Ra
khỏi thang, chúng tôi đi qua hệ thống kiểm soát nhập khẩu
khá dễ dàng của nước Pháp, ông "tây đoan" chỉ dở Visa
mỗi người, đóng dấu là xong, rồi theo đoàn hành khách ra
ngoài. Vừa ra khỏi cổng, ba bố con đang lớ ngớ trong đoàn
người nói tiếng tây xì xồ, rất là bối rối, thì đã thấy
anh NN Quế vẫy tay đón chào. Mừng húm, bạn ta, "thân hữu
điện lực" đây rồi !
Gặp
nhau tay bắt mặt mừng, vỗ vai: "mấy chục năm rồi nhỉ,
già mà còn đi chơi được là mừng rồi" (chỉ tôi); "cậu
còn gân guốc lắm" (chỉ Quế). Tôi vừa giới thiệu hai
đứa con để chào "ton ton" Quế, anh Quế đã nói liên
tiếp: "tớ với cậu có ba cái đồng: đồng trường, đồng
nghiệp, và lại ... đồng hương; tớ cũng ở vùng Hòa Hưng,
hồi đó cậu ở trong con hẻm góc đường Hòa Hưng và đường
Lê Văn Duyệt, đầu hẻm có tiệm phở Mỹ Tiên, HGT thì ở
cư xá công chức phía trong đường Hòa Hưng". Tôi phục
anh Quế có trí nhớ tốt! Hồi trước 75, tụi tôi thường
liên lạc điện thoại, anh Quế lúc đầu làm việc ở Phối
trí Chợ Quán, sau đổi lên nhà máy biến điện Thủ Ðức.
Anh
Quế kéo tôi vào tiệm cà phê ở phi trường, anh bồi quán
là người Việt ra chào lấy order, rồi anh Quế hỏi
địa chỉ khách sạn tôi đã giữ phòng, dở bản đồ nghiên
cứu, tìmđường lái xe cho
dễ. Phi trường De Gaulle ở phía Ðông Bắc, đi về Paris bằng
xa lộ rộng rãi, tới phạm vi thành phố thì vào xa lộ vòng
đai, tiếng tây gọi là
périphérique, đi về phía nam
rồi vào Paris theo "cửa nước Ý" (porte dItalie). Về
sau tôi mới biết là Paris có rất nhiều cửa vào (tương tự
nhưcửa ô ở Hà Nội). Vào
tới quận 13 tôi thấy cảnh vật có vẻ quen thuộc, đường
phố tương tự như những đường phố ở Hà Nội hay Sài
Gòn mình đã đi qua: lòng đường nhỏ, xe cộ chạy tấp nập,
chật cứng; nhưng vỉa hè bằng gạch rộng rãi, có nhiều
chỗ trồng cây mát mẻ. Nhà cửa thì năm bẩy từng, tầng
dưới mặt tiền đường để làm cửa tiệm buôn bán, các
tầng trên là văn phòng hoặc nhà ở. Con đường Choisy
có khách sạn tôi mướn nằm giữa khu phố Tầu (và Việt),
có rất nhiều các tiệm ăn, tiệm thực phẩm, tiệm bán đồ
kỷ niệm ...
Vào
khách sạn, tôi gặp thiên hạ nói vừa tiếng Tầu vừa tiếng
Việt, đưa giấy tờ và nhận phòng ở lầu ba. Khách sạn
có thang máy, nhỏ xíu nhưng ... chạy được; phòng cũng nhỏ
nhưng sạch sẽ, có giường riêng cho mỗi người, trong phòng
có phòng tắm, điện thoại và TV đàng hoàng. Sau khi nhận
phòng, anh Quế rủ đi ăn phở. Tiệm phở trong khu thương xá
Việt Nam ở đường Ivry, ngay bên cạnh đường Choisy.
Trong khu thương xá tôi thấy có tiệm băng nhạc Thúy Nga Paris,
có lẽ đây là cơ sở chính sản xuất các băng nhạc Paris
By Night, khi đi ngang nhìn vào tôi thấy bà chủ tiệm nhan
sắc cũng mặn mà nhưng hình vóc thì rất "đồ sộ".
Ăn
phở xong anh Quế từ giã, trước khi về anh Quế còn dẫn
tôi đi mua thẻ gọi điện thoại, lại không quên mách cho
tôi các tiệm ăn khá ở khu này nhưPhở
Thu, phở Bida, tiệm Hùng Vương, v.v...
