Thư Nguyễn Phan Anh, Paris, France :
... Hè 96 này mình và bà xã sẽ cố gắng tham gia tổ chức cuộc họp mặt THĐL qua sự cố gắng và cổ động của PHBình. Thế nào chúng mình cũng có dịp gặp lại nhau.
Phan Anh ơi, cậu nói mà cậu không giữ lời. Tớ qua tới Paris, nghe biết một số chi tiết tổ chức, vẫn mong gặp lại cậu và gia đình. Vậy mà cậu bặt tăm! Mong là cậu không bị chuyện gì emergency, mà nếu không phải chuyện gì emergency thì cái "tội" không đến họp mặt của cậu sẽ không có lý do gì để bào chữa được. Không biết có còn cơ may nào khác để mình gặp lại?
Thư Phạm Hữu Bình, Noisiel, France :
... Bình ơi, bao nhiêu thư của cậu tớ xài vào các mục khác thành ra không còn lời nào trích vào mục này. Tuy nhiên, tớ muốn có vài lời với cậu ở đây, để cám ơn cậu và toàn thể gia đình, đã hy sinh bao nhiêu thì giờ, tâm huyết, tiền bạc, tài sản, ... để cho tụi tớ có dịp đến Paris chơi với các anh em bè bạn cũ vài hôm. Muốn làm được những việc như vậy, phải có ít nhất một người chịu hy sinh, kể cả gia đình người ấy nữa. Cái vui anh em chúng mình gặp lại đã đủ sức đánh bạt hết các khó nhọc và đôi lúc bực mình của cậu. Cũng cái vui đó làm cho tớ và nhiều anh em khác nữa tìm thấy chút năng lực để tiếp tục duy trì các sinh hoạt thân hữu này. Một lần nữa, cám ơn cậu và gia đình.
Thư Nguyễn Công Chánh, San Francisco, California :
... Vào khoảng tháng 7/96 tôi có điện thoại về Việt nam được anh NHPhúc cho biết gia đình anh Nhựt gặp khó khăn cần sự giúp đỡ của bạn bè. Do đó, nhân dịp đi Canada ghé thăm anh Văn và Phong, và trên đường về có ghé thăm Thầy Phát, dự lễ cưới của con Thầy Phát, rồi sau đó về San Jose dự đám cưới con của anh TĐinh, tôi đã vận động anh em thân hữu đóng góp được $530 nhờ người mang về Việt nam giao cho anh Nhựt (danh sách đính kèm, có chữ ký nhận của anh Nhựt). Tôi rất muốn đi Âu châu một chuyến để thăm bạn bè và biết thêm cảnh lạ nhưng hơn mười mấy năm nay chưa thực hiện được. Công việc lu bu quá, ...
Cám ơn anh đã làm được một công việc giúp đỡ bạn bè cũ. Danh sách các thân hữu đóng góp giúp đỡ anh Nhựt được phổ biến trong bản tin này, mục "Sổ Tay Số 16", để thay lời mọi người cám ơn các thân hữu đã biểu lộ tinh thần "lá lành đùm lá rách."
Chuyến đi Âu châu vừa rồi dĩ nhiên là rất vui và rất cảm động, nhưng cũng rất mệt. Màn "luận kiếm" cũng hào hứng lắm nhưng tiếc là vì không có ... "kiếm sĩ thượng thặng." Tài năng cũ còn sót lại ở Âu châu bây giờ chỉ có một "Hồng Thất Công", năm nay đã ngoài "sáu bó" mà lại đang tập đi những bước "lăng ba vi bộ" của Đoàn Dự. Mong gặp lại anh và gia đình vào ... hè tới!
Thư Nguyễn Tranh Chiếu, Mountain Lakes, New Jersey :
... Năm nay ở đây tuyết rơi nhiều và đẹp quá. Trên anh chị chắc là ngập đường ngập sá, đi đứng khó khăn. Một trong những cái thú trên đời là ngồi ngắm tuyết rơi mà viết thư cho bạn bè, cố giữ mối dây liên lạc lỏng yếu dần vì năm tháng.
... Thân báo cùng các bạn là tôi sẽ về hưu non (55 tuổi) bắt đầu cuối tháng này (8/96). The company is restructuring and they gave a Voluntary Enhanced Retirement Package I couldn't refuse! I'm getting a new life! ...
Chiếu thân: Tớ không tin là cậu về hưu! Một người năng động như cậu mà làm sao về hưu ở cái tuổi 55 được! Về hưu có nghĩa là sáng dậy sớm uống trà và đọc sách thánh hiền, trưa chiều ra vườn nhổ cỏ tỉa lá bắt sâu, tối vừa xem ti-vi vừa dạy cháu nội ngoại học tiếng Việt, ... Hoặc là sắp đặt thì giờ để tham gia vào những hoạt động văn hóa xã hội, góp sức làm đẹp đời sống đồng hương và hàng xóm láng giềng, ... Hoặc là hoạch định chương trình đi đây đi đó, vừa du lịch vừa thăm lại người cũ chốn xưa, ...
Tớ chắc là cậu chỉ thay đổi "job" thôi! Và trước khi bắt tay vào job mới, cậu đã nắm chắc các quyền lợi từ job cũ. Và như thế là tốt rồi! Tớ mừng cho cậu, bởi vì từ nay cậu đi làm job gì cũng không còn bị "pressure", thích thì làm mà không thích thì "quit." Tuy nhiên, tớ muốn tâm sự với cậu đôi điều. Khi chúng ta nói đến từ "về hưu" thì tức là mình đã ... "già" rồi! Và do đó, dù có nghỉ ngơi thiệt hay đổi qua làm job gì khác, mình cũng phải luôn luôn nhớ là mình đang ở đâu, mình đứng ở vị trí nào, mình từ đâu tới, tại sao mình lại ở đây, xung quanh mình đã và còn có những ai, mình có nợ ai cái gì không, có ai còn nợ mình không, chuyện gì mình muốn hoặc nên làm mà chưa làm được, những hình ảnh và kỷ niệm nào nên giữ, cái nào nên quên, ... Từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ, từ chuyện quốc gia đất nước đại sự, qua chuyện đoàn thể phe nhóm, tới chuyện bạn bè đồng nghiệp, và cuối cùng là gia đình thân thích. Nói nôm na là làm "tổng kết đời mình"!
Riêng tớ thì tớ thấy rằng mình đã và còn nợ rất nhiều. Nợ lớn nợ nhỏ! Bỏ quê hương và gia đình chạy ra ngoài này, tớ coi như đã "quịt" nợ lớn, không làm sao trả được. Vậy thì mình đừng nên làm những gì để nợ thêm chồng chất. Còn nợ nhỏ? Với anh em bè bạn và với gia đình riêng của mình, tớ đã và đang cố gắng trả nợ, không phải chờ cho đến ngày về hưu thật sự, mà đã bắt đầu từ nhiều năm rồi. Và nhờ đó, dù tớ không nghĩ là có ngày mình có thể trả hết nợ, tớ vẫn tin là vào những ngày cuối đời, tâm hồn mình sẽ được bình an thanh thản hơn. Nghĩa là mình sẽ có thể "ngậm cười nơi chín suối"! Thay đổi do mình chọn lựa bao giờ cũng phải được một cái gì tốt đẹp hơn. Tớ có lời mừng cậu và chúc cậu có nhiều sáng suốt và gặp nhiều may mắn hơn trong các công việc trong tương lai.
Thư Nguyễn Sĩ Chính, Milpitas, California :
... Còn Trần Minh Nhựt (nhỏ) ở Úc cự nự quá "sao lại để tui ở Mỹ?" Nhựt nhỏ hiện ở tại ... Australia.
Năm ngoái cậu cho tin cậu gặp TMNhựt "nhỏ", nhưng cậu không cho biết địa chỉ. Tớ phỏng đoán là Cali. Rồi không thấy ai (kể cả Nhựt) liên lạc cho biết địa chỉ chính xác. Làm sao bây giờ? Địa chỉ cậu cho của Nhựt liệu bây giờ còn đúng không?
Thư Bùi Trọng Cường, Carindale, Australia :
... Hôm Noel chúng tôi có xuống Sydney và được các anh em tiếp đón vui vẻ lắm. Tôi đã có dịp gặp lại các anh Quan và Lân sau 30 năm. Ai cũng khác nhưng cũng còn phong độ lắm. Anh Đan Thanh có hứa là sẽ hô hào thành lập các THĐL tại các tiểu bang khác của Úc, cũng như tổ chức họp mặt các THĐL tại Úc, hy vọng vào cuối năm nay. Hy vọng sau đó sẽ là họp mặt THĐL toàn thế giới tại Úc. ở Brisbane ngoài tôi còn có Đinh Vũ Kỳ, Trần Văn Trực, Hùng, Thám, Vuợng, nhưng ở đây hơi lỏng lẻo nên có khi cả mấy năm không gặp nhau. Chắc anh Thanh phải đi một vòng hô hào thì may ra sẽ khá hơn...
Anh Cường ơi, cám ơn cái thư tương đối dài của anh. Các anh chịu khó đi xa gặp nhau, như thế là đã có sinh hoạt rồi. Dù ít gịp nhau vì "ngăn sông cách núi", nếu có liên lạc để biết mỗi người đang ở đâu, làm gì, gia đình ra sao, ... là quý hóa lắm rồi. Trong mấy người anh nêu tên ra, tôi không biết ĐVKỳ là ai, anh có thể giới thiệu thêm một chút không? TVTrực thì lâu lắm rồi có liên lạc với tôi một lần. Riêng Thám và Vượng thì chưa một lần liên lạc, mà THĐL cũng không có địa chỉ. Nếu anh tìm được anh làm ơn cho tôi hay. Nếu mà anh Thanh kêu gọi được để tất cả THĐL ở Úc phát triển sinh hoạt thì còn gì quý bằng. Nhất định là sẽ phải có một lần họp mặt toàn thế giới tại Úc chứ! Những chuyện khác anh viết trong thư, xin anh tìm câu trả lời của tôi rải rác trong bản tin này. Thăm anh và gia đình.
Thư Dương Thiệu Dụng, Silver Spring, Maryland :
... Sang năm sau tháng 3 tôi sẽ về hưu để trở thành senior citizen, ăn hàm social security.
Thưa anh, coi bộ năm nay có nhiều thân hữu ... về hưu! Nhiều người mới vừa chẵn 50 tuổi đã hưu, gọi là "hưu non." Chắc là các thân hữu đó sẽ xoay xở việc làm khác. Nhưng mà riêng anh, tụi này tin là anh sẽ về hưu thật. Vả lại anh cũng đã có job khác chờ sẵn ... ở nhà rồi! Xin chúc mừng anh và cầu mong anh có được những ngày nghỉ ngơi thoải mái "sau cả một đời làm việc."
