Loan lững thững đi bộ từ ga xe lửa vào trường. Tiếng cười nói của học trò vang lại giúp nàng định hướng được ngôi trường mới nàng đến nhận việc bữa nay. Trong lúc Loan còn ngập ngừng trước sân, chưa kịp hỏi học trò văn phòng ở đâu thì một giọng nói nhẹ nhàng chào đón:
-- Chào cô, mời cô vào văn phòng. Ban Điều hành đang đợi cô.
Loan nói "Cám ơn" xong nhanh nhẹn bước vào phòng họp. Nàng ngạc nhiên thấy có mấy vị mặc áo dài trắng xen lẫn hai thầy giáo mặc âu phục. Tất cả đều tươi cười:
-- Chào cô giáo, mời cô ngồi.
Một vị mặc áo dài trắng thong thả giới thiệu:
-- Chúng tôi rất hân hạnh được cô nhận lời đến dạy các em nhỏ. Đây là một trường Việt ngữ mới thành lập khoảng bốn tháng, có tất cả bảy mươi học sinh, chia ra làm ba lớp, được sự bảo trợ của Hội Tín Hữu Cao Đài NSW và Đoàn Thanh Niên Cao Đài NSW.
Loan tự giải đáp: "Hèn chi có các vị mặc áo dài trắng!"
Loan vừa nghe tiếp việc giới thiệu về trường sở, ngân sách, điều kiện nhập học, vừa hồi tưởng lại như một cuốn phim quay nhanh về đạo Cao Đài mà nàng có dịp làm quen từ hồi ở Việt Nam. Hồi đó Loan có một người dì bà con ở làng Long Hiệp, quận Gò Đen, tỉnh Long An. Mỗi lần nghỉ hè Loan hay về nhà bà dì chơi khoảng hai tuần. Làng Long Hiệp có một đặc điểm mà Loan nhớ mãi không quên là trong làng có ba tôn giáo: Thiên Chúa, Phật Giáo, và Cao Đài sống chung hòa bình với nhau, không hề có kích bác xung đột nhau. Dì của Loan đạo Chúa nhưng mỗi khi chùa Phật hay Thánh Thất Cao Đài có lễ đều đến mời và thường bà gởi lễ cúng và cử con cháu đến dự. Ngược lại khi nhà thờ có việc gì cần thì các tín đồ của Phật Giáo và Cao Đài cũng tiếp tay.
Ngày nghỉ hè của Loan hay rơi vào rằm tháng bảy và Loan rất thích đến Thánh Thất Cao Đài xem "trò lễ." Loan cứ tự hỏi: "Sao họ đi chậm thế?" Người chủ lễ nói gì Loan nghe không được nhưng các lễ sinh cứ làm răm rắp. Loan phục họ ghê. Loan cũng thích được ăn cơm chay ở Thánh Thất sau khi lễ xong. Lần nào về Loan cũng nói với Mẹ:
-- Chùa Cao Đài nấu kiểm ngon lắm Mẹ ơi, nước dừa béo ơi là béo!
Mẹ Loan dạy học ở trường Quận. Bà có mấy người học trò đạo Cao Đài thường hay biếu thức ăn chay. Họ cũng thích mặc đồ trắng. Hồi đó Loan cứ thắc mắc sao áo dài lại may bằng vải trắng mà không may bằng hàng lụa trắng. Tới bây giờ Loan cũng không hiểu tại sao! Những điều hiểu biết và liên hệ với bà con trong đạo Cao Đài là một kỷ niệm êm đềm đối với Loan. Tự nhiên Loan thấy như mình vừa gặp lại người thân sau một thời gian xa cách. Loan nhìn các vị mặc áo dài trắng đang ngồi trước mặt trong tình cảm quý mến như đã quen biết từ lâu.
Thế là Loan trở lại nghề dạy học. Mấy tuần đầu còn lao xao, sau đó ổn định dần. Loan cũng thấy một tình cảm lạ, nhen nhúm nẩy nở trong lòng. Loan tựa hồ như đám học trò này là đám con cháu mà Loan hết lòng thương mến.
Mỗi chúa nhật Loan dạy Việt ngữ từ 12 giờ đến 2 giờ. Nhưng học sinh đến trường để sinh hoạt từ 10 giờ đến 11 giờ rưỡi. Từ 11 giờ rưỡi đến 12 giờ là giờ nghỉ để ăn trưa. Mấy tuần đầu Loan không hỏi ai nhưng để ý quan sát. Mấy trò gái phụ dọn thức ăn ra mâm và phân phát cho các trò nhỏ. Bữa nào đến sớm Loan cũng được mời ăn. Loan nghĩ bụng là có lẽ trường thu tiền rồi có người nhận nấu giúp cho học sinh. Loan hỏi cô Hương, cô giáo lớp hai và là nội tướng của thầy Hiệu trưởng:
-- Mỗi em phải đóng bao nhiêu cho một bữa ăn vậy cô Hương? Hương cười cười:
-- Dạ hổng có đóng gì hết!
-- *ồ, vậy thì ai lo?
