Ôn
Lại Những Việc Xưa
Riêng
phần tôi, kể từ khi xuất ra khỏi ghế nhà trường kỹ thuật,
trả nợ quân ngũ, tôi trở về làm việc ở Nha Hàng không
Dân sự, ngành Teletype [Viễn ấn (ký) tự], sau đó nhảy
qua ngành điện, nhập vào Quốc gia Trùng tu Ðiện lực cuộc
[278 Hiền Vương], phòng Ðiện hóa nông thôn. Rồi vật đổi
sao dời đưa đẩy cuộc đời tôi trong công việc về điện,
hết Nha Kỹ thuật đến Nha Ðịa phương, rồi Trang bị, rồi
Phối hợp Ðịa phương, cũng như "nằm vùng" hết phòng ban
này tới phòng ban khác. Nhìn chung đều là đi công tác công
trường liên tục, không ngơi nghỉ, kể từ khi miền Nam của
mình còn đang "pha chè" nào nhà máy của Tây, của tư nhân
khai thác, rồi của chính phủ do Bộ Công chánh chủ trì khi
khai thác Ða Nhim, cho đến các giai đoạn thu mua, tân lập các
trung tâm điện lực, thậm chí xuống đến chi điện lực,
rồi dần dần xuống cả làng.
Cuộc
đời tôi đã lao vào đó, khi lo đồ án thiết kế theo chỉ
thị cấp trên cũng như trực tiếp cùng các đại huynh, lúc
lao vào các công trường đang hoạt động ỳ xèo khắp đó
đây. Có lúc có những công tác quá khẩn cấp được lịnh
tự biên tự diễn miễn sao hoàn tất mỹ mãn an toàn là kể
như xong. Ða phần trong cuộc sống dính liền với điện lực
hầu hết là công trường đường dây và thiết lập nhà máy
điện hoặc trông coi các công trình do nhà thầu nhận lãnh
trách nhiệm thực hiện theo khế ước, rồi sau đó kiểm tra,
nghiệm thu công trình. Có thể trong khoảng thời gian phục
vụ trong ngành điện kể như gần suốt cuộc đời của tôi
[1965-81] đã phải khăn gói lên đường hành hiệp giang hồ
có thể được xem như là một tay giang hồ đây đó trên mọi
miền đất nước, qua bốn vùng chiến thuật, từ tỉnh thành
đến quận hầu như đều có đặt chân đến, kể cả đảo
Phú quốc [nhưng không có ra Côn sơn à nghe... sợ lắm!].
Với
khoảng thời gian đã qua ấy, biết bao gian truân, nguy hiểm
cận kề trong những chuỗi ngày công tác, mặc kệ chốn gian
nguy nhứt cũng chẳng sờn lòng. Có lúc ngang qua vùng địch
cũng bị bắn sẻ, nhưng đạn né mình như các chuyến công
tác Trà Ôn, Trà Cú, Vĩnh Bình, Vĩnh Long hay Chương Thiện,
hoặc Rừng Lá khi ra Hàm Tân, La Ghi. Ngoại trừ các vị đã
an vị tại địa phương, nơi trụ trì cố định, hay các "đại
gia" tháp tùng công tác để đến nghiệm thu hay bàn giao công
trình lớn là không mấy lo âu cho đoạn đường nguy hiểm
vì đã đi bằng ô tô trên lộ trình biết trước là an toàn,
hoặc giả bằng phi cơ, v.v... chứ như bọn tôi là đi bằng
phương tiện xe đò hay tự túc, ít khi nào sử dụng được
công xa. Bản thân tôi thì cái máu giang hồ có sẵn, không
bao giờ có ý nằm yên một chỗ cho an thân, vì còn đương
độc thân tại chỗ cho nên hăng lắm.
Sau
khi nhận lãnh công tác phải đi làm rồi, hồ sơ tài liệu
ôm cho một đống, kèm sự vụ lịnh công tác trong đó có
câu thòng "phương tiện di chuyển tự túc". Thế là một mình
một ngựa (ngựa honda) vượt đường nhựa luôn đường đất
đường cát để đến nơi phải đến. Tôi có thể tự hàolà
trong suốt thời gian trách nhiệm đã qua tôi chưa bao giờ bị
trở ngại công tác vì lý do vận chuyển cả, vì xe đò có
thể vẫn bị trở ngại vì đường sá lúc ấy hay bị phá
hoại mìn bẫy. Có khi bị lùa chung trong những chuyến đi bị
VC chận bắt, tôi đã thoát khỏi bao lần như vậy ở khu Rừng
Lá, trên đường số 7 từ Ban Mê Thuột lên Quảng Ðức (Gia
Nghĩa) và một lần nữa giữa đường Chương Thiện - Phong
Ðiền. Cái hiểm nguy thật vô số kể cho tôi cùng chúng bạn
đã vượt qua.
Nhắc
đến khoảng thời gian ấy các bạn già của tôi ai ai cũng
đã nghĩ lại mà chạnh lòng. Ai đã từng đi qua (bằng đường
bộ, xe hơi, xe gắn máy) các vùng hỏa tuyến địa đầu như
Quảng Trị, Hải Lăng, Thạch Hãn, hoặc An Lộc, Bình Long,
Phước Long (nơi bạn già đồng môn với tôi đã đi làm Trưởng
trung tâm là Lê Xuân Quang, người gốc miền Trung, đã bỏ
thây không tìm được sau 1972), Châu Thành, khu tam biên đường
lên Ban Mê Thuột hướng miền Ðông đất đỏ (xưa gọi là
vùng Bà Rá bị đi đày), hoặc giả vào khu đồn điền cao
su bạt ngàn của Quản Lợi, cái đồn điền cao su lớn nhứt
của Tây tạo dựng trên miền Ðông từ thời Pháp thuộc nối
liền qua tận đất Miên (Mi-mốt và Chúp). Nếu ai đã từng
nghe qua đại lộ kinh hoàng nơi quốc lộ số 1 từ Quảng Trị
vào Huế ghê như thế nào, nó tang tóc như thế nào và nguy
hiểm đến dường nào, khi nghe qua hay thấy qua hình ảnh thì
xin một lần tự đặt mình vào kẻ đã và đang đi công tác
thực tiễn như chúng tôi, đã làm xong nhiệm vụ giao phó khi
có lịnh lập đồ án cho đến khi xong công tác bàn giao thì
đã lặn lội qua cái vùng hiểm nguy ấy bao nhiêu lần giỡn
mặt với tử thần, tuy nay mình không còn là người chiến
binh gan lì nữa mà chỉ là một nhân viên kỹ thuật công tác
điện thôi.
