LTS:
TH Tôn Thất Uẩn thuộc hàng "thân hữu chiếu trên cùng", năm
nay đã đạt tới "thượng thọ bát tuần", nguyên là Trung
tá trong Quân lực VNCH, nguyên là Thượng nghị sĩ của chính
phủ VNCH. Anh Uẩn đã là một sinh viên quân nhân, tốt nghiệp
kỹ sư điện, khóa 3 (1963), tại trường Cao đẳng Ðiện học
Phú Thọ, Sài Gòn. Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử,
hiện nay anh Uẩn cùng gia đình định cư tại Luân đôn, Anh
quốc. Năm 1996, anh viết bài hồi ký sau đây đăng trên Tạp
chí Tiếng Sông Hương, xuất bản tại Dallas, Texas, Hoa kỳ,
số đặc biệt kỷ niệm 100 năm trường Quốc học (1896-1996).
Ðược sự chấp thuận của anh, chúng tôi xin phổ biến lại
trên bản tin THÐL này để các thân hữu "xem lại cuộn phim"
về một phần quê hương đất nước mình trong khoảng thời
gian hơn nửa thế kỷ vừa qua.
Tôi
lớn lên trong sự bảo bọc, dạy dỗ của một đấng từ
mẫu sớm gặp cảnh góa bụa nhưng đã can đảm ở vậy nuôi
con trước viễn ảnh của một cuộc sống khó khăn, đầy
dẫy chông gai sẽ chờ đợi mình. Qua sự giáo huấn của mẹ
tôi, bằng lời nói, khi nghiêm khắc khi trìu mến, và nhất
là do phong cách của mẹ tôi mà tôi noi gương, tôi đã học
được những đức tính giúp tôi khắc phục những khó khăn
trên đường đời và cố gắng xử thế theo phương châm "giàu
sang không mê sa, nghèo hèn không đổi chí" (phú quý bất
năng dâm, bần tiện bất năng di) của người xưa.
Ðến
khi vào trường tiểu học Paul Bert (tôi bắt đầu đi
học hơi trễ vì theo ý muốn của thầy tôi, anh em tôi phải
học chữ nho trước khi vào trường) tôi may mắn gặp được
những thầy giáo thương học trò như con ruột, đặc biệt
là các thầy Trương Tiếu Tỷ, Nguyễn Hữu Lư (thân phụ của
hai anh Nguyễn Hữu Hanh và Nguyễn Hữu Minh), Tráng Cử và Nguyễn
Hi Ðơn. Thầy Cử là trưởng nam của Kỳ ngoại hầu Cường
Ðể; Thầy cũng là huynh trưởng hướng đạo nên ngoài việc
dạy chữ, Thầy còn bầy ra những trò chơi tập cho học sinh
có tinh thần tháo vát. Thầy lại có tài kể chuyện; qua những
buổi kể chuyện của Thầy, tôi đã làm quen với Les Trois
Mousquetaires và Le Comte de Mont-Cristo của Alexandre
Dumas. Năm 1946 Thầy phải di tản ra Liên khu IV cùng với
các công chức các nha, sở của Ủy ban Hành chánh Kháng chiến
Trung bộ. Một thời gian sau đó, Thầy trở về Huế dạy học
rồi về hưu, và nay đã mất. Thầy Nguyễn Hi Ðơn (bào đệ
của Cha J.M. Thích, một vị linh mục được nhiều người
mến phục và cũng là một nhân vật hữu danh của xứ Huế)
là thầy dạy lớp Nhất, chuẩn bị cho học sinh đi thi Tiểu
học. Tôi may mắn được Thầy đối xử đặc biệt, chỉ
dạy từng li từng tí. Dù cuối năm đứng đầu lớp nhưng
khi thi tuyển vào năm thứ nhất "cao đẳng tiểu học" trường
Khải Ðịnh, tôi suýt bị đánh hỏng vì quá tự tin, không
lưu tâm chuẩn bị dự thi. Thầy lo lắng như là chính Thầy
đi thi, chạy đi chạy lại trông ngóng kết quả. Ðến khi
biết tin tôi được "đậu vớt", Thầy liền đạp xe đến
nhà báo tin mừng cho mẹ tôi hay. Trong khi đó tôi còn nhởn
nhơ đá banh với mấy thằng bạn ở góc đường, không chút
lo âu về tương lai của chính mình! Khi Việt minh cướp chính
quyền, hình như Thầy bị họ bắt và đưa đi đâu mất tích
từ đó.
Tôi
nhập học năm thứ nhất trường Khải Ðịnh năm 1936 và thi
đậu Tú tài II năm 1943. Trong đời học sinh, hình ảnh đẹp
nhất tôi còn ghi nhớ là cảnh học sinh đi học lúc sáng sớm:
từ An Hòa, Kim Long, Thành Nội và các phố Trần Hưng Ðạo,
Ngã Giữa, Hàng Bè, Gia Hội sang; từ An Cựu, Bến Ngự về;
từ Vĩ Dạ, Ðập Ðá, Hàng Me lên; từ Nam Giao, Bạch Hổ,
Bầu Vá xuống; từng đoàn nữ sinh áo trắng, nam sinh áo đen
lũ lượt đổ về các trường học. Có nhừng học sinh qua
đò Thừa Phủ đến trường, họ ngồi dọc theo hai bên mạn
đò, thường là nữ sinh một bên, nam sinh một bên, ít khi
ngồi lẫn lộn. Các cô các cậu rất e lệ, không dám bắt
chuyện với nhau, bạo dạn lắm cũng chỉ liếc trộm, nhưng
rồi cũng có những mối tình chớm nở nhân những chuyến
đò ngang ấy.
Ðời
học sinh trong khung cảnh hiền hòa giản dị của cuộc sống
ở Huế vào lúc đó trôi qua êm ả, không có những cám dỗ
như thời bây giờ và đặc biệt là chưa có âm hưởng của
những cuộc vận động phục quốc (về sau tôi mới biết
là đã có rồi nhưng còn trong vòng bí mật). Cũng có những
nỗi vui buồn gây ra bởi sự thành công hay thất bại trong
việc học, hoặc đôi khi cũng có những giờ phút nhớ nhung
một hình bóng yêu kiều nào đó hay nỗi sầu vẩn vơ của
một mối tình thầm lặng.
