Trong đời sống hàng ngày, chắc chắn có đôi lần, lắng nghe tiếng chuông reo, cỡ 100 lần, ở đầu dây bên kia xong, bạn cau có, đặt điện thoại xuống một cái rầm và lẩm bẩm: "Đi đâu mà đi lắm thế, gọi hoài không được." Mà cái sự bực tức này càng trầm trọng hơn, nếu người bị gọi là bà xã lắm mồm, không chịu ở nhà lo bếp núc, mà lại đi nhà hàng xóm để théc méc chuyện của thiên hạ, hay một đấng mày râu nhẵn nhụi vừa cho người đẹp leo cây rồi đi tuốt chỉ bà cô.
Cũng có thể người bị gọi là một người lo "đi" trốn nợ, nợ tình hay nợ tiền! Kẻ gọi không được sẽ nghiến răng "đi lên tới trời, tao cũng theo ..." Hoặc một bữa, chàng (thuộc loại "thờ bà") vừa về tới nhà, "Sư tử Hà đông" đứng ngay cửa chờ và cất giọng oanh vàng rổn rảng "Đi đâu giờ này mới lết về hử? hử?" và bà thò tay nắm ngay nút thắt cà vạt, đẩy anh chàng râu quặp một cái lọt ra cửa cái rầm "Đi thì đi luôn đi, đừng vác cái bản mặt về nhà nữa!"
Đó chỉ là vài thí dụ rất nhỏ, mà chữ "đi" là đầu dây mối nhợ. Cứ ngồi ngẫm nghĩ lại, chúng ta phải công nhận rằng chữ "đi" đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của mình, từ hình thức đến nội dung, cả ngôn ngữ lẫn hành động. Ai mà không đi? Bất cứ làm gì cũng phải bắt đầu bằng hành động đi. Muốn nhảy, muốn múa, muốn ăn, muốn uống, bắt buộc phải đi trước đã. Này nhé, muốn chạy bộ, coi hát, nhảy đầm, ... nếu không đi ra tới cửa đi đến đó thì chạy ngay được liền hay sao? Muốn ăn thì phải đi nấu, muốn tắm cũng phải đi tới phòng tắm, muốn ngủ phải đi tới giường, v...v... Đi nằm, đi chơi, đi tán gái, đi ăn trộm, đi dạ hội, đi làm, đi buôn, đi ngoại quốc, đi trốn đi tìm, đi bay, đi ngắm cảnh, đi tiêu, đi hái rau, đi rửa mặt, đi đánh tổ tôm, đi hát ả đào, đi cua đào, đi bắt bò lạc, đi chợ, đi xi nê, v...v... Nhưng cẩn thận, đi đâu phải từ tốn, thong thả, nếu không, có kẻ sẽ hỏi ta rằng:
Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây?
Đi nhanh không bị té thì cũng bị người ta quở đi như ma vì đi chân không chấm đất. Bạn bè phải chọn mặt gởi vàng, đừng đàn đúm, ai cũng làm bạn vì có ngày mang họa:
Đi với Bụt mặc áo cà sa
Đi với ma mặc áo giấy.
Gặp bạn bè rủ rê đi hút thuốc phiện lúc nào cũng đi mây về gió thì đúng là cuộc đời đi đoong, nếu không đi đoong thì cũng đi cà giựt, đi thụt lùi. Nhưng có những tướng đi thụt lùi mà hốt bạc triệu như "Moon Walk" của Michael Jackson. Đi băng qua giữa đường không đợi ngay tại đèn xanh đèn đỏ, nếu thầy phú lít thấy chắc bạn sẽ lãnh được giấy phạt "jay walk."
Đàn bà đi đứng phải khoan thai, đi dịu dàng uyển chuyển, không nên đi như chạy, đi lạch bạch, đi chân chữ bát, đi nhún nhảy, thì sẽ bị chê tướng đi không sang. Lại thêm phải giữ gìn để bà con làng xóm khỏi dị nghị:
Không chồng đi dọc đi ngang
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.