Thư Nguyễn Tấn Đạt, Fairfield, Australia :
... Cuốn bản tin THĐL 1995 trông rực rỡ lắm, ngay khi nhận được tôi đã đọc "chăm chỉ" từng nội dung, kể cả "nội tướng" và con tôi tuần tự cũng thưởng thức, như vậy là không phụ lòng quý vị "cầm ngà voi." Xin cám ơn quý thân hữu... Phần hồi ký "Những năm sáu mươi" của Song Nguyễn gợi lại thật đầy đủ thời gian đẹp thuở ban đầu của CĐV. Tác giả đã lưu giữ được chính xác cơ cấu tổ chức và nhân sự thật đáng trân trọng. Có lẽ chúng ta đang mong đợi đoạn hồi ký những năm 75 về sau...
Cám ơn anh nhiều đã có thư thật dài. Và cũng xin cám ơn anh chị và các cháu đã bỏ công "thưởng thức" tới nơi tới chốn bản tin THĐL. Hy vọng năm nay bản tin này sẽ được nhà in làm cho rực rỡ hơn! Cho đến khi tôi ngồi gõ mấy dòng này thì tôi chưa nhận được phần hồi ký tiếp của tác giả Song Nguyễn, tuy cách đây mấy tuần tác giả đã có hứa là sẽ viết tiếp về những năm bảy mươi. Hy vọng là tác giả không có "hứa cuội!" Riêng về việc giúp đỡ gia đình anh Nguyễn Văn Trơn ở bên nhà xin anh cứ tự tiện thu xếp giùm. Lỡ tôi có quên làm ... báo cáo, thì xin anh ... nhắc giùm! Thăm anh và gia đình.
Thư Đào Hữu Hạnh, Garden Grove, California :
... Moa viết cho toa mà lòng đang rộn rã vì các tiếng thúc giục của bọn trẻ, chúng mời moa xuống hát. Ngày mai chúng giã từ dưa hành thịt mỡ để lăn xả vào "hamburger, hot dog" trong sở. Moa cảm thấy sao thoải mái cuộc đời quá, con cháu luôn gần kề, nếp sống an lạc ấm cúng. Nhưng moa không quên toa và gia quyến, có lẽ mấy ngày xuân phải đón tuyết trắng xóa một màu ... gì gì cũng đẹp cả, miễn là mình đang sống dưới một mái ấm.
... Moa gởi toa "cấu trúc" của gia đình moa vì moa nhớ ước vọng của toa là một quyển kỷ yếu có lý lịch của anh em mình. Moa xin nộp trước, và nếu chỉ có một mình moa nộp thì toa cứ xem đó là một sự đóng góp. Xuân còn đang tỏa ấm cúng trong nhà moa, moa thật sự để quên con tim và để quên thời gian. Hy vọng cơn "say" sẽ kéo dài như Quốc Văn Giáo Khoa Thư nói: Tháng giêng là tháng ăn chơi!
Hạnh ơi! Nhiều thư của cậu tớ lọc ra chia bớt giữa hai mục "Thư từ liên lạc" và mục "Sổ tay", bởi vì nhiều tin tức và sinh hoạt tớ muốn chia xẻ với các THĐL.  đây tớ cố gắng viết vài dòng cho cậu thôi. Chi tiết thì trong nhiều cuộc nói chuyện qua điện thoại chắc cậu biết rõ ý tớ rồi.
Đầu tiên là mục sinh hoạt THĐL Nam Cali: Tớ cũng nghe thấy dạo này anh chị em dưới đó hơi rời rạc, nhưng tớ không đến nỗi bi quan như cậu đâu. Chỉ là thỉnh thoảng trong cuộc đời của mỗi người, mình có thấy vui hay không, vui thì tới, mà không thì thôi. Hoặc là có công việc gì khác, vui hơn, cần hơn, thì bỏ cái này bắt cái kia.
Tuy nhiên như vậy cũng đã có sự thờ ơ, và nếu để lâu ngày có thể đưa đến tan rã. Việc cậu cho ra đời tờ Tin thư THĐL Nam Cali, tớ thấy là một việc làm rất tốt đẹp, rất nên, ít nhất là để nhắc nhở các bạn là "cái nhóm của chúng ta" vẫn còn đang có mặt. Có điều là ăn thua nội dung, nội dung những lần họp mặt tất niên cũng như nội dung tờ Tin thư, có làm cho các bạn bè thích thú, vui vẻ, thoải mái hay không? Nếu có thì chắc chắn là sẽ có nhiều người tới dự, nhiều người liên lạc tham gia. Dĩ nhiên cái nào thì cũng cần phải có người "đứng mũi chịu sào", có người xướng ra, có người liên lạc phối hợp tổ chức, nghĩa là có người chịu "hy sinh." Chỉ cần mỗi lần một người chịu lên tiếng thì đâu đó vui vẻ ngay. Mà người đó là bất cứ ai trong cái đám THĐL này. Cái bệnh thờ ơ là một bệnh rất hay lây! Khi mọi người đều thờ ơ thì đương nhiên tổ chức sẽ tan rã ngay. Nghe cậu tả về những ngày Tết ở Nam Cali mà tớ ... phát thèm! "Định mệnh đã an bài, Tý ơi!" Hoàng Hải Thủy đã viết câu đó từ lâu lắm rồi, bây giờ tớ chờ khi nào các cậu ở miền Nam Cali cho tớ có dịp về "ăn Tết" với các cậu thì tớ sẽ về. Việc thực hiện tập "Kỷ yếu" THĐL bao giờ cũng là mong muốn của tớ và một số rất ít THĐL khác. Nhưng vì quá ít nên chưa làm được. Thiếu tiền hay thì giờ thì tớ còn có thể thu xếp được, chứ tin tức cá nhân của gia đình nào thì chỉ có cá nhân và gia đình đó mới có thể cung cấp được.
Mừng cho hạnh phúc gia đình của cậu.Chúc cậu và gia đình nhiều sức khỏe và may mắn. Cố gắng góp phần gìn giữ và phát triển tình THĐL chẳng những ở miền Nam Cali mà còn cho cả toàn thế giới, bằng các sinh hoạt họp mặt địa phương và tờ Tin thư Nam Cali.
Thư Võ Văn Hoàng, Aix-en-Provence, France :
(Thư E-mail) ... Tôi vừa đi Cali dự đám cưới đứa cháu về hôm qua, được thơ và hình cùng E-mail của anh, cùng băng video của anh Hữu gởi; mặc dầu mở mắt không ra, tôi và cả gia đình cũng coi được đến 11 giờ khuya, thật là đã con mắt. Hình ... chụp hết sẩy, quá đẹp, thật là một kỷ niệm đáng giá cả ngàn vàng. Bà xã tôi trước ngày họp điện lực có nhiều lo âu, vì ngoài anh ra chả có biết ai hết, thế mà chỉ có mấy phút ban đầu ở Paris những lo lắng đều tan hết. Thế mới biết rằng THĐL thật là mạnh. Kể cả tôi nữa, 90% thân hữu tôi cũng không có quen trước.
... Anh chị Huấn có gởi thơ ... và đặt tên Aix "Ville d'Eau, Ville d'Art, Ville d'Amitié THDL."
Hoàng ơi! Lời viết đầu tiên của tớ cho cậu ở đây là lời cám ơn, không những của riêng tớ mà là của tất cả THĐL đã từ xa tới Aix để tham dự phần hai của đại hội họp mặt THĐL hè 96 ở Pháp. Hai chữ "cám ơn" chắc là không đủ để diễn đạt cái tấm lòng quý mến của các thân hữu đối với cái tình mà cậu và gia đình đã dành cho mọi người trong những ngày gia đình cậu đón tiếp các bằng hữu cũ. Dĩ nhiên, ai đã đến Aix thì sẽ nhớ đời và sẽ còn tìm dịp quay trở lại, ai không đến thì sẽ hối tiếc trọn đời, ai chưa đến thì sẽ nôn nao bồn chồn bứt rứt. Cũng phải "trách" cậu một lời là đã không cho tụi tớ có dịp leo bộ và xách nước lên nhà thờ "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp" ở Marseille để tụi tớ hiểu được cảm giác của NDĐức năm trước. Theo đúng chu kỳ vừa qua, tám năm nữa anh em trở lại Aix cậu chịu không? Thăm cậu và cả gia đình.
Sau cuộc họp những ngày đầu July 95 ở Hercules về, tôi cứ ngẩn ngơ, lẩm cẩm, nghĩ hoài không biết làm thế nào mà các thân hữu ban tổ chức Bắc Cali đã can đảm khắc phục mọi khó khăn để hình thành được một cuộc họp hàng năm của THĐL hải ngoại vĩ đại, lộng lẫy, và tốt đẹp đông đảo đến thế.
Từ cơ sở họp mặt đến việc xếp đặt ẩm thực thật là chu đáo hoàn toàn. Chúng ta phải khen ngợi nhiều và khen mãi. Dù có câu "mèo khen mèo" ... ta vẫn phải khen thật nhiều để mười năm sau ta làm được mười lần tốt đẹp hơn. Riêng tôi thì khó hy vọng được gặp lại các thân hữu sau mười năm nữa, nhưng tôi vẫn cầu cho mười năm sau chúng ta sẽ có những cuộc họp mặt mười lần huy hoàng hơn. Tuy nhiên, sau khi mong mỏi hàng tháng, rồi cũng nhận được cuốn THĐL 15, mở liền ra đọc. *ồ! Huy hoàng quá! Thật vậy, mở ra đọc các mục ở trong: in đẹp rõ ràng, lộng lẫy từng tờ một. Quý hóa thay, các anh trong ban biên tập vác ngà voi mãi vẫn vui vẻ không nề mệt, vẫn hàng năm cho ra được tập san THĐL, càng về sau càng tốt đẹp huy hoàng. Tôi cứ ngớ ngẩn, ngù ngờ, và lẩm cẩm viết đến hết trang giấy để kính phục tấm lòng hy sinh, bất vụ lợi của các thân hữu trong ban biên tập cũng vẫn chưa đủ nghĩa của hai chữ kính phục... Tôi rất cầu mong cho tạp chí THĐL hải ngoại sẽ cứ vững vàng cho đến số 200 - 300 và mãi mãi. Và tôi cũng rất mong cho các cuộc họp mặt THĐL vẫn cứ được tiếp tục không bao giờ ngừng...
Thưa cụ, con phải thú thực là kỳ này con hơi chùn tay khi trích thư cụ lên đây. Trích để phổ biến những lời khen tặng của cụ đối với chúng con thì sợ rằng có người bảo là "mèo khen mèo", như cụ đã viết. Mà không trích thì sợ làm phụ lòng cụ đối với nhiều anh chị em khác. Dù sao cũng xin chân thành cám ơn cụ.
