Sổ Tay Sinh Hoạt Số 15

Nguyễn Công Thuần tường trình từ Đông Bắc Mỹ (New York) :

1. Bản tin số 14 năm ngoái, ở trang 8, mục "Thư Từ Liên Lạc", phần thư của Cụ Chu Hoành, vì lý do kỹ thuật, có một chỗ cần đính chính: Xin sửa tiếng "tuổi" thành tiếng "điểm" trong hai câu thơ, thành ra "Bao giờ cải táng di hình, Xương bao nhiêu điểm thì tình bấy nhiêu." Bản tin xin thành thật cáo lỗi cùng Chu lão tiền bối và các thân hữu. Cụ Chu Hoành đầu năm 1995, tuy đã 89 tuổi, vẫn còn đi viễn du Pháp. Ngay sau khi đến Pháp Cụ có viết thư về cho bản tin, hẹn sẽ gặp lại tại đại hội họp mặt Bắc Cali hè 95. Hè rồi, trong cuộc họp mặt, Cụ đã cống hiến cho toàn thể thân hữu nhiều mẩu chuyện vui cười dí dỏm. Kẻ hậu bối xin cúi đầu chào thua Cụ.

2. Tất niên 1994, tân niên 1995, thân hữu miền đông có tổ chức họp mặt ở vùng Hoa thịnh đốn vào đêm giao thừa 1994. Rất đông thân hữu và gia đình tới dự, làm Trưởng ban tổ chức LTCăn rất lấy làm phấn khởi. Bèn "dọa" sang năm làm nữa! Buổi họp mặt này có mặt sinh hoạt lần đầu tiên các thân hữu LQPhùng và DTDụng. Có mặt rất đông thế hệ thứ hai (và thứ ... ba!) Hy vọng tình thân hữu điện lực có thể giúp đưa đến ... "tình gia đình" cho một vài trường hợp nào đó!

Thân hữu Nam Cali cũng có tổ chức tất niên ở nhà thân hữu NQKhôi, ăn tân gia luôn, nhưng anh chị em mải vui với nhau chẳng nhớ gửi hình hay bài hay tin tức gì cho bản tin này hết.

3. Khu vực gọi là "Miền Bắc Cali", gồm từ Sacramento tới San Jose, danh sách THĐL có địa chỉ là 48 thân hữu. Trong số này, kỳ họp mặt hè 95 Bắc Cali vừa rồi, có 23 thân hữu (và gia đình) gồm 66 người lớn và 8 trẻ em tới dự. Số "khách phương xa" là 38 thân hữu gồm 95 người lớn và 13 trẻ em. Đó là tính theo số người có ghi danh vào ngày họp mặt đầu tiên. 23 thân hữu Bắc Cali chẳng những đã bỏ công sức tổ chức đại hội, đã tham dự cùng mọi người, mà lại còn đã đóng góp tiền bạc để tiếp đón tất cả "khách phương xa." Sau khi bao hết mọi chi phí đại hội, Bắc Cali còn thừa được $824 dành để làm quỹ sinh hoạt riêng cho Bắc Cali. Tôi xin nghiêng mình bái phục Bắc Cali, và xin thành thật cám ơn. Trong bức thư tổng kết và báo cáo cho các thân hữu Bắc Cali sau khi đại hội họp mặt đã kết thúc, thân hữu Trưởng ban tổ chức NTDũng đã viết như sau:

... Buổi chia tay, nhiều thân hữu từ các nơi đến dự, đã hỏi chúng tôi "Làm sao Bắc Cali tổ chức thành công như thế vậy?" Câu trả lời là "Không phải chỉ riêng Bắc Cali mới tổ chức được như vậy, bất cứ nơi nào cũng làm được và có thể làm hay hơn thế nữa, chỉ cần mỗi người một tay, chung lưng góp sức."

Thật vậy, thành công vừa qua có được là nhờ sự đóng góp nhân lực và tài lực của tất cả mỗi người chúng ta, trong tinh thần thân hữu và tự nguyện, nhằm mục đích đem một vài giây phút vui tươi đầm ấm đến cho mọi người và cho chính mình. Đền bù lại, chúng ta đã có được một phần thưởng vô giá. Đó là tình cảm và kỷ niệm đẹp của ngày họp mặt còn lưu lại mãi trong tâm trí của mỗi người tham dự.

Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau chia xẻ phần thưởng này...

4. Sau cuộc họp mặt ở Bắc Cali hè rồi, phái đoàn Nam Cali đã tiếp tục tiến về phương bắc, ghé ngang Oregon triều kiến "Hoàng thượng" rồi thẳng đường tiến lên Vancouver, Canada. Trong khi đó thì phái đoàn Vancouver, Canada, lại tiếp tục xuôi nam xuống miền Nam Cali. Miền Nam Cali thì đông, không người này còn người khác. Ở Vancouver thì ngược lại. Mấy ngày đó, coi như chỉ còn thân hữu LKHiệp nằm nhà ... giữ nhà! Phái đoàn Nam Cali tới chơi, không biết đi đâu, không biết đường sá, bèn nhờ thân hữu LKHiệp ... d 91n đường. Người ở địa phương, nhưng ít khi người ra khỏi nhà, cho nên người không rành đường, do đó người dắt phái đoàn Nam Cali lái xe ngược chiều trên đường một chiều. Hú vía! Gặp dân Vancouver, Canada, hiền lành dễ thương, chứ gặp dân New York City hay Chicago, hay như downtown Los Angeles, thì phái đoàn Nam Cali chắc đã không ... trở về!

5. Thân hữu PHBình từ Paris, Pháp, đến dự đại hội họp mặt THĐL hè 95 ở Bắc Cali, đã đại diện Âu châu tuyên bố là hè sang năm, 1996, Âu châu sẽ tổ chức đại hội họp mặt THĐL tại Paris và Aix-en-Provence, Pháp. Thân hữu Bình đã ngỏ lời mời toàn thể thân hữu hè sang năm đi Pháp tham dự đông đảo để thay đổi không khí, và để gặp lại một số thân hữu chưa chịu rời khỏi Âu châu để đi xa. Theo chương trình sơ khởi của ban tổ chức thì đại hội họp mặt hè 96 sẽ diễn ra từ ngày thứ sáu 12 tháng 7, 1996, đến 16 tháng 7, tại Paris; ngày 17 tháng 7 sẽ di chuyển xuống Marseille và Aix cho đến ngày 19 tháng 7 trở về Paris, rồi ngày hôm sau, 20 tháng 7 thì bế mạc. Thời gian này bao gồm ngày 14 tháng 7 là ngày lễ độc lập của Pháp, ngày vui của toàn dân Pháp, ngày diễn binh và bắn pháo bông, ngày ra đường gặp cô gái nào cũng có thể ... hôn! Dịp may hiếm có, xin các thân hữu mại dô, mại dô!

6. Gia đình thân hữu PHBình từ Paris, Pháp, và gia đình thân hữu NTSHương từ Melbourne, Úc đại lợi, nhân đến tham dự đại hội họp mặt THĐL ở Bắc Cali, đã làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Gia đình PHBình đánh một vòng qua Bắc Nam Cali (San Francisco, San Jose, Los Angeles), Nevada (Las Vegas), Oregon (Portland), Ohio (Columbus), Washington DC, New Jersey (Cherry Hill, Mountain Lakes), Pennsylvania (Philadelphia), New York (New York City, Binghamton, Niagara Falls), Canada (Niagara Falls, Toronto, Montreal, Quebec, Sherbrooke), và Massachusetts (Boston). Gia đình NTS Hương bay theo vòng khác (vòng này tôi nghe nói thôi, không dám chắc lắm): cũng Bắc Nam Cali, Chicago, Toronto, Paris, Bangkok. Đúng là đi một chuyến cho đáng đồng tiền bát gạo! Cầu mong hai gia đình thân hữu trở về nhà an toàn mạnh khỏe, và rất hài lòng với chuyến đi. Bản tin này và các thân hữu muốn nghe quí vị kể lại cho anh chị em về chuyến đi đó.

