Người Con Gái Muốn Có Một Đời Sống Riêng
Thư độc giả gửi bà Ann Landers :
 
Tôi sinh ra trong một gia đình Á đông rất đông con, thuộc giới trung lưu. Chúng tôi từ Việt nam đến đây, cách đây 10 năm. Do hậu quả của cuộc chiến tranh ở đó, do ở lòng khao khát tự do, và cũng do hoàn cảnh một người tị nạn sống trong một xứ sở khác, với một nền văn hóa khác, tôi đã trưởng thành trước tuổi. Nhưng mà tôi vẫn cứ còn bị coi như là một đứa con nít. Trong suốt đời tôi, tôi đã phải là một đứa con gái vâng lời và ngoan ngoản, lo đầy đủ bổn phận làm con. Làm con út trong nhà cũng có cái lợi, nhưng mà cũng có rất nhiều cái bất lợi. Chẳng hạn: Tôi là một sinh viên luôn luôn có điểm A nhưng mà tôi không được phép có bồ, dù rằng bây giờ tôi đã 22 tuổi. Tôi không thể đi đâu nếu không được phép mẹ tôi. Tôi phải học cho xong đại học, ra trường, có việc làm, xây dựng một nghề nghiệp và trở thành đúng cái gì mà gia đình tôi muốn tôi trở thành. Tôi có cảm tưởng như mình là một tù nhân. 

Được nuôi dưỡng trong một gia đình Á đông có nghĩa là phải vâng lời và phải có bổn phận. Mẹ tôi rất hẹp hòi và độc tài. Tôi được dạy là phải học cho giỏi, không được phép có bạn thân, dù trai hay gái. Hậu quả là tôi rất cô đơn. Bà chắc sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều đứa trẻ Á đông có cùng hoàn cảnh như tôi. Xin đừng khuyên chúng tôi đi gặp chuyên viên tâm lý, vì quan niệm này không hề có trong gia đình Á đông. Cám ơn bà rất nhiều, đã làm một người bạn thực sự mà tôi có thể tâm sự... 

Bà Ann Landers trả lời : 

Với tất cả lòng kính trọng đối với di sản văn hóa của gia đình cô, tôi vẫn nghĩ rằng một người con gái 22 tuổi phải được tự do kết bạn, cả trai lẫn gái, để nàng có cơ hội phát triển văn hóa, tâm lý và trí thức. Tôi khuyên cô nên trình bày tâm trạng này với một vị giáo sư ở trong trường. Cuộc đời của mẹ cô đã là một cuộc đời đầy phấn đấu và vất vả, người xứng đáng được kính trọng. Tuy nhiên, về phần cô, cô cũng xứng đáng để có được một đời sống riêng. Cô nên suy nghĩ cho kỹ. 

(Vancouver, B.C., Canada)