Lời mở đầu: Tôi không có ý định múa rìu qua mắt ... quý thân hữu điện lực đã sống lâu năm tại quận Cam (Orange county). Tôi đến quận Cam lần đầu nhưng cũng cố gắng ghi lại những gì tôi biết về quận Cam. Nếu có điều gì nhầm lẫn xin quý thân hữu chỉ giáo cho. NQT.
Thân
hữu điện lực (THĐL) đã
tổ chức họp mặt ba lần tại
Nam Cali và hai lần tại Bắc Cali, không
kể mười lần tại các nơi
khác. Đây là lần đầu
tiên tôi đến Cali họp mặt, nên
ngỡ ngàng ngay từ phút đầu.
Ngỡ ngàng, vì mang tiếng là
đồng nghiệp, tôi không nhớ
tên hết các thân hữu có
mặt ngày hôm đó. Xin lỗi các
thân hữu. Nếu không nhờ
bữa ăn barbecue tổ chức tại
nhà thân hữu NV Dậu chiều 3/7/97,
tôi càng ngỡ ngàng hơn khi gặp
các thân hữu ngày họp mặt
chính thức 4/7/97.
Đại
hội lần này tôi đi sớm
hơn mọi lần trước. Tôi đến
thăm gia đình con trai tôi định
cư tại San Jose, trước khi đến
nơi họp. Tôi đáp phi cơ của
hãng hàng không Northwest từ phi trường
quốc gia Washington DC, đi Detroit, và sau cùng
là San Jose. Phi cơ đến San Jose đúng
giờ.
Tối
hôm đó là đêm đấu
quyền Anh hạng nặng thế giới,
tổ chức tại Las Vegas giữa Mike
Tyson và Evander Holyfield. Ở hiệp 2, Holyfield
húc vào mặt làm rách mí mắt
của Tyson. Ở hiệp 3, Tyson cắn đứt
tai bên mặt của Holyfield, bị trọng tài
Mills Lane cảnh cáo và phạt trừ
2 điểm. Lúc còn 22 giây của
hiệp 3, Tyson lại cắn tai bên trái của
Holyfield. Cuối hiệp 3, trọng tài tuyên
bố Tyson bị loại. Tyson có thể bị
phạt tiền, và có thể bị treo
găng một năm. Trận đấu được
trực tiếp truyền hình. Muốn được
xem trận đấu, phải báo trước
và trả 50 $US.
Một
ngày trước đại hội THĐL,
tôi rời San Jose bay đi Los Angeles bằng
phi cơ hãng hàng không Reno Air. Ban tổ
chức đã sắp xếp tôi
ở nhà thân hữu TKhiết.
Nhà thân hữu TKhiết ở
Santa Ana (trong quận Cam). Nếu không phải
lần đầu tôi đến quận
Cam, tôi đã chọn chuyến bay đi
phi trường John Wayne, gần nhà thân
hữu T Khiết hơn. Phải mất khoảng
45 phút, nếu đường không
bị kẹt xe, để đi từ phi
trường Los Angeles (trong quận Los Angeles) đến
nhà thân hữu TKhiết.
Tôi
và thân hữu TKhiết là bạn
đồng song, trong bốn năm 1957-1961, tại
trường Cao đẳng Điện học,
và gần mười năm, sau khi tốt
nghiệp, là bạn đồng nghiệp tại
Nha Tiếp vận Công ty Điện lực
Việt nam, 1970-1975. Phu nhân thân hữu
T Khiết cũng là bạn đồng nghiệp
với tôi tại Nha Tiếp vận. Việc
sắp xếp của ban tổ chức rất
hợp tình! Cám ơn thân hữu
T Khiết và phu nhân đã dành
cho tôi nhiều cảm tình, thắt chặt
tình đồng song và đồng nghiệp
do hoàn cảnh chiến tranh chia cách trên
hai thập niên qua.
Vừa
đến Santa Ana, tôi hân hạnh được
tham dự bữa ăn barbecue tại nhà
thân hữu NVDậu. Sáng kiến này
rất đáng được hoan nghênh.
