Lời phát biểu của thân hữu Nguyễn Khắc Nhẫn
Nguyên Giám Đốc và Giáo Sư trường Cao Đẳng Điện Học Phú Thọ SàiGòn.

Các anh các chị thân mến,

Tôi rất vui mừng được có mặt hôm nay tại đây, gặp lại rất nhiều các bạn bè đồng nghiệp và các sinh viên năm xưa của trường Cao đẳng Điện học (CĐĐH), Phú thọ, Sài gòn.

Tôi xin thành thật cám ơn các anh các chị đã có nhã ý mời tôi trình bày tình hình hiện nay của ngành điện lực nước nhà. Tôi xin nhấn mạnh một điểm: sự hiện diện của tôi ở buổi đại hội thân hữu điện lực (THĐL) hôm nay không có một mục đích chính trị nào cả. Từ xưa đến nay, tôi không hề phát biểu ngoài phạm vi hiểu biết của một kỹ thuật gia. Trước khi vào đề, tôi xin phép vắn tắt đôi lời tâm huyết.

Thấm thoát đã 32 năm trời tôi từ giã quê hương và bạn bè. Làm sao tôi khỏi xúc động và vui mừng khi nhìn thấy lại các khuôn mặt thân thuộc nhân buổi đại hội này, tổ chức lần đầu tiên tại Paris. Anh Thuần khỏi ngâm thơ Hồ Dzếnh "Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé." Ban phụ trách sinh hoạt họp mặt THĐL, nếu đồng ý, có thể tặng một món quà cho ban tổ chuc ở Pháp kỳ này. Cho phép tôi thân ái chào tất cả các bạn có mặt hôm nay và xin nhờ các bạn chuyển giùm đến các gia đình thân hữu vắng mặt những lời thăm hỏi nồng nhiệt của tôi.

Trong lãnh vực nghề nghiệp, "mối tình đầu" của tôi là Trường Cao Đẳng Điện Học (CĐĐH) Phú thọ, Sài gòn. Như một số anh chị em cựu sinh viên đã biết, tôi say mê phục vụ Trường CĐĐH với tất cả nghị lực thời thanh xuân. Trong quá khứ, chúng ta đã cùng đi một đoạn đường, cùng nhau cố gắng xây dựng một nền tảng cho ngành điện lực nước nhà. Bao nhiêu sợi dây vô hình nhưng vững chắc, đã nối tiếp, gắn bó anh chị em chúng ta trong đại gia đình điện lực, không phân biệt lập trường và chiều hướng cá nhân.

Suốt thời gian ở Paris và Grenoble, tôi được may mắn liên tục làm việc như lúc ở Sài gòn: sáng đi dạy ở trướng đại học, chiều phục vụ cho kỹ nghệ điện. Năm 1980, bộ Ngoại giao Pháp đề cử tôi về công tác ở quê hương. Nhân dịp này, tôi đã tổ chức và đề nghị với chính quyền, việc hợp tác giữa ba trường Đại học Bách khoa Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà nẵng, với Đại học Bách khoa Grenoble. Trên 200 kỹ sư và giảng sư (trong đó có 70 tiến sĩ) đã trở về nước sau khi tu nghiệp từ một đến bốn năm ở Grenoble.

Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật và trường CĐĐH Phú thọ mà tôi được vinh dự điều khiển đầu tiên, nay trở thành trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Điện-Điện tử. Cũng trong chuyến công tác này, tôi đã đề nghị móc nối lại các Công ty Điện lực Việt nam và Électricité de France (EDF) mà mối liên lạc đã bị gián đoạn từ 1975. Nay tôi vẫn tiếp tục làm cố vấn chiến lược cho EDF với mục đích đẩy mạnh sự hợp tác giữa Tổng Công ty Điện lực Việt nam (ĐVN) và EDF, có lợi cho đôi bên.

Nhắc lại những hoạt động trên, tôi muốn nhấn mạnh lòng thủy chung của tôi đối với "mối tình đầu." Tôi luôn tha thiết với hai lãnh vực quan trọng của đất nước: năng lượng và đào tạo. "Thời gian chảy đá mòn sông núi lở", nhưng lòng tôi vẫn trọn vẹn với quê hương...

Sang năm 1997, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật và trường CĐĐH Phú thọ sẽ được bốn chục tuổi. Cầu mong tất cả các bạn cựu sinh viên sẽ có ngày và có dịp trở về thăm trường cũ.

Tôi xin dứt lời và xin cám ơn tất cả các anh các chị.

NGUYễN KHắC NHẫN

Tóm Tắt Phần Trình Bày Kỹ Thuật:

1. Cơ chế tổ chức:

Tổng công ty điện lực Việt nam (ĐVN) được thành lập vào tháng 10 năm 1994. Cơ quan này đặt dưới quyền Hội đồng Quản trị và Nha Tổng giám đốc, gồm 65 ngàn nhân viên rải rác trên toàn quốc. ĐVN quản lý 42 đơn vị, trong đó có :

12 nhà máy (từ 33 đến 1920 MW); Trung tâm điều độ quốc gia và các Trung tâm điều độ khu vực; 4 Công ty truyền tải; 5 Công ty phân phối điện lực (CTĐL1: các tỉnh miền bắc, CTĐL Hà nội, CTĐL2: các tỉnh miền nam, CTĐL thành phố Hồ chí Minh, CTĐL3: các tỉnh miền trung); Các công ty khảo sát và thiết kế, công ty xây lắp, công ty sản xuất thiết bị điện; Viện năng lượng; Trung tâm nghiên cứu ...

