Tham luận về lý cách của Tử Vi
Bài của Anh Lê

Các cụ ta xưa kia thường nói là "Khôn cũng chết, Dại cũng chết, Biết thì không chết." Vậy "Biết" ở đây là cái gì? Thưa quý cụ, người nói biết là thế này, kẻ nói biết là thế kia... Thế này hoặc thế kia thì ai ai cũng đều là người biết hết. Năm 1975, người lanh chân lẹ gót dzọt được vô phi cảng, người nhảy đại xuống xà lan ở bờ sông, ... kẻ chậm chân lỡ bước hay còn hy vọng tí ti về ông CS mà êm đềm ở lại chờ thành phần thứ ba, thứ tư, ... kết quả mang trên lưng hai chữ tị nạn vụng dại!!! Lúc đó mới là lúc "Mẹ ru con lần đầu ... Đảng ru anh lần cuối!" Lúc này đây kẻ may mắn đi được rồi mới ngạo nghễ về cái biết của mình. Kẻ ở lại tủi buồn lặn lội đớn đau, hẳn lúc đó cái biết mới bắt đầu dằn vặt. Rồi sang đến đây ... thiên đàng Mỹ quốc xa hoa tráng lệ, vợ chồng con cái như bắt được đống vàng ròng! Xa lộ dài ngút ngàn vời vợi, xe láng bon bon, tình yêu nẩy nở dào dạt! Thế rồi vài niên sau, hạnh phúc như "đóm mắt hỏa châu", một lần lóe lên rồi tắt lịm. Bài thơ tình lãng mạn đong đầy lại được ngâm lên "Anh đi đường anh, tôi đường tôi", đâu còn cái thuở ngày xưa "không có anh lấy ai đưa em đi học về ..." Sau 20 năm những người tị nạn qua đây dồn dập. Nhiều người qua rồi ... nhưng không biết qua đây để làm gì với quãng đời về chiều của mình. Hàng ngày họ họp nhau lại trong khu Tiểu Sài gòn, ngồi đánh cờ hút thuốc, thả khói bay bâng quơ bên ly cà phê nóng ngút khói mà suy tư về ... cái biết của cuộc đời. Không biết đến bây giờ họ đã ... biết chưa?

"Biết" theo khảo luận là "Tri Mệnh" Tri mệnh là sự biến dịch, là đời sống con người đưa đẩy vào mọi hoàn cảnh tai ương. Nó tựa như sinh sinh hóa hóa, đúng lúc gặp thời đắc địa hay bại địa. Chẳng qua chỉ là căn nguyên và hoàn cảnh của bèo giạt hoa trôi. Của hoa tàn gặp giông bão, của mãnh hổ về rừng rú. Có thể tóm gọn lại khoa Tử vi lý luận rằng: đặt nguyên lý từ Thiên văn, Dịch lý và Hình tượng, và cuối cùng đến Dịch số và Địa lý. Tất cả đều chiêm nghiệm vào con người và cuộc đời.  Ông tổ của ngành tử vi không ai khác hơn là Hi Di tiên sinh Trần Đoàn. Năm ông lên 8 tuổi, thân phụ ông dẫn ra chỉ lên bầu trời:

-- Con có thấy sao Tử vi không?

-- Dạ thấy!

Lại chỉ một ngôi sao khác, hỏi:

-- Con có thấy sao Thiên phủ?

-- Dạ thấy!

-- Con hãy đếm những sao sau Tử vi và Thiên phủ là bao nhiêu? Vừa nói xong thì cậu bé đã trả lời liền:

-- Con thấy hết rồi. Đi sau Tử vi có 5 sao, đi sau Thiên phủ có 7 sao.

Cũng từ đó, cậu bé được thân phụ truyền tử vi cho. Và cũng từ đó ông được gọi là tổ sư của ngành tử vi đẩu số.

Nói đến tử vi là nói đến môn tính độn rất khoa học, một khoa học thực dụng. Dùng các vì sao để tiêu biểu cho các lá số của đương số. Có một giai thoại kỳ thú là sau lớn lên cậu bé tên là Hi Di Trần Đoàn đã dùng khoa tử vi để đoán trước được hai đứa trẻ nghèo đói sau làm lên vẻ vang, đó là Tống thái tổ và Tống thái tôn. Chẳng là vì một hôm Hi Di cùng vài đệ tử ra sân xem thiên văn thì chợt ông kêu lên:

-- Quái lạ, ta thấy trên kia có bộ sao Tử Phủ (Tử vi và Thiên phủ) lại đang đi vào địa phận của chòm sao Quân Kỵ (Phá quân và Hóa kỵ), tức là Tử Phủ ngộ Quân Kỵ, là kẻ phong các gặp lúc cùng đường.