Tôi đã gặp lại rất nhiều
thân hữu tôi còn nhớ tên,
nhưng cũng còn rất nhiều thân
hữu tôi quên mất tên. Tôi
đã gặp lại thân hữu HTPhát
và phu nhân kể từ ngày tôi
đến thăm tại nhà riêng ở
Falls Church, Virginia, năm 1981. Thân hữu HTPhát
và phu nhân có tham dự đại
hội THĐL nhiều lần, nhưng lần
nào có thân hữu đến
là tôi bị bận không đến
được, hoặc không có mặt
tại Hoa kỳ.
Bữa
nướng thịt chiều 3/7/97 đã
tạo một không khí đượm
tình nghĩa bạn bè và vui nhộn.
Gần cuối bữa tiệc, ban tổ chức
bày ra một cuộc đố vui: "Đố
ai đoán được tổng số
thân hữu và gia đình tham dự
đại hội THĐL ngày mai là bao
nhiêu?" Ai đoán được con
số chính xác hay con số gần nhất
thì trúng giải. Một vé bán
5.00 $US. Mua bao nhiêu vé cũng được.
Thân hữu nào "mua vé" tham dự
được cấp một biên nhận,
trên đó có ghi con số đã
đoán. Thân hữu LMQuân cấp
biên nhận. Phu nhân thân hữu NCThuần
đi "bán vé." Tiền thâu được
sẽ chia làm hai phần: một nửa
cho người trúng giải, nửa
còn lại sung vào quỹ THĐL. Mặt
khác, những thân hữu nào
muốn đóng góp tiền niên liễm
hay tương trợ, có thể nhân
cơ hội này đóng luôn.
Sáng
hôm nay, 4/7/97, tôi thức dậy thật
sớm để chuẩn bị đi dự
đại hội. Thân hữu TKhiết
và phu nhân đưa tôi đi ăn
điểm tâm ở Tiểu Sài gòn
(Little Saigon) trước khi đến Trung tâm
Công giáo Việt nam là nơi họp.
Lúc chúng tôi đến, hội trường
đã đông người. Ngoài
những thân hữu tôi gặp chiều
hôm qua, có thêm những thân hữu
đến từ Úc đại lợi,
Gia nã đại, Bắc Cali, Trung Cali, Nam Cali,
Oregon, Washington, Texas, Ohio, New Jersey, New York, v.v. Cũng
có hai vị khách quý tới tham
dự là quý thân hữu KHĐiểu
và LKThí.
Khoảng
11 giờ sáng, đại hội bắt
đầu. Trên bàn chủ tọa, có
các thân hữu: ĐMQuỳnh, HTPhát,
LMQuân, NCThuần, TKhiết.
Sau
diễn văn chào mừng của Trưởng
ban tổ chức ĐMQuỳnh, thân hữu
HTPhát được ban tổ chức
mời phát biểu ý kiến. Kế
đến là những phát biểu
của các thân hữu NVDậu, NCThuần,
HG Thụy, LMQuân, TSThực, và những
cảm nghĩ của thân hữu NTDũng
sau mười lăm năm sống dưới
chế độ độc tài cọng sản.
Hai vị khách quý LKThí và KHĐiểu
cũng có đóng góp nhiều cảm
tưởng.
Phần
đầu của buổi đại hội được
kết thúc tốt đẹp. Ban tổ chức
tuyên bố kết quả cuộc đố
vui tối hôm qua. Tôi nhớ hình
như được tất cả là
365 US$. Có tất cả 128 thân hữu
và gia đình (có phiếu ghi danh) tham
dự đại hội hôm nay. Thân hữu
LM Quân trúng giải, được
chia một nửa tổng số tiền thu
được, nhưng đương sự
tặng lại tiền trúng giải cho quỹ
THĐL.
Bữa
ăn trưa do các thân hữu Nam Cali
và ban tổ chức khoản đãi
gồm các món đặc sản ta như:
bánh hỏi thịt quay, chả giò, gỏi
tôm thịt, mì xào thập cẩm. Cũng
có các món ăn chay. Tráng miệng
ngọt ngào với hai ổ bánh kỷ
niệm do chính thợ tốt nghiệp "Cordon
Bleu" chế biến.