7. Gia đình thân hữu ĐCNghĩa định cư ở vùng Denver, Colorado, từ 10 năm nay. Hè rồi Nghĩa không về Bắc Cali dự đại hội họp mặt được là vì trong năm nay, Nghĩa đã đi Cali 3 lần rồi, vì chuyện gia đình. Do đó Nghĩa đã lỡ dịp gặp lại PHBình, người đã cùng Nghĩa gầy dựng được khả năng sửa chữa máy biến thế tại "Cơ xưởng Phú lâm" của "Tổ hợp Xây dựng điện ánh sáng" của anh Sáu K. hồi sau 75. Do một nguồn tin "tình báo", "Đầu mục" ĐCNghĩa biết được chuyến bay từ Portland, Oregon, sang Columbus, Ohio, của gia đình "Đại vương" PHBình sẽ ghé ngang phi trường Denver, Colorado. "Đầu mục" bèn lấy một ngày phép (từ nhà ra phi trường hơn hai tiếng đồng hồ) đơn thương độc mã chạy ra phi trường, rình để bắt gặp "Đại vương" cùng "áp trại phu nhơn" và "Ngọc nữ." Cuộc tái ngộ sau 18 năm chỉ diễn ra có khoảng 5 phút, vừa chạy vừa nói chuyện, vì gia đình "Đại vương" chỉ có 15 phút để chạy từ cổng này sang cổng kia để đổi tàu. Theo lời "Đầu mục" báo cáo, "Đại vương" giật nẩy mình, muốn "rươm rướm nước mắt", hẹn kỳ sau sẽ ... đáp xuống Denver! Không biết "Đầu mục và lâu la" bây giờ có còn tin "Đại vương" nữa không, và tin được đến bao nhiêu?

8. Nhân chuyến đi Cali tham dự đại hội họp mặt THĐL, tôi có bay lên Seattle dự đám cưới con gái thân hữu NDĐức. Ngoại trừ các cặp thân hữu HTPhát, LQVăn và NVPhong mà tôi đã gặp ở cuộc họp mặt Bắc Cali, tôi còn gặp lại cặp thân hữu ĐPViễn. Dĩ nhiên là có cả cặp NDĐức nữa. Tôi vòng xuống Nam Cali 2 ngày, ở lại nhà một người bạn trong khu chung cư ở đường Bushard. Một buổi tối trước hôm lên đường trở về New York, cỡ 9 giờ 30 đêm, vừa quẹo xe vào cổng chung cư, tôi thấy một đám Á châu. Nhìn thoáng qua, tôi nhận ra có thân hữu TMKhang. Tôi ngừng xe, thì ra một đám thân hữu điện lực vừa đi ăn về, và đang trên đường vào nhà thân hữu ĐVThọ. Tôi về cất xe rồi thả bộ trở lại thăm anh em vài phút, tình cờ gặp lại các thân hữu chưa bao giờ tôi gặp lại ở ngoài này: Lê Chí Trường và Lê Công. Có cả Nguyễn Đình Bá nữa, nhưng Bá thì tôi đã có gặp lại một lần vào kỳ họp mặt Nam Cali hè 91. Tôi chỉ ngồi thăm được có mấy phút, thành ra không có nói chuyện nhiều, nhưng nhìn chung, các anh này đã xấp xỉ lục tuần cả rồi, tóc bạc nhiều, và nét mặt còn hằn nét long đong. Hy vọng sẽ gặp lại các anh lần khác, nói chuyện nhiều hơn.

9. Thân hữu LQVăn, người đã giúp phần ấn loát và phân phối bản tin này, trong năm vừa qua, vừa hoàn tất một số sách viết về khoa học kỹ thuật và về các ứng dụng của điện toán vào các ngành khoa học kỹ thuật. Các tựa sách như sau:

1.Tài nguyên Quê hương: Nhìn từ bên ngoài
2.Microwave Oven: Nguyên tắc và ứng dụng
3.Điện lực và Điện toán
4.Điện toán trong Kinh tài
5.Điện toán và Vấn đề Quản trị
6.Tìm hiểu về Expert System
7.Tìm hiểu về Artificial Neural Network
8.Tìm hiểu về Fuzzy Logic
9.Tìm hiểu về Simulation
10.Đại cương về máy điện toán
11.Dùng chữ Việt trên máy điện toán
12.Tìm hiểu về Biotechnology
13.Tìm hiểu về Virtual Reality
14.Ngôn ngữ điện toán: BASIC
15.Điều khiển máy móc bằng máy điện toán.

Tất các sách trên được viết theo trình độ phổ thông, dày trung bình trên dưới 100 trang, với khổ sách 8.5x5.5 inch (một nửa tờ giấy standard của Mỹ), với nhiều hình ảnh dẫn giải. Tôi đã đọc các cuốn số 2, 3, 6, 7, 8, và 12. Sách mỏng, viết giản dị, giúp tôi đọc đỡ ngán, và biết được thế nào là "mạng lưới nơ-ron nhân tạo" (artificial neural network), thế nào là tình trạng "luận lý mơ hồ" (fuzzy logic), thế nào là "hệ thống chuyên viên" (expert system). Ngay trong ngành điện, cuốn số 3 cũng đã cho tôi biết một vài ứng dụng điện toán vào trong việc kiểm soát và vận hành hệ thống điện mà hồi nào tới giờ tôi không biết. Tôi định đọc cho thật kỹ từng cuốn, ghi lại mọi chi tiết cần thiết rồi sẽ góp ý với tác giả cũng như giới thiệu với toàn thể các thân hữu. Thân hữu nào có ý thích đọc và nghiên cứu, xin mời tiếp tay với thân hữu LQVăn, bằng cách đặt mua để tìm đọc và đi sâu vào chi tiết. Xin liên lạc thẳng với LQVăn để có giá "đặc biệt" cho thân hữu điện lực.

10. Tháng 5, 1995, thân hữu NXThu và nội tướng từ Paris sang Mỹ vì chuyện gia đình, có liên lạc và họp mặt với một số thân hữu miền đông Mỹ và Canada tại nhà thân hữu NĐHuấn ở Cherry Hill, New Jersey. Cả hai vợ chồng thân hữu NXThu bây giờ đã về hưu, có thì giờ hơn, nhưng sức khỏe không được tốt lắm, đi đứng khó khăn. Nhưng đã ngỏ ý là rất "nhớ" anh em, hễ sang đây được thì thế nào cũng rán hú để gặp lại anh em, càng đông càng tốt.

11. Trong một năm vừa qua, có ba người bạn cũ của chúng ta từ Công ty Điện lực miền Nam ở Sài gòn đi công tác sang Mỹ. Đó là các bạn Nguyễn Văn Đường, Trần Công Điền, và Lê Ngô Hữu Thiện Tâm. Các bạn này có gọi điện thoại thăm hỏi một số anh em ở ngoài này. Bây giờ, coi bộ anh em đi Mỹ còn dễ hơn ngày xưa!

Nhân đây cũng xin nhắc các thân hữu một chuyện: năm ngoái cũng có mấy bạn từ Sài gòn đi công tác sang Montreal, Canada. Montreal là một thành phố lớn, tập trung một số khá đông THĐL. Khi một thân hữu nào có dịp đón khách từ xa tới, nếu tổ chức được một buổi họp mặt thì tốt, bằng không thì cũng xin thân hữu đó nhớ phổ biến cho các bạn ở cùng trong vùng được biết để anh em thu xếp giờ giấc đến hoặc liên lạc hỏi thăm nhau một tiếng. Có nhiều bạn bè thân thiết cũ, mất liên lạc nhiều năm, bây giờ có cơ hội ở cách nhau vài phút lái xe mà vô tình không gặp được. Cũng là một cách phát huy sinh hoạt thân hữu.

12. Trong một năm qua chúng ta có thêm các thân hữu mới như sau:

Thân hữu Trần Minh Nhựt (nhỏ) và gia đình đến Sydney, Úc đạI lợi; Thân hữu Hoàng Kim Đính và gia đình đến New York, Hoa kỳ; Gia đình con trai của thân hữu Ngô Quí Thiều (tên là Ngô Quí Thương, có làm việc ở Tổ hợp Ánh sáng) đến Virginia, Hoa kỳ; Thân hữu Mạch Bỉnh Nam và gia đình đến Pennsylvania, Hoa kỳ; Thân hữu Nguyễn Văn Bạch và gia đình đến Sydney, Úc đại lợi; Thân hữu Phan Tấn Hải và gia đình đến Texas, Hoa kỳ.

Danh sách có thể còn dài hơn nữa, nhưng chúng tôi chưa nhận được tin rõ ràng và đầy đủ hơn. Bản tin này, thay mặt toàn thể thân hữu điện lực hải ngoại, xin gửi đến các thân hữu và gia đình mới đến lời chào mừng thân ái nhất. Cầu mong các thân hữu và gia đình mau chóng ổn định đời sống, và sẽ cùng với các bạn bè khác tham gia các sinh hoạt thân hữu để giữ mối dây liên lạc và giữ cho tình thân hữu của chúng ta ngày càng bền chặt.

