Tôi đã trở lại Á châu!
Trước tôi bao nhiêu đồng bào đã vượt biên, sau tôi bao nhiêu kẻ khác cũng đã theo chân những người đi trước. Nhưng từ mấy năm nay, một số đông đồng bào đã trở về thăm quê hương, ăn Tết với gia đình. Riêng tôi, tôi đã đi Bắc kinh, xem Vạn lý Trường thành, Công trường Thiên an môn, Hoàng cung và Lăng tẩm các Hoàng đế nhà Minh. Trên đường về miền Nam tôi đã vượt qua sông Hoàng hà, viếng Tây an, một kinh đô lâu đời nhất của Trung quốc, đến Quế lâm thuộc tỉnh Quảng tây, đi du thuyền trên sông Li và quay về Thượng hải ...
Nhớ lại hôm lễ Giáng sinh 1993, anh Ph. có gửi cho tôi một thiệp chúc Giáng sinh, với lời lẽ như sau : "Đọc bài hồi ký của anh, tôi cứ tưởng như là mình đi thiệt. Bây giờ trở đi, anh cứ đi chơi cho đã, xong nhờ anh viết bài cho tụi tui đọc cho đỡ ghiền và đỡ ... tiền luôn nghe!" Đáp lời anh Ph., tôi xin "đi chơi" cho biết đó biết đây, và xin "viết bài" cho anh Ph. và các bạn đọc. Nếu bài viết không vừa ý các bạn thì cũng xin các bạn thông cảm. Phương chi, từ trước tới nay tôi chỉ viết ký sự về các chuyến hành hương công giáo, nay bước sang một địa hạt thuần túy du lịch, không biết tôi có thể làm hết trách nhiệm trong 13 ngày du lịch ngắn ngủi không? Dù vậy, tôi cũng xin làm hết khả năng mình, kể như góp một phần công sức cho bản tin THĐL. Bắc Kinh (Beijing)
Chiều ngày 15 tháng 4, 94, tôi đáp phi cơ của hãng Hàng không Hoa kỳ (American Airlines) tại phi trường National, Washington, DC, để đi phi trường quốc tế JFK, New York. Chiều hôm đó trời trở lạnh, nhiệt độ là 59 độ F. Đối với những kẻ tha hương như chúng ta, đã từng ở những nơi lạnh lẽo, chúng ta có thể cho đó là nhiệt độ lý tưởng để đi du lịch. Một giờ 15 phút sau tôi đến New York, đổi qua hãng Hàng không Trung quốc (Air China). Phi cơ 747 của hãng Air China cất cánh vào hồi gần nửa đêm hôm đó, qua lộ trình New York- Anchorage- Shanghai- Beijing. Đêm hôm đó trời rất tốt, khách trong phi cơ không bị dằn vật, trải qua 7 giờ từ New York đến Anchorage, Alaska, 9 giờ từ Anchorage đến Thượng hải, và 1 giờ rưỡi từ Thượng hải đến Bắc kinh. Chúng tôi nạp phiếu "sức khỏe" và phiếu "nhập nội" tại phi trường Thượng hải, vì Thượng hải là cảng vào đất Trung quốc; từ đó trở đi không ai bị hỏi giấy tờ cho đến lúc trở về. Sau 2 giờ chờ đợi tại Thượng hải, chúng tôi lên đường đi Bắc kinh và đến nơi ngày 17 tháng 4, lúc 9 giờ sáng, giờ địa phương. Nhiệt độ vào khoảng 15 độ C. Trung quốc sử dụng hệ thống thập phân, nên mình phải tự đổi ra nhiệt độ F. Toàn thể các tỉnh Trung quốc sử dụng chung một múi giờ, mặc dù Trung quốc trải rộng từ kinh tuyến 135 đến kinh tuyến 80 Đông.
Cô hướng dẫn viên đã đợi chúng tôi tại phi trường Bắc kinh. Cô cho biết sáng hôm nay chỉ có 2 người đến, 4 người khác sẽ đến khuya hôm nay và người thứ bảy sẽ đến trong tuần tới, trước khi chúng tôi rời Bắc kinh đi Tây an. Hèn chi trong suốt cuộc hành trình tôi chỉ gặp có một đồng hành mà thôi! Sáng hôm nay trời có gió nên nhiều cánh hoa rụng bay khắp không gian và rơi xuống từng hạt li ti, chúng tôi cứ ngỡ là trời có tuyết. Nhưng không hẳn thế! Thảo cầm viên Bắc kinh là nơi thăm viếng đầu tiên. Mấy con gấu Panda lười biếng, nằm trong hang hay trên các phiến đá, trông như chết. Ăn trưa xong, chúng tôi được đưa về khách sạn Yanshan, một khách sạn 4 sao ở ngoại ô Bắc kinh. Chúng tôi ngủ một giấc đến chiều trước khi đi ăn tối. Bữa ăn tối gồm cả chục món ăn thì làm sao ăn cho hết. Chúng tôi lại trở về khách sạn, đổi tiền, mua vài vật kỷ niệm, và hẹn gặp nhau sáng hôm sau tại phòng ăn điểm tâm khách sạn. Bốn người nữa đã đến Bắc kinh đêm hôm trước. Chúng tôi nhập bọn thành một nhóm sáu người : hai người từ tiểu bang Arizona, hai người từ Kansas, một người từ Rhode Island và tôi từ Virginia.
Từ thế kỷ thứ XI BC, đơn vị định cư đầu tiên trong vùng Bắc kinh mang tên là "Ji." Cũng là kinh đô nước Yên (723-221 BC) trước khi bị Tần Thủy Hoàng tàn phá. Dưới đời nhà Đường (618-907 AD), một thị trấn nhỏ lấy tên là Yu Chou được mở rộng, nhưng cũng bị nhà Liao tàn phá năm 986. Một thành phố được thiết lập sau đó trên di tích cũ để làm kinh đô thứ hai nhà Liao, tên gọi là Nan Jing, hay "Nam thủ đô", để phân biệt với "Bắc thủ đô" của họ Mãn Châu. Đến thế kỷ thứ XI AD, thành phố được đổi tên lại là Yen Jing. Năm 1135, nhà Liao bị nhà Kim (Jin) lật đổ. Thành phố Yen Jing lại được đổi tên là Chung Du. Năm 1264, quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Kubilai Khan diệt nhà Kim, xây cất một thành phố mới, phía bắc di tích cũ và gọi là Da Du, hay "Đại thủ đô." Năm 1368, nhà Minh lật đổ nhà Nguyên, đặt tên mới cho thành phố là Bei Ping, hay "Bắc Bình an", để phân biệt với kinh đô mới của họ tại Nam kinh (Nanjing). Năm 1403, Hoàng đế thứ ba đời nhà Minh là Yong Le thiên đô về phía bắc, xây cất lại thành trì và đặt tên là Bắc kinh. Khi quân đội Mãn Châu lật đổ nhà Minh, Bắc kinh được giữ làm thủ đô cho đến năm 1911.
"Cọng Hòa Dân Quốc Trung Hoa" (Republic of China) lên nắm chính quyền, thiên đô về Nam kinh nhưng trở lại Bắc kinh vài tháng sau đó. Năm 1928, Cộng hòa Dân quốc Trung hoa lại thiên đô về Nam kinh, Bắc kinh được đổi tên lại là Bei Ping. Beijing chỉ mất thế đứng trong 2 thập niên để trở thành thủ đô lần chót khi cộng sản chiếm Beijing tháng giêng năm 1949, thành lập chính thể "Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc" (People's Republic of China). Bắc kinh cũng được tuyên xưng là thủ đô của cả nước. Bắc kinh là trung tâm chánh trị, ngoại giao, văn hóa, ... của Trung quốc. Hiện nay Bắc kinh có trên 70 đại học, trên 500 cơ sở khoa học và kỹ thuật, trên 140 tòa đại sứ ngoại quốc, văn phòng Liên hiệp quốc và trên 70 tân cơ quan ngoại giao khác. Bắc kinh còn là trung tâm liên lạc quốc tế. Từ ga xe hỏa Bắc kinh, ta có thể đi đến các tỉnh lỵ Trung quốc, trừ Tây tạng, Đài loan, và Hải nam. Phi trường quốc tế Bắc kinh là nơi tập trung trên 40 đường bay quốc nội và 20 đường bay quốc tế, thỏa mãn nhu cầu dịch vụ cho khách du lịch đến các thành phố khác trong nước hay các thành phố ngoại quốc. Trên 150 khách sạn có tầm vóc quốc tế đủ thỏa mãn nhu cầu ăn ở cho khách du lịch, cùng với hằng hà sa số xe tắc xi và hệ thống xe buýt nới rộng trên mọi hướng đi tại thủ đô.
Thủ đô Bắc kinh có một diện tích khoảng 16.800 kilomét vuông, dân số trên 10 triệu người, gồm 19 quận hoặc thị xã. Bắc kinh không lạnh lắm về mùa đông, cũng không nóng lắm về mùa hè. Mùa xuân và mùa thu là những tháng dễ chịu nhất. Tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ thấp nhất vào khoảng -22,8 độ C; tháng nóng nhất là tháng 7, nhiệt độ cao nhất vào khoảng 39,6 độ C. Các du khách đến Bắc kinh đều ngỡ ngàng trước sự kiện Bắc kinh không còn giữ những di tích lịch sử của các thời đại trước. Các thủ đô lớn trên thế giới, mặc dầu được thành lập nhiều thế kỷ sau Bắc kinh, vẫn còn giữ những di tích vĩ đại, phản ảnh sự huy hoàng của quá khứ. Tại Trung quốc, qua các cuộc chiến tranh tàn khốc trong nhiều thế kỷ, các di tích lịch sử hầu hết bị tàn phá, cướp đoạt, thiêu hủy không biết bao nhiêu lần! Kết quả: những đền đài, cung điện nguy nga còn sót lại là những di tích từ các đời Hoàng đế gần đây!
