"ĂN"
Bài của L.T.M.

Một tuần trước khi khai mạc đại hội THĐL 1994, ban tổ chức ở Houston họp một lần chót để kiểm điểm chương trình. Anh NKMinh (phu quân của nữ thân hữu ĐTNMai) thâu video buổi họp và chiếu lại cho mọi người cùng coi. Video dài khoảng hai giờ, nhưng trong một giờ rưỡi đầu, tôi toàn thấy cảnh mọi người ăn uống rất là tích cực. Ăn trong bếp cũng có, ăn trong phòng ăn cũng có, ăn trong hành lang cũng có, và ăn trong phòng khách cũng có. Phần họp thì chỉ độ nửa giờ, nhưng gia chủ, anh chị NMai và ĐTPNam, lại luôn tay mời mọi người trái cây và trà để được thêm mát giọng trước khi họp tiếp.

Nhìn video tôi chợt nhận thấy "ĂN" là một vấn đề vô cùng quan trọng trong sinh hoạt và văn hóa Việt nam. Động từ "ĂN" đã làm phong phú ngôn ngữ Việt nam nhiều lắm. Hàng ngày chúng ta ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Tiếng Anh phải dùng tới ba từ ngữ khác nhau : breakfast, lunch, và dinner, nhưng tiếng Việt chỉ cần ghép động từ ăn vào với sáng, trưa, chiều, là xong.

Hàng năm chúng ta ăn Tết ta, ăn Tết tây, ăn Tết Đoan ngọ, ăn Tết Trung Thu, ăn Noel. Thay vì nói "mừng" Tết (celebrate the New Year), chúng ta phải nhấn mạnh là ăn Tết.

"Tháng giêng ăn Tết ở nhà Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè Tháng tư đong đậu nấu chè Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm."

Trong tiến trình của cuộc đời, chúng ta ăn đầy tháng, ăn thôi nôi, ăn đầy năm, ăn sinh nhật, ăn hỏi, ăn cưới, ăn tân gia, ăn mừng, ăn khao, ăn tiệc, ăn cỗ, ăn thượng thọ, ăn giỗ. Cắp sách đến trường chúng ta ăn học, sau đó thi đậu tốt nghiệp rồi ra đời làm ăn. Nếu không hành nghề tự do, chúng ta đi làm công, ăn lương. Lúc ăn nên làm ra, ai cũng thích ăn diện, ăn chơi. Gặp bạn bè cùng nhau ăn nhậu thả dàn. Người rộng rãi thì ăn tiêu về nhiều, không để ý đến chuyện lặt vặt. Người bủn xỉn thì ăn keo ăn kiệt, chi li từng cắc từng xu. Trẻ con được dạy không nên ăn tham, ăn dỗ của bạn. Phụ huynh dạy con cái tập ăn nói chững chạc, ăn mặc chỉnh tề, ăn trông nồi ngồi trông hướng, tư cách đàng hoàng, tránh cảnh ăn xó mó niêu. Chúng ta phải ăn cây nào rào cây nấy, biết ơn những người giúp đỡ chúng ta, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chớ đừng ăn cháo đá bát, ăn xổi ở thì. Trẻ con phải nghe lời cha mẹ.

"Cá không ăn muối cá ươn Con cãi cha mẹ trăm đường con hư."

Nếu không nghe lời cha mẹ, thì chắc chắn là sẽ ... ăn đòn! Ra đời, va chạm thực tế, chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy những cảnh chướng tai gai mắt : tranh nhau vì miếng ăn, đánh nhau bể đầu vì miếng ăn. Lúc chưa có việc thì ăn chực nằm chờ, ăn đong, ăn không ngồi rồi. Kẻ mạnh ăn hiếp người yếu, hoặc ăn cướp cơm chim thay vì giúp đỡ nhau. Người thì ăn bám, ăn có, ăn hại, ăn gian, ăn bớt, ăn xén, ăn chặn, ăn cắp, ăn tranh, ăn cướp của người khác. Thèm quá thì cố đấm ăn xôi. Không có tiền thì ăn chịu, ăn quịt. Túng thiếu đường cùng thì ăn xin, ăn mày. Có người thì đói ăn vụng, túng làm càn. Cướp thì đi ăn hàng. Các tay anh chị tức khí thì ăn thua đủ. Tuy nhiên làm bậy thì cũng có thể bị ăn đòn, ăn bớp tai, ăn kẹo đồng. Có người khuyên can, lại còn lên giọng là "ăn nhằm gì ba cái lẻ tẻ đó!" Lúc bấy giờ ăn năn hối cải thì đã muộn.

