Với bản tính trời ban cho là tôi và gia đình, tuy cuộc sống hiện tại không hơn ai, nhưng vì số kiếp ham vui hơn ưu tư sầu mộng, nên khi nghe tổ chức đại hội nơi nào chưa biết đến và so ra có thể đến tham dự được là nhào vô "đăng ký" ngay, trước mua vui sau thăm xứ lạ... nhưng lòng trời không thuận nên khoảng thời gian cận kề ngày hội, gia đình tôi và bản thân gặp phải những chuyện khó khăn cho nên những tưởng giấc mộng Âu du kể như bỏ cuộc, tùy theo vận mạng và số trời xếp sẵn nên tôi đã biên thơ xin bỏ cuộc cùng ban tổ chức tại Paris, nhưng dường như cơ trời thử thách lòng người nên vào ngày giờ chót tôi cũng được toại nguyện với chuyến Âu du đột xuất cho thỏa lòng mong muốn ... nhưng chỉ đi có một mình thôi, còn tất cả thành viên trong gia đình hy sinh ở lại ... hẹn khi khác vậy ...
Đây là lần đầu tiên trong đời của tôi đã được đi đến nơi hoàn toàn xa lạ và ngỡ ngàng, vui buồn lẫn lộn, như cái ngày mới đặt chân đến cái xứ Mỹ được gọi là quê hương thứ hai. Tôi đến tham dự ngày đại hội chính thức trong tinh thần thân hữu ấm áp của tất cả mọi gia đình điện lực khắp nơi đã quy tụ về điểm hẹn (như đã thông báo) tay bắt mặt mừng thăm hỏi nhau rối rít, điểm qua sơ khởi tôi thấy bên Mỹ qua đã có các gia đình anh Thuần, anh Huấn, anh Phong (Hồ), anh Đức (Háo), và cá nhân tôi. Canada đại khái có anh LVBảy. Bỉ quốc có mặt hầu hết như gia đình anh HVân, LVQuyên, LDTrường, NQHữu. Đức quốc có gia đình bạn già TBQuang. Còn hầu hết là dân Tây chánh hiệu cả, nhưng vẫn còn thiếu mặt khá nhiều dân địa phương như LTThạch (ở Tây) và NVLộc (ở Bỉ) vì có công chuyện sang Mỹ.
Việc gì đến rồi cũng đến, đại hội khai mạc trong lời phát biểu đầy tình nghĩa huynh đệ của đại gia đình Điện lực VN hải ngoại, của quý anh chị trong ban tổ chức lần lượt thốt nên như thân hữu đều biết qua bản tin THĐL vừa qua và đáp từ của anh NCT, ... tiếp đến trong chương trình buổi họp là giới thiệu một số nhân vật, thân hữu và gia đình hiện diện lồng trong những tiết mục văn nghệ bỏ túi, chuyên nghiệp cỡ Cô (Bà) Bích Thuận và vài ca sĩ khác (quên tên, xin lỗi) và nghiệp dư tài tử ca bác sĩ ... (cũng quên tên luôn), và các nghệ sĩ ca sĩ mầm non thuộc thế hệ thứ hai và thứ nhứt lên giúp vui, và cũng có quay phim chụp ảnh lung tung làm bầu không khí trong phòng họp thêm náo động lên thật là vui vẻ và cởi mở, tuy so với lần họp mặt ở Bỉ, các anh trong ban tổ chức và những thân hữu đã từng tham dự ở trời Âu công nhận đây là thành quả của đại hội được gọi là thành công về mặt dân số tham dự viên đông đủ nhứt ở Âu châu, vì ngoài các tiết mục văn nghệ, thu hình ảnh, trang trí phòng họp có cả giải lao giải khát và "chống đói" tại chỗ bằng các thức ăn nhẹ như các thứ bánh, bánh mì dồn thịt, ...