Trong
những năm học, không khí lớp học nhiều khi rộn rã lên
nhờ những anh bạn có duyên chọc cười. Năm đệ tứ, anh
Lê Du đã có lúc làm chúng tôi có muốn nhịn cười cũng không
nhịn được. Một hôm, thầy Bửu Cân, trong lúc giảng bài
bắt gặp anh đang nhai nhóp nhép. Thầy ngừng giảng, hỏi anh
ta: "Quest ce que vous mangez là?" Anh đứng dậy, giơ cao
"tang vật", đáp tỉnh bơ : "Du khoai khô, monsieur"
Cả lớp cười vang; Thầy cũng cười xòa và miễn cho Du khỏi
bị phạt "công-xin"(consigne). Ở năm thứ nhất
ban tú tài, anh Trần Kiêm Tiềm, người An Hòa, lại là đối
tượng cho anh em diễu cợt. Anh mê túc cầu đến độ đi học
cũng mang giầy đá banh để sẵng sàng "ráp" vào nơi nào có
đá banh dù là đá chơi hay tập dượt. Bạn bè đặt cho anh
cái biệt hiệu "Ba đi ghệt", theo tên của một nhân vật có
lẽ trong chuyện "Vàng và Máu" của Thế Lữ lúc nào cũng thích
"diện" đôi ghệt như anh thích mang giầy đá banh. Cái biệt
hiệu ấy dính liền với anh như hình với bóng đến mức
thường được sử dụng thay cho tên anh, và có lần, đã được
dùng để trêu vị giáo sư Anh văn của chúng tôi là Père
Gagné, người Gia nã đại gốc Pháp. Trong một buổi học,
một anh bạn hay bông lơn xin Cha chỉ cho biết chữ "badighet"
nhấn ở âm nào. Cha khiêm tốn xin tra tự điển rồi sẽ trả
lời sau. Vị linh mục dễ dãi, vui tính ấy chắc không hiểu
tại sao trong lớp lại có những tiếng cười khúc khích tiếp
sau câu trả lời của mình và dù có cố gắng tham khảo đến
mấy chục cuốn tự điển, Cha cũng không thể nào tìm ra chữ
"badighet" để biết âm nhấn ở chỗ nào. Anh Nguyễn
Ðình Quảng, vốn dòng nho gia, học rất giỏi nhưng rất khiêm
nhường và dễ mến, duy có cái bệnh thường bị ám ảnh
là đôi bàn chân của mình khi nào cũng dơ bẩn. Trong lớp
anh giành chỗ ngồi ở bàn cuối, sát vách ngăn giữa lớp
học và cái hành lang chạy dài theo hàng cửa sổ nhìn ra vườn
hoa. Trong giữa giờ học, nếu anh ta biến mất thì tức là
anh đã lẩn ra sau bức vách ngăn để nhảy qua cửa sổ, tìm
vòi nước rửa chân cho thật sạch rồi lại nhảy cửa sổ
vào lớp tiếp tục học. Mỗi lần anh chợt biến chợt hiện
là một dịp để cho anh em vui cười trước sự ngạc nhiên
vô cùng tận của các giáo sư. Trong thời kỳ đầu của cuộc
kháng chiến chống Pháp anh ra Bắc công tác, lúc đó tôi chỉ
gặp anh có một lần ở Nghệ An, về sau mất hẳn liên lạc.
Trong
số những bạn cùng lớp với tôi có những anh rất xuất
sắc. Anh Phạm Quỵ đoạt giải nhất trong một cuộc thi tuyển
toàn quốc (concours général) về Pháp văn. Các anh Ðặng
Phúc Ðĩnh và Tôn Thất Ngữ đậu Tú tài I sau một năm học
thay vì 2 năm như thường lệ. Anh Thái Văn Kiểm luôn luôn
đứng đầu lớp về các môn Việt văn, Sử ký, Ðịa lý.
Sau khi ra trường, dưới bút hiệu Việt Ðiểu, anh đã sớm
nổi tiếng với tác phẩm "Ðất Việt Trời Nam". Trong thời
gian ở hải ngoại, anh đã viết rất nhiều về văn chương,
văn hóa Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, và có thêm
một bút hiệu nữa là Hương Giang. Ðồng thời anh không ngừng
nghiên cứu, sưu tầm để thi lấy bằng Tiến sĩ Ðông phương
học và đã thành công mỹ mãn. Ngoài anh Kiểm ra còn có 2
người bạn học nữa, khi ra ngoài đời cũng đã có tên tuổi
trên văn đàn Việt Nam, người nổi tiếng về thơ là Tế
Hanh và người thành danh về ca nhạc là Minh Trang. Anh Nguyễn
Khắc Hoạch một thời gian sau khi ra trường đã sang Pháp học
thi Tiến sĩ văn chuơng và trước khi miền Nam rơi vào tay cọng
sản, đã giữ chức khoa trưởng Ðại học Văn khoa thuộc
Viện Ðại học Sài Gòn. Hai người khác cũng đã thành công
trong lãnh vực học thuật là anh Hoàng Văn Tuệ và anh Nguyễn
Văn Trương. Anh Tuệ sang Nga du học, trở thành nhà ngôn ngữ
học có tiếng của miền Bắc. Anh là thân sinh của nhà văn
"phản động" có hạng của Việt Nam hiện thời là Bảo Ninh,
tác giả cuốn "Nỗi buồn chiến tranh". Anh Trương đi học
ở Ðông Ðức, về nước làm giáo sư xã hội học ở Hà
nội, nay đứng đầu ủy ban soạn thảo một bộ tự điển
bách khoa Việt Nam. Một anh bạn khác cũng rất giỏi Pháp văn,
anh Trần Văn Dĩnh, đã không chọn con đường văn chương chữ
nghĩa mà lại thích chính trị. Anh bắt đầu sự nghiệp trong
ngành ngoại giao với một chức vụ khá quan trọng ở tòa
đại sứ Việt Nam tại Vạn Tượng. Nghe nói bây giờ anh là
một "tenured professor" của một trường đại học Mỹ,
dạy về môn chính trị học.
Một
đặc điểm của trường Khải Ðịnh về thành phần học
sinh thời ấy là đa số học sinh cao đẳng tiểu học là người
Huế, nhưng lên đến ban tú tài I và II ngoài học sinh Huế
ra còn có học sinh người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ðà
Nẵng, Hội An, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lý do là vì lúc đó
chỉ có Huế mới có các lớp thi tú tài I và II Pháp. Trường
Khải Ðịnh cũng có học sinh người Pháp và tuy là một trường
nam, ban tú tài của trường lại có nữ sinh vì trường Ðồng
Khánh lúc đó chưa có lớp thi tú tài. Các anh từ các tỉnh
đến rất chăm học, nhất là các anh người Nghệ An và Hà
Tĩnh. Phần lớn các anh đều đậu cao, nhưng người đậu
đầu lớp toán của tôi là một anh người Quảng, anh Nguyễn
Thiện Tụng. Anh ở Quảng ra Huế học, nhưng khác với các
anh "học trò trong Quảng ra thi" trong ca dao, anh chỉ biết
có mỗi một việc là học và cuối năm đã đậu thủ khoa.