Tất
cả những người bạn cũng như tôi lúc bấy giờ chỉ tin
vào số mạng thôi chứ mấy ai mà không sợ nguy nan bao giờ,
nhưng chẳng lẽ ai cũng lo an toàn cho bản thân rồi công tác
sẽ ra sao đây? Nào ai có biết cho cái kiếp tằm trả nợ
dâu của chúng tôi lúc ấy...
Cũng
qua bao dòng tâm sự tuôn tràn khi gặp lại nhau trong ngày họp
mặt bỏ túi ấy, có đủ mặt cả nhóm đồng khổ nạn mà
như vô tình dong ruổi để gặp lại tất cả và cùng ôn lại
chuyện xưa, đó là chuyện một chuyến công tác khó quên và
không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời này của tôi
và các bạn cùng cảnh ngộ... Ðó là các bạn già Nguyễn
Văn Tấn, Trưởng công trường xây dựng đường dây, Ðàm
Thành Hiếu, Trưởng toán công tác, Nguyễn Thanh Tòng, Trưởng
ban cơ khí nhà máy công trường, và bản thân Trần Trung Tính,
Giám sát công trường xây dựng lại toàn diện nhà máy và
hệ thống điện cho Công trường sản xuất mủ cao su Quản
Lợi thuộc tỉnh Bình Long. Câu chuyện như sau.
Sau
ngày đứt phim 30-4-75 tan đàn rẽ nghé của miền Nam Việt
Nam, tất cả trở thành nạn nhân, mới đầu còn nhẹ nhàng
trong mấy tháng, nhân viên Nha Trang bị là kỹ thuật đầu
não của Công ty Ðiện lực xưa, nay VC vào cũng vậy, rất
cần thiết và quan trọng nên được tạm gọi là học tập
đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa văn minh tiến bộ
nhứt nhơn loại chỉ có một tuần trên sân thượng của tòa
cao ốc và sinh hoạt cũng tạm bình thường tuy rất lo âu cho
mọi người vì đã có nghe qua (rỉ tai) đường lối của đảng
và nhà nước mới này trong khi đã qua một tuần gọi là học
tập tập thể qua các loa miệng eo éo của tên cán bộ chính
ủy MBÐ thuyết giảng nghe chói tai gai mắt mà miệng phải
ngậm bồ hòn cho là ngọt, nín thở qua sông sau buổi làm thu
hoạch ... trong khi đó khoảng thời gian sau 3 tháng thì lại
thấy anh NT Tòng lò mò về Nha Trang bị trình diện ban quân
quản điện lực và gom vô cùng ổ với tụi này dưới trướng
của cán bộ hồi kết THC (quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long, xưa là
học trò tiểu học của ba tôi), có ông phó là NVK dân Củ
Chi tập kết (sau là Ủy ban nhân dân Gò Vấp). Hai ông này
cũng như ông trùm thay thế sư phụ TKK là ÐVT làm Giám đốc
Nha Trang bị (vẫn tạm giữ tên cũ) và việc điều hành Nha
tạm phân chia làm hai, một bên là đồ án thiết kế thi công,
và một bên có tư cách như là đại diện cho công ty nhận
lãnh công tác và bàn giao, tạm gọi một bên là A và bên kia
là B (A làm B nhận). Bọn tôi nay lại lọt vào bên B tức là
bên giao công tác và tiếp nhận sau khi bên A thi hành xong giao
lại.
Lúc
ấy bên A do một nhóm cán bộ hổ lốn điều hành, lúc đầu
có PVR (sau làm trưởng ban đồ án), NVC (Sáu C.), công tác,
LVÐ, trực tiếp các nhóm công tác đường dây và nhà máy.
Sau
khoảng thời gian tôi cùng anh NT Tòng đi áp tải cái trục
máy Pelton mới từ cảng Sài Gòn lên nhà máy Ða Nhim
để lo thay cho máy phát điện số 2 bị hư trục, khi lên đó
lại thấy toàn ban Ðiện lực cũđang
im lặng như tờ trong phòng họp để lại nghe MBÐ thuyết giáo
y như bài bản chửi rủa trên lầu Nha Trang bị. Xong công tác
quay về Nha thì nhận được sự vụ lịnh kèm theo một mớ
giấy giới thiệu lung tung đủ thứ để hôm sau lên đường
công tác mới, địa điểm đồn điền cao su Quản Lợi (Bình
Long), tháp tùng toán công tác xây dựng nhà máy và đường
dây phục hồi hệ thống điện cho nhà máy sản xuất mủ
cao su đã bị phá hủy sau cuộc chiến hè 72. Anh NT Tòng trước
đó đã là Trưởng cơ khí của nhà máy Trà Nóc (2x33MW) cùng
các anh NM Thuyết, VV Hoàng và bọn tôi, ND Niên, TÐ Úy lại
lo nhóm máy phát điện Diesel 2100kW từ Chánh Hưng đem về để
làm phụ thuộc cho 2x33MW, sau đó NV Hóa theo xuống điều hành,
tiếp nối trước khi tôi phải đi kiểm soát 5 trạm biến
điện 66/15kV ở các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa
Ðéc, Rạch Giá.
