Bài của Anh Lê
Thế là chúng tôi đã ở Mỹ ngót nghét hai chục năm rồi. Mau thật! Cứ nghĩ đến mới ngày nào chạy ba chân bốn cẳng và một lèo ra bến kho 5 Khánh hội, xuống được con tàu buôn cà rịch cà tang chạy một lúc lại chết máy ... Chết tới chết lui suốt mấy ngày lênh đênh trên mặt biển kẻ la người khóc, vừa đói vừa khát, ngất ngư như con tàu không bến đậu. Rồi đâu cũng vào đó ... đói riết rồi hết đói, xỉu chán rồi lại tỉnh, cũng như khát quá, khát đến độ mê sảng thấy trước mắt mình toàn là nước ... lúc đó con người chỉ mơ một giấc mơ là ... nước thôi! Thiếu nước là chết đi cuộc đời. Ngày trước ở Sài gòn lúc đi xem xi-nê thường thấy những anh chàng lạc vào giữa lòng sa mạc nắng cháy, giọt nước cuối cùng khô cạn, thế là chỉ còn cái chết vờn quanh ngắc ngoải. Bây giờ thì chúng tôi cũng vậy đói mấy cũng chịu được, chứ thiếu nước thì làm sao mà sống đây! Xung quanh tứ bề toàn một màu xanh, xanh của nước mà chúng ta đành ... chết vì không nước! Có ai khát rồi mới thấy giọt nước lúc này quý hơn thỏi vàng ròng. Ngày xưa vào những năm 1945, 1946 tới 1952 chúng tôi chạy loạn thì lúc đó đã bị đói ... đói triền miên, đói hết ngày này qua tháng khác. Ngày nay 1975 thì lại chút xíu nữa chết vì khát nước. Cuộc đời con người quả là có số mệnh, đói với khát lúc nào cũng quanh quẩn.
Thế rồi nói cho cùng, khát quá rồi cũng đến một lúc nào cơ thể vùng lên làm cách mạng và nhất định phải hết khát. Lúc đó là lúc mình phải tranh đấu với cái sống còn. Chả lẽ cứ nằm ỳ một đống để chờ cái ông thần tà tà đến mang lưỡi hái vào cổ mời đi ... uống nước! Không, không thể được, và cũng vì lẽ đó mà sức mạnh tinh thần thắng được tất cả. Và tôi bỗng nhớ đến trong truyện Tam Quốc Chí, đã đọc đi đọc lại nhiều lần, cái đoạn mà quân sĩ Tào đông đến cả một đại đoàn lúc đi qua sa mạc cũng chết vì khát. Thế mà chỉ một câu nói của Tào Tháo mà cứu được cả đoàn quân hăm hở tiến nhanh tiến mạnh mà quên đi cái khát. Tào đã nói với ba quân rằng "Ta đang thấy trước mặt có cả một rừng mơ xanh trĩu trái ..." Nhờ câu nói đó, tôi vùng dậy nói vào tai vợ tôi, em tôi, cha mẹ tôi rằng "Tàu Mỹ đang trên đường đến cứu mình ... SOS của phòng truyền tin đã nhận được tín hiệu!" Thế là vợ tôi và cả gia đình tôi ngồi nhổm dậy hỏi "Đâu, ... đâu, thấy tàu đến chưa?" Câu nói dối mà tôi cứu được không những người thân gia đình mà còn bao nhiêu liệt xỉu xung quanh cũng đang nuôi một hy vọng mong manh cho sự sống còn của con người ...
Đó là chuyện trên con tàu. Và bây giờ là chuyện dài dài ... trên xứ Cờ hoa. Xứ Cờ hoa này có ở lâu mới thấy thấm thía, càng lâu càng lậm, chứ không phải những người bà con thân nhân bạn bè ở Việt nam cứ nghĩ rằng Mỹ là thiên đàng, Mỹ là tương lai rạng rỡ sáng sủa. Nói ra chẳng ai chịu tin, nói sao thì nói, miễn sao sang tới Mỹ rồi hãy hay. Trăm người như một đều đồng thanh "Mỹ có bỏ đói mình đâu mà sợ!" Con cái có tương lai học hành nên người (?) v.v... Cái vấn đề này phải xét lại mới đúng. Trước hết các em ở Việt nam phải giỏi sẵn rồi qua Mỹ mới giỏi được, chứ ở Việt nam không học chữ nào sang Mỹ lấy gì mà giỏi!!!  Mỹ nhân tài hằng hà sa số, hằng năm số kỹ sư ra trường đếm cả ngày không hết. Các ngành khác cũng đông đặc. Ra rồi là thất nghiệp dài dài ... Thành ra xứ Cờ hoa này ai đã từ Việt nam qua đi học lại mới thấy trăm ngàn đắng cay. Học ngày không đủ tranh thủ cả đêm. Tiếng xứ người đọc mười hiểu một. Rắc rối vô cùng, thảm lắm ai ơi!
