Hành trình của PALCHINSKY

Những Mạo Hiểm Của Một Kỹ Sư Nga Chung Quanh Những Dự Án Khổng Lồ Và Những Đầu Óc Thiển Cận

Tác Giả: Loren R. Graham Người Dịch: Đỗ Văn Tùng

Trong một đêm giá lạnh vào tháng 4 năm 1928, công an chìm của Stalin đột nhập vào một căn gác ở Leningrad và bắt giam Peter Akimovich Palchinsky, một kỹ sư 54 tuổi. Vợ của Palchinsky từ đó không nghe được một tin tức gì về số phận của chồng. Cho mãi đến hơn một năm sau, vào ngày 24 tháng 5 năm 1929, tờ nhât báo Liên-xô Izvestiia đã đăng một bản tin ngắn rằng Palchinsky đã bị xử bắn với tội phạm là đầu não của lực lượng chống lại Xô- viết, âm mưu lật đổ chính quyền vô sản và mưu toan phục hồi chế độ tư bản. Palchinsky bị đưa ra trước đội hành hình mà không qua một tòa án xét xử nào.

Nhiều năm sau đó chuyện Palchinsky bị bắt giam và hành hình được Aleksandr Solzhenitsyn mô tả sơ lược trong tác phẩm Gulag Archipelago (LTS: Đã được Ngọc Thứ Lang dịch sang tiếng Việt từ trước 1975, với nhan đề "Quần Đảo Ngục Tù"). Solzhenitsyn ghi nhận rằng sưu tập về tài liệu cá nhân trong suốt 30 năm làm việc của vị kỹ sư nổi tiếng này đã bị tịch thu và biến mất trong bàn tay lông lá của công an mật vụ.

62 năm sau ngày Palchinsky bị xử bắn, vào tháng giêng năm 1991, nhờ những cải cách của Gorbachev, tôi được phép tham cứu những tài liệu lưu trữ của chính quyền Xô-viết mà trước đây các học giả chưa bao giờ được để mắt tới. Trong kho tài liệu này tôi bắt gặp một hồ sơ mang tên "P. A. Palchinsky" mà trong những tháng sau đó và qua ba chuyến trở lại Moscow tôi khám phá rằng đây là một nguồn tài liệu quý giá. Ngồi đọc những tài liệu này trong khi chung quanh tôi đất nước Liên-xô đang ly tán, tôi nghiệm rằng đây là giải đáp cho một trong những vấn nạn của lịch sử Xô-viết. Tại sao chính sách tối tân hóa kỹ thuật đã không mang lại lợi ích thiết thực cho Liên-xô như mong đợi ? Ngay từ lúc khởi đầu, lãnh đạo Xô-viết đã dồn mọi nỗ lực cho những chương trình điện khí hóa, kỹ nghệ hóa và chế tạo vũ khí, và đã làm giới quan sát phương Tây phải giật mình kinh ngạc. Hiển nhiên đã có điều gì sai lầm trầm trọng trong suốt hai thế hệ kế tiếp sau ngày cách mạng Nga. Giờ đây mọi người đều biết là những nỗ lực lớn lao của chính quyền Xô-viết trong cố gắng nắm vững và sử dụng khoa học kỹ thuật để làm lợi ích cho đất nước họ chung quy chỉ là những thất bại to lớn.

Cách giải thích thông thường là quy cho những hạn chế của chính sách kinh tế tập trung. Điều này chỉ đúng một phần. Như đã thấy, kinh tế Xô-viết đủ hữu hiệu để, vào những lúc huy hoàng nhất, tạo ra một cơ sở kỹ nghệ lớn vào bậc nhì thế giới. Lúc nào mà người dân Liên-xô còn tin tưởng vào hệ thống đó thì nó vẫn còn hoạt động tương đối khá hiệu nghiệm, ít nhất là khi so sánh với các nước chậm tiến khác đang cố gắng tối tân hóa đất nước của họ. Như vậy thì có sai lầm gì trong việc sử dụng kỹ thuật đã làm cho dân chúng mất niềm tin và hậu quả là sự thất bại? Câu chuyện về cuộc đời của Peter Palchinsky, và tư tưởng của ông ta về kỹ thuật và yếu tố kinh tế xã hội trong kỹ thuật, cung cấp một chi tiết quan trọng trong việc tìm kiếm giải đáp cho vấn nạn này.

