LTS : Trong dịp về Houston tham dự đại hội họp mặt THĐL hè 94 vừa qua, chúng tôi tình cờ đọc được một số bản tin của nhóm các cựu sinh viên Việt nam du học Tân Tây Lan, tên gọi là "Lá Thư 7 Ngàn Dặm" (7ND). Và cũng rất tình cờ chúng tôi "bắt" được bài viết này của tác giả Phạm Phan Long. Tuy có rất nhiều chỗ chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với tác giả nhiều lúc còn cảm thấy hình như tác giả hoặc "ngây thơ" hoặc không có kinh nghiệm sống với chế độ cọng sản tại Việt nam, chúng tôi cũng phải nhìn nhận rằng tác giả đã đánh đúng vào nỗi thao thức của rất nhiều THĐL chúng ta hiện tại. Rất nhiều suy nghĩ và ưu tư của tác giả cũng là của thân hữu điện lực chúng ta.
Chúng tôi xin trích đăng lại toàn bài viết này để các THĐL có dịp đọc và suy ngẫm. Trong bài này, chỉ cần thay thế danh xưng "Lá Thư 7 Ngàn Dặm" bằng "Bản Tin THĐL" cũng như thay thế "Nhóm Cựu Sinh Viên Việt Nam Du Học Tân Tây Lan" bằng "Nhóm Thân Hữu Điện Lực", các bạn sẽ thấy như là một bài viết của và cho chúng ta. Riêng chúng tôi, cái tựa đề bài này có lẽ phải sửa lại là "Vài Suy Tư Và Ước Mong ..." thay vì "... Đề Nghị ..." Thân hữu nào có ý kiến hay suy nghĩ gì, xin đóng góp để chúng ta cùng thảo luận.
Vấn Đề Trước Mắt Của Chúng Ta
Trong vòng mười năm qua một số biến đổi đặc biệt về chính trị, kinh tế, và tư tưởng đã dồn dập xảy ra trên khắp thế giới. Những biến chuyển này có tính cách "cội rễ, trọn vẹn và toàn diện" vượt ngoài sự tưởng tượng của người quan sát và thoát tầm kiềm tỏa của người trong cuộc. Gần đây, đã có chuyên viên và doanh nhân về nước nghiên cứu cơ hội và đầu tư. Các đài phát thanh và báo chí Hoa kỳ thường có các bài về kinh tế Việt nam. Ngay 7ND từ năm 1993 đã có loan tin về những hoạt động của Ex-Kiwis thành hình trong nước, cọng theo là lời kêu gọi bạn bè hợp tác đầu tư kinh doanh với nhau trong các dự án đó. Việc quảng bá phong trào này trên 7ND đã làm một vài thân hữu dè dặt cho rằng đây không phản ảnh một ý hướng chung của các bạn trong ND. Và gần đây, Hội Chuyên gia Việt nam bên Mỹ lại ra một khuyến cáo chống đối các hoạt động của chuyên gia vào việc trong nước. Đây cũng chưa hẳn là ý tướng của các chuyên viên Việt nam hải ngoại nói chung. Các sự kiện này buộc chúng ta phải suy nghĩ về vai trò của mình.
Số vốn liếng hiểu biết chuyên môn của hơn 120 người chúng ta, từng người tuy còn hạn hẹp, nhưng nếu đem cọng hết lại là đã có trên 24 thế kỷ kinh nghiệm chuyên môn (120 người x 20 năm = 2400 năm). Kho tàng này xưa nay vốn thầm lặng. Chúng ta thường nghĩ mình là chuyên viên không dính vào chính trị. Nhưng chính trị lại là sức mạnh ghê gớm nhất đã xếp đặt cả cuộc đời chúng ta. Chúng ta đã sống quá nửa đời người, có lẽ không cần và không nên giữ im lặng nữa mà bây giờ cần lên tiếng nói, cùng nhau mở khóa kho tàng ta có, phân tích hiện trạng và tương lai đất nước để mỗi người tự chọn một hướng đi hợp lý cho nửa quãng đời còn lại. Tại sao vậy?
Vì với số vốn trí tuệ, với các mảnh giấy trong tay nhìn nhận thế thật, chúng ta đã mang một vị thế có trách nhiệm nào đó trong xã hội. Và vì mang tấm thân thế đó, chúng ta cũng âm thầm khoác nhẹ lên vai một điều kỳ vọng gì đó, không thành văn nhưng cũng khá rõ ràng. Bằng chứng là lâu lâu "nó" lại nổi dậy thúc đẩy trong lòng ta góp sức với ai và làm một việc gì. Có lẽ "nó" đó là tình tự quê hương tiềm tàng không cho phép ta mãi yên trong thầm lặng. Hà Sĩ Phu đã viết "Chúng ta ... phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình ..."