Hoàng Cung - Cấm Thành The Imperial Palace - The Forbidden City)
Hoàng cung của 24 triều đại Hoàng đế nhà Minh và nhà Mãn Thanh, còn gọi là Cấm thành, rộng nhất và được bảo trì kỹ lưỡng nhất trong số những lâu đài cung điện vĩ đại nhất của Trung quốc. Xây cất vào năm thứ tư của triều đại Yong Le (1407), các cung điện có một lịch sử trên 580 năm, 9.000 phòng ốc, diện tích khoảng 250 acres, tức 101 mẫu tây (hecta). Công tác xây cất kéo dài trong 14 năm, bắt đầu từ năm 1407. Hàng trăm ngàn người được sử dụng để thực hiện dự án. Vật liệu xây cất, đá và gỗ, được chở đến Bắc kinh từ các tỉnh của Trung quốc. Cung điện có tường thành bao quanh, dài 3 km, cao 10 m, có hào sâu rộng 52 m. Bốn tháp canh đặt ở bốn góc tường thành, trông như một thành trì vĩ đại. Toàn thể cung điện được chia làm 2 phần : phần ngoài và phần trong. Phần ngoài gồm 3 cung điện, tại đó Hoàng đế nhà Minh và nhà Mãn Thanh chủ trì các lễ quốc gia. Phần trong gồm có 3 cung điện và một hoa viên. Cung điện chính của phần ngoài (Taihedian) có ngai vàng, trung tâm quyền lực của Trung quốc thời bấy giờ. Chung quanh ngai vàng là một mê cung với những hành lang dính liền với các cung điện khác, hoặc công trường của Cấm thành, chung quanh có tường cao vây bọc và hào sâu ngăn cách. Bên ngoài có các cơ quan của cung đình và điện miếu của Cấm thành. Nhiều cung điện xưa là của các hàng quý tộc nay là cơ quan của chánh phủ, trường học, hoặc văn phòng các bộ. Bệnh viện trung ương xưa là cung điện của hoàng tộc họ "Yu."
Hai mươi bốn Hoàng đế của hai triều Minh và Mãn Thanh điều khiển quốc gia từ Cấm thành. Các Hoàng đế được xem như các vị "Thiên tử." Từ ngai vàng, thánh chỉ được truyền đi khắp nước và thi hành một cách triệt để. Kháng cự chỉ tìm lấy cái chết mà thôi! Uy quyền tối cao của đấng trị vì thiên hạ được thể hiện qua một thánh chỉ triệt để cấm không cho xây cất nhà cửa cao hơn tường Cấm thành. Sau khi Hoàng đế cuối cùng nhà Mãn Thanh bị lật đổ, những cao ốc đã thấy xuất hiện trong và chung quanh Bắc kinh. Cấm thành nay là một "Điện Bảo Tàng"(Palace Museum) vĩ đại về quý vật bằng đồng đen, đồ sứ, tranh vẽ, ngọc bích và ngựa bay, nếu các kho tàng nầy không mang ra khỏi Trung quốc để triển lãm.
Công Trường Thiên An Môn (The Tiananmen Square)
Công trường Thiên an môn là trung tâm của Bắc kinh, diện tích khoảng 123 acres, tức 50 mẫu tây, là Công trường lớn nhất thế giới. Công trường Thiên an môn nguyên là công trường của Hoàng cung trước mặt Cấm thành. Bắc của Công trường là cổng Thiên an môn, cổng chánh của Cấm thành, tại đó các thánh chỉ quan trọng của nhà vua xưa kia được ban hành. Trên cổng Thiên an môn là một tháp cao, trông rất lộng lẫy, với một chiếc cầu bằng đá cẩm thạch trắng bắc ngang qua hào, những cột trụ bằng đá chạm trổ tinh vi. Cổng Thiên an môn có liên hệ mật thiết với những biến cố lịch sử của đất nước như ngày 4 tháng 5 Phong trào yêu nước, và ngày lễ lập quốc của tân Trung quốc. Đây là nơi duy nhất còn phô bày hình ảnh nhà lập quốc Mao Trạch Đông (Mao Zedong), ở bên ngoài.
Sau cuộc cách mạng chấm dứt năm 1949, Công trường Thiên an môn là nơi tập trung các tổ chức quần chúng và cũng là nơi các lãnh tụ duyệt binh trong các ngày lễ lớn quốc gia. Cũng tại nơi đây, tháng 5 năm 1989, hàng ngàn dân chúng Trung quốc đã biểu tình để đòi quyền tự do trên phương diện chánh trị và nhiều hình thức dân chủ khác. Cũng tại nơi đây, ngày 4 tháng 6 năm ấy, quân đội đã dùng xe tăng đàn áp các cuọc biếu tình và gây ra hàng trăm thương vong. Đại lộ chính là Đại lộ Chang An (Chang An Jie), chạy suốt từ Đông sang Tây, qua khỏi Công trường, song song với tường cổ của Hoàng cung. Hai bên đại lộ, nhiều lâu đài tráng lệ được xây cất, cho thấy không còn vết gì của thủ đô xưa. Tuy nhiên giữa một hay hai khu phố, ta còn thấy những ngôi nhà xám nhỏ, những xưởng kỹ nghệ hay những khu gia cư. Bắc kinh cũng là nơi có nhiều xe đạp nhất (7 triệu chiếc). Ngoài xe buýt, xe đạp là phương tiện duy nhất để đi làm việc. Thủ đô được sống lại với tiếng leng keng của chuông xe đạp! Chúng tôi thấy nhiều công nhân mặc áo ngoài và thắt cà vạt đạp xe đạp, có khi còn chở người thứ hai sau xe.
Bắc kinh đã một thời là thủ đô có tường bao bọc. Phần lớn các tường nói trên đã không còn nữa, điêu tàn theo năm tháng, hoặc bị chánh quyền cộng sản triệt hạ để mở đường sá. Các cổng ra vào không còn nữa, trừ cổng Thiên an môn và cổng Qian Men được tái thiết huy hoàng. Cổng Qian Men là một trong những cổng còn sót lại của tường Hoàng cung, xây cất dưới thời Hoàng đế Yong Le nhà Minh. Vào thời bấy giờ, đỉnh tường khá rộng để một kỵ mã có thể phi nước đại. Tường được bảo vệ bằng 9 tháp canh, đặt trên đỉnh khoảng cách đều nhau. Cổng Thiên an môn và cổng Qian Men đối diện công trường Thiên an môn ở hai đầu. Nếu ta đứng xây lưng vào cổng Thiên an môn và Cấm thành, ta sẽ thấy "Đại Lâu Đài Nhân Dân" (Great Hall of People) bên phải, hay mặt tây Công trường, "Viện Bảo Tàng Cách Mạng Trung Quốc" (Museum of Chinese Revolution) và "Viện Bảo Tàng Lịch Sử Trung Quốc" (Museum of Chinese History) bên trái, hay mặt đông Công trường, "Đài Kỷ Niệm Anh Hùng Nhân Dân" (Monument to the People's Heroes) ngay trước mặt, hay mặt nam Công trường, và "Đài Kỷ niệm Mao Trạch Đông" (Mao Zedong Memorial Hall), sau Đài Kỷ niệm Anh hùng Nhân dân.
Điện Thiên Đình (The Temple of Heaven)
Điện Thiên đình là điện nổi danh nhất ở Trung quốc. Điện Thiên đình được xây cất thế kỷ thứ XV, trùng tu thế kỷ thứ XVIII dưới triều đại Hoàng Đế Càn Long và chánh quyền hiện tại. Lâu đài quan trọng nhất tại chỗ là "Điện Cầu Nguyện Cho Được Mùa" (Hall of Prayer for Good Harvests). Nhà vua đến đó, mỗi năm một lần, ăn chay và cầu nguyện. Điện hình tròn, có 3 nóc bằng ngói xanh bóng loáng. Trên chóp của điện có một hình cầu mạ vàng. Điện cao 123 mét, làm bằng gỗ, không dùng đinh. Điện là một kiến trúc tuyệt vời trên thế giới. Mặt ngoài điện được trang trí lộng lẫy, dùng ba màu đỏ, xanh da trời, và xanh lục. Bên trong có 24 trụ bằng gỗ, phân phối trên hai vòng tròn và bao quanh 4 trụ trung ương. Bốn trụ trung ương tượng trưng cho 4 mùa; 12 trụ trên vòng tròn ngoài tượng trưng cho 12 tháng; 12 trụ trên vòng tròn trong tượng trưng cho 12 giờ trong ngày. Tất cả 28 trụ chống đỡ một hệ thống cột, các cột nâng đỡ 3 mái ngói. Sự sắp xếp nầy được các kiến trúc sư ngưỡng mộ qua các thời đại. Khi Hoàng đế di chuyển từ Cấm thành đến điện Thiên đình để hành lễ, các cửa lớn, cửa sổ trên đường đi phải đóng kín, không một tiếng động, không một người ngoại quốc nào được để mắt trên cuộc diễn hành. Chỉ có Hoàng đế, các quan cận thần trong triều, thầy tu, các quan lại, nhạc sĩ và quân lính có nhiệm vụ bảo vệ cuộc diễn hành là được tham gia.
Vạn Lý Trường Thành (The Great Wall)
Từ khi nhà Châu (1122-247 BC) suy yếu, các nước chư hầu nổi dậy thôn tính lẫn nhau, tạo trong thiên hạ một thời hỗn loạn. Đó là thời Chiến quốc (476-221 BC). Từ thế kỷ thứ 5 BC, các nước chư hầu đều lo thiết lập tường phòng thủ để bảo vệ lãnh thổ mình trước sức tấn công của các nước chư hầu khác, hoặc các bộ lạc "không có chỗ ở nhất định" từ phương bắc đến. Năm 221 BC, nhà Tần diệt nhà Châu, thôn tính các nước chư hầu (Sở, Triệu, Tề, Hàn, Ngụy, Yên) và thống nhất đất nước. Tần Thủy Hoàng được xem như vị Hoàng đế đầu tiên đã thống nhất Trung quốc. Ngài ra lệnh nối liền các tường riêng rẽ trước đây thành một hệ thống phòng thủ duy nhất, lấy tên là Vạn Lý Trường Thành. Hơn 300.000 nông dân, dưới quyền chỉ huy của tướng Meng Tian, đã lao lực trên 10 năm để hoàn thành hệ thống, chạy dài từ Jiayuguan, thuộc tỉnh Gansu (tây bắc Trung quốc) đến Shanghaiguan, thuộc tỉnh Liaoning (đông bắc Trung quốc), xuyên qua các tỉnh Nội Mông, Shaanxi (Shensi), Shanxi và Hebei. Theo ước tính của các nhà khảo cổ, bề dài Vạn lý Trường thành khoảng 50.000 km. Vạn lý Trường thành là một trong 7 kỳ quan thế giới. Mấy ai có thể giải thích con người đã làm cách nào để thực hiện một công trình vĩ đại như vậy, vĩ đại đến độ các phi hành gia Hoa Kỳ, lần đầu tiên lên cung trăng, có thể nhìn thấy Vạn lý Trường thành bằng đôi mắt thường của mình!