Thức
ăn uống được đặt trên
mấy chiếc bàn bên mặt "sân
khấu". Các thân hữu xếp hàng,
đi lấy món ăn theo kiểu self-service.
Phương thức tổ chức rất
phù hợp với đông người
tham dự.
Chương
trình đại hội được tiếp
tục sau bữa ăn trưa. Ban tổ chức
đưa ý kiến đề nghị đại
hội 1998 sẽ làm ở Vancouver, Gia nã
đại, hoặc miền đông Hoa kỳ.
Các thân hữu LQVăn, NQThiều,
NĐ Huấn lần lượt lên máy
vi âm, nêu ý kiến nhưng không
đạt được kết quả. Thân
hữu NCThuần can thiệp, xin để
việc tổ chức đại hội 1998
sẽ được bàn lại sau.
Kế
tiếp là phần chụp ảnh kỷ niệm.
Mọi người giải tán và hẹn
sẽ gặp lại lúc 6 giờ chiều
tại nhà hàng Hải Nguyên, trên
đại lộ Bolsa, trong khu chợ "99",
để dự tiệc liên hoan. Mỗi
phầân ăn phải đóng 25 $US.
Lúc
chúng tôi đến thì nhà hàng
đã khá đông người,
nhưng chỉ có thân hữu điện
lực chúng tôi mà thôi. Thật
đúng với "Thư Mời lần
2" của ban tổ chức: "... khung cảnh thi
vị, nơi chốn riêng tư, chúng ta
một mình một chợ, thân hữu
ăn nhậu với thân hữu, không
có người lạ xen vào ..."
Trên mỗi bàn tròn có 10 bao thư.
Mỗi thân hữu tham dự lấy
một bao thư, bỏ vào đó 25 $US
để thanh toán phần ăn của mình.
Thân hữu NVDậu đến từng
bàn thâu bao thư. Thật giản dị!
Bữa
tiệc gồm 8 món ăn và món tráng
miệng, giống như các tiệc cưới
chúng ta thường tham dự. Thân
hữu nào muốn uống bia hay rượu
mạnh, nhà hàng cũng có bán.
Tiệc liên hoan chấm dứt ngày
đại hội THĐL 1997. Những thân
hữu nào muốn tham quan các nơi
lịch sử của quận Cam hay những
vùng lân cận trong những ngày
kế tiếp, ban tổ chức sẽ thu
xếp. Riêng phần tôi, tôi đã
có chương trình đặc biệt cho
hai ngày sau đó, và tôi đã
điều đình với thân hữu
TKhiết.
Ngày
hôm sau, thân hữu T Khiết và
phu nhân đãi tôi ăn điểm
tâm tại nhà, trước khi phu nhân
đi làm. Phu nhân là chủ nhân
của một tiệm làm móng tay từ
khi dọn về Santa Ana. Tôi chỉ nhờ
thân hữu TKhiết đưa tôi
đi xem những gì nên xem trong ngày
hôm nay. Ngày mai tôi bận đi thăm
họ hàng tôi, và ngày kia tôi
sẽ trở về Hoa thịnh đốn.
Năm
1962, tôi đã có ghé đến
Los Angeles một lần, sau khi mãn khóa tu
nghiệp về Truyền tin tại Fort Monmouth, New
Jersey. Tôi đã viếng Hollywood và
Disneyland, nhưng không biết vị trí đích
thực của hai nơi đó, chỉ biết
là ở vùng phụ cận Los Angeles.
Nhờ chuyến đi lần này, tôi
biết rõ ràng hơn.
Nam
Cali gồm có ba quận, xếp theo thứ
tự từ bắc xuống nam: quận
Los Angeles, quận Orange (người Việt gọi
là quận Cam) và quận San Diego. Tôi
đang ở Santa Ana, quận lî của quận
Cam, nên chỉ xin nói về quận Cam. Xin
lỗi các thân hữu đang định
cư tại quận Los Angeles và quận San Diego.
