|
MỘT
KỶ NIỆM
Bài
của Đinh Văn Trai
(Để
tưởng nhớ anh NM Linh,
với
những kỷ niệm một đời
vang vọng)
Em ơi,
lửa tắt bình khô rượu,
Đời
vắng em rồi say với ai!
Đã
lâu lắm rồi, mỗi lần nghe ai đọc,
ngâm, hoặc thấy hai câu thơ trên
là tôi nhớ đến anh Linh. Anh
thường ngâm lớn tiếng dưới
giàn hoa giấy trước nhà, nhất
là buổi trưa thứ bảy sau giờ
cơm trưa, lúc anh sửa soạn rời
cư xá Đa nhim để đi Đà
lạt thăm ... "người yêu"!
Nhà
máy và cư xá như một ốc
đảo bình yên, gần như tách
biệt với chung quanh đang chìm ngập
trong chiến tranh. Một nơi chốn cô quạnh
pha lẫn hoang dã của chốn "rừng
thiêng nước độc", đìu
hiu với tiếng vượn hú vọng
đến từ khu rừng cạnh đó,
bên kia suối, lúc bình minh, trưa với
tiếng gà rừng gáy nghe buồn
não nuột, hoang vắng đến mê
hoặc, khi chiều chiều nhìn mây trôi
lãng đãng vươn đỉnh đèo;
hay những chiều cuối thu với
những sợi nắng vàng nhạt
trải dài vất vưởng trên
ngọn cây hay lang thang trên lối đi,
ngọn cỏ, lưng đèo, rồi đến
nơi vô định trong tiếng chim rừng
xao xác gọi nhau trong buổi chiều tà.
Lòng bâng khuâng vương nỗi buồn
man mác khi chợt thấy cánh hoa dại
lẻ loi bên rừng hay cánh chim chiều
đơn chiếc lạc loài hối hả
tìm chỗ ẩn qua đêm, mà nghĩ
đến thân phận mình với
đêm đêm trong cái lạnh gây
gây của núi rừng ẩn chứa
những bất trắc. Cũng thật thú
vị khi thơ thẩn trên lối đi quanh
cư xá dưới ánh trăng huyền
ảo trong tiếng rì rào thoảng hương
lan rừng mê hoặc hoặc hương
tóc của người tình với
đêm nào kề vai dưới vòm
trời với muôn vàn vì
sao của một thuở đam mê đắm
chìm trong mơ ước.
Đón
Tết một mình tại cư xá thì
nỗi cô quạnh càng thấm thía
đến cùng cực của một nơi
chốn hoang vắng. Tỉnh dậy sau cơn say,
nghe tiếng lá khô lăn trên đường
mà ngỡ là bước chân
ai đó ngập ngừng, e lệ. Trong nắng
xuân rực rỡ, ngoài tiếng
lá rì rào trong gió, cư xá
im vắng làm tê tái cõi lòng
nặng trĩu nỗi cô đơn đến
tuyệt vọng, tâm hồn lặng chết
theo thời gian mà ý niệm về
cái Tết chỉ là con số trên
tờ lịch.
Những
ngày tháng hắt hiu vẫn cứ
trôi dần trong tiếc nuối cho đến
một đêm ...
Ngày
đó vẫn như mọi ngày, buổi
chiều anh Linh có lên Đơn dương
quan sát một chân móng của đường
ống bị nước xói mòn.
Và đêm thì có đoàn
cải lương đến diễn ở
Sông pha, một thôn xóm độ ngàn
người cả Kinh lẫn Thượng,
với một chi khu có khu gia binh, một
nhà máy thủy điện có cư
xá. Cơm chiều xong, ai có gia đình
thì quây quần trong nhà, ai độc
thân thì rủ nhau lang thang xóm dưới
uống cà phê hay bia trong khi chờ
giấc ngủ.
Trong
cảnh tĩnh mịch của núi rừng
về đêm với không khí
ngột ngạt gây gây lạnh, bỗng vang
lên tiếng ầm ầm rung chuyển cả
một khu rừng. Tiếng vọng lại từ
vách núi nghe tưởng chừng
như giờ tận thế. Kinh hoàng, tất
cả chúng tôi đều chạy về
cư xá, tất cả đều lo sợ
nhưng không ai nói ra. Từ cư xá
nhìn lên, nhà máy như bồng bềnh
trong những dòng nước lấp
lánh ánh hỏa châu, cùng những
tiếng ầm ầm trầm đục với
tia lửa do các tảng đá bị
cuốn trôi chạm nhau. Tất cả bàng
hoàng, ngơ ngác, đi tìm anh Linh, và
tất cả theo về nhà anh.