Nhưng đại hội ở Paris năm nay so sánh về tổ chức các lần tôi đã có tham dự thì kỳ này cảm thấy lỏng lẻo về mặt sắp đặt chương trình, không như bao lần khác, các nơi đều tổ chức không quên những tiết mục truyền thống của đại gia đình ĐLVN hải ngoại là luôn luôn có phần giới thiệu sau màn phát biểu và mở đầu của ban tổ chức, lần lượt giới thiệu tất cả tham dự viên và gia đình để dễ bề nhận diện nhau sau những năm dài xa cách (có khi mới gặp lần đầu) và sau hay xen kẽ là những chuyện vui buồn của kiếp lưu vong được kể cho nhau nghe, cũng như mục đích chánh là hầu như để điểm danh và báo cáo những sự biến đổi của các thành viên trong gia đình điện lực hải ngoại, ai còn ai mất, ai được ai thua, ... Do đó ai cũng nhìn nhận rằng ngoài phần phát biểu rất dài của ông NKN ra đại hội chỉ thực thi vài tiết mục sơ sơ thôi không mấy đầy đủ và phối hợp theo tinh thần của ngày đại hội THĐL như các lần khác, và sau đó nhanh chóng quý vị trong ban tổ chức tuyên bố bế mạc và tới màn chụp ảnh lưu niệm, cùng các thân hữu ở Bỉ lưu tặng áo thun in ý nghĩa của ngày đại hội...
Sau màn họp mặt và tản hàng kéo nhau lên lầu trên của hội trường tiếp tục màn kế là phần ăn nhậu, có rượu chát, rượu khai vị (như Tây) rồi mới tới các món ăn được gọi là "cao lương" của Tây cũng như các thứ đặc sản "phó mát", cá sống, thịt bò (không biết tên gì nhưng còn đỏ lỏm) và đính kèm rau trộn, ... Vì bọn tôi thuộc loại bần cố nông nên trong lúc họp bên dưới ham vui quên ăn quên uống nên khi cả bọn rán chạy lên đến lầu là te tua, hết hơi hết điện rồi lại đụng đầu tiên là cái rượu khai vị, khai màn bằng loại rượu chát nên đớp vô một phát vì khát quá mà đói nữa nên lắc lư con tàu thiếu điều lật gọng vì xây xẩm cho nên lật đật phải lấy bánh mì tây đem ra nhai cho đỡ dạ và cầm cự đến màn tự nhiên lên lấy thức ăn bày sẵn. Nhưng khổ nỗi, đã bảo là dân "năm căn, đầm dơi" lên thành cơ, cho nên khi gặp các món cá sống, bò đỏ lỏm, lại thêm các loại "phó mát" lên meo nặng mùi mà Tây và dân ở Tây khen đáo để, tụi này chỉ ngậm mà nghe không cách gì thưởng thức cho nổi, chỉ còn có cách thưởng thức các món rau ghém, bánh mì, và loại phó mát tương đương loại "con bò cười mím chi" của Tây mà khả dĩ đã dùng qua thôi, mà trong bữa ăn thuộc loại đại cỡ "cao cấp" ấy cũng có lồng trong những tiết mục nhạc và văn nghệ giúp vui cũng tạm gọi là xôm tụ, nhưng hầu hết tham dự viên đều đồng một ý kiến là dường như đại hội kỳ này cũng như cái buổi tiếp tân kế tiếp không như tinh thần của đại hội THĐL truyền thống tự bấy lâu nay, vì thiếu sót chương trình sắp xếp của ban tổ chức đã không thấy và nghe được những huấn từ của các bậc tiền bối trực tiếp trong gia đình điện lực hiện diện rất nhiều.