Vấn Đề Người Lao Động

Như đa số những người trí thức trẻ tuổi Nga vào đầu thế kỷ 20, Palchinsky bị lôi cuốn vào những lý thuyết chính trị hứa hẹn một xã hội tốt đẹp hơn cái xã hội độc tài và nghèo đói nơi ông sinh ra. Sau đó không lâu chính Palchinsky trở thành nạn nhân của những niềm tin này. Ngay khi còn là sinh viên học viện Hầm mỏ ở St. Petersburg, Palchinsky đã bị cảnh vệ Nga hoàng để ý và liệt ông vào hàng "lãnh đạo phong trào" của những sinh viên cực đoan, chỉ vì ông ta đã có lúc là chủ tịch của hội đồng sinh viên trong một thời gian ngắn. Sự khó khăn chính trị này chỉ là khởi đầu của nhiều vấn đề khác về sau trong cuộc đời ông ta: Palchinsky vào tù năm sáu lần và thường xuyên bị đặt dưới sự giám sát của cảnh vệ Nga hoàng và sau đó của công an chìm Xô-viết.

Một loạt biến cố quan trọng trong giai đoạn đầu của sự nghiệp Palchinsky xảy ra vào những năm 1901-1902, khi chính phủ Nga hoàng giao cho ông ta việc điều tra nghiên cứu nguyên nhân của vấn đề giảm sút sản xuất than đá trong vùng sông Don ở Ukraine. Là một thành viên trẻ nhất của ủy ban điều tra, Palchinsky được giao cho những việc ít quan trọng như chuyện tìm hiểu các "vấn đề của công nhân", trong khi những thành viên khác tìm hiểu công tác điều hành hầm mỏ. Palchinsky bắt đầu bằng cách thu thập những dữ kiện căn bản, và ngạc nhiên khi khám phá rằng các điều hành viên hầm mỏ biết rất ít về các công nhân của họ, ngay cả tổng số công nhân hay tổng số ngày làm việc trong năm. Chủ nhân các hầm mỏ này cũng hầu như không để ý gì đến tình trạng sinh sống của công nhân. Palchinsky quyết định tiến hành việc thống kê của riêng ông.

Làm việc không ngừng nghỉ trong hơn hai năm, Palchinsky thu thập được rất nhiều tài liệu và dữ kiện, như những họa đồ kiến trúc về nhà cửa của công nhân, bản đồ mật độ dân số, và các mạng lưới giao thông. Ở khu hầm mỏ Makarevskii có nhiều căn trại chứa 68 công nhân mỏ trong mỗi phòng, chỗ ngủ là những miếng ván xếp sát nhau vào thành từng dãy dài 20 cái hoặc nhiều hơn. Các công nhân có gia đình thì sống chen chúc với nhau khoảng từ 4 đến 6 gia đình trong mỗi căn nhà, mỗi gia đình sinh hoạt trong một phòng nhỏ.

Palchinsky gởi phúc trình về St. Peterburg với những bản tóm tắt và họa đồ rành mạch nhưng không nêu một ý kiến gì về mặt chính trị. Bộ trưởng Tài chánh và các viên chức trong bộ Thương mại và Kỹ nghệ nhận thức ngay giá trị công trình nghiên cứu của Palchinsky và đề nghị áp dụng cho các ngành kỹ nghệ khác. Tuy nhiên các viên chức này dần dần ý thức được tầm quan trọng về mặt chính trị của bản phúc trình Palchinsky. Bài báo Palchinsky đăng trên tờ Nhật ký Hầm mỏ để tóm lược một số điều ông ta tìm ra đã tạo nhiều phản đối ầm ỹ trong giới cầm quyền, và Palchinsky bị sa thải khỏi ủy ban điều tra.

Trải qua những kinh nghiệm này, Palchinsky trở nên cực đoan, ông ta bắt đầu bị lôi cuốn bởi thuyết vô chính phủ của Peter Kropotkin, một nhà cách mạng Nga dòng dõi quý tộc đã viết một số sách vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 trình bày một xã hội mới không có bóc lột và đè nén. Thuyết vô chính phủ của Kropotkin cổ võ sự "giúp đỡ lẫn nhau" trong một xã hội dựa trên sự liên kết tự trị giữa người sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Lao động trí óc và lao động chân tay sẽ phối hợp với nhau một cách yên ổn và hợp tác trong hệ thống đó cùng với những ưu điểm của cả thành thị lẫn thôn quê.

Trái với những lý thuyết về xã hội toàn hảo khác, Kropotkin xem kỹ thuật như là một đồng minh chứ không phải kẻ thù, và điều này đã thu hút Palchinsky. Kropotkin tin rằng cuộc Cách mạng Kỹ nghệ vào thế kỷ 18 và 19 là một sai lầm đau đớn trong lịch sử, một giai đoạn tạm thời khi tư bản và kỹ thuật hơi nước phối hợp nhau để tạo nên một xã hội đè nén dựa trên các nhà máy tập trung, với sự phân chia lao động, và kết qu 8_ là sự mâu thuẫn giai cấp. Kropotkin tin tưởng rằng trong tương lai gần những kỹ thuật mới như điện lực và điện thoại sẽ đưa đến những hình thái lao động tốt đẹp trong nông nghiệp cũng như công nghiệp. Xã hội trong tương lai sẽ là một xã hội phối hợp, gồm một vài công ty lớn với nhiều công ty nhỏ tự trị.

