Người ta thất nghiệp buồn tênh
Tôi đây thất nghiệp gặp hên đôi lần (1)
Người ta sanh ra hoàng tử. Tôi đây sanh ra bần cùng. Mỗi người một số. Số bần cùng thành ra thất nghiệp. Năm nay (2) tôi thất nghiệp! Nghĩ cho cùng, đây là số hên. Hứng thú, tôi viết bài này. Nghĩ lại, tôi có số hên từ khi mang tiếng khóc ban đầu. Tôi tuổi Tý, Mẹ tôi cũng tuổi Tý. "Con trai ẩn tuổi mẹ, có quý nhơn phù hộ!" Mẹ tôi tin tưởng như vậy. Mà quả như vậy:
Khôn lanh thiếu hẳn tại trời,
Cũng nhờ ẩn tuổi nên đời lắm hên.
Hồi nhỏ tôi được đi học. Ngày nay, ở xứ Sài gòn, trường công phải đóng tiền, cho nên bây giờ bần cùng đâu có đi học được! Đó là số hên tôi thuở nhỏ:
Cọng hòa trường học ngày xưa,
I tờ đi học ta chưa tốn tiền.
Xã hội chủ nghĩa triền miên,
I tờ chịu dốt vì tiền đâu ra! (3)
Lớn lên, tôi gặp được ba cái hên lớn như sau:
Cái hên thứ nhất là đi lấy vợ,
Cái hên thứ hai là thất nghiệp, và
Cái hên thứ ba lại là thất nghiệp.
Nói về chuyện đi lấy vợ, chắc có anh phán ngược lại tôi ngay : Mấy chục năm rồi, chưa đủ hay sao mà bảo là hên? Lại có anh hơn tôi đôi lần (4) làm cho tôi thèm thuồng, nhưng vì sợ "Bobbit" (5) nên không dám "nhúc nhích." Mục này, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Còn cái hên ở đâu? Đoạn cuối của bài này sẽ trả lời quý vị.
Cái hên thứ hai là lần thất nghiệp kỳ trước. Đây là chuyện chính tôi muốn kể, kể chuyện và kể tâm tình. Chuyện xảy ra vào khoảng giữa cuộc đời tôi. Số là tôi phải đi học tập cải tạo ở trại Long Thành. Sau hơn bảy tháng, tôi được xếp vào loại học tập "tốt." Có anh còn "nhỏ" hơn tôi, không "an ninh", không "nhân dân tự vận", mà đảng (6) cho là học tập chưa tốt, đảng còn biểu ra xứ Bắc học thêm. Cái gánh "an ninh nhân dân tự vận" ở Bà quẹo tôi trao cho Nguyễn Hoàng Thu (7) tháng 2/75, báo hại anh này khổ thân ba năm trong khám Chí hòa; mà ảnh ở khám Chí hòa là vì ảnh còn "bé", chưa tới phó ty, chạy theo không kịp hai người "anh" của ảnh và của tôi là Trang Văn Chính và Ngô Quý Thiều (7), kẻ học hành "ưu tú" (8), người về xứ Thượng. Số xui của ảnh là :
Hai tháng tại chức, ba năm tại tù.
Phần tôi, tôi đã về Nha Tài ngân rồi; nếu ở Bà quẹo với Lê Thúc Căn thêm hai tháng nữa là tôi có đủ điều kiện để đi tu nghiệp các xứ thượng du. "Có quý nhơn phù hộ" là như vậy đó!
