Chúng tôi quen nhau từ thời còn xà lỏn chân đất, đầu còn hớt trọc, mặt mày đứa nào đứa nấy vêu vao. Tuy không học chung lớp, nhưng chúng tôi chung trường. Thời nhỏ thì chơi chạy đua, đá banh, bắn dây thun. Lớn chút nữa thì bàn chuyện Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, Thủy Hử, và mơ mộng sau này lớn lên đi làm ăn cướp núi. Thời dậy thì, thì bàn tán về nhan sắc mấy đứa con gái trong khu xóm. Lên đại học tuy mỗi đứa học một phân khoa khác nhau nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc mật thiết, thỉnh thoảng rủ nhau đi xem phim, cắm trại. Hè thì về quê nhau chơi cả tháng. Thời sinh viên cùng nhau bãi khóa, hoan hô, đã đảo, đứa nào cũng bị nhốt một thời gian ngắn.
Được đi tị nạn tại Âu châu từ sáu năm trước, Du viết thư hẹn sẽ ghé Cali thăm tôi, sẽ ở lại chơi một tuần để cùng nhau hàn huyên sau hơn 15 năm xa cách. Tôi nôn nao chuẩn bị, lập chương trình đi chơi, thăm phong cảnh, xem ca nhạc. Chương trình xem đi xem lại nhiều lần, thêm bớt nhiều mục cho hoàn hảo. Tôi dọn lại nhà cửa, mua thêm những thứ tôi nghĩ rằng bạn thích ăn, thích dùng, nhất là các thứ thực phẩm Việt nam. Có đêm thức giấc, tôi vẫn nghĩ xem có cần mua thêm gì để đãi bạn không. Tôi xin phép nghỉ suốt tuần bạn viếng thăm. Nghĩ đến cảnh gặp nhau, vui mừng hàn huyên chuyện trò, khơi lại kỷ niệm xưa, lòng tôi xao xuyến. Cả một tuần trước khi bạn đến nhà, niềm vui của tôi như không cầm được, hiện rõ trong lời nói, nụ cười.
Đón vợ chồng bạn ở phi trường, chúng tôi ôm nhau, đi bên nhau mà vui, không biết nói gì. Chương trình đi chơi thăm viếng đã vạch sẵn. Đi San Francisco một vòng bằng xe hơi, ngang qua những thắng cảnh, những nơi đặc biệt, những vùng sẽ ghé lại trong những ngày kế tiếp. Mất một ngày mà vẫn chưa đi hết khu bến tàu. Đi tàu một vòng quanh vịnh để thấy cảnh trí thiên nhiên và nhân tạo hài hòa nhịp nhàng, để thấy cầu Bay, cầu Golden Gate cao ngất treo lơ lửng trong không gian, để ngang qua hòn đảo giam tù nổi tiếng ngày xưa nhốt trùm Mafia Al Capone, để nhìn về hướng bắc thấy đồi núi chập chùng cây xanh mướt, có phố Sausalito nằm trên sàn ván như một làng chài, du khách tấp nập tới lui.
Rồi lên bờ, đi thăm bảo tàng viện tàu bè để xem mô hình của những chiếc tàu nổi tiếng thế giới, trưng bày với ghi chú và hình ảnh liên hệ. Nhưng cái đáng xem nhất là chiếc thuyền buồm dài chừng 5 thước, bít bùng, do một người Nhật phiêu lưu lái từ Osaka đến San Francisco trong 100 ngày. Theo ghi chú thì kẻ phiêu lưu này gặp bão nhiều lần. Chiếc thuyền chở đủ thức ăn, nước uống, và sách để đọc. Điều quan trọng nhất là buồn, một mình cô đơn trên biển cả đến ba tháng. (Giá như có người yêu cùng đi thì quá thú vị, nhưng biết đâu đi nửa đường nàng nổi cáu khóc lóc đòi lui thì kẹt quá!) Những thuyền nhân Việt nam vượt biên nghe câu chuyện này đều cảm thấy thích thú vì chuyến đi của họ cũng không kém phần phiêu lưu mạo hiểm.
