Ngộ Cố Tri
Bài của Lâm Dân Trường

Vừa bước ra xe buýt "con thoi", đặt chân lên nhà ga chính của phi cảng Dulles (Washington DC), hai đứa tụi tôi (Bà "Giám đốc" và tôi) cảm thấy mình quê ngay : thiên hạ toàn quần ngắn, áo thun, đứng sắp hàng cả cây số, trong lúc mình súng sính trong bộ đồ vía như đi ăn Tết. Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ trắng thì được mời qua cổng 20, 21, đám còn lại thì chiếm 19 cổng còn lại, phải chờ hơn một tiếng rưỡi mới ra khỏi trạm quan thuế. Té ra, trái ngược với hầu hết các nước Âu châu, công an chỉ coi vào con dấu visa trên passport, phết cho một con dấu khác rồi đuổi đi, các cô lính Mỹ coi tới hỏi lui giấy di dân mà hành khách phải điền lúc còn ngồi trên phi cơ, trước khi phệnh cho hai cái rầm rồi mời đi. Quan thuế thì chả thèm nhìn coi mình đem theo mấy cái va li! Cả gia đình anh chị Lê Hữu Liêu, bạn cùng lớp ngày xưa, ra đón, đưa về nhà cô em gái của anh ở Maryland, mà tụi tôi thường gọi là khách sạn 5 sao. Đến đây lại thấy cần phải sửa lại câu "Cưới vợ Nhựt, ăn cơm Tàu, ở nhà Tây" thành ra "Vợ Việt, cơm Tàu, nhà Mỹ." Nhà trung bình ở Mỹ lớn khoảng gấp rưỡi nhà ở Âu châu. Nhà không cầu kỳ ở ngoài, vật liệu hầu hết gỗ là chính, nhưng vào trong thật là tiện nghi : phòng khách chính, phòng chung gia đình liền với bếp, tủ lạnh có nước đá nước lạnh, phòng riêng cho cha mẹ có phòng tắm riêng, ... Hầu hết mặt tiền đều không có phân định ranh nên từ mặt đường nhìn vào có một cái nhìn thoáng hơn. Trong lúc ở Âu châu, thể hiện cái tinh thần cá nhân vượt bực bằng cách thiết lập hàng rào vây kín, ngay cả trước khi xây nhà.

Washington bây giờ có thêm được hệ thống xe điện ngầm và đài kỷ niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt nam. Bà xã tôi được một phen chóa mắt với các đài kỷ niệm các Tổng thống Mỹ mà từ trước tới nay chỉ thấy trên hình. Tụi tôi phải để cả ngày để viếng sơ các bảo tàng viện Smithsonian, thực hiện được cái mộng ấp ủ từ lâu, vì giải thích, diễn tả cách nào cũng không bằng thấy tận mắt cái đẹp, cái to lớn tượng trưng cho nền văn minh Mỹ. Hôm tụi tôi ở đó nhằm ngày Do thái gặp PLO ở Tòa Bạch ốc, nên xe cộ lung tung, tụi này chỉ được đứng ở ngoài rào chụp mấy tấm ảnh về khoe với xóm làng.

Rời DC đi Jacksonville (Florida), đổi máy bay ở Orlando. Trời nắng như đốt, lại còn ẩm như tắm hơi. Vợ chồng Chung Hiệp, em của bà xã, ra đón bằng xe van nên cũng đỡ vất vả với mấy cái va li bự chần vần. Xứ nóng và ẩm là do mực nước ở đây quá cao, nhà không xây hầm được, còn cống rãnh phần nhiều lộ thiên. Cũng như các nơi khác, thành phố được mở ra theo chiều rộng, những vùng đất hoang từ năm 1975 nay đã trở thành những khu dân cư trù phú, nối lại với nhau bằng các đường thẳng song song, thỉnh thoảng có một khu thương mại. Người làm việc ở nhà máy ngoài thành phố có lẽ ít có dịp vào trung tâm thành phố. Do đó mà không còn cái thú rểu bát phố.

Tham dự sinh hoạt của một nhà thờ Tin lành ở Jacksonville tụi tôi mới có dịp biết qua đời sống của các con lai Mỹ mới được di dân tới đây. Họ sống an bần, được nhóm Tin lành ở đây giúp đỡ và hướng dẫn để họ có cơ may hội nhập với xã hội nhiều mới lạ này. Phải thuyết phục bà xã mãi mới được đi xem Epcot Center vì bả cứ nằng nặc đòi đi Disneyworld, một trong bốn món ngon ở vùng Orlan- do : Epcot Center, Disneyworld, Magic Kingdom và MGM Studio. Phen này thì không những bà xã chóa mắt mà cả tôi cũng kinh hoàng với các màn trình diễn trí tưởng tượng của con người, các thành tựu về khoa học, các trò giải trí mà muốn tìm hiểu có lẽ phải để cả tháng đọc sách khơi khơi. Một ngày để viếng bãi bể St Augustine : cát trắng, nước ấm, cảnh đẹp nhưng vắng như chùa bà đanh. Hết hè rồi! Gần bãi có Alligator Farm với đủ loại cá sấu, hàng ngàn con, đủ màu, xanh, đỏ, tím. Từ loại chỉ ăn cá cho tới loại gặm người như ăn xúc xích. Khung cảnh thiên nhiên tạo cho du khách có cảm tưởng như mấy tay săn thú ở Phi châu lạc vào giang san của loài sấu. St Augustine còn giữ được vài cổ thành thời người Y pha nho tới chiếm đất giành dân. Bây giờ là nơi thu hút du khách.

