Tôi trở lại Pháp kỳ này bằng con đường vòng. Vòng qua Londres, tới Bruxelles, rồi Liège, rồi Amsterdam, rồi Luxembourg, cuối cùng mới tới Paris. Vừa đi chơi, vừa đi thăm bà con bạn bè, vừa đi dự đại hội họp mặt thân hữu điện lực hè 1996 tại Paris và Aix- en-Provence của nước Pháp.
Sinh hoạt họp mặt THĐL năm nay đã có nhiều người tường thuật lại, tôi không muốn lập lại các bài viết đó. Tôi chỉ muốn ghi lại ở đây một chút cảm nghĩ của mình nhân một lần trở lại "kinh thành ánh sáng."
Trở lại Paris kỳ này tôi vẫn có một niềm xúc động. Paris với màu xám cổ kính! Paris với các di tích lịch sử! Paris với cả một nền văn hóa và văn chương Pháp mà tôi vẫn còn ngưỡng mộ.
Trên chuyến xe lửa tốc hành từ Bruxelles tới Paris, bà xã tôi có nói với tôi đại ý là "tuy mới tới đây lần đầu mà sao như thấy có cái gì quen thuộc." Những cái quen thuộc đó là các lối kiến trúc nhà cửa, các lối đường phố với các bùng binh (rond points), các bảng tên đường, các bảng quảng cáo, các loại xe hơi như Peugeot, Renault, Citroen, ... Nhất là ngôn ngữ! Nhìn và nghe thấy tiếng Tây vẫn còn thấy quen thuộc.
Nhờ đại hội họp mặt THĐL, tôi đã có cơ hội gặp lại những người bạn cũ, có những giờ phút tâm sự hàn huyên thoải mái. Nhắc lại những ngày cũ, đi học, đi làm, đi cải tạo, đi vượt biên, ... Rồi những lúc ngồi thả hồn theo các màn văn nghệ độc đáo của người nữ nghệ sĩ đã nổi tiếng từ nửa thế kỷ, của các ca sĩ hàng đầu của Paris bây giờ. Đặc biệt là màn hát vọng cổ và "qua cầu gió bay" bằng tiếng Pháp của người ca-sĩ-bác-sĩ đã từng "đóng cửa phòng mạch để đi hát." Dĩ nhiên tôi cũng không thể nào quên hai món đặc biệt của Pháp: rượu chát đỏ và phó mát, những chất "mồi" giúp cho chúng tôi bù khú bạn bè.
Một trong những niềm vui thích của tôi là gặp lại vị giám đốc mà cũng là một người thầy của trường Điện Phú thọ lúc tôi còn đi học. Nhiều năm, thầy đã là con chim đầu đàn của chúng tôi. Với thầy, cá nhân tôi có rất nhiều kỷ niệm từ những ngày đi học, những ngày tổ chức "Đêm Điện" đầu tiên, những ngày làm tờ báo "Điện học" đầu tiên của trường Điện. Rồi hai năm tiếp theo sau đó cho đến lúc tôi ra trường. Nhiều năm xa cách, tuy cuộc đời của mỗi người đã đổi khác, tuy có rất nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau, tôi vẫn giữ lòng quý trọng đối với thầy.
Mở đầu cho những ngày du ngoạn, chúng tôi ghé đến một đầu đường Champs *élysées, gần "Khải hoàn môn" (Arc de Triomphe). Chụp hình, quay phim! Không tới sát chân Khải hoàn môn được vì xe cộ chạy ghê quá mà thì giờ không có nhiều. Rút kinh nghiệm từ lần trước, vào tiệm ăn uống ở khoảng đường này là đưa đầu vào máy chém (một ly cà rem cỡ 15 mỹ kim), chúng tôi ghé mua bánh mì thịt ở một tiệm "fast food" gần rạp Lido. Đang mua thì khúc đường này bị cúp điện khoảng 15 phút. Con đường Champs *élysées rộng thênh thang, lề đường cũng rộng thênh thang, có hai hàng cây hai bên rất xưa, rất lớn và rất đẹp. Đường này thường là nơi dùng để diễn binh vào ngày lễ độc lập, nơi để cho dân chúng biểu tình phản đối hoặc ủng hộ chính phủ, mà cũng là nơi để cho những người "đồng tính luyến ái" lâu lâu xuống đường diễu võ dương oai, làm những trò lố lăng, ... Một đầu đường là Khải hoàn môn, đầu kia là công trường Bastille.