Ngày
lên đường công tác xuất phát tại Nha Trang bị, bên A do
NV Tấn, Trưởng công trường, cùng ÐT Hiếu, Trưởng toán
thi công, cùng một đoàn công xa đủ loại, đa phần vận tải
từ cột trụ, dây điện và tất cả thiết bị cùng linh kiện
trực thuộc về hệ thống nhà máy cũng như đường dây thật
đầy đủ do theo lịnh xuất kho qua bảng chiết tính vật liệu
của nhân viên đồ án thiết kế L Hùng lập nên. Ðồ án
tái thiết hệ thống này đã do L Hùng lập sau mùa hè đỏ
lửa 72. Lúc ấy đường lên miền Ðông khoảng khỏi Bình
Dương chưa có xe đò chạy, và vùng Quản Lợi kể như bất
khả xâm phạm, từ Bình Long đi vào đó khoảng 6 km thôi, vì
sau cuộc chiến 72 lịnh lập lại hệ thống rất là khẩn
thiết nên L Hùng phải sử dụng trực thăng thi hành công tác
lập đồ án và cũng vì Quản Lợi đã thành bình địa nên
khi lập bản đồ công tác nhứt định rất gay go và khó chính
xác. Trong khi thi hành công tác lúc đó thì địch lúc nào cũng
đang hiện diện quanh khu rừng cao su mịt mùng ấy.
Bấy
giờ đã là tháng 8, đoàn xe công tác lũ lượt tiến lên,
xe chỉ huy là chiếc 3CV Citroen (Ami 6) chạy cà tửng
như con cóc nhảy, rồi đến xe đa dụng của anh TV Nghĩa lái
(tôi và anh Tòng ngồi trên xe này) là xe vừa khoan lỗ vừa
trồng trụ kéo dây luôn, gọi là line truck, sau đến
là các xe tải cùng công nhân ngồi đầy ắp trên các platform
cũng đầy đồ đạc và các túi hành trang cũng như cả thực
phẩm đem theo theo tiêu chuẩn XHCN bấy giờ. Ðoàn xe và người
đã vượt qua khoảng đường chưa đến 200 km từ ban sáng
mãi đến chạng vạng tối mới đến nơi đã định. Trước
mắt mọi người là một khu đổ nát âm u, trong khi bóng chiều
đổ xuống quá nhanh sau chặng đường đầy nguy hiểm từ
ngã ba rẽ từ An Lộc vào Quản Lợi, lịnh là xe sau phải
luôn tuân hành chạy theo dấu xe trước và xe trước chỉ theo
dấu cũ mà đi, nếu sơ suất là kể như toi mạng cả lũ trên
xe, vì bom đạn thoát nòng chưa nổ đầy dẫy hai bên đường
đi quanh co với muôn ngàn lỗ bom, đạn đại bác hòa lẫn
với vô số xác xe quân sự đa phần là xe tăng, xe lội nước
và súng đại bác sét rỉ hư hại.
Chúng
tôi lấy giấy tờ liên lạc với các cán bộ có liên hệ
trong giấy giới thiệu mang theo, tôi gặp ông "Mười Ch." là
Giám đốc công trường nhà máy bấy giờ. Ông khoảng 50 tuổi,
người gốc Củ Chi, tánh tình cởi mở theo bản tánh dân Nam
bộ chánh gốc đã trực tiếp chỉ dẫn cho toán công tác nơi
lập lán trại tại khu gia cư cũ của công nhân đồn điền
nay đã đổ nát còn trơ lại vài vách xây bằng gạch ống.
Nhìn chung khu vực này xưa là một khu chung cư của công nhân
rất là tươm tất vì nhà nào cũng có đầy đủ nhà trên,
nhà bếp, nhà vệ sinh v.v... tuy nay hoang tàn nhưng vẫn còn
lại phần nền cũ còn căn bản rõ nét.
Chúng
tôi phân công, phân vị trí cho những nhóm công nhân đem theo
tùy sở thích và ưa mến cá nhân để ở chung khoảng từ
4 đến 6 người một ngôi nhà đổ nát, và tự lo che lợp
lại và quét dọn chỗ ở cũng như nơi sẽ làm nhà bếp ăn
uống, tắm rửa ... Riêng bọn tôi mấy mạng gom chung một
lều tạm và đem ghế bố ra để lo nghỉ ngơi sau cuộc hành
trình không xa nhưng quá căng thẳng và mệt mỏi. Sau khi lo
ăn uống qua loa với các món đã chuẩn bị để đến nơi
là có ăn ngay, chúng tôi chui vô mùng để tránh muỗi như trấu,
lỡ để bị cắn là kể như bị sốt rét ngay rất nguy hiểm,
nằm trong mùng mà bàn công tác liên hệ cho ngày mai ra quân
khởi công...
Ðến
sáng hôm sau, sau một đêm dài mệt mỏi, lật bản đồ và
cùng nhau (toán tiền quan sát trước khi thi công) đi xem vị
trí nào làm chuẩn cho công tác, thì hỡi ơi, trong bản đồ
là như vậy nhưng hiện thực lại không phải thế, đã thay
đổi hoàn toàn không như xưa nữa khi đã thấy tất cả các
khu được các công trường xây cất dựng lên các dãy nhà
tôn cột kèo bằng sắt theo tiêu chuẩn Eiffel để làm
nhà máy sản xuất mủ cao su, trong đó đã tân trang sửa chữa
lại các máy móc thiết bị để trộn, lưu, cán mủ cao su
và các nhà kho chứa hóa chất cho mủ cao su cùng các chai sắt
chứa gas ammoniac để làm xúc tác mủ cao su không bị
đông đặc ... Sự khó khăn ban đầu đã gặp ngay, đang lo
âu nên đã quyết định gọi máy CB có sẵn trên xe line
truckcủa anh Nghĩa về Nha
Trang bị xin chỉ thị, và được Nha cho toàn quyền chúng tôi
giải quyết và Nha sẽ yểm trợ tích cực nhu cầu nếu có
thay đổi. Thế nhưng trong khoảng thời gian mất đến 3 ngày
mới cắm xong các cọc định vị trí toàn bộ hệ thống điện
trong khi tạm gọi là thở nhẹ nhõm phần khó trước mắt
đã qua và cũng đồng thời việc lo lán trại chỗ ăn chốn
ở cũng tạm ổn định, thầy thợ sẽ ra quân ngày mai để
thi hành công tác.