Đang
trực ca lúc đó là Âu Dương
Phước (có lẽ là cháu
72 đời của Tây độc Âu
Dương Phong). Tất cả hệ thống điện
từ nhà máy đến cư xá
vẫn bình thường. Từ nhà,
trong dáng điệu bình tĩnh và
tự tin, gọi điện thoại cho Phước,
anh Linh vừa nói vừa đưa
tay xoay người ra dấu như thể là
Phước có thể nhìn thấy
anh từ xa:
- Anh
Phước, bình tĩnh nghe tôi nói
đây, quay mặt nhìn hướng
về tủ điều khiển, anh sẽ thấy
có một tay nắm màu đỏ nằm
trong hộp nhựa, anh hãy phá bỏ
hộp nhựa và nắm cần giật
mạnh cho tôi. Anh nhìn thấy chưa?
Tất
cả chờ đợi trong im lặng
nặng nề, chỉ nghe tiếng thở dồn
dập của nhau. Chỉ thoáng giây mà
tưởng như dài lắm. Vài giây
sau tiếng Phước trong máy hốt
hoảng la lớn đến nỗi tôi
đứng cạnh anh Linh nghe rõ ràng
từng tiếng:
- Em
không biết không thấy gì cả,
anh ơi! Em sợ quá rồi!
Liền
sau đó anh Linh trả lời:
- Được
rồi, tôi sẽ lên phụ với
anh!
Từ
cổng cư xá nhìn lên nhà máy,
đèn lúc đó vẫn còn
sáng. Chợt thấy những đốm
lửa lập lòe trên mấy nóc
nhà cạnh đó. Thì ra một số
gia đình người Thượng
vì quá sợ đã leo lên đó,
đem theo gùi và xà gạc, gia tài
của họ, đang phì phèo thuốc
lá.
Phước
đang ở nhà máy một mình,
rất cần sự có mặt của anh
Linh, vì lúc nào anh cũng là linh
hồn của nhà máy. Vừa qua khỏi
cổng nhà máy thì chúng tôi
gặp dòng nước chảy tràn
qua đường, dòng nước
oan nghiệt lấp lánh ánh hỏa châu
chảy cuồn cuộn trong tiếng ầm ầm
trầm đục nghe rờn rợn tưởng
như đang ở chốn nào. Cảm
nhận được sự nguy hiểm
nên tất cả tự xếp hàng
dọc băng qua. Đi đầu là Đức
"gò hàn", Khánh, anh Linh, anh Kim, tôi,
anh Ân, Giàu, Đức "cận", và
Trọng.
Đang
băng qua dòng nước, chợt
có tiếng ai đó la thất thanh:
- Anh
Linh và Khánh bị nước cuốn
trôi mất tiêu rồi!
Tất
cả đành quay trở lại, kể
cả Đức "gò hàn", dù
Đức đã qua được
dòng nước rộng độ 4 hoặc
5 thước. Chúng tôi chạy sang Chi
khu báo tin không may với Trưởng
Chi khu và xin bắn thêm nhiều hỏa
châu để may ra anh Linh và Khánh sẽ
dễ dàng tìm đường về
một khi bị cuốn trôi đâu đó
trong rừng.
Thiếu
anh Linh, cả bọn như rắn mất đầu,
bị hụt hẫng, mất tinh thần. Không
biết tìm đâu, chúng tôi đành
quay về cư xá để báo tin cho
những người khác, đang đi
loanh quanh trong cư xá vì không biết
làm gì ngoài những ý nghĩ
lo âu và chán nản với chuyện
không may xảy ra.
Tất
cả ánh đèn mờ dần rồi
phụt tắt. Vạn vật chìm trong yên
lặng và dòng nước cũng
thôi chảy. Trong cái yên lặng dưới
ánh hỏa châu vàng lạnh lung linh ma
quái, đã thấy phảng phất
bóng dáng của tử thần. Trong
thời chiến, ở đâu có
ánh hỏa châu thì ở đó
có tử thần lảng vảng.
Thì
ra, khi đường ống thủy áp
bị vỡ, van cánh bướm tại
nhà van đã tự động đóng
lại khi lưu lượng vượt quá
24 mét khối/ giây. Do đó chỉ
một khối lượng nước có
hạn thoát được ra khỏi hồ
chứa. Nếu không, chắc là ...
Cùng
nhau đứng trên đường
trước nhà anh Linh để bàn
phương tính kế, chợt thấy
có người đang đi tới,
từ hướng bìa rừng,
dáng điệu mệt mỏi. Trong ánh
sáng mờ mờ của hỏa châu,
khi bóng người đến gần
chúng tôi mới nhận ra là anh
Linh. Mọi người đồng thanh la lên,
reo mừng như vớ được
phao khi sắp chết đuối. Có đứa
ôm chầm lấy anh dù lúc đó
cả người anh đang được
bọc một lớp sình, tóc bết
bùn dính sát đầu anh, trông
giống như con cá lóc mới bắt
từ dưới đìa lên. Anh
cho biết nhờ vướng dây
điện nên không bị nước
cuốn trôi, nương theo đó anh tìm
về được cư xá. Còn
Khánh thì mãi đến nửa
đêm mới tìm được
đường về. Sau này Khánh
phải đi Đà lạt chữa hốc
mũi cả tháng mới lành, hốc
mũi bị ung mủ, có lẽ do hít
sình cát lúc bất thần bị
nhận chìm trong nước.