Hệ thống Vạn lý Trường thành được cấu tạo như sau : Bên trong tường là đất đập, mặt ngoài tường là đá, trên đỉnh tường là đường đi lát đá, đỉnh tường khá rộng để 5 kỵ mã có thể phi nước đại hàng ngang. Hệ thống đã sử dụng để chuyên chở binh lính, áp tải vũ khí, tiếp tế lương thực đến tận các tỉnh biên giới miền bắc Trung quốc. Từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 14, Vạn lý Trường thành bị quên lãng và không được sử dụng. Sau khi lật đổ nhà Nguyên năm 1368, nhà Minh nhận thấy hệ thống Vạn lý Trường thành là một vấn đề sanh tử của đất nước, nên quyết định cho tái thiết lại hệ thống, để tiếp tục phòng thủ chống lại sự xâm nhập của Mông Cổ. Trong suốt thời gian trên 200 năm, hệ thống được củng cố đến mức tối đa. Các tường bằng đất đập được bao vây bằng tường bằng gạch; các tháp canh được nới rộng và kiên cố hơn. Hệ thống tiếp vận cũng được cải tổ và hoàn hảo hơn xưa. Công trình tái thiết còn tồn tại đến nay hầu hết được thực hiện vào thế kỷ thứ 15. Đoạn tường được tái thiết dài khoảng 6.350 km, cao trung bình 8 m, và chân tường rộng khoảng 7 m. Tuy nhiên, khi quân đội Mãn Châu chiếm Trung quốc và lập nhà Mãn Thanh (1644-1911), hệ thống Vạn lý Trường thành trở thành điêu tàn. Chỉ có một phần nhỏ hệ thống được trùng tu, như tại Badaling cách Bắc kinh khoảng 65 km, tại Mutianyu cách Bắc kinh khoảng 80 km, tại Jinshan cách Bắc kinh khoảng 2 giờ xe buýt, v.v...
Badaling
Từ Bắc kinh ta có thể đi 45 km bằng xe buýt, hướng tây bắc, để đến lũy Yuyonggan, xây cất trong một thung lũng hẹp, dài 20 km, bắc đèo Nankou và nam đèo Badaling. Hiện nay ta còn thấy những bức tường cổ, xây trên đường có dốc thẳng đứng. Khoảng giữa thung lũng có một sàn bằng mặt, bằng cẩm thạch trắng, gọi là "Sân Mây" (Cloud Terrace). Sân cẩm thạch được xây cất năm 1345, và có lần dùng làm nền móng cho một cổng đồ sộ với 3 ngôi chùa bằng đá. Sau khi nhà Nguyên bị lật đổ, cổng chùa bị phá và được thay thế, nhiều năm sau đó, bằng một miếu thờ, nhưng cũng bị đốt cháy năm 1702. Cuối thung lũng là Badaling, tại đó Vạn lý Trường thành được bảo trì chu đáo và phần tái thiết của hệ thống có thể tham quan. Người Trung quốc nói, "Vạn lý Trường thành không phải là nơi để đến xem mà còn là nơi phải đi bộ trên đó nữa, để thấy cái đẹp vô vàn của nó." Ta có thể từ hai mặt thành leo lên các tháp canh, từ đó ta có thể nhìn thấy đồng bằng bát ngát bắc Trung quốc và các bức tường quanh co giữa đồi núi trùng trùng điệp điệp.
Badaling là diểm cao nhất của phần nối dài Vạn lý Trường thành. Vì tánh cách quan trọng trên phương diện chiến lược, các vua tôi nhà Minh rất quan tâm đến việc phòng thủ tại Badaling. Các tháp canh được xây cất kiên cố hơn. Nếu có kẻ thù tấn công, tin tức được thông báo về thủ đô bằng khói hay bằng tiếng súng. Ví dụ : nếu có khói nổi lên từ 4 điểm khác nhau, thêm vào đó có tiếng nổ 4 phát đại bác, là có một cuộc tấn công khoảng 5.000 người. Cạnh Vạn lý Trường thành có núi Wangjingshi, tại đó ta có thể nhìn thấy thủ đô Bắc kinh. Chúng tôi đã đi bộ trên Vạn lý Trường thành, mệt nhọc vì độ dốc cao. Mặc dù hai bên Vạn lý Trường thành có lan can để vịn, chúng tôi vẫn thở hồng hộc, chỉ có thể lên đến tháp canh thứ ba, tháp canh chót không thể tiến lên nổi. Tuy vậy vẫn có vô số người leo tận tháp canh thứ tư. "Giấy chứng nhận" đi bộ trên Vạn lý Trường thành được cấp, chi phí phải trả là 10 Yuan (1 dollar = 8.6 Yuan).
Chuyện Ngoài Lề Vạn Lý Trường Thành
Mục tiêu của Vạn lý Trường thành là ngăn chặn không cho kẻ thù xâm nhập vào thành, nhưng không phải lúc nào cũng đạt đúng mục tiêu, càng không có hiệu quả nếu cấm không cho người nước này liên lạc với người nước kia. Dưới đời nhà Đường (618-907), đất đai của Trung quốc được nới rộng ra ngoài Vạn lý Trường thành, và đã có những cuộc giao thương với các nước phía bắc và phía tây Trung quốc. Người Khitan, người Nuzhen và người Mông Cổ, là những người đã từng làm bá chủ Trung quốc, đâu có cần Vạn lý Trưòng thành, vì Vạn lý Trường thành không còn là thành trì phòng thủ biên cương, mà còn nằm ngay trong lòng đất cai trị của họ. Trong thời bình, Vạn lý Trường thành bị bỏ phế. Ngay trong thời Mãn Thanh, họ cũng không mấy quan tâm đến nó. Gió và thời tiết đã làm hư hỏng thêm Vạn lý Trường thành. Các dân quê cũng khám phá Vạn lý Trường thành là nguồn lợi về vật liệu xây cất. Nhiều nhà cửa trong nông trại được xây cất bằng gạch lấy từ Vạn lý Trường thành. Trong thời kỳ cách mạng văn hóa các đơn vị quân đội đã lấy gạch từ Vạn lý Trường thành để xây cất trại lính.
Khi quân Mãn Châu tiến chiếm đất nước nhà Minh năm 1644, họ không thấy Vạn lý Trường thành là một trở ngại. Tướng nhà Minh Wu Sangui, chỉ huy quân đội giữ thành Shanghaiguan, đã dâng thành cho giặc không chút kháng cự. Ông đã dọn đường cho quân Mãn Thanh tiến chiếm Bắc kinh. Sự phản quốc của tướng Wu Sangui không chỉ là một trường hợp, chính triều đình thối nát nhà Minh đã là cớ cho nhiều người nghiêng về phía kẻ xâm lăng vì thấy có lợi. Các quan chức là những người có kiến thức chắc chắn sẽ được kẻ thắng trận tin dùng về sở học của mình.
Lăng Tẩm nhà Minh
Từ trên 3.000 năm, các bậc vua chúa Trung quốc thường cho xây cất lăng tẩm ở vùng ngoại ô kinh kỳ. Trước đời nhà Châu, không còn lăng tẩm nào được tìm thấy. Kể từ đời nhà Châu (1027-256 BC), các lăng tẩm được xây cất ở ngoại ô kinh kỳ cho đến hết đời nhà Mãn Thanh. Mặc dù Bắc kinh là kinh đô của 5 họ Hoàng đế, nhưng chỉ có lăng tẩm đời nhà Minh (1368-1644) là được xây cất ở vùng phụ cận Bắc kinh. Lăng tẩm đời nhà Liao, (947-1125), thuộc bộ lạc Khitan, được xây cất ở vùng đông bắc Trung quốc. Lăng tẩm đời nhà Kim (1127-1234), thuộc bộ lạc Jurchen (tổ tiên người Mãn Châu), bị tàn phá cuối đời nhà Minh. Lăng tẩm đời nhà Nguyên (1279-1368) không còn tìm thấy, vì việc an táng không theo phong tục và lễ nghi Trung quốc. Lăng tẩm đời nhà Mãn Thanh (1644-1911) được xây cất cách kinh đô Bắc kinh 125 km.
Nhà Minh (1368-1644) gồm 16 đời vua. Hoàng đế thứ nhất là Hong Wu (1368-1398), đóng đô ở Nam kinh, cho xây cất lăng tẩm ở phía đông thành Nam kinh. Hoàng đế thứ hai trị vì chưa được 5 năm thì bị Yong Le lật đổ năm 1403. Yong Le lên ngôi xong (1403-1424), cho thiên đô dời về Bắc kinh, xây cất lại cung điện trên di tích cũ nhà Nguyên (1279-1368). Địa điểm xây cất lăng tẩm cũng được chọn lọc ở ngoại ô thành Bắc kinh. Địa lý cổ truyền vẫn căn cứ trên sự sắp xếp của Gió và Nước: "Chân đồi và núi cao che chở hài cốt, chống lại tà thần theo gió từ phương bắc đến, đất thấp dưới triền đồi là nơi lý tưởng cho nước chảy trước các lăng mộ." Lăng tẩm nhà Minh được xây cất trong một thung lũng, diện tích khoảng 40 kilomet vuông, nằm về phía nam dãy núi Tianshou, cách tây Bắc kinh 50 km. Chân đồi dưới núi Yanshan là của thiên nhiên ra vào thung lũng. Hai mặt núi là những bức tường cao, che chở các lăng tẩm tránh khỏi các luồng gió "độc." Mười ba trong số 16 Hoàng đế nhà Minh được an táng tại đây. Vì vậy mới có tên là Shi San Ling (Shi San = 13, Ling = Lăng tẩm). Chỉ có hai lăng tẩm được trùng tu, và một khai quật. Cả hai lăng tẩm n 1ạy đáng được thăm viếng. Ngay lối vào, một cổng đồ sộ, cổng Dagong, cao 40 m, có 3 cửa ra vào : cửa hai bên được nhà vua sử dụng khi còn sinh tiền; cửa giữa để đưa xác vào "khu thiêng" khi nhà vua băng hà. Cổng Dagong đã một thời là một bức tường bọc kín khu lăng tẩm. Không một ai được vào khu này, ngoại trừ các viên chức và tùy tùng có nhiệm vụ phục dịch và canh gác. Nếu vi lệnh sẽ bị xử tử. Phải xuống ngựa trước khi vào cổng. Qua khỏi một đại lộ là miếu "bia." Bia cao 9 m, đặt sau lưng một con quy khổng lồ cao 1,80 m. Trên một mặt có khắc chữ của Hoàng đế thứ tư đời nhà Mãn Thanh.