Đối xử với mọi người, chúng ta cần phải sòng phẳng, có ăn có chịu, không được ăn non hoặc xúi trẻ ăn cứt gà. Bạn bè cùng tính thì ăn ý, ăn nhịp. Bạn bè cần tiền, chúng ta cho vay mà không ăn lời. Nếu cùng lý tưởng, chúng ta sẽ cùng uống máu (nghe ghê quá!) ... ăn thề!

Đi chụp hình mọi người cười duyên, vui tươi, mong được ăn ảnh. Khi kinh doanh, chúng ta mong có những sản phẩm ăn khách để thành công. Nói chuyện trước công chúng, các chính trị gia mong không bị ăn cà chua trứng thối. Khi mua xe cũ, chúng ta tránh mua xe ăn xăng nhiều, hoặc máy đã ăn dầu, tốn tiền sửa chữa. Chữ ăn cũng được sử dụng rất nhiều trong liên hệ nam nữ : ăn ý, ăn nằm, ăn sương. Lăng nhăng thì đi Nhà Bè ăn chè, hoặc ông ăn chả, bà ăn nem.

Ngày xưa chúng ta chỉ nghe tả những nỗi khổ về cảnh làm dâu, nhưng ít nghe về làm rể. Chàng trai vác khăn gói về nhà vợ, được gia đình vợ chăm nom sức khỏe, tránh cho chàng khỏi bị "high cholesterol" nên chàng được ăn kiêng ăn khem rất kỹ!

"...Anh ăn đã hết mười hai vại cà Giếng đâu thì dắt anh ra Kẻo anh chết khát vì cà nhà em."

Ngoài các từ ngữ hàng ngày, chữ ĂN cũng đóng vai trò quan trọng trong văn chương. Khi tả Tú Bà, cụ Nguyễn Du viết :

" Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao" thay vì chỉ tả hình dáng Tú Bà, cụ cũng thắc mắc là Tú Bà ăn gì mà đẫy đà vậy!

Năm xưa, trong một kỳ thi tiểu học có bài luận bình giải câu "ăn vóc học hay." May năm đó tôi còn học lớp nhì chứ không thì ăn vỏ chuối là cái chắc; đến bây giờ tôi vẫn không hiểu "ăn vóc" là gì.

Một thành ngữ khác là "ăn cơm nhà vác ngà voi", quý vị nào cần bình giải câu này xin hỏi thân hữu NCT sẽ được anh giải thích tường tận, và sẽ được anh sốt sắng mời ... vác chung. Anh cũng sẽ nhắc chúng ta không được "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau."

Ngày thường chúng ta ăn mặn, rằm mùng một thì ăn chay. Khi dự tiệc, nhất là cơm Tàu thì phải có bốn món ăn chơi, ít nhất là mười món ... ăn thiệt. Sau đó miệng hãy còn thòm thèm, chúng ta lại phải ăn tráng miệng nữa. Nhưng ở nhà khi nào lười biếng, hoặc mê xem phim bộ, hoặc mê hát karaoke, thì chỉ cần một gói "mì ăn liền."

Ngày trước, khi đi lính ở Quang Trung, bữa ăn nào cũng phải ăn chạy, ăn nhanh, ăn vội ăn vàng bởi vì thường chỉ có mươi mười lăm phút. Lúc đi học tập cải tạo, ngồi đánh domino, đi một cây bài không đúng, bị nhà dưới mắng là "ăn gì mà ngu quá vậy?" Lên lớp nghe giảng thì cứ nghe đi nghe lại điệp khúc "nước nhà còn đang khó khăn, chúng ta chỉ cố gắng 'ăn no mặc ấm', rồi sẽ tiến lên 'ăn ngon mặc đẹp'." Đám cán bộ giảng dạy nói như con vẹt, như "gà què ăn quẩn cối xay."

Mới đây, các bạn về họp mặt thân hữu điện lực tại Houston vào đầu tháng 7, không trúng mùa crawfish, chứ nếu không thì các bạn sẽ được "ăn mệt nghỉ!"

Tôi còn nhớ một từ "ăn theo" nữa, nhưng không biết để vô đoạn nào cho hợp. (1)

Đọc đến đây, chắc các thân hữu đã cảm thấy mệt mỏi, xin các bạn tự nhiên ghé tủ lạnh kiếm chút chi ăn lót lòng, lót dạ, trước khi ngồi kiểm điểm lại xem còn thiếu từ "ăn" nào nữa không? Nếu tìm ra được từ mới, xin làm ơn liên lạc về cho toà soạn bản tin này để bổ túc.

Ngoài ra, nếu bài viết này được ... ăn khách, thân hữu nào nổi cơn hứng, xin đóng góp bài về một từ khác, vừa góp vui cho tất cả mọi người, mà cũng góp phần khuyến khích thế hệ thứ hai tìm hiểu ... tiếng mẹ! Mong thay!

L.T.M.