 Ôngcho các đệ tử đi tìm vòng quanh núi, nơi mà các chòm sao vương giả chiếu xuống, quả nhiên gặp ngay một bà gánh hai cái thúng trong đó có hai đứa nhỏ đang khóc la vì đói khát. Hi Di liền thưa với bà già đó rằng:

-- Tôi thấy tướng hai đứa nhỏ này có quy cách sau này sẽ làm vua. Làm vua có nghĩa là tất cả giang sơn này là của bà. Vậy tôi muốn bà bán cho tôi giải núi Hoa sơn này để làm nơi tu luyện, tôi sẽ trả cho bà một ít nén vàng để làm lộ phí và nuôi hai vị vua nhỏ này.

Bà già đó trố mắt nhìn, cứ ngỡ rằng ông đạo sĩ này điên! Sau cùng bà đồng ý xé vạt áo của đứa nhỏ nhét vào ống đũa làm văn tự để lấy 10 nén vàng.

Năm 960 quả nhiên hai đứa nhỏ đó là Triệu Khuôn Dẫn và Triệu Quang Nghĩa, thống nhất giang sơn, lên ngôi lập ra nhà Tống, tức Tống thái tổ. Quan quân có đến núi Hoa sơn đóng quân lập ấp, bị Hi Di khiếu nại là đã được vua bán cho. Thế là ông bị dẫn giải về triều. Khi vào sân rồng, Hi Di trình văn tự (tức là vạt áo rách trong ống đũa). Vua trình thái hậu, bà kêu lên "Vị thần tu ở núi Hoa sơn đây mà! Người đã cứu nhà vua đó, hãy quỳ xuống mà tạ ơn đi!" Từ đó vua coi ngài Hi Di như quốc sư, và mời vào triều để phổ biến ngành tử vi.

Một đặc điểm nữa của các vì sao là dùng sao tinh này để trấn áp sao tinh khác. Ví dụ từ lịch sử: Tướng Trịnh Ân là một danh tướng đã bị gièm pha mà bị giết oan. Vợ Trịnh Ân là nữ tướng Đào Tam Xuân, cũng là một tướng có công lập nên nhà Tống. Thay chồng, cầm quân ngoài quan ải, khi nghe tin chồng bị giết oan, nữ tướng đem quân về vây kín triều đình, các tướng tá triều đình không địch nổi nên chạy tán loạn. Vua giết thứ phi, giết Quốc Cửu là người đã gièûm pha vua để giết chồng nàng, vẫn không làm cho nữ tướng nguôi dạ. Tình hình rất nguy biến. May thay lúc đó có em trai của vua, cũng là một tay tử vi có tài do Hi Di truyền dạy khi ông được mời vô cung để tham vấn và truyền dạy khoa tử vi cho quan tướng triều đình. Đó là Triệu Quang Nghĩa. Nghĩa tâu lên vua rằng "Đệ xem tử vi thấy nữ tướng Đào Tam Xuân mệnh có Vũ khúc, Phá quân. Mà Vũ thì nóng giận, Phá thì lại nhẹ dạ. Muốn chế ngự được hai sao đó chỉ có Lộc tồn chế được tính ác của Vũ khúc, và Thiên lương sẽ cầm giữ lại của Phá quân. Vậy muốn thuyết phục nữ tướng Đào Tam Xuân lui binh không gì bằng tìm một vị văn thần nào đó mà có Thiên lương thụ mệnh tại Ngọ, ngộ Lộc tồn thì có thể làm cho nàng lui binh." Quả thật một quan văn đã thuyết phục thành công và Đào Tam Xuân đã lui binh trở về trên quan ải.