Chúng tôi được thăm viếng, tại phía tây nam thung lũng, một lăng tẩm được trùng tu là lăng Hoàng đế thứ 14 Wan Li (1573-1619). Hai thứ phi Xiaoduan và Xiaojing được an táng chung với Hoàng đế. Khoảng 30.000 lao công được sử dụng trong 6 năm (1584-1590) để hoàn tất lăng miếu. Phí tổn vào khoảng 8 triệu lượng bạc, tương đương với hai năm thuế thổ trạch Trung quốc. Một đường hầm sâu 7 mét dẫn vào cung điện "chìm" dưới mặt đất, xây cất bằng đá cẩm thạch. Khoảng 50.000 phiến đá bóng loáng để làm sàn, mất trên 3 năm để thực hiện, và chở từ Suzhou, 50 km tây Thượng hải, lên miền Bắc cách xa 1.400 km. Bước vào cung điện "chìm" là một hành lang trống trải, vắng lạnh. Sát cạnh là hành lang chính, nơi đặt ngai vàng bằng cẩm thạch của Hoàng đế. Sau hành lang chính là một phòng trang trọng nhất trong cung điện chìm, cao 9,5 m, dài 30 m, rộng 9 m. Ngay chính giữa, trên bục bằng cẩm thạch, là quan tài của Hoàng đế Wan Li. Chung quanh quan tài là 26 tủ sơn mài có ngăn kéo, chứa đựng vương miện, bình có quai bằng vàng và bằng ngọc, tách, chén, bình đựng rượu, bình và bát bằng sứ. Trong số 3.000 vật quý giá, có một vương miện bằng vàng, có hai rồng chầu ngọc bích...
Điện Nghỉ Mát Mùa Hè (The Summer Palace)
Sáng hôm nay 20 tháng 4, đoàn chúng tôi có thêm một người thứ 7 từ Los Angeles, CA, đến. Bà sẽ đi Tây an, xuống Quế lâm, qua Hong kong và trở về Hoa kỳ. Bà đã đến Bắc kinh một lần và mục đích của bà lần này là đi Tây an, Quế lâm và Hong kong. Bà chưa thăm viếng Điện Nghỉ mát mùa Hè. Điện Nghỉ mát mùa Hè, tại tây bắc Bắc kinh, là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi. Tại đó có một hồ rộng, gọi là hồ Kunming. Nếu có thì giờ, ta có thể thuê một chiếc ghe chèo về mùa hè để bơi trên hồ, và trượt băng về mùa đông.
Điện được xây vào thế kỷ XII. Vào thời đó hồ Kunming còn nhỏ. Dưới đời nhà Nguyên, thế kỷ thứ XIV, hồ được nới rộng thêm. Nhiều đền miếu, lâu đài dinh thự được xây cất dưới đời nhà Minh. Đến đời nhà Thanh, Hoàng đế Càn Long cho phát triển lớn thêm nữa. Các quan văn võ trong triều đều đến đóng tại đây trong mùa hè, để tránh cái nóng của Bắc kinh. Các lâu đài dinh thự đều bị liên minh Anh Pháp thiêu hủy năm 1860 và trở nên điêu tàn. Năm 1888, "Từ Hy Thái Hậu" (Empress Dowager Ci Xi) cho xây cất lại Điện Nghỉ mát với ngân khoản dành cho việc phát triển Hải quân Trung quốc. Vì vậy Trung quốc đã thất trận trong cuộc chiến tranh Trung quốc - Nhật bản năm 1895. "Hành Lang Tản Bộ" (Walkway) dài 700 m, chạy dài dưới chân đồi và song song với hồ Kunming. Hành lang bị phá hủy trong cuộc "Chiến tranh Nha phiến" thứ hai (1860-1862) và tái thiết dưới thời Từ Hy Thái Hậu. Một chiếc tàu bằng đá cẩm thạch được xây cất trong dịp này. Hiện nay chiếc tàu choáng một đầu hồ Kunming. Từ Hy Thái hậu đặt lại tên khu vực là Yi He Yuan. Điện Nghỉ mát bị hư hại nặng trong thời "Khởi Loạn Võ Sĩ" (Boxer Rebellion) năm 1900, nhưng được trùng tu lại năm 1903. Khu vực rộng 660 acres, tức khoảng 265 mẫu tây : hồ Kunming chiếm 3/4 diện tích, 1/4 còn lại là đồi "Trường Thọ" (Longevity Hill) và đất đai trên bờ hồ.
Tiền " tip"
Sau khi viếng Điện Nghỉ mát mùa Hè, chúng tôi đi ăn trưa gần phi trường để kịp chuyến bay 2:00 pm. Đó là lúc nghĩ đến khoảng tiền "tip" đầu tiên cho hướng dẫn viên và tài xế. Trước khi chúng tôi rời Hoa kỳ đi Trung quốc, Công ty Intertour có đề cập đến khoản tiền "tip" dành cho hướng dẫn viên và tài xế. Trong nhiều năm qua, các hướng dẫn viên của CITS từ chối không nhận tiền "tip." Tuy nhiên kể từ năm 1989, hầu hết các hướng dẫn viên không từ chối tiền "tip", nếu tiền "tip" được trao khéo léo, không gây mặc cảm cho người nhận. Tiền "tip" có thể là 1.00 $US/ mỗi ngày/mỗi người, cho hư 8ềng dẫn viên, và 0.50 $US/mỗi ngày/mỗi người cho tài xế. Chúng tôi đồng ý tăng tiền "tip" gấp đôi và đề cử một người trong đoàn đại diện trao tiền "tip" và đôi bên đều vui vẻ!
Tây An (Xi'an)
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đi Tây an bằng đường hàng không. Hành lý đã được CITS tự động check-in, chỗ ngồi đã được dành trước trên phi cơ. Chúng tôi chỉ đóng lệ phí phi trường, qua cổng X-ray và đến chỗ chờ đợi lên phi cơ. Tại đó "giấy lên tàu" (boarding pass) được phát cho mỗi người. Chúng tôi rời phi trường Bắc kinh hồi 2:00 pm và đến Tây an hồi 3:30 pm. Nếu đi bằng xe hỏa, chúng tôi phải mất khoảng 20 tiếng đồng hồ.
Hôm đó trời có mưa, nhưng không lớn lắm. Cô hướng dẫn viên địa phương đã đợi chúng tôi tại phi trường Tây an, giao hành lý chúng tôi cho một cơ quan vận chuyển địa phương để chuyển về khách sạn, còn chúng tôi sử dụng một chiếc mini-van về thành phố. Xa lộ từ phi trường về Tây an thẳng tắp, qua một cánh đồng xanh bằng phẳng chạy đến chân trời. Xa xa vài ngọn đồi thấp, khác hẳn với địa hình ở Bắc kinh. Dần dần thành phố Tây an hiện rõ với những bức tường cao của Vạn lý Trường thành. Chúng tôi vào cổng bắc của Tây an và leo lên thành quan sát. Địa thế bằng phẳng của Tây an khác xa với địa thế đồi núi trùng trùng điệp điệp ở Badaling! Cũng có những tháp cao để quan sát như ở Badaling vậy. Tây an ngày nay, thuộc tỉnh Shaanxi, là kinh đô lâu đời nhất của Trung quốc, nằm trên bờ phía nam sông Wei. Bắc có cao nguyên Shaanxi, cao từ 750 m đến 1.200 m đến biên giới Nội Mông, che chở Tây an khỏi gió lạnh mùa đông. Nam có núi Qinling cao trên 1.800 m, đỉnh cao nhất là Taibai Shan cao 3.420 m, che chở Tây an khỏi cơn nóng mùa hè.
Thung lũng sông Wei và vùng giữa sông Hoàng hà tại Shaanxi đã có người từ thời đồ đá. Địa điểm trong và chung quanh Tây an là kinh đô từ đời nhà Châu (1122-247 BC) cho đến hết đời nhà Đường (618- 907 AD). Trước khi nhà Đường bị nhà Tống tiêu diệt năm 907 AD, Tây an là trung tâm quan trọng nhất của Trung quốc, là điểm gặp gỡ giữa Đông và Tây Á châu. Từ thế kỷ thứ X, Tây an bị quên lãng cho đến thế kỷ thứ XIV khi nhà Minh lên nắm quyền bính năm 1368. Trên 2.000 năm, Tây an được chọn làm thủ đô vì tánh cách dễ thủ của nó. Những vùng vây quanh Tây an có dân định cư từ thời đồ đá. Công tác khai quật ngoài thành Tây an, tại làng Ban Po, chứng minh những vật tìm thấy thuộc văn hóa Yang Shao.
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, sau khi thống nhất sơn hà, dự định nới rộng đơn vị định cư Xian Yang, 25 km tây bắc Tây an ngày nay, là kinh đô của nhà Tần thời bấy giờ. Nơi này đã quá đông người, nên năm 212 BC, Tần Thủy Hoàng thiên đô về bờ phía nam sông Wei. Điện "A Fang" được bắt đầu xây cất, nhưng chưa hoàn thành trước khi Tần Thủy Hoàng băng hà. Năm 206 BC, khi nhà Tần bị nhà Hán lật đổ, điện A Fang cùng các cung điện khác bị nhà Hán phá hủy hoàn toàn. Lưu Bang, Hoàng đế đầu tiên nhà Hán, thiết lập kinh đô vài dặm phía bắc Tây an ngày nay. Vài lâu đài thành quách được trùng tu và nhiều cung điện mới được xây cất. Đó là thời Tây Hán. Lăng tẩm cũng được xây cất : 9 lăng trên các đồi chạy xuống bờ phía bắc sông Wei và 2 lăng trên đồi phía nam sông Chan. Đến năm 25 AD, nhà Đông Hán (25-220 AD) thiên đô về Lạc dương, 320 km đông Tây an ngày nay; Tây an trở nên điêu tàn, kéo dài hơn 5 thế kỷ cho đến năm 582 khi Hoàng đế Wen Di của nhà "Đại Từ" (Everlasting Peace) thiết lập kinh đô mới tại Chang An, đông nam Tây an. Kinh đô ngày càng phồn thịnh, tiếp tục mở mang dưới đời nhà Đường để trở thành một trung tâm quan trọng nhất Á châu, với dân số trên 1 triệu người. Dân số thời đó còn đông hơn dân số Tây an ngày nay. Thành phố bị hư hại nặng sau đời nhà Đường, và không bao giờ được chọn làm kinh đô nữa.