Rồi về bến tàu, ngồi ăn cua hấp ngoài trời bờ hè. Từng thùng to tuớng nước sôi sùng sục luộc cua tươi, dọc theo một phố dài. Rồi đi xem những điều kỳ lạ của thế giới trưng bày trong bảo tàng viện của ông Ripley (Ripley's Beleive it or not), tạm dịch là "Điều Khó Tin." Muốn xem hết cũng tốn mất hai giờ. Rồi qua bảo tàng viện sáp để thấy những người danh tiếng thế giới, rất sống động, như thật trong gang tấc. Đẹp nhất là Marilyn Monroe nằm hơ hớ cái xuân xanh lồ lộ. Cũng phải mất cả tiếng đồng hồ mới hết. Sau đó, đi qua bảo tàng viện những kỷ lục thế giới (Guiness Museum of World Record). Một ngày thì chỉ mới thoáng qua khu bến tàu.
Hôm sau chúng tôi đi chợ Tàu, để có cảm giác như về đến Chợ lớn ngày xưa. Phố nhỏ, bán đủ các hàng hóa Á đông với giá rẻ rề. Du khách đi lũ lượt. Nhiều bà Mỹ nhún vai rùng mình khi thấy ruột heo treo lòng thòng trong các tủ kiếng. Một ngày cũng không hết phố. Mấy ngày sau chúng tôi ghé thăm công viên Golden Gate, thăm hồ cá, thăm vườn Nhật, chụp hình, đi lên Đỉnh Kép (Twin Peak) để nhìn xuống thấy bao quát nguyên cả thành phố (và bắt chước mấy ông thi sĩ, thấy thế nhân ti tiện nhỏ bé lố nhố dưới kia).
Rồi đi thăm đường mà người tị nạn VN gọi là đường Đà lạt nằm vòng vèo quanh công viên, với thông cao, đường dốc, không quên ghé lại thăm đài kỷ niệm của Do thái về tội ác quốc xã, hàng chục tượng người bằng thạch cao trắng nằm chết chồng chất ngổn ngang, mới nhìn thấy đã lạnh người xúc động. Ghé lại chụp tấm hình kỷ niệm cho bạn để đời. Buổi chiều đưa bạn ra cầu Golden Gate mà người VN gọi là "Cầu đỏ", du khách từ khắp thế giới tấp nập đến thăm. Cầu màu đỏ treo giữa không trung, mây sà xuống che khuất phần cầu bên kia, nắng vàng soi sáng nửa phần cầu bên này, và trên cầu xe lăn vun vút hai chiều, có cảm giác như xe cộ đi về từ trên trời mây phía kia. Tôi đọc cho bạn nghe mấy câu thơ của một thân hữu điện lực:
Cầu dây treo giữa thinh không Nửa mây khuất lấp nửa hong nắng vàng Xe lăn lớp lớp hàng hàng Hai bên trần thế thiên đàng về qua.
Tôi đãi bạn những tiệm ngon nhất San Francisco mà tôi biết, những món đặc biệt nấu riêng cho khẩu vị người Trung hoa. Đưa bạn đi ăn phở, ăn những món đặc biệt VN. Vợ tôi nấu canh mồng tơi, làm mít tươi trộn mè, rau muống xào tỏi, mắm cà, tôm chua. Chúng tôi thức khuya nói chuyện. Tôi đưa bạn đi thăm San Jose, được mệnh danh là trung tâm chính trị tị nạn, nơi mà dân Mỹ gọi là thung lũng điện tử, thăm vài bạn bè, bà con quen biết.
