Thương Tiếc Thân Hữu Trần Văn Long
Bài của Trịnh Gia Mỹ

Thuở còn sinh tiền, Anh Trần Văn Long thường ít có dịp hội nhập được với những cuộc hội họp bạn bè vui chơi. Anh đối xử với bạn bè một cách chí tình nhưng không có nhiều bạn. Trần Văn Long sống một mình một cõi, không làm phiền ai, cũng chẳng thích ai phiền đến mình. Những dịp lễ lạc Anh thường gởi đến người thân quen những lá thư, những lời chúc được in bằng computer. Mọi người đều được Anh ưu ái gởi đến những lời tâm tình giống nhau, không hơn, không kém, cũng không sai dù chỉ một dấu phẩy.

Anh Trần Văn Long im lặng một mình một cõi khá lâu, và mọi người dường như đã quên bẵng đi Anh nếu không có một ngày Anh lặng lẽ làm xôn xao cả làng Điện lực. Đó là cái lần họp mặt thường niên thân hữu Điện lực tại Texas ngày đầu tháng Bảy 1994.

Lặng lẽ, đúng, Anh đã rất lặng lẽ để bước vào một nơi chốn khác, không trối trăng, không từ giã. Chỉ có chúng tôi là xôn xao thôi. Sáng sớm, chưa mở mắt, điện thoại nhà tôi đã reo âm ĩ. Người báo tin chỉ nhắn thằng con tôi là bác Long ở San Diego đã chết. Vỏn vẹn chỉ có thế. Tôi nhẩy phóc xuống giường, tỉnh ngủ. Chụp lấy cuốn Thân hữu Điện lực dò tìm số phone gọi xuống nhà Trần Văn Long. Điện thoại reng năm phút ... rồi mười phút ..., không ai nhấc máy. Tôi gọi Trần Trung Tính, người nhà nói anh Tính đang bên nhà anh Sáng. Tôi gọi qua Võ Quang Sáng gặp Trần Trung Tính thở than: "Dịch vật nó, bây giờ nó chết thì yên thân nó rồi, nhưng còn thằng nhỏ đây không biết tính sao. Hỏi gì nó cũng hỏng biết ráo!"

Tôi buông máy xuống. Chợt cảm thấy ngậm ngùi cho số phận ngắn ngủi của một đời người. Xưa nay tôi vốn là người vẫn tin vào mệnh số. Có sinh, có tử. Cũng như có khởi đầu thì phải có kết cuộc. Nhưng cái tin Anh Long mất đến đột ngột quá. Tôi mới nghe Anh gọi lên nói chuyện với Chúc cách đây một, hai tuần. Tôi nghe Chúc cười vui khi nói chuyện nên tôi đoán chắc là Anh cũng vui vẻ lắm. Mới đó ... vậy mà Anh đã bỏ chúng tôi mà đi, không một lời từ giã.

Nhớ những ngày đầu tiên ở Mỹ, một trong những người bạn chúng tôi được gặp lại là Trần Văn Long. Tuy không có nhiều kinh nghiệm sống ở Mỹ nhưng Anh cũng truyền lại cho chúng tôi nghề học nói tiếng Mỹ bằng điện thoại. Bằng cách gọi những cửa hàng lớn để hỏi về hàng hóa của họ, người bán hàng sẽ cố gắng giải thích và trả lời, như thế mình có lợi là vừa tập nói vừa tập nghe cùng một lúc. Hồi đó, Anh hăng hái hội nhập vào đời sống Mỹ một cách rất tích cực. Lúc NX Quang mua máy computer đầu tiên (lúc đó máy computer cá nhân hãy còn rất mới đối với mọi người) Anh là người cố vấn cho anh Quang, và chúng tôi cũng có dịp theo Anh đi vòng vòng mấy cửa hàng để nghe Anh nói cái nào tốt, cái nào không tốt.

Thoắt đó vậy mà đã mười hai năm. Mười hai năm, thoáng chốc. Mười hai năm tất bật ở xứ người, mắt đã mờ hơn, tóc đã bạc hơn, và bạn bè thì tản mác bốn phương tám hướng. Trần Văn Long thì vẫn thui thủi một mình với đứa con trai. Đời sống ở đây có nhiều điều để lo cho nên người ta có ít thì giờ để lo cho người khác. Lâu lâu có dịp họp mặt bạn bè thì đùa giỡn để xả hơi. Để có dịp nhìn thấy lại mình của những tháng ngày cũ mà mình không tìm thấy nơi sở làm, giữa những người bản xứ. Với Trần Văn Long thì không thế. Những lời nói đùa từ bạn bè vô tình hay hữu ý đã làm Anh phật ý, và cái vòng cô đơn càng siết chặt Anh hơn. Có nhiều lúc thấy Anh cô đơn quá, gia đình chúng tôi có ý "làm mai" một người quen cùng xóm cũng bị góa chồng và có một con trai giống Anh. Trần Văn Long dọn vào "share" phòng với bà được cả năm nhưng cuối cùng cũng lại dọn ra, chúng tôi nghĩ chắc sau lần gẫy đổ đầu tiên Anh đâm ra sợ đàn bà. Và bao nhiêu tình thương Anh dồn hết vào cho đứa con trai. Lâu lâu có dịp gặp, được hỏi thăm về John, con trai Anh, Trần Văn Long rất vui và khoe thành tích học của con. Vì ngoài nó ra, ở đây Anh chẳng còn người thân yêu nào khác.

