Hồi Ký Những Năm Sáu Mươi
Phần ba: Hệ Thống Phối Trí Điện Năng
Hồi ký của Song Nguyễn

Vào khoảng giữa năm 1965, tôi đang làm ở Nha Khai thác Địa phương (KTĐP) thì được hai anh Hoàng Đại Bá và Nguyễn Hữu Phúc tới rủ sang cơ quan đang chuẩn bị thành lập là Hệ thống Phối trí Điện năng (HTPTĐN).

Anh Bá và anh Phúc đều là đàn anh khóa 1 Phú thọ tôi đã biết từ trước. Có lẽ hai anh Bá, Phúc là cặp bài trùng thân với nhau nhất trong các anh em khóa 1. Từ khi ra trường hai anh thường đi cặp đôi và làm việc chung với nhau nhiều năm. Tới khi anh Bá sang Đài loan tu nghiệp về ngành Phối trí Điện năng tại Công ty Điện lực ĐàI loan, còn gọi là "Đài Điện" (Taiwan Power Co., hoặc TaiPower, hoặc TPC) rồi về được ủy thác tổ chức HTPTĐN cho Điện lực Việt nam (ĐLV), anh kéo anh Phúc theo luôn. Tuy thân như vậy nhưng bề ngoài hai anh Bá và Phúc lại rất tương phản: anh Bá thì khéo léo, điềm đạm; anh thường ăn nói nhỏ nhẹ, đối xử mềm mỏng với tất cả mọi người. Trong khi đó anh Phúc hay đụng chạm vì nói nhiều, đến nỗi bạn cùng khóa đặt cho anh biệt hiệu là "Phúc còi", một phần để phân biệt với anh Đỗ Trọng Phúc là "Phúc tếu", một phần vì cái chứng nói như "còi" của anh.

Chuyển sang Phối trí, tôi giã từ Nha KTĐP ở số 278 Hiền Vương để dọn lên trụ sở của Tổng nha Điện lực Việt nam (ĐLV) ở số 12 đường Hồng Thập Tự (HTT). Hồi đó Thầy Nguyễn Hữu Minh là Tổng Giám Đốc ĐLV ngồi ở lầu 3, HTPTĐN có văn phòng tạm ở lầu 5 để chờ trụ sở chính tại nhà máy nhiệt điện Thủ đức đang được xây cất. Không khí tại văn phòng 12 HTT khác hẳn với cảnh ồn ào tại Nha KTĐP. Tại trụ sở 278 Hiền Vương, mọi người suốt ngày bận rộn với những dự án, cái nào cũng quan trọng và gấp. Sở tôi làm gần như tuần nào cũng phải giải quyết các công điện từ địa phương đánh về tới tấp. Mỗi sáng, tại sân cơ quan đầy các xe chuẩn bị đi công trường, tài xế và các nhân viên công trường gọi nhau ơi ới, chuẩn bị chất vật liệu lên xe rồi ra đi cho tới chiều khi xe về mặt mũi ai nấy đều đỏ gay sau một ngày dang nắng. Đó là không kể các chuyến công tác đi các địa phương xa.

Khi sang Phối trí, tôi thấy không khí như chùng hẳn xuống. Văn phòng rất yên tĩnh, mọi người nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ cũng có vẻ từ tốn hơn. Trong HTPTĐN, anh Bá là Trưởng Hệ thống, lúc đầu tương đương với Trưởng sở (sau này mở rộng ra thành Trung tâm Điều hợp Điện năng lên hàng Nha), anh Phúc là Trưởng ty Điều hành, anh Đặng Phùng Viễn là Trưởng ty Nghiên cứu.Anh ĐPViễn ra khóa 3, trên tôi một khóa. Anh người tầm thước, cặp mắt sáng, áo quần lúc nào cũng gọn gàng tươm tất. Anh Viễn ít nói, làm việc nghiêm chỉnh, suốt ngày tôi thấy anh chỉ ngồi lui cui tính toán về các loại "relais" để bảo vệ hệ thống điện.

Ngoài các cấp chỉ huy như trên, trong văn phòng HTPTĐN lúc đó chỉ mới có vài người: anh Nguyễn Quang Hưởng có vẻ thư sinh trắng trẻo, ăn nói từ tốn; anh Phạm Ngọc Thức da ngăm đen, tính hiền nhưng đôi khi nổi cục; anh Phạm Quốc Bảo hay đùa và nghịch ngầm, khi giỡn với bạn cười hí hí; anh Nguyễn Văn Hạnh Phúc người nhỏ bé, da trắng và hơi xanh, trời Sài gòn nóng nực mà lúc nào anh cũng mặc áo sơ mi dài, tay áo gài nút cẩn thận. Anh Hạnh Phúc rất khéo tay, sau này lên Thủ đức phụ giúp cho anh Phúc "còi" rất đắc lực trong việc thiết lập khu vực làm việc cho phòng điều hành HTPTĐN. Sau cùng là anh Lê Công người mập mạp, bụng bự, đeo kính cận dầy cộm, tính tình rất tếu và vui vẻ.

Khi tôi sang Phối trí ít ngày thì có hai anh kỹ sư khóa 5 mới ra trường cũng được tuyển vào làm là anh Tôn Thất Đào và anh Võ Trung Viên. Tôi với các anh này được huấn luyện để làm Trưởng phiên Điều hành khi cơ sở Phối trí ở Thủ đức bắt đầu hoạt động.

Vì kỹ thuật Phối trí Điện năng tương đối còn rất mới tại cơ quan ĐLV lúc đó nên anh Bá lập chương trình huấn luyện cho chúng tôi rất kỹ: ngoài việc học về lý thuyết Phối trí, các kỹ thuật điều hành và an toàn trên hệ thống điện, chúng tôi còn phải vừa học vừa dịch tập tài liệu về "system operation and load dispatching" bằng tiếng Anh do các kỹ sư cố vấn Đài loan sang giúp anh Bá soạn thảo. Đồng thời, chúng tôi cũng phải lấy các tài liệu để học về hệ thống đường dây tải điện 230 kV từ Đa nhim về Thủ đức, vòng đai dẫn điện 66 kV quanh Sài gòn, trạm biến điện Sài gòn cùng với các trạm biến điện trong vòng đai, và nhất là các đơn vị phát điện trên hệ thống để tìm cách phối hợp hoạt động cho được hiệu quả tối đa. Ngoài phần lý thuyết như trên, anh Bá cũng lập thời khóa biểu đưa chúng tôi đi tới các trạm biến điện và các nhà máy phát điện để học tại chỗ và quan sát cách điều hành viên làm việc.

Khoảng ít tháng sau, tôi cùng một số anh em khác được Thầy NHMinh cử sang tập sự tại nhà máy Chợ quán. Hồi đó nhà đèn Chợ quán còn của công ty điện nước CEE của Pháp (mà thân hữu ĐCN cách đây mấy năm gọi là "Chảy Êm Êm"), thầy HTPhát làm Giám đốc nhà máy, anh NĐHuấn là Xếp sở Kiểm soát, anh HMCần là Xếp trạm Biến điện. Tụi tôi từ ĐLV qua được cắt làm phiên điều hành trạm biến điện dưới quyền anh Cần. Vì còn là công ty Pháp, bên nhà máy phát điện các Chef de quart đều là nhân viên cũ, họ không phải là kỹ sư nhưng lãnh lương theo ngạch "tây" rất cao. Vào năm 1965 tại Chợ quán chỉ còn một vài người Pháp làm việc, còn đa số tuy mang danh là "tây" nhưng chỉ là tây lai hoặc có quốc tịch Pháp, các vị này nói tiếng Việt vèo vèo nhưng trên phương diện chính thức vẫn phải dùng tiếng Pháp nói chuyện với nhân viên.