Học tập tốt tức là thi "đỗ"; tôi được "đổ" từ xe nhà banh xuống tại vườn Tao đàn ngày 26 tháng 1, 1976. Xe đang chạy từ xa lộ vào thành phố, người bên lề đường vẫy tay chào mừng như tiếp đón người thân; hình như họ hiểu là chúng tôi mới vừa được "giải phóng." Trình diện hãng, hãng biểu "cứ yên tâm" chờ ngày đi làm. Vài tuần sau, tôi nhận được thơ của hãng. Cầm phong bì, cứ tưởng bở, thêm một lần bị xí gạt (lần trước bị xí gạt là 10 ngày lương thực); mở phong bì ra, rõ ràng có tiêu đề "Ủy Ban Quân Quản, Ban Lãnh Đạo" có chữ ký Trần Tư Kỉnh đàng hoàng; đọc đi rồi đọc lại nhiều lần, không sai chạy: Tôi bị đuổi! Phạm Hữu Bình bị mất sở làm! Tôi thất nghiệp (lúc bấy giờ chưa học được chữ "lê-ốp")! Tôi là kẻ vô dụng cho cái đất nước xã hội chủ nghĩa này! Cái đau lòng cho con quốc quốc, là từ những ngày cuối tháng tư 75, tôi đã cầm trong tay lá bùa "TO WHOM IT MAY CONCERN" để qua các cửa ải Mỹ và di cư miễn phí, mà tôi cứ nhất định ở lại vì nghĩ rằng mình chỉ là chuyên viên thôi! Đòi ở nhà để yêu nước để rồi thưởng thức mùi thất nghiệp trong tình thương "hòa hợp hòa giải dân tộc"!
Trí cùn nông cạn nằm mơ,
Ngỡ rằng mình chỉ lờ mờ chuyên viên,
Quê tôi thoát khỏi ưu phiền,
Quê tôi xây lại tài riêng mọi người,
Nào ngờ quỉ sứ đười ươi
Đuổi đi chỗ khác loại người như tôi!
Ở cái xứ cọng sản, khi bị một hãng chê, thì các hãng khác cũng chê luôn. Được làm công nhân viên nhà nước là có thêm lương thực thực phẩm; không phải công nhân viên nhà nước, coi chừng đói meo! Không có sở làm, lấy gì che nắng che mưa; nào là sản xuất, nào là thủy lợi. Kỳ đi thủy lợi liền sau đó, tôi được tổ "chỉ định tình nguyện." Phường Bàu Sen tôi đi khu Lê Minh Xuân, tức là khu oanh kích tự do của ngụy. Chuyến đi này hai tuần lễ. Tới nơi, được phân công đào kinh, mỗi người một cái xuổng, mỗi ngày trung bình năm thước khối. Khu Lê Minh Xuân là khu oanh kích tự do của "ngụy." Bị miểng bom cắt da là chuyện hàng ngày. Không có thuốc xức, hôm sau ra sức đào thêm. Nước tới ngang vai, hai tay bưng một khối bùn, có khi bưng cả miểng bom:
Quyền họa phúc Hồ dành mất cả,
Chút tiền công chẳng trả phần tôi!
Khối bùn lôi xuống Diêm đình,
Công này cân nặng mấy nghìn đồng quan? (9)
Ngày tôi về thành phố, tóc đen tôi trở màu đất sét, thân tôi ốm như khỉ đói mới ra chuồng. Chuồng khỉ Long thành cấp cho tôi cái giấy thế thân để đi đường như thế này :
Quản chế, mất quyền công dân 12 tháng!
Quản chế tức là đêm đêm phải ngủ tại nhà. Xui xẻo cho tôi, trụ sở công an phường ở số 219, còn nhà tôi ở số 223 (đường Trần Bình Trọng, Chợ quán). Nhà số 219 là của một gia đình hiểu biết thời cuộc, nhanh chân thoát hiểm kịp thời (cọng sản vô chiếm đoạt cũng nhờ công trạng của cách mạng ba mươi dẫn mối đưa đường). Do đó, anh công an khu phố đặc nhiệm quản chế tôi, đi qua ngó vô, đi lại ngó vào. Có lần anh ta vô nhà tôi, đi tuốt từ trước ra sau một lèo, rồi bình phẩm: nhà anh làm chuồng heo được! ôi chao, anh ta toan tính bắt tôi chăn lợn hay sao đây? Tôi sợ quýnh, muốn té đái trong quần. Sau đó, không nghe anh ta nhắc lại vấn đề, hú hồn! (tôi hên hay anh ta thiếu tiền?)