Buổi
tối hôm đó tôi điện thoại cho PH Bình, anh Bình hẹn tôi
"đến 10 giờ tớ ghé thăm cậu". Dân Paris thức khuya
thật. Về sau này tôi được biết các thói quen về giờ giấc
khác, thí dụ như các tiệm ăn đóng cửa sau giờ ăn trưa,
đến khoảng bẩy giờ tối mới mở cửa lại, tám chín giờ
khách mới bắt đầu tới, bữa ăn tối thường kéo dài hai
ba tiếng đồng hồ đến nửa đêm là thường. Sau này tôi
lại còn biết thêm về sự thức khuya của dân Pháp khi đi
chơi trên đại lộ Champs Élysées. Trên con đường được
mệnh danh là thanh lịch nhất thế giới này, người ta (đa
số là du khách) đi lại suốt đêm, các cửa hiệu bán áo
quần, nước hoa ... thì mở cửa đến 2 giờ đêm, còn các
quán cà phê thì mở cửa đến 5 giờ sáng!
Mười
giờ tối thường ở Mỹ đã ít ra đường, nhưng đường
phố ở quận 13 vẫn tấp nập. Anh Bình tới tìm tôi ở khách
sạn rồi tụi tôi kéo nhau ra tiệm ăn Việt Nam gần đó nói
chuyện. Thấy anh Bình áo quần bảnh bao như ... Parisien,
nét mặt lại sáng sủa, trẻ trung, tôi hỏi: "cậu làm cách
nào mà sau hơn 25 năm tớ trông cậu vẫn trẻ và khỏe mạnh
như xưa?" anh Bình cho biết mấy năm nay anh theo học được
môn khí công của một ông võ sư Việt Nam, nên nhờ vậy sức
khỏe tăng tiến. Anh còn cho biết trước đây anh đã về hưu
nhưng từ khi luyện khí công thấy khỏe ra, ở nhà cuồng cẳng
không chịu nổi nên phải đi làm. Thế là sau anh HVP, trong
nhóm THÐL lại có thêm anh Bình cũng tìm ra môn luyện tập
sức khỏe rất hiệu nghiệm. Ngồi hàn huyên tới gần nửa
đêm thì anh Bình phải về để sáng đi làm, trước khi về
anh còn chỉ bố con tôi cách đi metro để chúng tôi đi
chơi Paris.
Hai
ngày sau, anh chị Bình và anh Quế chở tôi lại thăm thầy
Khắn. Nhà thầy cũng ở quận 13, từ khách sạn tôi ở anh
Bình lái xe vòng vòng một lát là tới. Lên nhà chào thầy
và cô, tôi thấy thầy vẫn còn rắn rỏi, hỏi thăm sức khỏe,
thầy nói "tôi đã 77 tuổi rồi đo!" Nhớ độ
nào khi còn ở Sài Gòn, tụi tôi đi đánh tennis ở sân
Chợ Quán thường được xem thầy đấu với ông NV Sáng.
Ông Sáng có lối đánh banh rất đẹp và chắc chắn, thường
ngang ngửa với thầy vài hiệp đầu, nhưng lại bị thua vào
các hiệp sau vì lối đánh bền bỉ dai sức của thầy Khắn,
chúng tôi thường nói rỡn là ông Sáng thua vì "nước mau sôi".
Lại có điều đáng phục nữa là thầy và cô đã lớn tuổi
như vậy mà năm nào cũng đi sang Phi Luật Tân thăm gia đình
người con trai. Hôm đó thầy Khắn kéo mọi người đi ăn
sea
food tại một tiệm nằm ở ngoại ô Paris, cạnh một khu
chợ bán đồ biển mà phải những tay "thổ công" Paris như
thầy Khắn mới biết. Chúng tôi được thưởng thức các
món tôm cá cua sò tươi cùng món súp bouillabaisse chính
cống Pháp thật đặc sắc. Bữa ăn kéo dài tới khuya, tôi
được dịp cùng thầy Khắn, anh chị Bình, anh Quế hàn huyên
các chuyện từ thời trước 75 ở quê nhà tới các chuyện
thời mới di cư tị nạn cho tới bây giờ. Ðêm đó thầy
lái xe chở ba bố con tôi về tận khách sạn rồi mới từ
giã.
