NHỮNG NIỀM VUI ĐIỆN LỰCBài của TRINH GIA MỸHai
năm trước, một người
bạn của tôi thích nghiên cứu
về tử vi lý số đã hăm
he "năm nay và hai năm nữa cái
số của bà rơi vào hạn tam tai
đó, rán mà giữ". Tam tai,
thường là những chuyện xấu.
Bạn tôi tính báo trước để
tôi đề phòng trong trường
hợp nếu có chuyện gì xảy
ra tệ hại quá thì cũng rán bình
tĩnh mà chịu đựng. Không
ngờ câu nói đó lại làm
cho tôi hồn vía lên mây. Tam tai, cái
hạn nặng lắm chứ chẳng phải
chơi, tôi dặn lòng: rán giữ.
Nhưng giữ cái gì? giữ sao
được mà giữ? Cái gì
tới thì nó phải tới chứ,
mình có phải là Tề Thiên Đại
Thánh đâu mà biết phép thần
thông lúc hiện lúc biến. Thôi
thì đành chơi nước lì,
tới đâu thì tới, cho nó
đi luôn đi bác tài.
Mặc
dù nói cho le tới đâu thì
tới nhưng trong lòng tôi cũng
phập phồng ghê lắm. Dường
như chuyện xui gì cũng có thể
xảy ra bất cứ lúc nào. Đầu
năm đi chùa tôi ngại không dám
xin xăm, sợ lỡ mà lắc
ra cây xăm hạ hạ thì chắc là
tới số. Tôi có cảm tưởng
ba năm nầy sao mà nó dài lê
thê như là ba thế kỷ. Mỗi ngày
tôi mỗi nhìn những tờ
lịch chầm chậm được bóc
ra. Hình như bề dầy của block
lịch cứ còn y nguyên, chẳng
bớt đi được chút nào.
Tôi hồi hộp chờ đợi
những gì phải tới. Sự
tiên đoán của bạn tôi cũng
không sai là mấy. Chuyện nầy, chuyện
kia xảy tới liên miên. Mà toàn
là chuyện tai bay họa gởi. Chuyện
nầy chưa hết tới chuyện khác.
Tôi rán làm theo lời Thầy
Nhất Hạnh "Thở vào tâm tĩnh
lặng, Thở ra miệng mỉm cười"
những
nụ cười, nhiều khi, cũng méo
xệch. Rồi tôi lại tự nhủ
Đức Phật còn bị thử
thách, huống gì mình, thôi cứ
coi ba năm nầy là một thử thách
đi. Thử coi sức chịu đựng
của mình tới đâu?
Nghĩ
như vậy, tôi cứ rán "Thở
vào tâm tĩnh lặng" mặc dù
làm sao mà lặng được
với những chuyện dồn dập.
Và cũng rán nhắc nhở "Thở
ra miệng mỉm cười" dù có
nhiều khi cười như mếu.
Đó
là lúc mà tôi chợt nhớ
cuộc đời đâu phải lúc
nào cũng đẹp như một giấc
mơ, và đâu phải lúc nào
cũng bằng phẳng như những xa
lộ ngút ngàn của Mỹ quốc.
Nhưng
nói gì thì nói, tôi vốn là
người lạc quan, lúc nào cũng
muốn nhìn xuống cuộc đời
bằng cái mặt tốt của nó. Cuộc
đời còn chán vạn niềm
vui. Để tôi kể bạn nghe những
chuyện vui có liên quan đến Điện
lực, biết đâu bạn nhìn thấy
mình trong đó, hầu quên bớt
những nhọc nhằn của cuộc sống
tất bật áo cơm. Năm
nay Điện lực Nam Cali ăn cưới
lu bù. (Và họp hành đãi khách
cũng lu bù không kém.) Có lẽ
ai nấy cũng đến hay đã qua
cái tuổi ngũ thập, con cái lớn
tới tuổi lập gia đình cho nên
mạnh ai nấy tri sui gia hết. Gia đình
anh chị Nguyễn văn Dậu, anh chị Phan
như Diệp, anh chị Hồ văn Sáu,
anh chị Từ mạnh Khang. Đám cưới
nào cũng vui. Đặc biệt tôi nhớ
lần đám cưới con trai Anh Chị
Hồ văn Sáu. Cả đám kéo
nhau xuống San Diego, thành phố biển. Vừa
tới cửa, anh Sáu nói nhỏ
với tôi "có người của
Nha Trang bị muốn gặp chị". Chà,
tôi nghe mà như mở cờ trong
bụng. Ai vậy cà? Những thước
phim trong đầu tôi quay thiệt nhanh về
"những ngày xưa thân ái".