Còn mất quyền công dân nghĩa là làm sao? Theo ý kiến của anh công an khu phố, người không có quyền công dân là :
người không có tiếng nói, tức là không cãi được với ai, và mọi người khác trong xóm có quyền bình phẩm, ví như yêu cầu cho đi học tập cải tạo thêm; do đó, đương sự phải làm mọi hành động gương mẫu, ví như tình nguyện tham gia công tác lao động tổ để chứng tỏ mình muốn trở về với "hàng ngũ nhân dân."
Tôi "lao động" được hai công tác rất là "vinh quang" (10) như sau:
Công tác thứ nhứt là đẩy xe ba bánh. Nhân dịp mừng kỷ niệm cách mạng tháng mười, tôi tìm được một xe ba bánh, đến trình diện chị chủ tịch phường, nói là tôi có sẵn xe ba bánh nhà (11), muốn tham gia mừng ngày cách mạng thành công. ý kiến tôi được tiếp thu rất niềm nở. Tôi biết phường thiếu mọi phương tiện. Xe ba bánh hữu dụng như một xe pick up. Tôi đẩy xe ba bánh mà nghĩ đến pick ups Bà quẹo. Khối Đồ án Công tác có nhiều xe pick ups và nhiều xe khác nữa đủ loại, trong đó có một Ford Fairlane của ông (trước kia) Trưởng Khối nay là thằng đẩy xe ba bánh này:
Trước kia là ông nay là thằng,
Thằng tôi không phải là tôi hôm nào.
Tôi đẩy xe ba bánh cố ý làm sao cho một trong mấy tên sau đây thấy cái bản mặt tôi : bí thư phường, chủ tịch phường, công an phường.
Công tác thứ hai là quét đường. Phường có ra chủ đề sạch sẽ đường phố. Tôi vồ ngay cơ hội này để biểu diễn. Mỗi tuần hai lần tôi xách chổi ra lề đường quét sạch trước nhà tôi, quét luôn nhà bên trái, quét lại một lượt nữa tận tới nhà bên phải, xuống mặt đường quét tận qua bên kia lề luôn. Đặc biệt là tôi chọn giờ: Đúng vào cái giờ nhiều người đi thì mới quét; ít người thấy, không thèm quét. ít lâu sau, chị tổ trưởng gọi tôi là "ông kỹ sư quét đường." Được hỗn danh này, tôi đắc ý lắm:
Lắm công mài "chổi" có ngày nên danh. (12)
Xin đọc tiếp để biết tại sao tôi đắc ý.
Trở lại cái hôm tôi nhận được giấy CĐV cho tôi thôi việc, ngoài mặt thì làm bộ âu sầu, làm đủ thứ chuyện không khác Hàn Tín khi xưa, còn trong bụng thì mừng hết lớn, đại mở cờ. Tôi ngóng chờ tới hết ngày, vợ tôi tan học về, tôi đưa cái mảnh giấy thất nghiệp ra mà khoe rằng : "Này em, anh có điều kiện đi Tây rồi!" Vợ tôi coi kỹ, sáng mắt ra, chúng tôi mừng chảy nước mắt, vì biết cửa địa ngục đang hí mở cho mình ra. Tôi có sẵn cái hên thứ nhứt: vợ tôi dân Tây, giấy thông hành đã có. Nhà nước ra chính sách sum họp gia đình. Muốn xuất ngoại, thì phải có tư cách nộp đơn, tức là phải có quyền công dân; mà cũng chưa đủ, phải là người nhà nước không cần dùng. Giấy thất nghiệp là tờ giấy thoát thân mà mình mơ ước. Bởi lẽ đó, thất nghiệp là hên! Nhưng muốn hên hơn nữa thì phải thêm tờ giấy phục hồi quyền công dân. Bởi lẽ đó mà tôi "hồ hởi lao động" cho đến đạt được hỗn danh kỹ sư quét đường. Khi nghe người ta trêu mình là kỹ sư quét đường, mình lại sung sướng như nghe ai rót mật vào lòng. Tháng 2/1977, tôi được phục hồi quyền công dân. Tháng 4/1977, đơn xin xuất ngoại được nhận.