13. Tin cưới hỏi chúng tôi nhận được như sau:

Đám hỏi con gái thân hữu Ngô Quí Thiều ở Virginia; Đám cưới con gái thân hữu Nguyễn Đình Bá ở California; Đám cưới con gái thân hữu Đồng Văn Quân ở Pennsylvania; Đám cưới con gái thân hữu Ngô Duy Đức ở Washington; Đám cưới con gái thân hữu Trương Ngọc Diệp ở Ohio; Đám cưới con trai thân hữu Nguyễn Thạch Ngọc ở Úc đại lợi; Đám cưới con trai thân hữu Kha Văn Tỷ ở Arizona; Đám cưới con trai thân hữu Nguyễn Văn Dậu ở California.

Xin góp một lời chúc mừng hạnh phúc cho các cô dâu chú rể mới, cho các thân hữu và gia đình.

Đồng thời chúng tôi cũng được tin thân hữu PHBình vừa có cháu ngoại đầu tiên. Xin chúc mừng gia đình anh chị Bình và vợ chồng cháu Alice.

14. Tin buồn trong năm qua cũng hơi nhiều:

Cụ bà mẹ của thân hữu HTPhát mất tại Montreal, Gia nã đạI; Cụ bà mẹ thân hữu LKHiệp, mất tại Sài gòn, Việt nam; Cụ bà mẹ của thân hữu TTTVân, hay là mẹ vợ thân hữu HVThiết, mất tại Sài gòn, Việt nam; Cụ ông cha của thân hữu VTViên, hay là cha vợ thân hữu ĐCNghĩa, mất tại Cali, Hoa kỳ; Cụ bà mẹ vợ thân hữu HBThế, mất tại Montreal, Gia nã đạI; Cụ bà mẹ vợ thân hữu HMCần, mất tại Paris, Pháp; Cụ ông cha vợ thân hữu ĐTPhúc, mất tại Paris, Pháp; Cụ ông cha của thân hữu BTCường, mất tại Brisbane, Úc; Cụ bà mẹ của thân hữu VNKhánh, mất tại Sài gòn, Việt nam; Cụ ông cha của thân hữu KVTỷ, mất tại Sài gòn, Việt nam; Hiền nội thân hữu LCTrường mất tại Virginia, Hoa kỳ; Thân hữu HVLiễn mất tại California, Hoa kỳ; Thân hữu HVNghĩa mất tại Sài gòn, Việt nam; Thân hữu NVMai mất tại Toronto, Gia nã đại; Thân hữu BVKhuê mất tại California, Hoa kỳ. Thân hữu NXž mất tại California, Hoa kỳ.

15. Có một sự kiện oái oăm, tôi không biết xếp vào loại tin vui hay buồn: Một thân hữu điện lực, thân hữu Lâm Minh Hiệp, đã từ Cali trở về ở hẳn Sài gòn, và đang dạy ở một trường đại học kỹ thuật.

16. Phần tương trợ trong dịp Tết Ất Hợi 1995 là US$580, được gửi về VN giúp 15 gia đình, trong đó có một gia đình do thân hữu NTĐạt ở Úc lo liệu giúp.

17. Nhà thơ Phùng Quán, người thi sĩ của Phong trào trăm hoa đua nở, của Nhân văn Giai phẩm 1955-56 ở miền Bắc, vừa mất ở Hà nội, thọ 70 tuổi. Phùng Quán là tác giả bài thơ "Lời Mẹ Dặn" nổi tiếng và bất hủ từ thời đó, với những câu như sau:

... Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng đừng nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu

...

Bút mực tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Và mới gần đây:

... Có những lúc ngã lòng

Tôi đã vịn câu thơ mà đứng dậy.

Nhạc sĩ Văn Cao, cũng là thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, cũng thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm thời 1955-56, cũng vừa mới mất tại Hà nội, thọ 72 tuổi. Nói tới tên tuổi Văn Cao, chắc khỏi cần trích dẫn tác phẩm. Người đời nhắc nhiều đến ông như một nhạc sĩ với các bài hát bất hủ như "Thiên Thai", "Tiếng Hát Sông Lô", "Trương Chi", "Suối Mơ", ...

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, thân phụ của cô ca sĩ Quỳnh Giao, cũng vừa mới mất tại Sài gòn, thọ 82 tuổi. Tác phẩm nổi tiếng nhất là bài "Đêm Tàn Bến Ngự."

18. Trong ngành điện lực (power utility) có một chương trình điện toán (computer program) rất qui mô và rất nổi tiếng về "lưu thông điện năng" (power flow) tên gọi là Power System Simulator - Engineering (PSS/E) của hãng Power Technologies, Inc. (PTI). Chương trình này được xài hầu hết ở các công ty điện lực lớn trên toàn thế giới, có công suất đỉnh cỡ 1500-2000 MW trở lên, và có hệ thống chuyển vận liên kết chằng chịt (interconnected transmission system). Trong năm qua, theo bản tin của hãng PTI, Việt nam đã mua toàn bộ chương trình này. Mua lần đầu có thể phải trả tới 100 ngàn đô la cho toàn bộ, mỗi năm sẽ cập nhật khoảng 5000 đô la, chưa kể những nhu cầu phụ thuộc như sách cẩm nang để sử dụng, chương trình huấn luyện người sử dụng, những yểm trợ hàng ngày trong khi sử dụng, ... Không biết hệ thống điện ở Việt nam bây giờ đã đến mức cần tới chương trình này chưa?

19. Đường dây 500kV Bắc Nam từ nhà máy thủy điện Hòa bình, gần Hà nội, đến trạm biến điện Phú lâm, gần Sài gòn, dài khoảng 1500 km, đã bắt đầu vận hành. Tôi có ý định tìm tài liệu kỹ thuật để viết một bài về công trình này, nhưng bao nhiêu đầu mối hứa hẹn cung cấp tài liệu vẫn cứ im hơi lặng tiếng. Thân hữu nào có được tài liệu, xin vui lòng chuyển cho tôi, hoặc tự viết bài cho biết một ít dữ kiện liên quan đến công trình này để các thân hữu có một ý niệm.

Trong khi chờ đợi, xin các thân hữu đọc qua các đoạn sau đây, trích từ các sách báo đã xuất bản:

1) "Mặt Thật", Bùi Tín, Saigon Press 1993, trang 237-238:

... Cái cung cách thông qua chủ trương xây dựng đường dây cao thế tải điện từ Bắc vào Nam trong phiên họp quốc hội tháng 4 năm 1992 cũng vậy. Đây là một quyết định chính trị của Bộ Chính trị đảng Cọng sản Việt nam, thông qua một cách hấp tấp, vội vã rồi đưa ra "ép" quốc hội! Nghĩ giản đơn rằng, miền Nam thiếu điện, một tuần cúp điện 3 ngày thì các công ty nước ngoài vào sẽ chán nản không muốn đầu tư, miền Bắc lại thừa điện. Tải từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, như đưa điện từ cột điện vô nhà! Các đại biểu quốc hội đâu biết đây là vấn đề rất phức tạp về kỹ thuật; tốn kém không thể là 300 triệu đô la mà có thể lên tới 500 triệu. Lại rất khó bảo đảm việc vận hành an toàn! Người lên tiếng can ngăn một cách tha thiết là chuyên gia có tâm huyết, chuyên giảng dạy nghiên cứu về đường dây tải điện loại dài trên một ngàn kilômét, từng phụ trách toàn ngành điện ở miền Nam trước năm 1975. Đó là ông Nguyễn Khắc Nhẫn, hiện là giáo sư môn lưới điện Viện đại học bách khoa Grenoble, chuyên gia ở Tổng công ty điện lực Pháp EDF; ở trong nước họ cho rằng giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn không đáng tin cậy, không hiểu rõ tình hình trong nước, sùng bái kỹ thuật phương Tây! Họ đã động viên việc xây dựng lớn này, coi như là một chiến dịch tốc quyết và tốc thắng, quả quyết sẽ hoàn thành vào cuối năm 1993 này, trước sự sững sốt của các chuyên gia Pháp, Mỹ, Nhật. Nhà báo Mỹ Murray Hiebert của tuần báo FEER (Far Eastern Economic Review) viết bài trong tháng 2-1993 rằng, các nhà đầu tư nước ngoài phát sợ khi thấy chính quyền Việt nam liều lĩnh ném vào công trình này chừng nửa tỉ đô la, mà tất cả kế hoạch xây dựng và tài liệu kỹ thuật chỉ vẻn vẹn có 16 trang giấy! Coi thường kỹ thuật, ẩu đến thế là cùng! Cũng giống như quyết định xây dựng nhà máy thủy điện cỡ lớn ở Hòa bình, do Liên xô bỏ vốn; Bộ Chính trị chọn phương án đắt tiền nhất, kéo dài thời gian nhất, phức tạp nhất về kỹ thuật là khoan vào trong lòng đá để đặt 8 ống nước chảy lớn, nhằm đề phòng một cuộc chiến tranh nguyên tử! Giá đắt hơn gấp đôi, thời gian (11 năm) hơn gấp ba so với bình thường, đến nay vẫn chưa hoàn thành! Cái giá mà nhân dân phải cúi đầu chấp nhận và cong lưng chịu đựng do cung cách hạ một quyết định lớn mà coi thường kỹ thuật thật khủng khiếp!