Trong Chợ quán lúc đó có anh Nguyễn Văn Dậu là xông xáo hơn cả. Anh Dậu làm về điện lâu năm, hình như trước khi vào Nam anh đã từng làm việc cho nhà máy điện Hà nội, anh biết rành rọt mọi nơi trong nhà máy nên tuy anh làm ở Sở Kiểm soát của anh Huấn nhưng bất cứ chỗ nào trong nhà máy có chuyện rắc rối là các "xếp tây" đều gọi anh Dậu trước nhất. Anh Dậu người cao, quen "ăn to nói lớn", làm việc rất hăng hái tận tâm và lúc nào cũng sốt sắng với mọi người. Hồi năm 1975 khi mới tới Mỹ tôi liên lạc được với anh Dậu, sau đó khoảng năm 1977 tôi xuống Cali chơi có dịp tới thăm gia đình anh chị Dậu và anh chị Lê Văn Bảo cũng ở gần đó.

Sau khi làm việc ở Chợ quán khoảng hơn ba tháng, nhóm tụi tôi được gọi về để chuẩn bị lên tr 2Ễ sở chính thức của HTPTĐN ở Thủ đức làm việc, ngoại trừ anh PNThức xin ở lại luôn vì muốn xin nhà ở trong cư xá Cầu Kho.

Trụ sở HTPTĐN hoàn tất vào khoảng cuối năm 1965 nằm tại nhà máy nhiệt điện Thủ đức. Chúng tôi được chiếm nguyên tầng trệt ngay cửa vào nhà máy. Cơ sở của nhà máy nhiệt điện hồi đó có thể nói là khá tân kỳ, khu vực lối vào nhà máy chung quanh tường đều cẩn gạch men mầu hồng nhập cảng từ ž đại lợi, phòng Điều hành phối trí được ngăn bằng bức tường kính nhìn ra khu vực này.

Anh NHPhúc vốn có óc mỹ thuật đã ra công "thiết kế" phòng Điều hành phối trí rất đẹp, với một "panel" lớn chạy suốt chiều ngang căn phòng, trên đó có biểu đồ thu nhỏ của toàn thể hệ thống điện trong vùng đô thành Sài gòn-Chợ lớn. Anh cũng đã tự vẽ kiểu để chế ra chiếc bàn cho các trưởng phiên điều hành làm việc gồm hai bên ghế ngồi tiện nghi, có thể ngả lưng khi làm "ca" đêm, ở giữa có các máy truyền tin và điện thoại.

Vì phải liên lạc thường xuyên với tất cả các cơ sở phát điện và biến điện nên phòng Điều hành phối trí có hệ thống truyền tin đầy đủ nhất của ĐLV gồm có hệ thống điện thoại nội bộ gọi đi khắp các nhà máy và trạm biến điện, hệ thống điện thoại chuyển qua đường dây cao thế (Power line carrier) để gọi thẳng lên Đa nhim (sau này đường dây bị VC phá hoại không dùng được nữa), nhiều đường dây điện thoại của bưu điện và sau cùng là hệ thống vô tuyến điện. Nhờ những phương tiện này mà trong biến cố Tết Mậu Thân, khi du kích VC xâm nhập phá hoại nhiều nơi trong thành phố, dĩ nhiên làm cho nhiều đường dây điện thoại bị hư hại, Phối trí vẫn liên lạc được với các cơ sở điện lực khác và kết quả là trong thời kỳ hỗn loạn này hệ thống điện vẫn hoạt động được một cách tốt đẹp như thường.

Trong thời gian đầu khi mới dọn lên Thủ đức, máy nhiệt điện 33 MW tuy đã bắt đầu chạy thử nhưng khu vực công trường nhà máy vẫn chưa hoàn toàn xong, nhóm công trường còn ở lại làm việc trong đó có anh Lê Minh Quân và một số anh em khác.

Ngoài các máy nhiệt điện, công trường Thủ đức hồi đó còn có các chương trình thiết trí các đơn vị phát điện Diesel và Gas turbine để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại Sài gòn gia tăng quá mau vì ảnh hưởng của chiến tranh, dân chúng từ các nơi chạy về Sài gòn, và nhất là sự kiện quân đội Hoa kỳ bắt đầu ào ạt kéo sang VN, mang theo rất nhiều tiện nghi mới như ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, ...

Vì vậy hồi đó tại khu vực nhà máy nhiệt điện rất vui, các "anh hùng hào kiệt" khắp nơi tụ họp về vô số. Khi tụi tôi kéo lên tiếp nhận trụ sở Phối trí thì gặp gỡ đủ mặt: bên Chương trình Gas Turbine có các anh em kỹ sư khóa 5 như anh Hoàng Gia Thụy, Nguyễn Trung Sơn, Nguyễn Minh Vận, ... và một số anh em cán sự từ Đa nhim về như anh Bùi Thọ Tiếng, Nguyễn Văn Hiệp, ... bên hệ thống Diesel có anh Nguyễn Xuân Trường từ Đa nhim về đảm trách, có nhiều anh em kỹ sư mới ra trường làm việc và một bạn cùng khóa với tôi ở Khu kỹ nghệ Nông sơn về là anh Cung Giác Lộ. Tại nhà máy nhiệt điện Thủ đức tôi cũng có hai bạn cùng khóa là Trần Văn Đạt và Trần Văn Long, ngoài ra còn có anh Trương Ngọc Diệp trước đây cũng có thời "biệt phái" sang làm việc ở Nha KTĐP khi t 1 i còn ở nha này.

Khu công trường nhà máy không có hàng quán gì chung quanh, mỗi buổi trưa tụi tôi phải kéo nhau ra chợ nhỏ Thủ đức trước cửa trường bộ binh ăn trưa ở tiệm cơm thố của người Tàu. Các buổi đi ăn này thường rất đông, mỗi ngày khoảng gần 12 giờ trưa tụi tôi ở phòng Điều hành phối trí nhìn ra thấy LMQuân từ trên lầu đi xuống chỉ tay vào miệng làm hiệu là kéo ra, bên ngoài đã có một nhóm anh em khác ở Nhiệt điện, Gas turbine và Diesel chờ sẵn, cả bọn hơn chục mạng chồng chất lên chiếc xe jeep công trường không mui của LMQuân. Hồi đó xa lộ Sài gòn-Biên hòa cũng mới xong, tuy gọi là xa lộ nhưng cũng chỉ là một thứ "highway", xe chạy 2 chiều vận tốc bất kể. Từ nhà máy nhiệt điện muốn lên ngã tư Thủ đức phải quẹo trái trên xa lộ thật là nguy hiểm. Anh Quân lái xe chỉ nhìn thấy phía bên trái, bên mặt cả mười mấy mạng ngồi lố nhố không thể nhìn thấy gì được; khi nhìn bên trái thấy trống anh bèn hô lên: "Bên mặt đã hoàn toàn trống chưa ?" Khi anh em ngồi sau hô trả lời "Hoàn toàn!" là Quân đạp ga vọt qua xa lộ.

Bây giờ nghĩ lại về xa lộ Biên hòa, nhiều lúc tôi còn thấy sợ. Đây là xa lộ đầu tiên của VN nên khi mới khánh thành (vào khoảng năm 62 hay 63 gì đó tôi không nhớ rõ) xe cộ chạy thỏa thích không kể tới vận tốc giới hạn hay luật lệ gì cả, tai nạn xẩy ra không ít. Tôi còn nhớ khoảng giữa năm 1964 một anh bạn điện lực đã thiệt mạng trên xa lộ trong khi công tác, đó là anh Nguyễn Văn n, cán sự đường dây. May mắn là sau đó tuy xe cộ của cơ quan Điện lực chạy rất nhiều hàng ngày nhưng không bị thêm tai nạn chết người nào khác. Trong khi đó, rất nhiều tai nạn thảm khốc khác xẩy ra, có những vụ liên quan tới các anh em đồng nghiệp trong giới kỹ thuật mà nhiều người còn nhớ như vụ đụng xe làm thiệt mạng bốn anh kỹ sư của hãng Xi măng H 1ạ tiên và sau đó tới vụ một anh kỹ sư làm việc cho một công ty giấy ở Biên hòa buổi tối lái xe về Sài gòn bị thiệt mạng khi đụng phải một xe vận tải hư máy đậu ở bên lề xa lộ. Sau này khi con đường ven xa lộ kiểu "frontage road" được xây cất phía trước nhà máy nhiệt điện và biến điện băng qua làng Đại học tới ngã tư Thủ đức thì việc đi lại mới thuận tiện và an toàn hơn.