Ở xứ cọng sản, con người phải có hai mặt: mặt bên ngoài là mặt giả dối, ví như đẩy xe quét đường; mặt bên trong là mặt thầm kín chỉ có mình, và trong trường hợp này chỉ có thêm một người nữa biết mà thôi. Trong phường tôi, đâu ai biết tôi đang phất cờ trong bụng. Cốt tôi thật thà miền Nam, mà cọng sản nó dạy cho tôi thành người giả dối. Mọi người phải sống giả dối hàng ngày. "Trung hiếu tiết nghĩa" là phép luân thường nay đâu còn ai biết tới! Phẩm giá con người bị hạ thấp. Giá trị cổ truyền dân tộc (13) tan biến dần. Con cái (13) mới lớn lên thì phải biết giả dối. Còn đâu câu hát đưa em:
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
ương là nền tảng xã hội. Xã hội không có tình thương là xã hội của loài yêu tinh (14) quỉ sứ chớ đâu phải của loài người. Đối nội thì mất niềm tin, đối ngoại thì mất chữ tín. Không có chữ tín là vô tín; không có tình thương là vô tình; nói nho là "vô tín vô tình" tức là "nhị vô." Nhị vô thay thế tam vô:
Tam vô gạt được bần cùng
Nhị vô gạt được anh hùng thuyền nhân!
Tháng 12/1977 tôi có giấy xuất cảnh.
Viết đến đây, tôi xin tạ tội với tất cả các anh trong Tổ hợp Ánh sáng. Tôi "nhập tiệc" với các anh là giả dối bề ngoài, bề trong là chờ ngày xuất cảnh (đơn đã nộp rồi). Anh Ngh. ơi, hôm tôi được giấy xuất cảnh, tôi muốn tâm sự với anh nhiều lắm. Hôm đó là ngày mình lấy tiền từ tay chị K., mua cuộn dây đồng ở Chợ lớn mới đem về xưởng Phú lâm, anh cầm cuộn dây, tôi cầm búa gỗ, o bế uốn nắn nâng niu cho sợi dây nó ngay thẳng lại. Có lẽ mình đang vấn cái máy thứ ba, cái máy biến thế mà Văn Di/Văn Thọ treo ngày trước. Nhưng e ngại một người biết được, cả làng biết hết, tôi đành nín thinh. Vài ngày hôm sau, tôi lén đi, để lại anh một mình với sợi dây cô đơn! Lên máy bay, tôi vẫn còn tức tưởi vì chưa nói được với anh và các anh khác một lời nào. Và tôi trốn tất cả bà con thân thích gần xa, vì chữ ký cọng sản không cách nào tôi tin được. Mười tám năm qua, chưa nói ra được một lời, sức ấm ức cứ tuôn trào lên mũi họng vì mặc cảm giả dối với người thân (tại chúng nó chứ không phải tại tui!) Nay có dịp "xưng tội" trên trang giấy này, tôi có cảm giác nhẹ người, đổ đi cái gánh nặng vô tình. Xin các anh trong Tổ hợp Ánh sáng, đặc biệt là cơ xưởng Phú lâm, xá tội cho (15). Được như vậy tôi mới thơ thới gặp lại các anh trong niềm vui tri kỷ.
Có giấy xuất cảnh, vẫn chưa xong. Giấy máy bay thì mình bỏ tiền Tây ra mua. Còn "lên danh sách" của chuyến bay lại là thẩm quyền của Sở Ngoại kiều, chớ không phải của hãng máy bay. Đành phải bổ túc thêm một điều kiện nữa, phen này không giấy tờ, nặng hơn một kí lô, lấy xe Peugeot làm giấy gói quà. Cái buổi bổ túc giờ chót mới là hoảng hồn đứng tim: chín giờ tối nó mò tới nhà, biểu phải nộp thêm mười lạng nữa trước mười hai giờ khuya, nếu không, nó bôi tên trong danh sách chuyến bay! Mà chuyến bay là mười giờ sáng hôm sau!!! May mà tìm được quới nhơn cứu độ!