Sự hiện diện của một học sinh đến từ xứ Lào và một
học sinh người miền Nam tạo nên một biệt lệ trong thành
phần học sinh của trường. Anh Lê Phùng Thời là cựu học
sinh của Lycée Sisovath ở Vạn Tượng, sau khi rời trường
anh đi đâu một thời gian, đến khi gặp lại thì anh đang
hoạt động chính trị trong đảng Ðại Việt. Anh phải "học
tập cải tạo" mấy năm và sau khi được phóng thích anh sang
Hoa kỳ. Anh Albert Phạm Ngọc Thảo, có lẽ vì chán học
ở trường Pétrus Ký hay trường Chasseloup Laubat
ở Sài Gòn, nên ra Huế học để thay đổi không khí. Anh vào
lớp toán học được vài hôm rồi chuyển sang lớp triết.
Các bạn học cũ của anh ở Khải Ðịnh chắc rất ngạc nhiên
khi nghe tên đại tá Phạm Ngọc Thảo, tỉnh trưởng tỉnh
Bến tre dưới thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm, sau bị hạ
sát (không rõ bởi phe nào) rồi bị tiết lộ ra là một cán
bộ cao cấp của cọng sản, chính là anh bạn Albert Phạm
Ngọc Thảo, hiền lành, ít nói và đáng mến của chúng tôi
thời đó!
Các
bạn cũ của tôi, theo vận nước nổi trôi, nay tản mác khắp
nơi, không biết ai mất ai còn. Mà dù có còn cũng không biết
ở đâu mà liên lạc. Duy chỉ có hai anh tôi vẫn giữ được
liên lạc: đó là anh Thái Văn Kiểm và Phạm Quỵ. Riêng anh
Quỵ và tôi có mối thâm tình. Anh với tôi đã có lần trải
qua những giây phút hồi hộp, lo âu mà mỗi lần nghĩ đến
chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự liều lĩnh của
chúng tôi vào lúc đó. Anh Quỵ không bao giờ từ chối giúp
tôi trong những trường hợp khó khăn và cũng phần nào nhờ
việc anh giúp tôi lần sau cùng, tôi đã thoát được cảnh
đọa đầy, nhục nhã mà những người miền Nam có liên hệ
với chế độ cũ đã phải trải qua. Xin cám ơn Trời Phật
đã ban cho tôi một người bạn như anh.
Tôi
sẽ là người vô tình, có thể nói là vong ân, nếu không
nhắc đến một người bạn khác. Vào niên học 1940-41, một
số nữ sinh Ðồng Khánh được nhận vào năm thứ nhất ban
tú tài: đó là các chị Ngọc Anh (đã mất), Hạc (bà Ðặng
Phúc Ðĩnh), Mai và Minh Trang (bà quả phụ Dương Thiệu Tước).
Bắt đầu niên khóa 1942-43, sau khi tốt nghiệp tú tài I, Mai
cũng như tôi đã chọn ban toán. Lúc đó cuộc đệ nhị thế
chiến diễn ra ác liệt tại Âu châu, sự giao thông liên lạc
giữa Pháp và Việt Nam bị gián đoạn. Sách giáo khoa tiếng
Pháp không được mua mới thêm nên học sinh chúng tôi phải
2 người thuê một bộ sách thay phiên nhau sử dụng, dĩ nhiên
là rất bất tiện. Ðến giữa năm, vì một lý do nào đó
mà bạn bè trong lớp chỉ biết rất mù mờ, Mai thôi học
vào tu viện. Trước khi từ giã bạn bè, Mai đã tự ý nhường
cho tôi phần sách của mình, trong đó có những cuốn sách
toán của Brachet & Dumarqué là những cuốn sách tối
cần thiết cho học sinh ban toán. Nhờ vậy mà tôi mới có
đủ bộ để tham khảo và làm bài tập, và trong phần thi
viết kỳ thi tú tài II tôi được số điểm hiếm có là 27/30
về môn toán. Kể từ đó tôi không bao giờ được gặp Mai
nữa. Nghe nói sau này, Mai là bề trên dòng các "sơ" Couvent
des Oiseaux; đối với tôi, Mai vẫn luôn luôn là cô nữ
sinh đoan trang, phúc hậu, thường thường buổi chiều sau khi
tan học đã đi đò ngang về nhà cùng một chuyến với tôi
và anh Hoàng Văn Tuệ. Tôi ân hận là không có dịp gặp lại
để lần nữa cám ơn Mai và nói với Mai tôi hết sức quí
trọng tình bạn của Mai.
Trong
7 năm học chúng tôi được các vị giáo sư Việt và Pháp,
rất lành nghề, tận tâm dìu dắt. Về phía giáo sư người
Việt, dạy toán, lý hoá có các thầy Nguyễn Dương Ðôn, Nguyễn
Thúc Hào, Bửu Cân, Phạm Ðình Ái; Pháp văn, Việt văn có
các thầy Ưng Quả, Nguyễn Lân, Lê Xuân Phương; sử địa
có các thầy Nguyễn Thiệu Lâu, Lê Xuân Phương; và triết
có thầy Nguyễn Huy Bảo. Dĩ nhiên còn có nhiều thầy khác
nữa nhưng tôi không được theo học nên không nhắc ở đây.
"Mỗi
thầy một vẻ", nhưng độc đáo nhất, theo ý kiến của đa
số học sinh, phải nói là thầy Bửu Cân. Luôn luôn phục
sức theo lối cổ truyền, áo dài khăn đóng. Ði đứng khoan
thai, cử chỉ từ tốn. Và cũng do cái dáng điệu bệ vệ
đài các của Thầy, lại thêm là người trong hoàng phái, Thầy
được học trò tặng biệt danh "Mệ Cân". Vào lớp, Thầy
viết lên bảng đề tài bài học hôm đó, nét chữ lớn và
đậm, rõ ràng, ngay hàng thẳng lối, rồi bắt đầu giảng.
Lời giảng gãy gọn, vắn tắt, không thừa không thiếu một
chữ. Giảng xong Thầy hỏi: "Quest-ce qui a compris?" Cả
lớp độ dăm đứa dơ tay lên. Thầy lại hỏi: "Quest-ce
qui na pas compris?" Gần như hơn nửa lớp giơ tay lên. Thầy
bảo: "Que ceux qui ne comprennent pas demandent à ceux qui comprennent."
Thế là xong bài giảng. Lúc đó, chúng tôi không thể nào hiểu
nổi ý nghĩa câu nói của Thầy. Mãi về sau, khi theo học khóa
kỹ sư điện ở trường Cao đẳng Ðiện học Phú thọ cùng
với những sinh viên trẻ hơn tôi độ 12 đến 15 tuổi, tôi
và mấy anh bạn "sinh viên già" đã phải họp nhau thành tổ
học tập để chỉ bảo cho nhau, lúc đó tôi mới hiểu cái
thâm ý của Thầy là "học thầy không tầy học bạn".