Từ khi dọn lên Thủ đức, cơ quan Phối trí được tăng cường thêm nhiều nhân viên trong đó có thêm ty Viễn thông do anh Đường Công Chánh đảm trách, lo việc thiết trí hệ thống điện thoại và các dụng cụ đo lường. Về phần vụ hành chánh có một số nhân viên như chị Vương Thị Xuân Liêng, vợ anh Trần Minh Nhựt; cô Nguyễn Thị Kim Phụng thư ký, cô Nguyễn Thị Liêm đánh máy và hai bác tài xế lái xe. Trong ty Điều hành cũng có thêm một số nhân viên tăng cường trong đó có Trương Hữu Lượng cùng khóa 4 với tôi từ Nha KTĐP lên và một số anh chị em cán sự như anh Nguyễn Đúng, anh Giầu và cô Nguyễn Thị Hà, ... Sau đó anh Phúc lại kiếm được anh Ngô Bá Trắc về đầu quân, anh Trắc cũng rất khéo tay, giúp anh Phúc rất đắc lực trong công tác thiết trí các máy móc cho phòng điều hành. Ngoài ra cũng có hai kỹ sư Đài loan là ông C.T. Lun và ông Cheng (tôi không nhớ hết tên ông này) sang làm cố vấn kỹ thuật cho Phối trí một thời gian. Khoảng một hai năm sau, Phối trí cũng tuyển thêm một số anh em kỹ sư mới ra trường gồm các anh Lê Tấn Hiệp, Trần Long Thạch và Đặng Vũ Thám làm Trưởng phiên điều hành. Các anh này sau là những tay "cột trụ" của Phối trí, làm việc cho tới 1975 và sau này anh Hiệp làm "xếp" ở Phối trí cho tới khi từ trần cách đây mấy năm.

Sau một thời gian chuẩn bị, phòng Điều hành phối trí điện năng bắt đầu làm việc 24/24 để chính thức đảm nhiệm công tác điều hành hệ thống và phân phối điện năng. Trên nguyên tắc mỗi ngày có 3 phiên: phiên thứ nhất từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, phiên hai từ 3 giờ chiều đến 11 giờ khuya và phiên ba từ 11 giờ đêm tới 7 giờ sáng. Tuy nhiên, thời biểu này chỉ được áp dụng ít lâu, sau đó vì lái xe xa lộ giờ ban đêm không an ninh nên đổi thành 2 phiên, phiên ngày từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, phiên đêm từ 7 giờ tối tới sáng hôm sau. Rồi tới thời kỳ sau Tết Mậu Thân, tình hình "găng" quá, nhá nhem tối là không có xe nào dám chạy trên xa lộ nên chúng tôi phải gồng mình làm việc một ngày có ... một phiên kéo dài luôn 24 tiếng đồng hồ. Nhân viên điều hành được đưa lên từ 8 giờ sáng hôm trước ở lại tới sáng hôm sau mới có người thế, về nhà nghỉ bù luôn 3 ngày kế tiếp.

Để chuẩn bị cho mỗi phiên làm việc 24 giờ như trên, tụi tôi đi làm tên nào cũng mang theo ba lô gồm rất nhiều thực phẩm, không phải "cơm nắm muối vừng", nhưng là những đồ ăn "hiện đại" hơn gồm các đồ hộp loại "ration C" của quân đội Hoa kỳ bán đầy ở chợ trời, mì gói Nhật bổn, ... BDỡể ăn hai ba bữa; rồi tới cà phê và thuốc lá để hút qua đêm và các dụng cụ linh tinh khác. Riêng tôi còn thủ thêm chiếc radio transitor để nghe nhạc và các tin tức buổi tối.

Phòng Điều hành hệ thống phối trí rất bận rộn vào giờ cao điểm (peak demand) trong ngày vào khoảng từ 5 giờ chiều tới 9, 10 giờ tối. Lúc đó Trưởng phiên điều hành phối trí có cảm giác như vị tướng cầm quân, dùng radio trao đổi tin tức về tình hình hệ thống phân phối điện với điều hành viên các trạm biến điện và các khu điện lực; đồng thời mắt đăm đăm theo dõi mức tiêu thụ điện năng của dân chúng qua các máy đo của hệ thống điện rồi ra lệnh cho các đ 7Đn vị phát điện chạy máy hoặc tăng giảm công suất để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ. Đặc biệt mỗi chiều thứ sáu khi có chương trình cải lương trên đài truyền hình, bà con ai cũng mở máy coi khiến cho mức sử dụng điện cao vọt lên, vì vậy mỗi sáng thứ sáu là chúng tôi phải kiểm điểm và huy động các đơn vị máy phát điện để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu này.

Làm việc buổi tối khá mệt nhưng được cái là sau khi giờ cao điểm đã qua, tụi tôi có được chút ít thì giờ tương đối rảnh rỗi để chia phiên nhau làm các công việc cá nhân và chuẩn bị bữa ăn tối, sau đó có thể ngả lưng thoải mái trên ghế để đọc sách hoặc nghe radio. Từ nhỏ tôi đã có thú theo dõi các chương trình phát thanh, tôi cố sắm chiếc máy radio khá tốt có nhiều làn sóng ngắn để có thể nghe các đài ngoại quốc. Mỗi buổi tối khi nghe xong phần văn nghệ của đài Sài gòn và chương trình Dạ Lan trên đài quân đội, tôi thường chuyển qua làn sóng ngắn để nghe tin tức của các đài VOA, BBC, ... Nhiều khi, bắt chước một nhân vật của Nguyễn Tuân, tôi điều chỉnh máy thu thanh bắt lung tung các đài phát thanh lạ, khi thì gặp đài Nhật bổn, khi đài Úc, có khi nghe được cả đài Ấn độ và các nước vùng Cận đông ... để thả hồn mơ mộng về các phương trời xa xăm. Thỉnh thoảng, trong khi dò đài tôi cũng đụng phải các đài của các nước cọng sản như đài Bắc kinh, đài Mạc tư khoa, ... Thời kỳ những năm 60, phong trào cọng sản quốc tế đang lên cao, các nước c 0Ấng sản chủ trương nặng về hệ thống tuyên truyền trên khắp thế giới nên các đài phát thanh của họ rất mạnh. Mỗi khi gặp đài Bắc kinh là tôi nghe oang oang, khi thì lớn tiếng chửi bới bọn "tư bản đế quốc", khi thì phát các bài ca đấu tranh như bài Cọng sản quốc tế ca, bài Sì Lai quốc ca của Trung cọng, bài nào cũng sắt máu nghe phát sợ. Trong khi đó các đài của thế giới tự do thì rất khiêm tốn, đài Tiếng nói Hoa kỳ có đài hiệu là bài Yankee Doodle hiền khô, đài BBC cũng có đài hiệu là đoạn nhạc vô thưởng vô phạt. Về phần tin tức, các đài của thế giới tự do thì chủ trương thông tin trung thực, loan mọi tin bất kể tới tác dụng chính trị; trong khi đó các đài cọng sản thì suốt ngày sa sả loan các tin do họ dựng đứng về các "chiến thắng", về bọn "tư bản đang dẫy chết", ... bằng giọng đanh đá của các xướng ngôn viên khiến tôi nghe mà rùng mình, có linh cảm thấy một mối đe dọa quá lớn cho đất nước mà không biết làm gì được.