Tôi đã chú tâm dò hỏi một số ủy viên trung ương, một số ủy viên ban Bí thư và cả 3 vị ủy viên bộ Chính trị của đảng, và thấy ra những chuyện thật kinh hoàng. Những vấn đề lớn, một số chủ trương lớn, chính sách lớn đụng chạm đến toàn xã hội không hề được đưa ra cân nhắc, thảo luận và tranh luận khi cần ở các cơ quan lãnh đạo ấy! Vấn đề cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau 1975, chủ trương "cải tạo" bằng trại giam hàng trăm nghìn người thuộc chế độ cũ ngay sau 30-4-1975 cũng như kế hoạch lớn thu vàng lá để cho người Hoa và những người khác di tản nửa hợp pháp, đưa quân vào Căm bốt và ở lâu tại đó đến 10 năm ... đều như vậy. Chỉ có 2, 3 vị ở chóp bu tùy hứng nghĩ ra và quyết định ...

2) "Tạp chí Kháng chiến", số 149, tháng 9-1995:

"Những Vụ Ô Uế Nhất Của Việt Cọng Trong Năm 1994" - Vụ án 4000 Tấn Thép Của Công Ty VINAPOL:

Đây là vụ án xử kéo dài nhất trong năm 1994, với thời gian 6 ngày liên tiếp từ 17 đến 23-2-1995. Đây cũng là vụ án lớn nhất và có nhiều luật sư bào chữa nhất (tới 11 người), vì dính líu đến các cán bộ lãnh đạo các cấp đứng phía sau. Vụ án gồm 9 bị cáo, thì 8 bị cáo đều là quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, từ Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Bộ trưởng đến các người khác là Thứ trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc, ... trừ có Đoàn Thị Hữu Nghị là người thuộc công ty tư nhân. Đây cũng là phiên tòa đầu tiên có trong lịch sử xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt nam xử tội Vũ Ngọc Hải một quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước CSVN. Khi phạm tội, Hải đương kim là Ủy viên chính thức Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội và là Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Vì phe cánh yếu nên Hải đã bị xử 3 năm tù giam vì tội "cùng đồng bọn buôn bán vòng vèo 4000 tấn thép" đã cùng nhau bỏ túi riêng gần 4 tỉ đồng Việt nam. Riêng Thứ trưởng Lê Liêm chỉ bị một năm tù giam, sau này còn được cất nhắc làm Tổng Giám đốc Điện lực Việt nam. Còn Vũ Ngọc Hải, sau khi được Võ Văn Kiệt vào tù gắn huy hiệu "công trình điện Bắc Nam 500kV", đã được thả sớm và hiện làm "cố vấn" cho Bộ trưởng Năng lượng đương nhiệm Thái Phụng Nê. Đó là sự thật về những "người cọng sản chính hiệu", cũng như những con sâu mọt đang đội lốt quan chức cao cấp nhà nước để đục khoét tài sản của nhân dân.

Nguyễn Trọng Cảnh tường trình từ Trung Bắc Mỹ (Minnesota) :

1. Trong năm qua, tôi có nhận được tin buồn là cụ Hoàng Văn Liễn từ trần tại California, hưởng thọ 87 tuổi. Cụ Liễn là vị kỹ sư điện kỳ cựu, đã từng làm việc trong ngành từ đầu thập niên 1930 tại miền bắc Việt nam. Những năm sau tại miền nam, cụ làm việc tại cơ quan Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc rồi chuyển sang Nha Khai thác Địa phương (những năm 1964-66) rồi sau đó nghỉ ở Điện lực ra làm cho một cơ quan Hoa kỳ trước khi về hưu.

2. Cũng tin buồn liên quan tới một nhân vật khác tuy không làm nhưng cũng có liên hệ với Điện lực, và có lẽ nhiều người biết tiếng là ông kỹ sư Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc công ty National tại Saigon, từ trần tại Pháp. Ông NTNam có lẽ là vị kỹ sư điện đi tiên phong trong ngành điện tử tại VN, công ty National do ông điều khiển đã có cơ sở ráp máy radio transistor (hiệu National của Nhật) đầu tiên tại VN. Tôi có kỷ niệm gặp ông NTNam một lần vào năm 1961. Hồi đó trường Điện tổ chức Đêm Điện đầu tiên nhân lễ ra trường của anh em khóa 1, tôi mới học năm thứ nhất được cử đi bán vé buổi lễ. Tôi tới văn phòng hãng National tại đường Nguyễn Huệ Sài gòn xin gặp ông Tổng Giám Đốc; thấy tôi là sinh viên CĐĐH ông tiếp đón rất vui vẻ và sốt sắng mua vé ủng hộ ngay.

3. Năm qua tình hình sinh hoạt THĐL tại vùng trung bắc không có gì đáng kể lắm, có lẽ anh em đều bận rộn vì đời sống Huê kỳ nhiều quá nên không có kỳ họp mặt nào cả, vì vậy tôi chỉ xin tường trình về một bạn thân hữu tại... Úc châu. Năm qua tôi rất mừng nhận được thư của anh Nguyễn Tấn Đạt, anh Đạt làm việc chung với tôi tại nhà máy biến điện Thủ đức với các anh em khác như ĐCNghĩa, LVChâu... Anh Đạt là nhân viên kỳ cựu tại Biến điện, làm việc liên tục tại đây từ khi anh ra trường năm 1962 cho tới sau này. Ngoài phần vụ Trưởng ty Bảo trì Biến điện, anh còn mở thêm một xưởng ở Thủ đức làm mọi công tác cơ khí, rất khá. Anh chị NTĐạt mới sang Úc đoàn tụ với các con khoảng 3 năm nay.

4. Trong bản tin năm ngoái, tôi có nêu lên một vấn đề được nhiều anh em (đặc biệt là anh Đào Văn Mẫn ở California) nhắc tới là vụ lô đất của Hợp tác xã Điện học tại khu vực cạnh xa lộ gần làng Báo chí. Trong năm qua, tôi chỉ nhận được rất ít ý kiến trả lời bằng thư hoặc điện thoại nên cũng không có gì lạ đõể xúc tiến thêm về vấn đề này. Vậy một lần nữa xin nhắc lại là anh em nào còn lưu tâm về vấn đề này xin liên lạc với tôi hoặc anh Đào Văn Mẫn (địa chỉ trên bản tin THĐL) để bàn tính xem có thể làm gì được về khu đất trên.

Trần Trung Tính tường trình từ cực Nam Cali (San Diego, California

... Năm nay cũng như mọi năm lưu lạc trên cái xứ lành ít dữ nhiều này (USA), không những riêng bản thân tôi và gia đình trụ trì ở cái xứ tột cùng của nước Mỹ cảm thấy và đã nhận thấy, dường như có cái gì đang và tiếp tục thay đổi ấy! Sự việc đã xảy ra rồi đó và có lẽ các anh các chị đồng phe nhóm THĐLVN hải ngoại tạm trú ở xứ Cali, hay nói rõ ràng hơn là phe phái được tạm gọi là nhóm thân hữu đồn trú ở Nam Cali (nhưng đa số đóng chốt ở Santa Ana mà dám nói là Nam Cali, như vậy bọn ruộng của Tính, Sáng, Sáu phải xưng là cực nam Cali phải không nào?) cũng có cảm nghĩ là đã có sự thay đổi rõ ràng từ băng nhóm của gia đình THĐLVN hải ngoại cho đến nhân tình thế thái, chánh trị, kinh tế, ... của cả Huê kỳ và thế giới nữa. Số là trong năm nay (1995), riêng bản thân tôi cũng đã có nhiều sự rất là "hào hển", chạy lên xuống từ phía cực nam Cali trở lên tới vùng vịnh không chiến tranh là San Francisco, cũng được tạm gọi là vùng hay miền Bắc Cali (có lẽ gọi đúng hơn là khúc giữa Cali, bởi vì khúc đầu phương bắc còn dài thoòng, sẽ gọi là gì đây?).