-- Má em đó. Má em nói: trường mới, học trò chưa quen lệ, Má em nấu tặng học trò và tập cho chúng nó ăn chay luôn.
Loan kêu lên một tiếng ngạc nhiên:
-- Vậy sao? Bà tốt quá. Bữa nào Bà đến cô Hương giới thiệu nhé. -- Má em kìa.
Loan nhìn theo hướng tay của Hương chỉ. Loan càng ngạc nhiên thấy một hiền tỉ trong đạo trẻ trung tươi cười đang chia phần ăn cho học trò. Loan không dám hỏi tuổi nhưng Loan quá sức ngạc nhiên về sự trẻ trung của Bà. Bà bao nhiêu tuổi? Theo Loan khoảng 40-42 tuổi thôi, nhưng con gái út của Bà đã gần ba mươi rồi thì không thể nào Bà ở tuổi bốn mươi được. Bà Út là một Mạnh Thường Quân của trường này. Bà đóng góp tài chánh và công sức rất nhiều. Bà nhận may đồng phục cho học trò không tính tiền công và nấu cơm trưa tặng cho cả trường trong một thời gian dài. Ngoài bà Út ra còn có cô Thủy, cô Phi, dì Bảy, bà Tám đều tận lực làm việc cho trường. Cô Thủy và cô Phi lo việc tài chánh, chi tiêu, thâu xuất trong các dịp lễ. Các cô lo mua quà phát phần thưởng cho học trò, quà Giáng sinh, quà Trung Thu, văn phòng phẩm, ... Dì Bảy và bà Tám là cố vấn trong mọi công việc. Loan còn nhớ trong dịp tổng kết năm học đầu tiên, dì Bảy trao hoa cho cô Hương nói mấy lời cám ơn làm cho cô Hương cảm động không cầm được nước mắt. Còn Loan, Loan nhận được hoa từ bà Tám. Bà Tám với tư cách đại diện cho Hội nồng nhiệt cám ơn, Loan xúc động không nói được lời đáp tạ.
Nhưng theo Loan, trường Đạo Đức được vững vàng tiến lên là do công lao xuất sắc của Ban Điều hành. Thầy Hiệu trưởng Tuấn, thầy Phó Hiệu trưởng Minh và thầy Phó Hội trưởng kiêm Hội trưởng hội Phụ huynh Lộc là những người đủ tài đức để quản lý trường. Loan rất thông cảm cuộc sống bận rộn của các vị này. Ngoài đời họ là những nhân viên làm việc toàn thời, trong Đạo họ là những tín đồ trung kiên. Biết bao nhiêu việc bận rộn nhưng tất cả đều cố gắng dành ngày chúa nhật cho trường. Việc đau đầu của Ban Điều hành là giải quyết mấy vụ phá phách của học trò trong lớp. Trường Đạo Đức mượn một trường tiểu học công lập làm trường sở nên học trò Việt ngữ phải chịu trách nhiệm lớp học ngày chúa nhật. Nếu sáng thứ hai tuần sau thầy cô giáo của lớp học đó thấy có dấu hiệu "phá phách" là Ban Điều hành được mời tới để ông Hiệu trưởng trường Úc trao lời than phiền. Ban Điều hành đã phải kiên nhẫn dùng nhiều biện pháp mới chặn đứng được tật phá phách đó. Loan thông cảm cả hai bên, bên học trò và bên Ban Điều hành. Phương pháp giáo dục của trường Úc là dùng nhiều hình ảnh. Phòng học trang hoàng đẹp lắm. Các vách tường đều dán đầy "tác phẩm" của học trò hoặc tranh minh họa bài học, màu sắc rực rỡ. Có lớp còn có cả một giá sách, truyện, ... Bước vào lớp học là cảm thấy phải đọc cho biết, phải cầm lên xem ... nên học trò với bản tính hiếu động rất khó mà không đụng tới. Cô giáo Việt ngữ phải luôn miệng nhắc:
-- Các em để nguyên đó, không ai được đụng tới vật dụng trong lớp ... Bàn nào có rác và "chewing gum" phải báo ...
Vậy mà có khi cũng không khỏi sơ hở. Còn Ban Điều hành, các vị phải lo lắng nhiều để giữ danh tiếng cho trường và danh tiếng của cả cộng đồng nữa nên không thể chấp nhận tánh hiếu động dẫn tới táy máy của học trò. Trường cũng có những biện pháp kỷ luật như : báo cho cha mẹ, đuổi học tạm thời, cảnh cáo dưới cờ, ... nhưng khổ thay "thủ phạm" xé sách vở người ta, trét chewing gum vào gầm bàn hồi nào không ai hay và biến mất không để lại dấu vết nên rất khó mà thi hành kỷ luật.
Tuy nhiên, ngoài số học sinh hiếu động dẫn đến phá phách này, phần lớn học sinh ngoan, chăm học, lễ độ, tạo được một số thành tích nhỏ. Trong kỳ thi "Đố vui để học" dịp Tết Nguyên Đán, học sinh của trường đoạt được hai giải nhất. Các em chứng tỏ chăm chỉ và thông minh. Loan còn nhớ có một câu hỏi ngoắt ngoéo của Ban Giám khảo:
-- Nước Việt Nam Bắc giáp nước Trung hoa, Tây giáp nước Ai lao và Kăm-pu-chia, Nam giáp vịnh Thái lan, vậy Đông giáp nước nào? Vì trong lớp em học là phía đông Việt Nam giáp biển Thái bình dương nên nhanh nhẹn đáp:
-- Thưa thầy, phía đông Việt Nam giáp nước biển ạ.
