Nhiều người nghĩ rằng chúng ta có một thân hữu hiếu khách nhất vùng Vịnh. Nếu ai hỏi tôi người đó là ai thì tôi có thể trả lời ngay mà không cần phải suy nghĩ. Khách, bạn, bà con lui tới tấp nập. Trong nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười. Giá như thân hữu sống vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, làm đến Tể tướng, thì trong nhà có lẽ cũng đông đảo tân khách như Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân. Khách của thân hữu từ Âu châu qua, từ miền Bắc xuống, Nam lên, Đông Nam, Đông Bắc qua, Canada xuống. Đông đảo nhất là khách bạn trong vùng. Họp mặt thường xuyên mỗi thứ bảy, chủ nhật, chuyện trò, ăn uống, xem phim, hát hò, văn nghệ, karaoke, ngâm vịnh, ... Căn nhà thơ mộng ở phía bắc vùng vịnh, trước nhà thì trúc mọc che lối vào, có hoa cỏ cắt xén cẩn thận. Nhưng vườn sau mới là nơi đáng nói nhất, mảnh vườn bằng phẳng nối lên một phần dốc đồi, trong đó, bàn tay công phu, trí óc mỹ thuật của gia chủ, đã khéo léo sắp đặt, bài trí cây cỏ, với triết lý Đông Tây hòa hợp. Phía trái của vườn, hoa cỏ, cây cối được xếp đặt ngay hàng thẳng lối theo vẻ đẹp tây phương, có giàn nho nối liền với lối đi trải gạch. Bên dưới giàn nho là những chiếc võng mắc ngang dọc, ở đây hai vợ chồng gia chủ thường nằm đọc sách, bàn chuyện cổ kim, nghe nhạc êm dịu, và khi gió hiu hiu thổi thì có thể chìm vào giấc ngủ mơ màng, giống như người xưa, rủ sạch chuyện trần gian, "lên non tìm động hoa vàng ngủ say."
Bạn là khách, một ngày nhàn rỗi đến đây, nằm duỗi người trên võng dưới giàn nho, có hoa nắng lăn tăn chiếu xuống trên nền cỏ xanh, nhìn lên trời, những quả táo, mận, nho rủ xuống, thì muốn nằm luôn, không về. Có thể tưởng tượng rằng khi bạn há miệng,trái cây rơi vào mồm. Mà không cần trái cây phải rơi, gia chủ đã dọn sẵn cho những trái nào chín nhất, ngon nhất, ngọt nhất, vừa nằm vừa nhai,tận thấm cái hương vị của trái chín cây, không phải nhàn nhạt đăng đắng như trái cây mua tại chợ, họ phải hái trái khi còn tươi, cứng, để chuyên chở cho khỏi dập nát. Những bụi hoa hồng đủ màu, đủ sắc, tỏa ngát hương thơm. Hoa đào hoa mận, cánh nhỏ lăn tăn, rơi theo gió, đậu lên áo, lên tóc.
Bên phải của vườn thiết trí theo cảnh trí đông phương,có lối đi vòng vèo, lát đá, có cây cỏ thứ tí hon, có non bộ, có tiên ông ngồi bên hốc đá, có mỹ nữ khép nép bên hoa. Khoảnh vườn này, khách khó tưởng tượng được công phu, trí óc của chủ nhân. Phải đổ bao công, bộn tiền, bộn thời gian, mới có được mảnh vườn thơ mộng. Có người đã gọi hai vợ chồng gia chủ là "Đào Hoa Đảo Chúa." Bởi khi đến mùa anh đào thì cả vườn nở rộ, hai ông bà trú ẩn vào khoảnh vườn, thưởng thức cái công trình do mình dựng nên. Nghe đâu hai ông bà còn ngâm vịnh, bàn chuyện thơ văn kim cổ sôi nổi lắm, có khi còn đánh cá nhau câu thơ của tác giả nào. Một thân hữu khác kể lại, có lần đang ngủ, giật mình nghe điện thoại reo, bên kia hai ông bà hỏi rằng câu thơ "Giết nhau chẳng cái lưu cầu, Giết nhau bằng cái ưu sầu, độc chưa!" là của Nguyễn Gia Thiều hay Đoàn Thị Điểm? Tình như hai ông bà thì có mấy ai bì kịp. Gia chủ phu nhân cũng là một cây đầy ắp văn chương thơ phú,biết đủ chuyện cổ kim, nếu có thua Vương Ngọc Yến thì cũng cỡ một chín một mười. Các thân hữu ít tu luyện chưởng lực, không biết Vương Ngọc Yến là ai, thì xin điện thoại hỏi ... "Thông biện tiên sinh" thì rõ.
