Tưởng Mình Là HOÀNG THƯỢNG!
Bài của Lưu Hải Trần

Hồi trước, CĐV có 3 người kỹ sư tên Phúc: Phúc "còi", Phúc "tếu", và Phúc "nhăn." Các tục danh này do anh em đặt ra theo cá tánh từng người. Khi cả ba anh Phúc bị kẹt trong một lần "ra quân" ở vùng Phú thọ ngày xưa, "Lãnh chúa" đã từng bảo "Tam Phúc ... đồng họa!" Bây giờ, Phúc giữa thì đã "đi theo bác", Phúc đầu và Phúc cuối thì hãy còn ở lại với "con cháu bác." Kỳ này, tôi viết kể lại một vài kỷ niệm xưa cũ với anh Phúc "nhăn" và một vài bạn khác, những kỷ niệm có rất nhiều tình thân hữu điện lực đã nhiều lúc làm tôi "tưởng mình là hoàng thượng!"

Khi làm ở nhà đèn Chợ quán, anh Phúc "nhăn" coi về bảo trì điện, còn tôi coi về máy dầu cặn. Anh Phúc thì cái gì cũng phải giấy tờ chính thức mới cho người đi làm, còn nói miệng với nhau thì kể như là chẳng bao giờ anh ấy làm cho, mặc dù là khẩn đi nữa. Thứ hai mỗi tuần là ngày Hoàng thượng lâm trào Chợ quán. Máy nằm máy nghỉ là lãnh cà phê đen ngay. Vì thế mà chúng tôi chí chóe với nhau luôn, bởi người nào cũng muốn che dù cho nên phiếu công tác nào cần tới anh Phúc đều phải biên ngày giờ và có sổ lưu. Cái gì anh cũng chắc lưỡi nhăn mặt, trông rất thảm hại. Có nhiều lúc cãi vã õm tỏi, thầy đổ bóng bóng đổ thầy, nhưng tựu chung cũng chỉ là lo cho sản xuất điện vượt năng suất mà thôi.

Cho tới khi miền Nam rã đám. "Mai Bửu Đờn" lúc đó thế thừa tướng, gọi tôi ở lại học tập khóa sau. Mai Bửu Đờn cũng đập bàn đập ghế không thua gì thừa tướng nên tôi cảm thấy chán, xin cho đi học tập khóa 1 cho ra trường trước chơi. Ai dè 10 ngày hóa ra hai năm. Về sau được thả ra, về nằm "gác chân lên trán" thấy mình quá ngu, binh "cù lũ tàn tàn" thì thua "ba phé ba nơi" là cái chắc. Khi được thả ra, tôi tới nhà ông nhạc gia thăm và ở lại ăn cơm tối. Đương ăn nửa chừng thì điện tắt tối thui. Nhà đốt đèn dầu lên tiếp tục ăn tối. Tôi lấy làm lạ, tại sao chung quanh các nhà đều có điện mà nhà mình tắt. Ông nhạc gia tôi thở ra, "đêm nào cũng vậy, họ muốn tắt thì họ cúp đồng hồ phụ của mình, không cho xài nữa, khuya mới mở điện lại, rất là bất tiện và vô chừng, con coi có quen ai xin cho ba một đồng hồ riêng là thượng sách nhất."

Tôi tìm lên trạm biến điện Phú thọ, nơi đây trách nhiệm khu ngã bảy và chợ Trần Quốc Toản. Gặp anh Bửu Kỷ và Phúc nhăn lúc đó làm Trưởng trạm. Sau khi hỏi thăm sức khỏe nhau, tôi có trình bày sự việc và xin giúp đỡ cho ông già vợ, bởi tục ngữ ta có câu "Nóc nhà xa hơn chợ, Phía vợ gần hơn mả cha." Hai anh nhanh nhẩu ghi địa chỉ tên họ và nói "anh lo hồi hương đi, để đây tụi tui lo cho." Ba ngày sau, từ Biên hòa xuống Sài gòn, vừa bước chân tới cửa, ba vợ tôi bảo: "Anh lại ba chỉ cái này, anh đi một ngày là họ tới gắn cho ba ngay, cho thợ tiền nước họ không nhận, nói rằng anh là bạn thân của xếp họ. Cám ơn anh nhiều lắm, ba xin mấy năm không được, anh nói một ngày là có ngay, tài thật!" Tôi đến cám ơn, các ảnh còn dẫn tôi ra quán uống cà phê và dành trả tiền, vì tôi học tập mới về.

Khi về Biên hòa xong, tôi có đến trình diện An ninh Điện lực Hai Bà Trưng với tư cách là nhân viên cũ đã học tập xong trở về. Anh an ninh trầm ngâm bảo rằng "trường hợp các anh đi học tập về rất khó, vì chúng tôi còn xét lại khả năng và hồ sơ lý lịch từng cá nhân." Tôi móc bao thuốc lá ba số 5 vàng ánh mời anh ta cùng hút, xong tôi để gói thuốc xuống bàn anh an ninh và nói rằng "Tôi rất cần ở lại Sài gòn với vợ con, nhờ anh giúp đỡ. Tôi thì không có tiền, vợ tôi thì có. Xin anh biên cho vài chữ là tôi có trình diện và đang chờ cứu xét thì vợ tôi mới chịu đưa tiền cho tôi." Anh ta còn đóng con triện đỏ lòm có búa liềm ngôi sao và hai bó lúa. Tôi cám ơn luôn miệng và hẹn tuần sau sẽ trở lại thăm tin tức. Rồi tôi dông luôn!