Gạt người cướp của lưu manh,
Kiếp sau ngưu khuyển trời dành chúng bây.
Ông đây qua tận trời Tây,
Trời thương kiếm lại tiền này, khó đâu!
Qua đến Pháp, tôi được đánh giá ngang hàng với kỹ sư Pháp. Thân trôi giạt theo khúc cung thê, lại được trả công như người bản xứ, tôi như tỉnh giấc chiêm bao trên vùng đất mới. Tôi hành nghề T&D trở lại từ đó: đi đấu thầu và thực hiện công tác như dạo nào với LHKỳ, TĐThơm, và NCThuần, nhưng trên một căn bản lớn hơn (220kV, 115kV, 63kV, 20kV) và quốc tế hơn (Phi châu và Trung Đông). Ở Pháp hiện nay, việc tranh thầu quốc tế có khó khăn; chẳng hạn như Tây mà tranh với Tàu thì khó ăn. Sau công việc "Le tunnel sous la Manche" (1990-1994) và tranh thầu hụt "Le Métro de Hong kong" (1994) thì tôi hết việc làm.
Ai ơi chớ có đi thầu,
Việc xong người hưởng, lo âu về mình.
Hết việc làm tức là thất nghiệp. Lại thất nghiệp nữa! Nhưng vẫn còn hên! Cái hên thứ ba này là tôi đang sinh sống tại Pháp. Nước Pháp có tự do ăn nói, có luật lao động, có bảo hiểm công nhân. Ở vào lớp tuổi 58, khi thất nghiệp được hưởng nửa lương cho đến ngày hưu trí. Không đi làm, có người nuôi, số này ghi sẵn thiên đình! Nói nôm là "trời ngó lại", nói nho là "có quí nhân phù hộ", nói nhái là:
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần. (16)
Lần nào cũng được quới nhân,
Chở che nạn khỏi muôn phần bình yên. (17)
Thế là tôi không còn kẻ trên người dưới, hết kẻ tị hiềm, hết người bon chen, hết hồi vất vả ngược xuôi, hết đi xứ "rệp", hết về "táo quê." Thân quét rác, xác cặn bã, người trôi giạt, nay tôi lại được về hưu an nhàn (18).
Đổi đời, màn hai:
Thằng tôi không phải là tôi hôm nào (19)
Hôm nào giả dối thoát thân,
Hôm nay thực sự thân tôi thanh nhàn.
Phạm Hữu Bình (Mùa đông Paris, 1994)
Ghi chú:
(1) Nhái theo một THĐL trước ngày đoàn tụ trở lại:
Người ta tuổi ngọ tuổi dần,
Tôi đây lủi thủi tuổi thân một mình.
(2) 12/1994.
(3) "Những năm gần đây, trẻ em bỏ học hoặc không hề đi học ngày càng nhiều, nạn mù chữ gia tăng. Nền giáo dục cho mọi trẻ em đang nhanh chóng trên đà xuống dốc" (trích "Kinh Tế Việt Nam 1975-1995, Tăng Trưởng Nửa Vời Hay Phát Triển Toàn Diện?", Hội Chuyên gia Việt nam, trang 31).
(4) Xem Bản tin THĐL số 13, trang 32.
(5) Cái anh Bobbit này, vì ham, bị bả "lắt." Còn anh đào hoa đại lượng (3), bạn của tui, khi ở xứ Đa nhim, có lần ảnh rủ tui đi bẫy chồn. Nhắn anh:
Bẫy chồn, bẫy chuột, ai bẫy người ta,
Anh mà không khéo, lại là "lắt" ... lư!