Cuộc vui nào rồi cũng phải đến lúc tàn, ngày vui nào rồi cũng qua đi. Còn chăng chỉ là những kỷ niệm vui buồn gặp nhau nhứt là nơi tấm chân tình của các thân hữu và gia đình thân hữu đã đứng ra tổ chức để tiếp tân các bạn hữu tứ phương đến dự sau ngày hội và tiếp tân của toàn ban tổ chức ở Paris, chúng tôi được rủ đến nhà anh PHBình (mà anh thường hay xưng tên Tây anh tự đặt lấy) cũng như tại vùng tỉnh phía nam Pháp quốc, nơi nhà anh VVHoàng. Nơi đây chúng tôi mới cảm thấy tấm chân tình và tinh thần thân hữu tuyệt diệu, do ở cung cách đối xử của gia đình tổ chức tràn ngập tấm lòng thân thương, bạn bè quý mến biểu lộ trong từng hành động lời nói cử chỉ thoải mái, hồn nhiên như sống lại trong dĩ vãng xa xưa vậy...
Ngoài các bữa ăn gia đình (tổng hợp cùng các anh chị lân cận họp sức) do các anh chị Bình và Hoàng đứng mũi chịu sào có sự hỗ trợ của vợ chồng LTThạch (đến bây giờ mới xuất hiện) từ Istre lên chơi cùng các bạn, ở đây miền nam nước Pháp gia đình anh VVHoàng cùng các bạn đã có một chương trình sắp xếp lý tưởng cho toàn bạn hữu hiện diện để được hướng dẫn thăm viếng danh lam thắng canh di tích lịch sử và biết bao cảnh đẹp giá trị lịch sử và rất hữu tình mà không một ai có thể phủ nhận trong lần đi du ngoạn có một không hai này, thành thật mà nói ngoài tài tổ chức phục vụ cả đám đông thân hữu tại gia của anh chị VVHoàng cùng các bạn hữu nơi đây phải khâm phục luôn tài hướng dẫn lịch trình ăn khớp (tuy có một vài sơ suất không đến nỗi nào) và phải nói là quá đầy đủ cho cả nhóm người được hướng dẫn vui chơi tuy so sánh thời gian tính và số địa điểm lẫn lộ trình dài nhiêu khê thì thật không ai sánh kịp. Chỉ trong khoảng thời gian đâu bao nhiêu, chỉ một ngày, mà cả đoàn đông đảo đã được xem qua thưởng lãm hầu hết di tích lịch sử, thắng cảnh đền đài suốt lộ trình miền nam nước Pháp, từ Marseille đến các tỉnh dọc duyên hải biển Địa trung hải (Cannes, Nice, ...) đến vương quốc Monaco để viếng các di tích lịch sử của vương quốc này và độc nhứt vô nhị trên hoàn vũ là nước mệnh danh là có những ngôi vườn cây trên mái nhà, và ngắm các cảnh đẹp của bãi biển người tắm đông đầy đủ loại cho đến thăm viếng các nơi làm dầu thơm mỹ phẩm danh tiếng thế giới FRAGONARD và hầm rượu chát nơi sản xuất rượu ưu hạng đã có mặt hàng mấy trăm năm (có thể ngàn năm) vì vị trí nằm sâu trong lòng núi đá vôi quanh năm giữ một nhiệt độ mát dù xuân hạ thu đông ra sao, cho đến các dấu vết lịch sử thời chiến tranh với Đức quốc (Thế chiến I) nơi ngôi nhà thờ cổ còn loan dấu đạn thù và nơi triển lãm chiếc chiến xa bọc sắt anh hùng giải phóng quân Pháp nơi đây, đâu đâu anh chị Hoàng vẫn sẵn lòng trình bày và giới thiệu các di tích lịch sử mà anh chị đã thuần hiểu ở quê hương thứ hai này. Chúng tôi xin một lần nữa nói lên sự cám ơn của riêng gia đình các anh chị Hoàng, anh chị Bình, và xin hẹn một lần nào đó xin đáp lại tấm thạnh tình của các anh chị cũng như ban tổ chức.