Trong cuộc cách mạng năm 1905, tuy Palchinsky không tham gia vào những cuộc bạo động và thỉnh thoảng cướp phá của các nhóm vô chính phủ, nhưng ông ta ủng hộ cuộc cách mạng, và kết quả là ông ta bị bắt và bị lưu đày tới vùng Siberia. Palchinsky tiếp tục làm việc như một kỹ sư và được các chủ nhân hầm mỏ ở vùng này đánh giá cao khả năng của ông ta trong việc tăng năng suất lao động và trong việc hòa giải những dị biệt giữa giới công nhân và ban quản trị. Đầu năm 1908 Palchinsky trốn thoát được tới Tây Âu và bắt đầu một đời sống mới cho tới năm năm sau.

Ở Đức, Pháp, Anh, Hòa lan, và Ý đại lợi, Palchinsky trở nên một cố vấn kỹ nghệ thành công và, có lẽ quan trọng hơn, đã đẻ ra một phương thức cho nghề nghiệp của mình, đã theo đúng phương thức đó trong suốt cuộc đời làm việc: những dự án kỹ thuật phải được cân nhắc trong bối cảnh của xã hội và kinh tế. Khi Palchinsky được giao công việc làm tăng năng suất và tăng mức bốc dỡ hàng hóa của các hải cảng ở Amsterdam, London, và Hamburg, ông ta đã khuyến cáo rằng việc cải tiến hoạt động ở các hải cảng này không phải chỉ đơn giản trong việc cải thiện chuyện cung cấp cần trục, đường rầy, kênh, cầu tàu, và nhà kho, mà còn các vấn đề cải thiện đời sống của công nhân như nhà cửa, trường học, chuyên chở công cọng, y tế, phương tiện giải trí, lương bổng, và bảo hiểm xã hội. Công nhân không thể làm việc có hiệu quả nếu họ không có tay nghề và không thiết tha đến công việc.

Khi án lưu đày 8 năm ở Siberia mãn hạn vào năm 1913, Palchi- nsky nhận được lệnh ân xá từ chính phủ Nga hoàng và trở về quê hương sáng lập học viện để "nghiên cứu việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên" và được gọi là "Học viện Bề mặt và Chiều sâu của Trái đất." Đúng câu tục ngữ của vùng Kiev cổ xưa "Đất nước ta to lớn và phong phú nhưng không có trật tự" như một khẩu hiệu, Palchinsky tuyên bố mục tiêu của ông ta là đạt sự trật tự, không bằng cách mời người ngoại quốc vào như những người Kiev ngày xưa đã mời người Viking, mà bằng cách áp dụng các phương pháp của kỹ thuật tối tân để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế.

Trong suốt Thế chiến thứ nhất, Palchinsky là Phó trưởng ban của Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh của chính phủ thời bấy giờ. Ở chức vụ đó, Palchinsky bắt đầu thấy rằng chính sách tập trung kế hoạch kỹ nghệ có một số ưu điểm, ít nhất là trong thời chiến. Mặc dù vẫn còn ngưỡng mộ quan điểm của Kropotkin trong việc sử dụng kỹ thuật để phục vụ lợi ích quần chúng, Palchinsky không còn bị lôi cuốn về lập trường của Kropotkin trong việc phân quyền những hoạt động kinh tế. Ông ta tự nhận mình là một nhà xã hội dân chủ, và ủng hộ việc lật đổ chính phủ Nga hoàng mà trong đó ông ta đang là một viên chức.

Sau khi chế độ Nga hoàng sụp đổ vào năm 1917, Palchinsky ủng hộ tích cực chính phủ lâm thời, ông ta xem đó như là một cơ hội tốt nhất cho việc khai sinh một chính quyền dân chủ ở Nga. Palchinsky giữ một số chức vụ trong chính phủ lâm th ơÛi, kể cả chức Thứ trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ, nhưng sau đó nhận thấy hoàn toàn bế tắc vì các cấp lãnh đạo trong chính phủ không có thực tâm giải quyết một vấn đề gì.

