Bài của Trương Lệ
Chi
(cựu
phu nhân Hoàng Ðại Bá)
Anh
Hoàng Ðại Bá mất đi đã để lại cho tôi một gánh trách
nhiệm quá nặng. Khi anh vừa nhắm mắt trong tay tôi không còn
lấy một đồng, anh Nguyễn Hữu Phúc (cùng làm trong Hệ thống
Phối trí Ðiện năng với anh Bá) phải lấy "quỹ đen" của
cơ quan cho tôi mượn tạm để đặt cọc tiền quan tài. Khổ
quá, không tiền, không nghề nghiệp (lúc đó tôi còn là sinh
viên trường Dược), lại đang có thai, cọng thêm 3 đứa nữa
hãy còn quá nhỏ.
Tôi
cám ơn tất cả các anh trong Ðiện lực bấy giờ đã tận
tình giúp đỡ tôi, nhất là về mặt tinh thần. Anh chị Chánh
(tôi quên mất họ của anh) thường xuyên đến an ủi và giúp
đỡ tôi mọi mặt. Tôi còn nhớ ông Lê Khắc Huề đã đến
phúng điếu hai lần, có lẽ ông biết được sự túng thiếu
của tôi, và các anh đã lo ráo riết để xin cho anh Bá được
chôn vào nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi. Anh Hồ Văn Phong đã đem
tôi vào làm tạm tại Trạm Biến điện Thủ Ðức, và còn
nhiều anh khác nữa. Lúc bấy giờ tôi không biết phải làm
gì để đủ tiền nuôi các con ăn họcđến
nơi đến chốn, và tương lai mình sẽ ra sao !
Ðến
đầu năm 1974, tôi gặp lại một người bạn, chồng chị
là bạn thân của anh Bá khi hai anh còn học ở Quốc học Huế.
Chị cho tôi biết có chương trình những gia đình người Mỹ
họ nhận các trẻ mồ côi về làm con nuôi, chị đích thân
đưa tôi đến những cơ quan từ thiện này. Tôi được biết
hai cơ quan là "FCVN" (Friends of Children of Vietnam) và "Welcome
Home". Khi đến đó, họ đã cho tôi xem những tấm hình
các gia đình Mỹ nhận các trẻ em mồ côi tại VN và họ cho
tôi biết "nếu các con tôi được nhận thì tôi vẫn thường
xuyên được liên lạc với chúng nó và đúng 18 tuổi chúng
nó có quyền chọn nơi nào chúng muốn sống". Như vậy tôi
có thể biết tin tức các con và sau này chúng có thể về
với tôi được. Với suy nghĩ thô thiển của tôi lúc bấy
giờ, tôi liều lĩnh quyết định gởi các con vào hai cơ quan
trên. Tôi bắt đầu làm đơn. Khi thủ tục giấy tờ đang
xúc tiến thì tình hình đất nước mình lúc bấy giờ hãy
còn sáng sủa lắm, từ Quảng Trị vào đến Sài Gòn rất
bình yên.
Ðến
tháng 8 năm 1974, cả hai cơ quan đều cho tôi biết họ chỉ
nhận hai đứa nhỏ, còn hai đứa lớn đã quá 10 tuổi, họ
không nhận. Thật ra trong thâm tâm tôi, tôi chỉ muốn gởi
hai đứa lớn, chúng còn biết cách liên lạc về gia đình,
hai đứa kia còn quá nhỏ tôi không muốn xa lìa chúng. Lúc
bấy giờ tình hình đất nước bắt đầu sôi động, từ
Bến Hải vào Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên. Tôi quyết định
gởi hai đứa nhỏ vào cơ quan FCVN. Như vậy bên cơ quan Welcome
Home vẫn còn hai chỗ trống, tôi đã lấy khai sanh của
đứa 7 tuổi cho đứa 11 tuổi đi. Tôi không còn cách gì để
tráo khai sanh cho đứa 12 tuổi nữa được, vì khai sanh kia
là con gái.
Thời gian này tình hình chiến sự thật xáo trộn, những người từ Ðà Nẵng ùn ùn vào Sài Gòn để lánh nạn cọng sản. Có lẽ người Mỹ họ biết trước những gì sẽ xảy ra, nghĩa là miền Nam bị bỏ rơi và Sài Gòn bỏ ngỏ. Thế là họ không cho tôi vào thăm các con nữa, có thể họ nghĩ rằng tôi nhớ các con, tôi vào bắt chúng lại sẽ làm cho sự việc rắc rối thêm. Chúng đi rồi, căn nhà trở nên vắng vẻ lạ lùng. Ðã bao lần tôi muốn đổi ý định, muốn vào trung tâm để xin các con lại. Thôi thì chúng không có tương lai cũng được, đói khổ cũng được, miễn có mẹ có con. Các con tôi đi rồi tôi mới cảm nhận được tình mẫu tử của tôi cho chúng nó nặng sâu như thế nào.