Để trở lại chuyện xứ người và xứ ta ... Hai cái quốc gia này khó thể hòa hợp được. Không những quốc gia với quốc gia mà ngay cả con người với con người. Người Việt từ Việt nam mới sang Mỹ và người Việt sang từ năm 1975, cả hai đều khác biệt từ tư tưởng tới hình thức trong đời sống. Có thể nói ngay là sau nhiều năm bị Việt cọng nhồi sọ, nhiều người Việt mới sang đã có một lối nhìn lúc nào cũng tỏ vẻ ngờ vực, cũng như ... mất tin tưởng vào chế độ. Người Việt đã lưu vong ở Mỹ hai mươi năm qua thì lại có một lối nhìn theo nhu cầu thực tế. Sự khác biệt đã cho thấy rõ hai thế giới riêng rẽ, và nhiều người đã kết luận rằng những người mới qua sẽ khó thích nghi để mà hòa hợp ngay. Phải cần một thời gian chờ đợi.
Tôi có bà chị họ vợ còn ở bên nhà nên hàng năm thường gửi tiền về giúp, khi thì một trăm, lúc thì hai trăm, ... Bỗng nhiên một hôm đẹp trời, con gái bà nổi cơn hứng hạ bút xin gửi gấp về 3000! Đọc thư mà tôi chỉ biết lắc đầu. Vừa qua có chú em về Việt nam chơi, thôi thì gửi tặng bà một bò để xài tạm. Nhận tiền tận tay mà suốt cả nửa năm trời không có một lá thư ... cám ơn! Thì ra tôi đã hiểu! Nói theo luật giang hồ ... họ tưởng chúng tôi qua Mỹ ra đường đào được vàng khối ...
Ngày nay, những người mới qua đây còn được thân nhân bè bạn, bà con ruột thịt mang xe ra tận phi trường đón về nhà, với huyên náo trong ngoài, ăn uống tiệc tùng ... mừng mừng tủi tủi ... thật là hạnh phúc thay! Rồi sau đó, đi đâu cũng có bà con, hay hội hè đưa rước làm mọi thứ thủ tục giấy tờ ... đi bác sĩ, đi ra xã hội, ... Ngày trước, lúc chúng tôi qua đây, người Việt nam đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, Mỹ họ không cho người Việt mình tụ tập lại một chỗ, mà từ trại tị nạn họ phân phối chúng tôi đi khắp bốn phương trời ... Người lên Bắc, kẻ xuống Nam. Cha mẹ miền Đông, con miền Tây. Lạnh giá, cô đơn, không nơi nương tựa, đồng không nhà trống nỗi lòng quạnh hiu! Tiếng Mỹ thì nói một múa mười ... Mỹ sponsor vẫn cứ cười khèn khẹt ... Chán mớ đời!
Cảnh gia đình tôi ly tán. Bố mẹ với đàn em nó tống lên thành phố Altoona tiểu bang Pennsylvania, nơi tuyết đổ muôn chiều và là thành phố buồn muôn thuở ... Còn vợ chồng tôi thì ưu ái được gửi lên tiểu bang Oregon, ngày bước chân lên tàu bay về nhiệm sở, hai đứa run cầm cập. Chả thấy ánh sáng mặt trời mà chỉ thấy trùng điệp những tảng mây xám lờ lững trên đầu. Ra đón tại phi trường Portland là cha "Park", Giám đốc USCC tiểu bang, tôi cũng chẳng biết mặt cha và cha cũng chẳng biết mặt chúng tôi. Chỉ lúc thấy ông cầm cái hình của hai đứa tôi và nhìn trừng trừng vào mặt, tôi mới tiến lại mỉm nụ cười cầu tái ấp úng ... chào cha!
Thế là từ đó đời tôi bắt đầu trở thành cuộc đời mới, thật mới. Hai vợ chồng bắt đầu đi làm ... trời mưa lầy lội! Bỗng một sớm một chiều mà ra nông nỗi. Hai đứa tôi đi làm cái nghề "lượm hạt dẻ" trong vườn có cả hàng trăm hàng ngàn cây bao la, rồi đem ra cửa rừng cân lấy tiền. Cái nghề này thấy nhẹ nhàng, nhưng cứ cái thế ngồi chồm hổm di chuyển dưới gốc cây tám tiếng một ngày với những rặng mưa phùn ... dơ dáy, giá buốt và đau lưng không chịu được. Thế là bỏ cuộc sau một tuần ra quân trên bước đường đầu tiên của xứ Cờ hoa.