Thư cụ tới hơi trễ thành ra phải đợi tới năm nay mới phổ biến được. Chúng con rất vui khi đã được gặp lại và vấn an cụ vào mùa hè 1995 ở Hercules. Năm nay cụ đã "thiều quang chín chục", nhưng chúng con thấy rằng cụ còn sẽ gặp chúng con ít nhất là một lần nữa. Cầu Trời khẩn Phật giúp cụ giữ được sức khỏe tốt đẹp, và cụ còn sống ngoài trăm tuổi.
Thư Nguyễn Khắc Huề, Tempe, Arizona :
... Cố gắng chịu đựng mùa đông giá rét để được nhìn thấy cái đẹp của hoa mai vàng nở đầu xuân, đừng than phiền vì phải xúc tuyết, chẳng bằng có người (ở Mỹ quốc) chưa bao giờ được nhìn hoa tuyết bay trong gió... Nhơn đây xin gởi anh chút cát bụi sa mạc để đắp nền thân hữu điện lực.
Anh Huề ơi, tưởng gì chứ nếu anh muốn ngắm hoa tuyết bay trong gió thì mùa Giáng sinh này mời anh chị sang đây. Bảo đảm có tuyết, có gió, có lạnh, có buốt, ... Mà cũng có nóng, có ấm nữa chứ! Với một điều kiện: sang đây, khi nào tôi hô đi là đi, không được ngồi ở trong nhà, anh chịu không? Mừng anh chị, năm nay gia đình tăng thêm nhân khẩu, và sẽ còn tăng lên dài dài nữa. Cám ơn anh đã tiếp hơi cho THĐL. Thăm anh và cả gia đình.
Thư Đặng Ngọc Hùng, Carina, Australia :
Đi làm về tới nhà, mở thơ thấy quyển THĐL số 15 thì cơn mệt trong ngày biến tan ngay. Phẩm chất báo kỳ này tốt quá, có lẽ tay nghề của các "cụ" đã "thành" qua 15 năm hành nghề.
Hôi đầu năm 95, TSThực qua Úc gấp rút thành ra không có dịp gặp mặt. Thời buổi này có GPS (Global Positioning Satellite) mà chàng Thượng sĩ nhà mình đi lạc hướng. Bộ Tư lệnh "hành quân" đóng trại ở miền bắc Sydney khoảng chừng 1000 km mà chàng Thượng sĩ lại đi về hướng nam, thành ra không tập trận được, và chỉ thông tin qua điện thoại. Cách nhau gần 20 năm nhưng khi nói chuyện vẫn nhận ra nhau...
... Đầu năm 1996, gia đình tôi có xuống Sydney chơi và tôi đã được dịp họp mặt với các thân hữu ở Sydney. Lâu ngày không gặp nhưng thấy mặt là vui liền. Nhân tiện gửi ảnh chụp các thân hữu ở Sydney để tặng anh và các thân hữu. Bao giờ thì họp mặt ở Sydney? Hy vọng là các anh không quên các bạn ở Úc!
Hùng ơi, sao cậu không bảo Thượng sĩ là nếu Thượng sĩ gọi điện thoại thì từ bên Canada gọi cũng được, việc gì phải sang tới tan Úc ... để gọi! Tớ mà sang được tới đó thì nhất định là tớ sẽ phải gặp cậu (mà nếu thấy trước là không thể gặp được thì tớ ... lặn luôn, không có phôn phiếc gì cả). Các cháu Khải và Trân bao nhiêu tuổi rồi, cậu cũng phải tính đường thỉnh thoảng ra khỏi "bếp núc" ít lâu chứ? Khi nào sang đây thì nhớ là bộ tư lệnh bên này đóng ở miền đông bắc. Hình chụp chung các bạn ở Sydney quý hóa quá, nhưng mà cậu không ghi hết tên từng người, nhất là các bà, làm tớ kẹt quá. Tớ chỉ nhìn ra chị TĐThanh thôi! Các thân hữu ở Úc mỗi năm ít nhất phải gặp nhau một lần như vậy, và mỗi lần gặp có thể hà hơi tiếp sức cho bản tin THĐL : bài vở, tin tức, hình ảnh, tiền bạc, ... Cám ơn các bạn nhiều lắm. Thăm cậu và gia đình.
Thư Mai Công Khanh, San Jose, California :
(Thư E-mail) Trong chiều hướng Internet nở rộ như hiện nay, tôi chợt có một ý kiến là chúng ta nên có một HOME PAGE riêng cho THDL, sau đó nếu bạn nào có Home page riêng, chúng sẽ được LINK lại với nhau. Ngoài ra nếu tất cả thống nhất được một FONT chữ chung, thì phần Việt ngữ (WYSIWYG) trên Home page của chúng ta không còn là một trở ngại nữa. Quý vị nghĩ sao?
Ý kiến của cậu đã và đang là một niềm mơ ước của tôi. Tuy nhiên việc thực hiện một "Gia trang" (Home Page) trên hệ thống "Liên Mạng" (Internet) không phải là một điều giản dị nếu không được hưởng ứng và ủng hộ về ba chuyện: tài chánh, thì giờ, và nội dung (tin tức, hình ảnh, bài vở, ...). Rút kinh nghiệm từ bản tin THDL bao nhiêu năm nay, sự ủng hộ cho cả ba vấn đề trên đều rất là giới hạn. Nhiều cái hầu như không có. Nếu bất cứ anh em nào làm được, cá nhân tôi sẽ đóng góp cả ba phần trên, mỗi thứ một chút theo khả năng và phương tiện của mình. Tôi không biết hết khả năng của các THDL về vấn đề này, nhưng trong danh sách THDL E-mail hiện tại, có lẽ thân hữu LQVăn là người am tường nhất.
Tôi đã chuyển các thảo luận của cậu và một vài anh em nữa cho LQVăn, và Văn đã trả lời bằng một bài riêng viết tay cho tôi, bài này tôi phổ biến trong bản tin này với tựa đề là "GIA TRANG", xin tất cả các bạn nào có thích vụ Home Page THDL thì nghiên cứu kỹ và góp ý kiến. Xin trao đổi E-mail cho thuận tiện và nhanh chóng. Danh sách THDL E-mail có phổ biến trong bản tin này.
Thư Bùi Văn Lễ, Cap d'Agde, France :
Đọc bản tin THĐL và đặc biệt mục thơ tín của anh, tôi cảm thấy có bổn phận phải giải thích về cuộc viễn du của tôi ở châu Úc.
Như anh nói, cuộc viễn du này hoàn toàn có tính cách cá nhân nhằm mục tiêu thăm viếng châu Úc và luôn dịp thăm viếng một người em mà tôi có dịp kề cận từ trường Cao Thắng đến Công nghệ và Điện lực, qua Hỏa xa và bộ Giao thông. Tôi muốn nói là Ngọc và gia đình mà tôi không có dịp liên lạc từ ngày người em này bước chân vào giới "công hầu" của Điện lực cho đến khi mất nước và lưu lạc nơi hải ngoại.
Được biết cậu em lập thân ở châu Úc và thừa biết là không có nhiều hy vọng cậu em qua thăm tôi nên tôi liều đi một chuyến thăm nó vậy.
Trước khi đi, ông Phó Khắn có bảo tôi thăm viếng các anh em điện lực nếu được. Ở Sydney 3 hôm tôi có được anh Thanh mời đi ăn cơm tối ở khu Việt nam ngoại ô Sydney. Tôi rất cảm kích thâm tình của anh và không biết bao giờ tôi có dịp trả lễ buổi cơm thân mật này. Anh Lân cũng có đến thăm tôi ở kháÙch sạn và dùng điểm tâm với tôi. Anh Lân tôi không có dịp gặp lại từ lúc tôi rời khỏi Nha Khai thác Địa phương của ĐLVN. Tôi rất mừng khi nhận thấy các anh em mình đều lập nghiệp ở xứ ngoài không thua kém gì dân bản xứ. Ngọc thì hoàn toàn phồn thịnh ở Úc châu và hưởng một cuộc sống hưu trí hoàn toàn vui vẻ và hạnh phúc. Tôi thấy nó phải cám ơn nhiều "bác và đảng" vì đã đưa đẩy nó đến một cuộc sống nhàn hạ mà ở VN, mặc dầu là công hầu của Điện lực, chưa chắc gì có một cuộc sống vật chất như vậy. Trong cái rủi có cái may. Đó là an ủi chung của chúng mình trong cuộc sống tha phương này...
Thưa Thầy, lần đầu tiên được thư dài của Thầy, mà thư lại viết rất hay, thành ra xin được chia xẻ với các thân hữu. Nhất là trong thư Thầy đã để lộ rõ cái tình của Thầy đối với anh chị em thân hữu, đặc biệt là Ngọc ở Úc. Chúng ta cùng trân trọng cái tình đó.(Nhờ Thầy mà bây giờ tụi này mới biết ngày xưa Ngọc là "công hầu" của Điện lực).
Từ khi gặp lại Thầy hồi hè 1985 tại cuộc họp mặt ở miền Nam Cali, rồi thêm một lần năm 1988 ở Paris, tới nay cũng đã 8 năm rồi mới gặp lại Thầy lần nữa ở Aix-en-Provence vừa rồi. Trông Thầy vẫn còn như trai trẻ, vẫn hăng hái và yêu đời. Nghe Thầy nói về đời sống của Ngọc ở Úc mà ham. Thôi thì cũng mừng cho Ngọc. Vậy mà hắn ta "kẹo", hè rồi hắn ta không chịu đi Pháp họp mặt THĐL và thăm Thầy đáp lễ. Cầu mong Thầy vẫn giữ được sức khỏe, niềm vui tươi, yêu đời, và hăng hái. Kính thăm Thầy và gia đình.
Thư Nguyễn Hữu Minh, Oakland, California :
... Sau cuộc họp mặt của THĐL, định viết thư cho Th. nói về cảm tưởng trong buổi họp, nhưng loanh quanh bận việc này sang việc khác thì tờ bản tin đã ra. Gặp lại các bạn bè cũ, rất mừng, nhớ lại những kỷ niệm hồi xưa, ...
Thưa Thầy, kỳ họp mặt hè 95 ở Bắc Cali coi vậy mà không có đủ thì giờ để Thầy trò mình có thể nói chuyện nhiều hơn. Tuy nhiên, lâu lâu được gặp lại Thầy, nhìn thấy hình dáng Thầy còn phương phi là tụi này mừng rồi. "Sau cơn mưa trời lại sáng", mong rằng Thầy đang và sẽ hưởng được những ngày về hưu nghỉ ngơi thoải mái và tâm hồn bình an.
Thư Nguyễn Khắc Nhẫn, Meylan, France :
... Tờ Thân hữu Điện lực, phần lớn nhờ sự đóng góp của anh, đã cho tôi nhiều tin tức của các anh chị em. Rất quý! Năm 96, nếu không gặp các anh chị em ở Paris thì ăn nói làm sao đây. Đang lạy Trời Phật cho tôi sức khỏe để có ngày tái ngộ trông đợi từ lâu trong tháng 7/96 này...