Cái thuở sáng leo lên xe bus từ
Chợ lớn lên Thủ đức,
chiều leo lên xe bus từ Thủ đức
về Chợ lớn êm đềm.
Thuở đó tôi vừa học
Luật, vừa đi làm. Bữa nào
gần thi, tôi có quyền vừa ngồi
trên xe vừa lôi quyển sách trong
bị ra "gạo". Nhất cữ lưỡng
tiện, vừa được đi học,
vừa được tiền. Chỉ hơi
vất vả một chút vì lúc nào
cũng phải chạy đua với cái
kim đồng hồ. Những khuôn mặt
của Trang bị lần lượt được
"rà" lại thật nhanh. Nhưng mà ... lục
lọi hoài tôi cũng không làm
sao mò ra được nhân vật nào
ở Trang bị mà lại muốn gặp
mình. Ai đó thì ... tôi chịu.
Trí óc hồi nầy chắc cũng
có hơi ... chậm chạp. "Dục tốc
bất đạt." Thôi thì ... chờ
vậy. Trăm
lần như một. Hễ đi đám
cưới Điện lực là lúc
nào mấy ông cũng "ăn hiếp"
mấy bà. Cũng đẩy mấy bà
về một phía, một bàn để
cho mấy ông tha hồ mà bàn chuyện
"đại sự". Đối với
những người khác, những
giây phút chờ đợi vài
người đến trễ có khi
làm cho họ bực mình, chứ còn
với đám Điện lực mình
thì ... hỏng sao. Khi nào bắt đầu
cũng đuợc. Chúng tôi được
ngồi "mí" nhau là chúng tôi vui rồi.
Cười đã no, đúng giờ
hay trễ giờ đâu có thành
vấn đề. Trong lúc tôi đang
say sưa cười với cửu
vị nữ lưu trong bàn thì một
giọng nói "thỏ thẻ" ... ngập ngừng
ở phía sau lưng tôi "Chị Mỹ,
nhớ ai đây hôn?" Tôi quay
lại, à thì ra anh Sáu, phúc chủ
của bữa tiệc hôm nay. Tôi nhìn
sang phía tay anh chỉ: một người
phụ nữ trung niên mặt mày tươi
rói đang nhoẻn miệng cười
với tôi. "Chị Châu!" Tôi
kêu lớn và ngồi chết dí
trên ghế. Tôi muốn vùng dậy,
đưa tay siết thật chặt lấy tay
chị. Nhưng tôi ngồi im. Sự vui mừng
được gặp lại chị òa
vỡ làm cho tôi cảm thấy không
biết làm gì. Tôi ... luống cuống.
Dường như chị cũng vậy. Im
lặng một giây. Tôi đọc được
nỗi xúc động tràn lên đôi
mắt chị. Có cái gì long lanh trong
đôi mắt ấy. Hai mươi lăm
năm. Thời gian không phải ngắn
so với bao nhiêu là đổi thay.
Chị vòng tay ôm ngang vai tôi. Giọng
chị ướt sũng "Gặp Mỹ,
mình nhớ ra liền!" Nhớ ra
liền. Đúng rồi. Tôi cũng
vậy. Làm sao mà không nhớ cho
được? Nguyễn minh Châu. Khuôn
mặt ấy, giọng nói trong như reo ấy.