Một tuần thoáng qua rất mau. Chương trình dẫn bạn đi chơi của tôi có hơi tham lam nên chỉ thực hiện được chừng 60% mà thôi. Mọi sự không như tôi tưởng. Hai mươi năm qua, chúng tôi đã đổi thay quá nhiều, tôi không tìm được ở bạn cái cốt cách ngày xưa. Mười lăm năm sống khốn đốn trong xã hội cọng sản làm mất đi cái phong thái ngày nào. Trong mắt bạn nhìn có cái gì chua xót, có vị đắng trong lời nói. Ngày xưa bạn tôi vui đùa, tếu, lăng xăng. Nay thì trầm tư, rã rời, dã dượi. Dường như bạn tôi ít tha thiết đến mọi sự, ngoại trừ điếu thuốc lá không rời môi. Khi nói về những người cọng sản, tôi có cảm tưởng như bạn tôi đã hết hận thù, có khi còn cảm thông cho những hành động điên rồ ngu xuẩn của họ. Cũng có thể bạn đõã sống 15 năm với CS, đã quen với áp bức, đè nén, khốn đốn, nên không còn đau khổ, thù hận như khi họ mới vào, mới áp đặt đời sống dị kỳ lên đầu cổ. Có thể bạn thôi phí công bất bình với những trí trá dối gạt và xấu xa của CS.
Bạn tôi giờ đây như quá mỏi mệt với cuộc đời, quá chán chường với kiếp sống. Trong những lần trò chuyện, đi thăm viếng phong cảnh, tôi cảm thấy có cái gì đó, không hẳn là ngăn trở bạn và tôi, nhưng hình như tôi khó tìm được những mẫu số chung cho hai đứa, ngay cả những kỷ niệm ngày xưa. Tôi không biết bạn đã đổi thay, hay chính lòng mình đã thay đổi quá nhiều mà mình không hay. Mười lăm mười sáu năm sống ở ngoại quốc, làm việc, suy nghĩ theo các tiêu chuẩn ngoại quốc, thì ít nhiều chi đó, phải có đổi thay. Hay là cả hai đều thay đổi theo hai chiều hướng khác nhau, cho nên khó còn điểm chung. Sau khi bạn về, tôi bâng khuâng buồn cả tuần không hết, dường như mình mất đi cái gì đó, mất đi những kỷ niệm đẹp đẽ xa xôi của thời niên thiếu. Ngồi trong sở làm việc tôi cũng buồn. Vợ tôi đọc được nỗi buồn, phân tích rằng tôi buồn vì niềm vui gặp lại bạn không được đúng như điều tôi tưởng tượng. Hơn nữa, lòng người mỗi tuổi một khác, cái vui năm xưa không là cái vui bây giờ. Phải chấp nhận cái mất mát không thể tránh, để cho đời dễ chịu hơn.
Từ vùng bắc Cali về thủ đô tị nạn quận Cam, một buổi chiều tôi vào quán ăn, tình cờ gặp lại một người bạn cũ khác mà tôi không ngờ. Lê văn Mỗ, một cán bộ nhà nước CS được gởi đi công tác tại Mỹ. Ngày xưa bạn tôi là sinh viên nhiều lý tưởng, tranh đấu, tham dự biểu tình bãi khóa, nhưng có lẽ hồi đó bạn chưa có liên hệ và móc nối với CS. Nếu có thì cũng bị giật dây sau lưng mà thôi. Rồi bạn bị chính phủ quốc gia dồn vào thế bí, chạy ra bưng, theo CS, và trở thành thứ CS ngụy tín. Bạn khó chối bỏ trách nhiệm về thảm sát máu đồng bào Huế trong Tết Mậu thân.
Sau 1975, khi tôi đi tù về, bạn tìm đến thăm tôi và nói những lời gian dối trắng trợn rẻ tiền của cán bộ CS miền bắc. Tôi đã phí công thảo luận với bạn về chế độ mới. Bạn có hỏi tôi nghĩ ra sao về chế độ CS. Tôi chua chát nói tôi chỉ phục CS một điều thôi, bạn hăm hở muốn biết điều tôi phục CS, thì tôi nói: "Điều duy nhất tôi phục CS là biến đổi tài tình những trái tim bằng ngọc của bạn bè tôi thành những trái tim bằng phân trâu." Bạn tái mặt và bỏ đi, tôi cũng chờ đợi công an tới còng tay đi tù mút mùa. Về sau nghĩ lại, nếu tôi bị tù vì câu nói đó thì cũng đáng đời, vì tội ngu. Bạn là cái thá gì trong chế độ CS để tôi phải nói câu vong mạng đó.
