Thơ
Xuân Miệt Vườn
Thư
của Năm
Miệt Vườn
Ấp
Tịnh Hưng, ngày... tháng ... năm 2000
Chú
Sáu Nhà Đèn thân mến,
Kỳ
trước anh có hứa viết thơ
cho chú nói tiếp chuyện ăn Tết,
vậy mà lụi hụi cũng phải tới
giáp năm mới có cái thơ
nầy gởi thăm chú và gia đình.
Năm
nay mưa nắng thất thường, mùa
màng thất bát nên bà con phải
gói ghém tiện tặn, lại nghe thêm
vụ lụt lội ghê gớm ở
miền Trung thiệt là tội nghiệp cho đất
nước mình. Không biết tới
chừng nào mới hết cơn
bỉ cực tới hồi thới
lai. Chắc chú còn nhớ lúc
nhỏ anh em mình nghe mấy ông bà già
xưa nói, tại cái vụ "ăn hiếp"
Chiêm thành và Đàng Thổ mà
mình phải trả nghiệp lâu dài.
Có
người còn nói rõ hơn,
mấy thằng theo CS kiếp trước
là con cháu của Chế Bồng Nga, Chế
Mân, Chế Cũ, hay Nặc Ông Đôn,
Nặc Ông Chân nay đầu thai trở
lại để đòi nợ! Cũng
như tại xứ Huê kỳ chú mầy
đương ở đó, hồi trước
anh em mình đi coi chiếu bóng cao bồi
giết mọi da đỏ mình khoái quá,
nay nghĩ lại mới thấy bất nhơn.
Cho nên tao đoán có lẽ mọi
da đỏ đã đầu thai làm
mọi da đen, mọi... da trắng cũng là
để đòi nợ tiền khiên
mà thôi. Trong năm tao nghe đài BBC,
đài VOA nói ở gần chỗ
của chú, có mấy thằng học
trò vô trường giết cả
chục học trò khác thì tao thấy
cái vụ trả vay nợ nần không
phải là điều vô lý. Mới
đây tao đi chùa nghe mấy ông
Thầy hỏi bổn đạo, người
tu của các tôn giáo cũng nhiều
thì đáng lẽ siêu thoát đi
và số người ở cõi
thế gian nầy phải bớt lần
lần, chớ có đâu càng
ngày càng đông chật đường
chật sá như vậy. Rồi mấy ổng
cắt nghĩa, tại mình ăn thú vật
nhiều quá nên nó đầu thai
lên làm người để đòi
nợ. Nghe
rồi tao giựt mình nhớ lại
hồi 7, 8 tuổi ở xóm mình có
ông Đạo mới hơn mười
tuổi giảng đạo rất hay, người
ta kêu là "Ông Đạo nhỏ". Bữa
nọ Ồng lên chợ Cao lãnh dòm
đám đông rồi nói: "Chợ
vắng quá". Người ta mới
hỏi ông nói gì kỳ vậy, chợ
rần rần rộ rộ chen chưn không lọt
mà sao lại nói là vắng người.
Ồng bèn than, đông như như vậy
mà phần lớn không phải là
người!... Sau đó thì xảy
vụ Việt minh nổi dậy giết người
không gớm tay, trên đường
đi tới trường học tao thấy
thây người máu chảy dầm
dề. Cho
nên tao thấy trong "Ngũ Giới Cấm",
giới đầu tiên là "Nhứt
Bất Sát Sanh" rất quan trọng, bởi
vì nếu cứ giết qua giết lại
hoài thì nợ nần biết chừng
nào mới xong. Nghĩ đi nghĩ lại
tao có lời khuyên chú nó,
nếu chưa ăn chay được thì
cũng nên bớt thịt cá lần
lần, thêm rau thêm đậu vô, vừa
giảm bớt đồ độc trong
mình vừa bớt được
nghiệp sát thì hay lắm đó.
Kỳ nầy tao làm tài khôn "giảng
đạo" dông dài nếu chú nó
có bực mình thì cũng xin bỏ
qua đừng chấp. Đôi
ba tháng trước mấy đứa
con tao có viết thơ cho chú kể là
Bà Nội cứ mỗi lần coi hình
của gia đình chú chụp lần cuối
từ Sài gòn về thăm quê
nhà trước khi bỏ xứ ra đi,
là Bả chảy nước mắt. Bà
biểu cháu gỡ hết mấy tấm
trong an-bum rồi lót dưới tấm
kiếng trên mặt bàn bộ trường
kỷ để coi mỗi ngày. Trong đó
có mấy tấm hình gia đình chú
ra đồng tát nước vô ruộng
mới cấy, thằng con chú lom khom bắt
cua, cảnh tụi bây cùng đi với
gia đình tao kéo lưới, tát
đìa... Tao coi đi coi lại mà rưng
rưng nước mắt, mới ngày
nào mà bây giờ gia đình
anh em mình xa nhau đã mười mấy
năm rồi! Không biết chừng nào
mới được sum vầy và
ăn Tết cùng nhau như hồi trước. Nói
tới Tết tao mới trực nhớ
cái thơ năm ngoái kể vụ Ông
Già Tám chơi pháo ở xóm
mình. Sau lần đó thì qua năm
sau ổng đi mua pháo chợ về đốt.