Trong nhiều buổi tối khi rảnh rỗi tụi tôi cũng có thì giờ tán dóc với các bạn làm ở những cơ sở khác. Bên Gas turbine toàn là các anh em khóa 5 tôi rất thân như các anh HGThụy, NTSơn, NM Vận. Anh Thụy với tôi hai gia đình thân nhau từ trước, anh Thụy sau khi làm ở Gas Turbine một thời gian được thăng lên chức Phụ tá Giám đốc Nha Phối hợp Địa phương. Anh Sơn sau cũng về làm Trưởng sở tại nha Nhân viên (các bạn khóa 5 đường công danh có vẻ "hanh thông" hơn anh em khóa 4 tụi t 1 i nhiều!). Còn anh NMVận vì làm ở Điện lực không lâu nên chắc ít bạn nào biết, riêng tôi có tiếp xúc với anh thời làm việc ở Thủ đức thấy anh có nhiều cá tính đặc biệt rất vui. Anh Vận xuất thân từ một gia đình gia thế ở miền Nam. Thân phụ anh là cụ Nguyễn Văn Sâm, nhân vật chính trị nổi tiếng đã từng giữ chức vụ Khâm sai Nam bộ, sau bị cọng sản sát hại, và được đặt tên đường Nguyễn Văn Sâm ở Saigon. Anh Vận người to con, da trắng, rất đẹp trai. Anh rất thích văn nghệ, nhất là tân nhạc. Nhiều bữa đi làm vội không mang theo radio, sau khi chạy máy xong anh thường điện thoại sang tôi nhờ theo dõi khi chương trình Dạ Lan có bài hát nào hay thì đặt radio áp vào điện thoại để anh nghe cho "đỡ ghiền." Anh Vận là người rất thẳng thắn nhưng tính cũng nóng nên thỉnh thoảng có đụng độ với xếp Lê Quang Phùng. Sau khi làm việc một thời gian, anh Vận được học bổng đi Nhật rồi ở ngoại quốc luôn. Hiện nay tôi nghe tin anh đang ở Pháp.

Làm chung phiên với anh Vận là anh BTTiếng từ Đa nhim chuyển về. Anh Tiếng tính tình vui vẻ và cũng rất thích văn nghệ. Hồi đó anh mới lập gia đình và rất cưng bà xã, mỗi khi làm ca đêm thứ bẩy tới sáng chủ nhật, rủi khi xe đổi ca lên chậm là anh nóng ruột vì sợ về trễ mất đi coi xuất đại nhạc hội 10 giờ sáng chủ nhật với bà xã.

Cũng vì phòng điều hành Phối trí nằm ngay cửa vào nhà máy và có nhiều phương tiện liên lạc nên ban đêm tụi tôi nhiều khi cũng giải quyết nhiều vấn đề linh tinh của bạn bè như nhắn tin qua điện thoại hoặc có bạn nào bị đau ốm cần gọi xe trực đưa đi nhà thương.

Khoảng cuối năm 1966, cơ quan ĐLV có nhiều thay đổi: tại Tổng nha, ông Nguyễn Bá Nhẫn, một chuyên viên quản trị thương mại ở nhà máy Xi măng Hà tiên đuợc bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay Thầy NHMinh. Khi ông Nhẫn về có thêm ông Cao Thanh Đảnh, nguyên Hiệu trưởng Trường kỹ thuật Cao Thắng, đang là Giám đốc Kỹ thuật Xi măng Hà tiên, làm Chánh Văn phòng TGĐ. Tại Thủ đức, một cơ quan mới có tên là Nha Khai thác Sài gòn (KTSG) được thành lập do ông Trần An Nhàn từ trường Điện về làm Giám đốc, có anh Hồ Duy Kiều kỹ sư khóa 2 làm Chánh sở Văn phòng Nha KTSG đặt tại lầu 2 nhà máy nhiệt điện Thủ đức.

Vào giữa năm 1967, tôi được cơ quan cho đi tu nghiệp về Phối trí điện năng tại Đài loan. Từ trước, cơ quan ĐLV đã có mối liên lạc thân thiện với công ty TPC, nhiều chuyên viên từ Đài loan sang làm cố vấn tại ĐLV cũng như nhiều chuyên viên VN đã từng sang tu nghiệp tại Đài loan. Riêng về ngành Phối trí, anh HĐBá đã sang Đài loan tu nghiệp trước khi về tổ chức HTPTĐN cho ĐLV, khi tôi sang lại gặp hai ông Cheng và Lun đã từng sang làm cố vấn ở Phối trí, hai ông đều là Phó Giám đốc Hệ thống Điều hợp Điện năng của TPC, vì vậy tôi không có gì là bỡ ngỡ.Tôi nhớ phái đoàn đi Đài loan lần đó ngoài tôi còn có các anh ĐTPhúc ở Biến điện, anh Nguyễn Văn Di ở Trang bị, anh Đinh Văn Thọ ở Đường dây, anh Nguyễn Văn Bé ở Biến điện, anh Lê Quang Văn ở Nhiệt điện, anh Lê Quan Tâm ở Trang bị, anh Huỳnh Văn Tựu ở KTĐP, ... Tụi tôi khởi hành từ Sài gòn vào buổi chiều, đi máy bay Air VN tới quá nửa đêm mới tới Đài Bắc. Đại diện TPC ra đón đưa chúng tôi về khách sạn New York Hotel ngủ rồi mai sớm lại mang xe tới đón về trụ sở công ty.

Sau khi làm các thủ tục tụi tôi được hướng dẫn về sinh hoạt tại Đài loan rồi chuẩn bị lên khu vực huấn luyện để qua tuần lễ "Orientation" trước khi chia nhau đi học tại các cơ sở của TPC. Trong các buổi thuyết trình đều có một nhân viên Đài loan làm thông dịch viên. Ông này tôi chỉ nhớ họ là Chung là người Tàu lai Việt (1), sinh trưởng tại VN rồi khoảng thập niên 50 được đưa sang Đài loan nhờ làm thông dịch viên cho một nhóm quân đội Trung hoa quốc gia (nhóm này thuộc toán quân từ lục địa chạy qua Miến điện hồi năm 1949, có thời gian xin ở nhờ đảo Phú quốc của ta trước khi về Đài loan). Ông Chung có tài là ngoài tiếng Tàu và tiếng Việt, ông còn nói được tiếng Pháp nên làm việc tại Công ty Điện lực Đài loan thường phụ trách thông dịch cho các phái đoàn ngoại quốc tới tu nghiệp. Ông Chung làm thông dịch cho phái đoàn và hướng dẫn tụi tôi trong các chuyến đi thăm viếng trên đảo. Do đã từng ở VN, ông Chung rất thích cà phê VN vì ở Đài loan chỉ có loại instant coffee theo lối Mỹ. Khi tôi đi, anh TVĐạt có gửi tôi mang ít cà phê VN sang biếu ông ta rất mừng.

Về mặt kinh tế, đảo Đài loan lúc đó còn sống khắc khổ, ngoài đường rất ít xe hơi tư nhân, dân chúng đa số di chuyển bằng xe buýt và xe đạp. Tuy nhiên hàng hóa rất nhiều và rẻ, tụi tôi được học bổng 9 Mỹ kim một ngày, tính ra một tháng được hơn 10 ngàn tiền NT (đơn vị tiền Đài Loan, tên tắt của New Taiwan Dollar, hối xuất lúc đó là 1 MK ăn 40 NT) sống ung dung, có thể nói là nhiều so với mức lương trung bình như một kỹ sư làm việc tại TPC lãnh khoảng 5 ngàn NT một tháng. Nền kinh tế của đảo Đài loan cũng rất phát triển, cơ sở kỹ nghệ rất nhiều, về điện lớn nhất là hãng Tatung chế tạo đủ các đồ, từ máy biến thế lớn đến các đồ gia dụng, ti vi, máy lạnh, ... V BE mức tiêu thụ điện, hồi năm 1967 toàn đảo Đài loan dân số chỉ có mười mấy triệu người (ít hơn miền Nam VN) mà công suất tiêu thụ điện giờ cao điểm lên tới trên một ngàn MW tức là gấp khoảng sáu bẩy lần mức tiêu thụ điện của nước ta.