Những Giấc Mơ Cách Mạng

Sau khi cướp được chính quyền, những người Bolshevicks bắt giam Palchinsky cùng với một số viên chức của chính phủ lâm thời và giam giữ ông ta trong 5 tháng. Đầu năm 1918 chính quyền Bolshevick bắt đầu nhận thức được sự cần thiết phải có các "chuyên viên tiểu tư sản" trong việc xây dựng kinh tế và trong cuộc nội chiến nên đã phóng thích một số chuyên viên trong đó có Palchinsky. Thoạt đầu Palchinsky không mấy cảm tình với những người Bolshevicks mà theo ông ta chỉ là những kẻ tiếm đoạt quyền lực, nhưng dần dà Palchinsky và cả những bạn đồng sự của ông ta khám phá những khía cạnh hấp dẫn của hệ thống chính trị kinh tế mới Xô-viết. Những người Bolshevicks chú tâm vào việc kỹ nghệ hóa, vào khoa học và kỹ thuật. Có lẽ rốt cuộc Palchinsky có thể yên tâm làm việc với những người cầm quyền mới này.

Palchinsky đặc biệt phấn khởi về cố gắng điện khí hóa toàn đất nước Nga trong vòng vài năm. Ô;ng ta đồng ý là một nền kinh tế xã hội tập trung sẽ thực hiện việc điện khí hóa nhanh chóng hơn nền kinh tế tư bản. Palchinsky trở thành giáo sư ở Học viện Hầm mỏ và làm công tác cố vấn cho một số dự án, trong đó có dự án xây dựng đập nước khổng lồ trên sông Dnieper, dự án làm bản đồ mật độ dân số và tiềm năng khoáng sản, dự án xây dựng đường rầy, hầm mỏ, và các bến cảng. Được nhiều cơ quan quy hoạch của chính phủ săn đón, Palchinsky trở thành một trong những kỹ sư nổi tiếng nhất Liên-x 1 , là chủ tịch của Ủy ban Kỹ thuật Xô-viết và nằm trong chủ tịch đoàn của hội Kỹ sư toàn Nga. Trong suốt thời gian này, Palchinsky thường xuyên đi công tác, viết nhiều phúc trình cho các ủy ban chính phủ, và luôn luôn vận động cho chính sách khai thác hầm mỏ và kỹ nghệ hóa.

Và Palchinsky tiếp tục đứng về phía công nhân đương đầu lại các cấp quản lý. Chẳng hạn, Palchinsky quan sát rằng các giám đốc ở các nhà máy lọc dầu nói quá nhiều về việc đề phòng nạn trộm cắp và hành hung, mà không mấy quan tâm đến việc bảo vệ công nhân tránh các tai nạn hỏa hoạn hay nổ nhà máy. Mặc dù có những vấn đề như vậy, Palchinsky vẫn tin rằng nước Nga xã hội chủ nghĩa có cơ hội để phát triển một nền kỹ nghệ có tính nhân bản hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Chẳng hạn đối với nước Mỹ, tuy Palchinsky khâm phục công nhân Mỹ, ông ta cho rằng các cấp quản lý kỹ nghệ của Mỹ quá chú trọng đến lợi nhuận, và xã hội Mỹ nói chung quá vị kỷ.

Mặc dù Palchinsky đề cao nền kinh tế tập trung, ông ta không tin tưởng vào những mệnh lệnh từ trung ương đưa xuống mà không quan tâm đến các điều kiện đặc thù của địa phương, như ông đã từng chỉ trích chính phủ Nga hoàng trong việc nhập cảng đá từ Tây Âu để xây nền móng và các bờ chắn trong khi đá có thể khai thác ở trong nước. Những điều kiện tại chỗ như có than đá hay không, giá cả thế nào, vận tải đường thủy ra sao, trình độ công nhân, vật liệu xây dựng, ... sẽ dẫn tới những giải pháp khác nhau cho những vấn đề thoạt trông tương tự như nhau. Palchinsky lý luận rằng vấn đề nên dùng gỗ hay than đá làm nhiên liệu cho máy hơi nước xe lửa không nên do Mạc tư khoa quyết định mà nhiên liệu nên kiếm tại chỗ tùy theo giá cả.

Palchinksy bực mình và thất vọng về những người Bolsheviks luôn luôn ham muốn những nhà máy khổng lồ - họ tin rằng những cái lớn nhất phải là những cái tốt nhất. Như một đệ tử trung thành của thuyết Kropotkin, Palchinsky đau khổ vì tư tưởng của những người Bolsheviks xem tiểu công nghệ và thủ công nghệ là tàn dư của quá khứ, ông ta vận động cho sự kết hợp những hình thái sinh hoạt khác nhau. Palchinsky nhấn mạnh rằng chỉ trong một xã hội phối hợp nhiều sắc thái khác nhau về kích thước, về phong thái hoạt động và về tổ chức thì nhu cầu của con người mới được đáp ứng toàn vẹn.