Hồi làm Trang bị, chị làm phòng
Kết ước. Sau, chị Thể Vân
nghỉ sanh thì chị lại sang phòng Kế
toán thế chị Thể Vân. Phòng
tôi làm ở trên lầu ngay trên
phòng chị. Lâu lâu có chuyện
gì đi qua tôi hay tạt ngang nói với
chị vài câu vì chúng tôi đồng
mộng. Chị cũng vừa đi làm
vừa học Luật giống tôi. "Chí
lớn" gặp nhau cho nên dễ thông
cảm vì tôi và chị hay trao đổi
những tin tức liên quan đến
việc học. Tôi nhớ chị hiền
và hay cười. Tháng tư năm
75 trường Luật cho học trò thi sớm
vì tình hình chiến tranh khá khốc
liệt. Tôi chuẩn bị thi ra trường
thì chị nhanh chân chạy mất. Chắc
là chị "ngộ" được cái
bài ông Thầy Kinh tế giảng sớm
hơn tôi, khi có lần ông nói
"sống trong chế độ cọng sản,
nguòi ta sợ luôn cả cái bóng
của mình". Bây giờ! Hai mươi
lăm năm đã qua, trông chị vẫn
như xưa, mà có điều còn
trẻ hơn, đẹp hơn nữa kìa.
Chị Châu, trái đất tuy rộng
lớn nhưng đôi khi mình cũng
có thể nắm lấy nó ở
trong lòng bàn tay. Nếu không, sao lại
có cái ngày mình trùng phùng
với nhau ở đây, hả chị? Kế
đến, một cuộc họp mặt tưng
bừng lý thú mà mọi người
mong đợi. Ngày Đại hội Điện
lực ở Bắc Cali. Hình như Bắc
Cali lúc nào cũng quyến rũ chúng
tôi. Không chỉ vì Bắc Cali hiếu
khách. Không chỉ vì Bắc Cali ham vui.
Không chỉ vì Bắc Cali không làm
thì thôi, còn làm thì phải
làm cho "tới", mà ... quan trọng hơn
hết là vì những người
bạn ở Bắc Cali lúc nào cũng
có một tấm lòng. Rất trân
trọng chính mình và rất trân
trọng bạn bè. Cho nên đến với
Bắc Cali lúc nào tôi cũng cảm
thấy ấm áp và thoải mái.
Ba tháng trước ngày Đại
hội, anh em ở Bắc Cali thấy đã
bận rộn. Những tin tức cung cấp
cho người đến tham dự nhiều
chi tiết một cách rất nhà nghề.
Mà nhà nghề thật! Buổi sáng
đầu tiên đến phòng họp,
đang lâng lâng vì phong cảnh rất
hữu tình thì đã nghe xôn
xao những tiếng cười, những
lời thăm hỏi, những cái
siết tay rất nồng nàn. Cửa
phòng họp chưa mở nhưng ngoài
sân, tôi thấy có các anh chị
Nguyễn công Thuần, Nguyễn trọng Dũng,
Nguyễn sĩ Chính, Hoàng gia Thụy, Lê
minh Quân, ... đã có mặt từ
lúc nào. Cửa mở. Bước
vào phòng hội, những anh chị
trong ban tổ chức ai cũng lăng xăng,
mỗi người mỗi việc làm
tôi cảm thấy ... bận lây. Số
người tham dự lần lượt
đến. Ghi danh, gắn bảng tên, mua áo
lưu niệm. Những tiếng reo, những
vòng tay ân tình, những lời
"mắng mỏ" thương yêu. Cả hội
trường xôn xao tiếng cười
nói huyên thuyên như chợ Tết.
Trưởng ban tổ chức khai mạc
buổi họp với những lời
lẽ chào mừng rất bằng hữu,
rất "Bắc kỳ" ... thôi thì tiện
bữa, chỉ có thêm chén, thêm
đũa thôi mà... Tiện bữa
mà khi bước vào phòng ăn
thì ... thức ăn tràn ngập, chẳng
có "tiện" tí nào, vì nhiều
món quá, món mặn, món chay, món
nào cũng hấp dẫn, chẳng biết
gắp món nào. Lại còn có cả
nguyên một con heo quay cái da giòn rụm.
"Tiện bữa" như thế nầy thì
thật là "phiền" cho chúng tôi đấy,
anh Thụy ạ! Anh
Dũng điều hợp chương trình
duyên dáng, đem lại cho phòng hội
nhiều cơn gió mát và làm
cho mọi người cảm thấy gần
gũi nhau hơn. Những câu chuyện
kể của anh Thực dí dỏm cho người
nghe những nụ cười ý nhị.