Hai bên cái sân rộng của công trường Trocadéro cũng có hai hàng tượng nhỏ. Nhưng hầu như ai bước chân tới công trường này cũng đều nhìn qua bên kia sông, và từ bên này chụp hình qua bên kia. Bên kia sông sừng sững tháp Eiffel, mà muốn chụp hình cho hết cái tháp từ dưới chân cho tới đỉnh đầu thì phải chụp từ công trường Trocadéro. Kỳ này chúng tôi có chụp hình trên bãi cỏ dưới chân tháp nhưng không có leo lên tháp. Công trường này cũng là nơi mà đêm 14 tháng 7 chúng tôi đi cả đám ra đây để coi bắn pháo bông ăn mừng lễ độc lập "quatorze Juillet" của Pháp. Trời mát và trong, hình như tất cả dân Paris đổ ra ngoài đường, đông ơi là đông!
Vì xe métro hết chạy vào khoảng nửa đêm, chúng tôi phải cố trở về khu khách sạn CISP, quận 13, trước chuyến xe chót. Ra khỏi métro, và trên đường đi bộ về CISP, chúng tôi ghé vào một cái quán nước bên đường. Ly cà rem lúc 1 giờ sáng ở cái quán này là một ly cà rem đúng nghĩa: làm bay hết nhiệt lượng đi bộ cả một buổi chiều tối, giá cả phải chăng, và nhất là ghi lại được một chút kỷ niệm cho những người bạn cũ không biết bao giờ mới có dịp gặp lại.
Hôm tụi tôi ghé thăm Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris), nhà thờ đang sửa chữa mặt tiền. Giàn "échafaudage" làm mọi người không muốn chụp hình phía trước. Mặt phía sau thành ra đẹp hơn. Vào bên trong, bà xã tôi có thắp đèn cầy và cầu nguyện. Tôi thì hễ bước chân vào hay là nghĩ tới nhà thờ này là tôi nhớ tới "Thằng gù" của Victor Hugo trong tác phẩm "Notre Dame de Paris." "Thằng gù" Quasimodo là một anh chàng rất xấu trai, lại gù, chột, điếc, ... (nghĩa là còn xấu hơn anh Trương Chi nhà mình!), nhưng anh lại có một tấm lòng cao đẹp và một trái tim nồng ấm. Quasimodo đã bị hành hạ một cách dã man vì đã không tìm bắt được nàng vũ nữ Exmeranda đem về cho gã quỷ sứ đội lốt thầy tu của nhà thờ là Phó giáo chủ Phrolo. Về sau, khi Exmeranda bị bắt để đưa lên đoạn đầu đài, chính "thằng gù" Quasimodo đã canh gác và săn sóc cho nàng, yêu thương nàng, rồi cùng chết với nàng. Quasimodo đã nói với Exmeranda một câu bất hủ "Nàng hãy nhìn ta bằng trái tim, đừng nhìn hình dạng!" Hai bộ xương sau khi chết còn quấn quýt lấy nhau, tạo thành một huyền thoại về một mối tình kỳ diệu. Không biết có thân hữu nào còn nhớ Anthony Quinn đóng vai "thằng gù" Quasimodo trong phim "Notre Dame de Paris"? Tuyệt vời!
Vào thăm vườn Luxembourg, tôi nhìn ngay lên các pho tượng trắng, tìm hình ảnh lá vàng rơi trên những đôi vai. Anatole France trong "Le Livre de Mon Ami", từ những ngày tôi mới chập chững những năm đầu trung học, đã làm tôi mơ ước có một ngày được đặt chân vào cái vườn có những pho tượng trắng để ngắm nhìn hình ảnh lá vàng rơi xuống đôi vai. Hôm chúng tôi ghé thăm vườn, lá chung quanh chưa vàng. Gió cũng không đủ mạnh để thổi cho lá rơi xào xạc. Nhưng những pho tượng đứng dọc quanh vườn vẫn đủ sức làm dừng chân khách nhàn du, gây cho mọi người một cảm giác thanh thoát. Hoa lá trong vườn tuy không có gì để gọi là kỳ hoa dị thảo, nhưng chắc chắn đã được bàn tay con người lựa chọn và săn sóc để có được một sự kết hợp rất hài hòa về màu sắc và đường nét. Nhìn lá hoa mà thấy được cả một nền văn hóa.