Về chính trị, lúc đó Tổng thống Tưởng Giới Thạch còn sống tuy đã gần tám chục tuổi, Trung hoa Quốc dân đảng nắm toàn quyền, cai trị đảo bằng chế độ độc tài sáng suốt đạt được rất nhiều tiến bộ cho Đài loan. Con trai TT Tưởng Giới Thạch là tướng Tưởng Kinh Quốc giữ chức Thủ tướng chính phủ (sau thay cha làm Tổng thống). Ngoài ra, tụi tôi được nghe kể chuyện con trai tướng Tưởng Kinh Quốc hồi trẻ thuộc loại "cậu ấm" ăn chơi nổi tiếng trên đảo nhưng sau hối cải được công ty TPC cho làm một chức Trưởng khu Điện tại một địa phương nhỏ.

Hồi đó Đài loan và VN là đồng minh chống cọng ở Á châu nên chính phủ Đài loan rất có cảm tình với VN. Tôi đi phố gặp nhiều tiệm có trưng hình cuộc viếng thăm của TT Nguyễn Cao Kỳ tại Đài loan trước đó ít lâu. Ngoài ra có điều lạ là giới văn nghệ Đài loan rất ưa chuộng một bản nhạc của VN là bài Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, hình như bài này được một nữ ca sĩ Nhật bổn sang VN hát, sau đó đem về phổ biến tại Nhật rồi truyền sang Đài loan. Có thể nói bài Nắng Chiều là bản nhạc phổ thông nhất bấy giờ, được đặt lời Trung hoa hát hàng ngày trên đài phát thanh và trình diễn trong các buổi nhạc hội ở khắp mọi nơi. Tụi tôi mỗi lần thấy thính giả Trung hoa thưởng thức nhạc phẩm VN cũng lấy làm thú vị.

Sau tuần lễ orientation, Các anh em Điện lực chia nhau đi các cơ sở của TPC để theo chương trình tu nghiệp, đa số phải đi các địa phương xa. Riêng tôi học về ngành Phối trí và anh ĐTPhúc học về ngành Protection chỉ phải học ở các cơ sở chung quanh thành phố Đài Bắc (Taipei) nên chúng tôi rủ nhau thuê chung căn nhà ở đường Nam Hoa Tung lộ. Địa điểm này rất vui vì nằm ngay cạnh trường đại học lớn nhất Đài loan là Taiwan University, và cũng thuận tiện vì tụi tE1 i chỉ phải đi một chuyến xe buýt là tới trụ sở TPC. Trong thời gian học, chúng tôi sinh hoạt y như một người dân địa phương: buổi sáng ăn sáng bằng dầu cháo quẩy với sữa đậu nành hâm nóng, buổi trưa ăn cơm tại câu lạc bộ của công ty, buổi tối tụi tôi la cà ở các quán ăn sinh viên chung quanh trường đại học hoặc lên phố ăn món mì thịt ngỗng và uống nước trái ổi hộp rất ngon.

Thỉnh thoảng tụi tôi cũng làm quen được một số thiếu nữ Trung hoa mời đi chơi, chủ khách đàm thoại vừa bằng tiếng Anh vừa bằng tiếng Quan thoại (do tụi tôi bập bẹ học bằng cách truyền khẩu). Tiếng Quan thoại, quốc ngữ tại Đài loan, là tiếng nói của giới "quan" Trung hoa (có lẽ vì vậy mà gọi là Mandarin) nghe rất nhẹ nhàng, âm điệu phảng phất như tiếng Anh chứ không "thô" như tiếng Quảng đông là tiếng nói của giới thương mại. Các cô thiếu nữ Đài loan rất dễ chịu và thân thiện với người ngoại quốc, nhiều khi chỉ gặp một lần là có thể mời đi ăn cơm tối, đi coi hát rất tự nhiên. Hồi đó sang Đài loan bạn VN nào cũng đi hớt tóc mỗi tuần vài lần vì các thợ hớt tóc đều là các cô gái trẻ trung rất vui vẻ và khéo léo, tụi tôi thường đi hớt tóc để học nói tiếng Tàu với mấy cô. Tại Đài loan chúng tôi cũng gặp được một số người Tàu Chợ lớn về nước, ngay tại TPC cũng có một cô nói tiếng Việt còn thạo. Tôi cũng có lần được một bà người Tàu ở Chợ lớn theo chồng về Đài loan mời tới nhà chơi, bà này cho rằng " Chợ lớn vui hơn ở Đài loan" và rất thích một số món ăn VN trong đó có món gà xé phay.

Trong thời gian ở Đài loan, tôi gần gụi với anh ĐTPhúc mới biết được nhiều đặc điểm lạ nơi anh. Anh Phúc người rất cao, có dáng như một "gentleman" Ăng lê. Anh đeo kính cận dầy cộm dưới hàng lông mày rậm, mỗi khi nói chuyện có người nào hỏi điều gì anh thường nhìn chầm chập vào người đó một lát rồi mới chịu trả lời; vì vậy nhiều người hơi khớp tưởng anh là người lạnh lùng khó tính. Tuy nhiên khi quen thân mới biết anh Phúc là người bạn rất tốt. Tình bạn của anh rất bền chặt và sâu xa chứ không chỉ vồ vập bên ngoài rồi thôi. Ngoài ra, anh Phúc trông bề ngoài có vẻ nghiêm trang nhưng thực ra rất "tếu" đúng như biệt danh các bạn cùng khóa đặt cho anh. Trong thời gian ở chung tại Đài Bắc, tôi có một số kỷ niệm vui về các vụ "tếu" của anh bây giờ còn nhớ. Hồi đó vào những ngày cuối tuần được nghỉ, tôi và anh Phúc thường kiếm chỗ đi chơi, sau khi đã xem hết các viện bảo tàng và những thắng cảnh của thành phố, anh Phúc nẩy ra ý kiến gọi điện thoại tới các cơ sở quốc tế như các International House của sinh viên hoặc trụ sở YMCA... xưng là du khách muốn tới thăm, sau đó tụi tôi thắt "ca vát", mặt mũi nghiêm trọng đi tới; dĩ nhiên được ban Giám đốc đón chào niềm nở và cho nhân viên hướng dẫn đi coi khắp cơ sở như các "VIP" thật sự (2). Có lần anh nghĩ ra một "mưu" làm tôi lạnh gáy: số là ở Đài loan có bán rất nhiều sách kỹ thuật rất hay và rẻ, đều là sách in lậu (3) của Mỹ và các nước khác vì chính phủ Đài loan không ký vào luật bản quyền quốc tế. Anh em Điện lực sang Đài loan ai cũng muốn mua một ít sách về dùng, tuy nhiên luật Đài loan không cho mang sách ra khỏi nước, ai mang ra phi trường cũng bị tịch thu. Anh Phúc bèn nghĩ ra một mưu "Gia Cát" là mang thẳng sách ra bưu điện gửi về VN, anh cho rằng nhân viên bưu điện sẽ không ngờ mà cho qua. Tôi thấy cũng "có lý" nên theo anh mang thùng sách ra nhà bưu điện, hai thằng giả vờ tỉnh khô xin cân để gửi về Sài gòn, không ngờ nhân viên kiểm soát mở thùng ra coi thấy sách in lậu (3) không cho gửi, tụi tôi lại đành "giả vờ" không biết rồi mang sách về!

Vào khoảng tháng 9, 67, sau khi mãn khóa học, tụi tôi được đi "field trip" thăm mọi nơi trên đảo, từ vùng núi Hoa Liên qua Tài Chung là vùng canh nông rồi xuống phía nam thăm hải cảng Cao Hùng. Mọi nơi chúng tôi thấy người dân tuy không xa hoa nhưng sống sung túc; ngoài ra mặc dù có sự đe dọa của Trung cọng từ lục địa nhưng trên đảo rất thanh bình an ninh. Tại vùng Tai Chung chúng tôi được đi thăm hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake) rất đẹp, hồ ở trên vùng cao lạnh quanh năm, phong cảnh rất hữu tình, là nơi nghỉ mát sang trọng của đảo. Hồ thuộc quyền khai thác của Taiwan Power Co. để lấy nước chạy nhà máy thủy điện lớn ở thung lũng phía dưới. Trong thời gian ở đây, chúng tôi được mời ở khu nhà nghỉ mát của công ty nằm ngay cạnh hồ. Tôi cũng được nói chuyện với cụ già là quản lý của khu cư xá, cụ là bạn học của TT Tưởng Giới Thạch hồi nhỏ, mỗi khi Tưởng Tổng Thống tới nghỉ mát đều ghé thăm ông cụ.

