Ðây
là chặng chót, trong chuyến du Bắc Mỹ : sau khi ở Jacksonville
một tuần dự đám cưới cô cháu gái, chúng tôi đến New
Jersey được "cựu GÐ hét ra lửa" NÐ Huấn đón và đưa
đi xem sòng cờ bạc Atlantic City. Ðây cũng là khu tập
trung của dân Mỹ mê đen đỏ, suốt ngày ngồi ì kéo cần
máy, vật lộn với vận mệnh "thua nhiều thắng ít". Khác
với Las Vegas, ở đây cũng gồm hầu hết các sòng bạc
nổi tiếng, nhưng thiếu nhiều trò chơi giải trí đồ sộ.
Hôm
sau thầy Huấn khăn, mũ, áo mưa, dù, vớ chỉnh tề ... đưa
hai đứa tôi đi xem Nữ Thần Tự Do vớI xe bus Graylines.
"Vuốt"
được xong chân Tượng Thần Tự Do cao cỡ 50 thước nầy,
vừa kéo nhau xuống phà là trời lại đổ cơn mưa dầm đầu
thu. Rồi
cứ thế mà mưa dầm xối xả đến đỗi bọn tôi đội mưa
chụp Times Square dướI cơn mưa bão. Nhà lầu Empire
State ở đâu không thấy chỉ thấy "mây giăng sương mù
bao phủ" lần thứ sáu viếng thăm khu Manhattan nầy. Tối
lại, chị Huấn cho xơi một bữa cơm Tàu thật thịnh soạn
với vợ chồng NV Di tự "DănZi" và ông cò TSN TH "Sắc".
Gói
gắm cơm mo đày đủ, dặn dò năm lần bảy lượt trước
khi bịn rịn chia tay, thầy Huấn còn điện thoại bàn giao
bọn tôi cho "Trùm NY" là NC Thuần. Hơn bốn tiếng rưỡi vượt
500 cây số để được xem phong cảnh thành phố Vestal
tương đối êm đềm. Lại cơm Tàu lai Việt, chị Thuần lại
cho tụi tôi hết chỗ chứa với tài đầu bếp 35 năm kinh
nghiệm ở Sài Gòn.
Sáng
hôm sau, vợ chồng anh Thuần đưa chúng tôi đi một vòng Canada:
thác Niagara thật vĩ đại và hùng vĩ, lôi cuốn bao nhiêu
du hách Ðông Tây làm bà xã tôi cứ tấm tắt khen quên thôi.
Rồi còn được cho xem Vạn Phật Tự, cũng tọa lạc trên
bờ sông St. Lawrence, với tượng Phật khổng lồ nguy
nga ngự trong đại sảnh đường, bên kia là muôn ngàn tượng
Phật nhỏ trong một đại sảnh khác uy nghi không kém.
Sau
một giờ lái, chúng tôi tới Mississauga (Toronto) đến
nhà anh chị LV Lợi, dự tiệc thịnh soạn ở một nhà hàng
Tàu. Gặp lại một số bạn cũ như LV Lợi, H Tỷ, NT Thu, ...
lăng xăng tíu tít nhưng không quên gắp lia lịa!! Sáng ra, còn
được gia chủ tiễn đưa bằng một bụng bốc ké trước
khi lên đường đi Montréal. Tối qua, nhờ anh H Tỷ mà
tụi tôi mừng mừng tủi tủi gặp lại vợ chồng anh Lê Kim
An, quen nhau ở Belgique, giờ qua đây lập nghiệp rất
khấm khá.
Mãi
đến 7 giờ chiều chiếc Camry của anh Thuần mới đậu
lại trước nhà anh chị HM Cần, khu Brossard thuộc Nam
Montréal.
Chị Cần lại trổ tài nội trợ làm đủ các món nào tôm,
nào cá ... cho tụi tôi đầy bụng trước khi hướng dẫn chúng
tôi xem "Hội lồng đèn Trung hoa" trong vườn bách thảo Montréal.
Muôn ngàn lồng đèn, biểu tượng các lính thú được các
chuyên viên từ Thượng Hải qua tô điểm cho hoa viên đối
diện với sân vận động nổi tiếng ở Canada trong Thế
Vận Hội 1976 .
"Montréal
by Night" thật xứng đáng vớI từ đó là đặc thái của
một xứ nói tiếng Pháp với nhà cửa, tiệm tùng kiến trúc
giống như Paris nhưng với một vài từ ngữ đặc biệt
như "dépanneur" chỉ tiệm grocery, tiệm thực phẩm
nhỏ trong khu phố.