Chương trình Karaoke hấp dẫn với
những ca sĩ "cây nhà lá vườn"
nhưng cũng rất "chuyên nghiệp". Bắc
Cali chào "khách" bằng một bài hợp
ca vui. Ái nữ của Thầy Cô Hồ
tấn Phát hát nhạc Pháp hay hơn
ca sĩ thứ thiệt. Nội tướng
Nguyễn công Thuần "thượng đài"
làm nhiều người giật mình,
tưởng danh ca Thái Thanh vừa "nhập
bọn". Phu nhân Hồ tấn Phát cũng
"hồ hởi" như ai, cho mọi nguòi
nghe một bài ngọt lịm. Phu nhân Vương
Văn An "chuyển mục" cho hội trường
nghe nhạc Tàu. Theo Nguyễn trung Sơn thì
chị là người Tàu lai, mà
lại "lai ... giồng" nữa cho nên hát
nhạc Tàu là đúng điệu
rồi. Trần trung Tính coi bộ ... nghi ngờ.
Muốn chứng minh luận cứ của
mình vững chắc, Nguyễn trung Sơn
bèn hất hàm bảo hỏng tin hả?
Hỏng tin thì lên sân khấu coi thử
coi có đúng không? Càng về
chiều càng "nóng máy" cho nên càng
có nhiều người muốn hát.
Nhiều người còn chịu khó
xách theo những đĩa nhạc riêng
của mình nữa. Số "ca sĩ" Điện
Lực ghi tên lên hát dài hơn
số thời gian của cả buổi chiều.
Thôi, những người "lọt sổ"
chịu khó đợi lần sau vậy. Lần
nầy Điện Toán có vẻ "lấn
át" hơi nhiều với con số đông
những người tham dự. Nhưng
Trang bị cũng đông không kém.
Bằng chứng là khi xổ số, những
món quà của Bắc Cali cũng bị
Trang bị xách về gần hết (chắc
là vì nhờ có anh Nguyễn văn
Dậu đứng bốc thăm). Đấy
cũng là một điểm son của Ban
Tổ chức. Mỗi người đóng
góp một món quà để xổ
số lấy hên cho vui. Hình như bà
xã Phạm long Thượng trúng được
gói quà nhỏ nhất. Mà kinh nghiệm
thì những gói quà càng nhỏ
càng mắc. Không biết phu nhân trúng
được gì mà sau khi lãnh
giải xong Phạm long Thượng cứ
chúm chím cười hoài. Thấy
anh có vẻ vô cùng đắc ý. Một
tiết mục mới, choàng vòng hoa
cho những thân hữu đã hiên
ngang "chiến thắng" cuộc đời
60 năm, và 70 năm. Theo yêu cầu của
ban tổ chức, tôi thấy một người,
hai người, rồi ba người đứng
dậy. Từng lớp người
hăng hái tiến lên khán đài.
Ôi chao, sao mà đông thế. Cứ
tưởng "anh" nầy mới chừng
năm mươi thôi chứ. Nhìn những
"cụ ông" Điện lực tươi
rói nghiêng người xuống cho các
"cụ bà" choàng vòng hoa vào
cổ, có ai nghĩ là các "cuï"
đã qua cái tuổi "cổ lai hy"
đâu. Trẻ, thật là trẻ. Có
thể là nhờ vào những
nụ cười "Điện Nực"
đấy, các "cụ" ạ. Có người
còn đề nghị các "cuï"
sửa lại bài hát "Em ơi có
bao nhiêu, chín mươi năm cuộc đời"
thay vì sáu mươi năm như hồi
xưa. Các "cuï" nghĩ sao? Lần
đầu tiên, cũng sau 25 năm xa cách,
tôi được gặp lại anh Lâm
văn Xừng và gia đình. Trông
anh có vẻ "tiên phong đạo cốt"
lắm. Không thể nào quên được
thời gian làm chung phòng với
anh ở Trang bị. Lúc anh phụ trách
Công trường Biên hòa. Mỗi
lần bị xếp rầy, mọi người
kiếm cớ "chọc" anh để nghe anh
la... à mà, à mà, à mà...
rồi sau đó thì anh quên luôn
chuyện bị xếp rầy. Lúc đó
anh đã hiền, bây giờ còn
hiền hơn. Chỉ khoát tay. Chỉ cười.
