Đôi mắt
người Sơn tây
U uẩn chiều
tiễn biệt
Buồn viễn
xứ xa xăm ...
Đây là những câu trích trong một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Quang Dũng vào cuối thập niên 1940, thập niên mà những thanh niên Việt Nam nô nức bỏ nhà vào chiến khu kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà thơ Quang Dũng cũng mang hoài bão như bao thế hệ cha anh: giải phóng đất nước khỏi cảnh đô hộ. Bài thơ mang đầy nhớ nhung về nơi chôn nhau cắt rún.
Sơn tây là một tỉnh của Bắc phần trước năm 1954. Tỉnh lỵ nằm cách Hà nội 44 cây số về phía Tây Bắc. Bắc giáp giới Vĩnh yên, đông giáp Hà đông, nam giáp Hòa bình, tây giáp Phú thọ, Sơn tây nổi tiếng nhờ sông Hồng hà, Hát giang, Lô giang, núi Ba vì. Dọc theo ranh giới phía đông của tỉnh là sông Đáy. Sông Đáy còn có tên khác lừng danh kim cổ: Hát giang. Sông Hát là nơi hai Bà Trưng trầm mình tự vẫn. Đền thờ Hai Bà rất trang nghiêm, các vật dụng thờ cúng mang một màu đen tuyền. Núi Ba vì còn được gọi là núi Tản viên, nơi nảy sinh câu truyện cổ nổi tiếng "Sơn tinh Thủy tinh." Sông Lô vang tiếng thời kháng chiến chống Pháp qua bài nhạc "Tiếng Hát Sông Lô" của người nhạc sĩ thiên tài Văn Cao.
Ngoài ra Sơn tây còn có các thắng cảnh khác như "Tây Phương Cổ Tự", xây cất trên một ngàn năm trăm năm nay. "Thiên Phúc Tự" nằm dưới chân núi Sài sơn cũng là một thắng cảnh hùng vĩ, được kiến trúc vào thời nhà Lý (thế kỷ thứ 7). Vua Lý Thần Tông, còn được gọi là Lý Phật tử, trưởng thành nơi ngôi Chùa nầy. Núi Sài sơn có rất nhiều hang động thiên nhiên ngoắt ngoéo, đi rất dễ bị lạc. Trong động còn nhiều di cốt quân sĩ của một Sứ quân trong Thập nhị Sứ quân đã bị Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng tiêu diệt. Một ngôi chùa khác thuộc hàng ngũ "Cổ Tự" là chùa Bội Am được vua nhà Mạc xây cất vào thế kỷ thứ 16. Đất Sơn tây cũng là nơi sinh của một nhà thơ nổi tiếng khác: thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu!
Thế còn Sơn la? Sơn la là một tỉnh nằm sát biên giới Lào. Sơn la thuộc Bắc phần, rộng 11 ngàn cây số vuông, bắc giáp Yên bái, đông giáp Phú thọ và Hòa bình, tây giáp Lai châu, nam giáp Ai lao. Nằm dọc theo rặng Trường sơn, Sơn la gồm toàn đồi núi rừng già. Địa thế rất hiểm trở, giao thông thủy bộ đều khó khăn, Sơn la sống cách biệt hẳn thế giới bên ngoài. Do đó thời đại nào Sơn la cũng được xem là căn cứ địa của những thành phần kháng chiến. Cho đến năm 1954, việc liên lạc với Sơn la được thực hiện bằng thủy lộ vào những tháng không mưa. Vận tải đường bộ đặt căn bản trên sức chở bằng thú vật như lừa, ngựa, voi.
Đồng bào Thái sống phần lớn nơi nầy và thẩu (nha phiến) là loại cây ưa thích được trồng cùng khắp. Người sơn cước Thái ở đây hoàn toàn không có liên hệ nào với Thái Xiêm la (Thái lan). Họ là Thái đen, một sắc dân Thượng sống lâu đời trên đất nước Lạc Hồng. Theo Viện Viễn đông Bác cổ, họ thuộc Bộ Tân hưng, một trong 15 bộ của giống giòng Bách Việt có từ thời chưa lập quốc Hồng Bàng, và thuộc hệ truyền thuyết năm mươi con xuống biển, năm mươi con lên núi. Phong cảnh và nhân tình Sơn la tạo nên thi hứng cho nhiều tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm tân nhạc được nhiều người biết đến. Có thể nói Sơn la là một trong những nơi gợi hứng cho nghệ nhân thời kháng chiến. Các bài "Nụ Cười Sơn Cước", "Sơn Nữ Ca", "Đường Lên Sơn Cước", v...v... được viết trong bối cảnh nầy. Tuy đẹp nhưng Sơn la sơn lam chướng khí, sốt rét dẫy đầy. Bổ nhiệm vào Sơn la còn tệ hơn đi đày "Bà Rá" ...