Gia chủ làm công chức cho tiểu bang, công chức thì bất cứ xứ nào trên thế giới này cũng có đời sống tương đối nhàn nhã hơn, ít bị thúc hối, tinh thần thoải mái hơn, và tốt nhất là ít phải lo mất việc bất tử, cứ từ từ mà "phục vụ nhân dân" cho đến ngày hưu trí. Chỉ một điều hơi bất tiện, là đường từ nhà đến sở xa diệu vợi (thứ "đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn ..."), nhưng lo chi, mỗi sáng leo lên xe chung, nhắm mắt lại, ngủ thêm được một tiếng đồng hồ; buổi chiều, sau một ngày làm việc, cũng l D_i đánh thêm một tiếng nữa, về nhà thì đã khoẻ lại. Rồi ra vườn mà đào xới cho đến khuya, chăm sóc cây cỏ, đào gốc cây này, xê dịch cây kia, tưới nước cây nọ, hái một rổ trái chín đem biếu bạn bè. Cần chi phải mơ ước về đến Việt Nam, miền lục tỉnh, mới có một căn nhà vườn đầy cây trái, cần chi phải về đó mới có buổi trưa mắc võng nằm ngủ lơ mơ trong nắng hanh. ở đây, gia chủ có đủ cả.
Cái lòng hiếu khách thì hiếm ai bì nổi hai vợ chồng thân hữu này. Một lần, vợ chồng một thân hữu từ miền đông qua chơi, được tin, vợ chồng gia chủ liền kêu lại, tổ chức một đêm không ngủ, hàn huyên. Điều đáng nói ở đây là chiều thứ sáu, gia chủ còn phải đi làm, sở cách xa hơn sáu mươi dặm, về đến nhà, ướp thịt, quạt lò ngay, dọn dẹp sân sau. Có cô con gái giữa phụ giúp, cháu bé mười sáu tuổi, rất hăng hái phụ bố nhặt rau, làm nước mắm, đặt mâm, làm bàn, cháu phụ giúp bố với sự vui vẻ, trên môi luôn luôn giữ nụ cười. Khi một thân hữu đem ít thức ăn đến, cháu ân cần hỏi "Con có thể giúp bác được gì không?" Nghe vậy, thân hữu nọ lòng đầy cảm phục vợ chồng gia chủ khéo dạy dỗ con, để có các cháu ngoan ngoản, biết sống với cái hạnh phúc ấm cúng trong khuôn phép gia đình.
Trong lúc bạn bè ngồi sau vườn lai rai vài ly, ngắm cảnh nói chuyện, thì cháu bé đã dọn sẵn bàn, khăn, đĩa, chén. Đến hơn tám giờ tối gia chủ phu nhân mới từ sở về. Dù sau một ngày làm việc mệt nhọc, di chuyển xa, mà chị vẫn tươi cười, nói chuyện tiếu lâm. Rồi chị bắt tay vào bếp ngay, chẳng có nghỉ ngơi gì hết, vừa làm vừa nói chuyện vui như pháo nổ. Một ông bạn kề tai tôi nói nhỏ " Cái ông chủ nhà này cưới được vợ Bắc kỳ hiền thục thứ thiệt, sướng thật cái ông ấy!" Nội tướng loay hoay một hồi thì trên bàn đã đầy cả thức ăn có màu sắc đẹp đẽ, ngon lành, bạn bè cũng đã quá đói, đua nhau thưởng thức và khen ngợi. Tất cả các món đều ngon, nhưng đặc biệt nhất là món chè khoai môn. Nấu chè có bí quyết nhà nghề, không phải ai cũng nấu ngon như vậy được. Bữa ăn vừa vui, vừa ngon, kéo dài bàn cãi đủ thứ chuyện. Ăn xong, trong lúc các chị rửa chén bát thì cháu gái út mười một tuổi đứng bên cạnh, lau từng cái bát một sắp vào tủ, có người dành việc của cháu, cháu không chịu, bảo là cháu thích được làm, đuợc phụ giúp mẹ. Dọn dẹp xong, theo lời yêu cầu của các bác, cháu út ngồi vào dương cầm, đánh đàn cho các bác nghe, tiếng đàn chững chạc, du dương. Mấy bác đều khen cháu đàn hay, học giỏi, nết na, việc nhà chăm chỉ, nói tiếng Việt giỏi như chưa bao giờ ra khỏi nước Việt. Ăn hết món này đến món khác, ăn không ngớt, uống đủ thứ, rượu ngọt, rượu cay, trà Bảo Lộc, trà Tàu. Câu chuyện kéo dài từ thời VN, thời anh em còn ở Điện lực, thời ở đảo tị nạn, tin tức bạn bè, kẻ sống người chết, tin tức về hiện tình VN. Đêm ngả về khuya, ngồi mãi cũng đã mỏi, gia chủ chiếu video VN cho bạn bè xem, người dựa ngửa, kẻ nằm dài, trong không khí thân mật. Xem phim, có người chăm chú, có người mơ màng đôi mắt và chợp đi một lúc. Cuối cuốn phim thì có khoảng một phần ba đã ngáy lớn. Định làm đêm không ngủ đến sáng mà nhiều người không chịu nổi, gia chủ mời khách vào phòng, có người chỉ đòi ngủ ở ghế dài phòng khách.