Một điển tích lịch sử có thật tại Việt nam: Ông Đoàn Nhữ Hài (trước 75, đường Đoàn Nhữ Hài ở quận tư Khánh hội, ngang chợ Xóm chiếu) là một công thần dưới triều đại vua Trần Anh Tôn. Thuở nhỏ Đoàn Nhữ Hài là học trò trường Quốc tử giám ở Thăng long, lớp Thái học sinh. Một hôm ra chùa Một cột chơi, cậu thấy ông thầy chùa ngồi thiền trên bậc đá. Cậu mon men đến làm quen, và hỏi: -- Bạch Thầy, tiểu sinh nghe rằng người tu hành có thể biết được vận số đời người, vậy có đúng không?

Hòa thượng mở mắt nhìn Hài một lúc lâu rồi đáp:

-- Tiểu sinh muốn biết điều gì?

-- Tiểu sinh muốn biết mai này hoạn lộ ra sao!

Rồi Hài đọc ngày sanh tháng đẻ: "Tiểu sinh sinh ngày 1 tháng 4, Đinh Sửu, giờ Tuất." Hòa thượng bấm đốt ngón tay rồi nói:

-- Số của tiểu sinh là số "Tá cửu chùng kim diện", mai sau làm đến Tể tướng. Mệnh lập tại Sửu, tả hữu thụ mệnh thì đa tài đa năng, khoan hòa. Nhật tại Mão, nguyệt tại Hợi, thủ chiếu là cách Nhật Nguyệt tinh minh. Lộc cư quan, Hóa, Quyền cư thiên di là cách Quyền Lộc trùng phùng. Tuổi Đinh mà có €ch, Kình đắc địa tại Mùi thụ Mệnh thì còn thêm cả nghiệp võ. Đó là sẽ làm đến Tể tướng là vậy! Nhưng chỉ tiếc rằng Đào, Hồng, Hình cư Nô thì sau này vì đàn bà mà tiêu tan cơ nghiệp.

Hài hí hửng ra về. Nhưng kỳ thi năm đó cậu ta thi rớt Thái học sinh vì bài của cậu tự cao tự đại quá. Cậu liền ra chùa Một cột tìm vị hòa thượng ... định để làm cho ông ta một trận.

-- Hôm trước đại sư nói rằng tôi làm đến Tể tướng, thế mà cái bằng Thái học sinh còn bị đánh rớt!

Vị hòa thượng bình tĩnh trả lời:

-- Ta nói nhà ngươi sau này làm đến Tể tướng chứ có nói nhà ngươi thi đậu đâu? ...

Cho tới khi Đoàn Nhữ Hài được vô trình diện Thái thượng hoàng, tức là cha của vua Trần Anh Tôn, ngài nói:

-- Ta đang cần một người có tài lẫn đức để phò tá con ta. Nay gặp ngươi ta lấy làm vui.

Vua cha cũng lấy ngày tháng năm sinh của Hài và bấm số. Ngài im lặng một lúc lâu mới phán rằng:

-- Tiếc thay, tiếc thay! Sự nghiệp tiên sinh hiển hách nhưng bị cái nạn Hồng Đào, Tham Hình mà nên nông nổi!

Vua Anh Tôn nghe vậy nên mới quỳ xuống xin vua cha gia lòng cứu vớt. Phụ hoàng suy nghĩ rất lâu, một lúc lâu Thái thượng hoàng mới trầm tư lên tiếng:

-- Được rồi, ta sẽ có cách cứu nhà ngươi. Nói xong vị vua cha mới lấy trong túi gấm ra bộ sách kinh nhà Phật rất quý giá mà ngài luôn luôn để lên án thư để tụng niệm hàng ngày. Bộ kinh này có tên "Kim Cương Cang." Ngài liền xé cái bìa của bộ kinh đó và lấy nghiên bút viết vào dòng chữ "Tứ đại giai không - Miễn tử!" rồi bỏ vào trong túi gấm của ngài đưa cho Đoàn Nhữ Hài, dặn rằng khi nào kế cùng thì mở ra để được cứu.

Trở về Thăng long, Đoàn Nhữ Hài được vua Trần Anh Tôn phong cho chức quan Ngự sử Trung tán, một chức quan to ngang hàng bậc đại thần trong triều. Lúc đó quan ngự sử Đoàn nhữ Hài vừa 20 tuổi, lại trong tay không có một đỗ đạt nào, cho nên không mấy được lòng với các vị quan có thâm niên công vụ. Có nhiều sự gièm pha. Tuy không có chút bằng cấp lận lưng nhưng phải công nhận ông là người có tài. Từ ngày có ông, triều chính đã được mở mang và thay đổi cho phù hợp với đất nước, vua rất lấy làm hài lòng.