Quang Dũng có "Đôi mắt người Sơn tây", thân hữu điện lực chúng ta có những "Đôi mắt người Sơn la."
Nhớ khi vào làm Điện Lực tại 278 Hiền vương Saigon, tôi cũng từng sợ "Sơn la" hay nói đúng hơn là sợ "đôi mắt người Sơn la." Quả thật quí vị ạ, đôi mắt ấy, lúc đó trông nó ... như thế nào ấy! Nó trừng trừng, nẩy lửa bắn theo những âm thanh vang dội của cuồng nộ, giận dữ chẳng khác nào rừng núi Sơn la chuyển mình trong mưa bão thượng du. Nhiều thân hữu từng ở 278 Hiền vương có thể xác minh điều nầy. Ý tôi muốn đề cập đến nhân vật "Sơn la", một nhân vật bằng xương bằng thịt chỉ dẹp cơn thịnh nộ hay trận lôi đình trước mặt một ông lớn nào đó. Nhân vật nổi danh ấy mang tên cúng cơm THS, sinh quán Nam kỳ, phụ trách chương trình điện hóa các vùng nông thôn hẻo lánh. Chương trình nầy do Viện trợ Mỹ đài thọ. Từ đường Hiền vương nhìn vào, lãnh thổ của "Sơn la" nằm ở dãy nhà tôn bên trái. Anh THS thường "gieo rắc kinh hoàng cho thuộc cấp" bằng những lời la hét khi gặp chuyện không vừa ý. Chỉ có tài xế TVPhú, lái chiếc xe cam-nhông cơ xưởng (camion atelier) là không hề biết giông bão "Sơn la" là gì, vì anh sáng sớm lái xe đi, chiều tối lái về, vừa có thêm phụ trội, vừa khỏe lỗ tai ... Tuy nhiên gầm thét mãi cũng vẫn không sánh nổi âm thanh cuộc chiến giữa Sơn tinh Thủy tinh, Anh THS tắt núi lửa, biến sôi sục thành lặng lờ, thu gọn cảnh trời vào mặt hồ trong vắt. Anh sau đó biến thành con người hiền "dịu", mắt reo cười sau làn kính 6 đi-ốp (dioptrie) ...
Không rừng không núi, "Sơn la" mất cả mầu nhiệm, có Trường sơn có cả bầu trời mơ. Cư xá Nhà máy Phát điện Sông pha nằm gọn trong thung lũng bốn mùa tĩnh mịch. Tiếng động duy nhất vào những ngày không chạy máy có chăng chỉ là tiếng nước róc rách của con suối Sakai chảy dọc Quốc lộ 11. Đôi mắt người Sơn la thiếu núi Ba vì nên không còn chứa tí bầu trời u uẩn chiều tiễn đưa nào, nhưng đôi mắt ấy lúc nào cũng mơ màng, cũng xa xăm, cũng...rất ư là triết lý. Tôi nghe anh NMLinh gọi đôi mắt ấy là đôi mắt "Nhà Hiền Triết", luôn luôn chìm đắm trong niềm vui nội tâm phong phú. Trời bắt anh phải tội, thính giác kém hẳn đi sau một cơn bạo bệnh, nên từ đó anh đứng ngoài vòng âm thanh cảnh giới, mặc cho thiên hạ đua nhau tiếng bấc tiếng chì, anh vẫn một mình mải miết phiêu lãng trong cơn lãng du kỳ thú. Anh không làm buồn một ai và không để tâm vào tranh cãi. Đời anh là cả một thiên bài ca tuyệt đẹp, âm thanh nào quyến rũ hơn âm thanh nội tâm. Có những hôm trời chiều Sông pha bãng lãng, rán mây chiều còn nắm níu đỉnh non, giàn đèn thủy áp lộ tỏa ánh sáng trắng dịu, lôi cuốn bao sinh vật có cánh nhỏ li ti. Trong Câu lạc bộ mọi người ríu rít dùng cơm chiều, tiếng chén đũa rộn ràng vui vẻ, anh vẫn lặng lẽ ngồi một mình ngoài sân vắng, thưởng thức tận cùng gia vị xào nấu trong thức ăn. Anh dùng bữa thật nhỏ nhẻ, nhàn tản ngắm nhìn núi rừng đổi màu xâm xẩm, thả hồn lên tận đỉnh cao, chao ơi là thanh thản. Nếu tôi biết làm thơ, cứ tả đôi mắt anh, thế nhân sẽ có biết bao nhiêu áng thơ đẹp... anh Nguyễn Như Trường nhỉ! Cứ như anh thế mà sướng, khỏi sợ uống "cà phê đen" vì lời nói nào dầu êm ái dầu trách móc đối với anh chỉ là tuồng hát bóng thời đại phôi thai. Anh thu âm thanh cõi ta bà qua đôi mắt chứa đựng cả vũ trụ không gian. Trong Anh còn chất chứa biết bao nhiêu âm điệu vui tươi thuở thiếu thời, cung bậc âm thanh đó hẳn nhiên là thơ mộng biết mấy... Có lẽ khung cảnh núi rừng dễ làm cho con người ta mơ mộng hay hoàn cảnh phải sống nơi núi rừng khiến xui người ta dễ hội nhập sự trầm lặng muôn thuở của cỏ cây.