Trong
khi tất cả mọi người đã sẵn sàng cho ngày mai thì bên
kia lán trại của công trường xây dựng nhà máy bỗng nhiên
xôn xao khác thường, chạy qua xem động tịnh ra sao thì thêm
một sự việc mở màn làm cả nhóm đều khiếp sợ, vì trước
mắt mọi người là cả thảy có 7 xác người còn đang nằm
trên các sạp bằng gỗ đậy mền kín đầu chân, hỏi ra cớ
sự thì được biết họ vừa bị sốt rét cấp tính nên mất
mạng rất nhanh. Khi có sự việc chỉ mới có 3 ngày đã đến
đe dọa cả nhóm người mới đến đây, chúng tôi đi tìm
các cán bộ của nhà máy và gặp ông Mười Ch. và đã được
chỉ dẫn là đừng nên uống nước, dù đã đun sôi rồi để
nguội cũng không được, và cố gắng đừng bao giờ ngủ
trưa dù có mệt mỏi đi nữa, nhứt là phải nằm mùng tránh
tuyệt đối muỗi cắn.
Ngay
ở Sài Gòn bấy giờ ăn uống đã cam go rồi, sau mấy tháng
với VC nay đem thân xác lên cái xứ đi đày này ăn uống toàn
là mấy bao bố (bao gạo cũ) khô mục của các loại cá biển
do hợp tác xã bán lại và gạo mốc meo để kho lâu đời
đóng dấu hiệu toàn chữ Tàu không thôi và các thùng nhựa
nước mắm toàn muối Phan Thiết và mấy kí lô bột ngọt
lên chốn thâm sơn cùng cốc này lại thêm cái khó khăn nữa
là nguồn nước giếng có sẵn ở đây dòm xuống đầy xương
người bên dưới, có khi không thấy nước nữa, còn giếng
của nhà máy sản xuất mủ thì khi có khi không bơm nước
được vì là giếng đóng không phải giếng đào như các cái
cũ, máy bơm ba trợn khi bơm được khi không tùy hứng, thật
trăm điều khó khăn, lưỡng đầu thọ nan.
Nhưng
khi đi xin ý kiến và chỉ thị của các cán bộ lãnh đạo
nhà máy Quản Lợi về trại (vì hai bên trại cùng ở chung
một khu giống như một xóm nhỏ vậy) thì lại thêm một tin
té ngửa nữa, là bởi vì tất cả công nhân công trường
điện đa phần là thanh niên mới xung phong vào ngành để tạm
sống trong thời kỳ khó khăn ban đầu, khi mới vừa đến
đã nghe bao đe dọa luôn chờ chực cái mạng sống vốn đã
èo uột rồi, nay thấy ngay cái cảnh chết người quá dễ
của sốt rét mà dân địa phương ở đây trông người nào
người nấy hiện tại xanh như tàu lá chuối vậy, hình như
ai cũng đã chứa sẵn bịnh sốt rét rồi cả. Vì vậy cho
nên khi thấy cái cảnh vô cùng khó khăn hiện tại, bọn nhỏ
hè nhau một lượt bỏ trại mang hành trang đem theo trốn chạy
về Sài Gòn gần hết. Khi biết điều ấy xảy ra thì nhiều
trại còn lèo tèo mấy ngoe chưa can đảm bỏ đi vì một mặt
không dễ tìm xe về Sài Gòn, vì đường đi khó khăn nguy nan
khôn lường, lại sợ bị bắt khi về Sài Gòn vì đa phần
có gia đình cố định.
Toán
công tác chưa ra quân mà đã y như miền Nam mình bị đứt
phim vậy, tự động tan rã. Nhìn lại mấy tên còn lại đa
phần là đứng mũi chịu sào thì làm sao đây khi sự việc
vừa xảy đến quá bất ngờ không đỡ kịp vì tụi nhỏ
đã trốn về trong im lặng không báo trước một lời. Thế
là ban lãnh đạo nay là "ban lãnh đạn" rồi, gọi máy về
Sài Gòn ba trật ba vuột khó khăn vì nhiều đài liên lạc
cùng tần số lô nhô nên quyết định khẩn cấp là biệt
phái một tên về báo cáo rõ ràng và xin chỉ thị cấp tốc.
Trong khi xin cán bộ của nhà máy Quản Lợi giúp đỡ sự việc
nan giải như đã xảy ra và các nhu cầu cần thiết cho toán
công tác phải có để sinh tồn, vì vậy Trưởng công trường
chạy về lo việc quân và xin chi viện thuốc men để phòng
chống sốt rét. Trên công trường được nhà máy đem vôi
bột rải khắp nơi doanh trại để sát trùng. Và tất cả
chỉ còn biết ngồi chờ tin tức mà lòng dạ bồn chồn âu
lo không ngớt. Mãi đến mấy ngày sau thì Trưởng công trường
trở lên trên một xe hàng đầy công nhân đào ngũ, tái ngũ
trở lên với khuôn mặt tươi tỉnh vì đã có mớ bùa hộ
thân là thuốc muỗi và thuốc ngừa sốt rét cũ của quân
đội VNCH dùng lúc trước Chloriquine, viên đỏ gần bằng
móng tay cái, ngày xưa còn đi lính 6 tháng mới uống một viên
đề phòng khi hành quân và lúc nào cũng có trong ba lô cả,
nó cũng là loại thuốc giải nạn hay nhứt khi có bạn nào
không muốn sống trên cái cõi đời ô trọc này nữa, chỉ
cần tối đa ba viên là miễn cứu chữa, đi một cách êm ả
cuộc đời đáng ghét. Thế mà nhân viên công trường tất
cả đều y lịnh cứ một tuần lễ là thầu một viên ngay.
Uống chỉ hơn hai tháng là có mấy tên nghễnh lỗ tai ngay,
nói một đàng làm một nẻo, có tên lở môi lở miệng, ghẻ
chóc mọc luôn vì thuốc sinh nhiệt cao quá, nhưng sợ chết
phải è ra nuốt đại.