Một mẩu vấn đáp giữa Thầy, với tư cách giám khảo và
một thí sinh trong kỳ thi "thành chung" đã trở thành một giai
thoại được nhắc đi nhắc lại trong đám học sinh của Thầy.
Thầy hỏi: "Comment fait-on pour guérir le đau bụng?" Thí
sinh đáp: "Pour guérir le đau bụng, on emploie du nhị
thiên đường." Không rõ Thầy cho thí sinh đó bao nhiêu
điểm, nhưng chắc là điểm cao vì Thầy đã gặp một người
đối thoại xứng đáng. Vào đầu năm 1975, ra Nha Trang tập
sự tại một chi nhánh của Công ty Gió đá Viễn đông, tôi
được anh trưởng chi nhánh cho biết là Thầy đã mất và
tang lễ đã được cử hành vào sáng ngày hôm đó. Tối hôm
ấy, tôi đã đến nhà Thầy điếu phúng trước linh vị của
Thầy.
Thầy
Nguyễn Dương Ðôn, qua lối giảng rõ ràng, khúc chiết của
Thầy, đã dẫn dắt tôi vào thế giới toán học, trước đó
tôi vẫn tưởng là một lãnh vực huyền bí, chỉ có những
người thụ pháp (initié) mới hiểu nổi. Sau khi đã
học với Thầy tôi mới thấy toán là một môn học mà ai
cũng có thể học được, trái với quan niệm thường tình
là chỉ những người "có khiếu" về toán mới học được
môn này. Mà cũng chính vì thấy học toán có kết quả khả
quan nên tôi đã chọn vào lớp toán sau khi đậu tú tài I.
Thầy
Nguyễn Lân dạy Việt văn rất hấp dẫn. Nhờ Thầy học sinh
được trau dồi thêm tiếng Việt và hiểu biết thêm về những
áng văn tuyệt tác của nền văn học nước nhà. Thầy rời
trường Khải Ðịnh vào khoảng năm 1946 để ra Bắc tiếp
tục dạy học. Nghe nói Thầy đã được vinh danh là "nhà giáo
mẫu mực" và cuốn phim "Nhà giáo mẫu mực" nói về Thầy
đã được chiếu trên màn ảnh truyền hình trong nước.
Thầy
Ưng Quả là một giáo sư có nhiều văn nghệ tính. Tính chất
nghệ sĩ của Thầy được biểu lộ lúc Thầy dạy Việt văn,
qua những giờ bình văn, ngâm thơ. Học sinh say sưa lắng nghe
và khi hết giờ chúng tôi còn tiếc muốn ngồi lại năn nỉ
Thầy giảng thêm.
Thầy
Nguyễn Thiệu Lâu, với mái tóc lơ thơ và lối ăn mặc rất
"tài tử", có một lối dạy sử địa khá đặc biệt. Dạy
sử Thầy chỉ nhấn mạnh ở những điểm chính, khuyến khích
học sinh tập nhận xét, suy luận, tránh lối "học vẹt". Về
môn địa lý Thầy đã gây hứng thú với thuyết "dérive
des continents" và thường dẫn học trò đi khảo sát địa
chất ở mấy trái núi xung quanh Huế. Tiếc là chúng tôi chỉ
học với Thầy có mỗi một năm, sau đó nghe đâu Thầy ra
Hà Nội làm việc ở trường Viễn đông Bác cổ.
Thầy
Phạm Ðình Ái, ngược lại, luôn luôn chững chạc, mẫu mực
về phục sức, cử chỉ cũng như thái độ. Thầy giảng dạy
rất rành rẽ, những bài giảng được thu gọn so với trong
sách nhưng đầy đủ chi tiết và rất dễ hiểu, dễ nhớ.
Năm 1946 Thầy di tản ra Liên khu IV, ở đó Thầy vừa phụ
trách công việc giáo dục, vừa điều hành một công xưởng
chế tạo thuốc nổ tại Chu Lễ, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc đó kháng
chiến Việt Nam còn phải tìm cách tự túc về đạn dược,
chất nổ. Thầy đã nghĩ cách sản xuất được acid sulfurique
để chế chất fulminate de mercure dùng trong các ngòi nổ.
Thầy trở về ngành giáo dục sau đó (1949) cho đến khi được
thay thế bởi một giám đốc giáo dục khác được đảng
tín nhiệm hơn. Thầy và gia đình di chuyển ra Thanh Hóa và
không bao lâu sau bỏ kháng chiến về Huế. Thầy lại giữ
chức vụ Giám đốc Giáo dục Trung phần cho đến khi về hưu.
Năm 1979 Thầy đắc cử vào Thượng nghị viện trong liên danh
Bông sen. Tháng tư 1975, Sài Gòn thất thủ, các nghị sĩ, dân
biểu, đảng viên đảng phái quốc gia, công chức, sĩ quan
Quân lực VNCH và Cảnh sát Quốc gia đều bị đưa đi "học
tập cải tạo". Theo lời Thầy nói với tôi, Thầy nghĩ là
với tư cách một người đã được Hồ Chí Minh tuyên dương
công trạng (về chế tạo thuốc nổ), Thầy chắc là khỏi
phải "học tập", nhưng rồi Thầy cũng phải trình diện. Rốt
cuộc, Thầy phải nhờ Nguyễn Xiển và Trần Hữu Dực can
thiệp mới được trả tự do. Về sau Thầy được con cái
bảo lãnh qua định cư ở Pháp, nhưng rồi lại trở về Việt
Nam và mất ở quê nhà mấy tháng sau.
Về
thầy Nguyễn Huy Bảo thì anh Phạm Quỵ đã nói đến nhiều
trong tập TSH 95 tôi không có gì khác để thêm vào.