Kế tiếp phải nói đến cuộc hành trình của tôi tuy có dài nhưng bây giờ xem qua quá ngắn sau khi tạm chia tay nơi nhà anh Hoàng với biết bao nuối tiếc trong tinh thần thân hữu tột cùng ... tôi đã được bạn LTThạch dẫn về quê hương thứ hai của bạn ở tỉnh thành Istre, đây có thể tạm gọi là một tỉnh miền quê xa các thành phố lớn đông đúc người (có phải thế không bạn Thạch?) nhưng thoáng qua rất là thơ mộng, chuyến viếng thăm này nếu không có sự hy sinh tích cực của bạn TBQuang vì bạn đã phải hy sinh vừa công ăn việc làm mà lại còn bán xe cũ đổi xe mới lập tức để cùng nhau đi du hành các nơi có thể đến như theo về thăm gia đình LTThạch, và được tiếp đón tại gia đình cũng như dạo quanh vài thắng cảnh của thành phố Istre. Sau khi từ giã gia đình bạn Thạch, bạn Quang thuận đường dong ruổi chỉ một mình lái xe đưa nhau lên xứ Bỉ xuyên qua Lục xâm bảo, để đến tìm nhà anh NQHữu và LVQuyên ở Brussells, trước thăm vài danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử do các anh hướng dẫn nhân dịp anh Hữu chưa mở cửa nhà hàng Bambou của anh nơi đây, và đã được bạn LVQuyên chiêu đãi một bữa ăn tại nhà hàng của gia đình bạn và tiếp đến chương trình là tất cả cùng nhau từ Brussells kéo xuống tỉnh Liege để phối hợp đi thăm các anh chị thân hữu nơi đây họp mặt tại nhà anh HVân hỗ trợ của các anh chị LDTrường, nhưng rất tiếc không gặp được NVLộc vì đã sang Mỹ từ lâu chưa về. Bữa tiệc liên hoan đến tối mới tàn, sau lần chia tay thứ hai sau đại hội đường ai nấy đi, và tôi được các anh Hữu Quyên và một anh em bên chị Hữu tên Bốn đưa ra ga xe lửa điện để về Paris để sau đó trở lại Mỹ quốc ... trong lòng rộn nỗi vui buồn khi kẻ ngồi trên xe (vé xe do bạn Quyên mua) và trông qua cửa kính xe thấy các bạn còn đứng đó cho đến khi còi hụ xe lăn thật cái cảnh "tam" ly sao mà buồn thế...
Trong kỳ Âu du này ngoài những cuộc vui chung của đại hội và của từng gia đình bạn hữu tiếp đón như tại nhà anh chị Bình, anh chị Hoàng, anh chị Thạch, anh chị Hữu, anh chị Vân, và tất cả các bạn hữu và thân hữu đã hội diện nếu không được sự tích cực và sẵn sàng giúp đỡ để đưa đón và hướng dẫn đi du ngoạn của những ngày còn lại của chuyến đi do bạn TBQuang giúp đỡ để đến thăm những nơi xa lạ ở Đức quốc cũng như Thụy sĩ, Luxembourg, cũng như tháp tùng đi xem các nơi chốn xa xôi của đất Pháp, tôi có lẽ không có cách gì được có một chuyến đi nhớ đời như đã qua. Tôi mong rằng một ngày nào đó sẽ được đáp lễ cùng các anh chị thân hữu mà tôi hằng mang cái nợ vừa qua nếu có dịp đến miền đất San Diego nơi trấn thủ biên giới Mỹ Mễ này. Tuy nơi đây không có gì gọi là đáng nhớ đến để đời vì cái vùng đất Mỹ quốc nói chung là thành phần sinh sau nở muộn nên di tích cổ không có là bao vì lập quốc chỉ mới hơn 200 năm là quá rồi, ở Mỹ chỉ có những tân tiến về khoa học kỹ thuật thuộc loại tạm gọi đại là của thời đại vệ tinh hỏa tiễn, phi thuyền vũ khí tân tiến không biết có nên gọi là1ạ văn minh tiến bộ hòa bình được hay không vì thực tế nó là con dao hai lưỡi rất tai hại cho tương lai.
