Nghỉ
một đêm sáng vẫn chưa tỉnh vì sai các múi giờ, Paris sớm
hơn Cali cả 9 giờ! Tuy vậy, tôi cứ tìm cách liên lạc với
Anh Phạm Văn Minh, đồng nghiệp cũ ở Nha Hành Chánh, bây giờ
ở Garden Grove. Ở đàng kia đầu dây, có giọng nói đàn bà
(Chị Minh) trả lời: Nhà tôi còn ngủ. Xin cho biết quý
danh, tôi sẽ thưa lại nhà tôi. Tôi cho biết danh tánh.
Anh Chị Minh rất vui mừng có dịp được đón tiếp chúng
tôi trên đất Mỹ, bởi Anh Chị Minh thường đi thăm các con
trên khắp các tiểu bang. Rồi Anh Chị Minh đến gặp chúng
tôi tại motel, tay bắt mặt mừng, hàn huyên bất tận. Gia
đình Anh Chị Minh và gia đình chúng tôi là chỗ thâm giao.
Trước 75, hai bên định kết thông gia với nhau. Sau 75, Chị
Minh và nhà tôi làm chung một tổ hợp đậu hũ ở Thị nghè.
Chiều hôm ấy, Anh Minh dặn tôi dành cho Anh ấy tối ngày thứ
tư 10 và trưa chúa nhựt 14 tháng giêng năm 2001, và nhớ ghi
vào sổ tay đừng quên. Cái gì chớ ăn uống, chúng tôi, tức
là tôi, nhà tôi và con gái chúng tôi, cũng dễ tánh thôi!
Chạng
vạng tối thứ tư 10 tháng giêng năm 2001 Anh Chị Minh đến
motel đón vợ chồng tôi. Anh Minh cùng tuổi với người anh
cả của tôi, tóc đều bạc trắng mà nhờ phước Trời vẫn
còn lái xe Ford du lịch đi đó đây, sau rất nhiều năm cải
tạo. Chúng tôi đến nhà hàng Paracel ăn đồ Tàu. Cơn
mưa từ xế chiều vẫn chưa dứt hột. Bỗng từ cửa nhà
hàng có ai cao lớn đội mưa ra đón chúng tôi. Ðó là Anh Nguyễn
Văn Dậu vẫn khỏe mạnh và to tiếng vồn vã như tự thuở
nào. Vào trong nhà hàng xung quanh một bàn tròn có đông đủ
các thân hữu điện lực vùng Nam Cali, mặc dù hôm nay là ngày
làm việc trong tuần. Ðó là Chị Dậu, các Anh Lê Minh Quân,
Nguyễn Ðình Phú, Phạm Long Thượng, Từ Mạnh Khang, Phạm
Văn Minh. Sau đó còn có thêm các Chị Trần Kim Em và Trần
Kim Nga. Chương trình nghị sự khá bề bộn. Nào là bốn món
ăn chơi, mà sao ăn thiệt thấy ngon quá chừng! Nào là tôm
cua, gà cá, cơm chiên, rất đúng khẩu vị, khiến mình nhớ
lại nhà hàng Ngọc Lan Ðình ở Chợ lớn năm nào quá! Tới
món tráng miệng rồi mà câu chuyện trao đổi vẫn chưa đứt,
nào là chuyện gia đình con cái, chuyện bên Mỹ, chuyện Việt
nam, chuyện làm ăn, chuyện du lịch hè. Có người nghĩ rằng
công chuyện làm nail của Chị Kim Em bây giờ chắc bề
thế lắm! Chị Kim Em hỏi nhà tôi muốn mua gì thì chị sẵn
sàng làm hướng dẫn viên cho. Cuộc vui nào cũng chóng tàn.
Ai cũng hẹn sẽ gặp lại kỳ đại hội THÐL ở Victoria và
Vancouver tháng 7 năm 2001. Nhưng làm sao đoán được ngày mai?
Chúng tôi bắt tay từ giã và cám ơn từng người, mà trong
bụng thấy nao nao. Không biết tại sao?