Cầm giấy phóng thích và giấy trình diện Điện lực, tôi về quê mở lò rèn, rèn dụng cụ cho thợ làm đá mả và nông cụ cho dân trong xã đi kinh tế mới và đi lao động xã hội chủ nghĩa. Một ngày rèn bằng lương chuyên viên điện lực lãnh một tháng, do đó tôi sống cũng tạm ổn, nuôi 7 con và một mẹ già. Tôi chuyền điện của người bà con ngụ trên đất tôi để chạy quạt thổi bễ, vì con tôi 5 đứa là gái còn nhỏ không giúp gì được. Khi dùng điện tôi trả hết tiền điện cho họ, nhưng khi làm ăn khấm khá thì họ cúp điện không cho xài nữa. Người dượng ở bên kia đường cho câu điện xài thì công an xã đến ngăn cản, vì chỉ có nhân viên điện lực mới có thẩm quyền câu dây ngang qua đường.

Tôi xuống Ty Điện lực ở Biên hòa gặp Nguyễn Văn Chấp. Chấp mời tôi uống cà phê đá và hỏi thăm công ăn việc làm ra sao? Tôi nói công việc trở ngại vì không có điện. Nếu có đủ điện mạnh tôi hàn cho các máy cày kéo đá thì càng phát tài hơn. Chấp nói trước các cai thợ dưới quyền "ông thầy về đi, để tụi đệ tử lo!" Tôi đưa tiền đóng đồng hồ điện, Chấp nói "Đ.M. tụi VC nó cua cá chúng nó phải nể tui, ông thầy không phải đưa tiền." Tôi cám ơn, đưa địa chỉ, và đạp xe đạp trở về. Trên đường đi, thấy xe điện lực đi cùng chiều, tôi vẫy tay chào. Độ nửa giờ sau tôi tới nhà thì thấy 4 thợ đang trèo cột kéo dây câu trên nóc nhà tôi, xong rồi còn gắn dao điện đóng điện cho xài thí nữa. Tôi cho họ tiền, không ai nhận. Họ nói ông là sư tổ của tụi tui! ng thầy tôi nói ông rất tốt và rất chịu chơi, dặn chúng tôi ông cho tiền đừng có nhận. Tôi mời họ xuống quán nhậu chim se sẻ rô ti và thịt chó nướng. Họ móc tiền ra hùn vào nhậu ngất ngư, chuyện trò vui vẻ.

Bàn kế bên có ông bí thư chủ tịch hầm đá sang than phiền, xí nghiệp xin đồng hồ điện mấy năm chưa có, gây nhiều trở ngại cho công đoàn. Còn tôi là ngụy, học tập mới ra, sao có đồng hồ trước họ, chuyện này họ sẽ trình lên thượng cấp. Mấy anh thợ hỏi lại "ông có biết ông này là ai không? ông là đại sư tổ của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, ổng sửa chữa và đặt máy phát điện toàn miền nam, điện các anh xài bây giờ là do công lao ông ấy xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhứt Việt nam ở Đa nhim đó. Ông muốn có đồng hồ điện thì nói với ổng, ổng gật đầu là có ngay." ông ta quê quá, bỏ đi.

Người anh cô cậu của tôi theo Việt minh hồi đời Trần Văn Žn, nay mang quân hàm Thượng úy, bị thương, đã xin hưu, thấy vậy, nhờ tôi nói giúp để xin cho một đồng hồ điện. Anh cai hỏi sư tổ có đồng ý không, đồng ý thì ngày mai tụi tôi lên gắn liền, không cần phải báo cáo với sư phụ tụi tôi vì ổng có dặn rồi, đại sư phụ cần gì thì phải thỏa mãn 100%. Tôi nói ông này là anh tôi, có vào thăm tôi trong tù ở Kà tum và là người tốt, xin các anh giúp cho. Ngày hôm sau toán thợ điện lên kéo dây điện từ ngoài đường ra tới bờ sông cho anh tôi. Khoảng đường độ 400 thước, không thêm một xu, tiền dây kể như biếu không. Từ đó, dân trong xã coi tôi như là người quyền lực với sự kính mến nể phục.

Sự việc đã làm cho tôi hãnh diện tột bực, bởi tình thân hữu điện lực nó tiềm tàng ở trong mọi người nhân viên điện lực. Những lúc tôi thất thế nhứt lại là lúc tôi phát hiện tình thân hữu điện lực vĩ đại nhứt, tôi không dám ngờ tới, khiến tôi có cảm ưởng là mình có uy quyền như "Hoàng thượng."

Trong thời gian làm việc cho Điện lực trước năm 75, tôi không hề xin một đồng hồ điện nào, vì hễ ai xin công tơ cho ai thì "thừa tướng" hỏi "có chút cháo không?" (Bởi tánh đa nghi của ổng như Tào Tháo vì vậy mà tôi đặt chức vụ cho ổng là "thừa tướng").

Anh Phúc "nhăn" bây giờ còn ở Việt nam. Chấp sang đây có ở với tôi chơi một tháng, tôi đề nghị xin cho anh ta làm công chức sống một chỗ dưỡng già, nhưng anh ta nghe lời NVDậu đi sang Cali, sau này bị tai nạn chết lãng. Ngoài ra, anh Chấp còn có tình thân hữu hiếm có nữa là đã chở gia đình ông thừa tướng đi vượt biên bằng xe điện lực, một nghĩa cữ thân hữu sáng ngời. Xin nghiêng mình cảm phục tình thân hữu điện lực có từ xa xưa và muôn đời.

LƯU HẢI TRầN