Phiếm Đàm "LÀM"
Bài của N.T.T.

Nhân đọc một phiếm luận đăng trong Bản tin Thân hữu Điện lực số 14, 1994, về từ "ĂN" trong ngôn ngữ Việt nam, và lời mời của "bút sĩ" LTM về việc tìm một từ khác cũng nhiều thông dụng như ĂN, tôi tự nhủ "Dễ mà! Nếu ĂN nhiều tất nhiên phải LÀM nhiều!" Nếu không sao lại có thành ngữ "Tay làm hàm nhai!" Lý luận thế nên tôi mới rán móc trí nhớ xem thử có bao nhiêu cách sử dụng và bao nhiêu từ ghép với LÀM.

Người Việt ta ăn nhiều, ăn bất cứ lúc nào, nơi nào, ... như thân hữu LTM nhận xét. Xin các thân hữu chớ nên xấu hổ mà phải kiêu hãnh mới phải, vì mình đã LÀM nhiều nên phải ĂN nhiều. Nhờ thế mà người Việt ta được tiếng là cần cù nhẫn nại. Các bạn Mỹ và Gia nã đại thường há không bình phẩm với sự nể nang rằng người Việt ta là "hard working people" hay sao?

Về ĂN, người Tàu và người Pháp đều rất hãnh diện vì sự hiểu biết của họ trong các món ăn, cách nấu nướng, nghệ thuật thưởng thức, ... Người Việt chúng ta chịu ảnh hưởng khá sâu đậm nền văn hóa Trung hoa và Pháp, tất nhiên phải biết ĂN và ĂN nhiều. Hậu quả là cũng phải biết LÀM và LÀM nhiều. Tôi nhớ trong những năm 1981-88, khi tôi làm việc trong một công trình thủy điện ở một nước Phi châu. Nhà thầu xây cất tới từ Pháp, ban quản trị dự án từ Gia nã đại. Tụi tôi thường ăn uống nhậu nhẹt với nhau mỗi cuối tuần. Có một lần, ông Giám đốc công trình của tôi, một người Pháp chính tông, hỏi tôi rằng "Anh có biết vì sao mà người Pháp và người Tàu sành ăn lắm không?" Tôi đang cố gắng tìm một câu trả lời thì ông ta liền đáp luôn "Bởi vì nước Tàu có một nền văn minh rất cổ và rất cao, còn người Pháp cũng đã từng có nền văn hóa cận đại được kính nể ở Âu châu!"

Tôi tìm được một số từ LÀM nên ghi lại sau đây để các thân hữu có dịp ôn lại tiếng mẹ đẻ và thực hành, vì ở Bắc Mỹ, LÀM là một động từ rất là "fashionable." Vốn làm biếng lục tìm từ điển để sưu tập thêm, tôi tự an ủi "nếu có thiếu sót thì để các bạn bổ túc thêm, chắc là phấn khởi hơn!"

Trước hết, động từ LÀM ghép với một danh từ để chỉ một ngành nghề như: làm kỹ sư, làm bác sĩ, làm thuê, làm rẫy, làm quan, làm thầy, làm thợ, làm đĩ, ... hoặc một công việc cụ thể như: làm nhà, làm vườn, ... hoặc một vai trò của một người trong gia đình, xã hội, như: làm cha, làm mẹ, làm con, làm trai, làm gái, làm người, ... Đặc biệt trong nhóm này, người Việt ta đã có nhiều văn chương chữ nghĩa thánh hiền, như:

Đã làm trai đứng trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

(Nguyễn Công Trứ)

hoặc:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Xem Thái sơn nhẹ tựa hồng mao

(Chinh Phụ Ngâm Khúc)

hoặc một hành động không có cử động hoặc không dùng sức lực gì nhiều như khi các bà các cô: làm duyên, la7m dáng, làm bộ, ... hoặc một công việc trừu tượng: làm gương, làm chứng, làm bạn, ...