Lăng Tẩm Hoàng Đế Tần Thủy Hoàng
Lăng tẩm Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, cách Tây an ngày nay 35 km, về phía đông, gần núi Li. Ying Zheng (tên của Tần Thủy Hoàng) kế vị ngôi nhà Tần năm 246 BC, khi ngài vừa 13 tuổi. Ngài phải chiến đấu trong vòng 25 năm để diệt nhà Châu và đánh tan các nước chư hầu, thống nhất đất nước. Mặc dù Ngài ở ngôi vị Hoàng đế khoảng 10 năm, Ngài vẫn được xem như một chiến sĩ can trường, một nhà cải cách quả quyết và một nhà độc tài tàn ác. Ngài đã ra lệnh trưng dụng hàng vài trăm ngàn nông dân để nối liền các tường đơn độc thành một Vạn lý Trường thành vĩ đại, tiêu chuẩn hóa hệ thống đo lường, thống nhất phương cách chữ viết, tiền tệ, và thiết lập hệ thống đường sá. Ngài tàn ác với những ai chống lại đường lối Ngài. Ngài cho đốt sách vở của Khổng Phu Tử và bách hại các nhà thông thái. Ngài bắt buộc thần dân xây cất hàng trăm cung điện và hoa viên tại kinh đô. Ngài bắt đầu cho xây cất lăng tẩm của Ngài (221-209 BC). Hàng trăm ngàn công nhân làm việc cực nhọc để hoàn tất lăng Ngài. Lăng được phủ đất và trồng cỏ giống như một ngọn đồi. Cạm bẫy được đặt trong lối đi để sát hại những ai vào trong lăng. Tài liệu lịch sử cho biết các công nhân bị chôn sống sau khi hoàn thành công tác, để khỏi tiết lộ những bí mật trong lăng tẩm. Tuy nhiên, tài liệu lịch sử cũng đã cho biết lăng tẩm của Ngài đã bị cướp bóc sau khi Ngài băng hà. Chúng ta sẽ biết rõ hơn vì công tác khai quật kăng tẩm của Ngài đã bắt đầu và đang tiếp tục.
Quân Đội Bằng Đất Sét Cứng Của Hoàng Đế Tần Thủy Hoàng (Terra Cotta Army of Emperor Qin Shihuang)
Nhân loại đã để lại những "kỳ quan" trong suốt quá trình lịch sử để chứng minh với hậu thế sức mạnh sáng tạo của họ. Nhìn lui về quá khứ, trong 7 "kỳ quan thế giới" chỉ có Kim Tự Tháp ở Ai Cập là còn đứng vững, các kỳ quan khác đã không còn tồn tại. Ta chỉ còn biết nó qua những tài liệu lịch sử hay khám phá của các nhà khảo cổ. Mùa xuân năm 1974, nông dân làng Xiyang, ấp Yanzhai, quận Lington tỉnh Shaanxi của Trung quốc, đào giếng lấy nước nhân mùa khô hạn, cách lăng tẩm Hoàng đế Tần Thủy Hoàng 1,5 km về phía đông. Họ không tìm thấy nước nhưng tình cờ tìm thấy những mảnh vỡ tượng chiến sĩ bằng đất sét cứng và vũ khí bằng đồng đen cổ. Việc khám phá một "kỳ quan" mới ở Trung quốc đã gây kinh ngạc cho toàn thể nhân loại. Nhiều năm khai quật và nghiên cứu của các nhà khảo cổ chứng minh những gì nông dân tìm thấy là những hố chôn một quân đội khổng lồ bằng đất sét cứng, chiến sĩ, và ngựa của Hoàng Đế Tần Thủy Hoàng. Cho đến năm 1976, 3 hố được đào thấy và được gọi hố số một, số hai, và số ba. Ba hố có một diện tích trên 20.000 mét vuông, chứa đựng trên 7.300 chiến sĩ, và ngựa bằng đất sét cứng, và hàng trăm cỗ xe 2 bánh.
Đứng trên hố, nguyên Thủ tướng Jacques Chirac của Pháp đã cảm xúc nói, "Đã có 7 kỳ quan trên thế giới, quân đội bằng đất sét cứng có thể được xem như kỳ quan thứ 8. Ta không thể nói là ta đã ở Ai Cập nếu ta không đến xem Kim Tự Tháp, cũng như ta không thể nói là ta đã ở Trung quốc nếu ta không đến xem quân đội bằng đất sét cứng." Kỳ quan, chính thật là một kỳ quan! Không ai có thể ngờ 8.000 quân sĩ thiện chiến có thể tự dấu mình trong 800.000 ngày và đêm. Càng lạ hơn nữa là không có sách sử nào nói đến quân đội bí mật này! Hố số 1 lớn hơn hai hố kia, dài 210 m từ đông sang tây và 62 m từ bắc chí nam, diện tích khoảng 14.260 mét vuông. Hố chứa đựng khoảng trên 6.000 chiến sĩ và ngựa và trên 40 xe 2 bánh. Chi tiết đội hình chiến trận hố số một sẽ được giải thích sau khi công tác khai quật kết thúc. Hố số 2, cách 20 m đông bắc hố số 1, dài 124 m từ đông sang tây và 98 m từ bắc chí nam, sâu 5 m và diện tích khoảng 6.000 mét vuông. Hố đó chưa được khai quật. Tuy nhiên, theo tin thâu thập được trong lúc khoang, xới, hố số 2 có thể chứa đựng 1.500 chiến sĩ và ngựa bằng đất sét cứng với chừng 90 xe 2 bánh bằng cây. Đội hình chiến trận hố số 2 phức tạp hơn đội hình hố số 1. Hố số 3, cách 25 m tây bắc hố số 1 và 120 m đông hố số 2. Hố có hình chữ U, dài 176 m từ đông sang tây, và 21,4 m từ bắc chí nam và sâu từ 5,2 - 5,4 m, diện tích khoảng 500 mét vuông. Một xe 2 bánh bằng gỗ, 4 ngựa và 68 chiến sĩ bằng đất sét đã được khai quật. Các chiến sĩ có vẻ ở thế đứng dàn chào.
Cách kiến trúc của 3 hố là cách kiến trúc đường hầm bằng đất và gỗ. Phương thức kiến trúc như sau : Trước tiên, đường hầm được đào, với nhiều lớp đất đập làm nền móng. Tiếp theo đó là tường phân cách bằng đất. Chiến sĩ và xe 2 bánh được sắp xếp giữa các bức tường phân cách. Sàn hố được xây bằng gạch. Các hành lang được lợp với gỗ dày, do trụ bằng gỗ chống đỡ. Gỗ này được phủ bằng thảm trét bằng đất sét và phủ bằng đất. Mỗi hố có cửa nghiêng, số lượng thay đổi từng hố. Sau khi xếp các tượng bằng đất sét cứng vào trong hố,các cửa được đóng lại. Nhưng vô phúc không tránh khỏi sự cướp bóc của người ngoài. Năm 206 BC, ngoài việc trả thù, Xang Yu đốt phá cung điện nguy nga của nhà Tần cùnh những kiến trúc chung quanh mộ Tần Thủy Hoàng. Hố chôn các tượng bằng đất cứng cũng bị cướp bóc. Chiến sĩ và ngựa bằng đất bị vỡ tan từng mảnh, nhiều vũ khí bị cướp đoạt.
Vũ Khí Bằng Đồng Đen
Hàng 10.000 vũ khí trên 12 loại được tìm thấy. Hầu hết các vũ khí được chế tạo bằng đồng đen, một ít được chế tạo bằng sắt. Các vũ khí, tùy theo tác dụng, được chia làm 3 loại: vũ khí ngắn, vũ khí có cán, và vũ khí có tầm hoạt động xa. Vũ khí ngắn như : kiếm, dao uốn cong, dùng để tự vệ và cận chiến. Hình dáng dao uốn cong, dài 65 cm, giống như lưỡi liềm, bén cả hai mép. Vũ khí có cán như : giao, thương, kích. Cán dài 3 m được gắn liền vào loại vũ khí này. Đó là loại vũ khí để trang bị lính chiến thời xưa. Vũ khí có tầm hoạt động xa như: nỏ và tên. Nỏ của nhà Tần đã nổi danh thời Chiến quốc. Nỏ tìm được trong hố là loại nỏ có năng lực nhất, có thể bắn xa 220 m. Tên là loại hình tam giác rất nhọn. Có giá trị hơn nữa là có khắc chữ, loại chữ mà Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã thống nhất hoá. Nét chữ nhỏ như sợi tóc. Chữ hoặc ngày tháng các vũ khí được chế tạo, tên thợ thủ công và xưởng chế tạo sẽ là những dấu chỉ giúp khám phá ngày xây cất các hố và quân đội bằng đất sét cứng. Vũ khí tìm được trong hố không những nhiều về số lượng mà còn tiến về kỹ thuật trên các phương diện sau đây :
a. Thành phần các chất hợp kim : Thuở xưa, tổ tiên ta biết rất ít về các loại kim khí. Vì vậy họ chọn một tỷ lệ đồng và thiếc nào đó để làm đồng đen theo nhu cầu của họ. Kiếm tìm được trong hố gồm có 71-74,6% đồng, 21,38-31% thiếc; tỷ lệ đồng là 3:1. Đầu thương chứa 69,62% đồng, 30,38% thiếc; tỷ lệ đồng thiếc là 2,3:1. Đầu tên chứa 80,11-83,06% đồng, 11,1-12,57% thiếc, và 3,6-5,7% chì; tỷ lệ đồng thiếc là 7:1. Đầu tên chứa đựng nhiều chì, là chất độc làm tăng uy lực phá hoại của tên.
b. Vũ khí được tiêu chuẩn hóa : Ví dụ: 3 cạnh của đầu mũi tên dài và dày đều nhau; chốt của khuy bấm cái nỏ không những cùng một cỡ mà có thể thay đổi lẫn nhau.
c. Kỹ thuật chống rỉ sét của kim loại : Vũ khí bằng đồng đen chôn trên 2.000 năm không những không bị rỉ sét, mà còn lóng lánh khi chất dơ bẩn bị lau đi, nhất là gươm dài 1,5 m còn bén như mới.