Cuối
tuần, tôi và hai cháu được anh NQ Hữu từ Bỉ lái xe qua
đón về Bỉ chơi với các bạn. Con trai anh Hữu là cháu Huy
làm việc ở Paris nên anh đến Paris từ chiều thứ sáu, sáng
thứ bẩy đến khách sạn đón chúng tôi. Kể từ lần từ
giã hồi tháng 4-75 tại văn phòng khu Nam đến nay là hơn 26
năm, tôi gặp lại anh Hữu thật mừng. Hơn một phần tư thế
kỷ trôi qua, tụi tôi chắc hẳn là phải già, nhưng trông
NQ Hữu vẫn còn phong độ, lại có vẻ tiên phong đạo cốt
với chòm râu mép và mái tóc điểm sương. Anh vẫn có lối
nói chuyện dí dỏm như xưa, và vẫn còn dáng nghệ sĩ, đi
đâu cũng đeo túi xách đựng máy chụp hình. Chỉ khác là
bây giờ anh chụp hình bằng máy digital, nhờ vậy ba
bố con tôi khi về được anh Hữu thu vào CD bộ hình chụp
ở Paris, Brussels và Amsterdam thật đẹp. Anh Hữu
đi cùng con trai thứ hai là cháu Huy, cháu đã tốt nghiệp bên
Bỉ nhưng hiện đang làm việc ở Paris. Cháu Huy thật giỏi
và siêng năng, còn rất trẻ mà đã lập một hãng riêng làm
cố vấn về điện toán nên cháu rất bận rộn. Trước khi
đi, bố con tôi được anh Hữu và cháu Huy kéo sang thương
xá Việt Nam gần đó ăn phở, rồi nhân còn sớm lái xe chở
ba bố con tôi đi một vòng Paris. Cháu Huy biết rất nhiều
về thành phố này, đưa chúng tôi đi thăm khu đại học Sorbonne,
thăm điện Panthéon có con lắc Foucault (nhà bác
học này đặt ra để chứng minh trái đất quay), rồi theo
yêu cầu của các con tôi, cháu Huy đã dẫn chúng tôi đi coi
đường hầm cạnh sông Seine nơi xẩy ra tai nạn xe hơi
làm chết công chúa Diana. Con gái tôi rất thích, bèn
được bác Hữu chụp cho tấm hình cháu ngồi tại đài kỷ
niệm công chúa Diana trên đường hầm, rồi tối đó xin bác
Hữu cho dùng computer gửi tấm hình theo email về
cho các bạn bên Mỹ. Sau đó cháu Huy lên metro về nhà ở Paris,
nhường chiếc xe BMW mới tinh của cháu cho bố chở bạn về
Bỉ. Trước khi lên đường, anh Hữucòn
ghé nhà của vợ chồng cô em gái chị Hữu lấy đồ. Nhà
cô em chị Hữu ở vùng ngoại ô Paris, nhà cất theo kiểu villa,
cũng có vườn chung quanh rộng rãi như các nhà bên Mỹ.
Brussels
cách Paris khoảng gần 300 cây số, đường xa lộ rất tốt,
xe chạy khoảng ba tiếng đồng hồ tới nơi. Trên đường,
anh Hữu chỉ cho tôi thấy phong cảnh đồng quê miền bắc
nước Pháp thật đẹp, chúng tôi đi qua những cánh đồng
xanh tươi, những làng Pháp có những ngôi nhà ngói đỏ, làng
nào cũng có ngôi nhà thờ có mái nhọn và cây thánh giá vượt
cao lên. Khi vượt ranh giới Pháp Bỉ, tôi không thấy trạm
kiểm soát, và dấu mốc ở biên giới hai nước cũng rất
nhỏ, anh Hữu nói Âu châu có khuynh hướng xóa bỏ biên giới!
Tuy vậy qua tới Bỉ cũng thấy phong cảnh có điểm khác biệt.
Anh Hữu nói dân Bỉ có vẻ "khờ" hơn dân Pháp, chắc ý anh
nói thật thà chất phác hơn. Nước Bỉ nhỏ, dân số khoảng
10
triệu, theo chế độ quân chủ lập hiến, nhưng vua và hoàng
gia Bỉ ít được báo chí nhắc tới, chắc vua Bỉ cũng hiền
lành như dân xứ này nên không có gì để báo chí khai thác.