Như
vậy là công trường đã trễ nãi cả tuần rồi, tiến độ
thi công bị chậm trễ theo kế hoạch giao phó công tác nhận
lãnh, lại phải làm báo cáo gởi về kèm theo giải thích từ
cái một. Thế rồi ngày khởi công cũng phải đến, ở càng
lâu càng xanh mặt chớ có ích lợi chi đâu, rõ ràng đây là
địa ngục trần gian hiện thực. Ra quân, xe và toán rải trụ
lo phận sự, toán trồng trụ lo theo xe đa năng của anh Nghĩa
làm phận sự, toán lập nhà máy cứ lo bổn phận đã ban mà
làm việc. Tôi và anh Tòng cùng các anh Tấn, Hiếu luôn theo
sát công trường, không dám lơ là sơ hở một chút nào cả,
vì toàn diện khu vực nhà máy và cư xá cũ của Tây để lại
nay là bình địa, gạch ngói tường vôi xe cộ hòa lẫn xác
xe tăng bom đạn đủ thứ ngổn ngang.
Ngày
xưa nơi đây đã là một tiểu thành phố đầy văn minh, tiện
nghi còn hơn cả ngoài Bình Long An Lộc nữa. Nơi đây dấu
vết còn in rõ một phi trường Cessna ống dẫn xăng bằng
thép không sét, có hệ thống và xe chữa lửa bồn xăng dầu
đầy đủ. Có nhà thương lầu nhiều từng, có chợ búa có
trường học hẳn hoi, có chùa Phật giáo, có nhà thờ Thiên
Chúa, và cư xá cho công nhân đồn điền mà nay còn rõ ràng
là nhà nào của ông cai, nhà nào là của dân thợ cạo mủ,
v.v... cùng khắp rừng cao su và khu cơ sở ngày xưa nay đổ
nát sau cuộc chiến 72, đâu đâu cũng là dấu vết của tử
thần hay thảm họa vì những cái mặt nổi mà mắt mình nhìn
thấy và những cái gì đó nó tiềm ẩn bên dưới mặt đất
hay đâu đó cùng khắp nơi, chen lấn trong các thân xác chiến
xa đa phần của cọng sản chỉ có các máy cày chạy bằng
sên loại D9 của công binh cọng hòa xài nằm rải rác đó
đây khi bị bom đạn bắn trúng, cùng các quả bom còn in rõ
chữ CBU hay bom mang đầu bom bi trong thân nhưng vì lý do gì
đó không nổ trên không mà đâm đầu xuống đất còn ló
lên gần hai thước trên mặt đất màu xanh ô liu thấy rợn
người khi nghĩ đến nếu nó nổ sẽ ra sao đây?
Dù
là người có đạo Thiên Chúa như anh Nghĩa lái xe khoan lỗ
trồng trụ, chúng tôi đều đồng ý mua một mớ bánh ở chợ
chồm hổm thường nhóm mỗi sáng ở nền chợ cũ khi xưa nay
loang lỗ bom đạn và vẫn còn nhiều đạn chưa nổ đây đó,
nào bánh con ngựa con cá, nào nhang, để cứ đến mỗi vị
trí lỗ trụ phải đào là anh Nghĩa xé một miếng lá chuối
hay lá môn lá khoai để vào đó năm ba cái bánh và thắp ba
cây nhang khấn nguyện. Chúng tôi đều luôn làm như vậy cho
đến khi hoàn tất công tác. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ biết
cầu nguyện và cúng lo hối lộ kẻ khuất mặt chết hoang
đâu đó phù trợ vậy thôi, và khi đào lỗ, lưỡi khoan xoáy
xuống đất và dùng đất đã khoan lên thì trong đó vô số
là đầu đạn chưa nổ đủ thứ từ đại bác đến M79, bom
bi ... thế mà nó đã nằm im bên dưới lớp đất màu đỏ
của miền Ðông và ngay nơi phải khoan để dựng trụ điện
mới chết chứ! Lúc đầu còn dè dặt, lâu dần đâm quen đâm
liều cho nên đào đất lòi lên bao nhiêu lấy xẻng xúc bỏ
sang bên ào ào, và cứ tự nhiên trồng trụ xuống và lấp
đất lại để toán kéo dây tiếp tục làm việc cho xong công
tác giao phó. Theo kinh nghiệm sẵn có của các anh Tòng và Tấn
(hai anh đều là dân công binh cũ nên rất rành chất nổ và
bom đạn), cái sự việc mà chúng tôi đã đương đầu trong
công tác cũng là một sự thử thách cả tính mạng của tất
cả trong việc làm ấy nhưng làm sao để tránh để né những
gì mình không rõ và không có cách có phương tiện để dò
xét trước như khi học ở quân trường, bởi vì họ muốn
như thí mạng tụi này cũng chả có sao cả, thế là tụi này
chỉ còn biết giao và cầu mong cái số mạng của mình tới
đâu hay đó vậy thôi.
Có
một lần duy nhứt trong công tác đó đã xảy ra một tai nạn
chết người do công tác trồng cột điện. Số là vị trí
trụ phải khoan và trồng nằm gần một cái chòi cột tạm
xiêu vẹo đủ loại che bởi mấy tấm tôn loang lỗ bom đạn,
không một tấm nào còn tương đối tốt đẹp, đa phần rỉ
sét và cháy nám cong queo của một ông già lúc đó cũng độ
khoảng 50 hay 60 không rõ, vì dân sống còn sau cuộc chiến
72 đều già trước tuổi vì cảnh quốc phá gia vong, tan nhà
nát cửa, chỉ còn lại một mình sống thui thủi với một
con vượn màu vàng mặt đen mà ông ta coi như con đẻ, sống
với ông, đi đâu cũng tò tò đi theo như con nít vậy. Ông
ta sống nhờ bằng mấy gốc cây cà phê còn sống đâm chồi
cho trái sau mấy trận bom đạn phạt đứt cành, hàng ngày
bẻ trái chín lột vỏ phơi khô, đem bán cho quán độc nhứt
của cô Hai dưới chợ chồm hổm. Sau khi toán trồng trụ trồng
xong cây cột ấy, chúng tôi có ngồi cùng ông xem và nói chuyện
cũng như nựng nịu con vượn dễ thương của ông, chờ xong
công việc trồng và nén đất xong đi trồng tiếp vị trí
khác, cách xa trung bình khoảng 70 m. Ðến khi trồng vị trí
trụ thứ ba cách trụ gần nhà của ông ấy thì bỗng nghe
một tiếng nổ long trời, nơi rừng cao su âm thanh vang dội,
nhìn lại phía đã trồng trụ, chưa biết rõ nguồn cơn, chúng
tôi quay trở lại thì ngôi chòi đã xẹp xuống vì chấn động
và không thấy ông cụ ấy ở đâu cả, chỉ thấy con vượn
mặt buồn thiu ngồi khóc ở bên lều đã sập, và khi nhìn
kỹ xung quanh đấy mới thấy vướng vít các mảnh thịt, mảnh
áo quần, vốn đã không lành lặn gì nay đã tan xác muôn mảnh.