Vợ
chồng anh TH Lượng cho dằn một bụng điểm sấm ê hề trước
khi đi viếng phố ngầm ở Montréal. Ðây là một kỳ
công của dân Montréal thực hiện để tránh cái lạnh
giá băng của Gia nã đại: họ đã đội cả thành phố Montréal
cũ lên để tạo một thành phố ngầm, thênh thang, đầy đủ
tất cả tiện nghi, métro ... Cách phố chính khoảng 5
cây số là nhà thờ St Joseph được tạo dựng đúng
theo mô hình của thánh đường Sacré Coeur ở Paris,
cũng dựng trên một đồi cao nhìn xuống Montréal, nhà
thờ còn có một giảng đường, kỷ niệm thánh St André.
(Montreal,
Canada, 10/2000: Các TH HM Cần, LV Phúc, TH Lượng, LD Trường,
TA Kiệt, TS Thực, HV Phong, NC Thuần. Người đứng là TH NV
Rong; Người khuất sau NCT là "Bác Tám" KT Khải)
BuổI chiều là "đại nhạc hội" đủ mặt đào kép Bắc Mỹ: vợ chồng các anh HM Cần, NC Thuần, TA Kiệt, TH Lượng, TS Thực, NH Nhơn, LM Cứ, HV Phong, NV Rong, LV Phúc, Chị NV Thích, "bác Tám" KT Khải, vợ chồng anh TV Quang và Bích Lan (đồng nghiệp và bạn của bà xã tôi). Khỏi cần nói là như một trận giặc chòm, nói không mỏi miệng, nói không thôi, nói đến khàn cả tiếng, chuyện đờI xưa, chuyện đời nay, chuyện con cái, chuyện chồng con ... Các chị đã thi nhau trổ tài mỗi người một món để bớt công việc cho gia chủ, nên dư thừa ăn ba tháng cũng không hết "sơn hào hải vị".
Vì
mắc bận đi Toronto hôm trước nên sáng hôm sau anh Thích
đến chia tay từ 8:00 giờ, mãi đến 12 giờ anh Phong mới rứt
hai đứa tụi tôi khỏi tay vợ chồng NC Thuần và HM Cần,
nhắm hướng Boston trực chỉ.
Ðến
"làng Chồn", ngoại ô Boston sau hơn 7 giờ lái, nhiều
khi thấy thầy Phong thỉnh thoảng cũng thả hồn về với ông
bà may là tỉnh lại kịp thời, không thì cũng đã đưa tụi
tôi về theo luôn.
Anh
chị Phong (nhất là anh Phong) có một nếp sống thật thanh
đạm của một nhà tu, giống như vợ chồng cô em vợ của
chúng tôi ở Jacksonville trụ trì một nhà thờ Tin Lành,
anh Phong "trụ trì" (nhưng không phải là sư hổ mang) một ngôi
chùa lớn gần Boston, chứa được trên 500 khách thập
phương. Anh dồn hết thể lực và tâm hồn để bảo tồn
ngôi chùa, coi cắt đặt từ bữa ăn, giờ niệm Phật, chí
đến việc tự tay xúc tuyết, quét lá giữ cho bàn Phật không
vướng một hạt bụi trần.
Khác
với chúng sanh đua đòi làm thế nào cất nhà to hơn hàng xóm,
có xe đắt tiền hơn hàng xóm, được gọi là ông Bác Vật,
bà Bác Vật cho thật kêu hơn ông hàng xóm, anh chị Phong chủ
trương bớt đi những mối giao thiệp vô ích, ăn uống thật
đạm bạc nhưng đầy đủ dinh dưỡng, giảm thiểu những
ham muốn vật chất vì càng ham muốn thì càng gây nhiều mối
lo lắng phiền não. Trong lúc người phương Tây chủ trương
ca tụng người có nhiều tham vọng, xem ngườI không tham vọng
là kẻ vứt đi, thì anh Phong thấy ở tham vọng đồng nghĩa
với phiền não thì phải vứt gánh lo đi, vứt bớt lòng ham
muốn đi ...
Một
mảnh đời hai lối sống! Thực ra có nhiều lối sống nhưng
đây là hai lối sống tương phản nhất, hai lối sống gây
nhiều bâng khuâng suy nghĩ mãi cho đến khi tiếng động cơ
ngừng hẳn ở phi đạo Zaventem đưa hai chúng tôi trở
về thực tại, chấm dứt chuyến đi đầy thú vị, nhiều
kỷ niệm vui ...