Phe nhóm Nam Cali (Santa Ana) đã được nghinh đón các phái đoàn lẻ tẻ "tham quan" như: trong dịp lễ vu qui hiền muội của gia đình họ Trịnh+Nguyễn tên Mỹ+Chúc ấy cũng đã đột xuất "tiếp tân" ngài "giám đốc" Nguyễn Văn Đường, đang tháp tùng phái đoàn gì đó của "chính phủ ta" ngao du xứ Cờ hoa; rồi đến cái anh chàng "Tán Trúng Cẳng" (Tân Trung Cang) không chịu dành thời gian nhàn hạ vào ngày lành tháng tốt của đầu tháng 7 hàng năm để du ngoạn, lại lựa thời gian lững lờ con cá trước ngày đại hội mấy tháng mà sang Cali "tham quan." Có lẽ ngài Cang sợ đại hội làm hao mòn sức khỏe cho nên cứ tạm lánh bớt đỡ hao pin cũng nên? Và sự tiếp đón do "tàn ban" Nam Cali tổ chức nơi trụ sở cơ hữu của gia đình anh TMKhang làm chủ xị buổi họp mặt bỏ túi hôm đó cũng được gọi là ì xèo lắm vì lâu lâu mới có một lần mà, cho nên gặp nhau là đía túi bụi đến khan cả cổ, hết pin mới chịu im miệng. Rồi lại đón tiếp thêm phái đoàn đông nam của đế quốc đến "tham quan" miền Nam Cali nữa do gia đình "đồng chí" Sách+Nga hướng dẫn và bảo trợ -- công du từ cái xứ bão-lụt-trốt, cọng thêm khủng bố Cuba hay giết du khách -- đến Cali nhưng cũng lại lựa cái tháng không trùng hợp ngày đại hội (gần 2 tháng trước) và cũng viện lý do này nọ để không gặp mặt đầy đủ (tạm gọi vậy) gia đõình THĐLVN hải ngoại, như vậy coi có tức không chớ? Phải đáng trách là anh chị Sách+Nga đó nhé, phải nói là mấy chục năm trời nay mới xuất hiện, nhưng chưa "đạt yêu cầu" của gia đình điện lực, và phái đoàn Florida của anh chị Sách+Nga đã được tiếp đón bởi gia đình anh chị An+Nhọn, nơi đây cũng được đông đảo phe ta hội kiến và tham gia tiệc liên hoan cùng "phỏng vấn" lung tung các anh chị có cùng trú quán ở Florida như "ông Cả Cần" chẳng hạn, và mọi sự việc cũng tạm thông qua cả, vì cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc thôi...

Và thời gian lại cứ tiếp tục đi lang thang đến ngày đại hội của phe ta, tôi cũng như bao gia đình thân hữu ở miệt dưới này không cần phải nói viết lôi thôi, cũng đã biết ngay trong khoảng thời gian tiền đại hội, các anh chị và gia đình thân hữu phe ta trên này phải bận rộn và lo toan đến là dường nào rồi, vì thế với tấm thân tàn còn lại ngày nay tôi cứ luôn tâm nguyện là sẽ không dám phụ lòng mọi thân bằng trong gia đình điện lực, trong hơi sức và khả năng trời cho còn đang được hưởng đây, vì ai cũng phải đi trên một con đường độc nhất của tạo hóa ban cho nếu không lo hưởng ứng ân sủng của trời ban là còn đi, còn biết được tình nghĩa và quí trọng tấm lòng thương mến lẫn nhau để có dịp đến thăm , gần gũi nhau khi còn có khả năng lui tới thì tôi nghĩ đến khi mai mốt tuổi già sức yếu rồi thì dù có muốn, có nuối tiếc cũng bằng thừa, vì cái gì qua là không bao giờ trở lại, và khó tìm lắm ... nhưng muộn quá rồi! Và tiếp theo thời gian qua, sinh hoạt của Nam Cali cũng tạm gọi là chộp rộp lắm đó, nhưng cũng tạm kể luôn sự việc anh chàng Bùi Minh Chánh có sang từ Ohio thăm chớp nhoáng Cali vào mùa đông Noel 94 rồi, và cũng đã đổi họ Bùi thành họ Hứa vì đương sự đến nhà tôi như bóng câu qua cửa sổ, và anh ta hứa sẽ gặp lại vào hè này trong đại hội ở SF, nhưng ai có gặp bóng chim tăm cá gì đâu! Mình chỉ gặp được "đại biểu" Ohio là Phạm Duy Sử và có nhắn như vậy thôi ... biết sao đây và cũng rất nhiều thân bằng ở các xứ phương đông và Bắc Mỹ nay cũng đã đổi họ ráo trọi, trong đó cũng có gia đình Ngầu+Phương và nhiều rất nhiều nữa cơ...

Do bao nhiêu lý do, bao nhiêu động lực thúc đẩy và cứ luôn nhắc nhở tự trong tâm mà tôi cứ thấy nao nao trong lòng ấy, cận ngày đại hội khai mạc mà bịnh hoạn còn đang đeo bên mình, ngày ngày uống thuốc nhiều hơn ăn cơm, sức lực èo uột, con người cứ lững lững lờ lờ phát ghét. Phải nói rằng đáng khâm phục và đáng hoan hô tinh thần hỗ trợ của gia đình phe ta ở cái xứ Cali cũng như các anh chị của đại gia đình ĐLVNHN, các anh chị luôn "động viên" và đôn đốc tinh thần lẫn nhau để tham gia ngày đại hội phải nói là vô cùng tích cực. Trong khi tôi kém sức quá chừng thì các anh chị ở vùng Nam Cali (Santa Ana và LA) như gia đình anh chị Quân, Dậu, Hạnh, Hùng, ... thường hay thăm hỏi và bàn bạc về chuyến Bắc du SF. Các anh chị luôn tỏ thái độ lo lắng cho đàn em bịnh hoạn nhưng quá ham vui này được toại nguyện trong việc hợp tác phương tiện di chuyển, nhưng vì lý do tôi ở tận miền nam Cali xa xôi mà các anh chị phải tháp tùng cùng nhau có giờ giấc nhứt định, vì các anh chị sống gần gũi nhau trên Santa Ana nên tôi thấy quá phiền nhiễu cho sự việc tháp tùng hay "mãnh hổ quá giang", cho nên tôi cứ lèng èng không sao trả lời dứt khoát được, và đành đánh liều theo số mạng cho xong. Nhưng tôi nghĩ ý chí và nghị lực luôn luôn trời ban cho con người có đầy đủ lý do cho nên chỉ đến ngày cuối hạn kỳ 1 tháng 7 là tôi nhất định lên đường tham dự mà trước đó một ngày tôi không sao quyết định được, vì còn đang bịnh nặng. Nhưng quyết định đi lại được sự cứu xét của bà xã cùng các cháu, vì thấy không ổn cho cái thân tàn của tôi, và lại thêm một phiên họp khoáng đại của gia đình tôi nữa, và do quyết định không thay đổi của bản thân vì quá vui thích khi gặp lại quí thân hữu của đại gia đình điện lực bấy lâu nay nên gia đình cũng đành chấp nhận phê chuẩn cho "công du" miền SF một chuyến nữa (vì lần trước ở nhà anh Thụy rồi). Nhưng phải có trợ thủ là bà xã đi theo phòng khi hữu sự vì hiện tại tôi như con gà nuốt dây thun vậy, nhưng khốn nỗi là phải chờ bà xã xong bổn phận "trâu cày" mới được, vì lỡ có khách hẹn để làm việc rồi bỏ không được, sẽ bị bể nồi cơm ngay do đó phải chờ đợi đến hơn 3 giờ trưa 1 tháng 7 mình mới lại lên đường Bắc du, miễn sao có đi là được rồi ...