Thế mà sáng hôm sau, khách chưa dậy, vợ chồng gia chủ đã lục tục dọn ăn sáng. Món bún riêu cay ăn với rau sống dòn ngọt. Sáng chủ nhật, cháu gái lớn đi học xa về thăm, đem theo một hộp bánh ngọt cho bố mẹ và các em. Cháu theo học ngành công chánh, tốt nghiệp vào cuối năm 93. Hai cháu gái tự pha cà phê, ngồi vào bàn và ngỏ lời xin "Thưa Ba Mẹ, cho phép chúng con ăn bánh trước!" Một anh bạn ghé tai tôi nói thầm "ông bà này dạy con ngoan quá, ở Mỹ mà vẫn giữ gìn phép tắc đàng hoàng!" Một lúc sau, họp đông đủ khách, thì lại bắt đầu những cuộc bàn cãi với đề tài mới. Có thêm vài gia đình bạn thân ở gần đến góp mặt. Phu nhân gia chủ vừa nói chuyện, vừa vuốt tóc vuốt má cô con gái lớn, cô đi học xa một hai tuần mới về thăm một lần, mẹ con âu yếm dịu dàng, hai mái đầu kề sát nhau, làm lan tỏa cái hạnh phúc êm ấm cho cả những người chung quanh. Chủ nhà còn đề nghị tất cả bạn bè ở lại chơi cho đến chiều tối. Nói về họp bạn bè thì thân hữu này vô địch, không ai bằng, có nhiều khi một ngày đi hai ba nơi, tối về còn đi ăn cưới, rồi khuya còn làm một màn đêm không ngủ, hát karaoke. Thế mà cũng còn thì giờ chăm sóc vườn tược, và dạy dỗ con cái.
Hai vợ chồng gia chủ là rất tương đắc,cả hai đều hiếu khách, khi nào cũng sẵn sàng đón tiếp bạn bè một cách vui vẻ chân thành. Đặc biệt một điều là hai vợ chồng không bao giờ ghét bỏ ai lâu, dù cho có những người làm họ mất lòng nhiều lần, nhưng không bao giờ vì vậy mà họ bỏ mất các bạn đó. Rồi thì lại vui vẻ, vồn vã, cho nên cũng chẳng có ai buồn giận được họ. Mà thật ra thì họ cũng không làm điều gì cho ai buồn. Có được những người bạn như vợ chồng gia chủ này thì cái nỗi cô đơn lạnh lẽo của những cuộc sống tha hương vơi được rất nhiều.
