Áp Dụng "Triết Lý CỦ KHOAI"
Bài của Phạm Hữu Bình

Vừa rồi tôi đến vấn an lão tiền bối Hồ Văn Trượng. Lão Trượng cho tôi mượn một bài tựa là "Triết Lý Củ Khoai [1]." Bài này rất hay. Hay là vì trước đây vài tháng, lòng tôi bị dao động, nhỏ có, lớn có, dao động vì một chuyến viễn du. Nhờ có Thân hữu Điện lực, tôi được cái diễm phúc viễn du Bắc Mỹ, đi từ thành phố "Thiên thần" phía tây đến thành phố "Mỏ gà" (Mỏ=bec, Gà=kê=Qué; Mỏ gà=Québec) trên sông "Nhô răng" (St. Lawrence) phía đông. Cuộc đại viễn du này đúng là một giấc mơ trở thành sự thật.

Đi thăm cho biết bạn tình, Đi chơi cho biết tình hình Mỹ châu.

Xin nói về cái dao động nhỏ. Nói dao động thì hơi sai, đúng ra là "ếch ngồi đáy giếng", không biết bầu trời bao la. Ví như Nguyễn Trường Tộ đi Tây thế kỷ 19, thấy xứ người xe không ngựa kéo, đèn treo ngược, nước trong tường chảy ra, ... Phạm Hữu Bình tôi thế kỷ 20 đi Mỹ, thấy xứ này có "thiên lý nhĩ"! Bước chân vô đất Mỹ là thấy ngay: sau thủ tục nhập nội, máy bay cất cánh từ phi trường Philadelphia. An tọa vào ghế thì thấy trước mặt mình một màn ảnh nhỏ (máy bay đi từ Paris đâu có món này!), hai tay sờ soạng thì rút ra được ống nghe. Mò mẫm thì màn ảnh lại nhúc nhích lia lịa. Đọc kỹ, thì hóa ra nó xúi mình bấm nút. Bấm, thì nó biểu mình nhìn cái khe. Nhìn cái khe thì nó biểu mình bỏ tiền vô! Hơi do dự, thì nó niêm yết chỉ có 2,50$ thôi, dễ lắm, chỉ cần để cái thẻ vào cái khe và vuốt qua nhè nhẹ. Tôi bèn lấy cái thẻ ra, để qua cái khe, vuốt qua một đường lả lướt. Nó lại niêm yết: bây giờ bạn cứ tha hồ điện thoại. Tôi lại chợt tỉnh: nó sẽ tha hồ tính tiền mình!!! Nhưng đang thưởng thức món lạ thì ham quá! Tôi đã cắn câu từ hồi nào không hay! Tôi bèn thử bấm số Hoàng gia. Lại nghe được tiếng chuông reo! Rồi nghe được tiếng người! Rồi nói chuyện được với Hoàng gia chủ! Sướng quá! Tôi khen ầm cả lên : "Nước Mỹ văn minh quá cậu ơi!" Đấy, các anh chị nghĩ xem: tôi ở trên trời phương đông mà nói chuyện được với người dưới đất ở phương tây! Phải lui lại thời Tây du ký mới thấy Tề Thiên Đại Thánh có phép thiên lý nhĩ, mà hồi đó chỉ nghe thôi! Bây giờ nghe và nói nữa! Đúng là Mỹ có phép thiên lý nhĩ hay đúng hơn là thiên lý đàm! Chưa hết chuyện lạ! Còn chuyện cái núm nữa! Sáng ra, mắt nhắm mắt mở sờ nhầm cái núm, thằng tôi chới với mấy lần; lại có cái núm thứ ba, nằm phía dưới để cho nước nó phun ngược lên trên. Nhưng chuyện thằng ngốc sờ nhầm cái núm xin hẹn bài khác.

Nói về cái dao động lớn. Trước khi đi Mỹ, tôi tự thấy hài lòng với số phận mình (xem Bản tin THĐL số 15, bài "Số Hên"). So với người hàng xóm, tôi không hổ thẹn, thế là sướng rồi! Qua Mỹ, lại phát sinh ra tâm tư mới. Xứ Mỹ, cái gì cũng lớn:

Đất Thiên thần, xa lộ thênh thang, Tám hàng cùng lúc, giăng ngang một chiều!

Đường Bolsa có nhiều nhóm cửa hàng với đủ ngành nghề; các nhóm nối tiếp nhau trên nhiều cây số. Trong các tiệm ăn, lối đi rộng rãi, đâu có cảnh phải nép mình nhường lối như ở Paris.

Phở Tàu bay ở đây to lắm, To bằng cái chậu, chẳng dám điêu ngoa!