Hết thời gian tu nghiệp, nhóm anh em tụi tôi từ giã Đài loan về nước vào cuối tháng 9, 67. Trên đường về chúng tôi được ghé Hong kong ba ngày. Tôi có dịp đi trên chiếc tàu đò (ferry) từ Kowloon qua đảo Hong kong tương tự như trong phim "The World of Susie Wong" rất thú, đặc biệt tụi tôi ngụ ở khách sạn nằm trên đường tên là đường Hải Phòng (Haiphong Street) và gặp rất nhiều người Tàu gốc ở miền Bắc sang làm ăn buôn bán ở đây.

Trong thời gian tụi tôi xa nhà, ở Điện lực có sự thay đổi chức Tổng Giám đốc. Khi tụi tôi ra đi thì tới Tổng nha chào từ biệt ông TGĐ Nguyễn Bá Nhẫn, khi trở về thì trình diện với ông Bùi Hữu Tuấn, Thứ trưởng Công chánh tạm kiêm nhiện TGĐ Điện lực. Vài tháng sau lại có thay đổi nữa: ông Trần An Nhàn Giám đốc Nha Khai thác Sài gòn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Điện lực. Ngoài ra, tình hình chính trị trong nước cũng đi tới khúc quanh mới là cuộc bầu cử toàn quốc trong đó liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử TT và PTT. Về phần quốc hội, giáo sư Mai Văn Lễ đứng đầu liên danh Ba Cây Dừa ứng cử vào Thượng viện được rất nhiều phiếu ở miền Tây (tín đồ Hoà Hảo) nhưng vào giờ chót bị thua.

Mấy tháng cuối năm 1967 có nhiều sự việc diễn ra tại Điện lực: anh HĐBá được ông Nhàn kéo lên làm Chánh Văn Phòng TGĐ, tuy trên giấy tờ anh còn kiêm nhiệm Trưởng HTPTĐN nhưng trên thực tế anh NHPhúc xử lý mọi việc, tôi từ Đài loan về được chỉ định phụ trách ty Điều hành thay anh Phúc. Tại Nha KTSG ông Lê Bá Trực lên làm Giám đốc thay ông Nhàn. Lúc đó nhà máy nhiệt điện đã kiện toàn các cơ sở, có phòng ăn trưa cho nhân viên ở lầu 2 khá khang trang, tụi tôi buổi trưa chỉ việc kéo lên ăn không phải ra chợ Thủ đức nữa. Phòng ăn của nha KTSG được tiếng sạch sẽ và ăn ngon đến nỗi ông GĐ Lê bá Trực dám tuyên bố là khi có khách tới chỉ việc mời lên phòng ăn dùng cơm còn hơn đi ăn tiệm.

Bước qua năm 1968, anh em HTPTĐN tụi tôi có tin buồn lớn: anh HĐBá từ trần. Cái chết của anh Bá làm mọi người ai cũng thương tiếc vì anh là người rất có khả năng, làm việc chu đáo, đối xử khéo léo nên cấp trên và anh em đều mến. Anh cũng là người biết tính toán và lo xa, ngoài việc làm ở Điện lực anh còn chịu khó đi dậy học thêm, kiếm tiền và lo đầu tư cho tiền khỏi mất giá. Anh lên Tổng nha làm việc mới được một hai tháng thì lâm bệnh phải vào nhà thương Grall giải phẫu rồi mất. Tang lễ anh Bá được cử hành rất trọng thể tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, về phần cơ quan có cụ Bửu Đài, Phó TGĐ, đọc điếu văn, về phần bạn bè có anh Nguyễn Quang Hữu, lúc đó là Chủ tịch hội ái hữu cựu Sinh viên Trường Cao đẳng Điện học, đọc lời tạm biệt. Để giúp đỡ gia đình anh, công ty vẫn để chị Bá ở căn nhà tại cư xá Thủ đức và cho chị làm việc tại nha Trang bị để nuôi các cháu. Tuy nhiên, ít lâu sau chị Bá xin nghỉ ra mở tiệm thuốc tây ở vùng Tam hiệp Biên Hòa.

Chỉ một tháng sau, khoảng tháng 2, 68, VC mở cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Tuy quân du kích cọng sản đột nhập vào nhiều khu vực trọng yếu tại Sài gòn nhưng rất may các cơ sở điện lực đều được an toàn. Anh em điều hành HTPTĐN cũng như các anh em tại các nhà máy biến điện và phát điện khác đều rất can trường làm việc trong khi cả thành phố náo loạn, có người kẹt cả tuần trong nhà máy nhưng vẫn không quản ngại và kết quả là hệ thống điện cung cấp cho dân chúng vẫn được bình thường. Sau khi trật tự được tái lập, khu vực nhà máy điện Thủ đức được tăng cường an ninh bằng một đơn vị quân đội Hoa kỳ tới trú đóng tại nhà máy. Thời gian này tôi được chứng kiến lối đánh giặc kiểu "con nhà giầu" của người Mỹ. Đơn vị Hoa kỳ, hình như cấp đại đội, do một đại úy chỉ huy, mỗi ngày sáng sớm kéo đi hành quân, chiều về đúng giờ như công chức đi làm. Ở nhà đám hậu cần đông đảo lo tiếp đón các chuyến trực thăng từ Long bình bay tới chở đồ tiếp liệu. Mỗi xế chiều tôi từ phòng Điều hành phối trí nhìn ra thấy một chú GI chặt những cục nước đá lớn bỏ vào mấy thùng phuy chung với các lon nước ngọt đủ loại để chờ khi đại đội đi hành quân về có sẵn nước giải khát.

Tôi cũng có dịp làm quen với một số lính Mỹ, họ cũng hiền lành dễ thương, nói chuyện về quê nhà bên Mỹ, người thì mong khi về giúp gia đình điều hành trang trại, người thì tính đi học tiếp lên đại học. Có lần tôi gặp một người quê ở tiểu bang Tennessee rất thích nhạc loại dân ca, tôi mua tặng anh ta một cuốn băng Dân Ca Ba Miền của ban Tam ca Đông Phương, anh mang về lều nghe rất thích rồi nói sẽ gửi cho gia đình làm quà kỷ niệm. Sau đó ít ngày có lần tôi đang làm việc anh ta mang vào cho tôi một hộp plastic trắng, tôi mở ra thấy một cái hamburger nóng hổi, đó là lần ăn hamburger đầu tiên trong đời tôi.

Một thời gian sau, khoảng cuối năm 1968, Điện lực lại có thay đổi nữa: ông Nguyễn Trung Trinh từ hãng Shell được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay cho ông TANhàn qua Bộ Công chánh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Tiện ích Quốc gia. Ông Trinh tới Điện lực mang lại nhiều sự thay đổi, nhất là cho áp dụng việc quản trị theo lối công ty thay vì cơ quan chính phủ để chuẩn bị cho việc tiếp nhận hãng CEE của Pháp. Trong tiến trình này, anh em tụi tôi rất mừng vì viễn tượng sẽ được lương bổng khá hơn nhờ bậc thang lương mới.

