Theo
cổ lệ thì ngày hăm ba tháng
chạp là ngày cúng đưa ông
Táo. Năm nào nhuần thì Tết
tới hơi trễ. Nhơn dịp cuối
năm, xin kể lại vài kỷ niệm về
Tết ở miệt vườn để
các bạn nghe chơi.
Hồi còn ở dưới quê, hễ sau lễ đưa ông Táo là bắt đầu sửa soạn chuẩn bị ăn Tết. Nào là chùi lư đồng và mấy cây đèn măng sông, sơn lại nhà cửa và quét vôi miễu ông Thổ Thần. Nào là lau mộ bia, dãy cỏ và quét dọn mồ mả ông bà. Sau đó thì treo tranh Bá Phước Đồ, Nhị Thập Tứ Hiếu để nhắc nhở con cháu về đạo làm người: Thần Tĩnh Mộ Khang, Thần Hôn Định Tĩnh, Bá Hạnh Hiếu Vi Tiên mà! Tiếp theo là khuấy hồ dán mấy đôi liễn Tết bằng chữ Nho của các Thầy trong chùa viết tặng. Chẳng hạn như trong nhà mà ông bà cha mẹ còn sanh tiền thì: Phước Như Đông Hải, Thọ Tỷ Nam Sơn. Còn phía trước miễu ông Thổ Thần thì chúc như vầy: Thổ Vượng, Nhơn Tùng Vượng, Thần An, Trạch Tự An. Nếu trong nhà ai đi thi cũng đậu thì được tặng: Tấn Sĩ Vô Nan, Nan Giả Đồng Bào Tam Tấn Sĩ, Cử Nhơn Bất Dị, Dị Hồ Nhứt Thất Tứ Cử Nhơn! Hừng đông sáng mỗi ngày đều nghe tiếng chày quết bánh phồng vần công từ nhà này qua nhà khác. Tối lại là rộn rịp tiếng chày giã gạo, tiếng cối quết cốm dẹp. Rồi thì nấu nướng đủ thứ bánh trái và đồ ăn, đồ nhậu, ... Ngày ba mươi, gánh nước tưới cây cối xung quanh nhà cho phủ phê, cần nhứt là mấy cây mai và đám bông vạn thọ phía trước nhà. "Cũng phải cho nó ăn Tết chớ!" Chiều ba mươi Tết, cả nhà cúng rước ông bà. Dù con cháu có tha phương cầu thực ở nơi nào đi nữa cũng cố về hội hiệp sum vầy cho đủ mặt. Tới tối, mấy lu nước trước và sau nhà đều được châm thêm cho thiệt đầy. Đêm trừ tịch, uống trà và đàm đạo, thức luôn tới nửa đêm để đốt pháo và cúng đón giao thừa, rồi coi năm nay con gì "ra đời", nghe loại chim nào kêu đầu tiên vào giờ giao thừa để đoán biết mùa màng ruộng rẫy sang năm. Sấp nhỏ mười tuổi đổ lên đều được kêu thức dậy: "Các cháu dậy mà thưởng xuân!" Sáng mùng một Tết, cúng tân niên, mừng tuổi ông bà cha mẹ còn sanh tiền, và đi chùa lạy Phật. Yếu đức tin lắm cũng phải rán ăn chay ngày này. Cùng lắm thì phải đợi tới trời sụp tối mới được ngã mặn, "Tối Phật ngủ rồi mà!" Có một năm, sáng sớm mùng một, tay bưng dĩa bánh trái cây, tay cầm nhang đi xuống mé sông để cúng miễu ông Thổ Thần thì bỗng giựt mình: Cái miễu biến đi đâu mất! Một chập sau nghe đám con nít trở về báo cáo: "Cái miễu nhà mình nằm ở giữa đường cái, dưới ngã tư đó!" Thì ra mấy ông nhậu về nhà khuya, nổi hứng phá chơi! Mọi năm chỉ ghé ngang để trút mấy dĩa bánh trái vô túi rồi đi, lần này lại thỉnh luôn ông Thổ Thần du xuân! ... Sau đó phải nhờ tới bốn anh thanh niên lực lưỡng mới khiêng được cái miễu trở về. Đám con nít tụ theo sau vừa coi vừa cười nghiêng ngửa. Về tới chỗ cũng phải kê gạch, chêm ngói lại cho vững vàng, đầu năm đừng để bị quở: "Tụi bây làm sao mà tao mới bước vô ngồi, nó chạy chuồi xuống sông!!!" Qua mùng hai và mấy ngày tiếp theo, sau khi dọn mấy mâm cúng ông bà và đất đai viên trạch, châm trà rượu và lạy đủ ba lần "Tam Tuần Viên Mãn", xong xuôi là cùng với bà con và bè bạn ăn uống thả giàn, "Trước cúng sau ăn mà!" Trên mấy bộ ván ngựa thì tiếng ngưoi ăn nhậu ồn ào, dưới sàn mấy con chó cắn lộn giành xương, ngoài sân thì tiếng con nít khóc rùm beng giành giựt đồ chơi, ... Sau này lên Sài gòn đi học, rồi ra trường đi làm. Hễ năm nào không về quê để đoàn tụ và ăn Tết được thì sau Tết cũng có bánh trái và thơ gởi lên: "Chú nó có nhắn là năm nay không về được, vậy mà chiều ba mươi, má và mấy cháu cứ ngồi trước cửa trông chú cho tới tối mới vô nhà!" Các bạn ơi! Thật biết bao nhiêu là kỷ niệm về quê hương yêu dấu Việt nam! Mấy "sấp nhỏ" thời buổi bây giờ chưa chắc gì còn quan tâm tới những chuyện này. Khi các bạn đọc những dòng này thì chắc chỉ còn có mấy ngày nữa là tới Tết rồi. Sửa soạn đón thêm một cái Tết nữa nơi xứ người, xin chúc các bạn và gia đình một năm mới bình yên, mạnh giỏi, mần ăn phát đạt, nhứt bổn vạn lợi, gặp nhiều may mắn. Thơ bất tận ngôn. |