Thầy Giám khảo khen ngợi, cho đúng và kết cuộc em này đoạt giải "cá nhân xuất sắc."
Trong lần thi Việt sử đời Trần năm nay, học sinh của trường đoạt được hai giải nhì và ba. Ban tổ chức giữ lời hứa tặng cho mỗi thí sinh dự thi một món quà lưu niệm và đã gởi về trường 13 bút, 13 bằng khen cho 13 học sinh dự thi.
Trường có truyền thống tổ chức lễ Trung thu và phát quà Trung thu mỗi năm. Trong các dịp này học sinh của trường sẵn sàng biểu diễn các màn văn nghệ, chưa xuất sắc nhưng cũng biểu lộ một khả năng xuất sắc trong tương lai.
Sĩ số học sinh ngày càng tăng nên số giáo viên cũng tăng dần. Đến sau Loan có cô Huệ, cô Hồng, cô Ngọc, cô Phượng, cô Kim. Tất cả đều có kinh nghiệm dạy học trước kia và thật sự "yêu nghề mến trẻ." Có lần cô Ngọc kể cho Loan nghe, học trò của cô có đứa rất thông minh. Tuần trước cô dạy chữ "m" và ráp nối với các từ nguyên âm, xong cô bảo:
-- Các em lấy giấy ra vẽ một bức hình liên quan tới chữ "m." Trong lúc học trò cặm cụi vẽ, cô đến gần một em và hỏi:
-- Em vẽ gì vậy?
-- Dạ em vẽ con "ma."
-- Em thấy ma hồi nào mà vẽ?
-- Dạ trên ti vi!
Một em khác chăm chú hết sức, vẽ thật say mê, cô Ngọc đến gần bên mà em không hay. Cô hỏi:
-- Em vẽ gì vậy?
-- Dạ em vẽ giấc "mơ."
Dĩ nhiên là em mới bảy tám tuổi, chưa là họa sĩ thì chưa diễn tả được hết ý nghĩ của mình nhưng khuynh hướng của em rất thông minh và mơ mộng.
Còn trong lớp của Loan, Loan cũng nhận là học trò thông minh nhưng chúng nó nói tiếng Việt "không bỏ dấu" làm nhiều lúc chấm bài, Loan phải bật cười một mình. Để khắc phục khuyết điểm này, cô giáo và học trò đều phải kiên nhẫn. Cô giáo sửa từng chữ và học trò tập từng chữ. Phụ huynh cần tham gia tích cực tại nhà thì việc phát âm đúng dấu mới có kết quả.
Trong chiều hướng phát triển trường, Ban Điều hành loan báo là niên khóa tới sẽ có giờ dạy giáo lý. Phụ huynh học sinh trong Đạo rất hoan nghinh vì đó là dịp để con em họ tìm hiểu về Đạo. Đạo đã bảo trợ cho trường thì trường cũng tiếp tay với Đạo để hoằng khai Đạo pháp. Loan rất đồng ý với quan điểm Đạo-Đời hổ tương như vậy. Đó là một quan niệm tu hành rất tích cực.
Một vị sư trưởng đã giảng: "Tu không phải là đi chùa, gõ mõ, tụng kinh, ăn chay, cúng dường, ... mà tu là tạo một cuộc sống yên vui hạnh phúc trong gia đình." Loan thấy cần phải thêm: "Tu là tạo một cuộc sống yên vui hạnh phúc trong gia đình và tiếp tay cải tạo cuộc đời, làm cho cuộc đời tốt đẹp thêm."
Trong ý nghĩ đó, các tôn giáo mở trường dạy học là đúng hướng nhất vì "làm cho con người hết dốt là làm cho họ bớt khổ." Loan và các bạn làm việc ở đây thật vui. Trong một lần họp mặt với giáo viên trường bạn, thầy Nghĩa dạy ở trường trung học Tempe phát biểu:
-- Tôi rất kính phục quý vị. Tôi dạy ở trường chính phủ được trả lương cao, trong khi quý vị ở đây điều hành trường và dạy lớp cũng như tôi nhưng không có lương. Tên tuổi của quý vị đáng được ghi lên bảng vàng.
Cô Huệ tươi cười bảo Loan:
-- Vàng mấy ca ra vậy Loan?
-- Mấy cũng được!
-- Hông, phải đúng 24!
Cả phòng họp cười vang.
Loan không cãi lý với thầy Nghĩa nhưng Loan nghĩ: "Tất cả đều được trả bằng một cái gì còn quý hơn tiền bạc."
Vì Loan và các bạn được làm việc trong một môi trường thật trong sáng với ý nghĩa "làm cho cuộc đời tốt đẹp thêm lên."
THI PHƯƠNG