Đối với bà nhì thì muộn, đối với em gái Bobbit thì chưa, lại nhắn anh:
Xin đừng quên đó, bỏ đăng,
Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.
(Lục Vân Tiên)
Còn ở dưới ruộng mình thì người ta đưa em như vầy:
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẳm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông ...
Tay bưng đĩa muối tay chấm mắm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
Cái lứa mình, khi còn nằm nôi, quê quán Gia Châu Hà Rạch Trà ... của mình chan hòa thanh bình hiếu khách:
ù ơ ... Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua.
Khi vào đời, mình lại có kỷ niệm đẹp của người trai mới lớn:
Bẫy chồn anh rủ tôi đi,
Bẫy người anh chẳng sá gì tí công.
Người trông xinh đẹp non bồng,
Người trông mấy dãi rừng thông Đà thành,
Đêm về của mới nhà anh,
Đêm về anh bảo để dành riêng tao.
Hôm sau nghe thoảng bên rào,
Người xinh non nỉ thì thào thỉ chung:
"Đi đâu cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
Ví dầu tình có dở dang,
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về.
Tới đây lạ xứ quen người,
Trăm bề nhũn nhặn, đừng cười thiếp đây.
Ví dầu tình bén duyên này,
Thì xin kết bạn vui vầy trúc mai" ... (Ca dao)
(6) Xin các anh này cho tôi cùng đọc thơ bình dân:
Việt gian, việt cọng, việt kiều
Trong ba việt ấy đảng yêu việt nào?
Việt gian thì tuổi đã cao,
Việt cọng ốm yếu xanh xao gầy mòn
Việt kiều như gái còn non
Đảng yêu đảng mến đảng mong hàng ngày
(Văn chương truyền khẩu Úc)
(7) Nhắc lại:
NHThu : Cựu Trưởng nhà máy Diesel Bà quẹo
TVChính : Cựu Đại tá trùm An ninh/CĐV
NQThiều : Cựu trùm Nhân dân tự vận/CĐV
(8) Ưu tú = 2 tháng rưỡi; Tốt = 7 tháng rưỡi. Học thêm: đề nghị các THĐL có dịp đi trấn thủ lưu đồn ở các xứ thượng viết bài về đề tài "Sáng măng chiều nứa lấy ai bạn cùng."
(9) Nguyên văn:
Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai!
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
(10) "Lao động là vinh quang" là một trong 10 bài học ở trại Long Thành. Còn có một bài nữa, tựa là "Mỹ ngụy là cặn bã của xã hội", bài này làm cho cả "Nhà 1" tôi tuy bụng trống mà thích nằm thở dài. Riêng tôi thì cứ ngơ ngẩn, băn khoăn, trằn trọc tự hỏi: "Cái thằng ngụy cặn bã xã hội tôi đây, chừng nào bọn quỷ đỏ hình người này, chúng nó đem cái xác tôi ra làm phân bón lúa?"
(11) Ở chế độ cọng sản phải biết nói láo cho xôm; sự thật là tôi bỏ tiền túi đi thuê cái xe này.
(12) Câu đối:
Y tá thâm niên, nghiễm nhiên bác sĩ.
Nguyên văn:
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
(13) Cháu ngoan bác Hồ đâu có biết Thầy Mạnh Tử có hiếu với mẹ như thế nào, bởi vì từ lớp đồng ấu, báb đâu có chịu dạy:
Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Xứ Việt nam gọi là "xã hội chủ nghĩa", sau 50 năm cách mạng chuyên chính vô sản, sau 20 năm trọn xứ chuyên chính cầm quyền, nay vẫn chưa có phát hưu trí cho nông dân, cho tư chức, cho người buôn bán và các nghề tự do như thợ mộc, dệt chiếu, chèo ghe, ... Số người này, tức là nhân dân Việt nam (vì họ không phải là đảng viên, công nhân, hay bộ đội), khi tuổi già sức kiệt, trông cậy vào ai? Khi đạp đổ triết lý Khổng Mạnh, gạt là để "xây dựng mười lần đẹp hơn", cọng sản lại phá tan nền tảng xã hội nông nghiệp ta là lớp trẻ phụng dưỡng lớp già, xóa bỏ cái chuẩn của người công nông là "phước lộc thọ", đồng thời tạo ra một lớp người m 8ềi, lớp người "phó vô sản", những người phế thải vất vưởng thèm chết vì con bất hiếu:
Ôi sao ông tạo hóa công,
Sinh ra cọng sản đau lòng tổ tiên.