Vậy đối với chúng ta, những cựu sinh viên du học tại Tân Tây Lan, việc về nước hoạt động và kinh doanh có làm tốt đẹp cho đất nước thật không? Đây là một câu hỏi lớn để tranh luận sôi nổi ngay trong gia đình và giữa những bạn bè thân thiết nhất và đây là câu hỏi then chốt đáng đặt thành vấn đề nhất qua 7ND chúng ta cùng nhau đem ra mổ xẻ cặn kẽ một lần. Một câu hỏi làm một số người cẩn thận rất ngại ngùng, có tránh né với người khác được nhưng không tránh né được trong lòng mình và với các bạn thân mình.
Với những biến chuyển đang xảy ra cho Việt nam, tương lai của 72 triệu người Việt, trong đó có họ hàng thân thuộc và bạn bè chúng ta rồi sẽ đi về đâu? Hoa kỳ hết cấm vận và sẽ mau chóng đi tới bang giao, những dự án chuyên môn về kinh tế, thương mại và kỹ nghệ ngày càng to lớn đang nẩy mầm, trỗi dậy và vươn lên trên mặt đất quê hương. Chúng ta, những người chuyên viên, sẽ không thể đứng bên lề lịch sử mãi như xưa nữa. Chúng ta sẽ có lúc đứng trước sự lựa chọn trong các cơ hội đó. Chọn thế đứng bên ngoài sát bên những bạn bè chân ướt tay ráo mới thoát ra khỏi nước và không nhúng tay vào, hay lao mình nhảy thẳng vào thế cuộc tìm cơ hội và đem kiến thức ra thi thố như một số các bạn trong chúng ta đã và đang lần lượt trở về? Nói trắng ra là hợp tác với chế độ hay không? Các trường phái hai bên chống và thuận này giải thích về mình với những lý luận tiêu biểu như sau :
Phái chống : Không muốn mình trở thành công cụ hậu thuẫn xây dựng cho một chế độ đang biến đất nước thành tư sản riêng của một nhóm người, những người trong trường phái thứ nhất này không muốn bán linh hồn và tim óc cho một chế độ như thế bất cứ với giá nào. Họ không thể làm công việc ngược lương tri, phản dân chủ ngay trên mồ hôi đồng bào nghèo khổ và trên tấm lưng mảnh đất quê hương. Họ tin rằng chế độ hiện tại sẽ suy sụp và sụp nhanh hơn nếu chế độ tại Việt nam bị cô lập kinh tế lâu thêm chút nữa.
Phái thuận : Những người thuộc trường phái thứ hai dựa vào nhận định thực tế rằng "không có mợ chợ vẫn đông", mình không làm sẽ có kẻ khác hăm hở làm và còn làm bậy. Họ tin rằng vẫn có thể hợp tác vào các dự án tại Việt nam trong bất đồng chính trị với chế độ. Họ thấy 20 năm qua đã chỉ thiệt thòi cho người dân trong nước, nhà nước lại chẳng thiệt hại gì, còn mạnh hơn. Họ tin vào tài năng bản lãnh mình, vào sự liên hệ mật thiết có được sẽ đưa đến cơ hội gây ảnh hưởng thúc đẩy sự thay đổi. Họ tin sẽ có thay đổi.
Vài bậc tiền bối đã góp ý kiến cho rằng người hai phe trên đối nghịch nhau, nhưng thực ra đều là những tâm hồn nhiệt huyết và cũng có lòng mong ước tối hậu là mang tiến bộ về cho dân tộc. Có những trường phái "hư chiêu" khác nằm lẫn trong hai phe trên nhưng không phải thực chất vì dân tộc : Đó là phe thứ ba gồm những người tiếp tục dùng trường phái thứ nhất vì quen tính chống đối chế độ. Họ không còn nhìn thấy những thay đổi mạnh mẽ trước mắt và không nhận xét về thay đổi linh động của kẻ họ vẫn thù hay bạn họ vẫn tin. Ngược lại cũng có phe thứ tư là những người ngoài nước về hợp tác để kiếm tiền cho riêng mình, họ cọng tác với những người trong nước để xây dựng chế độ, họ đều khoác vào người chiếc áo hấp dẫn của trường phái thứ hai. Người tiền bối này cho rằng mục đích của những nhóm cực đoan đó là lợi ích cho riêng họ và thật nguy hiểm cho đất nước.