Chúng
tôi hỏi Anh Chị Minh: Gặp gỡ như vậy là quá đủ rồi,
còn gặp nhau trưa chủ nhựt 14 tháng giêng năm 2001 để làm
gì? Anh Chị Minh nói còn một số các Anh Chị Em thân hữu
khác muốn tới chơi. Trưa chủ nhựt, Anh Chị Minh đến đón
vợ chồng chúng tôi cùng con gái út mới tới Los Angeles. Chúng
tôi đến nhà Anh Nguyễn Văn Tích mới mua, ra sân sau rộng
rãi dưới tàn cây bóng mát, ở giữa có đặt bàn ghế với
thức ăn ê hề. Chúng tôi thấy ai nấy cũng có góp phần đem
một món ăn: thịt heo, gà quay, tôm, bánh mì, nước uống,
vân vân... Té ra hôm nay các thân hữu điện lực vùng Nam Cali
tổ chức đại hội tất niên Canh Thìn đồng thời là tân
niên Tân Tỵ. Chúng tôi không dè đến Cali đúng lúc quá! Không
khí vui nhộn. Chỉ thiếu pháo với lân thôi. Dự phần vào
buổi tiệc hôm nay là các thân hữu Nguyễn Văn Dậu (MC), Lê
Minh Quân, Lê Hùng, Nguyễn Hoàng Nghĩa, Lê Văn Bảo, Ðào Hữu
Hạnh, Cụ Lê Xuân Khế, Phạm Long Thượng, Phan Như Diệp,
Nguyễn Ích Chúc, Ðinh Công Nghĩa, Trần Văn An, Trương Công
Nghĩa, Trần Thanh Long, Lư Khải Minh (cây cười của buổi đại
hội), Nguyễn Ðình Phú, Ðào Xuân Dung, Lê Văn Lợi, Lê Minh
Tư, Nguyễn Qúy Khôi, Hồ Văn Sáu. Phần đông các thân hữu
đều có các Chị đi theo ủng hộ, góp phần sống động cho
đại hội tất niên.
Ðúng
theo truyền thống, MC Nguyễn Văn Dậu khai mạc buổi lễ, tuyên
bố lý do tiện thể giới thiệu chúng tôi với các thân hữu,
nói trước kia tôi làm việc ở Tổng Nha với thân hữu
Hồ Tấn Phát, nhấn mạnh là Tổng Nha Ðiện lực, chớ không
phải Tổng Nha Cảnh sát (có tiếng cười to). Thân hữu Nguyễn
Văn Dậu chúc mừng năm mới cho tất cả mọi người, lớn
bé gì cũng được một năm mới vui tươi hạnh phúc. Tiếp
theo, một số thân hữu chúc Tết anh em, trong đó cảm động
nhất là Cụ Lê Xuân Khế, nay đã 85 tuổi rồi, vẫn hồng
hào khoẻ mạnh. Cụ thuật lại chỉ vào Ðiện lực năm 1975,
khi cộng sản đã chiếm Phan rang, Phan thiết rồi. Nhờ đó
Cụ giữ được ngôi nhà cạnh cầu Rạch Chiếc, Thủ đức.
Nhưng rồi đến 1980 Cụ vẫn xin đi Hoa kỳ theo con, cho đến
1990 Cụ mới đoàn tụ gia đình. Cụ nói trong thổn thức:
hồi trước có làm việc ở Bộ Nội vụ, có biết tôi, cho
nên tôi đến ôm hôn một bậc lão thành đàn anh của tôi,
mà tôi hân hạnh gặp lại trên đất Mỹ. Thể theo lời mời
của MC Dậu, tôi phát biểu ý kiến khi đến dự đại hội
với các anh em. Ðại để tôi rất vui mừng gặp các đồng
nghiệp cũ, cám ơn ban tổ chức đã cho tôi cơ hội quý giá
nầy. Sống ở Pháp, tôi tưởng mình được ưu đãi lắm rồi.
Ai có dè đâu bên Hoa kỳ người Việt tị nạn có nhiều cơ
may hơn để làm lại cuộc đời, cho chính mình, nhất là cho
con cháu mình. Ðời sống không quá đắt đỏ như ở Pháp.
Ví dụ ở Hoa kỳ với 1 US$ có thể mua 4 lít xăng, còn ở
Pháp 1 US$ chỉ mua được 1 lít mà thôi. Cho nên ở Pháp chỉ
dùng xe hơi càng bé tí càng tốt cho đỡ tốn nhiên liệu!