Tới đoạn đời nầy,
có lẽ là anh đã "ngộ" được
cái lẽ vô thường của kiếp
người. Đã xả hết, không
còn chấp gì nữa kể cả
cuộc đời có có, không
không nầy? Anh Xừng ơi, gặp lại
anh, tụi nầy rất là vui. Tôi cũng
gặp được anh Đinh văn Quí
từ Úc. Trông anh không khác
hai mươi lăm năm trước là
mấy. Nghĩa là nếu gặp ở
một chỗ nào khác không phải
là "khu của Điện lực mình"
tôi cũng có thể nhận ra anh, tuy tóc
của anh giờ đã có nhiều
sợi trắng hơn đen. Tôi cũng
được dịp gặp lại anh chị
Lê thúc Căn. Hồi đi vượt
biên, chúng tôi cùng ở trại
Bidong với nhau. Chạy tới, chạy
lui. Hồi đó, mấy cháu trai anh chị
còn nhỏ xíu. Giờ gặp lại,
tất cả đều đã thành
danh. Thoáng đó mà đã 18
năm. Thời gian thấm thoát thoi đưa.
Giờ gặp lại, tóc ai cũng bạc.
Chân ai cũng yếu. Mắt ai cũng mờ.
Chỉ có sự vui mừng và những
tình nghĩa trong nhau bao giờ cũng
ấm áp. Anh Căn và anh Tùng đã
làm cho cả hội trường cười
vang khi hai anh tranh luận với nhau để
giành việc tổ chức đại hội
cho năm sau. Tôi cũng được
gặp rất nhiều anh chị mà lâu
nay chỉ được "kiến kỳ
thanh" như anh chị Phạm Huy Thịnh, Tràm
Cà Mau, chị Lê tấn Tuyển hát
hay, anh chị Lữ châu Hùng, và
còn rất nhiều những anh chị
khác mà không tiện kể ra hết.
Hôm
sau cả đám chia làm 2 "phái đoàn".
Một phái đoàn đi Reno thử
thời vận. Và chúng tôi tháp
tùng phái đoàn gần trăm người
đi thăm công viên quốc gia Sequoia
Park và Yosemite.Cả
đoàn gần 100 người chiếm
trọn hai chiếc xe bus. Trong lúc mọi người
"yên vị" thì anh Dũng chạy lên
chạy xuống, khi thì nước khi thì
bánh ... trông mà mệt giùm anh. Nghe
kể lại, bên xe kia phu nhân anh cũng
chạy xuống chạy lên làm ... "lơ
cái". Đoạn đường ngoằn
ngoèo, khó đi vì là đường
đèo, nhưng phong cảnh thì rất
đẹp và mát. Có nhiều đoạn
đường gợi nhớ Đà
lạt, Đơn dương. Bốn giờ
ngồi trên xe cũng không thấy lâu
là mấy vì nhờ những cuốn
video ca nhạc của Asia và Thúy Nga, mà
Ban Tổ chức đã "thủ" saün
theo. Đường xa, lại muốn "tiện
thể" đi thăm nhiều chỗ, mỗi
chỗ một chút tranh thủ trong hai ngày
cho nên thời gian rất hạn hẹp,
ngồi trên xe dài hơn thời gian
đi bách bộ ngoạn cảnh. Ghé chỗ
này một chút, chỗ kia một chút.
Có vài người đùa, đặt
tên cho chương trình du ngoạn này
là "Toilet tour". Khi xe đến nơi, được
thả xuống ai cũng mừng, nhưng
nỗi vui mừng chưa trọn vẹn thì
đã nghe ông trưởng đoàn
dặn dò phải trở lại xe 30 phút
sau. Có nhiều tiếng thở dài
nhưng không nghe có tiếng phản đối.
Đoàn người xếp hàng ở
Restroom
dài như hồi ở Việt Nam xếp
hàng chờ lãnh thực phẩm.
Dường như người nào
chui được vô trong rồi thì
ngồi luôn ở trỏng không chịu
ra cho tới phiên người khác
vào. Có nhiều tiếng khúc khích
cười "kéo fermeture xuống saün
nghe bà con, hễ có người nào
ra thì mình ù chạy vô liền thì
may ra mới kịp". Lại túm tụm
chuyện trò. Lại cười. Lại
đợi. Xong xuôi, vừa kịp ba
mươi phút để lại hối hả
chạy ra xe. Mắt láo liên đảo
tới đảo lui coi có còn ai đâu
đây không, hay chỉ còn có mình
mình. Ngồi trên xe nhìn ra hai bên
đường, những hàng thông
cổ thụ xanh rờn thảnh thơi trước
gió làm cho lòng người cũng
cảm thấy nhẹ nhàng. Những hàng
cây mà số năm góp mặt với
đời nhiều hơn số tuổi
của người già nhất trên
xe vẫn sừng sững ngạo nghễ
thách đố với thời gian.