Viết ra vấn đề hóc búa này trên 7ND và những cao kiến trên để các bạn suy tư và nếu có thể, mong được thật nhiều "feedback" của các bạn khắp nơi gởi về để chúng ta cùng chia xẻ và suy nghĩ với nhau. Những câu hỏi căn bản sau đây của chúng ta sẽ phải đối diện trong lòng mình :
1.Vai trò chúng ta bây giờ là gì? 2.Chúng ta nên tham gia vào thế cuộc này hay không? 3.Nếu có thì khi nào và trong những điều kiện gì? 4.Lấy những tiêu chuẩn nào để phân biệt việc nên làm và không nên làm?
Tôi tin rằng trong nhóm 7ND chúng ta có những ngôi sao với ánh sáng soi tỏa được những vấn đề đất nước nhưng chưa muốn xuất hiện ra trước bầu trời. Bầu trời Việt nam bây giờ còn âm u lạnh lẽo, xin những vì sao dù to nhỏ cũng hãy hiện ra đem ánh sáng làm hy vọng cho những đôi mắt mệt mỏi vẫn mong chờ.
Vài Đề Nghị Thay Đổi Cho Việt Nam
Với các bạn 7ND : Suy tư trên đã thúc đẩy tôi liều lĩnh viết ra đây những đề nghị thay đổi nho nhỏ cho Việt nam. Có biết bao nhiêu đề nghị cần thiết khác, nhưng tôi đã chỉ chọn lọc để viết ra đây những đề nghị ít tốn kém, nhưng thực tế và gần gũi với đời sống và việc làm người dân trong nước nhất. Xin các bạn bổ túc và nới rộng các đề nghị nơi đây.
Với nhà cầm quyền trong nước : Nếu nhà cầm quyền thực tin vào "đổi mới" như đang nói về đổi mới, thì sau đây là vài thay đổi làm ngay được, để tạo điều kiện phát triển trí tuệ, và tạo thêm trường sở đáp ứng những nhu cầu giáo dục và y tế cấp thiết ở Việt nam ngay bây giờ.
1. Bãi bỏ chính sách cấm nhập cảnh các máy vi tính cũ : Nhà nước tới nay vẫn còn duy trì việc cấm đoán nhập cảnh các máy vi tính cũ. Việc cấm đoán này thật không thể nói gì hơn ngoài cất lên hai tiếng "than ôi!" Việc cởi trói cho trí tuệ trong bối cảnh hiện tại thật không gì mãnh liệt và hiệu quả bằng cho du nhập kỹ thuật vi tính và nhu liệu về nước. Cần có máy tính tràn ngập các trường sở, đặt lên hết các bàn giấy, bày ra khắp các lớp học từ ải Nam quan tới mũi Cà mau. Nên cho máy móc và nhu liệu bất kể cũ mới về nước, cũ lại càng rẻ được biết bao nhiêu lần. Và nên miễn thuế hoàn toàn nữa mới phải. Nhà nước sẽ có lợi trước và lợi vô cùng.
Vì dân biết dùng máy vi tính rồi dân sẽ làm việc cho ai? Nếu không phải là đem chính những hiểu biết đó góp tăng gia năng suất các xí nghiệp tư doanh mà nhà nước đang khuyến khích. Và ngay cả quốc doanh, chính nhà nước cũng đang khao khát một mầu nhiệm tiến bộ để khỏi còn lo việc bao cấp kinh niên. Mầu nhiệm của làn gió điện toán này đã thổi qua các xã hội tư bản đưa họ bước sang kỷ nguyên tin học. Hãy đoán chào những máy móc và nhu liệu mới và cũ cho hoàn toàn tự do du nhập về nước để phát triển kỹ thuật và dân trí. Đây là một cơ hội rất hiếm hoi mà lịch sử văn minh hiện đại mở ra một con đường cho các nước đang mở mang nhảy vọt theo đà các nước tân tiến. Những kẻ lên đường đi trước có thể tiến bộ nhanh với vận tốc của những hạt âm điện tử. Tại sao không cho dân gian được học hỏi tham gia vào một kỹ thuật văn minh sinh tử của thế hệ này?