Dấu máu loang ngọn cây cành lá, cả mảnh vụn ruột gan trên
các nhánh cây xung quanh nơi nổ ấy.
Thế
là công trường tự động dừng lại, lo tiếp tay vào việc
tìm kiếm lại phần nào các mảnh thịt xương đã vung vãi
khắp nơi để đào một cái hố nhỏ tạm gọi là huyệt,
lót lá và những tấm ni lông cũ rách làm hòm chôn các cái
gì còn kiếm tìm được, gọi là một nấm mộ cho ông. Và
thế là cả xóm (nôm na là những gia đình đã qua cơn biến
động 72 còn sống sót, đa số chỉ một mình không nơi nương
tựa, phải đành bám sống nơi đây lây lất trong các cái
gọi là nhà nhưng chưa được đến cấp gọi là lều nữa
là khác, đa số làm bằng tạp nhạp lượm được gì cất
nấy) chung lại lo cho ông, và cô Hai chủ quán đành rước
con vượn đáng yêu về nuôi. Nhưng con vượn ấy đã vượt
tình cảm quá loài người, vì ai năn nỉ cách gì đi nữa nó
cũng không ăn không uống dù là sữa và nước, nó cứ khóc
và khóc mãi đến mấy hôm sau thì thấy nó nằm chết trên
nấm mộ đất của ông già. Thế là lại thêm một nấm mộ
nữa kế bên ông. Khi viết lại những dòng chữ này, cái câu
chuyện đau đớn này mà tôi và các bạn đã có được chứng
kiến không sao ngăn được ngấn lệ khi nghĩ đến cái hình
ảnh vừa thấy đó rồi mất đó, với cái tình cảm vô biên
của một loài thú như vậy, loài người đã mấy ai có được
như vậy và vượt được hơn con vượn ấy!
Và
cũng trong chuyến công tác đầy tử khí này mà bọn chúng
tôi, gồm Tòng, Hiếu, Nghĩa và tôi, thông thường làm việc
liên tục, ăn cơm trưa xong là làm việc ngay, chiều mặt trời
mau tắt nắng ở khu rừng cao su râm lá cho đến khi nào việc
làm tạm gọi là hơi rảnh rỗi đôi chút thì mới nghỉ trưa
sớm và chiều làm việc ít giờ đi để dưỡng quân. Có một
hôm trưa hè oi ả, suốt dọc hai bên đường của khu nhà máy
sản xuất mủ cao su Tây xưa trồng rất nhiều cây điệp Tây
(cây phượng), hoa đã nở rộ tuy thân xác bị bao miểng bom
đạn băm vằm loang lỗ gãy ngọn gãy cành, tét thân thê thảm,
nhưng khi tỉnh là lá cũng xanh, hoa trổ đỏ rực cả hai bên
đường rơi rụng thật chẳng khác gì xác pháo Tết, lại
thêm vào hạ ve sầu kêu inh ỏi mọi nơi, thật vui tai.
Trưa
hè có khác, ở nơi đây vì gió rừng luôn lạnh lẽo, khí
núi như đe dọa mọi người mọi vật, chúng tôi 4 đứa đâu
dám ngủ trưa, dù có rảnh thời gian đi nữa, nhưng những
giờ như vậy rảnh rỗi ban trưa làm gì cho qua thời gian nhàn
rỗi như thế, cho nên cả nhóm hè nhau đi xuống phố chợ
(nói cho oai vậy chứ chỉ có mấy cái mái che tạm bợ chung
quanh khu nền chợ cũ đã tan hoang) để xuống quán cô Hai uống
cà phê trưa cho đỡ buồn. Từ khu lán trại đóng quân đến
khu phố chợ ấy dài khoảng độ gần 1 km đường qua lại
trong các khu nhà máy sản xuất rồi qua các đoạn đường
trống trơn của đồn điền mà xưa kia là những con đường
chánh của nơi đây, hai bên có cất các ngôi nhà đẹp đẽ
theo kiểu nhà bánh ít của Tây, nay bom đạn san bằng đổ
nát và chỉ còn lại những đống gạch ngói đè bẹp những
gì trong nhà kể cả người, nay vẫn còn trơ xương bên trong
nếu lưu ý xem và bên trên các thứ ấy là vô số dây leo
loại duy nhứt và nhiều nhứt đó là dây sắn (củ sắn) mà
người miền Bắc gọi là củ đậu, Nam gọi là củ sắn,
để xào thịt ăn, hoặc nóng nực lột vỏ nhai cho đỡ khát
nước ở ngoài công trường. Mục đích Tây họ cho trồng
cây sắn dây là để nó có khả năng tận diệt loại cỏ
tranh (loại lấy rễ nấu nước uống cho mát và lá lợp nhà),
và dọc hai bên đường đều đầy dẫy dây sắn bò phủ lên
xanh rợp để che đậy dấu vết đau thương đổ nát bên dưới
do chiến tranh gây nên, dọc trên đường còn trơ lại vài
xác xe ủi đất loại D9 (máy ủi loại lớn mạnh) công binh
VNCH dùng rất nhiều hiệu Caterpillar Mỹ.
Chúng
tôi đi loanh quanh trong các dãy nhà trại ra đến khoảng đường
trống ấy chỉ còn đến cái ngã ba rẽ trái là xuống chợ.