Khi còn sống lưu vong ở Tây Âu, Palchinsky nhận xét rằng hoạt động kỹ nghệ ở kích thước nhỏ thường có năng suất cao nhất, ngay cả trong kỹ nghệ nặng. Chẳng hạn, Palchinsky viết vào năm 1911, các hầm mỏ cỡ trung (có từ 100 đến 1000 công nhân) sản xuất khoảng 70% sản lượng than đá của Anh quốc trong khi các hầm mỏ lớn (có hơn 1000 công nhân) chỉ sản xuất khoảng 28%.

Palchinsky tiếp tục phương thức lập luận này trong công tác cố vấn cho các nhà kế hoạch kỹ nghệ Xô-viết. ng ta ghi nhận rằng trong các nhà máy cỡ nhỏ và cỡ trung việc thay thế máy móc thường dễ dàng hơn, công việc giám sát cũng đơn giản và thân mật hơn. Công nhân dễ nắm vững mục tiêu của nhà máy và thường cảm thấy liên hệ mật thiết với nhau hơn.

Palchinsky nhấn mạnh rằng kỹ nghệ hóa thành công và đạt năng suất cao chỉ có thể thực hiện được nếu công nhân được huấn luyện giỏi và những nhu cầu về xã hội kinh tế của công nhân được đáp ứng đầy đủ. Ông ta cho rằng đầu tư vào giáo dục sẽ có lợi cho việc kỹ nghệ hóa nhiều hơn là đầu tư vào máy móc kỹ thuật, vì máy móc sẽ trở nên vô dụng nếu công nhân không được huấn luyện đầy đủ hoặc là không thiết tha với công việc. Quan tâm về việc đáp ứng nhu cầu văn hóa và tinh thần của từng cá nhân không những chỉ là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết cho sự sản xuất có hiệu quả. Yếu tố quan trọng nhất trong những quyết định kỹ thuật là yếu tố con người.

Nhằm đạt mục đích đào tạo công nhân giỏi, Palchinsky đề nghị một hệ thống giáo dục nới rộng với sự tài trợ của chính phủ nhưng do các hội đoàn kỹ thuật như hội Kỹ thuật Liên-xô quản trị. Chính quyền Xô-viết không thấy có lý do gì mở các trường lớp đặc biệt ở ngoài hệ thống giáo dục bình thường, hơn nữa chính quyền không mấy tin tưởng vào các hội đoàn kỹ thuật trong đó có nhiều hội viên như Palchinsky không có một liên hệ nào với đảng Cọng sản. Không nản chí, Palchinsky tranh đấu quyết liệt hơn - mặc dù không thành công - cho lập trường về giáo dục của mình. Ông viết thư phản đối gởi cho lãnh đạo đảng là Leon Trotsky trong năm 1925, không biết là ảnh hưởng chính trị của Trotsky đang bắt đầu tụt dốc.

Palchinsky còn đề xướng một vai trò nhiều tham vọng cho kỹ sư. Ông  muốn họ áp dụng cách thức mới về phân tích xã hội trong vấn đề kỹ nghệ hóa, và muốn cho việc này có thể thực hiện được thì vai trò của kỹ sư trong xã hội phải thay đổi. Thay vì chấp nhận vai trò thụ động giải quyết các vấn đề kỹ thuật, người kỹ sư phải chủ xướng vai trò của một kế hoạch gia kỹ nghệ, tạo ảnh hưởng vào những quyết định như phát triển kinh tế;C6’ nên thực hiện ở đâu và dưới hình thức nào. Ví dụ một kỹ sư có nhiệm vụ thiết kế một đập thủy điện lớn nên đặt vấn đề là có phải xây dựng đập thủy điện đó là cách tốt nhất để sản xuất điện hay không. Nếu than đá có sẵn trong vùng thì nhà máy nhiệt điện có thể là một chọn lựa khôn ngoan hơn. Trả lời câu hỏi đó tùy thuộc vào sự đánh giá về các mặt kinh tế, xã hội, và môi trường của mỗi dự án.

Palchinsky tuy có nhiều tư tưởng phức tạp về kỹ thuật, ông ta hiểu sai một cách trầm trọng về tình hình chính trị của Liên bang Xô-viết. Vai trò của kỹ sư mà Palchinsky đề ra chỉ có thể thực hiện ở một xã hội trong đó các nghiệp đoàn chuyên môn được hưởng quy chế tự trị, và chính quyền sẵn sàng lắng nghe ý kiến của những người bên ngoài bộ máy cầm quyền. Như Palchinsky sẽ khám phá sau đó, Stalin có một cái nhìn về xã hội và vấn đề kỹ nghệ hóa hoàn toàn khác hẳn ông ta.