Nhà cửa bên Hoa kỳ khang trang hơn, đất đai rộng rãi hơn.
Mà thôi chẳng nên nói nhiều, nên tránh tiếng đứng núi nầy
trông núi nọ, được voi còn lại đòi tiên! Tôi chúc các
Anh các Chị vạn sự như ý. Rút kinh nghiệm bản thân mình,
tôi đặc biệt cầu xin các Chị vui mạnh, để lo cho các Anh
(có tiếng cười to).
Rồi
lẽ dĩ nhiên đến phần cốt lỏi của đại hội. Quá giờ
ngọ rồi, ai nấy ăn uống ngon miệng vô cùng, trong không khí
thân mật bằng hữu lâu ngày hội ngộ, chưa chắc sẽ có
dịp tái diễn đâu. Tôi ngỏ lời khen xã giao một vài Chị
nấu ăn ngon quá vậy. Té ra các Chị mắc đi làm đâu có thì
giờ mà nấu nướng, cho nên chạy đi mua thức ăn đã làm
sẵn bán ở siêu thị vừa ngon miệng, vừa rẻ tiền, tội
gì chui vô bếp hì hục nấu nướng mà không bảo đảm chất
lượng! Rồi đến mục chụp ảnh lưu niệm. Nhờ sân sau nhà
thân hữu Nguyễn Văn Tích rộng rãi, các Chị ngồi hàng ghế
đầu, các Anh đứng sau thoải mái. Ngoài công việc miệt mài
trong các bịnh viện, con gái chúng tôi rất thích nhiếp ảnh
và quay phim, cho nên có thể giúp đỡ các bác nào bị trục
trặc kỹ thuật. Có chị nói: Ngộ quá hén, bác sĩ mà cũng
rành nhiếp ảnh nữa ! Hình ảnh rửa ra rất đẹp.
Rồi cũng có mục xổ số. Thân hữu Nguyễn Văn Dậu làm MC
duyên dáng đáng tuyên dương công trạng. Tôi không có dặn
dò gì ban tổ chức mà cũng được MC Dậu cho trúng một lô.
Trời đất ơi! Ðã ăn uống no say miễn phí mà còn trúng số
nữa, coi sao được. Tôi mới đem biếu lô trúng của tôi cho
gia chủ là Anh Chị Nguyễn Văn Tích. Anh Tích mới may mắn
bình phục sau cơn bịnh chắc cũng vui lây. Tới phiên Anh Phạm
Văn Minh trúng một lô, rồi hiến lại ban tổ chức xổ số
cho một thân hữu khác. Rồi đến lượt Anh Lư Khải Minh trúng
một lô, bầu không khí trở nên náo nhiệt khác thường, ai
nấy cũng cười nghiêng cười ngửa qua chuyện vui cải tạo
của Anh. Anh Lê Minh Tư trúng một lô, ngỏ ý muốn tặng lại
một người tham dự đại hội điện lực mà không phải là
cựu nhân viên điện lực: ấy là con gái chúng tôi. Hỏi ra
mới biết anh Lê Minh Tư và nhà tôi là đồng hương Mỹ (tho)
với nhau, mà qua tận đất Mỹ (quốc) mới biết!
Chúng
tôi bắt tay từ giã từng người một, hẹn ngày tái ngộ.
Chừng nào tái ngộ? Chỉ có Trời mới biết. Tái ngộ ở
đâu? Chỉ có Trời mới hay. Biết đâu chừng ở Việt nam?
Một ngày gần đây? Kẻ ở người đi, cảnh biệt ly sao mà
buồn vậy!
Ngày
16 tháng giêng năm 2001 chúng tôi đi San Jose. Nơi đây năm ngoái
là chốn họp đại hội thân hữu điện lực năm 2000. Có
thân hữu hỏi chúng tôi tại sao từ trước tới nay không
thấy chúng tôi đến họp với anh em cho vui? Ði thì cũng muốn
đi lắm chớ, ngặt vì gia đình đông con (ai bảo đông làm
chi?) thì không bận việc nầy cũng bận việc khác. Ðúng vào
ngày họp đại hội thân hữu điện lực năm 2000 là ngày
con trai duy nhất chúng tôi cưới vợ, không thể vắng mặt
được. Năm nay chúng tôi đến San Jose thăm gia đình một cô
em gái định cư tại đây. Trưa hôm sau, có điện thoại gọi.