Bây giờ đây, gặp bạn ở thế giới tự do, tôi tưởng bạn cũng trốn chạy CS đi tị nạn như hàng triệu đồng bào đau khổ khác. Bạn ngồi với hai gã cán bộ khác mà tôi không biết, tuy cả ba đều mang áo vét, nhìn kỹ lại thì thấy hơi quê mùa. Tôi mừng quá, la lên: "Trốn khỏi móng vuốt bẩn thỉu của tụi CS rồi sao? Cho trắng mắt ra. Đi theo cái lũ tàn bạo khát máu ngu xuẩn ấy có khổ bao nhiêu năm cũng đáng đời. Đất nước ngày nay tan tác cũng vì cái ngu của bọn chúng." Tôi cũng ngạc nhiên vì bạn gặp tôi mà bạn chẳng vui mừng. Tôi cứ bô bô nói xấu và kể tội CS mà không thấy cái tẽn tò ngỡ ngàng khó chịu của ba anh chàng cán bộ.
Một lúc sau, bạn mới nói với tôi là nhà nước VN gởi bạn qua công tác. Tôi tưởng bạn là người CS gởi đi nằm vùng tại Mỹ, tôi thành thật khuyên bạn ra đầu thú với FBI để tránh tù tội, và nếu đồng bào tị nạn biết thì không chừng bạn bị nát đầu. Và chính tôi, tôi cũng không dung cho bạn, sẽ thông báo cho FBI, chứ không như ngày xưa, thấy bạn giữa Sài gòn mà bỏ qua. Bạn cho biết rõ là đang đi công tác, rồi sẽ về lại VN, xin tôi đừng nói chi đến vấn đề chính trị, không có lợi cho bạn. Tôi nói, đây là xứ tự do, bạn đừng sợ gì cả, mọi người có thể nói điều mình suy nghĩ, miễn không làm hại đến ai, dù ý kiến đó ngược với chính quyền Mỹ. Tôi nói tiếp, nếu bạn chán chế độ CS thì tôi có thể giúp bạn đào thoát xin tị nạn, không phải sợ ai cả.
Tôi có ý chọc tức hai gã cán bộ đi cùng bạn, và hỏi luôn họ có muốn tị nạn không? Bạn xuống giọng năn nỉ tôi đừng đề cập đến những chuyện đó nữa. Việt nam hôm nay đã đổi mới tư duy, thay đổi nhiều lắm rồi, không như hồi trước mới thống nhất miền nam. Tôi hỏi bạn VN đã có tự do chưa, đã thực sự có bầu cử tự do, hay cũng chỉ bày trò bầu cử những người do đảng CS chỉ định? Còn bỏ tù những người yêu nước chân chính không? Nước VN được sắp hàng thứ mấy trên thế giới về nghèo khó? Bạn lúng túng ngụy biện theo lối CS rẻ tiền.
Tôi dịu giọng, khuyên cả ba nên quay lại với quê hương đất nước, bỏ óc bè phái, bỏ đảng CS đi, đừng ngăn cản bước tiến của lịch sử, vì ngay cả cái nôi của CS là Nga sô, nay cũng thấy sai đường và đã từ bỏ cái chủ nghĩa xấu xa sai lạc đó từ lâu. Tại sao VN còn khư khư ôm lấy cái sai lầm, và không sợ thế giới chê cười? Nếu đa số các bạn trong đảng CS có can đảm cùng lên tiếng, cùng hành động, thì may ra sau này nhân dân còn nghĩ đến mà khoan dung cho. Đừng để cho đến khi không còn đường thoát thì nguy lắm. Ba người cán bộ CS đều im lặng. Có thể lời nói của tôi chỉ như nước đổ lá khoai mà thôi. CS xưa nay nổi tiếng ngu và ngoan cố, bất chấp sự thật, bất chấp dư luận, bất chấp lương tri. Nhưng biết đâu, trên cái lá khoai kia còn dính chút ít nước, và có khi thấm ướt và đổi thay.