Năm
1943 tôi thi đậu tú tài II và đến tháng 9 năm đó tôi ra
Hà Nội theo học ở phân khoa Khoa học trường Ðại học Hà
Nội. Qua năm sau thấy mình không đủ điều kiện để tiếp
tục học tại Hà Nội mà có muốn học tiếp ở Huế thì
lại không có trường đại học để theo, tôi đã xin vào
làm việc ở thư viện Bảo Ðại tại trường Quốc tử giám
cũ. Thư viện này có khá nhiều sách tiếng Việt và tiếng
Pháp đủ loại và đặc biệt là lưu trữ rất nhiều sớ
tấu qua các triều đại nhà Nguyễn. Ðiều đáng tiếc là
khi Việt minh cướp chính quyền, những tờ sớ vô giá ấy
đã bị kẻ gian đem bán ở chợ làm giấy gói đồ hoặc để
vấn thuốc lá nên bị thất thoát rất nhiều. Thật là một
mất mát khá lớn cho những nhà sử học muốn nghiên cứu
về thời đại ấy. Nhân viên làm việc gồm có những vị
cử nhân, phó bảng, tinh thông hán học và một số thanh niên
theo tây học như cùng với tôi, một đồng nghiệp, anh Phán
(tôi không nhớ họ). Giám đốc thư viện là cụ phó bảng
Nguyễn Ðình Ngân và cố vấn là ông Ngô Ðình Nhu. Ông Nhu
là một người điềm đạm, ít nói, thỉnh thoảng ông dành
một đôi lời giảng giải cho tôi và anh Phán biết công việc
quản thủ thư viện và chỉ cho chúng tôi những sách nên đọc
cho rộng kiến văn. Một đồng liêu khác vào bậc huynh trưởng
là anh Bửu Kế (thúc phụ của Quế Hương trong nhóm Phượng
Vĩ Houston), anh là soạn giả của nhiều tác phẩm văn học
có giá trị. Vào các thập niên 60-70, anh đã tạo cho mình
một địa vị xứng đáng trên văn đàn Việt Nam với tập
truyện ngắn "Nếp nhà", những công trình biên khảo
như phiên dịch "Mục lục châu bản triều Nguyễn", biên
soạn "Tầm Nguyên tự điển", "Chuyện trong cung triều
Nguyễn", và viết bài cho các tạp chí Ðại học, Bách
khoa. Anh Kế đã mất ở Huế, sau năm 75.
Từ
giữa năm 1944 đến đầu năm 45, tuy thiếu hẳn báo chí và
không mấy ai có máy thu thanh để nghe tin tức, vẫn có những
tin đồn về sự biến chuyển trên cục diện thế giới như
cuộc đổ bộ của quân đội Ðồng minh lên Normandie,
sự phản công của Hồng quân và những dấu hiệu về sự
bại trận sắp tới của quân đội Nhật hoàng. Những tin
đó, dù không thể kiểm chứng đúng hay sai, đã làm cho dân
chúng Huế xôn xao, bồn chồn lo lắng chờ đợi một biến
cố trọng đại tất sẽ xảy đến cho đất nước cũng như
cho thành phố thân yêu của họ.
Chính
trong thời gian đó, anh Võ Quang Hồ, một người bạn học
mà tôi không gặp lại từ khi ra trường, đột ngột bắt
liên lạc với tôi. Trong buổi họp mặt đầu tiên, anh đi
ngay vào vấn đề. Theo anh, việc Ðức và Nhật thua trận sẽ
dẫn đến hậu quả là người Pháp sẽ trở lại tái chiếm
Ðông dương và nhân dân Việt Nam sẽ rơi vào vòng nô lệ
như trước; vì vậy chúng ta phải kịp thời chuẩn bị kháng
chiến chống Pháp, và trong công cuộc này thanh niên phải đi
tiên phong. Anh nói đến Việt minh, một tổ chức yêu nước,
và đến sức mạnh và thanh thế của họ. Nghe anh nói cũng
phải và ngoài anh ra, chưa có người nào khác tiếp xúc với
tôi, nên tôi đã vui vẻ nhận lời tham gia. Anh giao cho tôi
một số truyền đơn Việt minh bảo tôi đi phân phát và căn
dặn tôi cố gắng kết nạp thêm một số anh em khác. Thế
là tôi rủ luôn mấy anh bạn thường hay giao du với tôi vào
"hội"; cũng như tôi, các anh chả biết nếp tẻ gì về Việt
minh, nhưng nghe nói đến chuyện "đánh Tây" là họ đồng ý
ngay, không chút do dự. Chúng tôi hăng hái hoạt động (trong
khi không được dự qua một khóa, hay ít nhất, một buổi
huấn luyện nào), bất chấp mật thám Pháp và Kempetai
(hiến binh) Nhật đang dòm ngó. Ôi, cái tuổi thanh niên bồng
bột và nông nổi, thiệt dễ thương làm sao!
Ngày
9 tháng 3, 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Cụ Trần Trọng Kim được
vua Bảo Ðại mời lập chính phủ. Ông Phan Anh, giữ chức
bộ trưởng bộ Thanh niên với sự phụ tá của ông Tạ Quang
Bửu, ở chức vụ đặc ủy viên. Trường Thanh niên Tiền
tuyến, một hình thức huấn luyện sĩ quan, được thành lập
dưới sự chỉ huy của ông Phan Tử Lăng, một chuẩn úy (aspirant)
trong quân đội Pháp. Ðồng thời những tổ chức thanh niên
khác cũng được hình thành, đó là một môi trường thuận
lợi cho Việt minh tuyên truyền, vận động.
Ngày
14.8.46, Nhật đầu hàng Ðồng minh vô điều kiện. Ngày 20.8
vua Bảo Ðại gửi điện văn cho các vị nguyên thủ quốc
gia Ðồng minh yêu cầu trợ giúp Việt Nam khôi phục nền độc
lập. Không nhận được phúc đáp và nghĩ rằng Ðồng minh
đã ủng hộ Việt minh rồi, vua Bảo Ðại quyết định thoái
vị và ngày 25.8 trao ấn kiếm cho hai đại diện Việt minh
tại cửa Ngọ Môn.
Ðứng
trong đám đông tụ tập trên bãi cỏ trước cửa Ngọ Môn,
tôi theo dõi cuộc lễ từ đầu đến cuối. Lúc đó, tuy là
người trong hoàng tộc, tôi không cảm thấy tiếc nuối trước
sự việc nhà Nguyễn, sau 10 triều đại, đã không còn trị
vì đất nước nữa. Trái lại, tôi thấy hoan hỉ trong lòng
vì Việt minh, một tổ chức mà tôi đã ủng hộ vì cho rằng
đó là một tổ chức yêu nước, đã giành được thắng lợi.
Tôi không ngờ rằng quyết định trao quyền cho Việt minh của
vua Bảo Ðại lại có những hậu quả tai hại nhường ấy
cho xứ sở!