Tôi nhớ mãi đôi mắt của anh HVTuất trong một lần vào thăm Suối Vàng Suối Bạc trên Đà lạt. Với đôi kiếng cận, với cử chỉ nhàn nhã, anh Tuất tiếp tôi với tất cả chân tình nhuộm màu chịu đựng của rặng thông già trơ gan cùng tuế nguyệt, của suối bạc rì rào trầm buồn tuôn chảy qua bực thềm đá. Cuộc đời, theo anh, chỉ là một cuộc chuyển vần như gàu nước máy tuộc-bin. Không có sinh mà cũng không có tận. Ở nhà máy, anh sống rất đơn giản, rất tầm thường, không màng lợi danh, không màng thế sự. Anh chỉ ước ao làm được cây thông đứng giữa trời mà reo, gió mưa chẳng quản, lạnh lùng chẳng than ... Và! Cũng đôi mắt ấy, gặp lại sau nầy ở Bạc liêu, HVTuất trông như cũ, nhưng cọng thêm một niềm chán nản mênh mông. Con người anh không thích hợp cho chức vụ Trưởng Trung tâm một tỉnh lẻ vì người cầm đầu tỉnh là một quân nhân, hành xử mọi việc theo kiểu "kỷ luật là sức mạnh quân đội, thi hành trước, khiếu nại sau." Năm 1971, "quan" tỉnh trưởng là đại tá Hoàng Đức Ninh (anh Hoàng Đức Nhã) gây khó dễ không ít, nào bắt anh phải đơn phương đối phó với làng cắm dùi thương phế binh ăn cắp điện, nào phải dẫn riêng đường dây nội thự thường trực "nóng" 24 trên 24 mặc dù thị xã bị cúp điện (điện nội thự tách riêng điện dinh tỉnh và miễn phí). Anh đã từng bị tỉnh "bắt" cùng các nhân viên nhà máy về tội để mất điện nhà riêng quan tỉnh. May quá, đầu năm 1972 anh được gọi về Sài gòn học Tiếp vận.
Hai mươi năm trời trôi qua, sẩy đàn tan nghé, bạn bè tứ tán bốn phương. Tôi lưu lạc giữa xứ người nhộn nhịp, quay cuồng trong nếp sống mưu sinh nhưng ánh mắt hằng luôn dõi trông về nơi cố quận, mong có ngày tìm lại chút hương xưa. Ôi ! Buồn viễn xứ xa xăm, sầu viễn xứ mênh mông ... Những ánh mắt tinh anh hóm hỉnh ngày nào giờ đã lờ đờ lãng đãng. Nếu chiết tự "Sơn la" theo kiểu "cắt nghĩa đùi" thì Sơn là núi, la là con vật họ hàng với lừa nhưng ngu "hơn" lừa. Ngu vì đôi mắt la luôn lờ đờ, và tôi giờ đây ... hấp háy đôi mắt Sơn la !!! Nếu không có ngày 30 tháng 4, tôi giờ đã hưu trí,với số tiền quỹ dự phòng, ắt hẳn cuộc sống đầy thú vui điền viên tuế nguyệt.
Hạnh Đào