Nhưng chỉ ba năm sau, một vụ án đã làm rúng động triều đình. Là vì quan ngự sử Đoàn nhữ Hài đã cùng một thứ phi tuyệt thế của vua thông dâm với nhau ngay tại trong cung cấm. Đại triều họp lại và nghị án: cả hai đều bị tội trảm. Đến bước cùng rồi, Đoàn nhữ Hài mới chợt nhớ đến lời tiên tri trong lý số tử vi của ông mà vị hòa thượng ở chùa Một cột và Thái thượng hoàng đã luận đoán. Lúc này là lúc cái túi gấm mà Thái thượng hoàng đã trao cho được mở ra. Quả nhiên khi quan Giám sát trao lên vua bút phê của Thái thượng hoàng cùng ấn triện son đỏ "Tứ Đại Giai Không Miễn Tử", thì vua Trần Anh Tôn mới chợt nhớ đến chính vua đã quỳ để cầu khẩn vua cha gia lòng dùng tử vi lý số mà hóa giải cho Đoàn nhữ Hài. Vua mũi lòng và nghĩ đến công lao của quan ngự sử Đoàn nhữ Hài liền ra lệnh tha tội chết cho ông và trở lại làm việc như xưa. Còn thứ phi trắc nết dĩ nhiên là bị chém đầu ngay sau đó.

Bây giờ chúng ta xem lý do nào mà chỉ có mấy câu trên cứu được mạng Đoàn nhữ Hài. Các vị đã đoán Đào Hồng Cư Nô Ngộ Tham Hình ... nên vì má đào mà vỡ tan sự nghiệp. Theo lý số, muốn giải nạn Hồng Đào thì phải có sao Hóa quyền. Quyền ở đây là quyền uy tối thượng của vua, là quyền lực (tức là sao Hóa quyền). Còn muốn giải nạn "Hình" thì phải dùng đến "Không." "Không" ở đây là bìa sách của bộ kinh Kim Cương Cang, là dụng ý "Không Không" của nhà Phật. Xem ra như vậy "Thuật" và "Khoa" nào cũng thế. Không phải số mệnh con người đã được an bài, nay sẵn có mà không cứu hay cải số nổi, bao giờ cũng cho ta một lối thoát, các cụ xưa thường nói "Đức năng thắng số" là vậy!

Ngày xưa trong Tam Quốc chí Khổng Minh Gia Cát Lượng đã chết sớm hơn hạn định 10 năm (một kỷ) là vì ông đã quá độc ác, dùng hỏa công để tiêu diệt gần tuyệt chủng dân tộc Nam Man. Ngay đến các quan tướng nhà Trần VN ta sau khi đại thắng quân Mông Cổ, bị ảnh hưởng giết hại sanh linh rất nhiều nên cũng từ quan đi tu hết cả.

Khoa tử vi truyền vào VN từ niên hiệu Nguyên Phong thứ 7, đời Trần Thái Tôn (1257). Người đem khoa tử vi vào VN là tiến sĩ tên Hoàng Bính, cùng 3000 gia nhân đã xin tị nạn chính trị với VN.  Ông là Thị Độc Đại Học sĩ làm quan dưới thờÛi Tống Lý Tông (1253). Nhân một hôm ông bấm tử vi thấy vua, hoàng hậu, các quan văn võ đại thần người nào cũng thấy số mạng diệt vong và ly tán tù đầy. Âu là số trời vận nước tan hoang. Rồi ông bấm đến số ông và gia đình thấy Mệnh lập tại Tỵ, thân cư Thiên di tại cung Ngọ nên mới bàn với phu nhân "Số ta và gia đình sắp phải làm thân vong quốc mà thân cư Thiên di tại Ngọ là phương Nam, vậy phải xuôi về Nam mới mong thoát." Thế là gia đình ông gồm trên 3000 người đến biên giới Hoa Việt xin tị nạn chính trị. Vua Trần Thái Tôn sai quân lên dò xét thấy thực tình mới thuận cho vào định cư vùng Yên Bang.