Muốn vào thành phố Jacksonville phải qua "Tam lý tràng kiều" bắt ngang qua sông St Johns, cầu dài 3 dặm. Nhà cửa tăm tắp cả chục dặm, nơi mà năm 1975 tôi đã có dịp viếng qua, thành phố mới thiết lập hệ thống khử nước cống rãnh còn là một khu rừng bạt ngàn. Tôm cá sông St Johns không thua gì sông Cửu long của ta. Có một ông bạn bác sĩ ở đây, cất một cái cầu tàu đưa ra sông, chiều chiều thả xuống nước một cái rọ với vài cái đầu gà làm mồi, nửa giờ sau kéo lên đầy tôm cua. Đã vậy trên bờ thì cây trái sum sê, nào mận, nào hồng, nào sả, rau thơm, bạc hà,... Bợm nhậu tri âm mà tới đây có lẽ sẽ quên đường về Sài gòn.

Từ Chicago qua, sau khi trải qua trên hai giờ bay băng qua đồi núi trơ trọi và sa mạc, tiếp viên báo sắp đến Los Angeles, thành phố như nằm trong một cái lồng không khí ô nhiễm, máy bay rầm rầm chun xuống, xa lộ thênh thang sáu băng, xe cộ nối đuôi như dây chuyền chuyển than trong nhà máy. Chị Nga, bạn bà xã, người mảnh khảnh nhưng lái xe như gió chạy phom phom trên "car pool", băng ssát trái dành cho xe có 3 hành khách trở lên. Cơm tối ở phố Bolsa xong là sụp mí, vừa mệt vừa sai với giờ miền đông những 3 tiếng. Đến đây thì mới thấy cái quí của tình bầu bạn, tình đồng môn : Lý Bình, rồi Hà Văn Trung, Nguyễn Hữu Tấn, Hoàng Như Ngọc, Trần Khiết, Lê Minh Quân,... bắt cóc dẫn đi ngoạn cảnh từ Santa Monica, Marina, xuống tới Tijuana, qua tận Las Vegas. Nhiều màn cười bể bụng vì tuổi già mà cứ tưởng như lúc mới ra trường : chạy lạc, quên credit card. Đông quá mà thời gian eo hẹp nên tụi tôi đề nghị hai buổi họp mặt : một ở nhà Lý Bình với các bạn đồng môn (Bình, Ngọc, Quân, Tân, Vinh, Đồng, Tấn), bạn bà xã (Liễu, Kim Chi, Hoàng Phượng, Mạnh Hùng), học trò bà xã (Vinh, Thủy Hồng, Băng Khanh). Các bà líu lo khàn cả cổ, mỏi cả tay. Một trận chiều chúa nhựt ở nhà hàng Nha trang với các bạn Dậu, Khôi, Quân, Bình, Tư, Quỳnh, Mãnh,... Mãi tới khuya con gà cồ Dậu còn kéo lại nhà cho mấy trái hồng dòn, rồi bắt điện thoại cho xếp Huấn, xếp Thuần để nghe chửi bới về việc không ghé miền đông bắc.

Hầu hết các bạn quen biết đều thành công khi thi thố lại hiểu biết ở nhà trường, nhưng thành công nhiều nhất có lẽ là trên lãnh vực thương mại. Ai cũng có nhà, ít ra cũng trị giá gấp đôi gấp ba lần nhà mấy bạn tôi ở Âu châu. Còn xe cộ thì mấy cô cậu mỗi người một chiếc lái rong chơi, trong lúc bọn tôi thỉnh thoảng mới xì cho mấy thằng nhóc lái chiếc xe duy nhứt của gia đình. Đã vậy các cháu còn được lợi thế trong việc học, theo hệ thống tín chỉ nên có thể rút ngắn thời gian học, hơn nữa mình có thể đổi thầy khi không thích hợp. Người Mỹ gồm nhiều sắc tộc khác nhau, đa số đều có đầu óc phóng khoáng, thực tiễn, nên trên bình diện xã hội ai có chí có tài đều dễ kiếm được việc thích hợp với khả năng mình. Anh Mít, anh Lọ, anh Chệt, ... ai cũng có thể đại diện dễ dàng cho một hãng Mỹ để nói chuyện với một hãng ngoại quốc. Ở Âu châu thì việc này rất hiếm. Hơn nữa trong việc kinh doanh tư nhân, chính phủ Mỹ tương đối rộng mở cho tự do kinh doanh, lời ăn lỗ chịu. Người di dân mới tới, có tiền, là hôm sau có thể mở ngay một tiệm hủ tíu hay một tiệm kim hoàn. Được thêm cái lợi thế là cộng đồng người Việt tương đối đông, một số giúp việc cho các cơ sở địa phương rồi trở về phụ vào việc phát triển kinh tế cho cộng đồng mình. Nhiều khu quanh đi quẩn lại chỉ thấy Mít và Mít, làm mình cứ tưởng là đang đi trong chợ Bến thành. Tuy nhiên, ở đâu có nhiều mật là ở đó có nhiều ruồi, tiệm tùng có phát đạt thì băng đảng cũng nhiều, lớp người dùng sức mạnh của vũ khí để sống trên xương máu và nước mắt của người khác.