Quận
Cam chia làm ba vùng: Bắc quận, Trung quận
và Nam quận.
- Ở
Bắc quận Cam có 8 gia đình THĐL
định cư tại Brea, Fullerton, Placentia, Anaheim,
và Stanton.
- Ở
Trung quận Cam có 39 gia đình THĐL định
cư tại Orange, Garden Grove, Westminster, Tustin,
Santa Ana, Fountain Valley, và Costa Mesa. Thân hữu
ở Garden Grove đông hơn cả (12
gia đình); rồi đến Westminster (10
gia đình); Santa Ana (7 gia đình); các
nơi khác mỗi nơi từ 1 đến
3 gia đình.
- Ở
Nam quận Cam có 3 gia đình định
cư tại Irvine, Lake Forest, và Laguna Hills (mỗi
nơi 1 gia đình).
(Theo
danh sách trên Bản Tin THĐL số 16
năm 1996.)
Quận
Cam có một lịch sử khá đặc
biệt. Tại Bắc quận Cam, có một
thị trấn do dân di trú Đức
thành lập năm 1857. Ban đầu họ
chuyên trồng nho, mua thêm những vùng
đất lân cận với giá 2
$US một mẫu Anh (4046 m2), và gọi vùng
đất mới của họ là Anaheim.
Cho đến cuối thế kỷ thứ
XIX, Anaheim trở thành kinh đô kỹ
nghệ rượu nho của Cali. Tuy nhiên,
một loại bệnh do sâu trùng gây
nên đã phá hủy toàn bộ
kỹ nghệ trồng nho năm 1885. Các nông
trại quay sang trồng cam Valencia, ngày càng
phát đạt. Địa danh "quận Cam"
bắt đầu từ đó và
tồn tại cho đến ngày nay.
Năm
1955, Walt Disney đã làm thay đổi
bộ mặt của Anaheim. Ông cho xây cất
một công viên giải trí và gọi
công viên đó là Disneyland. Lúc
bấy giờ, diện tích hoạt động
của Disneyland vào khoảng 160 mẫu Anh, lôi
kéo trong sáu tháng đầu năm
gần một triệu du khách. Hiện nay Anaheim
là thành phố đông dân nhất
của Bắc quận Cam.
Tuy
Anaheim là thành phố đông dân
nhất, nhưng Santa Ana được chọn
là quận lî của quận Cam. Sau đệ
nhị thế chiến, Santa Ana trở nên
trù phú như các vùng lân cận
ở Bắc quận Cam. Ngày nay, ưu thế
văn hóa gốc Tây ban nha được
thấy rõ ở đây. Các phố
thương mại, nhà hàng dọc theo Main
Street cung cấp thực phẩm và dịch
vụ cho cộng đồng Mễ gốc Tây
ban nha. Bảng hiệu và quảng cáo đều
dùng tiếng Tây ban nha. Người
Mễ gốc Tây ban nha ở Santa Ana xem
Anh ngữ không phải là ngôn ngữ
chính, và xem Santa Ana như một thuộc địa
cũ nói tiếng Tây ban nha của người
Tây ban nha.
Chúng
tôi rời Santa Ana, đến Garden Grove
và viếng Giáo đường Thủy
tinh (Crystal Cathedral).
Garden
Grove: Giáo đường Thủy tinh:
Garden
Grove (Trung quận Cam) đã một thời
là một rừng cam và một cộng
đồng nông nghiệp. Sau đệ nhị
thế chiến, đất trồng trọt
đã biến thành khu gia cư. Cảnh
yên tĩnh của vùng đất phẳng
xưa kia nay không còn nữa. Nhiều
giáo đường, nhà thờ,
nhà nguyện đã được
xây cất, quan trọng và lộng lẫy
nhất là "Giáo đường Thủy
tinh."
Giáo
đường Thủy tinh là "bản
doanh" của Mục sư Robert Schuller. Theo truyền
thuyết, Mục sư khởi đầu
truyền bá Thánh Kinh (Phúc âm bên
Công giáo), mỗi ngày chủ nhật,
trên nóc một quán bán đồ
ăn liền (snack). Tín đồ lái
xe đến nghe giảng và xem quán ăn
như trung tâm một giáo đường.