Hóa Bướm Thành Tiên
Trong thế gian này thiên hạ miệt mài chạy đuổi theo tìm hạnh phúc, nhưng đã có mấy ai tìm được? Người ta có thể làm ra rất nhiều tiền bạc, tưởng rằng có tiền là mua được hạnh phúc. Người ta tạo được danh vọng bề thế, tưởng có danh vọng thì có được hạnh phúc. Nhưng không! Tiền tài chỉ mua được phương tiện vật chất, danh vọng chỉ thỏa mãn được chút lòng tự áÙi, tự mến mộ mình. Mà hạnh phúc đích thực thì chẳng tìm thấy đâu. Rất nhiều người biết rằng hạnh phúc rất gần gũi, có thể với tay ra là nắm được, hạnh phúc là cái gì rất thực tế, thực tế hơn cả những cái bình thường nhất trong đời sống. Nhưng biết rõ như vậy mà vẫn không nắm được. Bởi vì không có căn duyên, để ngộ! Thế mà trong đám thân hữu chúng ta, đã có người đạt được cái đạo, đã ngộ, đã tìm được hạnh phúc trong cái triết lý rất đơn sơ của cuộc sống. Anh em gọi là Cậu Năm. Cậu Năm đã đi sâu vào cái triết lý của tiêu dao, sống một cuộc đời phóng dật tự tại, hạnh phúc, rong chơi tháng ngày, xem thời gian như mây trôi, coi tiền tài danh vọng như nước chảy dưới chân cầu. Có người bảo rằng Cậu Năm là kẻ giàu nhất trên đời, bởi vì thế gian có bốn kho hạnh phúc, thì cậu ôm hết một, còn cả ba kho thì phân phát cho thiên hạ tiêu chung.
Cứ nhìn thiên hạ quay cuồng trong kiếp sống, mỗi sáng hấp tấp lái xe chạy ào ào trên xa lộ, lách qua lách về, đổi dòng, chạy sao cho đến sở kịp giờ, để khỏi bị trễ. Vào sở, bù đầu với công việc, đối phó với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp, làm sao cho vui lòng, thỏa mãn mọi người. Thế mà họ đâu được yên thân, người này gây rắc rối, người khác trách móc. Lo lắng và muộn phiền tiếp nối và tiếp nối không ngừng. Mỗi ngày, buổi trưa hấp tấp ăn vài ba miếng, uống ly cà phê, rồi lại chúi đầu vào công việc. Chưa kể những rắc rối từ công việc đưa lại, chưa kể những khi thấy công việc sở giảm xuống, cái nồi cơm lung lay, c Cý thể bị nghỉ việc bất tử, phải chạy vắt giò lên cổ để tìm việc mới cho căn nhà khỏi bị ngân hàng tịch thu. Rồi những đầu tư vào nhà đất, đầu tư vào cổ phần, giá lên xuống mỗi ngày, trái tim đập theo nhịp lo của thị trường chứng khoán. Rồi còn việc học hành của lũ trẻ, đứa học không qua được điểm D, đứa thì ham chơi đi theo bè bạn, không biết có xì ke ma túy chi đây, đứa đi chơi khuya về trễ, không khéo mang cái bụng ỏng thì thật là vô vàn rắc rối.
Thiên hạ mặc sức mà lo, không có cái lo này thì tự mang cái lo khác vào người. Cứ vận, vận vào mãi mãi. Cởi được mối lo này thì tự quàng mối lo khác vào người. Phần Cậu Năm, Cậu mặc thiên hạ. Cậu thong dong trên con đường đời. Mỗi buổi sáng nằm nướng trên giường, vặn nhạc chọn lọc nhè nhẹ, để thả nổi tâm hồn bồng bềnh trong tiếng véo von du dương, nửa thức nửa ngủ, trời đất lâng lâng trong âm điệu. Đồng thời bật điện cho nồi cà phê tự động làm một ly đặc biệt, thứ cà phê thơm nhất, ngon nhất, mùi thơm lan tỏa khắp căn phòng nhỏ. Rồi thức dậy, trong tiếng chim ca líu lo buổi sáng, đọc một đoạn sách, từ từ nhâm nhi cà phê, thưởng thức câu văn của người xưa, người nay. Rồi thong thả ra vườn, đi một vòng, tưới vài khóm hoa, ngắt vài cành héo. Nắng đã lên vàng. Lấy xe đi lên phố, nhìn thiên hạ hấp tấp xôn xao đuổi theo đời sống. Cậu vào thư viện, tìm vài cuốn sách hay, xem vài hình ảnh đẹp, đọc vài đoạn, cười một mình, rồi thong thả quay về. Mặt trời đã đứng bóng, làm một tô mì, hoặc tô phở, có chút nước cho trơn cổ trong buổi trưa. Nằm xem TV và ngủ một giấc cho đến chiều, giấc ngủ ngon lành trong tiếng nhạc ru. Khi thức dậy, ra vườn nằm dài trên võng đọc sách, nghe tiếng chim ca trên cành cao. Đọc sách mỏi mắt thì ngắm hoa. Những ngày chủ nhật thì theo dõi những trận banh thần sầu, những đường banh tuyệt vời, những pha đấu trí ngoạn mục của các đội banh danh tiếng. Cậu nhớ tên và biết mặt đủ các cầu thủ, từ những cầu thủ dở nhất, cho đến những cầu thủ danh tiếng của các đội football, của các đội basket ball, anh nào vào nghề năm nào, anh nào được xếp hạng nào, anh nào thuyên chuyển từ đội banh nào tới. Chỉ cần thấy cái dáng dấp nhỏ xíu chạy đàng xa là Cậu đã nhận ra tên tuổi của cầu thủ mà không cần nhìn rõ mặt.