Trong
không khí tưng bừng, sôi động tiếp theo sau, ngày 2-9-45, tại
Huế, đoàn Giải phóng quân đã nhanh chóng hình thành cùng
lúc với các đội tự vệ, những toán dân quân. Học sinh
hai trường Ðồng Khánh và Khải Ðịnh được tổ chức thành
Học sinh Cứu quốc. Các anh em trong nhóm tôi tình nguyện gia
nhập Giải phóng quân. Nhiều người có địa vị trong xã
hội cũng xin tòng ngũ, không chút do dự: cố nghị sĩ Trần
Chánh Thành, lúc đó giữ chức chưởng lý tòa thượng thẩm
Huế là một trong số đó. Chúng tôi trình diện nhập ngũ
ở trường Khải Ðịnh, anh Thành và tôi được xếp vào cùng
một trung đội (nếu tôi nhớ không lầm thì ít lâu sau, vì
nhu cầu công vụ, anh Thành đã trở về nhiệm sở cũ). Một
số sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến, đã trải qua một
thời gian huấn luyện quân sự, được chỉ định làm trung
đội trưởng. Lúc đó, chói mắt bởi hào quang bao quanh "thần
tượng Việt minh", chúng tôi đâu có hay là họ không có nhiều
cán bộ quân sự như họ đã từng ám chỉ mà phải nhờ đến
bất cứ ai vào thời điểm đó. Một thượng sĩ trong quân
đội Pháp được phong chức chỉ huy trưởng Giải phóng quân
thành Nguyễn Tri Phương (Huế) vì không có ai cao cấp hơn.
Về
phần tôi và một số các bạn đồng đội như hai anh em Phạm
Ngọc Khanh và Phạm Ngọc Nhơn, Trần (?) Văn Minh, được chuyển
đến một đơn vị có tên là ban Ðặc vụ quân sự. Tôi không
nhớ rõ tôi được "điều" qua ban Ðặc vụ quân sự trong
trường hợp nào. Có lẽ Ðặc vụ trưởng lúc đó, anh Nguyễn
Thê Lương, là bạn học của tôi, muốn có một người cọng
sự tin cậy nên đã "kéo" tôi theo. Dù sao đi nữa thì thời
gian phục vụ tại đơn vị này cũng đáng ghi nhớ. Nhiệm
vụ của tôi lúc đó là điều khiển một số bạn trẻ, phần
lớn là sinh viên, học sinh, làm công tác thu thập tin tức
hầu nắm vững tình hình an ninh trong khu vực thành phố Huế
và phụ cận. Anh em hăng say làm việc ngày đêm, lâu lắm mới
có dịp về thăm nhà. Tuy nhiên sau khi đã rời hàng ngũ giải
phóng quân, mỗi khi kiểm lại thành tích nhỏ nhoi của chúng
tôi trong thời gian tại ngũ, tôi lại băn khoăn tự hỏi là
chúng tôi đã làm được gì cho Ðất Nước. Một ý nghĩ vẫn
thường ám ảnh tôi là do thiếu kinh nghiệm về ngành tình
báo, không biết chúng tôi có nghi oan cho ai và đã quấy nhiễu
người vô tội nào không.
Ngoài
nhiệm vụ công tác trong phạm vi Huế và vùng phụ cận, chúng
tôi còn phải biết tình hình ở vùng ven biển tỉnh Thừa
Thiên. Ðó là nhiệm vụ của đội Canh phòng Duyên hải cũng
gồm toàn những anh em trẻ. Trong đó có hai anh về sau được
nhiều người chú ý đến. Một là anh Nguyễn Lâu, người
đã có thời gian hợp tác với anh Tôn Thất Thiện ra tờ nhật
báo Anh ngữ "Saigon Guardian". Anh thứ hai là Trần Ngọc
Hiền (bào huynh của cựu dân biểu Trần Ngọc Châu), sau này
là sĩ quan tình báo của quân đội miến Bắc hoạt động
tại Sài Gòn cho đến lúc miền Nam thất trận. (Trong một
cuộc phỏng vấn của đài BBC do hãng B. C. Productions
thực hiện vào đầu năm nay, Hiền cho biết là khi được
phái vào công tác ở miền Nam, y đã được Nguyễn Lâu và
một thiếu tá quân đội VNCH che chở, cung cấp giấy tờ tùy
thân cần thiết và giới thiệu với những người đầu mối
liên lạc để lấy tin tức.)
Ngày
6.3.1946, Hồ Chí Minh ký hiệp định với Pháp chấp thuận
cho quân đội Pháp trở lại miền Bắc và miền Trung, đổi
lấy việc Pháp công nhận chính phủ Hồ Chí Minh. Ðược rảnh
tay về phía Pháp, Hồ tập trung vào việc tiêu diệt các đối
thủ chính trị của y với sự tiếp tay của Pháp. Những vụ
bắt bớ, tra tấn, cầm tù và thủ tiêu đảng viên các đảng
phái quốc gia diễn ra hàng ngày. Ðặc biệt, vụ án Ôn Như
Hầu đã làm chấn động dư luận.
Trong
số các nạn nhân có người bạn học của tôi là anh Hoài
(Hoài mập), người Hà Tĩnh, bị giết trong cuộc đàn áp Việt
Nam Quốc dân đảng năm 1946. Một anh bạn khác là anh Thiện
cũng bị thủ tiêu trong thời gian đó, có lẽ cùng lúc với
ông Ngô Ðình Khôi và người con của ông là Ngô Ðình Huân
vì hình như anh là người thuộc tổ chức của ông Khôi. Một
anh học lớp trên ở trường Khải Ðịnh, người Ðồng Hới
(tôi không nhớ rõ tên), bị Việt minh sát hại, bỏ xác vào
bao bố đem thả trôi sông. Ðó là vài vụ trong vô số vụ
thủ tiêu người quốc gia.
Chính
những hành động bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu bao nhiêu người,
trong số đó có những thanh niên đầy nhiệt huyết, chỉ có
cái "tội" là hoạt động trong những tổ chức mà Việt minh
coi là đối lập với họ, đã khiến tôi ý thức được rằng
lời kêu gọi đoàn kết kháng Pháp của Việt minh chỉ là
cái phương tiện để lấy lòng dân hầu đạt mục đích của
họ là nắm chính quyền, và khi đã có quyền bính trong tay
họ đã lộ rõ dã tâm độc chiếm quyền thống trị đất
nước. Vì không muốn làm công cụ cho những con người giả
nhân giả nghĩa và tàn bạo như vậy, tôi đã xin xuất ngũ
và sau đó, một số bạn đồng ngũ của tôi cũng lần lượt
rời khỏi quân đội để trở về đời sống dân sự.
Nhiều
bạn học của tôi cũng như nhiều học sinh khác của trường
Khải Ðịnh, học trước và sau tôi, ở lại trong quân ngũ.