Sau nhiều năm thăm dò tin tức không hiệu quả, tôi tưởng CS đã giết chết mất người bạn khác là Bảo từ hồi CS mới chiếm miền nam. Hồi đó Bảo làm một Quận trưởng ở tỉnh Quảng ngãi, nơi mà CS tàn bạo có tiếng. Vô tình tìm được tin tức Bảo, đi Mỹ theo những đợt HO cuối cùng, tôi vội vã đi thăm. Gặp nhau, mừng đến chảy nước mắt. Bạn tôi đó, nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng trông bên ngoài như già hơn tôi 15 năm. Đen điu, hom hem, ốm yếu, choắt lại. Răng cửa cái còn cái mất, đôi mắt đục nhờ. Vợ bạn trông như gốc gác người miền núi, không còn nét gì của cô tàu lai nhỏ bé trắng trẻo ngày xưa. Các con của bạn đa số còn ở lại VN vì đã quá tuổi đi theo cha mẹ. Bạn cho biết, mười mấy năm đi tù cải tạo mấy lần tưởng đã chết, không ai thăm nuôi, không thuốc thang lương thực. Vợ bạn bị đuổi lên núi rừng Kontum, sống khổ hơn người Thượng, một bầy con ăn rau ăn củ, hai đứa chết vì bịnh và suy dinh dưỡng. Chỉ biết cào đá núi trồng khoai mì. Sống chung với người bị phong cùi. Đói khát thường trực, cả mấy mẹ con rách rưới đóng khố như dân sơn cước.
Sau khi đi tù về, bạn cũng vất vả trên nương rẩy kiếm cho được bữa cháo bữa cơm. Khổ quá, lòng người chai sạn, chùng xuống, không còn ghét bỏ, không còn hận thù ai cả. Bạn tin rằng Chúa đã thử thách con người. Bạn đặt hết lòng tin vào sự sắp đặt của đấng trên cao. Chấp nhận không kêu than, vì con người không thể thoát ra ngoài vòng số mệnh. Tôi mừng cho bạn có niềm tin đó, để sống còn, dẫn dắt bạn trong những giờ đen tối nhất. Nhưng tôi không tin đấng tối cao đã thử thách tàn nhẫn gia đình bạn đến như vậy, thử thách dân VN mình đến mức đó. Nếu có đấng tối cao, thì tôi tin lòng nhân từ như vô biên vô lượng, không thử thách làm gì những cái loài người yếu đuối khổ đau tội nghiệp như bạn, như tôi.
Bạn hỏi tôi sao không về thăm quê hương? Quê hương bây giờ đổi khác nhiều lắm, không còn sắt máu như ngày xưa nữa. Tôi trả lời là tôi không chịu nổi CS, tôi không thể chấp nhận chúng, ngày nào còn CS thì tôi còn chưa về. Tôi không thù hận, nhưng tôi cũng không ưa nổi. Tôi là một người tị nạn CS, tôi không có lý do để về thăm khi CS còn đó. Tôi sẽ ăn nói làm sao với hương hồn hơn nửa triệu bà con, bè bạn, đồng bào đã chết giữa biển khơi, chết trên núi rừng, trên con đường đào thoát đi tìm tự do? Nói sao với những người tị nạn chậm chân hơn tôi, bị kéo lê lên tàu chở trả lại cho CSVN? Nếu tôi về được và ra đi lại bình yên, thì lý do tị nạn của tôi không còn đứng vững nữa.