Bên kia đầu dây là thân hữu Nguyễn Trọng Dũng đề nghị
anh em gặp nhau tối thứ tư 17 tháng giêng năm 2001 tại một
nhà hàng cơm Việt nam, món ăn miền Tây Nam phần. Trước năm
75, anh Dũng thuộc thành phần kỹ sư trẻ, nhanh nhẹn hoạt
bát. Ở ngưỡng cửa thế kỷ 21 tôi thấy anh Dũng có phần
dày dạn phong sương hơn trước, nhưng vẫn còn sinh lực dồi
dào, lái xe bon bon trên đất Mỹ. Ðến nhà hàng, tôi thấy
ngồi xung quanh bàn tròn có các thân hữu Hoàng Gia Thụy, Phạm
Thanh Ðồng, Nguyễn Thị Bạch Yến, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn
Sáu. Không khí tưng bừng vui vẻ chung quanh chuyện bên Mỹ,
chuyện bên Tây, chuyện sinh sống, chuyện con cái, chuyện mua
sắm. Rồi cũng có màn chúc Tết, chụp ảnh, quay phim để
lưu niệm. Chợt có một thân hữu hỏi tôi: hồi trước
dạy ở đại học Minh Ðức tại sao ông nói Mỹ không bỏ
rơi Việt nam đâu? Tôi không nhớ mình có nói như vậy.
Cũng có thể mình đã nói như vậy. Cho nên mới có vụ cải
tạo dài dài trên đất Bắc. Tưởng đâu bỏ xương ở đấy
rồi! Chuyện buồn cho cả thế hệ! Ðó là điều tôi nói
trong hồi ký Nước Non Xa xuất bản tại Santa Ana.
Sang
Hoa kỳ trong hai tuần lễ, thân hữu Hồ Tấn Phát gọi điện
thoại cho tôi nhiều lần, lần nào hàn huyên cũng khá lâu.
Cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh, cùng tâm sự, thì nhiều chuyện
nói lắm. Nói không bao giờ hết câu chuyện! Chỉ tiếc là
đời mình bỗng nhiên tới khúc quanh như một tấu khúc bỏ
dở dang. Symphonie inachevée phải không Anh Phát? Giấc
Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
Có những cái mất mà ta không luyến tiếc thái quá. Có những
cái còn mà ta trân trọng. Cái còn là còn tình thương, còn
tình bằng hữu, còn tình đồng nghiệp. Mai đây con cháu mình
sẽ tiếp nối cuộc đời của mình vậy. Thân hữu Hồ Tấn
Phát định từ Oregon bay sang San Jose gặp tôi, nhưng vào giờ
chót không sắp xếp việc gia đình được đành gọi điện
thoại cho biết không đến. Trước khi sang Hoa kỳ, tôi có
liên lạc với Chị Nguyễn Xuân Thu thì được biết Chị Phát
bị đau tim vào bịnh viện chữa khỏi. Tôi nhờ thân hữu
Hồ Tấn Phát chuyển đến phu nhân lời cầu chúc sớm bình
phục sức khoẻ. Ðể dự đại hội THÐL năm 2001 tại Victoria
và Vancouver, sát ranh tiểu bang Oregon đó.
Chúng
tôi về Paris bầu trời u ám, rồi hôm sau tuyết rơi phủ đường
sá, lạnh buốt xương. Chúng tôi tiếc khí hậu ôn hoà, gần
như nhiệt đới của vùng Cali, là đất hứa của người Việt
tị nạn. Nơi đây có đủ thứ cây ăn trái, bông boa của
miền Nam Việt nam. Ðịnh có ngày sẽ trở lại với anh em
đồng nghiệp cũ. Hai tháng sau đó tôi được thư của Chị
Nguyễn Văn Dậu cho biết lang quân phải vào bịnh viện giải
phẫu nhiếp hộ tuyến (prostate). Cầu chúc anh Dậu chóng bình
phục để vui cười với anh em thân hữu. Tôi có điện thoại
hỏi thăm sức khoẻ Anh Dậu, nhưng rất tiếc không liên lạc
được.