Một Kiệt Tác : Xe Hai Bánh Và Ngựa Bằng Đồng Đen
Rất nhiều vật được chôn phía tây lăng tẩm Hoàng đế Tần Thủy Hoàng trong vòng 3.052 mét vuông. Mùa dông năm 1980, các nhà khảo cổ đào một hố 20 m phía tây mộ Tần Thủy Hoàng, sâu 7,8 m, và dài 7 m từ đông sang tây, và rộng 2,3 m từ nam chí bắc. Trong hố có vỏ ngoài quan tài làm bằng một thứ gỗ đặt biệt, trong đó có đặt 2 cỗ xe 2 bánh và ngựa bằng đồng đen sơn màu. Khi khai quật, quan tài đã bị hư nát. Đất ở trên đè lún xuống, xe 2 bánh và ngựa bằng đồng đen bị đè bẹp sau một thời gian dài trên 2.000 năm. Ngàn vạn mảnh đồng đen chồng chất hỗn độn lên nhau! Các nhà khảo cổ phải mất 8 năm, thận trọng và kiên trì mới khôi phục lại trạng thái ban đầu của 2 cỗ xe 2 bánh và ngựa. Sự thanh nhã của 2 cỗ xe đáng được gọi là một kiệt tác trong ngành đồng đen tự cổ chí kim! Cỗ xe đầu là loại xe đánh trận, che chở Hoàng đế, dài 0,485 m, rộng 0,74 m, có hình dáng hình chữ nhật. Chiều dài cỗ xe có thắng yên cương là 2,57 m. Trục bánh xe dài 0,955 m. Trên xe có một chiếc lọng hình bầu dục. Từ đỉnh xe đến mặt đất là 1,68 m, đường kính của lọng là 1,22 m. Ba mặt xe có ván che, mặt sau để ngỏ. Bên phải xe có một sĩ quan ngồi dưới lọng, cầm cương. Bên cạnh có một ống đựng tên, với 50 tên bằng đồng đen. Phía ngoài có một cái nỏ và phía bên trái có một ống đựng tên nữa với 12 tên bằng đồng đen. Trước xe có 4 ngựa kéo. Ngựa làm bằng đồng đen, cùng một màu với ngựa bằng đất sét, nhưng có vẻ mãnh liệt và tráng kiện hơn. Cỗ xe thứ hai là xe của Hoàng đế. Chiều dài cỗ xe và ngựa kéo là 3,171 m, cao 1,06 m. Bề rộng cũng bằng cỗ xe đầu. Cỗ xe gồm có 2 phần. Phần trước có 1 sĩ quan quỳ, phần sau rất rộng, dài 0,88 m, và rộng 0,78 m. Phía trong được trang trí bằng tranh màu. Hai bên phải trái có cửa sổ đẩy kéo, phía trước có cửa sổ đẩy lên kéo xuống. Thùng xe đóng kín, chỉ có một cửa lớn phía sau. Lọng trên xe hình bầu dục.
Sự khai quật chiến sĩ và ngựa bằng đất sét cứng vào thời Tần Thủy Hoàng thúc đẩy các sử gia viết lại lịch sử thuật điêu khắc và nghệ thuật tạo hình của cổ Trung quốc. Màu sắc còn là đặc trưng của ngựa và xe hai bánh. Trước khi khai quật xe 2 bánh và ngựa, nghệ thuật vẽ hình trên đồng đen ít được ai chú ý. Nhiều màu như đỏ nhạt, đỏ thẩm, xanh lục, xanh nhạt, xanh đậm, trắng, đen, nâu được dùng để trang trí trên một mẫu đồng đen. Ta có cảm nghĩ mọi người thời Tần Thủy Hoàng thích tranh ảnh tô màu.
Chùa "Con Ngỗng Trời" (Goose Pagoda)
Có 2 chùa "Con Ngỗng Trời", chùa lớn và chùa nhỏ. Chúng tôi được hướng dẫn đi xem ngôi chùa nhỏ. Chúng tôi quên hỏi lai lịch tên chùa. Nếu có hỏi thì câu chuyện của hướng dẫn viên này có thể khác hẳn câu chuyện của hướng dẫn viên kia!Chùa "Con Ngỗng Trời" nhỏ được Hoàng hậu Wu Ze Tian xây cất năm 684 AD để kính dâng Hoàng đế Gao Zong. Hàng trăm sư ông sống trong chùa vào thời bấy giờ, nổi danh nhất là sư ông Yi Jing, là người đã từng đi khắp đó đây, trên 30 quốc gia, để nghiên cứu Phật học. Ngài đã trở về Xian năm 705 AD để dịch sách Phật chữ Phạn mà Ngài đã mang về.Cuối đời nhà Đường, chùa bị phá hủy, tái lập lại rồi bị phá hủy. Hai ngôi miếu nhỏ nằm hai bên chùa thì được xây cất vào thời nhà Minh.
Nguyên thủy chùa cao 15 tầng. Chùa bị hư hại các năm động đất 1487, 1555, và 1557. Trong một trận động đất, chùa bị nứt rạn và hai tầng chót bị rơi xuống đất. Hai từng đó không được thay thế khi chùa được trùng tu, vì có chứng từ rằng chùa có thể chịu đựng 70 trận động đất, trong đó có 10 trận nặng, trong suốt thời gian1.200 năm. Năm 1961, Hội đồng quốc gia tuyên bố chùa là một di tích lịch sử; năm 1963 Hội đồng đã bỏ tiền ra tu bổ. Cửa vào chùa là cửa phía nam theo truyền thống nhà Minh, nhưng cửa phía bắc là cửa vào chùa và cửa phía nam là cửa ra chùa theo truyền thống nhà Đường. Nhà Đường cho khắc chữ trên khung tò vò bằng đá ở hai cổng ra vào; nhà Minh cho khắc chữ chồng lên trên. Nhà Mãn Thanh cho lập một mái che cửa ra phía bắc.
Nhạc Khí Và Vũ Khúc Đời Nhà Đường
Tối hôm đó, chúng tôi được đưa đi xem trình diễn nhạc khí và các vũ khúc đời nhà Đường. Nhiều màn trình diễn rất đặc sắc, nhất là các vũ khúc tôi chưa từng thấy từ trước đến nay và những bản nhạc 1.000 năm về trước. Nếu vua Đường Minh Hoàng còn sống, chắc Ngài có thể so sánh các bản nhạc và vũ khúc đang trình diễn có gì khác biệt với các bản nhạc và vũ khúc thuở xưa không, và chắc chắn Ngài rất mãn nguyện nhận thấy cái mà Ngài mơ ước được lên Cung Quảng Hàn không phải là không thực hiện được 10 thế kỷ sau Ngài! Buổi trình diễn kéo dài một tiếng đồng hồ. Chúng tôi trở về khách sạn chuẩn bị hành lý giao cho bồi phòng tối hôm đó. Hôm sau phải dậy sớm để ra phi trường đi Quế lâm.
Quế Lâm (Quilin)
Chúng tôi rời phi trường Tây an sáng ngày thứ sáu 22 tháng 4, và đến Quế lâm lúc 10 giờ sáng. Nhiệt độ lúc đến là 18 độ C. Trời đang mưa, nhưng khi tạnh khi mưa... Quế lâm là một đơn vị định cư nhỏ trên sông Li vào thời Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Thành phố khuếch trương dần dần nhờ con kinh đào nối liền sông Li với một con sông khác ở phía bắc, và sông Dương tử. Nhờ đó, Tần Thủy Hoàng có thể tiếp tế lương thực và vũ khí bằng đường sông, từ đồng bằng sông Dương tử đến quân đội Hoàng gia đồn trú phía nam Trung quốc. Dưới thời nhà Minh, Quế lâm là tỉnh lỵ của Quảng tây cho đến năm 1914 khi tỉnh lỵ di về Nanning. Đến năm 1936, Quế lâm lại thành tỉnh lỵ. Trong thời chiến tranh Hoa Nhật, Quế lâm trở thành trung tâm kháng chiến và bị hư hại nặng nề. Năm năm sau ngày cộng sản nắm chính quyền, tỉnh lỵ Quảng tây một lần nữa di về Nanning. Nhiều đồi đá vôi tại Quế lâm tạo nhiều cảng đẹp miền sơn dã. Nhiều cuộc du ngoạn ngoài thị trấn giúp ta khám phá nhiều hang động tuyệt vời, nhiều bức tranh tuyệt mỹ chạm trổ trên đá. Ta cũng có thể viếng thăm các miếu cổ, đi du thuyền trên sông Li.
Động *ống Sáo Bằng Cây Sậy (Reed Flute Cave)
Là một trong những động kỳ dị nhất của Quế lâm,động nằm trong đồi Guangming, trên sông "Hoa Đào" (Peach Blossom River), khoảng 7 km tây bắc Quế lâm. Trên một chiều dài khoảng 240 m, những thạch nhũ trên và thạch nhũ dưới, những cột bằng đá, những bức màn che, những cánh hoa nở, hồ cây tùng, với ánh sáng muôn màu như sao trên trời, cho ta cảm giác là một lâu đài xây cất bằng kim cương, san hô và ngọc bích. Động có tên gọi như trên vì có nhiều cây sậy mọc gần động. Hơn thế nữa, người ta lại dùng ống cây sậy để làm ống sáo. Nếu ta đứng vào một góc quanh co nào đó trong động, ta sẽ nghe tiếng sáo văng vẳng đâu đây, khi trầm khi bổng,khi xa khi gần ... Chắc là tiếng sáo của mấy đứa trẻ bán ống sáo quanh động.
Du Ngoạn Trên Sông Li (Li River Cruise)
Đến Quế lâm mà không du ngoạn trên sông Li bằng tàu là một sự thiếu sót đáng tiếc. Sông Li được ví như một viên ngọc sáng trên một vùng đất xinh đẹp của Trung quốc. Cảng đẹp của sông Li không những được nhiều người trong nước biết đến mà còn nổi tiếng ở ngoại quốc nữa. Sông Li ở miền bắc tỉnh Quảng tây của Trung quốc. Là phụ lưu của sông Zhujiang, sông Li phát nguyên từ "Núi Mèo" (Mountain Cat), thuộc quận Xingan, bắc Quế lâm. Sông quanh co, uốn khúc qua một khoảng đường dài 437 km, lượn quanh các thành phố Quế lâm, Yang-shuo, Pingle và Wuzhou. Giữa Quế lâm và Yangshuo, sông Li có thể ví như một dãi ngọc bích uốn quanh hàng ngàn đồi núi trong một quãng đường dài 83 km. Dọc hai bờ sông, phong cảnh thật hữu tình; núi đá, hang động, vũng sâu, suối hoặc thác nước, tất cả đều phi thường. Sự phản chiếu các đồi núi trên dòng nước xanh trong tạo nhiều hình ảnh đẹp vô ngần. Phong cảnh có thể thay đổi 100 lần trong một ngày; một đám mây vắt ngang đỉnh đồi, một ánh mặt trời phản chiếu xuống mặt nước; mây nước và ánh sáng tạo thành một cảnh đẹp thiên nhiên, hùng vĩ. Một thi sĩ đời nhà Đường đã ca tụng sông Li bằng lối văn bóng bẩy sau đây:
"Đồi núi như những kẹp tóc bằng ngọc bích
Và nước sông như một dãi ngọc uốn quanh"
Chúng tôi đã đi xe hơi từ Quế lâm đến Zhujiang, lên tàu tại bến Zhujiang và đi trên tàu suốt 3 tiếng đồng hồ đến Yangshuo. Chúng tôi xuống bến Yangshuo và đi xe hơi trở về Quế lâm trong buổi chiều. Cuộc du ngoạn tuy mất một ngày, nhưng rất thú vị. Chúng ta có thể ngồi trên tàu và nhìn qua cửa sổ để quan sát hai bên sông, hay lên boong tàu để tận hưởng cái đẹp của đồi núi, nước và mây.