Palchinsky thích phát biểu rằng một kỹ sư giỏi không thể làm phép lạ mà chỉ có thể làm đến mức tối đa những gì có thể làm được. Stalin ngược lại, đề ra chiến dịch vận động tư tưởng cho kế hoạch kinh tế với những mục tiêu hoàn toàn không thực tế, đòi hỏi những nỗ lực siêu nhân. Stalin muốn các cơ sở kỹ thuật phải lớn nhất thế giới - một chính sách kỹ nghệ mà sau này các nhà quan sát phương Tây gọi là "điên cuồng vì sự khổng lồ" - và Stalin sẵn sàng lựa hàng ngàn nông dân nghèo khó thất học từ thôn quê và đưa đến các cơ sở kỹ nghệ để làm những công việc mà từ trước đến nay họ chưa bao giờ làm. Kết quả là sản xuất tồi tệ và tai nạn nghề nghiệp cao.

Những công nhân bất đắc dĩ này thiếu nhà cửa để tá túc, nhất là trong mùa đông giá buốt. Một số lớn chết vì lạnh, thiếu ăn và các tật bệnh khác. Đối với Stalin thì đó là cái giá chấp nhận được, nhưng đối với Palchinsky thì đó là dấu hiệu của sự ngu xuẩn, phung phí và bất công. Điều nực cười là trong khi vị kỹ sư tên tuổi này kêu gọi nên chú tâm vào nhu cầu con người hơn là kỹ thuật thì lãnh đạo đảng lại nhấn mạnh kỹ thuật hơn mọi điều khác.

Nguyên nhân quan trọng nhất của sự mâu thuẫn này là Stalin không bao giờ tin tưởng vào các chuyên viên được đào tạo trước cách mạng. Dưới cái nhìn ngờ vực của Stalin, các chuyên viên này mang những tham vọng nguy hiểm. Trong khi Palchinsky hô hào kỹ thuật gia nên tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, quan điểm của Stalin về vấn đề này được tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với H. G. Wells năm 1934: "Người kỹ sư, kẻ tổ chức sự sản xuất, không làm việc theo ý muốn của mình, mà phải theo mệnh lệnh từ trên đưa xuống.... Không được nghĩ rằng trí thức kỹ thuật có thể đóng một vai trò độc lập."

Một Nền Giáo Dục Cứng Nhắc và Hạn Hẹp

Sau năm 1930 kỹ sư Xô-viết lẫn tránh những vấn đề kinh tế xã hội rộng lớn mà Palchinsky tin là liên hệ mật thiết với công tác kỹ thuật. Một lý do của sự hờ hững này, đặc biệt trong thập niên 30 và 40, là sự sợ hãi. Stalin chỉ thị rõ ràng với kỹ thuật gia Xô-viết là nếu họ muốn khỏi bị lôi thôi rắc rối, họ phải chú tâm vào những công tác kỹ thuật hạn hẹp mà các cấp lãnh đạo đảng giao phó.

Sự sợ hãi triền miên và phổ biến này khiến các kỹ sư không dám nêu lên những vấn đề như an toàn lao động hay nhà cửa công nhân với ban giám đốc, và chính ban giám đốc cũng chỉ bận tâm làm sao để đạt chỉ tiêu cho nhà máy hay hầm mỏ của họ mà thôi. Nhưng ngay cả khi chỉ chú tâm vào các công tác kỹ thuật được giao phó, các kỹ sư cũng vẫn không đảm bảo là tránh được những rắc rối chính trị, vì họ thường xuyên bị giám thị về năng suất lao động. Dưới con mắt của cán bộ lãnh đạo đảng ở địa phương, không đạt chỉ tiêu có thể bị xem là lỗi lầm "chính trị." Vì lý do này nhiều kỹ sư tìm cách trốn tránh lãnh vực sản xuất, tìm chỗ nương thân ở các viện nghiên cứu. Một sử gia người Mỹ gọi hiện tượng này là "bay khỏi sản xuất."

Trách nhiệm đào tạo kỹ sư không thuộc về bộ Giáo dục mà do các bộ kỹ nghệ đảm trách. Các học viện của những bộ này đặt ra những mục tiêu rất hạn hẹp trong công tác đào tạo kỹ sư. Giáo sư ở các trường cao đẳng kỹ thuật này thường tránh đề cập những vấn đề chính trị và công bằng xã hội mà chỉ chú trọng đến chuyên ngành khoa học kỹ thuật. Vì vậy sau khi tốt nghiệp các kỹ sư có những cái nhìn hạn chế về lãnh vực công tác của mình.