Thưa Thầy, cuối cùng rồi Thầy ... đã đến! Và như Thầy đã thấy, sự có mặt của Thầy đã làm cho buổi họp mặt THĐL hè rồi ở Paris sôi động hẳn lên. Suốt buổi sinh hoạt đó Thầy giống như là một chú rể, và trong bữa tiệc chiều, lúc Thầy đưa gia đình đi giới thiệu từng bàn, nhiều anh em đã ví Thầy Cô như một cặp tân lang và tân giai nhân trong ngày cưới.
Rất vui mừng và hân hoan khi gặp lại Thầy sau hơn 30 năm Thầy rời khỏi nước. Tình Thầy trò, tình bạn bè, tình đồng nghiệp, tình đồng hương, các kỷ niệm và tình nghĩa xưa cũ vẫn còn đầy ắp, hy vọng là đã làm lu mờ được các khác biệt do 32 năm xa cách tạo ra. Trông Thầy còn rất "tốt tướng", còn nhiều phong độ, tuy có hơi ốm một chút. Bây giờ về hưu, chắc là Thầy có nhiều thì giờ hơn để chơi thể thao, nghiên cứu kinh Phật, và cùng cô con gái Laurence luyện giọng ca tuyệt vời hơn nữa. Cám ơn Thầy đã tới. Ban tổ chức họp mặt kyø này không có hân hạnh được trao giải thưởng vì là ban tổ chức ... Paris!
Thư Hồ Tấn Phát, Beaverton, Oregon :
... Bản tin #15 thật hấp dẫn:
Bài vở phong phú; Thư từ liên lạc rất khéo và tế nhị, giữ được cảm tình thân hữu; Trình bày đẹp và in rõ ràng; Những chuyện vui nhỏ, đóng khung, rất được ưa thích để kể đi kể lại cho bạn bè nghe; Báo cáo tài chánh có thống kê cho thấy quản lý có phân tích rõ ràng và theo dõi; Hình ảnh nhiều và đẹp, làm tăng phần hấp dẫn bản tin. Đánh giá chung: A+
Đọc bản tin, có lúc mình được gọi là Hoàng thượng. Sự thật không phải vậy, nhưng thấy cũng vui thôi.
Thưa Thầy! Ngày xưa lúc còn ở CĐV mà làm báo cáo được ông TGĐ phê như vầy thì chắc cuộc đời người được phê đã "bay bổng trên chín từng mây." Xin cám ơn Thầy về các lời khen, đủ cả nội dung lẫn hình thức. Năm nay gia đình Thầy có đám cưới thành ra không được gặp lại Thầy Cô ở Pháp. Bù lại, tụi này được gặp lại nhiều giáo sư khác của Trung tâm Phú thọ ngày xưa, cũng như một số cấp chỉ huy cũ của CĐV. Năm nay, Thầy Cô về hưu cả rồi, chắc là có nhiều ngày giờ hơn, đề nghị Thầy Cô đi chơi tối đa, khắp thế giới, chỗ nào có họp mặt, có anh chị em nào mời mọc đám cưới đám hỏi gì cũng đi. Hy vọng sang năm gặp lại Thầy Cô ở miền Nam Cali!
Thư Nguyễn Văn Phước, Chantilly, Virginia :
Chúng tôi đã nhận được bản tin THĐL số 15/1995, do ông Lê Quang Văn gởi đến. Chúng tôi chân thành cảm tạ quý ông và toàn thể quý vị trong ban biên tập.
So với các bản tin trước, bản tin năm nay vượt trội: tựa đề tên bản tin hoa mỹ, các bài viết xuất sắc, đặc biệt có lời giới thiệu của ông về bộ sách liên quan đến điện toán mà ông Lê Quang Văn vừa hoàn tất. Chúng tôi hoan nghênh việc làm này của ông Lê Quang Văn...
Kính bác, xin cám ơn bác đã có lời khen tặng nồng nhiệt. Anh LQVăn có rất nhiều tài, nhất là các công việc dính tới sách báo và nhà in. Mời bác tìm đọc các tập sách do anh Văn viết, để nhìn thấy cái tài năng và cái tấm lòng của anh Văn. Kính thăm bác và gia đình.
Thư Trần Bạch Quang, Frankfurt, Germany :
... Những kỷ niệm ở Paris, ở miền nam nước Pháp thật là khó quên, mình nghĩ là chắc không bao giờ quên, những hình ảnh thân thuộc, đáng kính, chân thành, đầy tình người làm mình bớt cô đơn, tủi buồn ở xứ lạ quê người. Mình hy vọng sẽ còn có dịp gặp lại nhau, chẳng những một lần mà nhiều lần nữa để hiểu nhau nhiều hơn.
Quang ơi, cái xe Audi A4 của cậu chắc đã cọng thêm cả mười ngàn cây số cho cái hè vừa rồi phải không? Tớ nghe kể lại là nhờ cậu mà hai thân hữu họ Trần (có bà con gì với cậu không?) từ Mỹ đã được viễn du qua gần hết Tây Âu. Tớ chưa sang tới Frankfurt nhưng lâu lâu gặp lại cậu ở Bruxelles hay Paris là cũng quý quá rồi. Dĩ nhiên cũng phải hy vọng là một ngày nào đó sẽ tới tận cửa nhà cậu ở Frankfurt. Thăm và chúc sức khỏe cậu và gia đình, cố giữ cái tình thân hữu cho ấm để chờ lần gặp sau.
Thư Nguyễn Văn Sáng, Mont de Marsan, France :
... Được biết kỳ họp THĐL tới sẽ tổ chức ở Paris, tôi rất mong, vì trong dịp này tôi sẽ gặp lại được anh. Không vậy không biết đến bao giờ. Từ 20 ngày nay tôi chờ mãi để gởi thơ cho anh mà đình công khắp nơi, gởi thơ vào lúc đình công bị chôn dưới bao nhiêu tấn thơ, chắc đến cuối năm sau anh mới nhận được... Trong dịp họp THĐL kỳ tới, tôi sẽ sung sướng gặp lại được nhiều anh em khác.
... Cuộc họp mặt THĐL vừa qua có thể nói là rất thành công, nhưng quá ngắn đối với tôi, đã hơn hai mươi năm rồi mới được gặp lại anh em, lại chỉ có một số ít thôi. Thật ra, cả các anh em ở Paris, ở các tỉnh và Âu châu, tôi cũng không gặp được thường. Tôi ở tỉnh xa quá lại rất ít đi đâu. Gặp lại nhau vui mừng quá nhưng nói chuyện không được nhiều vì các anh bận hết, lo tổ chức buổi họp...
Anh Sáng ơi, gặp lại anh vừa rồi ở Paris sau 17 năm, tôi thấy anh còn "trẻ" hơn ngày xưa. Có lẽ ngày xưa bị "đì" quá phải không anh? Vừa hết bị ông Tổng đì, lại bắt sang bị tụi VC đì. Và bây giờ thì chắc chỉ còn có bà xã "đì" anh! Nhờ đó mà trẻ ra! Gặp anh có một buổi, lại bận rộn tùm lum với sinh hoạt họp mặt, với ban tổ chức, với đông đúc bạn bè xưa cũ, thành ra không nói chuyện được nhiều. Mong anh về hưu có nhiều sức khỏe, và có nhiều thì giờ để liên lạc với các anh em và đi đây đi đó. Thế nào cũng còn gặp lại nhau nữa!
Thư Lâm Thiết Thạch, Istre, France :
... Tôi hết sức cầu mong ơn trên ban cho anh nhiều sức khỏe thật tốt và nhiều điều kiện rộng rãi khác để anh có thể nuôi dưỡng món ăn tinh thần "Bản tin Thân hữu Điện lực" lâu bền hơn, vì đó là sợi dây liên lạc chặt chẽ và cuối cùng của tất cả anh chị em điện lực hải ngoại, đồng thời cũng là một mối dây liên lạc trong tinh thần anh em đồng sở với các bạn còn ở lại VN.
... Trở lại kỳ họp mặt mùa hè 96 vừa qua, vì lý do làm ăn và điều kiện chật hẹp, chúng tôi không đến dự được tại Paris, tuy nhiên chúng ta lại gặp lại đầy đủ tại Aix-en-Provence...
Anh Thạch, có đến nhiều năm rồi tôi mới có thư anh, hình như từ sau khi NMLinh mất. Hôm gặp lại anh tôi cứ ngờ ngợ. Sau hơn hai mươi năm, hơn một thế hệ, chúng ta ai cũng già rồi. Còn gặp lại được nhau, dù chỉ một lần, cũng là quý hóa rồi phải không anh? Tôi và vài anh em "bị tôi lôi kéo" vẫn cố gắng để duy trì các sinh hoạt THĐL này, nhưng mỗi năm mỗi mỏi mệt, rất nhiều lúc nản lòng, không biết các sinh hoạt này sẽ giữ được tới bao giờ. Cũng như anh và nhiều thân hữu khác, tôi không muốn rút về "ở ẩn", chỉ biết có đời sống của mình và gia đình. Tôi mong mọi chuyện suôn sẻ để hàng năm chúng ta có thể gặp lại nhau một lần, và ít nhất còn viết và đọc nhau một lần trên bản tin này. Cám ơn anh chị đã đến họp mặt ở Aix. Thăm anh chị và gia đình.
Thư Ngô Quý Thiều, Vienna, Virginia :
... Tôi đã nhận được chương trình chi tiết về cuộc họp mặt THĐL năm 1996 tại Paris và Aix-en-Provence do anh Bình gởi cho tôi. Tôi chưa dám trả lời vội vì không biết có thể tham dự được hay không. Bệnh tim của tôi từ gần một năm nay như đã được chế ngự, không có triệu chứng gì bất thường. Nhưng bệnh phong thấp của tôi đôi lúc làm cho tôi đi đứng không vững, ngồi lâu muốn đứng dậy phải khom lưng! Bác sĩ chuyên khoa của tôi cho biết là không thể nào trị được. Chỉ uống thuốc cầm chừng để bệnh không trở nặng, chứ không thể trị hết căn. Mỗi khi tôi đứng lên thì gân chân của tôi như muốn căng ra, ê ẩm đôi bắp thịt ở chân. Xương đầu gối vẫn bình thường. ông kết luận là tôi bị bệnh gân (nerve) nên tuần rồi ông giới thiệu tôi đến một bác sĩ khác về khoa "neurology." Tôi chần chờ để xem loại thuốc mới ông cho, uống có hiệu nghiệm chút nào không? Hơn nữa ông hẹn tôi hai tháng nữa mới đến "check-up" lại. Tôi ngại là bác sĩ mới sẽ cho trắc nghiệm lại về "X-ray" xương sống, xương bánh chè, xương đầu gối, đo tỷ trọng xương, cho thử máu. Tất cả các loại thử nghiệm đó tôi đã làm qua một hai lần, thử nghiệm lại chỉ mất thì giờ và tốn tiền bạc. Tôi đợi sau Tết, nếu loại thuốc mới uống không hiệu nghiệm, tôi sẽ tìm đến ông bác sĩ mới.