Nơi góc đó có một cái xe D9 bị bom rơi trúng phòng lái nổ
nên bung ra mà dây sên đều còn nguyên vẹn, chúng tôi bốn
người khi cách xe khoảng chừng độ 100 m trên đường trống
trơn không một bóng người vào trưa hè như thế, thì bỗng
thấy một thằng bé khoảng 12 hay 13 tuổi ốm yếu, mặc quần
dài ống cao ống thấp, trên mặc một áo len màu đỏ chói
băng qua đường và thong thả leo lên máy ủi đất. Tụi tôi
đến nơi, anh Nghĩa bảo "Ê, mày có bằng lái xe không mà
leo lên lái xe hả?" Tụi tôi cũng vừa đùa vui vừa cười,
và anh Tòng bảo thằng này trời nóng như vầy mà nó mặc
áo ấm đỏ bằng len, "bộ không nóng hả mậy?", còn
Hiếu thì bảo có lẽ thằng này leo lên xe chắc muốn chôm
hay gỡ cái gì đó, cho nên bốn tên mới đứng lại gọi nó,
bảo xuống đây biểu, gọi hoài không thấy trả lời, anh
Nghĩa tức quá leo lên xe xem sao, nhưng khi leo lên lại không
thấy ai cả, chỉ có lỗ bom khổng lồ phá bung xe thôi, tuyệt
đối không có ai và cả bọn không tin vội leo lên xe kiếm
phụ và y như vậy nhìn từ trên xe xuống chung quanh khu đó
vẫn im lặng như tờ, xa tạm một khoảng cũng chẳng gặp
hay thấy một ai cả.
Loay
hoay kiếm mãi cũng chẳng thấy từ trên xe đến chung quanh
xe đều bặt vô âm tín, thế là cả nhóm lầm bầm bỏ đi
xuống quán uống cà phê mà không quên chuyện đó, cứ nói
với nhau không lẽ thằng này biết biến hay sao vì cả bốn
tên đều nhìn thấy từ xa cho đến gần trong khi trưa hè khoảng
12 giờ, đến khi các khách trong quán trông tụi này cười
và cô Hai chủ quán hỏi thăm tụi này là có phải đã thấy
cái thằng nhỏ mặc áo đỏ quần xăn ống cao ống thấp ở
khoảng đường đó hay không thì chúng tôi nói là đúng như
vậy, nhưng cũng còn rán gượng là bốn đứa vây kiếm mà
nó trốn biệt mới là hay chớ. Khi đó mọi người mới cho
biết ngọn nguồn là vùng này ai còn sống đều gặp nó cả,
mà nó thì đã mất từ hè 72, cùng gia đình nó tại ngôi nhà
đối diện với xác xe ủi đất đó. Ðến đây tụi này mới
hiểu ra câu chuyện, thế là bọn mình gặp ma ban ngày rồi.
Tất cả mọi người ở đây không ai lạ cái cảnh gặp ma
ban ngày, còn ban đêm thì sao? Thiên hạ lại bảo rằng còn
nhiều hơn nữa và vô số kia, nếu ai đi đêm đều có thể
gặp và có khi đến viếng luôn người đang ở tại chỗ mình
ở mà nếu mình không biết rõ cũng kể như gặp người cùng
xóm không biết mặt hỏi thăm vậy thôi. Vì họ lý giải các
oan hồn ở nơi đây đầy dẫy nhưng các người hiện lên
ban ngày ít hơn ban đêm do một đẳng cấp linh thiêng sao đó
mình không rõ, cho nên tụi tôi tin rằng sự cúng vái cầu
xin có thể có người cõi âm phù trợ cho tai qua nạn khỏi
trong toàn chuyến công tác đầy cam go và chết chóc ấy. Tin
hay không tùy theo đối tượng của cá nhân và tôn giáo, nhưng
tôi dám bảo đảm với tất cả thân hữu là sự thật một
ngàn phần trăm, vì tôi và các chứng nhân đã hội ngộ để
nhắc lại chuyện xa xưa này và hiện vẫn còn tồn tại ở
Việt Nam.
Vào
một ngày nghỉ chúa nhựt, không biết làm gì cho hết ngày
giờ cho nên tôi rủ anh Tòng đi chơi đó đây cho biết. Thế
là hai tên lội ngược ra An Lộc dọc theo đường xe chạy
ngoằn ngoèo từ trong rừng cao su Quản Lợi ra đến thị xã
An Lộc, khoảng chừng 6 km đường nhựa xưa nhưng nay loang
lỗ bom đạn hư nát, nay được bồi dưỡng bằng đất đá
do các nhóm thanh niên nam nữ xung phong công chùa bị chiêu dụ
phục dịch cho cách mạng và cũng nghe đâu qua công tác vá
đường này cũng hao nhiều thanh niên nam nữ rồi đó. Ði trên
đường tuyệt đối đi theo dấu xe cũ, không nên dại dột
tìm đường mới để đi, đồng nghĩa với tìm đường tử
như không vậy. Tuy thế chứ nếu đi bộ theo dấu cũ cũng
phải lanh chân lẹ mắt để né tránh đạp thêm một lần
nữa trên các trái đạn đa phần là M79 thoát nòng đầu tuy
bị xe cán dẹp lép mà vẫn còn ghi sọc của đường khương
tuyến của nòng súng phóng đi. Vào thành phố đầu ngã ba
bên mặt là đi tiếp lên Bình Phước, hay Phước Thành gì
đó khi xưa mà lúc đó là Phước Long, trên ấy nghe nói có
trại Bà Rá để nhốt trẻ bụi đời mất dạy hồi thời
Tây sao đó không mấy rõ cho lắm, nhưng chung qui là vùng sơn
lam chướng khí ăn uống cái chi cũng đều bị chói nước
hay chướng nước, sau đó cái bụng phình lên, da dẻ vàng
xanh, bủng xè, sống như cái xác có bầu biết đi cà lơ vậy
thôi.