Giá cả thì lại bé, một "chậu phở" là 4,50$. Xứ tôi, một tô là 40F! 4,50$ phải đem so với 80F (16$) hoặc 120F (24$). Còn ly coca king size đố ai uống hết? Uống vô thì phải đi tè. Cái tiện nghi đi tè, xứ Mỹ là nhứt! Số là tôi phải đi tè rất thường, cho nên rất khổ sở vì món này. Qua đây khi cần là có ngay! Anh nào mà vướng phải cái bệnh của tôi thì mới biết cái khổ sở đi tìm và thưởng thức được cái nhẹ nhõm khi được tè! Ngược lại với lớn là bé. Giá cả xứ Mỹ "bé" lắm! Cái hôm tôi vào tiệm tạp hóa, tôi tưởng mình hoa mắt đọc nhầm: một bao gạo 50 lbs giá 15$. Phải hỏi lại hai người nhà khác nhau mới dám tin; xứ tôi giá là 239F (48$) cùng bao Phụng Hoàng AAA đó! Còn xăng thì hễ bên này người ta mua một gallon thì bên tôi, tôi mua được một lít! Mà một gallon tròm trèm bốn lít! Một tách cà phê, bên tôi giá từ 2,5F (máy bán) đến 6F (người bán) hoặc 15F (Café de Paris, Place Opéra); bên Mỹ này có nơi biếu không, biếu cà phê lẫn đường. Chuyện uống không phải trả tiền, lần đầu tiên tôi sửng sốt lắm, vì lạ quá! Lần sau mới dám uống một ly đầy!

Cà phê xứ Mỹ biếu không, Lần đầu không dám hỏi đường ở đâu!

Tôi thầm nghĩ: nếu tôi chuyển lương hưu trí qua đây, tôi sẽ có một đời sống ba lần sung túc hơn!

Sóng lòng nổi dậy từ đây, Thấy người sung túc tôi đây thèm thuồng!

Tôi lại để ý nghiên cứu nhà. Nhà Mỹ sao mà nó to quá chừng! Nào là living room, family room, dining room. Cái master bedroom mới là độc đáo: có cả một phòng tắm đầy đủ tiện nghi trong đó, dành riêng cho hai ông bà thôi; còn chỗ treo quần áo của hai ông bà thì rộng thênh thang, đi trong đó được! Mà đây mới có một phần của cái nhà thôi; còn mảnh đất xung quanh, ga ra thì để được hai chiếc xe, đường ngoài trước để thêm xe được nữa! Còn các phòng khác, còn phòng tắm khác, còn nhà bếp, còn basement! Phòng ơi là phòng! Hỏi ra giá cả, tôi lại thêm ngạc nhiên: 200.000$ cho ngần ấy tiện nghi! Xứ Noisiel tôi, ngần ấy tiền chỉ được cái nhà tí teo như nhà tôi thôi. Nhà tôi thì không dám mô tả, bởi vì bước ra là tới đường rồi! Mà đường tôi thì chỉ chạy được có một chiếc xe thôi!

Người ta nhà rộng nhiều phòng, Nhà tôi bé nhỏ nên mong nhà người!

Rời đất Thiên thần, đâu đâu tôi cũng được bạn bè dành cho cái ưu ái đón tiếp rất niềm nở. Và đâu đâu tôi cũng thấy nhà rộng, đẹp, đầy tiện nghi. Cả Canada cũng thế. Có nơi tợ như nhà Hoàng tử! Vancouver chẳng hạn! Cái "nghèo mà ham" nó cứ đeo đẳng tôi; cái master bedroom nó cứ ám ảnh tôi suốt hành trình. Trở lại đất Mỹ, có một lần tôi được ở trong một cái nhà phải vận dụng trí não mới phân biệt được các loại phòng; đây nhé: sun room, music room, study room, v.v... và v.v...; còn cái ga ra biệt lập cất được mấy chiếc xe, tôi hết biết đếm! Rồi một lần khác, tôi vừa để hành lý xuống, quay gót trở ra lối vào, lại lọt vô phòng khách. Tôi đi lạc trong nhà!

Ngày đi nhẹ nhõm ưu tư, Ngày về nặng trĩu tư ưu thèm nhà.

Về đến Noisiel, tôi đi tìm nhà. Nhà với master bedroom ở đây thì có, không lớn bằng Mỹ, nhưng giá cả lớn hơn nhiều. Vỡ mộng! Tôi bỗng nhớ lại bài hát "Túp lều lý tưởng" do Mai Lệ Huyền hát lúc thuyền tình vừa mới cập bến:

Từ ngày hai đứa yêu nhau Mộng ước thật nhiều ... Ta mơ một túp lều tình, Đời mình đẹp mãi với anh và em, Đời mình đẹp mãi dưới túp lều xinh, Túp lều lý tưởng ... Được voi đòi tiên: Nhà kiểu Mỹ, thôi đành vỡ mộng, Được voi rồi đòi kiếm tiên ông, Ba đào cũng bởi tại lòng, Phận này có thế, đèo bòng làm chi.

[1] Triết Lý Củ Khoai: bài của Nghiệp Thơ, đăng trên Bản tin THĐL số 3, tháng 7, năm 1985, trang 45-47 (Có phổ biến trên Lá thư  ái hữu Công chánh, hình như cũng trong năm 1985, ký bút hiệu Sông Đồng Nai).