Những buổi chiều ngồi bên lò sưởi, nhìn qua khung cửa kính mờ tuyết rơi lất phất như hàng hà sa số bông gòn từ trên trời cao thả xuống ... Lần đầu tiên trong đời mới thấy tuyết rơi, vui và xôn xao trong lòng. Bỗng dưng lại muốn làm thơ, lại muốn viết một đoản văn ... Nhưng thơ và văn để cho ai đọc bây giờ? ... Ấy thế mà lòng người với nghiệp dĩ mang theo vẫn vấn vương ...
Chiều xứ lạ phố nhỏ mưa phùn bay
Mắt em xưa đôi mắt làm ta say
Xin gửi vầng trăng vào đáy mắt
Soi trọn đời nhau mãi tháng ngày ...
Bốn câu thơ này tôi tặng cho một người "tình nhỏ" của những ngày mặn mà. Ngày cuối, nàng còn gọi phone lên sở gặp tôi than vãn cho số phận mai này có thể mình chia xa!!!
Qua được một mùa đông bình yên, qua được những đoạn đường dài trên miền tuyết phủ với những ngày mưa đá, những đêm cuồn cuộn gió đông về xào xạc ... tiếng gió lùa qua những rặng thông nghe như ai oán, nghe như ngàn vạn nỗi buồn xâm chiếm mênh mang ... Ra đi ta thấy lòng như khóc:
Có những con đường lệ chảy quanh
Có những chiều mưa trời thấp xuống
Đời ta buồn phiến đá rêu xanh ...
Chúng tôi bỏ cái tiểu bang mưa dầm dề và giá buốt để trở về miền nắng ấm Cali, lòng thơ thới với những ngày cuối tuần trên những bãi biển tuyệt vời của vùng Laguna Beach, Redondo Beach, và Long Beach nổi tiếng từ bấy lâu ... Rồi đi xin việc làm, lặn lội như những ngày đầu chập chững mới qua. Trên cái xe đạp mua ở chợ trời, hai đứa tôi lượn bay bướm khắp vùng trời Orange ... tay cầm cái bản đồ, chân đạp xe đèo vợ ở đàng sau đi tìm job. Vợ tôi run run hỏi "có đi lạc không anh?" Ngày xưa đi đánh nhau với VC ở trong rừng cũng chỉ có cái bản đồ hành quân và cái địa bàn ... mà chân người trai trẻ đạp khắp vùng chiến thuật ... có lạc bao giờ đâu! Bây giờ, phố xá hừng lên đầy diễm ảo, tưng bừng như nhạc khúc hoan ca ... làm sao mà lạc được ... Em!
Sau những năm dài đi làm lặn lội, hết việc này đến việc khác, vừa làm vừa đi học. Học mãi cũng phải vô, mới đầu còn gọi là "vịt nghe sấm" nhưng nhờ căn bản của những năm đi học ở Việt nam, nên tà tà người ta tới đâu mình cũng rán tới đó. Ngày xưa còn ở Việt nam chưa biết ông Cờ hoa ra sao, cứ tưởng ông là Thiên đường. Nay biết ông rồi thấm thía làm sao, mới biết kiếm được đồng bạc nơi quê người bằng những mồ hôi và nước mắt, bằng những đắng cay trộn với bồ hòn. Mẽo to, thân bự, sức khỏe bằng mười mình, tiếng mẹ đẻ xổ ào ào ... còn vất vưởng không job. Nhìn lại thân phận mình bé tí teo, da chì mũi tẹt dấm da dấm dớ mỗi lần nói là khua cả chân lẫn tay ... con đường xứ lạ lầy lội hẳn là đây!
Ngày xưa đi học, nhất là lúc đến gần ngày thi là lo sợ ngơm ngớp. Chỉ sợ rớt, rớt rồi là đen còn hơn mực "đệ nhất buồn là cái hỏng thi." Nếu rớt thì cha mẹ buồn, xấu hổ với làng nước, tương lai vô vọng ... và người tình nho nhỏ cũng cách xa. Sau cái đệ nhất buồn rồi đến đệ nhị buồn ... Nhị buồn là "thất tình", cái buồn này mới thật rầy rà vô cùng, "Em đi một nửa hồn tôi mất ..." Cuộc đời tôi từ nhỏ tới lớn khôn cứ bị hai cái này đeo đuổi và hành hạ đến khốn cùng. Ngày nay sang tới xứ Cờ hoa thì đệ nhất buồn và đệ nhị buồn phải tụt hạng. Bởi vì hàng tháng những tấm bill từ bốn phương bay về "gia trang" nên cái job được nâng lên hàng đầu. Mất job là mất tất cả ... có gia đình đã mất cả vợ con, mất cả nhà cửa, không còn cái cảnh ngày xưa, người vợ "Quanh năm buôn bán ở mom sông, Nuôi đủ năm con với một chồng ..."