Nếu bệnh phong thấp của tôi khả quan, đến tháng 7/96 tôi sẽ đi Pháp để hội họp với các THĐL ở Paris và ở Aix-en-Provence. Tôi không thấy ghi trong chương trình đi Avignon, khoảng 50 km tây bắc Aix-en-Provence, để viếng nơi đặt Tòa Thánh của các vị Giáo hoàng Công giáo xưa vào thế kỷ thứ XIII, thiên đô từ Rome qua Avignon, giữa lúc tình hình chánh trị, xã hội, và kinh tế bị xáo trộn ở Ý đại lợi. Tòa Thánh đó đã tồn tại khoảng 70 năm tại vùng đông nam nước Pháp.
... Bệnh phong thấp của tôi kéo dài như vậy vì tôi chọn lầm bác sĩ ngay từ đầu. Sau hơn một năm trời điều trị, tôi đổi bác sĩ trị "rheumatology" sang bác sĩ trị "neurology." Bác sĩ mới này không cho tôi uống thuốc, chỉ bắt tôi áp dụng phép trị liệu bằng cách tập thể dục (physical therapy). Tôi đến Trung tâm Thể dục thuộc bệnh viện Fairfax và tập theo phương pháp của họ trong vòng hai tuần lễ, tự nhiên bệnh phong thấp của tôi khỏi hẳn. Qua tuần thứ ba, họ bảo tôi không cần đến nữa, đưa cho tôi một tập tài liệu và bảo tôi căn cứ theo đó mà tập ở nhà, ngày nào cũng vậy. Vì vậy cách đây hai hôm tôi mới có thể tham dự đám cưới con chị ĐTPhúc (cháu Lan) và đã gặp một số THĐL vùng DC, hay từ xa đến, như các anh chị TĐinh, LTTuyển, DTDụng, LTCăn, NVDi, NXGiễm, NĐHuấn, NCThuần, NVToại, ... Tối đó thật là vui.
Ngay bây giờ, tuy bệnh phong thấp của tôi đã khỏi, nhưng hai chân của tôi còn yếu không thể đi xa được. Đã đến đất Pháp, tôi phải cần có một "cặp giò" thật chắc để lên xuống phi cơ, chuyển hành lý lên xuống xe lửa, và đi bộ trong các hành lang của hệ thống métro ở Paris. Vì vậy tôi sẽ vắng mặt trong kỳ đại hội THĐL tháng 7 tới đây. Tôi lấy làm tiếc. Tôi xin gởi lời xin lỗi những bạn sắp tham dự đại hội. Tôi cũng xin cầu chúc cho đại hội thành công mỹ mãn!
... Cám ơn anh. Chúc anh chị đi họp đại hội THĐL ở Paris và Aix-en-Provence vui vẻ. Đặc biệt cho tôi nhắn lời chào hỏi các ông PVKhắn, NXThu, và phu nhân hai ông cựu Phó Tổng.
Kính anh, xin cám ơn anh đã có thư dài. Trích gần hết thư anh lên đây là để cho nhiều thân hữu được biết về tình trạng sức khỏe của anh, những thân hữu thường tỏ ý quan tâm về anh. Sau nữa là để làm kinh nghiệm cho các thân hữu về việc chọn bác sĩ, theo dõi cách chữa bệnh, và nếu có thắc mắc hay thấy cái gì là lạ thì phải xét lại cho sớm.
Mừng anh đã chữa lành được hai thứ bệnh quái ác (tim và phong thấp). Không có anh ở Pháp hè rồi, tụi này cũng rất lấy làm tiếc. Phải chi có anh thì chắc là tụi này được đi viếng Avignon rồi! Nói thế chứ, tụi này có được ban tổ chức dắt đi ngang Avignon, đi qua cầu Avignon, và có hát bài "Sur le pont d'Avignon", nhưng không có đủ thì giờ để ghé lại. Anh nói đúng, đi Paris mà cặp giò không chắc thì chỉ tốn tiền và thì giờ vô ích. Mời anh và các thân hữu đọc các bài tường thuật đăng trong bản tin này về đại hội THĐL vừa rồi để biết thêm chi tiết. Thăm anh và chúc anh sớm có lại "cặp giò" vững chắc.
... Hai mươi năm về trước lúc chúng ta còn ở nhà, mỗi lần bạn bè gặp nhau, câu chuyện đầu môi là vượt biên, mối lái đi chui, tin những bạn bè đã may mắn vượt thoát, ... Bây giờ tại xứ này những nơi có người Việt cư ngụ, từ tiệm phở, cửa hàng bách hóa, hay có một lúc nào đó ngừng chân lại trước một đám Việt nam là thấy hỏi nhau về chuyện về Việt nam, nhiều người lấy làm hãnh diện khoe mình đã đi về nhiều lần, khoe cái hay cái đẹp hiện nay tại Việt nam, khen sự phát triển của Việt nam ngày nay qua vài hình ảnh nhà cao từng, chỗ ăn chơi, khách sạn, ... Ngoài ra chúng ta cũng được tiếp xúc với một số bạn bè cũ "kẹt" ở lại, vì có những liên hệ gia đình với những người cọng sản nên đã được trọng dụng trở lại, hiện nay có mức sống cao, đã nổ "Bây giờ vui hơn trước tháng 5/75 xa..." Không thấy ai nói đến cảnh nghèo khổ của hơn 99% dân Việt đang sống dưới chế độ hà khắc, tham nhũng của cọng sản, ...
Riêng phần tôi, tôi rất thèm và nhớ quê hương, nhất là đọc các bài báo của các ông Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, nói về Hà nội với những câu chuyện và những địa danh trước 54 tôi đã từng sống ở đó. Những kỷ niệm sống dậy mãnh liệt trong tôi, nhưng biết đâu cứ ôm ấp và hoài niệm những kỷ niệm đó chẳng đẹp hơn là nhìn thấy sự thực. Khi xa Hà nội tôi mới là một cậu bé học hết năm đầu trung học, nhưng cũng bắt chước mơ mộng mối tình học trò không tưởng, khi ra đi cũng tưởng chỉ một vài năm là quay về. Tôi rất thích hai câu đầu của bài hát "Ngày trở lại":
Bao giờ trở lại quê hương cũ Để thấy em cười lúc nắng lên.
Bây giờ, 40 năm xa cách, nếu "em" có còn và sống trong cảnh lầm than thì nụ cười cũng chắc chẳng còn rực rỡ. Hà nội cũng vậy. Sau 40 năm chỉ thấy cũ và điêu tàn thêm. Nhưng dù có cũ và điêu tàn vẫn là một kỷ niệm đẹp. Chỉ tiếc là nó không còn nguyên vẹn hình hài, trở thành xa lạ với ta. Tôi nhớ cách đây lâu lắm, tôi có nói chuyện với anh HVPhong về việc trở lại thăm Việt nam, anh Phong có nói với tôi "Mình bây giờ như Lưu Nguyễn lạc thiên thai, có trở về thì tất cả cũng đã trở thành xa lạ với mình rồi, không còn tìm được những gì như mình nghĩ"...
Thụy ơi, hình như lâu lắm tớ mới được một cái thư tương đối dài của cậu. Mười năm? Mà lại có ít nhiều tâm sự! Tớ cũng có tâm trạng gần giống như cậu. Khác cậu là tớ còn cả đại gia đình bên tớ cũng như bên bà xã ở Việt nam. Tớ chưa một lần đặt chân đến Hà nội, nhưng hình ảnh về Hà nội nói riêng và miền bắc nói chung vẫn lởn vởn trong đầu óc và tâm hồn tớ qua bao nhiêu là sách báo từ thời Tự Lực Văn đoàn. Mười bài của ông Phan Lạc Phúc (cũng là Ký giả Lô Răng) thì hết chín bài làm cho tớ khóc. Thiên ký sự "Quê nhà 40 năm trở lại" của Phan Lạc Tiếp ngay từ hồi mới đăng từng kỳ trên báo "Ngày Nay" ở Houston đã làm tớ rơi nước mắt. Tớ chưa trở về chỉ vì cái hình ảnh "vượt biên" vẫn còn ám ảnh tớ. Nhớ ngày nào mình quyết tâm bỏ hết mọi thứ để trốn đi! Những lý do để mình phải trốn đi đó bây giờ vẫn còn y nguyên, sao lại có thể trở về?
Mấy năm nay tớ không còn gay gắt như hồi trước. Tớ thông cảm với một vài trường hợp. Tớ mặc kệ nhiều trường hợp khác. Nhưng tớ không tha thứ cho những người "áo gấm về làng", làm một người mù sờ voi (nhiều khi lại là voi giả) mà cứ bô bô như là hiểu biết tường tận. Cho đến giờ phút này, khi nghĩ đến quê nhà, tớ chưa thấy một tí gì lạc quan hết. Hè tới 1997, tin mới nhất là Nam Cali sẽ tới chu kỳ 6 năm để tổ chức đại hội họp mặt THĐL. Có thể khi số bản tin này sắp đưa đi nhà in, sẽ có thông báo chính thức của ban tổ chức. Thăm và hẹn gặp lại cậu và gia đình vào hè tới.
Thư Nguyễn Huy Tiên (và Nguyễn Mỹ Hòa), Sacramento, California :
... Báo THĐL kỳ này không những trình bày đẹp hơn mà nội dung đã "reach out and touch more THDL."
... Người trong hình 18, trang 83, không phải là th/h Mỹ Hòa. Tôi đoán thì hình như người đó là chị Dậu!
Cám ơn anh chị đã chuyển thư của của chị NX.Ý đã tiếp hơi cho THĐL, đã cho địa chỉ của Chu Tam Cường, và đã có lời khen bản tin THĐL một cách nồng hậu. Chị nói đúng, người trong hình 18 không phải là th/h Mỹ Hòa mà là nội tướng của th/h Dậu. Tôi không nhớ và không hiểu vì sao lại có sự nhầm lẫn này. Có thể vì hình đông và nhỏ quá, gặp lúc đèn đóm không sáng lắm thành ra nhìn nhầm. Hoặc là vì cả số báo 15 nói về ông Phó Trùm Dậu nhiều quá cho nên phải "giả vờ nhầm" ở đây cho bớt nhắc đến tên ... Dậu!