Tám ngày ở thành phố của các nàng Tiên thì Trần Khiết giao hàng tụi tôi cho nhóm Tây Bắc: anh chị Văn và chị Phong đưa về xứ lạnh Vancouver sau một buổi cơm trưa ở tiệm chị Ngô Duy Đức ở Seattle. Qua biên giới còn có màn các chị bắt bà xã tôi xổ một tràng tiếng Tây để hù mấy ông lính đoan. Vì không trả lời được bằng tiếng Pháp, họ cho qua dễ dàng, không thì mất cả buổi với mấy cái va li như bao gạo chỉ xanh. Cũng phố Tàu như Los nhưng Vancouver có nhiều điểm thơ mộng với vườn hoa Stanley Park nhìn vào thành phố, cầu treo trăm trượng, rừng thông bạt ngàn. Một ngày qua phà đi Victoria, thủ phủ của British Columbia, tụi tôi có dịp ở "Tòa Bạch ốc", nhà của anh chị Trần Hậu Khánh (em của anh Trần Hậu Đức), dựng trên đồi nhìn xuống vịnh Sidney như cảnh thần tiên làm cho nhà Văn có dịp thả lá đề thơ trong lưu bút. Anh chị Lê Khắc Hiệp lặn lội với tụi tôi suốt một ngày xem trường đại học B.C., bờ biển của bọn "uổng trờ" (nhưng tiếc là gió thu đã đuổi họ vào nhà hết), và cơm Tàu thịnh soạn.

Từ Vancouver anh chị Văn và chị Phong lại giao hai cục nợ đời cho anh chị Ngô Duy Đức ở Seattle. Chuyện trò cơm nước líu lo xong, mấy anh chị trở về Vancouver. Chị Đức cho đi xem tháp Space Needle, và nhất là chợ "Cầu Ông Lãnh" ở trên bờ sông, nhưng ở đây chỉ thấy hoa đẹp, nhất là hoa biết nói. Hôm sau anh Đức đưa ra phi trường trở xuống San Francisco. Còn lưu lại cho tụi tôi cảm giác Vancouver là một thành phố Âu châu mặc dầu ảnh hưởng Mỹ 80 phần trăm trong lối chỉnh trang đô thị, lối phát triển kinh tế hay ngay cả trong công ăn việc làm.

Anh chị Nguyễn Công Chánh đón về ga-ra bán xe do Ngô Lương Phú trụ trì, vừa chăn mấy chục chiếc xe, vừa phụ điều hành một siêu thị nhỏ đầy mặt hàng Mễ. Liền tối hôm sau, bạn bè tứ phương tụ tập lại nhà anh chị Chánh: Nguyễn Sáu, Xuân Hồng từ San Jose lên, chị Sang, anh chị Phú, ... bà xã tôi lại dồn thuốc để có thể tiếp tục đấu. Nhà anh chị Chánh cất trên đồi Tiburon, bên kia núi của cây cầu thơ mộng "Kim tràng kiều." Đêm đến, ngồi nhìn ra vịnh San Fran- cisco uống trà ngắm trăng chênh chếch đầu gành, bầy nai hoang thơ thẩn trong vườn hoa dưới nhà. Sáng thứ bảy là đại hội ở San Jose, anh em cơm ghe bè bạn kéo về nhà anh chị Nguyễn Giụ Hùng, có Chánh, Xuân Hùng, Thụy, Đồng, Phát, Dũng, Sáu, Quang, Đào Kim, ... Trận này to quá nên bà xã khan cổ lịm tiếng luôn.

Bao nhiêu cảnh đẹp đó, xem ra hai đứa tụi tôi không có dư thì giờ để thưởng thức. Tụi tôi chỉ để rất ít thì giờ lướt qua các thắng cảnh, còn lại thì để thưởng thức cái thú "Tha Hương Ngộ Cố Tri." Nhiều bạn bè xa cách mấy chục năm gặp nhau kể lại bao nỗi hàn ôn.

Tụi tôi rời San Francisco về Bruxelles mà lòng vẫn còn lưu luyến những cảm tình mà anh em thân hữu điện lực, các bạn học cũ đã dành cho hai đứa tụi tôi trong suốt một tháng lưu lạc giang hồ.