Và mãi đến sáng hôm 2 tháng 7 là ngày khai mạc đại hội tôi và bà xã đã khởi hành từ sáng sớm tại San Jose vì đêm hôm tạm trú ở nhà ông anh bạn Nguyễn Văn Lộc ở Bỉ, nhưng lại gặp "sự cố" vì từ ngày nhận được thơ báo đại hội tại SF và ghi tên địa chỉ đại hội ở Hercules nhưng tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ thấy cái địa chỉ rõ ràng của điểm họp tuy tôi có gởi thơ báo tin đi dự nhưng quí anh trong ban tổ chức đã không nhận được mới chết đó chớ, và tôi có xác nhận cùng anh Dậu, anh Quân. Vì thế cứ lần mò lên cái vùng xa xưa đã có lần đến nhà anh Thụy tham dự đại hội rồi ấy và khi gọi điện thoại hỏi thăm địa điểm ở nhà anh Thụy thì ai nấy đã đi hết lên điểm họp rồi, thế là lại dong ruổi tìm nơi hội họp nhưng giờ giấc đã gần lố rồi, mình thì lái xe, bà xã cầm cái tên địa điểm họp sẵn sàng nhảy xuống xe hỏi thăm bất kể ai mà tụi này gặp trên lộ trình hành hiệp ... và vạn sự được may mắn khi đã được cảnh sát và dân địa phương hướng dẫn tận tình để cho bọn tôi được hội diện cùng các anh chị và gia đình điện lực tuy có phần hơi trễ nãi. Nhưng có còn hơn không phải không các anh chị và xin miễn bàn về sự việc.

Khi tôi đã có mặt ở nơi đó, niềm vui và thỏa mãn tâm nguyện của tôi cùng bà xã khi gặp gỡ các anh chị và gia đình thân thương ngày nào đã có lần gặp gỡ (nhứt là các anh chị vùng Canada hay Âu, Úc...). Niềm vui không tả được và phải nói đây lại là một sự biến đổi lạ thường như tôi đã có phần đề xướng ở trên, vì không ngờ năm nay cũng ở vùng SF này mà các anh chị "địa phương quân" đã chu toàn quá sức tưởng tượng mọi mặt kể không xiết, và nhứt là đã tự phá kỷ lục tiếp tân của bao nhiêu lần đại hội thân hữu hàng năm vì số người tham dự đã gần con số 170, trong khi toàn danh sách cả thế giới có được hơn 400 gia đình. Thế là toại nguyện rồi đó nhé và sau thời gian hội họp vui chơi và thăm viếng bạn bè cố tri lẩn quẩn ở SF đến khi tạm chia tay nhau ai về trú quán nấy, tấm lòng tôi vẫn còn lưu luyến, lâng lâng cùng tinh thần phấn khởi lạ.

Do đó, khi về đến San Diego, thừa thắng xông lên nên tôi và bà xã đã chơi bạo tới luôn là làm thêm một chuyến viễn du VN cho bõ ghét, vì hiện tại tôi cha mẹ đã qui tiên hết rồi, nhưng bà xã vẫn còn bà mẹ già trên 83 tuổi như ngọn đèn sắp cạn dầu luôn mong nhớ và gặp gỡ con cái, và bổn phận làm con nên biết trọng chữ hiếu đễ duy trì đạo đức và sự đáp đền công ơn dưỡng dục sinh thành cho hậu sinh con cháu nó bắt chước, nên "trâu đạp cũng chết, bò đá cũng tiêu", sẵn có chuyến hồi hương của các anh chị bà con và sự hưởng ứng của các con tích cực ủng hộ về tinh thần lẫn tài chánh nên tôi và bà xã tham gia ngay chuyến về quê thăm mẹ già cùng cố hương và bè bạn ... chuyến về đột ngột nên khi đã rời Mỹ rồi các cháu ở nhà tại SD (vì chúng nó phải học hè và làm việc trong mùa hè) có nhận được mấy lần điện thoại của quí anh chị thân hữu gọi đến, nhưng tôi và bà xã đã viễn du qui cố hương rồi. Đến nay đã hơn tháng, nhưng thời gian ở tại VN chỉ có hơn 3 tuần thôi và ở quê nhà tôi ngoài mức thăm lại quê nhà mồ cha mả mẹ cùng các thân bằng quyến thuộc kẻ sống người mất lung tung, và cũng có lén lén đến trụ sở 72 Hai Bà Trưng thăm hỏi bạn bè ngày xưa, và mình không thể tự nhiên đi khơi khơi vô ngôi nhà 72 cùng các lầu làm việc được, phải biết người nào trong ấy gọi xuống đón dắt lên, bằng không là mấy ông gọi là bảo vệ cứ dòm chừng trông y như công an canh tù vậy, do đó tôi nói là len lén rình trụ sở. Nhưng ngồi hoài sốt ruột mà giờ làm việc ít thấy ai quen biết tới lui nên men vô văn phòng Chi nhánh điện Nam cũ ở đường Thi Sách ấy, thì gặp các chú thợ ngày xưa có làm chung với tôi khi về làm ở Chi nhánh Nam và thế là xâm nhập được vào Khu Nam (nay đổi lại Chi Bến thành gì đó) và gặp ngay anh Nguyễn Ngọc Trân (xưa làm xếp Trung tâm Vũng tàu) nay thế anh Trần Nhựt Quan gần về hưu nên chuyển về Sở thành phố và nghe đâu nay Sở điện thành phố đã được sắc phong ngang hàng Công ty Điện II (miền Nam cũ) và Trần Công Điền (Cần thơ cũ) làm Phó Sở. Hiện tại nghe đâu hình như các anh chị cũ bây giờ được tận dụng và phong chức sắc (thường là làm trâu cày ngựa cởi thôi) còn các chức sắc lãnh đạo hay làm bình phong là của các ngài cán đỏ, vì khả năng kỹ thuật của các quí vị c9FÚn đỏ chỉ lãnh đạo và "dám đốc" chớ không có khả năng kỹ thuật và "dám làm" việc. Tôi cũng được gặp vài anh chị như Nguyễn Tân Xuân, Quách Lâm Thăng, Nguyễn Văn Lực (Xí nghiệp Xây lắp nha Trang bị cũ) nay là Công ty Xây lắp II đóng tại bộ Thông tin cũ đường Phan Đình Phùng xưa ấy, và có gặp chị Lê Thị Thiệt bà xã cũ anh NĐT, cũng như có gặp được Trần Văn Tài nguyên Trưởng Chi Điện Nam trước khi đổi lên Củ chi.

Tôi cũng có gặp được anh Nguyễn Thanh Tòng ngày xưa cùng anh Ngô Minh Thuyết trông coi công trình nhà máy Trà nóc, Cần thơ, nay anh đã được nâng lên làm Trưởng phòng Kỹ thuật của công trình xây dựng nhà máy điện có tên là Phú mỹ, Bà rịa (nhà máy nhiệt chạy bằng hơi đốt thiên nhiên lấy từ mỏ ở ngoài khơi VN) nghe đâu công trình to lớn nhứt và tốn kém trên tỉ mỹ kim lận, và tuy văn phòng anh Tòng làm đặt tại lầu tư của 72 Hai Bà Trưng, nhưng có tên nghe lùng bùng lỗ tai là "Tổng Công ty Điện lực Việt nam", địa chỉ như sau: Nguyễn Thanh Tòng, Trưởng phòng Kỹ thuật và Giám sát Công trình, Ban Quản lý Nhà máy Phú mỹ, Bà rịa, Lầu 4, 72 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP/HCM, điện thoại 251-403, để quí anh chị thân hữu tiện bề liên lạc. Nay anh cũng tạm an ổn làm việc cho Điện lực và phục vụ đã hơn 25 năm, lương bổng gần 700 ngàn đô la bác hồ, trong khi con gái anh mới ra trường đi làm việc lương đã được hơn triệu đô la bác hồ. Anh Tòng cùng tôi tâm sự và hàn huyên những lần đi cùng nhau công tác (bị đày) ở Quảng lợi, An lộc, Nha trang, Đa nhim, v... v... và c 1ẵng có nhắn nhủ lời thăm đến các anh chị thân hữu điện lực cũ, nhứt là nha Trang bị, nha Địa phương, và bạn già Ngô Minh Thuyết. Ảnh cũng hy vọng nếu Mỹ thầu được công trình đó là anh Tòng có lẽ sẽ sang tham quan phe ta đó. Ảnh hy vọng như vậy vì ảnh đã được đề cử đi theo các cán ngố trong phái đoàn tham quan Âu châu như ý.