Trên xe, Lư khải Minh với những
câu chuyện tiếu lâm trao đổi
làm cho nhiều người cười
vang như pháo. Lâm văn Xừng lim
dim đôi mắt, lâu lâu lại góp
tiếng "Kể tiếp, kể tiếp". Chị
Lữ châu Hùng ngồi bên kia thì
thầm "Mấy người ở đây
hay ghê, tốn công tốn tiền lo cho
mình vui chơi, thiệt là dễ thương
hết sức". Không biết chị
đã thương ai chưa và thương
có dễ hay không? Duy chỉ có
anh Dũng trưởng đoàn thỉnh
thoảng chạy lên chạy xuống lo thức
ăn, nước uống, nhắc nhở
người tour guide và liên lạc
phối hợp với đoàn bên
kia. Có lẽ anh quá mệt cho nên không
còn đủ sức góp chuyện
nữa. Buổi
chiều về khách sạn nhận phòng,
tắm rửa tỉnh táo xong lại được
đi ăn ở nhà hàng Tàu.
Ở vùng xa xôi hẻo lánh này,
kiếm được một nhà hàng
Tàu cũng là điều lý thú.
Một bàn mười người
nhưng ai cũng giành ngồi chung bàn
với A. Xừng vì biết A. Xừng
ăn trường chay. Nhờ có
đặt chỗ trước cho nên nhà
hàng sửa soạn bữa ăn cũng
nhanh. Chỉ có A. Xừng ăn chay cho nên
khi mọi người cầm đũa thì
thức ăn của anh vẫn chưa có.
Bà xã anh có nhắc nhở anh
bồi bàn mấy lần nhưng không
thấy. Mãi một lúc sau, em của Trịnh
gia Mỹ nhắc thêm, người bồi
bèn đem ra liền. Cả bàn thấy
ngạc nhiên, chắc cái anh này người
Tàu, nhắc cái có liền. Và
chị Trang, bà xã Lâm văn Xừng
thêm vô ... Còn tui, cũng người
Tàu, nhưng mà ... "Tàu lao". À
thì ra thế ... Bữa ăn diễn ra
trong bầu không khí thân mật trong nhà
vì sau khi đi chơi về ai cũng ... đói,
cho nên khua chén múa đũa tận
tình lắm. Xong bữa, trời cũng
đã sụp tối, trở về khách
sạn một đám lại tụm nhau ở
parking
lot đấu láo, cười vang cho
tới khuya. Nhiều người nằm
trong phòng, không chịu nổi sự
cám dỗ của những tiếng cười
dòn bên dưới bèn mở
cửa phòng chạy xuống nhập bọn.
Sáng hôm sau, vừa tờ mờ
sáng, phòng ăn cũng đã đầy
người vừa cà phê vừa
đấu hót tưng bừng. Dường
như không ai cảm thấy mệt. "Một
nụ cười bằng mười viên
thuốc bổ" bà con ơi. Trước
khi lên xe đi Yosemite, nhiều người
đề nghị chụp chung hình kỷ niệm.
Những máy hình thi nhau bấm lia bấm
lịa nhưng toàn là những ông
phó nhòm tài tử cho nên những
"người mẫu" bị vất vả
hơi nhiều. Nghe đếm một, hai, ba ...
vừa sửa soạn nhe răng cười
thì "sorry, chưa lên phim", làm lại.
Lại một, hai, ba ... lại đứng ngay
ngắn như tập binh thì ... "chết mồ
hông, hết phim"...
Buổi
sáng Yosemite nắng nhạt, mát mẻ so
với trời mùa hè oi bức
của Cali. Yosemite với những hàng
thông xanh rì rào theo gió, những
thác nước trong bên vách núi
sừng sững, và những con
gấu ban đêm hay ra kiếm thức
ăn hù dọa du khách. Yosemite đón
chào phái đoàn Điện lực
bằng những cái restroom "gợi
nhớ quê hương". Có lẽ
buổi sáng ở khách sạn cà
phê ngon nên ai cũng uống nhiều.