Tụi
tôi đi tham quan thành phố trong điêu tàn đổ nát khắp nơi,
khi tẻ về phía trái hướng về Sài Gòn để lần mò đến
các khu đổ nát bình địa không còn một cái gì gọi là nhà
lầu còn lại cả, chỉ gạch ngói tôn đổ nát. Nơi tiểu
khu còn một cái bảng bị bom đạn dày xéo tơi bời, còn thấy
chữ "Tiểu khu An Lộc", mới biết đây là khu Tỉnh trưởng
ở và chiến đấu, quan sát kỹ thì thấy phía dưới các đống
gạch đá đổ nát có các lỗ châu mai, các bao cát chất thành
công sự phòng thủ còn rõ nét và các nòng súng bị hư gãy,
rỉ sét vương vất khắp nơi, phía ngoài sân mặt trước của
công sự ấy là rất nhiều xác xe tăng VC nằm dí đầu súng
vô hướng ấy giống như đàn cua sắp hàng vây phục miệng
hang, nhưng hầu như tất cả nòng súng đại bác trên xe nếu
còn nằm trên pháo tháp hầu như bị tình trạng giống như
nhau cả vì bị bể nòng nổ toe ra như cọng hành chẻ đầu
ngâm nước vậy, trong khi bên trong xe tăng và các vị trí trên
pháo tháp đã bị mở tung nắp ra, nhìn vào thấy ngay cảnh
giựt mình kinh sợ vì hiện còn đầy đủ các thành viên của
xa đoàn, đâu ngồi đó, nay chi là bộ xương mặc quân phục
màu ô liu mục nát có cái đầu nằm phía dưới sàn xe mà
chân tên nào cũng đã được đeo một sợi lòi tói (dây xích
để neo ghe tàu) loại nhỏ khóa vào chân bằng khóa bằng gang
có in chữ Tàu bị rỉ sét cả còn đầu kia đã dính dưới
sàn xe.
Ðối
diện bên kia đường trước tiểu khu là công viên nơi có
tất cả 60 mộ phần của các chiến sĩ Biệt cách Dù 81 đã
hi sinh khi đến giải tỏa An Lộc và các chiến xa bị hạ
tại đây đều do các anh ấy chơi bằng lựu đạn và chất
nổ cá nhân, loại đặc biệt cho các Biệt cách dùng. Các
mồ chôn tạm bợ nhưng thứ tự ngay hàng có bia bằng gỗ
thùng đạn các súng XM18 còn cắm trước mộ đã sét cứng
và tấm bảng bằng gỗ thùng đem đóng dài viết hàng chữ
"An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt cách Dù vị quốc
vong thân" còn đó, nhưng sau này bị san bằng do VC bắt
tù cải tạo lên dọn dẹp ủi láng cóng.
Trong
thời gian bọn này nằm vạ vì công tác ở Quản Lợi, có
sạc bình điện và cho mượn đèn xe hơi để cho các toán
bảo vệ nhà máy xách súng đi săn thú về chia cho các đội
công nhân gọi là có thêm bồi dưỡng với các bao cá khô
meo mốc, sau khi đã được đặt xong một máy Caterpillar
400 kW đem từ Gò Công lên để chạy cho sản xuất cao su và
chờ cái nhóm ngoài Bắc đang mang vào một bộ máy phát điện
mới nghe theo báo cáo là loại máy "hiện đại" nhứt đó,
nhưng đến khi đến nơi tụi này bật ngửa ra vì đoàn xe
gồm hai xe móc hậu (platform) 18 bánh của Nga cùng một
commando
car chở xếp theo, trên đó chở toàn bộ một máy phát
điện cao to nhưng khi đặt vào nền xong, gỡ các bao bì thì
chỉ thấy công suất máy chỉ vỏn vẹn 175 kVA của Ðông Ðức
sản xuất năm 1974 mới toanh, to lớn hơn Cater 400 quá hai lần,
đặc biệt khi vận hành hãy còn công nhân cứ thỉnh thoảng
leo lên thang chạy vòng trên đầu máy cầm bình dầu nhỏ nhỏ
bơm bơm gần giống như các giàn máy xưa ở Cần Thơcủa
Tây để lại và các con trâu già Singer ở Long Xuyên,
hơn nữa cái gì nó cũng bự nhưng công suất nhỏ và tốc
độ máy chậm nữa, nên khi đã nối ráp bảng điều khiển
khổng lồ của nó đứng chật cả nhà máy kế bên cái bảng
của Cater 400 bề ngang chỉ có một thước, cao 1 thước 8,
và không có cách gì hòa hơi cùng nó được khi cần công suất
tổng cọng cao hơn 400 kW, vì thế đành chạy riêng rẽ, cho
nên lắm lúc khi các máy sản xuất đã hoạt động nhiều,
tội nghiệp cái Cater 400 làm việc "quá tải" chạy ống thoát
khạc ra lửa.
Anh
Tòng có xin đề nghị tăng cường sau đó khi đã tập huấn
và giao lại cho nhà máy tự điều hành lấy và chúng tôi được
quay về bổn quán (mừng húm vì còn nguyên vẹn). Và nghe đâu
sau đó không lâu cũng có toán bảo trì cơ hay điện gì đó
lên Quản Lợi sửa chữa máy Cater 400 dường như bị quá tải
nên bị hư hay cháy sao đó, và việc có tăng cường máy móc
chi không đó là chuyện sau này chúng tôi tạm được yên thân
để nhận lãnh công tác mớithuộc
miền Trung từ khoảng trạm 66 kV Cam Ranh chạy ra Nha Trang rồi
Ninh Hòa Hòn Khói trực thuộc Nha Trang (thuộc Công ty Ðiện
lực miền Trung lúc đó). Giám đốc Phú Khánh là ông cán bộ
NVP dân Nam cũng khá dễ chịu bấy giờ, khi ấy ÐV Mỹ bị
kẹt ở Nha Trang và sau đó móc nối TT Cang chạy về Rạch
Giá "quy mã", đến giờ bặt vô âm tín tuy lâu lâu có lộ
danh cà trầy cà trật, không biết nay ra sao nữa?
Xin
tạm chấm dứt chuyện dài ở đây vì còn rất dài nữa trong
công tác xa xưa, kể thêm sợ làm chán lòng thân hữu.
Trần
Trung Tính