Hiện tại ngành điện nói chung, các anh chị em cũ của Công ty ĐLVN hầu như đang được tái sinh hay tái sử dụng tuy so thời gian đã quá cũ (vì lớn tuổi và già trong âu lo) đa số đều được nâng chức nhưng hầu hết là chức sắc gánh gồng đỡ nặng, chớ không có chức vụ làm bia ăn có ó không như các cán ngố. Các chuyên viên kỹ thuật Hà nội chỉ để ngồi chơi làm cảnh thôi, chả biết cái gì ráo trọi làm sao mà làm việc. Đó là chuyên ngành mà như vậy đó. Ngày nay tuy thấy đường điện cao thế bắc nam và các công trình thủy điện mọc lên lung tung, cái trong nam cái ngoài bắc, miền trung, nhưng Sài gòn và các tỉnh (tôi có về VL) tôi vẫn thấy gần như không ngày nào là không có cắt điện, không lâu thì mau, vậy thôi...

Mong một ngày nào đó Thân hữu điện lực VN sẽ có thể họp mặt hàng năm tại cái nôi yêu dấu của mọi người trong chúng ta... Trong dịp về VN tôi cũng đã có kể cho các anh Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Văn Lực và Nguyễn Thanh Tòng nghe về kỳ họp năm nay ở SF, các anh ấy cùng chia vui với tất cả trong gia đình ĐLVN cũ và không quên nhắn lời thăm hỏi các quí vị lãnh đạo cũ như Ô.B. Hồ Tấn Phát, các ông Giám đốc cũ và quí anh Quân, Thuần, Dũng, Thụy, v... v...

HOÀNG GIA THỤY tường trình từ Bắc Cali (Hercules, California):

Tin Họp Mặt THĐL Hải Ngoại:

Như đã thông báo trên bản tin THĐL 14/1994, đại hội THĐL Hải ngoại sẽ được tổ chức tại vùng vịnh San Francisco vào ngày 2 tháng 7, 1995. Bảy năm trước đây, Bắc Cali đã tổ chức họp mặt và được nhiều thân hữu và gia đình tham dự. Vì nhiều thân hữu các nơi muốn tổ chức họp mặt hàng năm tại vùng mình cư ngụ nên Bắc Cali cứ tưởng phải chờ đến năm 2000 mới có dịp đón tiếp các thân hữu. Khi việc tổ chức tại Úc châu hoãn lại vì lý do kinh tế Mỹ suy thoái, anh em ngại đi xa, mặc dù tại Úc các thân hữu như các anh Trần Đan Thanh, Trần Bá Lân, Nguyễn Thạch Ngọc, ... hoan hỉ nhận lời tổ chức như chúng ta đã thấy trong bản tin 14/94, nên khi được thông báo, Bắc Cali đã mạnh dạn đứng lên nhận lời tổ chức.

Để việc tổ chức được chu đáo, các thân hữu Bắc Cali đã bắt tay ngay vào việc. Một số lớn thân hữu đã tham dự buổi họp ngày 30 tháng 10, 1994, để ấn định chương trình, tìm địa điểm và phân công. Đặc biệt trong buổi họp mặt này có sự hiện diện của cụ Chu Hoành, một người từ lâu cổ động cho việc tổ chức đại hội THĐL hải ngoại tại Bắc Cali. Chu lão tiền bối thực tế yêu cầu anh em bàn ngay vào những chi phí sơ khởi để có thể các thân hữu Bắc Cali tự nguyện đóng góp như thư từ liên lạc, gửi giấy mời, thuê phòng họp tiếp tân ... mà không phải xin "trung ương" chi viện. Tuy niên kỷ đã cao mà cụ Chu còn nhanh nhẹn lắm, móc ví làm gương ngay. Ngày 8 tháng 1, 1995, một buổi họp mặt kế tiếp để đúc kết những diễn tiến, ba địa điểm là Berkeley, San Jose, và Hercules đã được tiếp xúc. Sau khi đến tận nơi xem xét, Hercules đã được anh em đồng ý thuê. Sau đây là một số chi tiết về địa điểm Hercules: Hercules là một thành phố nhỏ, dân số khoảng trên mười ngàn người, nằm sát xa lộ 80 khoảng 25 dặm bắc San Francisco, 70 dặm nam thủ phủ Sacramento, cách San Jose là nơi có nhiều đồng bào Việt nam cư ngụ, khoảng 90 phút xe. Phòng hội thuê là Community Center của City, rộng 5500 sp.ft, bên cạnh có hồ bơi, sân quần vợt, công viên, bãi đậu xe rộng rãi, và nhất là biệt lập với khu dân cư nên rất tiện cho những buổi họp cộng đồng. Sở dĩ chọn địa điểm rộng vì anh em Bắc Cali hy vọng kỳ họp mặt tới sẽ được nhiều thân hữu và gia đình, bạn bè các nơi tham dự. Anh em Bắc Cali dự trù sẽ có một buổi họp mặt nữa vào tháng tư, khi trời nắng ráo, như thông lệ hàng năm, nhưng lần này là để hoàn chỉnh những chi tiết cho đại hội họp mặt THĐL hải ngoại...

TRầN QUốC THÁI tường trình từ Bắc Cali (Oakland, California):

San Francisco Có Gì Lạ Không Toa?

Đại hội THĐL năm nay sẽ được tổ chức tại miền Bắc Cali và nơi đây được gọi là "Vùng Vịnh", nơi đây được đồng bào, thân hữu ta chọn làm nơi cư trú đông vào hàng thứ hai trên đất Mỹ, chỉ sau có Los Angeles - Orange County, Nam Cali. Vịnh San Francisco như một chiếc bình đựng nước đặt bên cạnh Thái bình dương (Thân hữu nào đến thăm San Francisco nếu có thiên lý nhãn sẽ nhìn thấy quê hương ta ở bên kia bờ Thái bình bao la). Bên trái vịnh hay West Bay là San Francisco nổi tiếng hoàn vũ với cây cầu Golden Gate đỏ sừng sững trên nền trời xanh, nối liền với Marin County có Sausalito, Tiburon, ... đáng đến, đáng xem. Bên phải vịnh tức East Bay là Alameda County được biết nhiều với Oakland, Berkeley, ... qua lại bằng cây cầu Bay Bridge, cầu treo hai từng dài trên 10 cây số, cầu này cũng vĩ đại nhưng không nổi tiếng bằng cầu Golden Gate, kỳ động đất 89 đã làm sập một nhịp trên 30 mét về phía Oakland. Đáy vịnh là Santa Clara County với San Jose được gọi là Silicon Valley, các nhà báo di tản đặt cho một cái tên mỹ miều là "Thung Lũng Hoa Vàng", Thủ đô văn hóa Mít tị nạn.

Để tiện việc di chuyển, ngoài hai cây cầu kể trên còn có các cây cầu nối hai bờ vịnh như cầu San Mateo (15 cây số), cầu Dubarton, và cầu San Rafael. Từ đáy vịnh tức Santa Clara - San Jose đi San Francisco có các xa lộ 101, 280, và đi Oakland, Berkeley có các xa lộ 680, 880, và nối tiếp vào xa lộ 80 đi Sacramento. Muốn đi một nửa vòng vịnh bằng xe hơi và chỉ chạy trên xa lộ thì cũng mất khoảng hai tiếng. Hai đại học Stanford và Berkeley ở Bắc Cali được xếp vào hàng những đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ, tại đây cũng đã có nhiều con em Việt nam đã tốt nghiệp hoặc đang theo học (kỳ họp mặt là một dịp tốt để các thân hữu dẫn các cháu đến tuổi vào đại học đi thăm các trường sở tại đây)...

Những thân hữu chưa một lần tới vùng vịnh chắc sẽ thắc mắc hỏi rằng "San Francisco có gì lạ không toa?" Anh em hướng dẫn sẽ hỏi ngược lại "Này, ông định ở đây bao nhiêu ngày, nếu ở một vài ngày thì chỉ nên đến luận kiếm bên chân cầu Golden Gate mà thôi, nếu có bị ra chầu rìa sớm thì cũng còn thì giờ ngồi xơi ... bia, ngắm trời mây, còn nếu ông ở lâu hơn thì San Francisco có nhiều cái lạ lắm chứ, ... ông cứ đến rồi sẽ biết."