Cảm mến vua có lòng nên tiến sĩ Hoàng Bính mới gả đứa con gái út mới có 16 tuổi cho vua Trần Thái Tôn. Cô bé này lầu thông thi phú lại rất tài tình về khoa tử vi. Vua Thái Tôn mừng lắm phong làm Huệ Túc phu nhân. Nhân một hôm trong triều có hoàng tử ngả bệnh nặng, hoàng hậu và các phi tần đã khóc lóc lo tang ma. Huệ Túc phu nhân cũng đến thăm mới nhẩm bấm đốt ngón tay thì thấy hoàng tử Mệnh lập tại Tý, Thiên đồng Thái âm thụ mệnh, tiểu hạn ngộ Hình kỵ, đại hạn ngộ Tuế kiếp. Do đó chỉ đau nặng thôi chứ không chết được. Bởi vì Thiên đồng Thái âm thủ cung Tý là Thọ, phu nhân liền nói cho vua và hoàng hậu nghe là:

-- Hoàng tử không chết đâu. Đến giờ Sửu ngày mai sẽ hồi tỉnh, không những hoàng tử không chết mà sau này còn là vì vua anh minh nữa.

Quả nhiên hoàng tử sống thiệt. Vua Trần Thái Tôn mới ưu ái hỏi sủng thiếp Huệ Túc sao mà nàng biết được? Phu nhân thưa: "Đó là nhờ khoa tử vi!" Cũng từ đó nhà vua cho triệu mời tiến sĩ Hoàng Bính vào triều truyền dạy cho các quan, cả vua và hoàng hậu, các hoàng tử cũng đều theo học về khoa này. Phụ giúp thân phụ là Huệ Túc phu nhân cũng góp phần soạn thảo. Nhà vua lập ra bộ này và Huệ Túc phu nhân làm Bộ trưởng cho công trình nghiên cứu. Sau đời này mới đến Đoàn nhữ Hài, Trần nguyên Đán, ...

Trong hai đời Tổng thống VNCH, đệ nhất cọng hòa là cụ Ngô Đình Diệm. Cụ là người công giáo nên không tin. Vì vậy ngày tháng năm sanh của cụ được công khai. Cũng vì vậy mà các tử vi ở miền Trung đã dùng phương sách yểm Tổng thống Diệm và gia đình. Bằng cách nhắm vào mồ mả nhà họ Ngô. Họ đã dùng một thanh gươm đâm thủng đầu con chó mực rồi cắm ngay hướng đỉnh đầu theo thế đất "Long Phụng" ngôi mộ đắc địa của nhà Ngô. Vì vậy mà từ đó, cứ mỗi lần con "Long" bị đau dẫy lên là có một người con trai trong dòng họ nhà Ngô bị nạn, mỗi lần con "Phụng" dẫy lên là một người con gái bị tai ương. Do đó chiêm nghiệm xem, giòng họ Ngô đời sau này coi như triệt hết nhân tài. Con ông Ngô Đình Nhu, 2 đứa con trai vô danh tiểu tốt, Lệ Thủy thì không qua khỏi định mệnh vào lúc tuổi rất trẻ. Kể từ năm 1963 đã không còn ai danh tiếng.

Rồi đến đệ nhị cọng hòa với đời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Không ai ngờ được một người có quá trình kém cỏi về văn cũng như võ mà làm nên được Tổng thống điều khiển quốc gia, có trong tay trên một triệu quân đội tinh nhuệ. Bỗng một sớm một chiều phá tanh bành đưa đến sụp đổ Nam VN để bao nhiêu sinh linh thác oan. Nhờ ông biết tử vi cho nên không dễ gì ai biết được ngày giờ cùng tháng năm sanh của ông ta. Do đó mà ông ta và gia đình đã thoát một cách may mắn có tính toán và chuẩn bị từ lâu. Sang tới đây, ông vẫn tin tưởng câu sấm "Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về!" và ông vẫn tin nhà đất ông vẫn còn "hóa long." Tuy lớn tuổi rồi mà ông Thiệu mộng lớn vẫn còn. Cho nên mấy năm vừa qua ông họp hành ra mắt đồng bào. Trước 75, những tháng cuối cùng, ông cũng biết cái cuộc đời Tổng thống của ông sắp cáo chung. Vì hòn đá dao có cả triệu năm dựng đứng ngó xuống dòng sông Tri Thủy nơi quê hương ông bỗng nhiên gãy gục. Báo hiệu thời đại làm Dzua của ông đã mãn.