Nơi Mục sư Schuller thuyết giảng nay là
Giáo đường Thủy tinh. "Giờ
Thần quyền" (Hour of Power) mỗi ngày chủ
nhật là sự phối hợp giữa
diễn kịch và thờ phượng,
được truyền hình khắp thế
giới từ Giáo đường
Thủy tinh. Dù thuộc tín ngưỡng
nào, Giáo đường với
hình ngôi sao 4 nhánh nhọn, 12 tầng
làm bằng 10 ngàn tấm kính, khung
bằng thép, là một kiến trúc
tân kỳ, ngoạn mục đáng được
mọi người chiêm ngưỡng.
Cũng đừng quên tham quan một nguyện
đường trên tháp cao của
Giáo đường, với một
Thánh giá bằng thủy tinh làm kinh
ngạc mọi người, và những
bức tường bằng đá
cẩm thạch rất đẹp.
Mỗi
năm có hai ngày hội đặc biệt,
có tánh cách lịch sử Ki-Tô
giáo: Vinh quang Phục sinh (Glory of Easter) và Vinh
quang Giáng sinh (Glory of Christmas). Ngày hội đặc
biệt thứ nhất được tổ
chức năm nay từ 14/3 đến
29/3 (đã qua rồi); ngày hội đặc
biệt thứ hai được tổ
chức từ 21/11 đến 30/12. Phải
giữ chỗ trước để
có chỗ ngồi tốt. Giá vé
là 15, 20, 25 và 30 $US.
Một
thành phần khác không kém phần
quan trọng của Giáo đường
Thủy tinh là Trường Truyền Thông
Quốc Tế Fuqua (Fuqua International School of Christian
Communications). Mỗi năm trường tổ
chức 10 lớp giảng dạy về
mục vụ, sách lược truyền giáo,
đời sống tu hành, và phương
cách truyền thông, trung bình mỗi
tháng một lớp, mỗi lớp
dài 5 ngày, trừ những tháng
nghỉ hè.
Westminster:
Tiểu Sài gòn (Little Saigon):
Westminster
(Trung quận Cam) được một Mục
sư Presbyterian thành lập với một
nhóm người cùng chung một nghề
nghiệp: cung cấp sữa và những
sản phẩm làm bằng sữa. Họ
nhất định không trồng nho như
những láng giềng ở Anaheim. Tuy
nhiên cũng có một số người
trồng nho, song song với các loại rau
khác (rau cần tây, củ cải tía
v.v....) và cam.
Westminster
được hành chánh hóa năm
1957. Với sự có mặt của dân
di trú đông nam Á châu, Westminster
được lớn mau, lớn mạnh
và là nòng cốt của một trung
tâm thương mại của quận Cam.
Tiểu
Sài gòn, gồm nhiều chòm phố
(block), đã thay đổi Westminster trong 25
năm qua vì ảnh hưởng của
hàng chục ngàn dân định cư
từ đông nam Á châu. Westminster
là khu buôn bán và ăn uống
quốc tế. Du khách đến Tiểu
Sài gòn có thể đậu xe bất
cứ ở đâu, giữa đường
Brookhurst (ở phía đông) và đường
Magnolia (ở phía tây), giữa đại
lộ Bolsa và công trường Bishop.
Trước
khi đến quận Cam, tôi đã nghe
những lời ngợi khen về Tiểu
Sài gòn, vui mừng và thích
thú về Tiểu Sài gòn. Một hai
năm trước đây, các con
tôi đi quận Cam về cũng khen là
đồ ăn bán ở Tiểu Sài
gòn ngon lắm, thứ gì cũng có,
bát phở đã to, ngon, lại rẻ.
Tôi
đã đi trên đại lộ Bolsa,
đã vào thương xá Phước
Lộc Thọ, đã ghé qua siêu thị
"99" và đã đến tận Sài
gòn Mới (New Saigon). Phố xá thật
lớn lao, phố này liên tiếp
phố kia, nhiều thật nhiều, vượt
xa những gian hàng Việt nam tại thành
phố tôi đang ở (tiểu bang Virginia).