Buồn thay cho những cô gái lỡ thì, mặc dù đã tập đủ tất cả các dáng đi sang trọng để "câu" chồng, nhưng chỉ một giai đoạn xuân thì thôi, vì:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
Nói về tướng đi có nhiều tướng lắm, ngoài những tướng kể trên ra còn có: đi huỳnh huỵch, đi uốn éo như rắn, đi ngang như cua, ... anh chị nào mà hai chân không muốn hòa bình, đi cách xa nhau cả thước, thì được gọi là đi hai hàng, hay tướng đi rộng rãi. Các ông lớn ở ngoài "hét ra lửa, mửa ra khói" nhưng về nhà thì "chịu bà" một phép vì "chí lớn trong thiên hạ không bằng đôi mắt mỹ nhân", nên các bà này rất lộng hành, oai quyền lớn hơn cả các ông, người nào muốn được việc thì phải đi cổng hậu, nếu không biết oai lệnh bà, bà tâu ông lớn thì cuộc đời khốn khổ của mình sẽ chấm dứt từ đây, đi mò tôm! Anh nào tánh tình lăng nhăng, anh nào hay làm điều "danh không chính, ngôn không thuận" thì phải đi đêm, nhưng coi chừng đi đêm có ngày gặp ma đó! Nhưng anh chàng không muốn bị mất mặt bầu cua nên cứ giả bộ bảo "đi là đi chiến thắng!" Có vợ rồi lại còn đèo bồng, rồi lại ca "Vì làm ăn nên phải đi xa, tuy rằng anh đã có vợ nhà." Quan Công vì tiếng anh hùng đi đường lớn về đường lớn chứ không muốn đi đường lớn về đường nhỏ như lời bàn của Khổng Minh, nên bị Tào Tháo bắt được, vì Tào Tháo rành sáu câu tánh tình hảo hớn của Quan ngài. Những vị anh hùng như Kinh Kha, gần đây có Lý Tống, thì "một đi không trở lại." Những người có chí lớn như Nguyễn Thái Học (1) thì nói rằng "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông." Có anh lại muốn đi tiên phong, đi một hơi, đi tuốt luốt, đi cù bơ cù bất, đi lang thang, đi nhong, đi nghênh ngang như vào chốn không người, đi không định hướng, đi ngược đi xuôi tìm đào. Vợ mắng càng đi, mẹ mắng càng đi hơn nữa, vì rằng:
Đi một ngày đàng học một sàng khôn
hoặc:
Đi
cho biết đó biết đây
Ở
nhà với mẹ biết ngày nào
khôn.
Nhưng vì đi lêu bêu quá không học gạo bài được nên "Rớt tú tài anh đi trung sĩ ..." Đàn ông thì dễ đi hơn đàn bà, không bị ai nói "đi ngang về tắt." Mê đào quá mà cô nàng còn làm bộ "em chả" thì anh chàng đành làm cái màn lì lợm:
Muốn người ta, người ta không muốn,
Xách cái dù đi xuống đi lên.
Biết đâu một ngày nào đó người đẹp động lòng trắc ẩn mà bố thí một tí tình yêu! Chàng lại còn ca bài "con cá sống vì nước, anh sống vì em", ngồi rặn đầu óc viết cho nàng những bài thơ tình lâm ly ướt át mà trong đó chắc phải có câu "em đi vào đời anh bằng những gót chân son" tặng nàng. Chả biết ai câu ai, sau một thời gian, cá cắn câu, chung sống với nhau, lúc đó nàng đi xoèn xoẹt, đi thùi thụi, đi như đi diễn hành, làm cho tim chàng nhức nhối từng cơn, lúc đó chàng mới thấy cuộc đời đang đi vào ngõ cụt, cuộc đời đen như mõm chó, hàng ngày chàng đi thất thểu, đi xụi lơ. Nhưng có trường hợp cô gái yếu bóng vía, rơi vào bẫy sập của chàng trai giăng ra, để "con ong đã tỏ đường đi lối về", thì chàng đánh một bài tẩu mã, quất ngựa truy phong, đi một lèo, đi không quay lại đàng sau:
Em biết anh đi chẳng trở về
Dặm nghìn liễu khuất với sương che
Anh đừng quay lại nhìn em nữa
Em biết anh đi chẳng trở về. (Thái Can)
Nàng vò võ, ôm mối hận lòng cùng với cái bào thai đã đến ngày khai hoa nở nhụy, đau đớn trong lúc lâm bồn, bèn than:
Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà đi biển mồ côi một mình.
Mặc dù đã khuyên các bạn đi đâu cũng phải từ từ, nhưng cũng tùy trường hợp nghe. "Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau!" Chúc những người thân đang sắp sửa hành trang đi xa thì ta nói "đi đến nơi về đến chốn."
Trời sinh cả cặp giò thật là kỳ diệu, đá kia cứng mà mòn, trong khi đôi chân đi từ lúc còn thơ đến hồi đi tàu suốt, đi đoong, đi đường hai năm mươi mà chả sao cả. Hãy nghe anh chàng nông phu có đôi chân như thép nguội "pray":
Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng mới yên tấc lòng.
(Ca dao)
Còn chị nông dân ru con dịu dàng, khoan nhặt, để con ngủ mình đi mần công chuyện:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.