Cám ơn anh chị thêm một lần nữa, đã cùng anh chị NQHưởng cho tôi một bữa ăn cơm quê hương và một buổi tối nói chuyện đời (có cả THDục) rất là vui vẻ và đầm ấm trong ngôi nhà mới của anh chị ở Sacto. Tiếc là thời giờ không có nhiều hơn và cái bụng cũng không lớn hơn để có thể ăn hết mấy quả bưởi ở nhà anh chị. Xin nhắc anh chị là khi nhận được bản tin này thì cứ từ từ mà đọc, coi chừng "cháy nồi cá kho" nữa thì tụi này mang tội. Thăm anh chị và gia đình.
Thư Lâm Quang Tới, Bridgeton, Missouri:
(Thư gửi Phó Tể tướng LMQ) Hôm trước đi Chicago thăm đạo sĩ cắm cọc Trần Ngầu, mới hay đạo sĩ lâm trọng bệnh xương sống, mới biết địa chỉ của Phó Tể tướng. Lần sau cùng gặp Phó Tể tướng là tại nhà quàn Quảng đông ở Chợ lớn, lúc huyền thân của Tể tướng Thái Kế Khoa vừa từ giã lữ quán Ta Bà, dường như 1979 thì phải? Nhớ lại những năm tháng độc thân lưu lạc ở những công trường đường dây với các Quản đốc Thích, Bá, và các anh em đường dây, cũng mệt mà vui vui. Bây giờ dĩ vãng tìm đâu thấy, như áng mây chiều theo gió bay! Cho nó bay luôn... Các triều thần may mắn cũng nương theo cánh hạc bay lên vút tận trời. Trời Tây, Mà1ao từ đây xa cách mãi. Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi. Cũng may không rớt xuống làm bạn với cá mập. Còn kẻ ở lại thì rất ngậm ngùi nhìn lại, nước cũ duyên thừa chỉ có thế thôi, đá mòn râu bạc nước chảy hoa trôi. Thần nghĩ Ngầu đau bệnh hậu đấy Phó Tể tướng ạ! Vì hồi xưa Thừa tướng Phạm Long Thượng bắt Ngầu đi cắm cọc rải nọc đủ các nơi, nhất là cắm ở Cây số 9 Cam ranh lâu nhất, nên nay mang bệnh đấy. Chết dở! Chồn chân mỏi gối lụy anh hào. Sau tám tháng báo đời bà xã ... Phương, đạo sĩ bình phục và đã tái xuất giang hồ lại rồi. Đúng đời là vô thường, khổ không, vô ngã phải không Phó Tể tướng?
Hồi trước F-4 Phantom bay như chim ở quê hương mà đâu có biết hãng nào làm đâu; bây giờ làm cho nó mới rõ ra là đây, thủ phủ của đủ loại chim sắt. Giờ thì văn minh, tối tân lắm rồi. Xưa là F-4 chứ bây giờ lên đến F-18 và Super F-18 lận. Chim bay tàng hình chẳng sợ mưa gió là gì cả. Nắn chim cũng được mười một năm rồi. Ngày nào cũng lái chim mệt nghỉ.
Bây giờ trở lại trung tâm nắn chim đại bàng. Gởi lời thăm những người quen biết và những người không quen biết trong triều đình điện lực lưu vong. It hàng Phó Tể tướng rõ. Có đi TWA ngang phi trường St Louis MO., nếu phải sang máy bay, gọi cho thần biết, thần sẽ ra đón Phó Tể tướng về nhà chơi một chập rồi đi đâu thì đi. Có báo điện lực cho thần một copy để biết sinh hoạt của triều đình lưu vong. Đa tạ.
Anh Tới ơi, Phantom Super F-18 gì mà coi bộ "tắt máy núp trong mây" hay sao mà bây giờ mới xuất đầu lộ diện. Tụi tôi mất dấu anh chắc cũng cỡ ... mười năm, hồi trước hình như anh ở Iowa? Chúng tôi cũng đã kiếm được địa chỉ của TNgầu hồi năm ngoái, đã có gửi báo để liên lạc nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm.
Rất mừng liên lạc lại được với anh. Mong anh giữ liên lạc. Bản tin này sẽ tiếp tục gửi đến anh để làm công việc đó. Mỗi ngày nắn chim và lái chim, xin anh ghi lại những cảm nghĩ và tâm trạng cho anh em đọc với. Nếu mà anh muốn nhìn lại triều đình lưu vong thì mời anh sửa soạn sẵn để hè tới lái chim về trình diện Phó Tể tướng ở miền nam Cali. Thăm anh và gia đình.
Thư Lê Mạnh Trùy, Yokohama, Japan :
Cách đây mấy tháng, con anh Nguyễn Hữu Phúc (tên là Nguyễn Nguyên Minh) có qua Nhật học Ph.D. về ngành Xây dựng do học bổng Nhật tài trợ. Tôi có liên lạc với Minh và cũng có nhận được thư của anh Phúc. Giờ này ảnh cũng chưa về hưu (trong khi anh Tựu về hưu rồi) và đang là Quản đốc công trường trạm biến thế 500kV. ... Khó khăn nhất cho người định cư ở Nhật là nhà cửa. Vì đất hẹp cho nên giá mướn nhà cao mà diện tích thì chật chội. Vào giai đoạn đầu cả gia đình tôi chỉ mướn được một apartment nhỏ xíu hai phòng với giá 570 đô la một tháng. Sau này bốc thăm vào loại nhà cư xá chính phủ, diện tích gấp đôi nhà cũ mà giá mướn chỉ có 200 đô la... Nhận được thư của anh cũng như của anh Bình nhắc nhở tham dự buổi họp mặt ở Âu châu. Chịu thua anh ạ!
... Ông Ichikawa không biết giờ đang công tác ở đâu. Có vài tấm thiệp Giáng sinh gửi đi nhưng không thấy hồi âm. Còn anh Lượng và gia đình vẫn sống ở Chiba, Nhật bản. Cách đây hai tuần anh ấy có điện thoại đến, anh em lâu lâu vẫn liên lạc điện thoại để biết tình hình của nhau.
Trùy ơi, cám ơn cậu đã có thư dài. Tôi nghe tin con trai của NHPhúc đi học ở Anh, té ra là đi Nhật. Tôi có biết ít nhiều về tình hình nhà cửa đất đai ở Nhật. Một lần xem ti vi ở đây chiếu cảnh mấy ông Nhật độc thân thuê một chiếc giường đơn trong một căn phòng giống như trên một toa xe lửa, đi làm về khuya phải trèo lên và trườn người nằm luôn trên chiếc giường chứ không đứng dậy được. Còn nghĩa địa thì chôn người theo chiều sâu cỡ 10 tầng (hầm) và theo chiều đứng cỡ 20 tầng (lầu). Đi viếng mộ phải đi thang máy tới nơi. Coi bộ đời sống ở Nhật "căng" quá phải không cậu? Biết làm sao bây giờ? Thôi thì tự an ủi, người ta sống được thì mình sống được, chỉ cần dân Nhật đừng kỳ thị hoặc bớt kiêu căng thì đỡ rồi! ng Ichikawa mấy năm nay tôi cũng không có tin. Lần chót tôi nhận được tin (cỡ 2-3 năm nay) thì ông ấy đang ở bên Phi châu (hình như là Algérie), và ông ấy có cho hay là ông ấy có thể sang Hà nội cho một công tác khác. Mong cho cậu và gia đình sớm được "an cư lạc nghiệp" để anh em còn có cơ may gặp lại. Thăm cậu và gia đình.
Thư Hồ Văn Trượng, Gentilly, France :
... Đi dự được cuộc họp mặt hè 95 tại Bắc Cali tôi rất vui mừng, vì gặp lại được nhiều thân hữu điện lực sau hơn mười lăm năm ca cách. Tôi rất cảm động về sự tiếp đón nồng hậu và chu đáo của anh chị Nguyễn Thiệp. Anh Thiệp cũng là học trò cũ của tôi, lại có đi học tập cải tạo chung với tôi ở Long Thành hồi năm 75. ... Ở Pháp ba tuần nay có nạn đình công và biểu tình khắp nơi, làm nước Pháp bị tê liệt. Xe lửa, xe buýt, xe métro, bưu điện, đều ngưng hoạt động. Đó là do hai nghiệp đoàn công nhân lớn nhứt tổ chức: nghiệp đoàn CGT (Confédération Générale du Travail) chịu ảnh hưởng của đảng cọng sản Pháp, và nghiệp đoàn FO (Forée Ouvrière), một nghiệp đoàn độc lập. Họ tổ chức nhằm phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống an sinh xã hội (sécurité sociale) bắt buộc nhân dân phải thắt lưng buộc bụng để giảm bớt sự thâm thủng ngân quỹ của hệ thống an sinh xã hội, và kế hoạch cải tổ lại quy chế của hãng xe lửa SNCF cũng để giảm bớt thâm thủng ngân sách. Chánh phủ phải nhượng bộ phần nào, nên hôm nay họ bắt đầu hoạt động trở lại. Viện thống kê INIFE (?) vừa mới cho biết là cuộc đình công này làm thâm thủng thêm ngân sách vào khoảng 7 tỉ quan, và nạn thất nghiệp có lẽ lại tăng thêm.
Tôi nhận thấy người Pháp họ rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng cá nhân của họ mà không nghĩ đến quyền lợi chung của quốc gia. Pháp lại có một chế độ tự do dân chủ quá trớn, nên bị các nghiệp đoàn và phe đối lập lợi dụng để phá chánh phủ phe hữu. Khi nào nước Pháp có một đạo luật giới hạn quyền đình công và các cuộc biểu tình khi nó làm phương hại đến kinh tế quốc gia và trật tự an ninh công cọng, thì nước Pháp là một thiên đàng. Nhưng chắc còn lâu.
... Kỳ họp mặt ở Pháp, hy vọng gặp lại anh chị...
Thưa Thầy! Năm ngoái gặp Thầy ở kỳ họp mặt Bắc Cali, nghe Thầy kể chuyện tiếu lâm cười phun cả nước bọt. Năm nay gặp lại Thầy ở Paris, lại nghe Thầy kể chuyện một anh Tây qua Mỹ mua áo lót cho vợ bị bà bán hàng hỏi "What size?", anh trả lời làm sao mà ra là "fried egg", rồi tới chuyện "I want to fly" anh em cười bò lê bò càng. Thầy vẫn còn nhiều phong độ và "duyên dáng" lắm Thầy biết không?
Kể ra hè rồi các thân hữu điện lực chúng ta cũng hên lắm vì họp mặt đúng vào lúc cuộc đình công lớn nhất ở Pháp đã chấm dứt. Nếu mà còn thì chắc các tham dự viên phải ngồi nhà hoặc đi bộ nhiều hơn. Ở Mỹ cũng có nghiệp đoàn và đình công, tuy nhiên không nặng bằng các nước Âu châu. Hình như trong các ngành tiện ích công cọng (điện lực, y tế, điện thoại, hơi đốt, thủy cục, xe buýt, xe lửa, tàu bay, ...) , sau một thời gian đình công nào đó, Tổng thống Mỹ có quyền "bắt" phải đi làm lại.
