai Mô làm gác dan, vợ mở quán bán nước và đồ ăn nhỏ phía sau cầu thang.

Trong các giờ học, đa số các môn kỹ thuật đều khô khan, nhưng đôi khi tụi tôi cũng có những giờ phút thoải mái. Hồi lên năm thứ ba, các giờ học với Thầy Hồ Văn Trượng rất vui. Thầy người thấp nhưng mập mạp, hay nói chuyện diễu mà dáng điệu cũng có một vẻ hài hướcđặc biệt. Hồi đó Thầy làm ở Bộ Công chánh, mới đi Mỹ tu nghiệp về nên kể cho chúng tôi nhiều chuyện ngộ nghĩnh bên Mỹ. Đối với sinh viên tụi tôi hồi đó, chuyện ngoại quốc chắc chắn là lạ và hấp dẫn rồi, lại được kể bằng ngôn ngữ dí dỏm của Thầy làm chúng tôi cười muốn bể bụng.

Học môn thực tập "Essaie des Machines" của Thầy Kha Tư Khải là tên nào cũng sợ vì môn này hệ số 6, vô phúc bị thiếu điểm là khó mà gỡ được. Vì vậy tới giờ thực tập tên nào cũng lo tới làm, không ai dám trốn. May là phụ tá cho Thầy Khải có bác Chu Hoành, được coi như "bố già" của mọi sinh viên vì lòng từ tâm vô bờ bến của bác. Bác biết rành rọt về tất cả các máy móc trong phòng, hết lòng chỉ dẫn cho sinh viên. Bác người cao to, lúc nào cũng vui tính và thỉnh thoảng kể chuyện giang hồ phương xa, thời gian bác làm việc trên các tàu buôn đi khắp năm châu bốn bể. Bác ăn mặc rất xuềnh xoàng giản dị, tuy con trai bác là giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn dạy ở Đại học Khoa học. Hồi tới dự họp mặt Thân hữu điện lực tại nhà thân hữu HGThụy ở Bắc Cali năm 1987, tôi được gặp lại bác Chu Hoành. Năm ấy bác đã già, chậm chạp hơn xưa rất nhiều nhưng tinh thần còn minh mẫn, kể chuyện khôi hài làm cả hội trường cười bể bụng. Đến lúc ban tổ chức định giới thiệu tuổi của bác là tám mươi hai thì bác cướp lời nói mới có ... hai mươi tám thôi!

Hết năm thứ ba, mùa hè năm 1963, chúng tôi được gửi đi thực tập một tháng. Nhiều bạn đi các tỉnh như Huế, Cần thơ, ... rất vui, vừa được học hỏi vừa được đi chơi xa. Riêng tôi tập sự ở nhà đèn Chợ quán, chỉ thấy nóng và mệt. Cuối hè năm đó có vụ biến động Phật giáo, trường đóng cửa cho tới sau đảo chánh 1/11/1963 mới khai giảng lại. Chương trình học năm thứ tư rất nặng, ngoài các môn học thường còn phải làm mấy dự án ra trường, thời gian lại ngắn, nên chúng tôi phải học mờ người mới thanh toán được chương trình. Sau bốn năm học, khóa 4 Kỹ sư điện tốt nghiệp vào ngày 15 tháng 5 năm 1964. Sau đó chúng tôi chia nhau mỗi người đi một ngả. Một số anh em ra miền Trung làm việc cho Khu Kỹ nghệ An hòa Nông sơn. Các anh quân nhân trở về Quân đội. Vĩnh Tiếu ở lại trường chờ ngày lên đường đi du học Hoa kỳ. Hiếu vào làm cho CEE. Một nhóm gồm Đạt, Long, Nhơn, Lượng, và tôi được tuyển vào làm ở cơ quan Điện lực Việt nam.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đến nay vừa tròn ba chục năm từ ngày rời mái trường Cao đẳng Điện học. Hồi mới ra trường, anh em chúng tôi đều nghĩ rằng mình có nghề nghiệp trong tay chắc sẽ có dịp phục vụ đất nước đang trên đà phát triển. Nào ngờ từ sau quốc nạn 1975, hầu hết anh em khóa 4 chúng tôi đều phải theo "vận nước nổi trôi" mà tản mạn đi khắp nơi trên thế giới.