Dù
mệt mỏi, không kịp tắm gội, anh
dẫn đoàn người lên lại
nhà máy. Không ai nói với
ai một lời, dò dẫm trong ánh
đèn pin đi trên lớp bùn
nhão nhoẹt lành lạnh nổi da gà.
Khi chung tôi đến được phòng
điều hành thì thấy Phước
có vẻ bình thường trở
lại do có đông người và
có cả anh Linh. Anh Linh vừa vào thì
hướng mắt về đồng hồ
chỉ cao độ mực nước trong
giếng thủy giao, anh hỏi Phước:
- Anh
có ghi được cao độ mực
nước dao động trong giếng thủy
giao không?
Phước
bối rối trả lời:
- Dạ,
em không có ghi.
Hỏi
chỉ để mà hỏi trong tiếc rẻ
mà thôi, vì anh dư biết Phước
không còn tinh thần để mà
nghĩ đến, dù nó nằm ngay
trước mắt. Tiếc rẻ về
một chi tiết kỹ thuật đã không
được ghi lại. Sau khi dặn dò
Phước vài điều, anh ra hiệu
cho tất cả rời nhà máy. Suốt
đoạn đường, nối đuôi
nhau mà đi trong yên lặng, lo âu đè
nặng lấy mọi người, nhất
là anh Linh, vì hình như đôi vai
đang trĩu xuống với lưng hơi
cong trong dáng đi chầm chậm. Lúc
đó, anh Linh đã quá mệt.
Đêm
đó, trời không trăng nhưng
rất trong đẹp với muôn ngàn
vì sao lấp lánh.
Ngày
nay thì tất cả chúng tôi tan tác
nổi trôi theo mệnh nước.
Anh
Kim có lúc là Trưởng Chi nhánh
Điện huyện Thống nhất, Biên hòa,
sau xin nghỉ hưu, vui với bia rượu
cùng bạn bè chòm xóm bên đám
ruộng đất hương hỏa ở
quận 8 Sài gòn.
Anh
Ân có lần mưu tìm về Sài
gòn nhưng không được, lại
phải quay về chốn cũ Phan rang với
Công ty Điện lực 2, làm Phó
Chi nhánh.
Phước,
nay là Âu Dương lãng tử,
dạy nghề điện tại Trung tâm dạy
nghề tỉnh Bến tre.
Đức
"gò hàn" an phận với công việc
bảo trì tại Nhiệt điện Thủ
đức.
Trọng,
gặp nhau trong trại tù, làm việc tại
Công ty Xây dựng điện, nơi
có rất nhiều người của
Điện lực cũ làm việc, sau
này đổi chỗ làm và tôi
không có dịp gặp lại.
Giàu,
rời Đa nhim đi lính rồi đào
ngũ, nay là Phó Giám đốc
Công ty Điện lực 2, Sài gòn.
Đức
"cận" và con trai mất tích trên đường
vượt biển từ Vĩnh long, quê
vợ.
Khánh,
nghe nói vượt trại không thành
mùa đông 75, đành bỏ xác
nằm lại trong uất nghẹn bên cạnh
một số bạn tù dưới cánh
máy bay Skyrider phế thải cạnh phi đạo
của phi trường Trảng lớn,
Tây ninh, nơi trước đây là
Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân
đoàn III, sau 75 là trại tù.
Và
anh Linh thì nằm đó, cách chốn
cũ và cả Khánh đến nửa
vòng trái đất.
Khuya
nay ở chốn này, dưới ánh
trăng rằm của tiết trời chớm
thu, tôi ngồi chờ hoa quỳnh nở
mà nghĩ đến anh Linh với những
kỷ niệm của một thuở ở
Đa nhim. Nhớ đến anh, tôi ghi
lại chuyện đêm vỡ đường
ống thủy áp, một trong những
kỷ niệm. Tôi ghi lại đây chuyện
đó như là một nén hương
lòng thắp lên trong đêm vắng
mà mong ước có một lần
được viếng mộ anh, thắp nén
nhang. Không như với Khánh, thấy
nằm giữa bạn tù với mộ
bia là một miếng ván mà ai đó,
cũng là bạn tù, khắc với
nét chữ vụng về, hối hả,
nhưng không dừng lại được,
không thắp được nén nhang
vì có chắc cũng không dám.
Lúc đó người chết và
kẻ sống đều là tù cả.
Âu
cũng là ... phải không anh Linh thân
mến?
Hoa
nở để mà tàn
Trăng
tròn để mà khuyết
Bèo
hợp để mà tan
Người
gần để ly biệt.
Hoa
thu không nắng cũng phai màu,
Trên
mặt người kia in nét đau!
Đinh
Văn Trai
(Tháng
9 - 1998) |