Mọi năm việc đi chợ Tết vào
ngày 30 do Bà Tám lo liệu, kỳ nầy
Bả ể mình muốn bịnh nên sai
ổng đi thế. Mặt
trời mới vừa mọc chưa
khỏi ngọn tre là xuồng ổng đã
về cập bến. Bà Tám và sấp
nhỏ lấy làm lạ chạy xuống coi
thì thấy mấy cái thúng giạ
đựng lúa đem đi bán để
lấy tiền mua đồ cúng Ông
Bà trong ba ngày Tết, giờ lại
chứa đầy pháo, chỉ loe hoe mấy
xâu cá thịt để trên sạp
xuồng mà thôi! Bà Tám trong bụng
kêu trời như bộng mà vì
ngán Ồng nên đành làm thinh.
Thôi thì sai mấy đứa nhỏ
lên xóm trên mua thêm mấy ký
thịt về để phụ với đám
cá mới tát đìa hôm qua. Suốt
bữa sáng 30 ổng đóng cửa
trước lại, cấm không cho ai léo
hánh tới nhà trên, chỉ nói
là năm nay sẽ ăn Tết vui lắm,
không hết hồn hết vía như năm
rồi. Mấy đứa nhỏ rình
coi thì thấy Ồng lăng xăng treo pháo
từ đòn dông nhà thòng
xuống tới mặt đất, hai hàng
pháo dọc hai bên đôi liễn đối
chúc Tết ở bàn thờ Ông
Bà có chưng bông trái coi hực
hỡ. Mấy bên vách còn có
thêm cả chục xâu pháo nhỏ khác.
Gần tới xế chiều Bà Tám
cùng bà con lối xóm tới phụ
nấu nướng sắp xong, chuẩn bị
bưng lên nhà trên thì bỗng nghe
Ông Tám hét lớn: Không xong
rồi bây ơi! Kế đó thấy
ổng tông cửa chạy ra đàng
trước, thì bà con cũng hoảng
hồn quăng dao thớt chạy ra khỏi
nhà sau. Chừng mấy giây đồng
hồ sau thì đùng! đùng! đùng!
mấy tiếng thiệt lớn, rồi tạch
tạch đùng rền trời, trong nhà
khói pháo mịt mù nên không
ai dám nhào vô. Mấy phút sau tiếng
nổ ngưng, cả đám chạy vô
thì thấy ôi thôi chưn đèn,
lư hương, thứ gì cũng văng
hết xuống đất, tranh Tết treo trên
vách đều rách tan hoang, dưa hấu
thì đổ ruột ráo trọi, trong nhà
không còn món gì nằm trên
bàn. Xác pháo đỏ che kín nền
trong nhà, mấy thúng giạ pháo nổ
sạch hết thì đâu phải vừa! Bà
Tám mếu máo hỏi làm sao mà
ra cớ sự như vậy thì ổng
vừa tức cười vừ
kể cho bà con nghe: Hai xâu pháo móc
trên đòn dông nhà, đợi
lúc cúng Ông Bà xong là đem
ra treo trên cây nêu ngoài sân để
đốt, tui thấy hai cái "tim" để
châm ngòi bên dài bên vắn
nên tính cắt cho đều, kiếm
không thấy cây kéo, mà bứt
thì nó dai quá không đứt,
nên saün điếu thuốc đương
hút tui mới bóp cái tim pháo
cho thiệt chặt, rồi châm lửa cho
nó ngún tới chỗ bóp thì
nó tắt là được rồi.
Ai dè thuốc pháo mạnh quá, cháy
xì xì sáng giới tới hai
ngón tay làm tui hoảng buông tay ra, thấy
không xong nên tui la làng lên để
bà con chạy cho kịp... Bà
con ai nấy nghe kể mà cười nôn
ruột rồi bàn vui, năm nay chắc ổng
khỏi cúng Ông Bà. Mới xế
chiều 30 mà tụi bây làm sập
bàn thờ, nhà cửa tan hoang như
vậy thì làm sao tao dám về chơi
với bây trong ba ngày Tết! Cái
vụ "sập bàn thờ" nầy cũng
vui lắm, lần sau tao sẽ kể chú mầy
nghe... Còn
mấy bữa nữa là tới
ngày cúng rước Ông Bà
rồi. Nhơn dịp Xuân về gia đình
tao và thân bằng quyến thuộc bên
nầy gởi lời thăm gia đình
chú cùng các bè bạn Nhà Đèn
bên đó, năm mới mần
ăn được phát đạt, manh
giỏi may mắn, vui vẻ bình yên. Giấy
vắn tình dài, nói sao cho hết tấm
lòng thương nhớ của bà
con nơi quê nhà. Năm
Miệt Vườn
[ký] |