Riêng tôi, tôi đã ghi nhận các cảnh đẹp như sau:
- Đồi con voi : biểu hiệu của thành phố Quế lâm;
- Đồi chùa Shoufu (vạn tuế và hạnh phúc) : thiết lập đời nhà Minh;
- Rồng đùa với nước : trên dốc đứng, thạch nhũ trông như những con rồng đang đùa với nước;
- Hòn vọng phu (wangphu rock) : đá núi giống như một thiếu phụ bồng con mong đợi chồng về;
- Tre xanh trên bến Yangdi : tre xanh hai bên bờ phất phơ trước gió như đuôi các con phượng;
- Một đứa bé lạy Phật : đỉnh núi nhọn trên bờ phía trái sông Li giống như mặt Phật Guanyin, đối diện là một ngọn đồi thấp, giống như một em bé đang quỳ lạy;
- Đồi 5 ngón tay : năm ngọn đồi giống như năm ngón tay;
- Đồi đầu rồng : chúc bình an cho du khách khi vào quận Yangshuo;
- Đỉnh hoa sen : đỉnh trên bờ phía tây sông Li giống như một hoa sen từ dưới nước nhô lên;
- Cây bàng cổ thụ : sống trên 1.500 năm, tàn lá bao phủ hơn 1/2 mẫu tây;
- Đồi mặt trăng : trên đỉnh đồi có một đường hầm chạy suốt qua đồi, giống như mặt trăng sáng treo trên trời;
- v.v...
Yangshuo nằm trên bờ phía tây sông Li, khoảng 85 km nam Quế lâm. Nhiều du khách thích ở Yangshuo hơn là ở Quế lâm, vì ở đó phong cảnh có vẻ đẹp hơn và làng mạc có vẻ cổ kính hơn. Ta có thể thuê xe đạp đi chung quanh Yangshuo ngay tại khách sạn. Từ Yangshuo đến Quế lâm ta chỉ mất hai tiếng đồng hồ bằng xe hơi. Ta cũng có thể thuê một chiếc đò, ngược dòng sông lên làng Yandi, khoảng giữa Zhujiang và Yangshuo, từ đó lấy xe buýt về Quế lâm.
Văn Nghệ Dân Tộc Thiểu Số
Tối hôm đó, 23 tháng 4, một người trong đoàn đã rời chúng tôi đi Hong kong. Chúng tôi chỉ còn lại 6 người tại buổi trình diễn văn nghệ dân tộc thiểu số tại khách sạn. Phục sức của họ là một điểm đặc biệt cũng như các điệu vũ dân tộc của họ. Tôi nhớ là đã được xem những điệu vũ này ở dâu rồi, nhưng không nhớ rõ là ở đâu : trên Lào chăng, khi tôi vào trong "buôn" đồng bào FULRO? Thật là mơ hồ, mơ hồ thật vì đây là Trung quốc!
Đồi Fuboshan
Sáng hôm sau 24 tháng 4, chúng tôi đi thăm viếng đồi Fuboshan. Đồi này được đặt tên theo một tướng đời nhà Hán, một anh hùng thần thoại trong một trận chiến, đã "quá bộ" đến vùng này. Một đền thờ được xây cất, nhưng chỉ còn lại một quả chuông cân nặng 2-1/2 tấn và một chảo lớn. Đồi nằm trên bờ sông Li, có một hang động gọi là động "Hoàn Ngọc Trai." Tục truyền có một viên ngọc trai chiếu sáng hang động bị một ngư phủ trộm cắp. Thấy xấu hổ về hành động của mình, anh ta đem trả viên ngọc trai, vì vậy động mới có tên như trên. Trong động còn có một tảng đá lớn cách nền động chừng vài inches. Phần bị chặt đi do một nhát kiếm của tướng Fuboshan. Tại một chỗ khác của hang động, có chừng 30 tảng đá trên dốc đứng có khắc tượng Phật, từ đời nhà Đường và nhà Tống.
Thượng Hải (Shanghai)
Chiều hôm đó, chúng tôi rời phi trường Quế lâm và đến Thượng hải sau 2 giờ bay. Chiều hôm đó trời mưa, nên hành lý được lấy ra chậm. Cô hướng dẫn viên địa phương giao hành lý cho một cơ quan vận tải chở về khách sạn Windsor Evergreen ở ngọai ô Thượng hải, trong lúc đưa chúng tôi đi ăn tối Mongolian Barbecue, theo kiểu người Mông Cổ. Khí hậu chiều hôm đó là 16 độ C. Tôi đã ăn kiểu barbecue này một lần ở Đài loan, nên không thấy có gì mới lạ. Ăn xong, chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi để chuẩn bị cho 3 ngày chót ở Trung quốc. Sáng hôm sau 25 tháng 4, chúng tôi vào thành phố Thượng hải. Nói đến lịch sử Thượng hải phải trở về năm 751 AD khi Thượng hải còn là một làng đánh cá nhỏ, dần dần trở thành một thành phố để đến năm 1292 trở thành quận Shanghai. Mặc dù vậy, Shanghai vẫn chưa phát triển dưới thời nhà Nguyên (1280-1368). Cho đến thế kỷ thứ XVII và XVIII, nhờ mậu dịch và thương mại, Thượng hải mới trở thành một trung tâm phát triển ngành sợi bông, với một dân số 200 ngàn người.
Trong thời Chiến tranh Nha phiến, Thượng hải vị hạm đội Hoàng gia Anh đánh bại năm 1842, triều đình nhà Mãn Thanh phải đầu hàng, ký hòa ước Nanking nhượng tô giới Hong kong cho Anh, mở cửa buôn bán với ngoại quốc trên căn bản tự do. Người Anh chế ngự mọi mậu dịch trong vùng, nhưng Hoa kỳ và các nước Tây phương cũng ảnh hưởng không kém. Nhiều đất đai được cắt nhượng cho Anh-Pháp trong khoảng thời gian từ 1856-1860, cộng với sự "Khởi loạn Taiping", một phong trào tôn giáo cấp tiến trong quân đội, và những mầm nổi loạn trong nước làm cho Trung quốc suy yếu.
Cuối thế kỷ XIX, người ngoại quốc làm chủ Thượng hải, kiểm soát ngân hàng, thuế quan, cơ quan mậu dịch, dịch vụ chuyên chở hàng hoá bằng đường biển và kỹ nghệ. Tình trạng nầy gây phản ứng mạnh mẽ trong giới thợ thuyền và những nhà trí thức. Năm 1921, đảng cộng sản Trung quốc được thành lập tại Thượng hải, Mao Trạch Đông là một trong những đảng viên sáng lập. Vài năm sau, một cuộc nổi dậy của giới thợ thuyền hợp tác với lực lượng võ trang của Trung hoa Quốc dân đảng miền bắc. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông đã gây một cuộc đổ máu tại Thượng hải giữa phe cộng sản và Nghiệp đoàn Mậu dịch.
Trong thời kỳ chiến tranh Hoa-Nhật (1937-1945), Thượng hải bị Nhật bản chiếm đóng. Khi Nhật bản bị đánh bạt ra khỏi Trung quốc, nổi loạn bộc khởi giữa Trung hoa quốc gia và Hoa cộng. Năm 1949, quân đội Hoa cộng vượt Dương tử và chiếm đóng Trung quốc. Thượng hải và toàn thể Trung quốc đặt dưới quyền điều khiển của cộng sản Trung quốc. Tài sản của tư nhân và thương mãi kỹ nghệ bị quốc hữu hóa. Một số ít người ngoại quốc còn ở lại để chứng kiến sự thay đổi quá đột ngột. Một cuộc vận động kỹ nghệ hoá Thượng hải bắt đầu với kỹ nghệ nặng, như xưởng đóng tàu, nhà máy nấu sắt và thép, nhà máy chế tạo máy móc nặng. Đồng thời việc chế tạo những máy móc nhẹ cũng được khuyến khích, chẳng hạn như chế tạo thuốc men, đồ điện, máy móc chế tạo khí cụ, chất hoá học và vỏ xe. Các phương tiện của Thượng hải cũng được tăng cường để Thượng hải trở thành một trong 10 cảng thế giới có đầy đủ dụng cụ để chất hàng hoá lên xuống tàu, và cũng là một trung tâm quan trọng của Trung quốc về mặt kỹ nghệ, và mậu dịch hiện nay. Một nửa hàng hoá xuất cảng của Trung quốc thông qua hải cảng này.
Mặt tiền thành phố Thượng hải thay đổi chút ít kể từ ngày cộng sản Trung quốc cai trị đất nước này. Những tòa cao ốc vẫn ở chỗ cũ, chỉ có việc sử dụng là khác thôi. Các ngân hàng dọc bờ đại lộ Thừa lương nay là văn phòng của các cơ quan chính quyền; trường đua ngựa thuở xưa nay là một công viên; sân chơi "gôn" nay là thảo cầm viên; lâu đài của các người giàu có nay trở thành nhà chơi trẻ, trường học, sân chơi của học sinh, nhà giữ trẻ hay bệnh viện. Con đường hẻm "đổ máu" nổi tiếng một thời nay là phố buôn bán; các ngôi nhà chọc trời nay là văn phòng làm việc hay khách sạn. Ở bất cứ thành phố nào, ta luôn luôn cảm thấy có một nơi là nhịp đập của trái tim và linh hồn của sự sống. Tại Thượng hải đó là công viên Huangpu, một công viên nhỏ chạy dài từ cuối chi lưu sông Suzhou, đến bờ sông Huangpu. Tại đây ta thấy Thượng hải thức dậy từ sáng tinh sương, chúng kiến một số đông người tập luyện "taiji quan", một thế võ luyện tập thân hình và hơi thở, chậm chạp và nhẹ nhàng. Kế đó họ dẫn con cháu thả rông trên đại lộ Thừa lương. Khi chiều xuống, họ thả bộ, tay trong tay, hay ngồi hóng mát trong cảnh trời chiều đang xuống; có người đọc sách dưới ánh đèn công viên, hoặc tập đàn hát, rất là vui nhộn. Thượng hải ngày nay là thành phố đông dân nhất (14,5 triệu người), không khí bị ô nhiễm nhất, nhưng cũng là nơi nổi danh nhất thế giới.