Tuy là nước nhỏ nhưng Bỉ có địa vị rất quan trọng ở
Âu châu. Về phương diện chính trị, Bỉ được coi như thủ
đô của Âu châu vì tổ chức Liên hiệp Âu châu đặt trụ
sở ở Brussels. Trong phạm vi quân sự, Brussels cũng là nơi
Bộ tư lệnh của khối Minh ước Bắc Ðại tây dương (NATO)!
Hóa ra Bỉ quốc tuy là nước bé, nhưng là bé hạt tiêu.
Tuy
vậy, trong nội bộ nước Bỉ có vấn đề về ngôn ngữ rất
trầm trọng. Dân Bỉ một nửa nói tiếng Pháp, nửa nói tiếng
Hòa Lan, hai sắc dân này không ưa nhau. Anh Hữu kể câu chuyện
vui là dân Bỉ nói tiếng Pháp tới vùng nói tiếng Hòa Lan
mà hỏi chuyện bằng tiếng Pháp thì thường không được
trả lời. Nhưng người ngoại quốc (tỉ dụ như dân Việt
Nam) nói tiếng Pháp thì không sao vì cho là dân ngoại quốc
có thể tha thứ được! Anh Hữu còn nói là các bảng số
xe ở Bỉ đều không ghi địa phương xuất xứ để phòng
người bỉ gốc Pháp đi đến khu vực nói tiếng Hòa Lan (và
ngược lại) không bị phá xe. Sau này khi gặp anh Thới, tôi
còn được nghe anh kể là ở sở làm, trong các buổi họp
mà có nhân viên nói tiếng Pháp họp chung với nhân viên nói
tiếng Hòa Lan thì không bên nào chịu bên nào, bèn quay ra nói
tiếng Anh !
(Brussels,
Belgium, 6/2001: Ba bố con TH NT Cảnh,
các
TH NK Thới & NQ Hữu)
Chúng
tôi tới nhà anh NK Thới, anh chị Thới và các bạn đã chờ
sẵn, lại còn có cả thế hệ thứ hai rất là đông đảo.
Ngoài anh chị Thới, anh chị Hữu, còn có anh chị Huỳnh Vân
ở Liège cách Brussels cả trăm cây số, và anh chị Lê
Vĩnh Quyên. Các cháu thuộc thếhệ
thứ hai thì tôi không nhớ hết, chỉ biết hai đứa con tôi,
Nam (David) và Vân (Susie), thì tha hồ có bạn mà nói chuyện
bằng tiếng Việt lai Mỹ và tiếng Anh. Gặp nhau tay bắt mặt
mừng, hỏi thăm nhau rối rít, tình "thân hữu điện lực"
đậm đà thắm thiết. Anh Thới bạn cùng khóa với tôi, nhớ
hồi nào còn đi học, tụi tôi đang ở tuổi hai mươi, nay
đã trên lục tuần cả rồi! Anh Thới tóc đã hoa râm nhưng
còn giữ được dáng khỏe mạnh của thời trước. Gia đình
anh Thới đến Bỉ đã lâu, hình như anh là người đầu tiên
trong nhóm anh em ÐL tới Bỉ, hiện làm cho hãng xe hơi Volvo
ở Brussels. Các con anh chị đã lớn, học hành thành đạt
cả, có người đã có vợ có con. Anh Lê Vĩnh Quyên làm việc
cho hãng xe điện của thành phố, anh chị Quyên ăn chay trường
mà rất khỏe mạnh, làm việc nhiều, vui vẻ. Anh chị Huỳnh
Vân lái xe từLiège cách Brussels
cả trăm cây số tới dự buổi họp mặt, rồi đêm đó lại
về ngay Liège.
Bữa
đó thật vui, tôi đi gần nửa vòng trái đất được gặp
các bạn bên Bỉ thật là "tha hương ngộ cố tri", tình cảm
thật nồng nàn, bao nhiêu năm mới gặp nói sao cho hết chuyện.