Hệ thống này từ đó đào tạo ra một lớp kỹ sư mới với số lượng đông đảo - nhiều kỹ sư hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Được đào tạo trong những ngành quá chuyên môn hóa, lớp kỹ sư mới này với tầm mắt thiển cận chỉ nhằm vào việc gia tăng sản xuất mà không chú ý tới các yếu tố khác.

Sinh viên ở các trường kỹ thuật Xô-viết này không phân chia khoa ngành như các nước kỹ nghệ khác, ví dụ như khoa kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, mà thay vào đó họ được phân chia thành hàng trăm ngành chuyên môn nhỏ khác nhau. Harley Balzer ở đại học Georgetown ghi nhận rằng "Mỗi ban ngành trong chính phủ Xô-viết tự đào tạo nhân viên cho chính mình trong những phần vụ chuyên môn hạn hẹp đến mức vô nghĩa. Chẳng hạn như trong Bộ Kỹ nghệ nhẹ có các ngành chuyên môn về máy ép cho mỗi loại máy chính. Bộ Kỹ nghệ nặng phân loại kỹ sư về sơn từ gốc dầu với kỹ sư về sơn không từ gốc dầu. Bộ Nông nghiệp huấn luyện kỹ sư canh nông cho mỗi loại cây thực phẩm và bác sĩ thú y cho mỗi loại gia súc."

Tôi khám phá sự thật về sự chuyên môn hóa này trong chuyến viếng thăm nước Nga lần đầu tiên vào năm 1960 khi tôi còn là một kỹ sư mới ra trường. Tôi gặp một thiếu nữ và được cho biết cô ta cũng là một kỹ sư. Tôi hỏi cô ta tốt nghiệp ở ngành nào thì được trả lời cô ta là kỹ sư về "ball-bearings" cho nhà máy giấy. Tôi gật gù " thì cô là kỹ sư cơ khí." "Không! Tôi là kỹ sư về "ball-bearings" cho nhà máy giấy", nàng ta sửa lại và cho biết là bằng cấp ghi rõ như thế.

Các trường cao đẳng kỹ thuật trong những thập niên 50 và 60 chỉ dạy ba môn ngoài những môn về khoa học kỹ thuật, đó là kinh tế chính trị, duy vật biện chứng, và lịch sử đảng cọng sản. Palchinsky đề nghị là kỹ sư cần phải học môn kinh tế chính trị trong đó gồm có các lý thuyết chính về kinh tế học và những tác động hỗ tương của xã hội và kỹ nghệ. Trong khi đó sinh viên Liên-xô chỉ được học một mớ tuyên truyền rỗng tuếch của thuyết Mác-xít.

Môn duy vật biện chứng, những cóp nhặt về tính chất các quy luật của biện chứng, được sinh viên Liên-xô xem là môn học nhàm chán nhất trong chương trình học của họ. Môn lịch sử đảng cọng sản bóp méo xuyên tạc một cách thô bạo lịch sử nước Nga, luôn luôn rêu rao đảng cọng sản là "tiền phong của giai cấp vô sản" và là người dẫn đường cho số mệnh của dân tộc.

Tóm lại, sinh viên kỹ thuật ở Liên-xô chỉ nhận được một nền giáo dục èo uột và thiển cận - nghèo nàn về mặt tri thức, đầy thiên kiến về mặt chính trị, thiếu ý thức xã hội, và yếu kém về mặt đạo đức. Nếu những sinh viên với căn bản huấn luyện như vậy chỉ làm việc ở các nhà máy hay các trung tâm nghiên cứu thì vấn đề đã đủ tệ hại, nhưng nghiêm trọng hơn là hầu hết các khuôn mặt nổi bật trong chính trường Liên-xô gần đây đều xuất thân từ cái lò đào tạo với căn bản kỹ thuật hạn chế đó.

Hiểu biết ít ỏi về kinh tế học và các kỹ thuât phân tích lời lỗ, không kể xã hội học và tâm lý học, các nhà lãnh đạo Liên-xô tiếp tục theo đuổi chính sách thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch mà không phân tích những bù trừ và các phương án thay thế khác. Hiển nhiên đường lối này dẫn đến những sai lầm trong việc phân bố tài nguyên, những vấn đề về môi trường, và những chi phí an sinh xã hội. Nếu Palchinsky còn sống, ông sẽ xem những nhà quản trị chóp bu này chỉ là những kỹ thuật viên, không phải là kỹ sư chân chính.