Vào năm 1973 vợ chồng ông Thiệu hay mời cụ Diễn vào dinh để vấn kế. Cụ Diễn là một tử vi gia và lại là nhà địa lý uyên thâm. Cụ đã biết được cuộc đời ông Thiệu nhưng ngại nói ra. Có lúc cụ tâm sự "Cái số của thằng Thiệu lạ lắm. Nó sướng bao nhiêu thì dân khổ bấy nhiêu, nên mình không thể giúp nó được. Giúp nó thì thất đức lắm!"

Có một hôm vào dinh Độc lập, cụ gặp con gái của ông Thiệu lúc đó đang có bầu. Tự nhiên cụ lại thốt ra một câu, có lẽ là vô tình thôi: "Đứa nhỏ này sau khi ra đời giờ sanh của nó làm cả họ bị tru di!" Viên sĩ quan hầu cận nghe được, liền tâu lên ông Thiệu. Thế là Thiệu tự bấm quẻ và nghiên cứu với các tử vi gia khác. Khi con gái gần lâm bồn, ông cho mời bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở đường Công lý tên là BS Ph. vào dinh mổ đem thai nhi ra trước giờ sanh.

Do đó Thiệu đã nghiệm thấy sự không may mắn cho cuộc đời ông nên vào 1975 ông đã nhanh chân chạy thoát. Có lẽ vì vô tình tiết lộ "thiên cơ" mà cụ Diễn đã qua đời năm sau đó.

Có một vị quan 5 Pháo binh đã hỏi như thế này: Ngày trước tôi đã nả mấy chục ngàn quả pháo, ít ra cũng cả vài chục ngàn đồng chí nát thây. Hồi ở VN ông quan 5 lo sợ tổn âm phúc. Nay qua đến đây thì có còn ảnh hưởng gì không? Có lẽ những minh chứng kể trên đã là câu trả lời cho vị đó. Tóm lại đã có tội với trời đất, có chạy đi đâu cũng khó thoát nổi. Trở lại chuyện ông quan 5, tuy ông đã vẽ đường cho B52 oanh tạc thật đấy nhưng chỉ là nghe lệnh mà làm. Ông chỉ bị tổn âm đức với trời, chứ không bị các oan hồn báo oán.

Tóm lại con người dù sao cũng không thoát khỏi bàn tay của định mệnh. Nếu không căn cứ vào hai chữ định mệnh thì làm sao giải thích được một cô gái giặt sa bên sông Vị mà làm điên đảo cả chính trị Ngô-Việt. Bên Trung quốc liền một lèo ba triều đại bị tiêu diệt bởi người đàn bà. Nhà Hạ mất vì nàng Muội Hỉ, nhà Thương diệt vì nàng Đắc Kỷ, nhà Chu tan hoang vì tiếng cười Bao Tự. Ngoài ra còn phải kể đến Hàng Tố Mai làm điêu đứng nhà Tống, một Từ Hi làm mưa gió nhà Thanh, và gần đây nhất một Tống Mỹ Linh làm mất Hoa Lục. Nữ sắc làm tiêu tan chế độ mà còn làm điên đảo thời cuộc. Vì người anh hùng dễ bị chìm đắm trong khóe mắt đàn bà. Nên cổ nhân cho đó là một tai họa. Đàn bà đã chiếm một nửa thế gian và là một phần lớn của đời người đàn ông. Theo sách Kinh Chúa, đàn bà là cái xương sườn cụt của người đàn ông. Sao không là xương mông, xương chân? Có thể vì thế đàn bà mới được ngang hàng gần trái tim cho quý ông yêu quý. Đàn bà đã gieo rắc ảnh hưởng lớn cho cuộc đời người đàn ông. Nàng làm cho gã điên cuồng, nhảy vào lửa, tán gia bại sản, quỳ mọp xuống bàn chân nàng, hoặc oai hùng dũng cảm. Đàn bà! Phải nói là một thứ tôn giáo, một lẽ sống thờ phượng, là lý tưởng, là triết học để luận bàn. Và không ai có thể chối cãi được, phải không quý cụ?

Anh Lê (Phối trí CQ)