Người ta nghe nói nhiều đến chiến công của những Cao Văn
Khánh và Nguyễn Kèn ở Liên khu V hoặc của một Nguyễn Sanh
Thí ở mặt trận Thừa Thiên. Những anh như Nguyễn Thê Lương,
Phan Hàm, Phan Hạo, Ðoàn Huyên, Phạm Ngọc Nhơn ... chắc cũng
đã lập được nhiều công. Sau ngày Sài Gòn thất thủ, một
số về Huế thăm bà con thân thích, những người quen biết
các anh thấy họ mang quân hàm cấp tá. Ðến nay chắc các
anh đều đã "phục viên". Cách đây hai năm, một anh bạn của
con tôi ở Zurich, về Việt Nam công tác cho công ty của
anh ta, đã gặp Nguyễn Sanh Thí ở Hà Nội. Anh Thí đã về
hưu với cấp bậc đại tá, gia đình anh cư ngụ trong một
căn nhà nhỏ hẹp, cũ kỹ ở một khu bàn cờ tối tăm. Trong
câu chuyện giữa hai người, tên tôi được nhắc đến. Anh
Thí nhắc lại những kỷ niệm trong đời học sinh của chúng
tôi, không những thế anh biết khá nhiều về cuộc đời của
tôi từ khi chúng tôi chia tay nhau lần sau cùng tại bến đò
chợ Thượng, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Câu nói của
anh để kết thúc câu chuyện về tôi là "Ðời thằng nớ
rứa mà sướng". Cuộc đời của một kẻ lưu vong kể
ra chẳng có gì là vui, thế mà Thí cho là "sướng" thì tôi
nghĩ rằng có lẽ anh nói về phương diện vật chất. Những
câu chuyện "đầu đường đại tá vá xe, cuối đường
thiếu tá bán chè đậu đen" cho phép chúng ta suy luận rằng
hoàn cảnh của anh Thí cũng như các anh tá, tướng hồi hưu
khác chắc là không mấy khả quan; hoặc, phải chăng câu nói
của anh cũng có hàm ý nghĩa của sự dằn vặt, hối tiếc
đã uổng phí cả cuộc đời phục vụ cho một chế độ phi
nhân, một chủ nghĩa mà cả thế giới đều loại bỏ?
Có
những thanh niên tuy không theo binh nghiệp nhưng vì lý tưởng
đã ủng hộ và hoạt động cho Việt minh như Hoàng Văn Tuệ,
Nguyễn Ðình Quảng... hoặc đã hăng hái "đi kháng chiến"
như Lê Doãn Sằng, Nguyễn Quang... hoặc như các anh Phan Ðình
Huyên (bào huynh của cố thiếu tướng Phan Ðình Soạn), Lê
Quang Long, Hoàng Trọng Cơ, Cung Quang Chương ... đã phải di
tản ra Liên khu IV để rồi phải tiếp tục làm việc trong
một môi trường xa lạ, sống một nếp sống mà họ không
quen thuộc. Trong số đó có người đã hy sinh vì tổ quốc
như Nguyễn Quang - một thiếu niên tôi coi như em - bị bắn
chết trong một cuộc bố ráp của quân đội Pháp ở vùng
quê Thừa Thiên; hoặc như Lê Ðình Dũ, chết không toàn thây
khi thử đạn bazooka do công binh xưởng kháng chiến quân
chế tạo. Có những người bặt tin, không biết chết hay sống,
có thể họ đã bỏ thây trong chốn lũng sâu rừng hay nơi
đèo heo hút gió mà không ai hay ai biết. Cũng có người vì
số mệnh hẩm hiu đã chết một cách tức tưởi: anh Khải
(tôi không nhớ họ) lúc di tản ra dạy học ở Ðồng hới
đã bị dân quân địa phương sát hại một cách dã man trong
lúc anh dẫn học trò đi chơi ở một vùng quê; anh Hoàng Trọng
Dương bị quân Pháp xử bắn khi chúng tấn công vào huyện
Ba Ðồn tỉnh Quảng Bình dù rằng anh chẳng phải là kháng
chiến hay du kích gì cả mà chỉ là một thầy giáo dạy học.
Những người còn sống, nay tuổi đã sáu bảy mươi, trở
về cố quận mà chẳng được gì hơn khi ra đi, ngoại trừ
mấy cái bằng khen, một ít huy chương để "làm cảnh". Chẳng
ai nhớ đến công lao của họ, đến sự tận tụy hy sinh của
họ trong mấy thập kỷ qua và khi chết đi, chắc sẽ không
có ai thương tiếc, tưởng nhớ đến họ.
Dù
sao, sự hy sinh của họ không phải là uổng phí. Chính họ
và những người cùng lứa tuổi ở khắp nơi trong nước đã
góp công lao, mồ hôi nước mắt hay xương máu đưa cuộc kháng
chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng, một thắng
lợi mà đảng cọng sản Việt Nam đã cướp đoạt để làm
của riêng mình. Với tôi, những người bạn cũ dù ở "bên
này" hay "bên kia", mỗi khi nhớ đến, tôi vẫn thấy họ là
những người đáng mến; họ đã làm đầy đủ bổn phận
của những người trai thời loạn. Những người tuy phục
vụ trong hàng ngũ xã hội chủ nghĩa cũng không có làm gì
để cho người đời chê trách.
Chuyện
đáng buồn là đã có những người sinh trưởng và kiếm sống
ở Huế nhưng lại hướng về phía "bên kia" và hoạt động
chống lại chế độ đã tạo điều kiện cho họ có địa
vị trong xã hội, và kết quả là họ đã góp phần gây nên
vô vàn đau thương cho nơi chôn nhau cắt rốn họ. Vào thập
niên 50, ở Huế có các nhóm "khuynh tả" của bác sĩ Lê Khắc
Quyến, các thầy giáo Dương Kỵ, Dương Vân, Lê Cảnh Ðạm,
nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba (nhóm Tỳ Bà), kỹ sư Nguyễn Hữu
Ðính. Bác sĩ Quyến lúc đó là chủ tịch Phong trào bảo vệ
hòa bình và cơ quan ngôn luận của nhóm này là tạp chí "Thuận
hoá" và sau là tờ "Lành mạnh". Chính quyền quốc gia, có lẽ
vì cho họ là những chính khách xa-lông vô hại hoặc thấy
cần có những nhóm đối lập để chứng minh tính cách dân
chủ tự do của chế độ, nên cứ để yên cho họ tha hồ
"múa may". Nhưng đôi khi chính quyền cũng đã tỏ ra cứng rắn
đối với những người đi quá trớn; đó là trường hợp
của Dương Kỵ, giáo sư sử địa trường Khải Ðịnh, tác
giả tập "Việt sử khảo lược" viết theo quan điểm mác-xít.
Nếu ông ta thích kiến giải cuộc tiến hóa của xã hội theo
thuyết duy vật sử quan thì đó là quyền của ông, nhưng vì
ông đã cùng bà vợ của ông hoạt động cho cọng sản nên
nội các chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ đã tạo điều kiện cho
ông được sống trong "thiên đường" xã hội chủ nghĩa bằng
cách đưa ông ra Bến Hải và mời ông qua bên kia cầu. Ðó
cũng là trường hợp của bác sĩ Lê Khắc Quyến khi ông ta
lại cầm đầu một tổ chức khác được thành lập vào khoảng
năm 66-67 gọi là Hội đồng nhân dân cứu quốc, mà không
nói thì ai cũng biết là một tổ chức thiên cộng. Bác sĩ
Quyến đã bị bắt đưa vào Sài gòn giữ tại cục An ninh
quân đội một thời gian, sau khi được phóng thích, ông trở
về nghề cũ cho đến khi ông từ trần.