Một Tư Tưởng Nhân Bản

Khoảng cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, những hứa hẹn về một thiên đường xã hội chủ nghĩa trở thành vô nghĩa. Niềm tin của công dân Liên-xô bị suy sụp nhanh chóng khi họ càng ngày càng nhận thức được mức sống của họ chỉ ngang hàng với các nước thứ ba. Là một cường quốc kỹ nghệ, Liên-xô còn là nước đứng đầu thế giới về sản xuất thép, chì, asbestos, dầu lửa, xi măng, và một số mặt hàng căn bản khác, nhưng phải trả một giá rất cao về con người và môi trường để theo đuổi một cách mù quáng các mục tiêu sản xuất này. Thực phẩm và các mặt hàng tiêu thụ thường thiếu thốn vì các vị lãnh đạo đảng chỉ quan tâm đến chuyện sản xuất thép cho kỹ nghệ nặng và cho quân đội. Tuổi thọ trung bình của người dân càng ngày càng giảm cho đến thứ hạng 32 trên thế giới. Tử suất trẻ sơ sinh càng ngày càng tăng đến thứ hạng 50 trên thế giới. Vấn đề môi sinh thì quá tồi tệ, đặc biệt là chung quanh những thành phố kỹ nghệ như Chelyabinsk và Sverdlovsk, và trong những vùng cần dẫn thủy nhập điền như Trung Á.

Nhu cầu của công nhân bị lãng quên và họ phản ứng lại bằng thái độ thờ ơ. Phải mất một thời gian dài niềm hy vọng ngây ngô về những hứa hẹn của chính quyền Xô-viết mới phai nhạt, và cuối cùng hoàn toàn biến mất. Trong những năm cuối cùng của Liên-xô, thái độ của giai cấp vô sản, là những người đúng ra phải được hưởng phúc lợi của chế độ cọng sản, được mô tả một cách bi hài như sau: "Chúng tôi giả vờ làm việc và họ giả vờ trả lương." Gần những ngày cuối cùng của chế độ, câu trên được đổi thành "Họ giả vờ lãnh đạo và chúng tôi giả vờ tuân lệnh." Hơn nửa thế kỷ trước, Palchinsky đã khuyến cáo "yếu tố con người" phải được xem là tối quan trọng. Lời cảnh cáo đó đã linh ứng như một lời tiên tri. Sự bỏ bê người dân của chế độ Xô-viết là lý do chính trong việc sụp đổ của chế độ mà trong những ngày tàn hầu như không có ai đứng ra bảo vệ.

Tư tưởng của Palchinsky về kỹ thuật và xã hội được ghi nhận có tính đạo đức cao, ngay cả khi so sánh với các lý thuyết quản trị xã hội bằng kỹ thuật đang được đề xướng ở một vài nơi. Trong khi kỹ sư ở Mỹ và ở các nước khác đề cao thuyết Taylor và Ford về khả năng gia tăng năng suất, Palchinsky đặt vấn đề là những phương pháp này có ảnh hưởng gì trên đời sống công nhân. Ông ta không chấp nhận năng suất là mục tiêu duy nhất của k ỹ nghệ - trong trí tưởng tượng của Palchinsky công bằng xã hội và năng suất sản xuất có thể hoạt động song song và hòa hợp. Quan điểm này, ngạc nhiên thay, rất giống quan điểm của những nhà quản trị kỹ nghệ mà trong thời gian gần đây cố gắng gia tăng năng suất sản xuất bằng cách nhân tính hóa môi trường làm việc.

Palchinsky tiên đoán một cách chính xác những hậu quả tệ hại gây ra do các dự án kỹ nghệ hóa vội vã không dựa trên những phương thức kỹ thuật đứng đắn và các nguyên tắc đạo đức tốt đẹp. Những vấn đề Palchinsky nêu ra về kỹ nghệ hóa với mục tiêu sai lệch tiếp tục ám ảnh không những chỉ Liên-xô trước đây mà còn cả nền văn minh cơ khí khắp mọi nơi, từ thành phố thép Magnitogorsk, một thất bại của xã hội chủ nghĩa, cho đến Gary, Indiana, mà một thời là mô hình kinh tế Mỹ, hôm nay đầy dẫy những vấn đề như thất nghiệp, nghèo khổ, ma túy, và các tệ nạn thành phố khác.

Vì những lời tiên đoán của Palchinsky, một số người muốn gọi ông ta là nhà tiên tri. Còn tôi, vì ít tin vào sự thật được tiết lộ, muốn gọi ông ta là bóng ma. Bóng ma Palchinsky không chỉ hiện lên ở những thành phố ô nhiễm, phí phạm, và thiếu nhân tính của Liên-xô trước đây, mà còn dật dờ trên những vùng đất hoang phế kỹ nghệ ở các quốc gia khác nữa.

(LOREN R. GRAHAM là giáo sư ở MIT, dạy môn "Chương trình về Khoa học, Kỹ thuật, và Xã hội." Bài này đăng trong tạp chí Technology Review của MIT, Nov/Dec. 1993.)