Tiếp theo, động từ LÀM đi với một trạng từ để chỉ thể cách, tính chất của công việc: làm thinh, làm ồn, làm reo, làm biếng, làm siêng, làm tốt, làm xấu, làm ơn, làm oán, làm hại, làm ẩu, làm bậy, làm nở mặt nở mày, làm hãnh diện, làm khó làm khăn, làm phách, làm kiêu, ...

Khi giới mày râu đi về trễ không có lý do chính đáng, các bà xã thường làm nhàm, làm tình làm tội (xin mở ngoặc: hai từ kép này đi chung hay đi riêng đều được cả), ... Tâm trạng của bạn là làm sao bây giờ? Xin nói nhỏ rằng bạn nên làm hòa hay làm lành. Nếu không yên thì có lúc cũng cần phải ... làm dữ!

Lắm lúc LÀM phải cần một trợ động từ để chỉ mức độ của hành động như: làm cho nể mặt,... Hay như trong Truyện Kiều, chàng Kim than van:

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

hoặc:

Đã mang đầy nợ hồng nhan

Làm sao cho hại cho tàn cho cân.

Không cần phải bàn chắc ai cũng biết "LÀM ĐI!" là một thúc giục, sai khiến, mà mình phải trải qua hàng ngày, ở sở cũng như ở nhà.

Ở miền Trung nước ta, nhất là ở Huế, có nhiều đầm sen quanh các thành trì lăng tẩm, lại cũng có lắm giai nhân. Mấy cô gái Huế rất ư là e lệ, nhiều khi "tình trong như đã" mà "mặt ngoài còn e" khiến cho các chàng trai nhút nhát không biết phải làm sao, mới được bạn bè cố vấn "cứ làm tưới hột sen!" Bấy giờ giai nhân chỉ còn biết thốt "Làm chi mà lạ rứa?"

Trên chính trường hay thương trường, các chính trị gia hay con hạm thường "làm mưa làm gió." Làm lụng hàng ngày cực nhọc, thế nên lắm lúc chúng ta tự ví mình như: làm thân trâu ngựa, làm thí công, làm tôi mọi, ... Có một từ LÀM (mần) phát xuất từ miền Trung, diễn tả được điều mà không ai muốn nói rõ ra, hoặc đệ tam nhân muốn hiểu sao cũng được, đó là "mần cái chi chi!"Hãy nghe một bài vè thời kháng chiến chống Pháp ở vùng Bình Trị Thiên:

Đàn bà bầy tụi nó ngụy quá chừng

Tui đi khu bốn nó oẹ đừng có đi

Tui bảo ở nhà mần cái chi chi

Nó nói chứ mần cái chi chi thì mần!

Viết đến đây thì tôi đã cảm thấy chồn tay và mệt trí, mà chắc từ LÀM vẫn chưa dứt. Xin tạm biệt để ngày mai còn tiếp tục làm ăn hay làm thân trâu ngựa.

N.T.T.

Góp ý thêm với tác giả:

Nói đến từ LÀM thì phải nhớ đến các giai thoại sau đây:

1. Trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc vào năm 1956, cụ Phan Khôi đã có bốn câu thơ lừng danh về "cải cách ruộng đất":

Làm chi cũng chẳng làm chi

Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!

Làm sao cũng chẳng làm sao

Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi!

2. Bà Irina Zisman, một người Nga nói và viết thông thạo tiếng Việt, có viết lại trong một tập Bút ký của Bà câu chuyện sau đây: Vào một dịp sang Việt nam để tìm tài liệu cho chương trình phát thanh tiếng Việt từ Mạc tư khoa, bà Irina đã bị công an Việt cọng hạch hỏi. Một trong các câu hỏi là "Chị có làm tình báo không?" và bà Irina đã trả lời một cách hóm hỉnh "Có, tôi có làm, nhưng làm hai thứ đó riêng rẽ!"