2. Bãi bỏ hoàn toàn việc kiểm duyệt báo chí, sách vở, tài liệu : Việc kiểm duyệt này còn giữ lại thêm ngày nào là cản tiến bộ và cũng là "cho không" phe chống đối bên ngoài một chính nghĩa to lớn thêm ngày đó. Hãy cho phép tự do về nước không kềm chế các tất cả tài liệu khoa học, kỹ thuật, kể cả chính trị và kinh tế để chính các đảng viên và cán bộ học hỏi. Có quyền lực lại có thêm sách vở bên mình càng làm chế độ vững mạnh hơn thêm. Nhà cầm quyền đã can đảm cho đô la nhập nội không hạn chế và đã thành công trong chính sách tiền tệ cấp tiến này. Cả dân chúng cũng được dễ thở hơn. Tiền là thứ vũ khí đa dạng vừa dọa dẫm vừa mua chuộc được nên đáng ngại hơn sách vở gấp bao nhiêu lần. Bây giờ nhà nước đã hài lòng với "đổi mới" tiền tệ đó. Thì bước kế tiếp nên cởi mở là cho báo chí, sách vở, tư tưởng hoàn toàn tự do tràn ngập quê hương. Đây là việc thay đổi chính sách can đảm và giá trị đáng đem ra thử nghiệm.
3. Cho phép nhà thờ và chùa mở lớp dạy học : Mở mang dân trí là một trong những thiên mệnh của minh quân. Sự nghèo khó ngân quỹ quốc gia không cho phép nhà nước xây cất trường sở, đào tạo giáo chức và in phát sách giáo khoa thư. Trường sở giáo chức thực ra đã có ngay trên khắp đất nước, nếu cho phép các tôn giáo tự do dùng cơ sở tôn giáo làm trường học và truyền giáo. Để nhà nước độc quyền việc giáo dục và không tròn bổn phận là kìm hãm trí tuệ dân gian, là ôm khư một "khuyết tật" lớn nữa để người ngoài chỉ trích và con trẻ trong nước thiệt thòi. Biết kết hợp với các cơ sở tôn giáo làm việc văn hóa giáo dục xã hội là hàn gắn lại nghi kỵ, và là cách trả lời hiệu quả nhất trước sự tố cáo đàn áp tôn giáo trong nước. Đây thật là một điều nên làm ngay!
4. Cởi mở hoàn toàn trong việc thu dụng nhân viên tư : Nhà nước nên đứng hoàn toàn bên ngoài không can dự vào việc thu dụng nhân viên của các xí nghiệp doanh thương tư. Việc họ làm đòi hỏi những kiến thức chuyên môn để làm công việc doanh thương riêng biệt của họ. Họ biết hơn nhà nước về những công việc họ phải làm. Nhất là làm bằng đồng tiền của họ và kiếm lời đóng thuế cho nhà nước, nên việc họ chọn lựa nhân tài vào trong các công việc của họ nên để hoàn toàn theo ý muốn lựa chọn khôn ngoan tự do của họ. Nếu không có một đội ngũ nhân viên thống nhất và hòa nhịp, đầu óc tay chân sẽ bất nhất, công ty họ sẽ giảm mất sức mạnh sản xuất về phẩm và lượng, họ không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Lúc đó nhân công có rẻ mạt, sản phẩm cũng thành đắt. Một doanh nhân đứng đắn và cẩn thận sẽ không bao giờ làm công việc kinh doanh liều lĩnh với bó buộc nhân sự như thế được. Cho phép thu dụng nhân viên tự do là tạo điều kiện dễ dàng để hấp dẫn cho doanh nhân đứng đắn và cẩn thận đầu tư vào kinh tế trong nước. Có thế mới hy vọng đẻ ra được những đầu tư vững chắc giá trị và lâu dài.
5. Đánh thuế xa xỉ phẩm gây quỹ làm nhà thương công cọng : Đánh thuế thuốc lá, rượu, văn nghệ phẩm, vũ trường, xe du lịch tối đa, tới mức để giá thị trường ngay trong nước cũng lên ngang hàng với hải ngoại trong vùng để gây ngân quỹ dành hết cho việc xây dựng cơ sở y tế. Chuyện buôn lậu sẽ theo mức lời cao hấp dẫn đó mà tăng lên nữa, nhưng xã hội tư bản còn kiềm tỏa được tệ đoan này huống gì một nền kinh tế chỉ huy bởi nhà nước và công an, việc này chế ngự được. Nếu hậu quả tăng thuế mang lại sự thất thu, công chúng bớt tiêu thụ, bên ngoài giảm bớt du lịch, đó chẳng là những dấu vết thay đổi lành mạnh của một xã hội đáng khen hay sao?