Từ giữa năm 1968, chính phủ VNCH đã bắt đầu lập thủ tục tiếp nhận hãng CEE của Pháp. Các cơ sở ở các tỉnh do Cơ quan quản trị Đặc nhượng lo liệu (ở Sài gòn, ông LBTrực làm Giám đốc, có anh Nguyễn Văn Sáng làm Phụ tá; ở Cần thơ có anh Trầm Đình Thơm, đang là Trưởng khu Điện lực Miền Tây Nam phần, và ở Đà lạt có anh NCThuần đang làm Trưởng khu Điện lực Cao nguyên Trung phần lãnh nhiệm vụ Chủ tịch các hội đồng tiếp nhận). Riêng ở CEE Sài gòn thì bên ĐLV bắt đầu đưa chuyên viên sang tìm hiểu và thực tập trong các cơ sở của CEE, rồi một cơ quan mới được thành lập vào cuối 1969 gọi là "Sài gòn Điện lực Công ty" (SĐL) do Thầy HTPhát được cử làm Tổng Giám đốc, đứng ra tiếp nhận công ty CEE của người Pháp. Trong năm sau, 1970, SĐL sát nhập với ĐLV lập thành Công ty Điện lực Việt nam (CĐV), ông Nguyễn Trung Trinh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Thầy Hồ Tấn Phát làm Tổng Giám đốc. Đồng thời, tại Thủ đức cũng có nhiều thay đổi: anh NĐHuấn lên làm Giám đốc Nha Khai thác Sài gòn (lúc này đổi tên là Nha Sản xuất Thủ đô) thay cho ông LBTrực được bổ nhiệm làm Phó TGĐ Khai thác; HTPTĐN được sát nhập với Hệ thống Dẫn Biến điện, anh NHPhúc là Trưởng Hệ thống thay anh HVPhong về Tổng nha; phòng Điều hành phối trí được chuẩn bị dọn sang nhà máy biến điện Sài gòn.

Vào cuối năm 1969, tôi bị gọi nhập ngũ vào khoá 5/69 sĩ quan trừ bị. Vì là chuyên viên được liệt vào loại "tối cần thiết", tôi và một số bạn Điện lực chỉ phải đi có 9 tuần, học hết giai đoạn 1 ở Quang Trung là được biệt phái về làm việc như cũ. Khóa lính tôi đi rất đông, anh em Điện lực ngoài tôi ra có các anh Thái Kế Khoa, Nguyễn Trọng Dũng, Phan Văn Thịnh, Trần Văn Đạt, Lê Văn Lợi, ... Đang lè phè đời sống dân sự phải lên đường vào lính, ngán quá! Mấy ngày ở Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ, hồi đó do Trung tá Nguyễn Phu (cháu cụ Nguyễn Tri Phương) là Chỉ huy trưởng, chưa vất vả mấy. TT Phu rất tốt, thấy đám anh em công chức tụi tôi ông thường tới nói chuyện vui vẻ và tối tối đều tổ chức các buổi văn nghệ cho đám "lính mới" đỡ buồn. Tới khi sang Quang Trung, tụi tôi bị đưa vào tiểu đoàn Nguyễn Huệ là đơn vị "hắc ám" nhất do thiếu tá Trần Văn Hiến cũng nổi tiếng hắc ám chỉ huy. Vừa từ Trung tâm 3 chuyển sang, tụi tôi bị hành ngay bằng cách vác ba lô chạy ba vòng sân. Rất may khi tôi đang lết bết ôm ba lô nặng muốn đi không nổi thì anh ĐPViễn (anh Viễn đi khóa trước đã học xong sắp về) chạy ra kéo tôi vào phòng anh để trút bớt đồ trong ba lô tôi ra, nhờ vậy tôi được vác ba lô nhẹ hều chạy đủ ba vòng sân không đến nỗi xỉu.

Ngoài đám anh em Điện lực, tôi còn gặp rất nhiều các bạn công chức khác như các anh Nguyễn Ngọc Khiêm, Nguyễn Văn Sang ở bộ Công chánh, anh Đỗ Cao Thọ kỹ sư Canh nông (em TT Đỗ Cao Trí), anh Vũ Ngọc Đỉnh cũng là dân điện (học trường Vô tuyến điện, tiền thân của trường CĐĐH) đang làm đài phát thanh Sài gòn, nhóm ký giả Việt Tấn Xã như Đông Duy, Ngô Trọng Ninh, Nguyễn Huỳnh, ... nhóm luật sư như Huỳnh Trung Chánh, Trần An Bài, Lê Thế Hiển, Trần Thanh Đằng, Trần Như Tráng, nhóm chuyên viên kinh tế có Trần Cự Uông, Hà Xuân Trừng (hai anh Uông và Trừng học vài tuần thì được về tham gia chính phủ, anh TCUông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Kinh tế, anh HXTrừng là Thứ trưởng Tài chánh), hai anh phi công Air VN là anh Hiển, anh Lợi. Anh Lợi là bạn học với anh TVĐạt, người to con cao lớn, rất buồn là ít lâu sau anh Lợi bị tử nạn trên một chuyến bay từ Lào về Sài gòn.

Trong thời gian học ở Quang Trung, có lần tôi gặp Thiếu tá Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ, tác giả các nhạc phẩm được nhiều người ưa thích như Tình Mùa Chinh Chiến, Đà Lạt Sương Mù, và các bài ca sinh hoạt quân đội như Niềm Vui Xạ Trường, ... TT Sâm là Trưởng phòng Tâm lý chiến Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, khi biết tôi là dân Điện lực ông bèn dẫn tôi qua trại gia binh để nhờ làm dự án cung cấp điện cho trại. Vì dự án không phải "nghề" của tôi nên tôi nói với TT Sâm xin thêm anh NTDũng vào cùng làm. Thế là tôi và anh Dũng được nhiều dịp ngồi văn phòng làm việc, bớt phải đi ra bãi tập, và cũng nhiều lần được về phép đặc biệt để lo công tác này.

Thiếu tá Sâm là người rất tốt, sau này tôi gặp lại ông một lần tại Sài gòn, ông cho biết đã đổi lên làm Trưởng khối Chiến tranh Chính trị trường bộ binh Thủ đức và nói với tôi: "Cậu có tên bạn nào đi lính vào Thủ đức cần giúp đỡ thì cứ gọi cho tớ biết." Sau năm 1975, TT Sâm bị đi học tập, tôi nghe nhiều người kể lại ông là người rất tư cách, trong thời gian bị tù ông không bao giờ có ý hành động làm mất danh dự sĩ quan VNCH. Rất buồn là ông đã mất trong khi bị cọng sản giam tại trại tù Sơn la vào năm 1977. Sau này tôi được gặp một số sĩ quan ở cùng trại với TT Sâm cho biết trước khi chết ông có để lại một nhạc phẩm mang tên "Đồi Ban" rất có giá trị, bài hát được các bạn tù truyền tay phổ biến trong các trại chung quanh rồi sau đó có người mang về miền nam cũng được nhiều ca sĩ "hát chui." Không hiểu bây giờ có ai mang được tác phẩm này ra hải ngoại không.

Lúc tôi đi lính về, Phối trí lúc đó đã dọn sang nhà máy biến điện Sài gòn. Ở cơ quan mới anh NHPhúc là Trưởng Hệ thống, anh ĐPViễn là Trưởng sở Bảo trì, tôi được cử làm Trưởng sở Điều hành gồm cả ty Điều hành Phối trí và Biến điện. Tôi được dịp làm việc với các anh em ở Biến điện như anh Đinh Công Nghĩa, anh Nguyễn Khắc Huề, anh Nguyễn Tấn Đạt, ...

Anh Huề phụ trách ty Viễn thông của Biến điện nhập chung với Phối trí. Anh lớn tuổi, dáng điệu xuề xòa, mái tóc "rễ tre" chải ở giữa, khi nói chuyện anh hơi bị cà lăm, tuy nhiên, vẻ chân thật và tư cách người lớn của anh khiến bạn bè ai cũng quý trọng anh. Ngoài ra, anh Huề còn là anh của Nguyễn Kim Thới bạn cùng khóa với tôi nên tôi coi anh như một người anh của tôi. Mấy năm trước, khi có dịp ghé qua Phoenix, tôi rất vui được gặp lại anh chị NKHuề cùng với anh chị Kha Văn Tỷ.