Tôi có ghé đến Viện bảo tàng Louvre (Musée du Louvre), nhưng giờ chót tôi chỉ ở bên ngoài, chụp hình và mua đồ kỷ niệm. Tôi biết là nếu vào bên trong tôi sẽ phải cần ít nhất là một ngày tròn. Thành ra đành thôi!
Bờ sông Seine năm nay hình như sạch hơn nhiều năm trước. Bên trên vẫn là các quầy và kệ bán sách báo và đồ kỷ niệm, bên dưới vẫn là chỗ cho những người yêu nhau. Đi bộ bây giờ có cảm giác đỡ sợ hơn ngày xưa, tuy vẫn phải coi chừng ... đạp cứt chó! Ngồi trên tàu (bateau mouche) chạy dọc theo sông Seine, lúc đêm vừa xuống và thành phố đã lên đèn, thành phố trên cao nổi bật lên đẹp một cách rực rỡ và huy hoàng. Nhất là những lúc trời trong! Các nhà cửa dinh thự, và nhất là hai hàng cây ở hai bên bờ sông, đều được rọi đèn sáng một cách có tính toán và nghiên cứu một cách cẩn thận về độ sáng và màu sắc. Cả cái tháp Eiffel cũng được thắp sáng từ trên xuống dưới, nhìn như một mũi tên bắn thẳng lên trời. Chỉ tội nghiệp cho các cặp tình nhân, đang mùi mẫn yêu nhau bên bờ sông mà bị đèn pha hai bên hông của tàu du khách rọi vào!
Chúng tôi đi viếng điện Versailles. Ông vua Louis XIV đã xây cung điện này còn lớn hơn điện Buckingham ở Luân đôn. Điện Versailles vĩ đại ngay từ ngoài cổng. Bên trong, từ sân trước tới vườn sau và các dinh thự, đường nét kiến trúc rất xưa, rất lạ, rất đặc biệt. Nhìn những kiểu kiến trúc này chắc ai cũng phải cúi đầu thán phục. Vào bên trong các tòa dinh thự, nhìn thấy hình ảnh và di tích về nếp sống của các ông vua và các bà hoàng hậu, dù có nhiều cái mình không ưa thích, mình vẫn cảm thấy có một chút gì kiêng nể. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó một ý kiến phê bình khi nói về cái đẹp của điện Versailles: Ở điện Versailles, cũng như các di tích lịch sử Âu châu, cái đẹp đã do con người đè ép chế ngự thiên nhiên; ở Á châu, nhất là Á đông, con người tạo cái đẹp nương theo thiên nhiên nhiều hơn." Có một điều thực tế đã làm giảm bớt cảm tình của du khách: đằng trước cổng có quá nhiều người bán hàng rong, chen lấn và rao hàng cũng như tranh khách một cách ồn ào và mất trật tự; bên trong lúc nào cũng cả rừng du khách mà chỉ có một phòng vệ sinh, thu tiền 2,5 FF một người, mà nam nữ vào chung lẫn lộn.
Người Việt tới Paris mà không ghé tới khu "Đường Sơn Đại Huynh" (Tang Frères) ở quận 13 thì chắc là thiếu sót. Thương xá Việt nam nằm bên cạnh siêu thị Tang Frères này có dáng dấp và kích thước như thương xá Tax ngày xưa ở Sài gòn. Có tiệm sách Nam Á, có cửa hàng "Thúy Nga Paris", có đủ thứ cửa tiệm, và dĩ nhiên có tiệm phở và cà phê. Phở rẻ nhất là 40FF (8$US) một tô, mà nói xin lỗi, dở ơi là dở! Lúc tôi ghé qua, nhà sách Nam Á đóng cửa.
Chúng tôi lên tới nhà thờ "Le Basilique du Sacré Coeur" đã 11 giờ đêm, chỉ còn có dịp và thì giờ đứng trên cao nhìn xuống khu phố Montmartre và một phần thành phố Paris. Không có dịp và thì giờ để lang thang xem các họa sĩ tài tử đặt giá vẽ ngay ngoài lề đường, và nhất là không có cơ hội đến thăm ngôi mộ của "Trà Hoa Nữ", người thật ngoài đời của nhân vật "La Dame aux Camélias" của Alexandre Dumas "fils."