Những người tôi gặp tại
Tiểu Sài gòn toàn là người
Việt, chào hỏi nhau bằng tiếng Việt.
Bảng hiệu treo trước cửa tiệm
bằng tiếng Việt. Tôi thật sự
tìm được một cộng đồng
người Việt trên phần đất
của Hoa kỳ ... Nhưng những lời
ngợi khen của các đồng hương
từ trưóc đến nay có quá
đáng không?
Tôi
có đọc qua một bài viết về
Tiểu Sài gòn. Tác giả đã
khám phá một sự thật phũ
phàng: "Trong số mười siêu thị
được thấy tại vùng Little
Saigon, chỉ có một hay hai cái là hoàn
toàn do người Việt nam làm sở
hữu chủ, còn tám cái kia đều
là của người Việt gốc Hoa,
của những người xuất xứ
từ vùng Chợ lớn xa xưa.
Tại khu Little Saigon trong khi người Hoa kiều
nắm giữ hầu hết những
cơ sở thương mại đầu
não thì trái lại người
Việt chỉ nắm giữ một vai trò
kinh doanh thật nhỏ nhoi và khiêm nhường."
Tác
giả kết luận, "Tôi cũng như nhiều
đồng hương khác không thể
chấp nhận để Little Saigon trở
thành một sự tiếp nối của
Chợ lớn hay một Chinatown và chỉ
ao ước sao để Tiểu Sài
gòn xứng đáng là một
niềm kiêu hãnh của riêng Việt
nam chứ không phải của Hoa kiều
hải ngoại."
(Theo
Đặc san số 10 "Nguyễn Khoa Nam" năm
1997)
Đến
quá trưa, thân hữu TKhiết và
tôi tìm một quán ăn trưa. Lúc
ăn xong thì đã hơn 2:00 giờ
chiều. Tôi trở về nhà thân
hữu TKhiết, gọi điện thoại
cho một người bạn, viết và
gửi bưu thiếp cho mấy người
thân thay vì viết thư cho họ.
Buổi
chiều tôi đến thăm tiệm làm
móng tay của phu nhân TKhiết. Tiệm
xinh xắn, sáng sủa, tại một phố
đông người, có thể phục
vụ 7 khách hàng trong một lúc.
Sáng
hôm sau tôi dậy trước 6:00 giờ
để chờ một người thân
đến rước đi dự lễ
ngày chủ nhật. Chúng tôi đến
nhà thờ mười phút trước
giờ lễ. Nhà thờ chưa đông
người, nhưng chừng ba phút
trước giờ hành lễ, nhà
thờ không còn chỗ trống.
Lễ
xong khoảng 7 giờ 30 sáng. Chúng tôi
đi ăn điểm tâm. Hủ tiếu
Nam vang với giò cháo quảy nhắc
tôi nhớ lại thời gian cấm
trại và ăn điểm tâm, trước
năm 1968, gần trại gia binh Quân vận
(trường đua Phú thọ). Tôi
tìm được cái hương vị
quê hương của 30 năm trước!
Sau
đó, chúng tôi đi bãi bể
Seal Beach và Long Beach.
Bãi
bể quận Cam, từ Bắc đến
Nam quận Cam, dài 42 dặm. Cát trắng
của bãi bể và sự hiếu
khách của dân địa phương
đã làm cho du khách ví bãi
bể quận Cam như một "Riviera Hoa kỳ". Riviera
là nơi nghỉ mát nổi danh, dọc
theo bãi bể Địa trung hải, từ
Marseille (đông nam Pháp) đến La Spezia
(tây bắc Ý).
Seal
Beach: thuộc quận Cam, là một bãi bể
nhỏ. Seal Beach thường bị du khách
bỏ quên vì hai bãi bể Huntington và
Laguna ở phía nam nổi tiếng hơn.
Seal Beach đẹp nhưng không cầu kỳ.