Đôi lúc Cậu hẹn vài người bạn đi câu, ngồi ngắm trời nước trong gió mát hiu hiu ngày hè, thỉnh thoảng giật câu kéo con cá vùng vẫy, cùng bạn bè đem về làm một bữa nhậu trong buổi chiều. Uống vài ly rượu sa-kê, rượu Mễ Khalúa. Có khi đã chín mười giờ đêm, Cậu xách túi giang hồ ra đi cùng với một nhóm bạn bè, lái xe lên đầu nguồn một con sông, hạ một trại nhỏ, đốt lửa nướng khô mực, nướng nghêu sò, nhắm rượu, thả câu, và vui vẻ kể chuyện đất trời, và ngồi run trong khí lạnh của sương đêm. Có khi thức câu cho đến sáng, nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ của bạn bè. Có lúc vui chân vòng ra chợ trời, đi một vòng xem có gì lạ, thỉnh về. Có những món hàng quý nhưng người bán không biết giá trị. Có những món đồ cổ xưa, ngộ nghĩnh, mua về chưng bày trong nhà. Đem tặng bạn bè. Rành những giá trị của những đồ cổ khắp Âu Á, có khi cậu còn cố vấn cho những người đứng bán chợ trời, làm sao cho có thật nhiều tiền, làm sao bán hàng cho mau hết. Có lần, cậu thấy cái ông bán chợ trời, đồ chất đầy xe từ tuần này qua tuần khác, không khách hàng nào chiếu cố. Cậu hỏi "Này ông bạn, ông muốn có thật nhiều tiền không? Có muốn bán cho mau hết hàng không? Tôi chỉ cách cho!" Và Cậu Năm cố vấn cho ông ta, bán thật rẻ, mỗi món một đồng. Và thiên hạ ùn ùn chen nhau đến mua hàng, ông bạn chợ trời thu tiền không kịp, túi căng phồng tiền giấy, khi có ai trả giá món gì, ông đưa mắt nhìn Cậu Năm xin ý kiến, nếu cậu gật đầu thì ông OK bán ngay.
Cậu Năm còn thu thập được rất nhiều cổ vật, đại khái như sao bản "Cửu Âm Chân Kinh", bản "Lăng Ba Vi Bộ", cái văn bản mà anh chàng si tình Đoàn Dự đã đọc được trong hang động, dưới chân tượng mỹ nhân. Có cái quý nhất là bộ đồ hình "Thập Bát La Hán", mà chỉ có những bạn quý mới được chiêm ngưỡng các thế võ công lợi hại, thế công, thế thủ, thế đê mê, ... Cậu Năm còn được bạn bè đặt cho ngoại hiệu là "Thông Biện Tiên Sinh." Thông Biện Tiên Sinh là một cao thủ thuộc phái Tiêu Dao, lấy cái vui thích làm mục tiêu cho sinh hoạt cuộc đời. Ham đàn địch, ham chu du, ham đọc sách, ham nghiên cứu, ham võ thuật, ham đánh cờ, ham nghề thuốc, ham thiên nhiên, thảo mộc, sinh vật, động vật, không có cái gì mà không thích tìm hiểu, không phải tìm hiểu để đem lại lợi lộc, tìm hiểu cho vui, cho thỏa mãn cái tính tò mò. Vui là mục đích chính. Không có gì là quan trọng, không có gì cần phải "nghiêm túc."