Viện
Ðại học Huế, với đầy đủ các phân khoa, đông đảo sinh
viên và phương tiện ấn loát tối tân, còn là một trung tâm
sinh hoạt văn hóa, xã hội và chính trị rất sôi động. Phần
đông các sinh viên đại học, dù ở bất cứ nơi nào trên
thế giới, đều có khuynh hướng chối bỏ những gì hiện
hữu họ cho là lỗi thời để chấp nhận những tư tưởng
mà họ nghĩ là cấp tiến và, với năng động tính của tuổi
trẻ, họ sẵn sàng tham gia những hoạt động chống cái mà
người Anh, người Mỹ gọi là "The Establishment". Sinh
viên đại học Huế cũng vậy, và họ đã là thành phần tiên
phong trong các vụ chống đối chính quyền quân sự của các
tướng Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu do các
đoàn thể chính trị tổ chức. Nhân đó, một số sinh viên
cọng sản như Nguyễn Ðắc Xuân, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc
Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Cát Tường... đã được
lồng vào các tổ chức sinh viên để dẫn dắt, lèo lái hoạt
động của các sinh viên đầy thiện chí nhưng thiếu kinh nghiệm
đấu tranh, theo chiều hướng có lợi cho cọng sản. Nhóm này
được sự trợ giúp của các cán bộ cọng sản như Phan Cảnh
Kế, Lê Hữu Trí ... và sự đồng tình, khuyến khích của
các "nhân sĩ" Lê Văn Hảo, Dương Tiềm, Nguyễn Ðóa... đã
hoạt động với tất cả sự hăng say của tuổi thanh niên
và lòng nhiệt thành của các tân tín đồ.
Một
câu hỏi cần được đặt ra là sau gần 3 thập niên hoạt
động, các nhóm thiên tả và những người cọng sản nằm
vùng nói đến trên đây đã làm được gì đáng kể cho quê
nhà của họ. Theo thiển ý của tôi, "công trạng" hiển hách
nhất của họ là tích cực góp phần làm cho cố đô - đặc
biệt là nội thành Huế - trở thành một "di tích lịch sử"
đổ nát, hoang tàn và khiến cho ít nhất 3000 người Huế bị
thảm tử trong biến cố Tết Mậu thân. Trong cuốn "Mặt thật"
của Thành Tín, tác giả có nói là "... thấy dân không nổi
dậy, lại còn bỏ chạy, rất ít người đón chào, phối hợp
giúp đỡ bộ đội, nên bộ đội nhập thành phố liền có
thành kiến với dân Huế". Như vậy có nghĩa là "bộ đội"
chờ đợi dân chúng Huế hoan nghênh đón tiếp họ như theo
báo cáo của tay sai ở địa phương, nhưng việc ấy đã không
xảy ra (điều này chứng tỏ là, sau gần 30 năm hoạt động,
cán bộ cọng sản và những nhóm thiên cọng địa phương
đã không thể thuyết phục dân chúng tin tưởng ở tính cách
"ưu việt" của chế độ cọng sản) khiến cho "bộ đội"
có ác cảm với dân chúng Huế và đó là đầu mối của những
cuộc tàn sát tập thể trong thời gian chúng chiếm đóng thành
phố và lúc chúng rút lui. Mặt khác, tác giả nói rằng số
người bị giữ không những gồm có các sĩ quan, hạ sĩ quan,
nhân viên cảnh sát, đảng viên các đảng phái quốc gia, cán
bộ bình định nông thôn, công chức hành chánh tỉnh, quận,
xã, mà còn có những người làm ăn khá giả, những người
hoàng phái, v.v... cho nên mới lên đến hàng ngàn người. Nếu
nhóm võ trang Nguyễn Ðắc Xuân có chút tình người mà tìm
cách che chở phần nào cho dân chúng, đặc biệt là những
người không dính líu gì đến chế độ cũ, nếu bọn khuyển
ưng không tận tuỵ tâng công với quan thầy (theo lời kể
lại thì hàng ngày chúng mang súng AK vào nhà dân lục soát
và chỉ điểm cho "bộ đội" bắt người), có thể là con
số người bị bắt và bị thảm sát không đến nỗi nhiều
như vậy. Ai cũng nghĩ rằng với những thành tích "xuất sắc"
như vậy, những cán bộ cọng sản nằm vùng và những người
thân cộng hoặc hoạt động cho họ ắt sẽ được tưởng
thưởng xứng đáng sau chiến thắng 75 (và chắc các đương
sự cũng nghĩ như vậy), nhưng trên thực tế thì những người
lớn tuổi chỉ được những chức vụ có tính cách bù nhìn,
những người trẻ thì chỉ có vai trò rất thứ yếu. Nhóm
Xuân, Tường, Phan rốt cuộc cũng hết được tín nhiệm, nay
được xếp vào loại trí thức bất mãn.
Giờ
đây trong bóng hoàng hôn của cuộc đời, nhìn lại quá khứ,
tôi chỉ muốn giữ lại những kỷ niệm đẹp và quên đi
những chuyện đau lòng. Tôi chỉ muốn ghi trong ký ức những
âm thanh, màu sắc, hình ảnh quen thuộc của thời xa xưa nơi
quê nhà: tiếng chuông Thiên Mụ, tiếng thông reo đỉnh Ngự,
câu hò mái đẩy trên sông Hương, hình ảnh hoa phượng nở
rộ trên sân trường Ðồng Khánh và Khải Ðịnh, cảnh trời
biển bao la vùng Ðá Bạc, mặt trời lặn sau rặng núi Trường
Sơn... Nhưng khổ nỗi, tôi không thể nào quên được tội
ác gây nên bởi những nghịch tử của xứ Huế vốn dĩ nhân
từ đôn hậu, cũng như không quên được nỗi khốn khổ của
nguời dân lành ở cố hương. Như bao nhiêu người dân Huế
khác, tôi mong rằng những con người hằng gây tai họa cho
đồng bào rồi đây sẽ biết sám hối để cho dân chúng đỡ
khổ đau và cho dân Huế tìm lại được nếp sống hiền hòa
thuở thanh bình xưa.
Chỉ
có lúc đó, tôi mới có thể gột rửa được hết những
oán ghét buồn giận, giữ lòng được thanh thản để dọn
mình đi vào cõi hư vô.