Vài Con Số
Thống Kê Tài Chánh THĐL
 
Trong khoảng 13 năm qua, các sinh hoạt thân hữu của chúng ta càng ngày càng khởi sắc, càng ngày càng phát triển tốt đẹp, nhất là hai sinh hoạt chính là Bản tin THĐL và Đại hội họp mặt hàng năm. Các đại hội họp mặt hàng năm thường do ban tổ chức địa phương lo liệu, nhất là vấn đề thu chi tiền bạc. Sau khi tổng kết vào giờ chót, nếu ban tổ chức có thừa thiếu tiền bạc chút đỉnh thì quỹ bản tin mới bao sau. Cho đến nay, phần lớn là quỹ bản tin được hưởng phần ... thừa! Riêng về quỹ bản tin (và tương trợ), ban phụ trách chúng tôi có một thống kê riêng về người đóng góp, lần đóng góp, kỳ đóng góp, và tổng số đóng góp. Bản thống kê này chúng tôi không phổ biến, chỉ có mấy thân hữu trong Ban phụ trách trực tiếp lo liệu sinh hoạt bản tin mới biết mà thôi.  

Trong bao nhiêu năm, chúng tôi, và có thể còn rất nhiều thân hữu khác, vẫn có một thắc mắc và ngại ngùng: phần đóng góp trung bình mỗi năm trong mấy năm đầu sinh hoạt là US$20, những năm sau này là US$30, cho mỗi thân hữu. Ngược lại, rất thực tế, mỗi năm mỗi thân hữu cũng chỉ nhận được có một tờ bản tin (không kể thỉnh thoảng có thêm vài cái thư tin tức lặt vặt). Như vậy thì, nói một cách rất thực tế, chưa kể công lao và thì giờ của những người phụ trách và những người đóng góp bài vở tin tức, tờ bản tin THĐL là một "tờ báo" thuộc loại đắt nhất thế giới.  

Chúng tôi để ý theo dõi và lập các thống kê chi thu để tìm hiểu. Và cho đến nay, sau 13 năm, chúng tôi coi như tạm có những con số trung bình cụ thể khả dĩ trả lời được điều thắc mắc và ngại ngùng nói trên. Bảng thống kê kèm theo đây ghi lại các con số thực tế, và từ đó chúng tôi làm một vài con tính. Kết quả là trong 13 năm qua, với 15 số bản tin THĐL, chi phí trung bình cho một tờ bản tin đến tay người nhận trên toàn thế giới là US$6.87 (chi phí in khoảng US$4-5, chi phí bưu điện khoảng US$2-3). Tỉ lệ trung bình số thân hữu có đóng góp tiền là 23.76% (1 trên 4.2 người). Như vậy có nghĩa là một thân hữu đóng góp tiền là bao luôn cho 3-4 người khác.  

Mấy năm sau này, chi phí nhà in (kể cả giấy) và bưu điện đã gia tăng vượt bực. Riêng chi phí nhà in thì bản tin THĐL đã được "nhà in Trần Thị Cúc" tính với giá "thân hữu", nhưng chi phí bưu điện thì hoàn toàn chúng ta không kiểm soát được. Bản tin được "nhà in Trần Thị Cúc" hoàn tất trên đất Canada. Chỉ có các bản tin gửi đến các thân hữu có địa chỉ ở Canada là được gửi đi từ Vancouver, Canada. Còn tất cả bản tin gửi đi Mỹ và các nước khác (khoảng 250-300 số) , thân hữu LQVăn phải "vượt biên" (ôi vất vả tấm thân... già!) mang sang đất Mỹ (Seattle, WA, cách Vancouver độ 3-4 giờ lái xe) để gửi qua hệ thống bưu điện Mỹ, rẻ hơn và ít đình công hơn bưu điện Canada. Các bản tin gửi ra ngoài Bắc Mỹ (ra khỏi Mỹ và Canada, nghĩa là đi Âu, Úc, Á, và Phi châu) đều được gửi bằng máy bay (nguyên tắc này ban phụ trách chưa muốn thay đổi).  