Nhà cửa cất trên bãi bể
được một tường dài
xi măng bảo vệ. Có một cầu tàu
đi ra ngoài bể. Có thể ngồi
câu cá trên cầu tàu. Trên
bãi cát có thể chơi thể thao
(bóng chuyền). Trượt sóng cũng
là một môn thể thao rất được
ưa chuộng. Ngoài bể, có những
đảo nhân tạo, có khách sạn
và tiệm ăn.
Bãi
bể quận Los Angeles dài 72 dặm từ
Malibu ở phía bắc đến Long Beach
ở phía nam. Du khách đến Long
Beach đông nhất về mùa hè,
khi nhiệt độ nước bể trung
bình 70 độ F. Sương mù buổi
sáng tan dần, làm tăng nhiệt độ
vào buổi trưa giữa 70 và 90 độ
F.
Long
Beach: thuộc quận Los Angeles, được
thành lập như một nơi nghỉ mát
từ đầu thập niên 1900. Lúc
bấy giờ, có thể đi xe trolley
"Red Car" từ Los Angeles đến Long Beach (nay
không còn hoạt động nữa),
trong khi những minh tinh màn ảnh có
những ngôi nhà rất sang trọng,
từ trên cao nhìn xuống bãi bể
Thái bình dương.
Bãi
bể Long Beach được tái sinh như
một nơi du lịch từ năm 1967 khi
Hội đồng thành phố mua lại tàu
Queen Mary, neo tàu tại hải cảng, sửa
chữa tàu thành một khách sạn,
và tổ chức những trò vui
giải trí cho du khách. Tàu Queen Mary ra
đời năm 1936 đã từng
chuyên chở các bậc vua chúa,
các chánh khách, ngoại giao đoàn
và những người có danh
vọng, trong các cuộc hải trình vượt
Đại tây dương. Tàu Queen Mary có
thể chuyên chở 3000 du khách trong mỗi
chuyến đi.
Hiện
nay, bãi bể Long Beach dài 5,5 dặm, là
trung tâm của nhiều môn thể thao thủy
bộ và nhiều hoạt động khác
như bơi lội, tổ chức du thuyền,
lặn với máy hô hấp, trượt
sóng, đánh bóng chuyền, bóng
ro, chơi gôn, cỡi ngựa, đua
xe đạp, chạy bộ qua các đường
mòn, v. v .
Tôi
đến Long Beach không quá nửa
buổi sáng, nên không đủ thì
giờ khám phá hết cái vui,
cái đẹp của bãi bể quận
Los Angeles. Rất tiếc tôi không thể
đến Gondola Getaway, nơi mướn du
thuyền (gondola) đi qua hệ thống kinh đào
của đảo Naples, trong vịnh Alamitos, ngoạn
mục như ở Venice hay Naples bên Ý.
Gần
2 giờ chiều, chúng tôi đi ăn
trưa tại Tiểu Sài gòn. Chúng
tôi chia tay tại nhà thân hữu
T Khiết, kết thúc chuyến đi dự
đại hội họp mặt THĐL 1997 tại
Nam Cali.
Họp
mặt THĐL lần này thật vui. Tổ
chức không rườm rà. Số
thân hữu tham dự đông hơn
các lần đại hội trước.
Sau đại hội tôi chỉ còn gặp
thân hữu HTPhát và phu nhân
băng qua đại lộ Bolsa để vào
thương xá Phước Lộc Thọ.
Mỗi thân hữu có chương trình
tham quan riêng. Có nhiều thân hữu
đi San Diego, một số đi Las Vegas. Có
người còn đi xa hơn, đi
tận Mễ tây cơ và Grand Canyon. Số
khác đi thăm bạn bè. Tôi đã
có chương trình trước khi
đi dự đại hội, và chương
trình đó được thực
hiện đúng theo ý muốn ...
Tôi
hy vọng mọi thân hữu đều
thỏa mãn với đại hội họp
mặt THĐL vừa qua, và ước
mong sẽ gặp lại trong kỳ đại hội
1998 sang năm.
Hè 1997
N.Q.T.