Thỉnh thoảng Trần Văn Long có dẫn con đến thăm chúng tôi. Anh có mời chúng tôi ghé nhà chơi nhưng lại không cho địa chỉ. Anh nói chuyện vui, xuề xòa và quần áo tuy ở Mỹ mười mấy năm nhưng vẫn còn lôi thôi. Dạo gần đây Anh khoe là Anh mua được một căn nhà, hai chiếc xe và để dành được một số vốn cho con lên đại học. Từ lúc dọn xuống San Diego thì Anh bớt ghé chơi hơn nhưng chúng tôi biết chắc là gần Tết thế nào Anh cũng ghé để biếu bà cụ hộp bánh và chúc Tết. Thường thì nhà tôi lúc nào cũng để sẵn một món quà để biếu lại Anh. Trông thì có vẻ ... trao đổi, không đúng với phong tục Việt nam. Nhưng nếu không gởi quà cho Anh ngay lúc đó thì chẳng biết địa chỉ nào mà gởi lại. Vì chúng tôi chỉ được liên lạc với Anh qua số P.O.Box mà thôi.

Anh Long,

Rất tiếc là cuộc đời lúc nào cũng không có công bằng, cho người này nhiều, người kia ít. Một người thì gặp đủ thứ may mắn trong cuộc sống còn người khác thì luôn gặp mọi đắng cay. Chúng tôi nghĩ, mọi người ngay lúc được sinh ra thì đã mang sẵn cho mình một số mệnh. Và nếu đã là cái số thì chắc khó có ai cải được. Dường như Anh đã chấp nhận điều đó trong suốt cuộc đời mình một cách rất thản nhiên. Sống một mình và chết cũng một mình. Nhưng một điều chắc làm Anh vui là sau khi Anh nằm xuống rồi thì Anh không còn một mình nữa. Quanh Anh rất đông bạn bè với tất cả tấm chân tình của họ. LM Quân, NVDậu, VQSáng, TT Tính, ... và còn nhiều nữa những người bạn của Anh trong Điện lực, đã với khả năng của mỗi người cố gắng hết sức liên lạc với chỗ này chỗ khác, với người nọ người kia để tìm phương cách hợp lý nhất cho lần an nghỉ cuối cùng của Anh được trọn vẹn. May là nhờ cuộc họp mặt thường niên thân hữu Điện lực ở Texas mà mọi người tìm ra được anh chị của Anh. Đó là điều mọi người cho là may mắn nhất và làm cho chúng tôi thấy đỡ khổ tâm hơn mỗi khi nghĩ đến đứa con trai nhỏ của Anh, không biết bà con chú bác ở đâu mà chỉ biết mỗi cửa hàng của bác Chúc và nghĩ bác Chúc là "relative" của nó mà thôi.

Đó là lỗi của Anh, cũng có thể, nhưng khi liên tưởng đến đời sống của Anh ở đây, chúng tôi không thể nghĩ như vậy. Hãy hình dung cái bóng xiêu đổ ấy mỗi sáng đi, mỗi chiều về. Một mình. Một mình lúc thức khuya dậy sớm. Một mình vo từng vốc gạo, nhặt từng cọng rau. Một mình đi tìm mua cho con manh quần, tấm áo. Một mình lo việc mưu sinh cùng một lúc với việc dạy dỗ con nên người. Ngần ấy thứ cho một người đàn ông cũng không phải dễ. Đó là không kể lúc trái gió, trở trời, đau ốm. Nhưng Anh cũng đã làm xong bổn phận, tuy không trọn vẹn nhưng cũng đã giúp đứa con Anh nên người và kính phục khi nhớ đến công ơn dưỡng dục của người đã tạo ra nó.

Anh Long, sinh ký, tử quy. Anh đã về lại chốn mà Anh đã đi. Những ngộ nhận, những buồn phiền chắc là đã rũ sạch. Bạn bè sớm hay muộn thì cũng sẽ gặp lại nhau thôi. Chúng tôi còn lại ở đây vẫn nhắc đến Anh với niềm thương tiếc.

California, tháng 6, 1995 Trịnh Gia Mỹ