Cậu Năm cũng thuộc loại thông thiên bác cổ, thông suốt các việc trong trời đất, từ động vật, nhân sinh, thực vật, tĩnh vật, trái đất, cung trăng, bầu trời, thiên thể. Có thể biết hai con đại thử âu yếm nhau như thế nào, có thể biết con voi cấn cái nặng nề như vậy, bằng cách nào mà làm được cái việc truyền giống! Giống như Khổng Minh nằm trong lều cỏ mà rành việc thiên hạ. Cậu không cần phải đi khắp cả năm châu bốn bể mà biết được việc, thấy được sinh hoạt cả năm châu rõ ràng, minh bạch. Từ một góc xó rừng thẳm xa xôi tận chân núi Hy Mã Lạp Sơn, đến những nơi văn minh đô hội của một thành phố ánh sáng Âu, Mỹ châu, cậu đều biết rõ sinh hoạt, phong tục, tập quán của dân chúng, những đặc điểm của từng vùng. Không những thế, cậu còn biết đến những chuyện nằm sâu dưới đáy biển mịt mùng, những loại thủy tộc sống ngàn năm, những chiếc tàu vùi sâu từ thời cổ đại, những vùng Bắc Nam cực tuyết đõông bao phủ quanh năm. Và rành rẽ luôn cả lịch sử cận đại, những biến chuyển chung quanh xứ VN trong vòng mấy chục năm qua, những bí ẩn của cuộc thất trận miền Nam. Hồi ký của các quốc trưởng, tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ, của ngoại quốc cũng như Việt Nam, đều được cậu đọc kỹ, rành rẽ.
Không phải Cậu Năm biết để hơn ai, để mưu đồ chuyện gì, mà biết chỉ để thỏa mãn riêng mình, cậu không cần hơn ai, mà ai tranh hơn thua cậu cũng không màng. Trong truyện chưởng, có nhân vật Độc Cô Cầu Bại, chỉ cầu sao có người đánh bại đường kiếm của mình. Người ta khâm phục, cho là một nhân vật siêu thoát mong có người đánh bại được mình. Nhưng còn chưa bằng Cậu Năm, Cậu không cầu thắng cũng không cầu bại, còn cao hơn ông kia đến mấy bực. Thắng mà chi, bại mà chi, lẽ hư không của cuộc đời không nằm trong cái thắng bại, mà nằm trong cái vui chân thật của trái tim. Thời sống với tụi "Bác Đảng", chúng nó mở miệng ra là nói đến vinh quang, cái tụi thèm khát điên khùng vinh quang thật đáng xấu hổ. Vinh quang là cái khỉ khô gì, trong khi trong lòng đầy sợ hãi, sợ khủng bố, sợ lao tù, và khi nào cũng "ngoan" như con vẹt.
Chỉ cần một cú điện thoại là Cậu Năm xách túi giang hồ ra đi, đố ai biết cậu đi đâu, và đố ai biết bao giờ cậu quay bước chân về. Có thể đoán cậu đến những nơi có vui vẻ, có tiếng cười, có thoải mái, có mọi người vui thích. Cũng có khi cậu dẫn bạn bè từ miền xa về đi Reno, Las Vegas. Đến đó, cậu cũng biết tham dự những cuộc vui đen đỏ, nhưng cậu không bao giờ để cạn túi, thua đậm, và biết dừng lại khi đã vớt được của sòng bài một số nào đó, không để bị thua lui. Biết đường tấn thoái, biết tỉnh táo trong cuộc đỏ đen thì ít khi thua trận. Nếu có bạn nào từ xa đến, ham những thú vui ngắm nhìn những đường cong thân thể, ưa nhìn những thứ thiên hạ hay che đậy, thì Cậu Năm dẫn đi biển, dưới chân cầu G.G. Trong những ngày nắng ấm không lạnh, thì có cả sáu bảy trăm cái thân thể tòng ngòng, mười lăm mười sáu cũng đông, mà bốn năm mươi cũng nhiều, giống đực, giống cái, không "giống" (cái không ra cái, đực không ra đực). Thiên hạ thản nhiên nằm duỗi thẳng tay chân tô hố, không e thẹn, phô trương cái thường hay che đậy. Theo lời Cậu thì đó cũng là một lối trở về với thiên nhiên, con người trong lúc đó không có một chút tà ý nào, không còn chút ham muốn vật dục nào, mà nhìn với tâm hồn thanh thản. Người xưa có nói "Nhân sinh quí thích chi!" Cậu Năm đã đạt được cái đạo nhàn nhã của trời đất. Không phải bỗng dưng mà ngộ được đạo. Phải có cái duyên thật lớn, và có cái tâm thật tịnh, mới theo được cái triết lý huyền diệu để ... hóa bướm thành tiên.
Mai Hồng Ngọc (Cali 93)