2.Công suất đặt và sản lượng điện:

Công suất đặt hiện nay lên đến 4500 MW (nhiều hơn 4 lần so với công suất năm 1975) trong đó 65% là thủy điện và 35% nhiệt điện (khí 9%), công suất đỉnh là 3000 MW. Sản lượng điện là 14.5 tỉ kWh (nguồn thủy điện chiếm 75%). Trung bình mỗi đầu người là 190 kWh, chưa tính đến tổn thất khoảng 25%.

3. Các nhà máy và dự án:

- Đang khai thác:

1.Thủy điện: Thác Bà (108MW), Đa Nhim (4x40=160MW), Trị An (400MW), Vĩnh Sơn (66MW), Hòa Bình (8x240=1960MW) 2.Nhiệt điện than: Uông bí (100MW)(a), Ninh Bình (100MW)(a) 3.Nhiệt điện dầu: Thủ Đức (165MW), Trà Nóc (33MW) 4.Nhiệt điện khí: Bà Rịa (267MW)

- Đang và sắp xây cất:

1.Thủy điện: Yali (700MW), Sông Hinh (70MW) 2.Nhiệt điện khí : Bà Rịa (147MW)

- Dự án:

1.Thủy điện: Hàm Thuận Đa Mi (472MW), Đại Ninh (300MW), Bản Mai (350MW), Sơn La (2400-3600MW) 2.Nhiệt điện than: Phả Lại 2 (600MW), Quảng Ninh (1200MW) 3.Nhiệt điện khí: Phú Mỹ 1 (600MW), Phú Mỹ 2 (600MW)(b), Phú Mỹ 3 (600MW), Phú Mỹ 4 (600MW)

(a) Trên thực tế, các nhà máy cũ này có công suất rất kém; (b) Giai đoạn 2 (BOT: Bulk Operate Transfer), công suất các nhà máy Phú Mỹ có thể thay đổi.

4. Lưới điện:

Các hệ thống điện sử dụng các cấp điện thế sau:

500 - 225 - 110 - 66 kV đối với lưới cao thế; 35 - 20 - 15 - 6 - 3 kV đối với lưới trung thế; 380 - 220 - 110 V đối với lưới hạ thế.

Đường dây 500 kV dài 1487 km từ Hòa bình đến Phú lâm gồm 5 trạm biến thế tổng cọng 2700 MVA.

5. Kinh tế và tài chính:

Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của nhu cầu điện lực trong những năm sắp tới vẫn còn rất cao, bình quân 12-15%. Tốc độ lũy thừa này (không thể kéo dài mãi) cần huy động vốn lớn. Từ bây giờ đến năm 2010, ĐVN phải đầu tư mỗi năm 1 tỉ đô la. 60-70% dùng để xây lắp các nhà máy điện (cần 600-700 MW), 30-40% dùng để thiết kế các lưới điện. Đến năm 2000 muốn đạt được mục tiêu của nhà nước (tăng gấp đôi tổng sản lượng / đầu người so với năm 1990), ĐVN dự trù phải sản xuất từ 27 đến 30 tỉ kWh.

6. Vài nhận xét (để trả lời một số câu hỏi của các bạn): ĐVN đang cố gắng giải quyết cùng một lúc bao nhiêu vấn đề khó khăn:

Vốn lớn: ĐVN phải tìm nguồn tài chính quốc gia, vay ngoại quốc, ngân hàng quốc tế, ngân hàng phát triển € châu, ... Với mục tiêu điện khí hóa 80% số làng mạc ở Việt nam, ĐVN không những phải xây cất thêm niều nhà máy, mở rộng lưới điện cao thế, mà còn phải thiết kế hàng chục ngàn cây số trung và hạ thế. Hai khâu chót của hệ thống điện: khâu phân phối và khâu tiêu thụ, vô cùng quan trọng, phải được thực hiện ăn khớp với khâu sản xuất và khâu truyền tải. Hiệu quả của quản lý: ĐVN đang xem có cách nào giảm bớt số nhân viên quá nhiều so với số kWh sản xuất được. Không phải dễ dàng vì nạn thất nghiệp. Các đơn vị cần phải tự chủ hơn, lời ăn lỗ chịu. ĐVN cần tổ chức phân cấp các cấp quản lý thích hợp và cần áp dụng tin học trong quản lý để nâng cao tính hiệu quả. Tổn thất cao: Mức tổn thất (25%) hiện nay là quá cao, do đó cần phải có giải pháp thích hợp như: tính toán tối ưu sự phân bố công suất để giảm tổn thất, cũng như tu bổ, bảo trì, thay thế các thiết bị cũ. Do đó ngân sách cho bảo trì rất quan trọng. Giá Diện: ĐVN bị ràng buộc bởi giá bán điện do nhà nước qui định. Ngày nào chính sách giá điện chưa rõ ràng và vững chắc, ngày ấy các dự án BOT sẽ còn gặp trở ngại và hạn chế sức thu hút đầu tư của nước ngoài. Đào tạo: ĐVN đang chú trọng đến vấn đề then chốt này. Tương lai của ngành điện lực nước nhà dựa trên chính sách đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý, thương mãi, chứ không phải dựa trên các nhà máy điện lớn. Tài nguyên: Một điểm vô cùng thuận lợi cho ĐVN là nguồn năng lượng nước nhà rất phong phú. Ngoài nguồn thủy điện (80 tỉ kWh), còn có dầu, khí, than. Không phải nước nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như thế. Có thể nói, vào nửa thế kỷ 21, Việt nam vẫn còn đủ nguồn năng lượng cổ điển để đáp ứng nhu cầu. (Chớ quên rằng trên hạ lưu sông Mékong, Việt nam còn có thể mua bán điện với các nước lân cận qua mạng lưới điện cao thế nối liền các nước sau này).