Rời Paris miền bắc, chúng tôi đi xuống miền nam. Hẹn nhau tại nhà VVHoàng. Tối đó, tôi được thưởng thức lần đầu tiên món semoules tại biệt thự "Êm Đềm", còn có tên là "Domicile Adoré" viết bằng các nốt nhạc "Do Mi Si La Do Re." Trước khi uống rượu chát đỏ của miền Provence, chủ nhà còn cho thử Pétillant và Pastis, làm nhớ tới rượu Anis của thời "thực dân Tây" tới Việt nam. Trong câu chuyện tôi được biết là "Hoàng phu nhân" ngày xưa học ở trường Couvent des Oiseaux Đà lạt, còn "Hoàng gia chủ" thì lại có thời ở cư xá Trung tâm Đắc Lộ ở Sài gòn. Mối tình này bắt đầu bằng một công tác xã hội "Em hậu phương anh tiền tuyến", ướp bằng hương hoa mimosa Đà lạt, kéo dài cho đến năm nay hình như là 25 năm (thành ra bữa tiệc mà "Hoàng gia" đãi các THĐL tại nhà hôm đầu tiên cũng là tiệc 25 năm kỷ niệm, mà gia chủ chẳng nhận được món quà nào hết). Cuộc tình 25 năm đó bây giờ còn được tiếp tục ướp bằng mimosa Provence, lại thêm hương lavande và tiếng ve sầu reo vui suốt mùa hè.
Chúng tôi được đưa đi qua khu trung tâm thành phố Aix, chỗ cái bồn phun nước thật đặc biệt, "Cour de Mirabeau." Con đường Mirabeau với hai hàng cây cổ thụ cao vút và lãng mạn, gợi nhớ "con đường Duy Tân cây dài bóng mát." Tôi có ý mong buổi tối về sơm sớm, ăn tối xong sẽ ra ngồi ở lề đường Mirabeau này uống một ly cà phê "liégeois" nhìn dòng đời trôi qua trước mặt. Nhưng hai ngày đêm ở Aix, đêm nào cũng sau nửa đêm mới về tới nhà, thành ra không thực hiện được ý định.
Chúng tôi ghé đến Marseille, thả bộ trên con đường mới dọc theo bờ biển "Oriol Corniche du Président Kennedy", giống con đường vòng ở quắn Vũng tàu. Đây đó có những người câu cá, thong thả, lặng lẽ. Không thấy có ai chơi "pétanque", có lẽ vì chúng tôi ghé vào lúc hãy còn sớm. Đi qua Vieux Port, bến của du thuyền nhà giàu. Leo lên nhà thờ "Notre Dame de la Garde" (Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp). Nhà thờ sừng sững trên đỉnh núi, nhìn ra biển như nghe ngóng và hướng dẫn cho mọi sinh hoạt trong vùng biển. Bên trong nhà thờ có treo hình mẫu mấy chiếc thuyền tạ ơn vì đã được cứu sống trong các trận bão.
Rời Marseille, chúng tôi đi tới vùng Cavaillon, nơi có suối nước thiên nhiên "Fontaine de Vaucluse", có nhà máy làm giấy "bản" "Moulin à Papier Vallis Clausa", làm giấy theo kỹ thuật của người Tàu từ thế kỷ 15. Ăn trưa với món cá "truite" ở "Hotellerie Le Chateau" gần đó. Buổi chiều đi qua rừng cây "olive", dừng lại nơi nhà họa sĩ danh tiếng Van Gogh đã vẽ mấy bức tranh về rừng olive và mỏm núi đá. Rồi đi qua "cổ thành" "Les Baux" để tới hầm rượu "Cave de Sarragan", mua không biết bao nhiêu nhưng uống thử thì nhiều lắm. Rồi chiều tối chạy về ăn tối ở tiệm ăn Việt nam ở thị trấn St Rémy de Provence, tiệm "Le Mandarin." Gia đình chủ tiệm này là dân Thủ đức cũ, cũng là chỗ quen biết. Do đó mà mọi người được ăn canh chua cá kho tộ, cùng một vài món nhậu quê hương. Thì giờ không thể dài hơn được, lại đành bỏ qua "Moulin de Daudet", và thành phố Avignon. Mất một dịp nhìn quê cha đất tổ của giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon cuối thế kỷ thứ 16).