Chuyện Việt Nam, chuyện Âu châu, chuyện bên Mỹ. Chị Thới
và các chị ở Bỉ thật hiếu khách, cho ba bố con tôi ăn
những món ăn Bỉ và Việt Nam thật ngon. Ăn uống xong dường
như cũng đến nửa đêm, tôi về nhà anh chị Hữu ngủ trước,
còn hai đứa con tôi được các cháu bên Bỉ chở đi thăm
thành phố ban đêm đến khuya mới về. Nhà anh chị Hữu, cháu
Huy đang ở Paris, ở nhà chỉ có cháu Hoàng con trai lớn anh
chị đã đi làm và cháu gái út đang chuẩn bị lên đại học.
Sáng
hôm sau ngủ dậy anh chị Hữu đã chuẩn bị món ăn sáng đặc
thù ở Âu châu là bánh mì và các món thịt nguội: ba tê,
jambon
rất ngon. Anh Hữu chuẩn bị xe cộ, sang đón anh Thới, đưa
ba bố con tôi sang thăm thành phố Armsterdam của Hòa Lan. Bỉ
và Hòa Lan liền nhau mà khí hậu và phong cảnh khác hẳn. Hòa
Lan đất thấp, khí hậu ẩm ướt. Chúng tôi qua đó một ngày
thấy mưa lai rai hoài. Thành phố Armsterdam có rất nhiều kinh
đào, nghe nói vì đất thấp nên phải đào kinh để thoát
nước, chúng tôi đi bộ chơi qua những cây cầu nhỏ bắc
qua những con kinh, phong cảnh rất hữu tình. Anh Hữu chụp
được mấy tấm hình phong cảnh buổi chiều trên các con kinh
thật đẹp. Anh hỏi con gái tôi có biết về
Anne Frank
không, con gái tôi nói hồi ở trung học có học và đọc The
Diary of Anne Frank, bèn dẫn chúng tôi tới thăm căn nhà của
gia đình cô bé Do Thái này cư ngụ. Căn nhà thuộc khu phố
yên tĩnh, có các từng "attic" bí mật đằng sau khu văn
phòng được chủ nhân người Hòa Lan giấu cho gia đình Anne
Frank trú ngụ trước khi bị Quốc Xã Ðức bắt, nay còn giữ
làm viện bảo tàng nhỏ cho du khách vào thăm. Các con tôi được
vào chiếc giường ngủ của cô bé Anne Frank, phòng ăn của
cả gia đình, chỗ cô bé ngồi viết nhật ký... rất lấy
làm cảm kích, sau này khi về Mỹ rất hãnh diện kể chuyện
được đến thăm căn nhà của Anne Frank cho bạn bè.
Thành
phố Amsterdam còn có những nhà cao ốc kiến trúc theo kiểu
riêng, sơn nhiều mầu sắc, trông đẹp mắt nhưng nhã nhặn,
không quá lòe loẹt. Chúng tôi thấy dân Hòa Lan dùng rất nhiều
xe đạp, những chiếc xe đạp đa số mầu đen, giản dị và
cũ kỹ, để di chuyển. Rất nhiều khu phố xây dọc theo các
con kinh, đường rất nhỏ nhưng chỉ có xe đạp, ít xe hơi
nên cũng có vẻ yên tĩnh. Anh Hữu dẫn tôi đi qua khu Á Ðông,
tôi thấy có rất nhiều tiệm ăn Tầu và Thái Lan. Không thấy
có tiệm Việt Nam nào, nhưng tôi có đi qua một văn phòng có
bảng đề bằng tiếng Hòa Lan, bên cạnh có chữ Việt "Sở
Du Lịch". Ði ngang một khu phố, anh chỉ một dẫy nhà nằm
phía xa, nói khu đó có các "cửa kính" nổi tiếng tôi có muốn
đi xem không, rất tiếc là có các cháu nên tôi dù rất muốn
nhưng đành "hẹn một dịp khác"! Ði bộ đến tối, mỏi chân
và đói bụng, anh Hữu và anh Thới dẫn đi ăn mì vịt ở
tiệm Tầu tên là New King rất ngon.