Kế
đến được tin chuyến bay rớt vào ngày 15 tháng 3 năm 1975,
tôi như người mất hồn. Tôi không biết các con tôi có trong
chuyến bay đó không! Ðến bây giờ tôi không thể hình dung
được nỗi khủng hoảng tinh thần của tôi lúc đó. Tất
cả trời đất sụp đổ trước mắt tôi, bao nhiêu hy vọng
đã biến thành tuyệt vọng. Ðã vậy còn thêm sự xỉ vả
bên gia đình chồng và bạn bè của anh Bá. Họ bảo tôi đem
con bỏ chợ, một số còn cho rằng tôi đem con bán cho Mỹ
để lấy tiền. Sau chuyến bay rớt đó, tôi được người
quen làm việc trong trung tâm FCVN cho biết là chúng nó chưa
đi. Còn đứa ở Welcome Home thì sao ? Tôi vẫn chưa hoàn
hồn. Mãi sau này tôi mới biết đứa 11 tuổi rời khỏi VN
trong chuyến bay cuối cùng của các trẻ mồ côi, ngày 28 tháng
4 năm 1975.
Tôi
viết đến đây nước mắt tôi đã ràn rụa, một quá khứ
quá hãi hùng. Các gia đình tôi được biết trong hoàn cảnh
và điều kiện như tôi, họ đều thất lạc và mất hết
con. (Sau này nếu có dịp tôi sẽ tường thuật cơ may nào
tôi đã tìm lại được hết các con. Khi chúng đến Mỹ, họ
đã thay đổi họ tên các con tôi cũng như không cho biết các
con tôi đến đâu và ở đâu.)
Mãi
đến năm 1986 tôi gặp được một cựu sĩ quan QLVNCH. Anh này
đã bị cọng sản giam cầm 8 năm, khi được trả tự do về
thì vợ anh đã đi lấy chồng khác. Thế là chúng tôi kết
hôn, và chính phủ Mỹ đã chấp thuận cho chúng tôi đến
Mỹ theo diện HO năm 1990. Sau 16 năm trường tôi gặp lại các
con tôi. Những đứa trẻ này lớn lên ở Mỹ, chúng nó không
còn nhớ lấy một tiếng Việt, còn tôi với vốn sinh ngữ
quá nghèo nàn không đủ từ để diễn tả những xúc động
của mình. Chỉ còn biết khóc và khóc, không còn hoàn cảnh
nào éo le hơn của mẹ con tôi.
Khi
3 đứa nó đến Mỹ thì được hai gia đình Mỹ nhận ở hai
tiểu bang khác nhau. Riêng đứa con trai lớn của tôi, Hoàng
Ðại Hải, phải trải qua một cuộc hành trình đầy gian khổ,
nhưng với ý chí mãnh liệt, cháu đã đến được đất nước
tự do, lúc bấy giờ cháu đã 26 tuổi. Khi còn ở VN cháu chưa
học hết ban trung học, nhưng chỉ có 7 năm sau cháu đã tốt
nghệp Bác sĩ Nha khoa, hiện có phòng mạch ở Tacoma,
WA.
Cháu
trai khi rời khỏi VN lúc 11 tuổi, Hoàng Ðại Hanh, sau khi đến
Mỹ được 4 năm thì gia đình nuôi cháu đã dời sang Thụy
sĩ. Năm cháu 20 tuổi cháu đã lấy được mảnh bằng Kỹ
sư điện. Cháu đã cố gắng đi làm, gom góp dành dụm tiền
gởi về cho mẹ ở VN để tìm đường cho anh nó vượt biên.
Sau đó cháu đỗ thêm bằng MBA, hiện cháu đang làm cho một
công ty Mỹ ở Thụy sĩ.
Ðứa
con gái thứ ba của tôi, Hoàng Thị Minh Khuê, khi đi mới đầy
9 tuổi, cháu cũng đã đỗ bằng MBA và hiện đang là một
cấp chỉ huy của Credit Suisse First Boston Corporation tại
New
York.
Cháu
trai út, Hoàng Ðại Huy, khi đi cháu được 7 tuổi, nay cũng
đã trở thành Bác sĩ chuyên về Radiology tại một bệnh
viện ở vùng San Francisco.
Phần tôi, qua bao gian khổ, tôi đã đến Mỹ với phần thưởng tinh thần thật to tát. Tôi thật sung sướng khi thấy các con tôi đã thành thân và thành nhân, không đứa nào hư hỏng. Tôi viết bài này để đại gia đình điện lực chia xẻ với tôi những phần thưởng này, và tôi rất vui và hãnh diện khi nghĩ rằng anh Bá bên kia thế giới đã phù hộ cho các con, và bây giờ đang mỉm cười với sự thành công của các con mình.