Có một điều đáng lẽ chúng ta có thể kiểm soát được nhưng đã không làm được. Hay ít ra là đã không làm cho thật chu đáo. Đó là việc cập nhật địa chỉ các thân hữu. Báo chí gửi ở Mỹ và Canada, nếu gửi bằng hạng "bulk rate" (như các loại giấy quảng cáo), hay hạng tư (book rate), sẽ không được bưu điện tự động trả về hoặc chuyển tiếp nếu người nhận đã đổi địa chỉ. Gửi hạng ba (theo kiểu small package) đắt hơn một chút, bưu điện sẽ trả về với một lệ phí phạt người gửi. Hạng nhì dành riêng cho các loại báo và tạp chí chuyên nghiệp và định kỳ, hội đủ một số điều kiện nào đó. Chỉ có hạng nhất (giống như thư từ) là sẽ được tự động chuyển tiếp (nếu người nhận có khai báo địa chỉ mới với bưu điện) trong một thời gian nào đó (thường từ 6 tháng tới một năm), hoặc trả về cho người gửi mà không bị phạt. Nhưng dĩ nhiên, hạng nhất là hạng đắt nhất.  

Tại một số địa chỉ ở các chung cư, dù có ghi rõ số apartment hay số phòng, người đưa thư thường hay cứ vứt đại tờ báo ở chỗ các hộp thư công cọng. Nhiều khu rất đông người Việt, thường có hiện tượng nhà này cầm nhầm báo của nhà khác mà không giao lại. Do đó, nhiều khi các thân hữu không nhận được báo mà chúng tôi không biết, rồi kỳ sau cứ thế mà làm lại. Các thân hữu nào không nhận được báo mà liên lạc cho hay, chúng tôi sẽ gửi bù ngay. Cũng như thân hữu nào đổi địa chỉ mà thời hạn chuyển tiếp của bưu điện đã hết, nếu bưu điện trả lại với địa chỉ mới của người nhận, chúng tôi sẽ gửi ngay lần thứ hai và cập nhật danh sách địa chỉ. Nếu báo trả lại mà không có địa chỉ mới của người nhận thì dĩ nhiên chúng tôi không gửi bù được mà còn phải xóa địa chỉ cũ trong danh sách. Và kỳ tới đương nhiên tên thân hữu này sẽ được computer đưa qua danh sách mất liên lạc, không in ra nhãn (label) nữa. Báo gửi đi các nước khác bằng máy bay, do đó sẽ được bưu điện trả về nếu không có người nhận (và dĩ nhiên nếu không bị ... cầm nhầm).  

Như vừa trình bày và giải thích, do một chút thiếu chu đáo, vô tình chúng ta làm phí phạm một số tiền của cái quỹ vốn đã eo hẹp, làm phiền lòng những người sốt sắng đóng góp tiền bạc, và làm áy náy những người trong ban phụ trách. Chúng tôi nghĩ là các thân hữu cũng đồng ý với chủ trương của chúng tôi là chúng ta không sợ tốn kém, nếu cần phải tốn kém, miễn là tờ bản tin đến được tay người nhận. Những thân hữu sốt sắng đóng góp tiền bạc đã tỏ ra rất thông cảm cho các thân hữu khác vì một lý do và hoàn cảnh nào đó chưa thể đóng góp được, sẵn sàng chịu "chi" nhiều hơn một chút để bản tin có thể đến tay mọi người. Chỉ ngại là tốn tiền mà bản tin đi vào ... hư vô! Một ngày nào đó có lẽ ban phụ trách sẽ phải thay đổi chủ trương, có thể đặt ra một vài điều kiện để mà tiếp tục gửi báo. Chẳng hạn như trong một thời hạn 3 năm, nếu một thân hữu nào đó không liên lạc (thư từ, điện thoại, thiệp, tin tức, địa chỉ, bài vở, tiền bạc, ...) hay tham dự bất kỳ một sinh hoạt nào (quan hôn tang tế, tất niên, cắm trại, họp mặt, ...), qui mô hay địa phương, thì kể như thân hữu đó không muốn "chơi" với chúng ta nữa. Vậy thì đâu có lý do gì mà chúng ta cứ phải gửi báo cho thân hữu đó!  

Với các con số thống kê và các lời "tâm sự" trên đây, chúng tôi hy vọng giải tỏa được điều thắc mắc và ngại ngùng của mọi người, tất cả các thân hữu và ban phụ trách, nhất là các thân hữu đã sốt sắng đóng góp tiền bạc. Thân hữu nào có ý kiến, suy nghĩ, hay đề nghị gì, xin "đóng góp" thẳng thắn để chúng ta cùng thảo luận và tìm được một giải pháp tiết kiệm tốt đẹp nhất. Dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ muốn đặt vấn đề "để cho mọi sinh hoạt tự động phải chết", và chúng ta "tan hàng."  

Ban Phụ Trách  

(Lê Minh Quân, Lê Quang Văn, Nguyễn Công Thuần)