Mải
chơi ở Hòa Lan chúng tôi về đến Brussels thì đã nửa khuya,
đưa anh Thới về nhà, chào từ giã vì mai anh phải đi làm
sớm. Buổi trưa hôm sau, các anh chị lại còn tiệc tiễn đưa
ba bố con tôi trước khi về Pháp. Chị Hữu làm các món ăn
Việt Nam rất ngon, các chị Thới, chị Quyên qua, rồi anh Quyên
đi làm cũng ghé về; có cả anh Hùng, anh chị Hữu làm việc
ở trường đại học cũng về chơi. Anh Thới thì bận đi
làm nhưng cũng không quên gọi điện thoại từ sở về nhà
anh Hữu để từ giã. Ăn xong, các chị còn gửi mấy món quà,
trong đó có gói chocolat nổi tiếng của Bỉ để đem
về cho bà xã ở nhà. Các chị thật chu đáo, sau này đem quà
về cho bà xã, bả cảm động và rất tiếc đã không đi được
chuyến này!
Ba
bố con tôidự định đi xe
lửa từ Brussels về Paris để được hưởng thú đi xe lửa
tốc hành của Âu châu nhưng anh chị Hữu không cho, lấy cớ
phải sang Paris đưa giấy tờ cho cháu Huy, anh Hữu lại chở
ba bố con tôi trả về khách sạn tại quận 13. Trước khi
về, anh Hữu còn chở chúng tôi đi một vòng coi thành phố
Brussels, đi thăm khu vực nổi tiếng của thành phố là "Grand
Place". Khu này là một công trường vuông vắn, bốn chung
quanh là các tòa cao ốc rất đẹp, ở một góc công trường
có bức tượng "chú bé đứng đái" rất nổi tiếng, được
rất nhiều du khách coi. Anh Hữu còn dẫn tôi đi tìm tượng
"cô bé gái ngồi đái", tượng này đặt ở một chỗ kín
đáo hơn, anh Hữu cho rằng "tượng này tục quá nên
phải dấu đi".
Về
đến Paris đã chiều tối, anh Hữu trả ba bố con tôi về
khách sạn rồi từ giã về nhà cháu Hoàng ngủ đến hôm sau
lại lái xe về Bỉ. Thế là anh Hữu đã bận với ba bố con
tôi 5 ngày, lái xe liên tiếp cho chúng tôi đi chơi ba nước
Âu châu. Các anh chị em bên Bỉ đã bận rộn đón ba bố con
tôi trong ba ngày, cho ba bố con tôi những cảm tình tha thiết.
Về
đến Paris, ba bố con tôi trong tuần còn lại đi thăm khắp
nơi trong thành phố. Chúng tôi tới nhà thờ Notre Dame de
Paris thăm phong cảnh huyền bí thời Trung cổ mà tôi đã
mê khi coi cuốn phim quay theo chuyện của Victor Hugo; đi
thăm viện bảo tàng Louvre để được nhìn tận mắt
bức pho tượng Venus de Milo, bức tranh Mona Lisa;
thăm nhà thờ Sacré Coeur nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống
Paris; thăm tháp Eiffel, các quán sách cũ bên bờ sông
Seine; lại còn được đi thăm khu Saint Germains Des Prés,
công trường Saint Michel, con đường Saint Germain,
đi qua những quán cà phê nổi tiếng Les Deux Margots và
Café
Flores nơiJean Paul Sartre,
Albert Camus ... thường lui tới. Có ngày, chúng tôi còn "mò"
vào nghĩa trang Père Lachaise thăm mộ của các danh nhân
như nhạc sĩ Chopin, nhà thơ Appollinaire, nhà văn
Marcel Proust, nhà văn Alphonse Daudet, nhà thơ ngụ
ngôn La Fontaine, nhà viết kịch Molière, nhà văn
Honoré de Balzac ...
Sau
hai tuần lễ đi chơi, tôi hy vọng các con tôi học hỏi ít
nhiều về các thành phố Âu châu. Khi về nhà, tôi hỏi bọn
chúng nghĩ gì về chuyến đi, chờ đợi chúng sẽ có những
nhận xét về nước Pháp, nước Bỉ ... Các con tôi ngẫm nghĩ
một lát rồi không trả lời thẳng câu tôi hỏi mà hỏi tôi
ngược lại: "tại sao ở đâu bố cũng có nhiều bạn, mà
bạn bố sao tốt thế?".
Tôi
chưng hửng, nghĩ mãi mới tìm được câu trả lời: "vì
bố là một thân hữu điện lực, các bạn bố là các Thân
hữu Ðiện lực đấy con ạ!". Thì ra các con tôi đã học
được điều quan trọng hơn tôi tưởng.