6. Tận lực trọng dụng chất xám vào các chức năng cần chất xám : Phó thác các quyền quyết định lãnh đạo tối hậu về ngân quỹ, chi tiêu, nhân sự, kế hoạch vào những bộ óc kinh nghiệm hiểu biết chuyên môn tinh anh nhất đang có sẵn trong nước. Tìm kiếm và ưu đãi sử dụng họ vào những công việc chuyên môn của họ. Hãy xét lại từng người trong toán nhân lực đang có và vai trò từng vị, để đặt những bộ óc ưu việt nhất của đất nước, hoặc ít nhất là trong cơ quan, lên vị thế dẫn đường. Chuyển những người đang ở vị trí lãnh đạo không đủ khả năng và kiến thức sang vị trí cố vấn. Bảo đảm lợi tức hợp lý cho người bị thay thế, đồng thời thẳng tay trừng trị những người chống đối, phe đảng, tham quyền cố vị, và gây khó khăn cho người thay thế.
Vài Lời Kết Luận
Vài thay đổi trên sớm muộn gì cũng có ngày đến với dân tộc dù nhà nước hôm nay có chủ xướng hay không cũng thế. Áp lực tiến bộ bên trong và đòi hỏi thay đổi bên ngoài ngày càng nặng hơn lên. Nếu nhà nước can đảm đối diện vấn đề và thực hiện sớm những thay đổi đó sẽ có công lớn với đất nước và đồng thời củng cố sự vững mạnh cho chính chế độ trước hết. Những điều kể ra lại cần phải làm ngay vì cả thế giới sẽ không hiểu tại sao nhà nước nói về đổi mới và không làm vài việc đổi mới có ý nghĩa này. Nhất là những đổi mới này không tốn kém công của, và chắc không đe dọa được một chế độ đã thống nhất được đất nước và nắm vững trên quyền lực năm nay.
Những đề nghị nói trên tiềm tàng bên trong có những yếu tố ngấm ngầm có thể làm nhà nước lo ngại về việc mất ảnh hưởng. Nếu những người cầm quyền còn có niềm lo ngại thế thật thì tất cả những đề nghị trong bài này nên tạm gác đi và thay bằng một đề nghị tiên khởi là làm sao dẹp bỏ chính tính lo ngại đó đi. Nếu cần, phải thay thế những người hay nhóm người nắm quyền mà không nhận lãnh trách nhiệm đi đôi với các quyền hành đó. Niềm lo ngại của họ, nghĩ kỹ sẽ thấy, làm cản bước tiến của chính họ trước lịch sử và tiến bộ của đất nước trước cuộc diện thế giới.
Riêng đề nghị về việc trọng dụng nhân tài lại càng không có lý do gì trì trệ. Công việc khoa học kỹ thuật cần những bộ óc khoa học kỹ thuật để thực hiện. Một chế độ xây dựng trên khoa học xã hội nếu không thúc đẩy trí tuệ tinh anh nhất của mình tìm hiểu, điều khiển và sửa đổi bằng những băn khoăn khoa học chuyên môn hợp lý thì chế độ còn gì để nói về đổi mới? Nếu ngay trong lòng chế độ có những bộ óc biết băn khoăn mà tiếng nói khoa học, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục của họ vẫn như thầm lặng, bằng chứng là những sơ hở khoa học, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục hiển nhiên dẫy đầy trước mắt, thì chế độ này làm sao hóa giải niềm dè dặt trong lòng những bộ óc khác ở hải ngoại.
Trí thức trong nước đã sống chết hy sinh ở lại trong nước, họ có đầy đủ kiến thức và học vấn trong tay, cho tới nay không làm được việc hay chưa làm được việc đáng kể, thì trí thức hải ngoại nếu suy luận một chút, sẽ phải tự hoài nghi chính mình sẽ làm được việc gì không với một chế độ mà bạn bè mình đã bó tay trong nước?
Trí thức có suy tư như thế sẽ vô cùng dè dặt không dám trở về hợp tác trong tình cảnh đó. Về việc đầu tư cũng thế, trước những khó khăn và điều kiện hoạt động vô lý bó chặt tay chân và đầu óc doanh nhân còn tiềm tàng trong nước, thì những doanh nhân khôn ngoan, đứng đắn và cẩn thận nhất sẽ không dám hợp tác đầu tư. Vậy những doanh nhân hoan hỉ hợp tác bất chấp những vô lý còn tiềm ẩn đó có thiếu cẩn thận không? Nguy hại hơn nữa nếu chính sách lập ra chỉ có những doanh nhân này hợp tác mà thôi, rồi đẻ ra nhiều doanh nhân khác giống như họ cùng nhau làm kinh tế thì đất nước mai sau sẽ ra sao?
PHạM PHAN LONG