Hình như bạn không hiểu lời tôi nói. Bao nhiêu năm đau khổ, đói khát tù đày làm lòng bạn chùng xuống. Như một thiền sư, gác bỏ chuyện đời. Không còn những ưu tư xa hơn cuộc sống thực tại. Bạn không cần danh nghĩa là tị nạn kinh tế, hay tị nạn chính trị. Đối với bạn, dù gọi bằng gì đi nữa cũng không cần, chỉ cần biết là bớt đau khổ, bớt đói khát là được. Bạn cũng không cần quy trách cho những người CS đã gây nên đau khổ cho chính bạn, gia đình bạn, và cả dân tộc VN khốn khổ. Bạn xem CS như một tai trời ách nước, không thoát được, không cưỡng được, đành phải chấp nhận.
Từ khi gặp những người bạn cũ, tôi đâm ra hoang mang cho tình cảm của chính mình. Cái miền quê hương vun tràn kỷ niệm vàng ngọc trong lòng tôi, mai đây trở về thấy lại, e rồi cũng đầy cả mất mát và xa lạ, không còn đẹp như trong mơ tưởng. Những Cần thơ, Sài gòn, Đà lạt, Nha trang, Đà nẵng, Huế, những miền quen thuộc đó, e rồi cũng thành hời hợt, lạ lùng, và tôi sẽ không tìm được chút thân thiết nào trong lòng mình. Chưa kể đến những miền quê hương chỉ mới biết đến trong sách vở, tiểu thuyết, và mơ mộng có ngày ghé thăm. Những Hà nội, hồ Tây, hồ Trúc bạch, phố hàng Buồm, hàng Ngang, Phủ lý, Nam định, Vinh, Hải phòng, Hạ long, thì có lẽ bẽ bàng nhiều hơn thích thú.
Mười lăm năm xa quê nhà, có nghĩa gì mấy với kiếp người. Điều quan trọng nữa là tâm tình mình đã đổi khác, suy tư mình theo chiều hướng khác, mà người bên quê nhà cũng đã đổi thay nhiều. Bà con, bạn bè, có nói cũng không cùng chung nhịp điệu, có suy nghĩ thì cũng không cùng chung giá trị, có thảo luận thì cũng chỉ thêm rối mù, không gỡ được. Y như hồi CS mới chiếm miền nam, những gia đình có người đi tập kết miền bắc trở về, vợ chồng, cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, không ai chịu được nhau trong lời nói, ngôn ngữ, tư tưởng, và hành động. Khinh khi, ghét bỏ nhau, giận hờn nhau.
Những người vợ phí bỏ hơn 20 năm chờ đợi chồng. Trong trí các bà, người chồng là một kẻ anh hùng đi cứu nước. Nhưng khi trở về thì nói toàn lời gian dối mà không biết chút ngượng ngùng, lòng thì ti tiện nhỏ nhen, đầy cả ngờ vực, nghi kỵ, sợ hãi. Thần tượng sụp đổ trong lòng, các bà đã cố tìm sự hòa đồng nhưng không được, vô vọng. Những người tập kết về, họ không hiểu nổi thái độ của gia đình mình, họ tưởng Mỹ Ngụy bao năm tuyên truyền làm nhiễm độc thân nhân họ. Vì trong xã hội họ đã sống, ai ai cũng luận điệu đó, cùng nói những lời phải nói, kiêng kỵ những suy nghĩ không do nhà nước đưa ra. Chẳng ai khó chịu, chẳng ai bất bình ai cả. Và tội chi mà nói khác với điều nhà nước yêu cầu nói, để mang tai bay vạ gió vào thân, có ích lợi gì đâu. Cần chi biết điều mình nói là đúng hay sai, sai hay đúng cũng thế. Chỉ có chừng đó ý nghĩ thôi đã là một cái hố thẳm giữa người hai miền.
Quê hương canh cánh bên lòng nhưng càng ngày càng cách xa mà mình đâu có thấy.