Cái hàng xếp dài ơi là dài.
Trong khi mọi người rán học chữ
"nhẫn" để chờ tới
phiên mình thì chợt trông thấy
Thụy phu nhân dìu Dũng phu nhân khập
khiễng đi tới, nom như là vừa
trợt chân té ngã bong gân, theo
sau còn có Thuần phu nhân hộ vệ.
Đoàn người xếp hàng còn
chưa biết chuyện gì thì "ba bà
đi bán lợn xề" bèn cười
tủm mách nước, giả bộ đi
cà thọt để xài cái restroom
của người "handicap" cho nó...
lẹ đó mà. Có lẽ ngày cuối thong thả nên có nhiều thì giờ đi ngoạn cảnh. Lần nầy "trưởng đoàn" không thúc hối như hôm qua nữa mà hiền như ... Ma Soeur. Bà con được tha hồ ngắm những hàng thông xanh rì ở Tunnel View. Rán chống đôi mắt .lão "mờ mờ" lên tìm kiếm những người leo núi bên những vách đá sừng sững ở El Capitan. Hoặc thong thả dạo chơi và ngắm nghía góc cạnh nào đẹp nhất để bấm những tấm hình cho bạn ... già bên thác nước trắng xóa. Buổi ăn trưa bún thịt nướng "dã chiến" chia thành từng nhóm nhỏ vừa ăn vừa tâm sự vụn.Sau khi "lót lòng" cho cái bao tử xong xuôi, cả đoàn được hướng dẫn đi thăm Yosemite Lower Fall. Đám "tàn binh" vừa đi vừa thở, một phần vì tuổi cũng đã hơi hơi cao, một phần vì lên dốc nhưng cũng không quên "quậy".Mấy ông phó nhòm được dịp bấm lia bấm lịa( chẳng biết máy có phim hay không ?) làm mấy bà, mấy ông người mẫu "chạy sô" tới phờ người dưới ánh nắng trưa. Bây
giờ, nhắm mắt lại, tôi cũng
còn mường tượng được
như in từng tiếng nói, từng
tiếng cười, từng khuôn mặt
hân hoan của mọi người. Những
người bạn có cùng một mái
nhà Điện lực giờ tản
mác khắp bốn phương trời.
Cám ơn những người bạn
ở Bắc Cali. Những người
đã bỏ ra không biết bao nhiêu
thì giờ, công sức và tiền
bạc cho chúng tôi có được
những ngày vui trọn vẹn. Những
người đã gồng gánh mọi
điều từ việc lớn đến
việc nhỏ cho chúng tôi có dịp
rất quý để gặp nhiều người
ở nhiều vùng khác nhau. Những
người tuy mệt phờ nhiều
ngày mà lúc nào trên môi
vẫn nở nụ cười khi nhìn
thấy mọi người gặp nhau vui vẻ.
Rất cám ơn những nàng dâu
Bắc Cali đã âm thầm làm việc
cực nhọc ròng rã để sửa
soạn cho mọi người những bữa
ăn chay và mặn rất là chu đáo.
Xin gởi một bó hoa hồng tình
nghĩa cho những anh chị em của Bắc
Cali. Ngày
vui nào rồi cũng qua. Cuộc vui nào
rồi cũng tàn. Những nắm tay
bịn rịn nào rồi cũng phải
rời nhau. Những tấm lòng sôi
nổi nào rồi cũng có lúc
lắng lại. Dù muốn hay không, ba ngày
vui với nhau rồi cũng phải chấm
dứt. Ba ngày tuy ngắn ngủi nhưng
cũng đủ để lại trong lòng
mọi người những lưu luyến,
những bồi hồi khi nhớ lại.
Hẹn nhau sang năm, như một bài hát
thời tuổi nhỏ : "Gặp nhau đây,
rồi chia tay. Ngày vàng như đã
vụt qua trong phút giây. Niềm hăng
say, còn quanh đây. Đường
trường sông núi hẹn mai ta sum
vầy." Lại
hẹn nhau sang năm, nghe bạn vàng.
Trịnh Gia Mỹ
August
2000
|