Thế rồi chuyện gì cũng qua, con người là một vũ trụ nhỏ giữa hàng hà những tinh tú khác. Chẳng có gì khó và cũng chẳng có cái gì dễ dàng để kiếm được miếng ăn nơi xứ người. Chúng tôi vẫn song song đi giữa lòng đời từ 1975 đến nay. Hai mươi năm thăng trầm khốn khó. Hai mươi năm dài lê thê, ấy thế mà như vừa mới hôm qua, hôm kia đây. Có những người 1975 bây giờ thật khá, nhưng có những người vẫn còn linh đinh khốn cùng. Có những người tay trắng làm nên, lên rồi chưa được bao lâu lại tan tành ra mây khói ... Sự nghiệp triệu phú bỗng nước lạnh ra sông làm thân phận homeless.
Cũng có người từ tay trắng làm nên danh nên phận ... bỗng nhiên gia đình tan nát. Vợ bỏ đi với người khác, con cái lang thang và chính thân ông chủ gia đình ... đành lên núi am mây để ... ngủ! Anh muốn chết, mà chết không được. Anh muốn đi, mà đi đâu bây giờ? Thôi chỉ còn một con đường duy nhất là anh đi tìm quên. Bỏ lại thành phố với ngàn vạn diêm dúa đã vì đó mà giết chết đời anh. Bỏ lại đàn con còn thơ nhỏ bên người vợ phũ phàng mà mới đêm qua đây còn đưa nhau vào mộng, mới ngày kia thôi còn khăng khít bồi hồi!!! Thôi thì đành ...
Ta về rũ áo mây trời,
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Một tối, tôi gặp lại anh. Anh gầy rũ rượi, hai vai so lên che khuất cả khuôn mặt xanh bủng. Anh gặp tôi kêu lên reo vui như người khách phương xa vừa qua một cuộc hành trình dài trở lại. Thăm hỏi đơn sơ, anh nói anh hết buồn. Nhưng trước khi hết buồn anh phải buồn lắm. Buồn này cao hơn núi, nặng ngàn cân và sâu hơn biển cả. Tôi nhìn anh trong bóng đêm vàng vọt, anh như cúi xuống ngậm ngùi. Tôi ru anh bằng tiếng thơ nhỏ. Anh bỗng ngửng lên, môi anh nhếch nhẹ trong đôi mắt long lanh hằn lên một sự mầu nhiệm.
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi thế đoạn trường thế thôi ...
(Phạm Thiên Thư)
Trong cơn bĩ cực vẫn thấy một người không cần tiền, không cần danh vọng, không cần job, không cần cái gì cả. Mà chỉ cần một cõi ... hư vô trong lòng. Cao quý thay! Nhìn lại cuộc đời, sao trần tục thế này làm mất đi từ một tâm hồn thơ thới. Bây giờ xa xôi ngàn vạn dặm đường, tuổi xưa nhỏ đẹp như trang giấy hồng điều ... Ngày nay đã đầy dẫy vết chân chim hằn in trên gương mặt không qua khỏi được nét héo úa thời gian.
Bạn bè tôi xung quanh đây thật nhiều. Cùng trường, cùng sở cũ hồi còn ở Việt nam, và những bạn mới quen nơi đây đầy đủ mọi thứ cấp. Giàu có, nghèo cũng có. Tài cao học rộng đến cùng đinh trong xã hội, ai cũng là bạn. Có người tốt thì cũng có người xấu, có người nhà cao cửa rộng thì cũng có nhiều người còn đi thuê nhà. Ai ai cũng tốt cả. Không khinh ai, không trọng vọng ai. Từ một tâm hồn ngay thẳng, một lý tưởng bàng bạc của tâm hồn.
Lo! Nói đến sự lo lắng là cả một vấn đề.  thế gian nA1ạy ai dám cho mình là hạnh phúc nhất. Giàu lo theo giàu, nghèo lo theo phận nghèo. Công danh sự nghiệp lên vù vù lại càng lo thêm. Kẻ nghèo lo bữa sáng chạy bữa chiều. Người giàu thì lại muốn giàu thêm. Cái bả vinh phú như cái túi ba gang không đáy biết sao cho vừa. Vì vậy mối lo nó thắm thiết vô cùng, nó quấn quít như hình với bóng. Bạn không tin cứ thả bộ vòng vòng khu Tiểu Sài gòn mà xem mấy bà mấy cô ngồi ngáp dài trên cái bảng hiệu của mình. Bạn sẽ nghe những tiếng thở ngắn than dài. Họ đang lo và chắc là lo lắm!