Dẫu sao, Pháp cũng vẫn còn là một "giấc mơ" mà nhiều người chưa đến được. Cầu mong Thầy giữ vững sức khỏe để mỗi năm đến gặp các anh chị em thân hữu và kể nhiều chuyện tiếu lâm hơn nữa.
Thư Hoàng Tùng, Houston, Texas :
THĐL ở Houston tổ chức tất niên năm nay tại nhà anh NPHưng, tôi may mắn được chị ĐTNMai gọi điện thoại báo tin và mời đến họp mặt, dự tiệc tất niên. Tôi rất ngạc nhiên khi gặp anh NPHưng -- vì anh Hưng cũng là người quen biết, tôi đã đến nhà anh Hưng ăn tiệc cưới vào khoảng hơn năm về trước -- không ngờ anh cũng là một trong những thân hữu của gia đình điện lực VN tại hải ngoại. Nhờ dịp gặp mặt bạn bè, quen biết nhận lại nhau.
Năm nay THĐL ở Houston có những danh ca cây nhà lá vườn rất đặc biệt như anh NXTrường với giọng ca đầm ấm như ca sĩ Nhật Trường, anh LTMưu với giọng ca tình cảm, anh NPHưng với giọng ca điêu luyện, ... và các chị thân hữu với giọng ca oanh vàng ướt át; đặc biệt bài hợp ca "Ly rượu mừng" với sự cổ động của chị Hưng, các ca sĩ lão thành (ít khi hát) đã cố gắng với sự vượt thời gian, vượt âm giai, vượt âm sắc, tạo được một bản hợp ca rất là hồn nhiên, rất là sống động của tuổi lão thành sống lại tuổi trẻ thơ.
Tôi cũng rất cảm động được biết anh có đến Houston năm ngoái và hỏi thăm tôi, đồng thời thân hữu đã có đi tìm tôi. Đọc bản tin THĐL số 15/1995, trên mục thân hữu mất tích có tên tôi; như vậy đã hơn mười năm nay các anh vẫn đăng tin mất trẻ lạc (tên Hoàng Tùng), mà thật ra chúng mình nay chẳng còn trẻ gì nữa. Tôi được biết Hội THĐLVN tại hải ngoại vào năm 1980 khi gặp anh NTCảnh tại chợ Hương Việt ở Houston, sau đó tôi có liên lạc với hội THĐL một thời gian ngắn, rồi nhà tôi bị cháy phải thay đổi địa chỉ nên mất liên lạc.
Nay gặp lại các anh, tôi viết thư này để điều chỉnh địa chỉ và điện thoại liên lạc hầu các bạn bè muốn tiếp xúc có địa chỉ của tôi. Nhờ anh nhắn tin, tôi xin gởi lời thăm hỏi sức khỏe và chúc nhiều may mắn đến các thân hữu còn ở lại quê nhà như anh NMBàng, DCPhê, TTThiệt, ĐMPhú, NVChí, ... và các thân hữu làm việc ở Nha Khai thác Địa phương đường Hiền Vương, Sài gòn cũ.
Sau có lẽ 30 năm tôi mới được gặp lại anh. Lần này được gặp cả bà xã nhưng lại gặp ở trời ... Tây! Nếu không biết trước, thú thật tôi chẳng thể nào nhìn ra hay nhớ ra anh. Phải nhắc đến những ngày ở 278 Hiền vương thì mới nhớ lại được một mảng đời quá khứ.
Ở Houston có rất nhiều THĐL và rất nhiều người hăng hái trong việc sinh hoạt họp mặt địa phương, ít nhất một năm cũng cỡ hai ba lần. Mong anh tìm thấy nhiều tình thân trong những buổi sinh hoạt đó, và nhất là mong anh chị vừa lòng với các sinh hoạt trong kỳ đại hội họp mặt THĐL bên Tây vừa rồi.
Đi làm về, nhận được bản tin THĐL, vô cùng thích thú, tôi đã đọc hết bản tin tối hôm đó. Tôi xin thành thật cám ơn anh và các thân hữu đã gởi bản tin hằng năm cho tôi.
Thấm thoát mà gia đình tôi đã đến định cư trên đất Mỹ hơn ba năm, sắp trải qua mùa Giáng sinh thứ tư. Bước đầu quả đã gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm tôi gặp anh ở thương xá Eden, con người tôi quả đã có mệt mỏi và chán chường.
Ba năm trôi qua, tình trạng đã biến chuyển thuận lợi từ từ. Một mặt, nhờ sự giúp đỡ tinh thần và chút ít vật chất của các thân hữu, mặt khác nhờ sự chăm sóc của các em tôi từ Đức, từ Canada sang, đến nay đời sống của gia đình tôi tàm tạm ổn định, cố gắng vượt mọi khó khăn để hòa nhập vào cuộc sống mới, và tìm mọi dịp để sinh hoạt chung, thăm hỏi các thân hữu đi định cư từ lâu hay từ Việt nam mới đến.
Các thân hữu chúng ta còn gắn bó nhau là nhờ vào những kỷ niệm cũ trên đất nước Việt nam hay tại hải ngoại. Các kỷ niệm vật chất trên đất nước từ từ bị lớp người mới phá bỏ, do họ làm ăn luộm thuộm, cọng thêm việc thủ lợi cho mỗi cá nhân là trên hết của đám người mới. Giờ đây chúng ta chỉ còn gắn bó nhau là nhờ vào những kỷ niệm tinh thần đẹp đẽ của chúng ta. Tuy nhiên, Hội thân hữu chúng ta chỉ có tre già mà không có măng mọc, đọc bản tin thấy một số ít thân hữu từ từ ra đi theo định luật tự nhiên của vũ trụ, các thân hữu chúng ta càng nên thắt chặt nhau nhiều hơn để vui vẻ sống cho hết tuổi đời cùng con cháu và làm gương cho các cháu trong gia đình điện lực Việt nam. ... Một lần nữa, qua bản tin điện lực, tôi xin gởi lời thăm hỏi đến tất cả các thân hữu trong nước cũng như hải ngoại, và cám ơn các thân hữu đã thăm hỏi giúp đỡ gia đình tôi trong bước đầu định cư ở Mỹ.
Tụng ơi, được thư của cậu tớ mừng quá. Mừng vì thấy cậu vượt qua được cơn "khủng hoảng" của những ngày mới qua. Thú thật, khi tình cờ gặp cậu hồi cậu mới qua, nói chuyện với cậu và bà xã cậu một hồi, tớ thấy lo quá. Thấy cậu xuống tinh thần quá mà tớ không biết phải làm sao. Do đó mà cái thư dài của cậu đã làm cho tớ ... nhẹ người. Mừng cho cậu và gia đình. Kinh nghiệm của cậu cũng đã có nhiều người trải qua, kể cả nhiều người qua đây hơn mười năm rồi, và đến bây giờ vẫn chưa đâu vào đâu hết.
Tớ trích thư cậu hơi nhiều lên đây là để cho anh chị em biết tin tức và tình trạng của cậu hiện giờ, cũng như chuyển lời thăm hỏi và cám ơn của cậu đến các thân hữu đã có quan tâm và giúp đỡ cho cậu.
Việc THĐL tre già mà không có măng mọc, cậu nhận xét rất đúng. Đó là cái quan niệm và chủ trương của mấy anh em phụ trách các sinh hoạt thân hữu từ lâu nay. Tụi này quan niệm "Thân hữu Điện lực" là một nhóm những người đã từng làm các công việc có liên hệ đến ngành điện lực hồi trước ở quê nhà. Nghĩa là những người đã từng có một cái gì chung: học chung, làm việc chung, công tác chung, ... và từ đó có những kỷ niệm và tình nghĩa chung mà giờ đây còn muốn nhắc lại và gìn giữ. Sau khi thế hệ những người đó -- thế hệ chúng ta -- không còn nữa, các thế hệ sau (thứ hai và ba) không còn có những kỷ niệm và tình nghĩa đó, hay nếu có thì cũng chỉ còn phảng phất từ thế hệ thứ nhất rơi rớt lại. Lúc đó sinh hoạt THĐL như bây giờ sẽ không có ý nghĩa gì hết. Các thế hệ sau có thể sẽ có những sinh hoạt khác, phù hợp với hoàn cảnh mới hơn. Hy vọng một lúc nào đó cậu sẽ thong dong hơn để đến họp mặt tái ngộ một lần với bạn bè xưa cũ. Chúc cậu và gia đình nhiều may mắn.
Thư Nguyễn Hàn Tý, San Jose, California :
... Chúng tôi đã đi theo đoàn du lịch quốc tế gồm 43 người khởi hành từ Luân đôn đứng ngày Nữ hoàng Anh kỷ niệm ngày chiến thắng Đức 50 năm về trước. Sau đó chúng tôi đã vượt bể Manche tới vùng Calais nước Pháp và trực chỉ Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, và Amsterdam, thủ đô của Hòa lan. Chúng tôi đi trên chuyến xe bus chở cả đoàn tới Cologne (Đức), xuống đi thuyền dọc theo sông Rhin từ Boppard tới St Goar, tới tỉnh Mainz. Hôm sau đi qua Heidelberg thơ mộng, qua Strasbourg thuộc miền Alsace nước Pháp để vượt biên thùy vào tỉnh nghỉ mát Engelberg thuộc Thụy sĩ. Chúng tôi cũng đã đi du thuyền trên hồ Lucerne. Sau đó đoàn chúng tôi qua vùng Tyrol để tới tỉnh Innsbruck, nơi đã có lần tổ chức thế vận mùa đông. Chúng tôi đã tới Salzburg, nơi đã được quay nhiều trong phim "The Sounds of Music", rồi tới Vienne, thủ đô của nước Áo đi nghe nhạc Johann Strauss, rồi tới Venise đi thuyền Gondole, tới Rome thăm các di tích lịch sử của thời La mã và Tòa Thánh Vatican tới Florence thuộc ž. Sau đó đi dọc theo miền biển Merditerranée thăm Monte Carlo, Nice, và Cannes. Ngược lên phía bắc, chúng tôi đã qua Avignon để tới Lyon, rồi cuối cùng tới Paris... Chuyến du hành chấm dứt tại đây, nhưng chúng tôi còn ở lại Paris thêm 15 ngày nữa để đi thăm bà con và bạn bè.
Về phần sức khỏe, chúng tôi vẫn được bình thường của những người ở cái mức suýt soát bảy mươi, và vẫn cố giữ gìn để "thắng khỏi đứt trên đường đổ dốc", hy vọng giữ được một thời gian khá lâu nữa để có dịp đi chơi đây đó thăm bà con bạn bè. Các con chúng tôi nay chẳng còn đứa nào ở tuổi sinh viên hay học trò, và cũng may mắn là chúng đều có công ăn việc làm đều đặn. Thêm vào đó là 14 đứa cháu nội ngoại đang còn trong tuổi khôn lớn, đứa lớn nhất 18 nay vừa vào đại học, đứa nhỏ nhất 15 tháng cũng bắt đầu chạy được quanh nhà...