Tóm lại sau chuyến Âu du lịch sử của đời tôi như vừa qua, đối với quý thân hữu địa phương và quý vị đã từng qua lại các châu có quan niệm thế nào, còn riêng tôi với thiển ý và đầu óc đơn giản có nhận xét như sau: "Đi cho biết đó biết đây" đó là câu đúng nhứt cho đời tôi, đã nghe và thấy tận mắt cái hùng vĩ đồ sộ (dùng theo cán ngố là cái "vĩ đại") về di tích lịch sử cổ kính lâu đời đâu đâu cũng là lâu đài, kiến trúc cổ mọi mặt từ đường sá (lót đá cục), cầu cống (xây bằng gạch đất nung, đá mà không có cốt sắt) các khu vực xây dựng lâu đài vua chúa xa xưa với những cung điện nguy nga xây dựng bằng đá hoa cương cho đến các kỳ quan thế giới như tháp Eiffel (bằng sắt thép của các vũ khí chiến lợi phẩm tạo nên),... đâu đâu cũng là di tích cả và đâu đâu cũng đều được tính thời gian bằng mấy thế kỷ, có cái đã tồn tại hàng ngàn năm qua và còn đang thi gan cùng tuế nguyệt...
Nói đến thời trang thì khắp Âu châu những vùng tôi đã được biết qua không thấy ai là người ở tại Âu châu ăn mặc bất lịch sự cả, hiện tại hè oi bức như ở Việt nam ta (không nóng như ở Mỹ dù là ở San Diego) nhưng mọi người ăn mặc rất ư là lịch sự tao nhã không kể ở các bờ biển tự do ở trần (quan trọng là phái nữ) như Cannes và Nice, thậm chí nếu muốn vào các sòng bài để cúng tiền cho vui cũng phải mặc veston, cravate mới vào được. Còn phần lưu thông vận chuyển thì hiện diện mới biết thế nào, xưa nay hầu như mọi người cứ lầm tưởng là phải ở Mỹ với xa lộ tối tân dài vạn dặm mới có thể lái xe ào ạt, nhanh nhứt, ... đó là sai lầm lớn lao khi đã có mặt trên lộ trình bằng xa lộ liên quốc ở Âu châu. ở Mỹ giới hạn tốc độ 65 đến 70 miles cho đến thậm chí tài xế ham vui tốc độ đường dài, mắt ngó trước ngó sau trông chừng cảnh sát chụp và kéo hết ga cũng dám nói bạo lắm là 100 miles là thấy xanh mặt rồi (vị chi là 160 km/giờ) nhưng xa lộ ở Pháp giới hạn tốc độ là 130 km/giờ ghi rõ, các xa lộ đi Bỉ hay các nước gần Pháp không có ghi rõ giới hạn kể như tương đương với Pháp quốc và đặc biệt ở xa lộ đi Bỉ thì hầu hết đều có đèn đường độc đáo, xa lộ Pháp thì luôn bị trấn lột vì thuế lưu thông trên xa lộ, kể gần bằng số tiền mua xăng chạy trên lộ vậy (xăng Âu châu mắc hơn 3 lần Mỹ) và khi nói đến tốc độ trên xa lộ thì xin kiêng nể tốc độ lưu thông trên xa lộ ở Đức quốc với các khoảng đường dài không có bảng giới hạn tốc độ, xe nhỏ (du lịch) cứ tự nhiên kéo lên với tốc độ 180 đến 200 km/giờ, và có xe chạy bạo hơn vẫn thấy đã chạy 200 cây số nhưng vẫn có xe qua ngọt ngào, và thỉnh thoảng cũng có thấy có bảng giới hạn tốc độ và luôn nhắc nhở các loại xe và vận tốc trên mỗi đường (lane) xe trên xa lộ để tài xế không quên đề cao cảnh giác và không bị say tốc độ đường dài.