Xóa đi kinh sử thánh hiền,
Tử tôn bất hiếu, lão niên cơ hàn.
[Ở các nước công nghiệp ngày nay, người ta cũng áp dụng nguyên tắc lớp trẻ phụng dưỡng lớp già. Khác nhau là trừ tiền trong phiếu làm công hay trừ công trong sợi dây hiếu thảo. Trừ công hay trừ tiền, người khôn chọn hướng mà đi, người ngu nhắm mắt đi mù trong đêm; bởi vì trừ tiền hay trừ công, đố ai biết được công bằng ở đâu?]
(14) Muốn biết yêu tinh thích ăn thịt gì, hãy đọc Tây du ký; muốn biết yêu tinh thích làm việc gì, hãy đọc lịch sử Tần thủy hoàng; còn muốn ra khỏi mê hồn trận, thì "đừng nghe những gì yêu tinh nói, mà hãy nhìn kỹ những gì yêu tinh làm!"
(15) Nhờ tác giả bài "Hồi tưởng 2", THĐL số 14, trang 84, kéo màn che mặt cho tôi nhờ.
(16) Nguyên văn:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể non dâu.
Trắng răng đến thủa bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
(17) Đổi vần:
Chở che nạn khỏi, trần gian yên bề.
Nạn này cũng bởi thằng hề,
Chơi trò xảo quyệt, đem về tam vô,
ùa theo bất mãn, nông nô,
Mơ ngày bán nước như Hồ ly tinh.(17A)
Nước nhà bế tắc điêu linh,
Lò tranh quốc cọng sanh linh triệu người,
Đánh cho Mỹ cút, Mỹ cười,
"Ngụy nhào" trở lại, là người "ân nhân"!
Xã hội chủ nghĩa cơ bần,
Liên xô vĩ đại tan thân nấm mồ.
Cố công bám víu cơ đồ,
Bức tranh vân cẩu vẽ Hồ tang thương.
Cháu ngoan trên mọi nẻo đường,
Toàn là đồng chí đồng phường túi riêng.
(17A) Viết đến đây là nhằm ngày đưa Táo quân, rước năm Ất Hợi. Tôi làm sớ sau đây, nhờ ông Táo Noisiel lên hỏi ông trời:
Hồ ly tinh, Hồ chí minh,
Vần này ai nghĩ ra đây?
Hai tên một họ,
Cùng chung ý đồ.
Tổ mẫu giết quách cận thần,
Đích tôn giết đảng "quốc dân."
Vậy thì, trời ơi,
Quốc dân khổ nạn mấy đời?
Đời nào đá nổi lông chìm?
Đời nào đồng khô hồ cạn?
Đời nào tam vô đường cùng?
Để cho dân được trùng phùng
Qui về tổ ấm ta cùng hoan ca?
(18) Xin ông Thầy cũ đừng trách tôi mượn tên ông. "Không có Thầy đố mày làm nên", cám ơn Thầy!
(19) Nhái theo báo chí quốc ngữ:
Quê hương một thoáng mất tên
Quê hương một thoáng êm đềm vỡ tan
Quê hương một thoáng ngút ngàn
Quê hương một thoáng vô vàn nhớ nhung
Bây giờ cuộc sống ngại ngùng
Bây giờ tình nghĩa lạnh lùng làm sao
Bây giờ như giấc chiêm bao
Bây giờ vẫn thiếu ngọt ngào người ơi
Chỉ vì phận nước nổi trôi
Cho nên tôi chẳng là tôi hôm nào.