Anh Tý ơi, anh chị đi Âu châu trước chương trình họp mặt THĐL một năm. Do đó mà chắc là anh chị đã "thấy cảnh" nhiều hơn là "gặp người." Tụi này cũng có đi qua chặng đầu giống như anh chị, nhưng vì ít thì giờ quá thành ra không đi được chặng sau. Anh chị đi theo đoàn du lịch chắc đâu có được dắt tới xem khu "quartier rouge" ở Amsterdam, và chắc không được "rửa mắt" ở các tủ kiếng hoặc thưởng thức các màn trình diễn văn nghệ độc đáo ở đó. Lần sau anh chị có trở lại, nhớ gọi nhờ sự hướng dẫn của các thân hữu ở Paris và Bruxelles. Mừng anh chị đã vào "thất thập cổ lai hi", gia đình đoàn tụ, quây quần, hạnh phúc, và ấm cúng. Tuổi già về hưu mà được như anh chị là nhất rồi. Thăm và cầu chúc anh chị nhiều sức khỏe để còn tiếp tục tham dự các sinh hoạt THĐL với các thân hữu còn trẻ hơn.
Thư Lê Quang Văn, Surrey, Canada :
... Chúng tôi không mua thiệp Giáng sinh vì nhà băng cho biết "còn thiếu 2 hay 300 đô nữa sẽ thành tỉ phú, nên hà tiện!" Cũng không in thiệp vì không muốn tốn giấy, phải chặt thêm cây, cứu nhân độ thế (tôi dùng lại label của cậu là cũng vì lý do trên). May ra ở hiền gặp lành cứu nhân độ thế, mong cho những ngày "già" được yên vui!
Sau đây là tin THĐL: Sau 35 ngày gởi báo đi, tôi có nhận được 7 bản tin hoàn về. Xin cắt label gởi cho cậu. Có thể họ dọn đi, mà cũng có thể mình ghi địa chỉ sai. Tuy nhiên không có ai gọi điện thoại cho biết là không hay chưa nhận được.
... Hôm Tết, NVPhong tổ chức tiệc như mọi năm, đông đủ các anh chị em và các cháu tại địa phương: Đức, Hiệp, Hóa, Phong, Tùng, Viễn, Văn. Th/h NCChánh từ San Francisco có sang tham dự... Anh chị Viễn vừa lên chức ông bà ngoại. Cô gái lớn của anh chị Viễn vừa sanh cháu gái.
Nhân đây xin nhắc cậu:
1.Có thể dùng UUENCODE và UUDECODE để chuyển và nhận bản văn chữ Việt, nhưng có thể sẽ có vấn đề vì vài chương trình UUDECODE không tốt. 2.Mới đây công ty ACCENT có chuơng trình để xuất bản trên Internet với hơn 30 sinh ngữ. Tôi có hỏi khi nào thì có chữ Việt, họ cho biết thị trường chưa đủ lớn... 3.Tôi nghĩ là phương pháp của tôi đơn giản nhất. Bạn chỉ cần để Miniviewer trong NetScape là đọc được tài liệu trên Home Page, cũng như đọc được email gởi bằng chữ Anh nhưng có đính kèm (attach), bài viết bằng chữ Việt. Điểm quan trọng là mọi người nên mua software này.
... Hôm Phục sinh có NHTiên sang Vancouver dự conference, có ghé ăn cơm tại nhà tôi cùng với các anh chị ĐPViễn và NVPhong.
Văn ơi, Cậu lỡ một lần hẹn rồi đây nhá! Cả châu Âu và nước Pháp hỏi thăm cậu (và một vài người nữa), tớ không biết làm sao trả lời. Bỏ chuyến đi Tây, chắc cậu đã có đủ 2-300 đô để thành tỉ phú rồi phải không? Vụ gửi báo hàng năm bao giờ cũng có những tờ bị trả về, chuyện bạn ta đổi địa chỉ mà không thông báo đã trở thành thông lệ. Chỉ sợ có những tờ không tới tay người nhận mà cũng không được trả về.
Họp mặt tất niên Vancouver có 7 gia đình tại chỗ và một gia đình từ SFO, thế là xôm trò quá rồi. Vậy mà tớ chả nghe cậu kể gì về chuyện các thân hữu Vancouver góp tay vào tờ bản tin THĐL, kể cả bài vở, tin tức, thư từ, và tiền bạc. Uống bia nhiều quá nên quên hết anh em ở xa rồi chăng? Vụ email tiếng Việt hiện tớ đang bị "tẩu hỏa nhập ma", bởi vì tớ có quá nhiều liên lạc, nhiều kiểu cách, mà nhiều khi cái này gây conflict với vái kia (VNI, VNU, VIQR, VPS, Việt Vũ, ...) cho nên tớ phải rút bớt ra khỏi máy. Cậu viết cho một bài về cách cậu làm và đề nghị anh em dùng để gửi email và bài bằng tiếng Việt để hướng dẫn mọi người xài cho đồng nhất, cậu nghĩ sao?
Tớ mới vừa định thử lại Netscape để đọc Homepage của cậu nhưng vào "http://www.deepcove.com/inverness/cgminivw.exe" không được, làm sao download. Hay là cậu đã dời nó qua chỗ khác rồi? Thăm cậu và gia đình.
Thư (Bà) Nghiêm Xuân Ý, Fullerton, California:
(Thư gửi PHT) ... Cùng với thiệp này, xin anh cho tôi gửi lời cám ơn chân thành đến đại gia đình Điện lực đã ưu ái nghĩ đến anh Ý vào những ngày cuối của anh ấy. Lý do phải nhờ qua anh vì trong bản tin THĐL tôi không tìm được phần liên lạc thư từ và địa chỉ để gửi đi. Mến chúc toàn thể Thân hữu Điện lực một năm mới an khang và thịnh vượng.
Xin cám ơn chị Ý. Cầu mong chị và gia đình vượt qua được cơn sóng gió này và sớm hồi phục lại đời sống bình thường. Thăm và chúc chị và gia đình nhiều nghị lực, sức khỏe và may mắn.
================================================================= Ghi nhận : Ngoài các thân hữu có thư được trích trên đây còn có -------- một số các thân hữu khác đã có liên lạc về bản tin (NCT hoặc LMQ) bằng thiệp, bằng thư ngắn, bằng phiếu đổi địa chỉ, bằng chi phiếu đóng góp, bằng điện thoại, bằng e-mail, ... Xin cám ơn và xin ghi lại đây để ghi nhận : Trần Văn An (CA), Hà Thanh Bạch (TX), Nguyễn Mậu Bàng (Sài gòn, VN), Lê Văn Bảo (CA), Võ Kim Bình (CA), Tân Trung Cang (Halifax, Canada), Nguyễn Trọng Cảnh (MN), Lê Thúc Căn (DE), Nguyễn *ích Chúc [+ Trịnh Gia Mỹ] (CA), Cung Tất Cường (Sài gòn, VN), Nguyễn Thạch Cường (TX), Trần Văn Dần (Springvale, Australia), Nguyễn Văn Dậu (CA), Nguyễn Văn Di (PA), Trương Ngọc Diệp (OH), Trịnh Hữu Dục (CA), Nguyễn Trọng Dũng (CA), Trần Văn Đạt (Fredericton, Canada), Trần Đinh (VA), Hoàng Kim Đĩnh (CA), Trần Quang Đoạt (CA), Nguyễn Hữu Độ (IL), Phạm Thanh Đồng (CA), Ngô Duy Đức (WA), Trần Háo Đức (PA), Nguyễn Xuân Giễm (OH), Nguyễn Thị Kiều Hạnh (CA), Dương Thiệu Hiểu (Montreal, Canada), Lê Hựu Hoàng (Verdun, Canada), Đoàn Thị Bích Hồng (CA), Ngô Đức Huấn (NJ), Lê Hùng (CA), Nguyễn Giụ Hùng (CA), Nguyễn Phục Hưng (TX), Nguyễn Quang Hưởng (CA), Nguyễn Quang Hữu (Brussels, Belgium), Kha Tư Khải (Brossard, Canada), Từ Mạnh Khang (CA), Phạm Văn Khắn (Paris, France), Võ Ngọc Khôi (Edmonton, Canada), Vĩnh Kỳ (CA), Đinh Viết Lễ (TX), Nguyễn Thị Lộc (Stadthagen, Germany), Lê Văn Lợi (Mississauga, Canada), Đỗ Thị Như Mai (TX), Trần Ngọc Minh (TX), Lê Trọng Mưu (TX), Nguyễn Xuân Mỹ (TX), Đoàn Thị Phương Nam (TX), Nguyễn Thạch Ngọc (Avondale Heights, Australia), Nguyễn Văn Ngọc (Sài gòn, VN), Trần An Nhàn (Montigny Le Bretonneux, France), Nguyễn Hữu Nhơn (Montreal, Canada), Nguyễn Thiện Nữ (CA), Hồ Văn Phong (MA), Bà Đỗ Trọng Phúc (MD), Trần Văn Phúc (VA), Phạm Văn Quan (Montreal, Canada), Lê Minh Quân (CA), Nguyễn Văn Rong (Montreal, Canada), Võ Quang Sáng (CA), Hồ Văn Sáu (CA), Nguyễn Sáu (CA), Phạm Duy Sử (OH), Lê Quan Tâm (MA), Nguyễn Khắc Tâm (Thornhill, Canada), Trần Quốc Thái (CA), Đan Thanh (Fairfield, Australia), Võ Văn Thanh (VA), Huỳnh Bá Thế (Ratingen, Germany), Lê Khắc Thí (CA), Nguyễn Văn Thích (Brossard, Canada), Nguyễn Thiệp (CA), Huỳnh Văn Thiết (Kaleen, Australia), Đinh Duy Thịnh (Amiens, France), Phạm Huy Thịnh (CA), Nguyễn Văn Thông (WA), Nguyễn Xuân Thu (Creteil, France), Ngô Quý Đắc Thương (CA), Phạm Long Thượng (CA), Bùi Thọ Tiếng (TX), Trần Trung Tính (CA), Nguyễn Thanh Tòng (Sài gòn, VN), Lâm Dân Trường (Liege, Belgium), Đỗ Văn Tùng (Victoria, Canada), Lê Tấn Tuyển (VA), Nguyễn Bạch Tuyết (CA), Nguyễn Văn Tương (Les Ulis, France), Huỳnh Tỷ (Etobicoke, Canada), Kha Văn Tỷ (AZ), Tôn Thất Uẩn (London, England), Đặng Phùng Viễn (Surrey, Canada), Nguyễn Cường Việt (CA).