Hay dễ thương như:
Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Hay nồng nàn, tha thiết hơn:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Chữ "đi" không chỉ đầy tràn trong ca dao tục ngữ. Hóm hỉnh như:
Bà già đi chợ cầu đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
Hoặc mộc mạc hơn:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Hoặc tình tứ hơn:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
Hoặc bi tráng như bài "Tây tiến" của Quang Dũng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi thẳng tiếc trời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Chữ "đi" cũng được dùng rất thường trong lời ca, câu hát, trong thơ tiền chiến và thơ mới nữa. Hãy nghe lời nhạc Phạm Duy:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại cho em đây than vài lời
Đi đâu vội mấy anh ơi ...
Tôi đi từ ải Nam quan ...
Đi từ lúc mới lập quốc đi trên con đường cái quan dài thăm thẳm để đạt được cuộc sống thong dong, tự do mà mình mong đợi.
Có khi đi mà thấy đời toàn màu hồng thắm, vì trong lòng đang mở hội như Nguyên Sa:
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông ...
Nhưng đôi khi cái đi nó dằn vặt và đau xót biết bao nhiêu, như Cung Trầm Tưởng:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly ...
Vì lúc này tình yêu chỉ còn là mật đắng để nàng hát câu:
Anh đi đường anh tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi
...
Anh đi vui cảnh lạ đường xa
Đem chí bình sinh giải nắng mưa
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ ...
Mặc dầu đã xa nhau, nàng vẫn hằng lưu luyến đôi mắt theo chàng: Vẫn để hồn theo người lận đận
Vẫn hằng theo dõi bước anh đi. (Thế Lữ)
Trong bài "Đi Chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp có rất nhiều chữ "đi":
Hôm nay đi chùa Hương
Cây cỏ mờ hơi sương ...
... Mẹ cười "Thầy nó trông
Chân đi đôi dép cong ..."
... Em đi cùng với me
Me em ngồi cáng tre ...
... Thuyền đi bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ta
Thẹn thùng em không nói:
"Nam mô A di đà ...
... Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu ...
... Yêu nhau yêu nhau mãi
Đi, ta đi, chàng ơi! ..."
Những chữ "đi" trong bài thơ này làm chúng ta liên tưởng đến cảnh rộn rịp, náo nhiệt, chen lấn nhau đi trẫy hội chùa.
Những cái đi trong tuổi học trò thơ mộng, "áo trắng" của Huy Cận:
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng.
Lãng mạn như "Tương tư chiều" của Xuân Diệu:
Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi!
Nhưng tiếng "đi" không có nghĩa là phải cất bước, như: đi giày, đi dép, đi ô tô, đi tàu bay, đi xe lửa, đi thuyền, đi quân dịch, ... Lại có những tiếng "đi" trừu tượng như với TTKh:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết từng thu chết
Vẫn dấu trong tim một bóng người.
Hay chữ "đi" trong "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan:
Nàng có ba người anh
Đi quân đội
Những đứa em nàng
Có em chưa biết nói ...
Tiếng "đi" ta cũng đã nghe từ thuở thiếu thời, khi mẹ la "Con ni đi mô mà đi túi ngày rứa thê", hay anh mắng "Con gái con lứa gì vô duyên, chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy", có khi ham chơi, lén đi không cho nhà hay, lúc về lủi vô bếp thì vô phúc gặp ông già tía với cái roi mây "Con cái hư, đi không thưa, về không trình", cái mông đít phải khổ. Đến khi lấy chồng, nghe chồng cật vấn "Tiền đâu đi shopping hoài vậy?", giận đời đen bạc, bèn "ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu." Đến tuổi già lếch thếch đi vào viện dưỡng lão đỡ phải làm phiền con. Đến lúc trời kêu thì đành phải đi tàu suốt về chốn nhị tì.
Từ lúc đổi đời, nước mất nhà tan, lũ giặc cọng vô thần tàn ác đày đọa dân lành "đi kinh tế mới mút mùa lệ thủy", đời sống người dân đi xuống dốc một cách thảm hại, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đĩ điếm đầy đường cất giọng đau thương van nài khách tìm hoa "đi ai cũng vậy, đi em, em cám ơn!" Trẻ em không cha mẹ, đi trộm cắp, đi ăn xin, đi giết người,... Xã hội chủ nghĩa đi xuống hố cả nút, bà con ta rủ nhau đi rầm rầm, đi vượt biên bằng đường bộ, đường thủy, đi trốn, đi lén, đi chui, đi diện ODP, đi diện HO, đi chính thức, đi bán chính thức, ... đến độ cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi. Chúng ta, những người đi tản mác khắp bốn phương trời như bầy chim lạc tổ, lòng vẫn hằng mong đợi một ngày mai hòa bình đẹp nắng trên quê hương.
THU NGA
(1) Góp
ý của tòa soạn: Hình như tác
giả nhớ nhầm, chúng tôi nhớ
là Nguyễn Bá Trạc thì đúng
hơn.