Đại Lộ Thừa Lương (The Bund)
Đại lộ Thừa lương là tên cũ do người Âu châu đặt cho đại lộ chạy dài theo công viên Huangpu. Người Trung quốc gọi là đại lộ Zhongshan, hay Waitan. Các lâu đài tráng lệ xưa kia đều thuộc nhượng địa ngoại quốc. Lâu đài đầu tiên là khách sạn "Hoà Bình" (Peace Hotel) với mái ngói hình chóp màu xanh lục; khách sạn Cathay với kiến trúc cổ kính chỉ còn tìm thấy ở những thành phố như như Vienna (Áo), Paris (Pháp), và vài thủ đô ở Đông Âu. Ngân hàng Trung quốc, cao như các khách sạn trên nhưng không có nóc hình chóp; bốn lâu đài khác, cao bằng nửa ngân hàng Trung quốc, xưa là ngân hàng và mậu dịch ngoại quốc, nay là cơ quan mậu dịch Trung quốc, chịu trách nhiệm nhập cảng hàng hoá từ các nước ngoài và xuất cảng ra các nước ngoài. Khoảng 500 m xa hơn, là cơ quan Quan thuế, với tháp cao 30 m và chiếc đồng hồ vĩ đại. Gần đó là một dinh thự lớn, mái tròn, là cơ quan đầu não thị xã Thượng hải, tập trung các nha sở của chánh quyền. Dinh thự này bị chiếm cứ thời cách mạng Văn hóa.
Đại Lộ Nam Kinh (Nanjing Road)
Đại lộ Thừa lương là đại lộ đáng chú ý nhất, nhưng đại lộ Nam kinh là đại lộ tấp nập nhất, chạy suốt từ đông sang tây Thượng hải, bắt đầu từ đại lộ Thừa lương. Các phố buôn bán chiếm trọn đại lộ này. Tiệm ăn, rạp chiếu bóng, hý viện xen kẽ với các phố buôn bán dài trên vài cây số. Hai bên đại lộ có trồng cây, rợp bóng mát về mùa hè, trông xinh tươi, diễm lệ. Lưu ý các đường phố chạy dài từ bắc xuống nam được đặt theo các tên tỉnh của Trung quốc; các đường phố từ đông sang tây -- như đại lộ Nam kinh -- được đặt theo tên các thành phố quan trọng nhất của Trung quốc. Đứng trên đại lộ Thừa lương, ta có thể nhình thấy tháp vô tuyến truyền hình của Thượng hải, đứng hàng thứ ba trên thế giới về chiều cao, sau tháp vô tuyến truyền hình Moscow (Nga) và Toronto (Canada).
Viện Thiếu Nhi (Children's Palace)
Viện Thiếu nhi ở Thượng hải là viện được giới thiệu với khách du l 9Uch nhiều nhất. Viện này, xưa là lâu đài nguy nga của bậc giàu sang phú quý, nay được sử dụng để các em đến học vũ, hát, đàn, vẽ tranh, làm thủ công nghiệp, hay đến để nghe các giáo sư giảng bài, hay chỉ đến để chơi đùa ngoài giờ học ở trường. Tại đó có nhiều giáo sư tự nguyện dạy không ăn lương, hay được chánh phủ trả lương. Chúng tôi đã được dự thính các lớp dạy âm nhạc, đàn độc huyền, đàn vĩ cầm, đàn dương cầm; dự khán các lớp dạy viết (calligraphy), vẽ tranh, khiêu vũ (ballet), v.v... Các em khoảng 6-7 tuổi.
Trang Viện Yu Yuan (Yuyuan Garden)
Trang viện Yu Yuan, hay trang viện "Quan Đại Thần Họ Yu", rất đặc biệt về kiến trúc đời nhà Minh và nhà Mãn Thanh. Cái đẹp nhìn bằng mắt thu hút cái tinh túy của cảnh sắc thời bấy giờ, tạo cái cảm giác của "một không gian vời vợi trong một khu vực nhỏ bé." Trang viện được xây cất trong những năm 1559-1577 cho Pan Yunduan, một quan lớn trong triều nhà Minh. Trang viện nhắc lại những gì ở Suzhou, tây Thượng hải, gồm có trên 30 lâu đài, chia làm 3 phần, mỗi phần được ngăn cách bằng một bức tường trắng, trên đỉnh mỗi tường có một con rồng uốn khúc màu xám. Mỗi phần của trang viện, tuy bị ngăn cách, nhưng có một thế quân bình và hoà hợp, tạo một sự thống nhất về phương diện kiến trúc. Một trong những lâu đài là bộ chỉ huy của "Hội Những Thanh Kiếm Nhỏ" (The Society of Small Swords), chống lại triều đình nhà Mãn Thanh năm 1853, và chiếm đóng một phần Thượng hải bằng vũ lực. Một trong những người khởi loạn của hội là Chen Ahlin. Sau khi thất bại, họ rút lui về tỉnh Zhejiang, phía nam Thượng hải, và nhập vào quân "Khởi Loạn Taiping. "Kể từ đó, trang viện bị bỏ phế. Đến năm 1956, trang viện mới được trùng tu. Tham quan trang viện, ta có cảm giác có lúc lên dốc, có lúc xuống dốc trong những ngỏ đi nhỏ hẹp.
Miếu Đức Phật Bằng Ngọc Bích (Temple of Jade Buddha)
Miếu Đức Phật bằng ngọc bích nằm ở tây bắc Thượng hải. Miếu được xây cất gần đây (1911-1918) và cũng mới được trùng tu. Miếu được nổi danh về tượng Phật bằng ngọc bích trắng do một nhà sư Trung quốc mang từ Miến điện về năm 1881. Tại đó cũng có một tượng Phật bằng ngọc bích tuyệt đẹp ở vị thế nằm. Trong điện thứ nhất có một tượng Phật cao 2,5 m bảo vệ kinh Phật, bốn bên có bốn vua Phật; vua ở hướng bắc cầm một chiếc ô; vua ở hướng nam cầm một thanh kiếm; vua ở hướng đông cầm một cây đàn có dây; vua ở hướng tây nắm một con rắn. Trong điện thứ hai, 3 tượng Phật mạ vàng được nhiều tượng Phật nhỏ bao quanh. Tượng Phật bằng ngọc bích được đặt ở tầng thứ hai, chung quanh có 7.000 sách kinh Phật, xưa 2 thế kỷ. Tượng Phật nằm được đặt ở điện kế bên. Không được phép chụp ảnh. Điện được mở cửa mỗi ngày từ 8:00 AM đến trưa và từ 1:00 PM đến 5:00 PM. Những người không có đạo không được vào miếu trong những ngày lễ đặc biệt như Tết Nguyên đán. Chúng tôi đến thăm viếng đúng ngày rằm, nên đồng bào đến cúng bái rất đông. Ngày mồng một còn đông hơn nữa.
Trình Diễn Thuật Nhào Lộn (Acrobatic Show)
Tối 25 tháng 4 sau khi ăn xong, chúng tôi đi xem trình diễn nhào lộn, do một nhóm trẻ em dưới 10 tuổi cống hiến. Đó là một nhóm học sinh trên đường đi trình diễn ở Nhật bản. Nhiều màn trình bày rất đặc sắc, còn đặc sắc hơn nữa là các em còn quá trẻ. Buổi trình diễn kéo dài 1 tiếng đồng hồ như hai buổi trình diễn trước.Bốn người trong nhóm chúng tôi sẽ đi Wuxi, Suzhou và Hangzhou sáng hôm sau, 26 tháng 4. Tôi và một người nữa thuộc tiểu bang Rhodes Island sẽ ở lại Thượng hải đến chiều ngày 27 mới đáp phi cơ về Nữu Ước. Sáng ngày 26, hai chúng tôi, cũng như ngày đầu đến Bắc kinh, thả bộ trên đại lộ Nam kinh, vào các thương xá để mua vài vật kỷ niệm. Thì giờ qua rất mau! Sau khi ăn trưa xong, chúng tôi đề nghị cô hướng dẫn viên để chúng tôi tự do trên đại lộ Thừa lương, xem tỉ mỉ cái đại lộ đã thu hút đủ loại người, từ già chí trẻ, dân địa phương cũng như người ngoại quốc, từ sáng đến tối lúc nào cũng tấp nập, có người vội vã, có kẻ nhàn du. Chúng tôi đã ngồi suốt cả buổi chiều dọc theo đại lộ, xem kẻ đi qua, người đi lại. Chiều hôm ấy có gió, nhưng không nhiều, và không lạnh mấy.
Tại Thượng hải, có nhiều tắc xi hơn xe đạp. Có trolley bus. Ở Bắc kinh không có. Xe tắc xi mỗi ngày phải kiếm tối thiểu 250 yuan (= 30 $US) thì mới đủ sở phí. Cô hướng dẫn viên giải thích như vậy và lý do tại sao tài xế tắc xi cứ đếm tới đếm lui tiền trên xe! Cô hướng dẫn viên giục chúng tôi đi ăn tối. Bữa ăn chiều hôm ấy thật tẻ nhạt vì chỉ còn hai người. Ăn xong tôi về khách sạn viết cho xong mấy tấm thiệp để sáng hôm sau gởi đi, chấm dứt 13 ngày du lịch Trung quốc.
Ngày Chót Tại Thượng Hải
Chương trình ngày chót của mọi cuộc du lịch bao giờ cũng co giãn. Chỉ đi shopping mua vài vật làm quà kỷ niệm mà mình thấy chưa đủ. Chỉ sắp đặt hành lý sao cho gọn gàng. Nhất là sổ thông hành và vé máy bay sao cho vừa tầm tay. Cũng đừng quên vé máy bay nội địa để chuẩn bị khi về đến Hoa kỳ. Càng đi du lịch nhiều, mình mới thấy "càng nhẹ càng tốt." Ngày chót ở Thượng hải trời mưa, như ngày đầu chúng tôi mới đến Thượng hải. Chúng tôi định đi xem vườn Bách thảo Thượng hải, nhưng vì trời mưa nên chúng tôi hủy bỏ chuyến đi. Thượng hải còn rất nhiều nơi để thăm viếng, nhưng không có trong chương trình, nhất là cuộc du ngoạn 3 giờ rưỡi trên sông Huangpu. Tiếc lắm thay!
Về Lại Hoa kỳ
Ăn trưa xong, chúng tôi lên phi trường Thượng hải để đáp máy bay của hãng Hàng không China Eastern Airlines về Hoa kỳ qua ngã Shanghai - Anchorage - New York. Chúng tôi đến Nữu Ước vào buổi tối, cùng ngày. Ba giờ sau mới có chuyến bay về Washington DC. Tôi về đến Washington, DC khoảng rạng sáng ngày 28 tháng 4 . Lần đầu tiên về ban đêm trên không phận Washington, DC tôi thấy DC thật đẹp, nhất là những giàn đèn trên phi đạo.Ôi, không đâu đẹp bằng quê hương mình! nhưng tiếc thay, DC không phải là quê hương tôi!
Viết xong Chủ Nhật thứ 2 sau lễ Thăng Thiên 94
N.Q.T