Có những weekend vài bà bạn già sồn sồn đến thăm bà xã xệ tôi, mấy bà thì thào to nhỏ một lúc rồi cười rúc rích ... Một bà nói "Bài anh nhà viết đọc có là mê đi! Chắc ngày trước anh 'bay' dữ lắm, nên em đọc mà như sống lại cái thuở hẹn hò với ông xã mình bây giờ ... Nên có lúc yêu ổng vô cùng!" -- "ối dào! Hơi sức đâu mà chị tin anh ấy, quanh đi quẩn lại mấy con đào nhí ngày xưa, cứ xào đi xào lại hoài nghe riết nhàm lắm chị ơi! ... Ảnh lười lắm chị ạ, đi làm thì phè, chả làm overtime gì cả. Nói ra thì anh bảo em tham tiền. Bỏ tiền mà chạy năm 75 chưa tởn sao! ... Em nói cho chị nghe như là cô T. bên kia xóm đã có hai cái dry clean đấy, chú Đ. vừa mua một duplex cho thuê, v.v... và v.v... thì anh nói chỉ là mộng mà thôi! Em chả hiểu ông tướng chồng em muốn cái gì nữa ..."
Có thằng từ trại cải tạo trở về thì vợ nó lấy chồng khác. Nó phải ngủ ở salon ... mà từ cái giường ngủ phía trong và cái salon rách chỉ cách nhau tấm màn gió ... đêm đêm vợ nó và thằng chồng mới ôm nhau hú hí. Nó nằm ngoài mà ruột gan như xát muối. Nhưng thân tàn phế rồi, hắn biết làm gì hơn! ... Có thằng qua được đến đây sau 12 năm cải tạo mút mùa thì thảm thay khi vợ nó đón về, nàng nói với nó rằng "Đây là căn chung cư em mướn cho anh ở tạm, tủ lạnh sẵn sàng đồ ăn, gạo nước đầy đủ ... Anh cứ ở đây vài tháng để những thủ tục lặt vặt xong ... rồi anh có thể đi đâu tùy ý, em cho anh biết là em đã có chồng mới rồi, và đã có con với chồng sau này của em. Anh thông cảm nhé!" Nó ngồi chơ vơ như tượng gỗ, mồm há hốc ngạc nhiên ... Cái ngạc nhiên khốn cùng của kẻ cùng đường là thế. Vừa được một tháng, người vợ ngày xưa đã trên mười năm ôm ấp và suốt những năm dài hò hẹn với những buổi cuối tuần cô nữ sinh áo trắng lên quân trường thăm anh sinh viên sĩ quan trẻ ... Bây giờ não nùng thay! Bây giờ tan vỡ rồi! Bây giờ là gió bụi! Khi nàng đưa tờ đơn xin ly dị, và yêu cầu anh ký vào để tiện việc ... chia tay!
Thời gian trôi đi như một cái gì luyến tiếc, nó gục xuống nâng tờ giấy ly bôi mà nhỏ hai hàng lệ ... Nhớ ngày xưa hai đứa yêu nhau đã thường ngâm những vần thơ tình đầy lãng mạn :
Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi những chiều mưa ...
(Nguyên Sa)
Môi nó run run đọc lên những câu thơ thuở cũ khi tình yêu còn chan chứa, khi môi còn thắm, mắt còn vương mộng ... Bây giờ nó thở dài ngao ngán và nói với nàng bằng vần thơ cũ thật buồn ...
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mờ ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ để mây vào trong tóc
Không có anh lỡ một mai em khóc
Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi ...
(Nguyên Sa)
Nhưng bây giờ hết rồi, phải thế không em? Tình yêu mình với hai năm làm tình nhân hò hẹn và mười năm dài làm chồng vợ gối chăn, đến bây giờ anh sẽ ký vào tờ giấy này, để trả lại tình về với trăng sao ... trả lại cho đời những men rượu đắng cay của một kiếp. Em cầm giấy này, hãy về đi, em về đi ... về đi!
Rồi nó lầm lũi bỏ lại những gì đã mất, bỏ lại đau thương ở cuối con đường ... và ra đi biền biệt ở khúc ngoẹo chốn quê người!
Nhớ bạn bè xưa tôi gục đầu muốn khóc.
Chiều cuối năm ANH LÊ