Ngày thứ nhì chúng tôi đi Cannes, một thành phố lớn và nổi tiếng nằm trên bờ "Côte d'Azur" của biển Địa trung hải. Thành phố này có vài cái đặc biệt: có "Palais de Congrès", nơi tổ chức đại hội điện ảnh Cannes hằng năm, có con đường bờ biển "Boulevard de la Croisette" cho khách nhàn du, có bãi biển cát vàng, ... Bực mình nhất là nhiều khúc bãi tắm bị ngăn lại riêng tư cho khách của từng khách sạn giàu có; đi lang thang phải coi chừng bị móc túi; và bực nhất là có hai cái "toilettes" công cọng, khi bỏ tiền vào cửa không chịu mở mà tiền cũng không trả lại. Tuy vậy, chúng tôi đã ghé và ở lại đây chắc cũng đến ba giờ đồng hồ. Thế hệ thứ hai có nhiều người tắm, còn thế hệ thứ nhất, nhất là các ông, nhiều người mải mê ngắm người khác tắm, bởi vì các bà các cô tắm ở đây hầu hết đều để ngực trần.
Qua Nice, một thành phố lớn khác, gần đó. Nhà cửa ở thành phố này đều sơn màu hồng. Bãi biển Nice là bãi sỏi chứ không phải cát. Con đường du khách có tên là "Promenade des Anglais", chắc ngày xưa chỉ có dân Ăng-lê được quyền đi bộ trên đó. Chúng tôi đi ngang chứ không ghé lại vì không tìm được chỗ đậu xe, một vài xe đi lạc, một vài thân hữu từ giã. Lên đèo Moyenne Corniche để đi về hướng Monaco. Đường đèo dễ sợ. Dừng lại ở làng "Village d'*èze" để viếng nhà máy sản xuất nước hoa "Parfumerie Fragonard", đi một "tour" và các bà mua sắm vài thứ để xài và làm kỷ niệm.
Thành phố Monte Carlo của xứ Monaco ở sát ngay sau làng *èze. Chúng tôi vất vả quá mới đậu được xe, đi hai chuyến xe buýt mới tới được "Lầu Ông Hoàng" (Palais Royal). Chỉ vừa đủ thì giờ để chụp hình bên ngoài sân của Lầu Ông Hoàng, và ghé qua nhà thờ để viếng mộ bà hoàng Rainier (Grace Kelly). Không có thì giờ để viếng vườn hoa "Jardin Exotique." Cách đây hơn mười năm, bà hoàng tử nạn xe hơi trên đường đèo "Grande Corniche." Hiện giờ hai cô con gái, tức là hai cô công chúa Caroline và Stephanie đều ly dị chồng hết. Monaco thời bà hoàng Kelly còn sống có nhận khoảng bốn mươi nguời Việt tị nạn cho định cư tại đó. Xứ này không có người nghèo, không biết mấy mươi người Việt nam ở đó bây giờ ra sao và ở đâu.
Theo chương trình thì những người trở về lại Aix sẽ hẹn ghé về lại Nice để ăn tối. Tuy nhiên, một ngày dài nóng nực và trễ nãi vì cứ ngồi trên xe chạy vòng vòng kiếm chỗ đậu, cho nên khi bắt đầu rời Monaco, mọi người đồng ý mạnh xe nào nấy chạy. Xe tụi tôi quyết chí chạy về Nice để dừng lại đó chơi và ăn tối. Thế mà vẫn không làm sao đậu được xe. Đành cứ men theo bờ biển mà chạy tà tà đến thị trấn nhỏ Antibes, nằm giữa đường Nice-Cannes, mới đậu được xe. Cũng phải dừng lại để nghỉ và ăn vì mệt và đói quá rồi. Đêm đó xe tôi về tới Aix đã gần 2 giờ sáng.
Hôm sau, sau buổi cà phê sáng và tâm sự cuối cùng với Hoàng gia, chúng tôi giã từ Aix, giã từ miền nam nước Pháp. Trời vẫn trong vắt và nắng rất đẹp. Một chút gì lưu luyến đã làm cho con đường xa lộ A6 từ Aix về Paris đi ngang qua Lyon trở thành dài hun hút.
Ngủ lại Paris thêm một đêm, sắp xếp đồ đạc, tính toán sổ sách, rồi sáng hôm sau chúng tôi từ giã Paris, và từ giã nước Pháp. Không thể nghĩ rằng gần ba tuần lễ vừa trôi qua. Như một giấc mộng!