Tháng 7 là mùa hè, quý thân hữu sẽ được hưởng "Mưa Sài gòn, Nắng Cali", dù đi chơi San Francisco có thể bằng xà lỏn, áo thun, nhưng nhớ mang theo áo khoác cho ấm vì thời tiết thay đổi nhiều lần trong ngày: sáng mát, trưa nóng, chiều lạnh và sương mù, có làn mưa bụi nhè nhẹ rơi như mưa phùn ngày xuân ở Hà nội. C Cý người nói một ngày mà có thời tiết bốn mùa, đây cũng là một cái thú vị của San Francisco, nhiệt độ trong năm luôn luôn vào khoảng 40 tới 80 độ F. Nói chung thì vùng vịnh San Francisco là nơi đáng phải đến, đáng phải thăm viếng ít nhất một lần trong đời, ... đến mà có phải bỏ lại tình cảm, bỏ lại con tim ... "còn trinh" như Tony Bennett thì cũng nên đến, và sau cùng, nếu có phải bỏ ... ví lại tại đây thì cũng nên hỉ hả ra về, vì THĐL vùng vịnh đầy đủ các tay chơi tốt nghiệp từ Việt nam, tu nghiệp nhiều khóa Reno, Las Vegas, sẵn sàng trấn lột các con nhạn la đà ... mang chuông đi đấm San Francisco. Cổ nhân ta đã nói "Thua đâu cũng vậy, thua anh em nhà (ở San Francisco) vẫn hơn!

NGUYỄN THIỆP tường trình từ Bắc Cali (Oakland, California):

... Chúng tôi vẫn làm việc cho Khu Công chánh 4 California. Sở chúng tôi nằm gần phố chính, bên cạnh cái hồ lớn. Mỗi ngày chúng tôi có hai lần nghỉ xả hơi 15 phút, ra đi bộ dọc bờ hồ để tập thể dục theo lối làm biếng. Vừa đi vừa nhìn sinh hoạt của hàng trăm hải âu, vịt trời, chim biển, ngan, ngổng, và các thuyền thể thao bơi lội trong nắng. Đôi khi buổi trưa nhịn ăn, đi bộ một vòng hồ 3 dặm.

Công việc làm thì rất chuyên môn,làm lâu quen thành dễ dàng, không có cái mà thiên hạ gọi là "stress, pressure." Việc cứ đều đặn, không quá bận mà cũng không quá rảnh rang.

Thành phố tôi ở có khu Á đông khá lớn, thực phẩm Á đông phong phú, dân VN cũng khá đông. Có ít nhất 7 tiệm phở, năm ba tiệm nhậu, và rất nhiều tiệm ăn VN. Thỉnh thoảng buổi trưa chạy xuống phố ăn tô phở về cũng kịp giờ làm việc. Anh em VN làm cho Khu 4 Công chánh này khá đông, có đến 60 mạng, 57 người là kỹ sư công chánh, điện. Rất thân thiết, hàng tháng rủ nhau họp mặt đi ăn trưa chung cuối tháng đông đảo, vui vẻ. Có ai đến, ai đi, đều có đãi đằng tận tình. Nhiều buổi trưa, anh em chừng chục mạng xuống phố ăn cơm Tàu, ăn chung 7, 8 món, còn ngon hơn tiệc cưới. Ăn xong muốn về nhà ngủ một giấc...

... Đời sống chúng tôi hiện tại xem như biếng nhác, tà tà, sáng vác ô đi, tối vác về. Có người cho rằng sống như vậy thì cũng như đã chết rồi mà chưa chôn. Nhưng chúng tôi thì nghĩ khác. Được bình yên, có chút tự do, không đói khát, không lạnh lẽo, thân thể không đau yếu nhiều, gia đình êm ấm, không ưu tư về tiền bạc, còn có công việc làm, thì đã là đại phước. Đòi hỏi nhiều hơn nữa thì trời sẽ phạt. Khi đó thì hối không kịp...

TRầN ĐAN THANH tường trình từ Úc châu (Fairfield, Australia) :

Đọc tờ THĐL mới hay là năm nay các bạn bên Mỹ gặp khó khăn về kinh tế đến nỗi cả trăm người phải bỏ cuộc không tham dự đại hội THĐL được. Thật là đáng tiếc và đáng lo ngại. Không biết rồi tương lai sẽ ra sao. Tôi cũng rất thông cảm là ngay tại Mỹ còn không đi được thì nói gì tới cái nước Úc khỉ ho cò gáy này. Vậy là chúng tôi sẽ không được cái hân hạnh đón tiếp các bạn năm châu bốn biển vào năm 1995 này. Thôi thì đành hẹn lại dịp khác, khi nào tình hình kinh tế sáng sủa hơn.

... Tôi vừa nhận được điện thoại của NTNgọc Melbourne cho hay ông BVLễ và phu nhân sẽ ghé Sydney ngày 12 và 13 tháng 11, 1994. Tôi sẽ liên lạc với các bạn ở Sydney về việc này. Thôi thì không tiếp được phái đoàn lớn thì tiếp phái đoàn nhỏ vậy.

Năm nay (94) Úc bị hạn hán nặng nề. Nắng đã rồi gió ào ào mà không mưa. Sydney bắt đầu giới hạn tưới cây tưới cỏ. Trong khi đó bên Mỹ thì lụt lội chết người. Thiệt là có một sự phân phối không đồng đều! Cách đây khoảng một tháng tôi có thấy ti-vi chiếu cảnh một cặp vợ chồng nông dân Úc ôm nhau khóc ròng vì bốn năm nay không thu nhập được gì, bao nhiêu vốn liếng đầu tư vô nông trại chưa kể một phần mượn của ngân hàng phải trả tiền lời! Chuyện này làm tôi nhớ lại thời gian đầu các năm 1980, lúc mà tôi đang ráo riết lo vượt biên, nghe người ta nói qua Úc làm nông dân là nhứt, có chánh phủ yểm trợ, ngân hàng cho vay tiền. Nghe nói có cặp vợ chồng nọ sau một năm làm ruộng có đủ tiền đem trả lại ngân hàng thì ngân hàng không chịu nhận, nói rằng vay trả trong mười năm thì không được trả trước thời hạn. Nghe vậy ai mà không mê. Cứ như là chuyện thần tiên! Qua bên này đụng thực tế lại càng thấm thía khía cạnh thần tiên của câu chuyện. Nhưng có một điều là những người làm bánh mì tại Úc phần đông đều khá cả. Ban đầu thì một lò rồi tăng dần lên hai ba lò, rồi năm sáu lò (xin lưu ý anh là tôi không có nói bốn đấy nhé)...

... Anh chắc là đang chuẩn bị ráo riết cho cuộc họp mặt THĐL sắp tới. Năm nay ở Úc chắc là chỉ có vợ chồng chị Song Hương qua Mỹ tham dự mà thôi. Vợ chồng anh chị HKNgọc cũng qua Mỹ nhưng vì kẹt công việc nhà nên sẽ không qua kịp dự họp mặt. Nhân vụ này tôi xin báo vài tin sốt dẻo:

1. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bạch, Nha Nhân viên CĐV, vừa tới Úc với đứa con gái út chừng một tháng nay. Anh chị Bạch đã có sẵn hai cháu (một trai một gái) tại Úc từ 1985. Tụi này có tổ chức họp mặt ở nhà anh Quan, có chụp vài tấm hình, sẽ gởi qua sau.

2. ÔÂng thân của BTCường vừa mất hôm tháng 4 (95) này.

3. Ngoài hai tin này, tôi cũng muốn rà lại với anh về tiền niên liễm của anh em bên này đóng góp để anh đăng trên tờ THĐL cho chính xác. Hồi tháng 2/95, lúc anh TSThực qua Úc, tôi có gởi tiền niên liễm cho anh như sau: Trần Bá Lân (AUS$) 45, Trần Duy Thành 45, Võ Cổn 50, Huỳnh Văn Thiết 100, Trần Đan Thanh 45, tổng cọng 285. Qua tuần sau tôi có gởi cho anh NT Ngọc AUS$43 là phần đóng góp của anh ĐK Quan. Tôi hy vọng là năm nay anh Quan không bị lọt sổ. Nếu có là lỗi tại tôi vì không hiểu tại sao lúc đưa tiền cho TSThực tôi lại quên mất anh Quan. Sau đó theo lẽ gởi money order cho anh thì tôi lại cao hứng điện thoại cho NTNgọc nói chuyện vòng vo một hồi tôi mới hỏi ảnh còn nhận tiền niên liễm cho tờ THĐL không. Ảnh nói ảnh vẫn nhận đều đều, đúng như lời chỉ dẫn trong THĐL. Vì vậy tôi mới có ý nghĩ gởi cho ảnh.

Nguyễn Công Thuần, Nguyễn Trọng Cảnh, Trần Trung Tính, Hoàng Gia Thụy, Trần Quốc Thái, Nguyễn Thiệp, Trần Đan Thanh