Anh NTĐạt phụ trách ty Bảo trì Biến điện có lẽ là người làm việc lâu năm nhất tại đây. Anh làm ở Biến điện từ khi ra trường vào khoảng năm 1962 cho tới năm 1975. Anh rất chịu khó, ngoài việc làm có hồi anh còn mở một xuởng cơ khí tại Thủ đức rất phát đạt. Gần đây (1995) tôi rất vui khi nhận được thư của anh từ bên Úc gửi sang (anh chị Đạt mới qua Úc đoàn tụ gia đình với các con được ba năm nay).

Anh ĐCNghĩa đối với tôi rất thân và tôi liên lạc rất nhiều với anh dù sau khi tôi và anh không còn làm việc ở một cơ quan nữa. Hồi mới ra trường, anh Nghĩa là một kỹ sư trẻ duy nhất được anh HVPhong chọn vào làm việc tại nhà máy biến điện Sài gòn. Khi anh Phong chuyển về trung ương, anh Nghĩa là người thay thế đảm nhiệm mọi công việc kỹ thuật của nhà máy biến điện. Vì vậy lúc Phối trí chuyển sang Biến điện, tôi được dịp làm việc chung và thân với anh Nghĩa, ngoài công việc làm tôi với anh Nghĩa còn bàn tính nhiều công việc ngoài đời khác. Sau khi chuyển về Sài gòn, tôi thỉnh thoảng vẫn tới thăm anh tại một ngôi chùa ở Chợ lớn nơi anh ở trọ. Từ khi sang Hoa kỳ, tôi và anh Nghĩa cũng có dịp gặp nhau nhiều lần, khi thì ở Minnesota, khi thì trên vùng núi Colorado nơi gia đình anh định cư. Những lần gặp gỡ anh Nghĩa ở Hoa kỳ, tôi lại khám phá được nhiều điểm tương đồng thú vị giữa anh Nghĩa và tôi như việc tôi và anh Nghĩa có cùng ngày sinh (anh kém tôi đúng 5 tuổi nếu tôi nhớ không lầm), và tụi tôi ngoài phạm vi nghề nghiệp còn có cùng sở thích về nhiều phạm vi khác. Tôi được nghe anh Nghĩa nói nhiều về Phật giáo và tôi nghĩ rằng những hiểu biết về đạo Phật của anh rất sâu xa không thua gì các học giả trong ngành. Về văn chương cũng có điều lạ là tôi là dân "Bắc kỳ di cư" lại thích đọc các chuyện miền nam như "Rừng Mắm" của Bình Nguyên Lộc, "Văn Minh Miệt Vườn" của Sơn Nam, ... Trong khi đó thì ĐCNghĩa sinh trưởng ở miền nam lại thích đọc các truyện miền bắc, tới nỗi khi anh có dịp đi công tác ra bắc (sau 75) mà anh cũng định lái chiếc "ô tô con" đi tìm xem làng Nghĩa Đô mà nhà văn Tô Hoài tả trong "Xóm Giếng Ngày Xưa" ra sao. Hồi anh Nghĩa lên Minnesota lần đầu khi anh mới sang Mỹ (khoảng năm 1985), tôi dẫn anh đi dự buổi họp có mặt nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhân dịp này tôi được nghe anh Nghĩa nói chuyện rất tương đắc với tác giả "Thần Tháp Rùa" về các vấn đề lịch sử và địa dư mà anh thâu thập được trong chuyến đi miền bắc như loài rùa ở hồ Hoàn Kiếm, nỏ thần tại thành Cổ Loa...

Thời gian đó trong sở Điều hành do tôi đảm trách có ty Điều hành Phối trí do anh VTViên phụ trách, trưởng phiên điều hành chỉ có anh Lê Công là người cũ, còn ba anh khác thuộc thế hệ trẻ hơn là các anh Trần Long Thạch, Lê Tấn Hiệp và Đặng Vũ Thám. Anh Thạch người nhỏ, ăn nói chậm chạp nhưng chắc chắn. Anh Hiệp cao lớn, tính vui vẻ, nói chuyện hay diễu. Anh Thám là người trầm tĩnh nhất, anh để bộ râu quai nón rất vẻ "đàn ông" và khi làm việc hút thuốc lá liên miên. Sau này ba anh Thạch, Hiệp, Thám vẫn "trụ trì" ở Phối trí khi cơ quan này đổi tên thành Trung tâm Điều hợp Điện năng do anh Phan Xuân Hùng điều khiển lúc đầu, về sau anh ĐPViễn thay thế. Tại Phối trí cũng nhờ cô Nguyễn Thị Hà nên có nhiều sinh hoạt vui vẻ, tụi tôi hùn nhau mua một tủ lạnh nhỏ để trong phòng điều hành, cô Hà hàng ngày làm yaourt và mua các loại nước ngọt để vào tủ lạnh, người nào muốn dùng cứ tự động lấy rồi bỏ tiền vào hộp trả. Ngoài ra hàng ngày tụi tôi cũng có nhiều "khách" tới chơi như anh NQHữu lúc đó là Trưởng khu Thủ đức và cô Đặng cán sự Điện tử bạn học với cô Hà nhà ở Biên hoà thường đáp xe lam ghé vào chơi.

Tại nhà máy biến điện, có lần tôi được trở thành "tài tử điện ảnh" bất đắc dĩ. Nguyên Cơ quan Quốc gia Điện ảnh muốn quay một cuốn phim về sinh hoạt kỹ nghệ của VN nên tới liên lạc xin quay các hoạt động tại Nhà máy biến điện Sài gòn. CĐV chấp thuận, ra lệnh cho chúng tôi giúp đỡ. Phái đoàn điện ảnh do đạo diễn Nguyễn Ngọc Liên cầm đầu được chúng tôi hướng dẫn quay một số ngoại cảnh ở bên ngoài rồi vào quay các hoạt động trong nhà máy biến điện. Theo lời hướng dẫn của đạo diễn NNLiên, tôi dược sắp xếp ngồi làm việc "như thật" để thâu hình. Sau khi cuốn phim hoàn tất tôi được giấy mời đi tham dự buổi chiếu ra mắt tại rạp Rex Sài gòn, khi thấy mình xuất hiện trên màn ảnh đại vĩ tuyến tôi cũng thấy thú vị!

Tới đầu năm 1970, tôi được ông Phó TTXuân gọi về trung ương. Đã làm việc tại Thủ đức gần 5 năm, tôi cũng muốn thay đổi nên vui vẻ giã từ Phối trí điện năng và các bạn bè tại Thủ đức, về làm việc tại trụ sở 72 Hai Bà Trưng.

Tới đây chấm dứt thiên hồi ký về "Những năm sáu mươi." Xin cám ơn các anh em thân hữu đã bỏ thì giờ đọc những chuyện "cà kê dê ngỗng" của một thời xa xưa trên quê hương yêu dấu nay đã cách xa ngàn dặm. Đặc biệt, sau khi bản tin THĐL đăng phần 1 và 2 của thiên hồi ký, chúng tôi rất cảm kích khi nhận được những ý kiến chia sẻ và khuyến khích của nhiều thân hữu qua điện thoại hoặc thư từ gửi về cho bản tin, xin chân thành cảm tạ mối thâm tình của quý bạn. Vì thời gian hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, trí óc con người không khỏi bị lu mờ, nếu chi tiết sự việc có gì sai sót xin các anh em thân hữu lượng thứ và hiệu đính giùm.

Song Nguyễn

(Quê người, tháng 9, 1995)

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Góp ý của tòa soạn THĐL:

(1) Hình như ông này tên là Chung Lu hay Chung Lô gì đó.

(2) Không thấy tác giả nhắc lại chuyến viếng thăm khu vực Peitou, phía bắc thành phố Đài Bắc.

(3) Theo chỗ chúng tôi biết và nhớ được, thời đó ĐàI loan có được một giấy phép đặc biệt của Hoa kFC để in lại các sách kỹ thuật cho nhu cầu trong nước, các sách này in lại tại Đài loan chỉ được sử dụng trong xứ ĐàI loan mà thôi. Trở về