Cái hay của xa lộ ở Đức quốc là không thấy chỗ lồi lõm gồ ghề như xa lộ Mỹ, một phần là địa dư ở Âu châu ít khi bị động đất và nhứt là bí mật của kỹ thuật làm xa lộ ở cái xứ có đủ mùa nóng lạnh tuyết mưa, ... và đặc biệt ở Đức không có thu tiền mãi lộ như ở Pháp và thuế xe càng cũ càng mắc (ý đồ loại dần xe cũ) và hầu như ở Âu châu ít tai nạn xe cộ hơn ở Mỹ, không phải là lý do xe nhiều xe ít, hay chạy nhanh, so với Âu châu mùa hè thì số xe không thua gì ở Mỹ, từ thành thị phố xá sầm uất xe cộ nghẹt đường đến xa lộ lưu thông như mắc cữi, hầu hết xe du lịch ở Âu châu nói chung đa số là loại xe rất nhỏ, mỏng manh so với các loại xe tại Mỹ, kể cả các loại xe nhập Á hay Mỹ vì hầu như ở Âu châu đã khó khăn về chỗ ăn chốn ở (không phải là vấn đề an sinh xã hội vì ở Âu châu rất tốt về vấn đề này) cái việc mua xe đã gọi là khó rồi, mà cái chỗ đậu xe ở thành phố lại còn khó khăn hơn nên t 7ữm cỡ xe nhỏ là như vậy, lắm lúc tôi nhìn thấy người Âu (đâu thua tầm vóc với Mỹ) ngồi trong xe nhỏ xíu mà thấy tội cho đôi đàng (xe và người) nhưng ở Âu châu (điển hình trên xa lộ Đức) lý do chính đáng ít gây tai nạn lưu thông là vấn đề tuyệt đối tuân luật lưu thông trên xa lộ, vì luôn luôn họ qua mặt lẫn nhau chỉ bên con đường lane phía bên cực trái, và khi đã qua rồi là phải trở vào đường xe kế bên phải mà chạy, tuyệt đối không qua mặt bên các đường xe bên trong (tay mặt) dù cho có trống trơn cũng vậy, và không có cái cảnh xe cà tàng cà tịch mà cứ ung dung chạy cái lane đã được luật lưu thông ở Mỹ khi học lái xe bảo là đường xe (lane) để qua mặt và chạy nhanh hơn xe khác và có cả bảng lưu ý xe chạy cà rịch cà tàng nên chạy ở đường phía mặt, nhưng ở Mỹ rất lỏng lẻo phần này do các ông cò lơ là áp dụng và do đó một số đông các quý vị tài xế toàn dân chơi cầu ba cẳng, đợi tới nước đến trôn mới nhảy, vì sợ bị mất việc, mất người yêu, lỡ hẹn, lại thêm vấn đề vừa lái xe vừa chăm sóc sắc đẹp, cũng như lơ đễnh khi lái mà còn phóng mắt nhìn vào trong xe tìm kiếm lung tung hoặc vặn sang đài trong máy nhạc, có khi vừa lái xe còn vừa đưa mắt vào bấm máy điện thoại cầm tay thì thử hỏi trong tích tắc lơ đễnh ấy tai nạn nếu xảy ra có ai tránh được, chung qui vì lý do không tuân kỷ luật lưu thông, hoặc tôn trọng luật lưu thông và lơ đễnh lúc lái xe là nguyên do chính gây tai nạn và thứ đến là lái xe ẩu tả thôi. Đó là kinh nghiệm và nhận xét của tôi trong vấn đề lưu thông Âu và Mỹ, mà chỉ có qua đến nơi nhìn tại chỗ mới biết chứ "ở nhà với vợ biết ngày nào khôn"!