Tôi
không phải là kẻ vô thần và cũng không theo một tôn giáo
nào, hiểu theo nghĩa là không qui y lấy pháp danh, không rửa
tội xin tên thánh. Noi theo niềm tin của ông bà cha mẹ, tôi
tin và luôn rán sống theo lời dậy của đức Phật. Tôi ít
khi đi chùa ngoại trừ những dịp quan hôn tang tế. Ngày thứ
sáu 14/9/2001 trong lúc hãy còn bàng hoàng trước cảnh tượng
hãi hùng khi tòa nhà WTC sụp đổ, kèm
theo nỗi căm giận và kinh tởm trước hành động tàn ác của
bọn khủng bố, tôi đã đến một ngôi chùa, cầu nguyện
cho những người thiệt mạng, cho những nhân viên đang làm
công việc cấp cứu và nhất là cho gia đình các nạn nhân,
những người còn phải chịu đựng suốt đời họ ảnh hưởng
của hành động man rợ này.
Tôi
nghĩ về thuyết nhân quả được một số người đưa ra để
giải thích cái chết tức tưởi của hơn 3 ngàn người. Trong
vụ này cách giải thích đó đối với tôi thiếu tính thuyết
phục khi tôi nghĩ về những tên khủng bố và đồng bọn
của chúng. Nếu có nhân và có quả thì tôi muốn biết những
tên đó kiếp trước là loại người hay loại vật gì, mà
kiếp này chúng được lên làm người để đem tai họa và
đau khổ cho hàng ngàn người khác. Hẳn kiếp trước chúng
không thể là loài độc ác, bởi nếu thế thì kiếp này chúng
sẽ phải đền tội. Và nếu nói cái chết của những nạn
nhân là do tiền kiếp của họ đã làm nhiều điều ác nên
kiếp này phải "đền tội" thì thử hỏi kiếp trước của
những tên khủng bố đã làm gì mà nay chúng lại được cái
quyền "xử tội" người khác. Hoặc giả như cho rằng chúng
chỉ là "sứ quân nhà Trời" đầu thai xuống trần để "xử
tội" những người có tiền kiếp ác độc, thì câu hỏi của
tôi là sau khi thi hành xong "sứ mạng" này, kiếp sau chúng sẽ
đầu thai ra cái gì, có bị đền tội không, và sẽ bị đền
tội như thế nào? Sau ngày 30/4/75 tôi cũng đã có những thắc
mắc tương tự như thế về tiền kiếp của bọn cộng sản
khi được nghe lời giải thích rằng dân tộc Việt Nam phải
chịu đựng lầm than đau khổ dưới chế độ độc tài cộng
sản, là để trả giá cho hành động của tiền nhân ngày
xưa trong lúc Nam tiến đã phạm tội diệt chủng người Chàm.
Ngày
chủ nhật 16/9/2001 vì nghe tin tức không chính xác, tôi hụt
đến tham dự một buổi nói chuyện của Thiền sư TNH. Nhưng
sau đọc những bài tường thuật, tôi không còn tiếc rẻ
vì đã lỡ không đến nghe buổi nói chuyện đó. Trong khi vẫn
luôn luôn muốn tuân theo lời Phật dạy, tôi thấy có một
cái gì không lọt tai khi nghe nhiều người lên án hành động
tấn công trả đũa của nước Mỹ và kêu gọi "lấy ân
báo oán". Làm sao dung hòa được lý thuyết và thực tế,
để đừng "chân đứng dưới đất mà nói chuyện trên
trời". Cho đến 2 tháng sau đọc bài tường thuật trên
báo chí về tin 8 người truyền giáo phương Tây bị chính
quyền Taliban bắt trước đó đã được giải thoát,
có một câu nói của người trưởng nhóm, ông George Taubmann
mà tôi rất đồng ý: "I’m a Christian and I have to forgive
and I have forgiven them for what they (the Taliban) have done. But as
human beings, we hate what they did to us". Theo tôi đây là một
thái độ thực tế nhất, có tính nhân bản nhất.
Cũng
từ câu chuyện 9/11, khi nước Mỹ động viên quân nhân trừ
bị, một bạn hỏi tôi : "Sao cậu có còn sẵn sàng cầm
súng để bảo vệ nước Mỹ không?". Anh bạn muốn nhắc
đến câu "Yes, I do" tôi trả lời trong cuộc phỏng vấn
khi nhập tịch hai năm trước đây. Thực tế, chắc nước
Mỹ chẳng cần gọi đến lượt tôi vào lính, thành thử nếu
trả lời anh bạn là tôi vẫn sẵn sàng thì nghe như "xạo".
Nhưng thẳng thắn mà nói trong hoàn cảnh hiện nay đâu phải
chỉ cầm súng mới là tiếp tay bảo vệ. Cho nên dù tôi không
có cơ hội được cầm súng, nhưng tôi sẽ không để cho bọn
khủng bố gây sợ hãi, mất niềm tin vào sự tự do của quốc
gia này.
Một
trong những điều tôi ước muốn khi về hưu là còn có thể
lái xe đi thăm thú nước Mỹ. Thuở nhỏ đi coi xi-nê tới
những đoạn phim quay phong cảnh đẹp tôi ước ao có ngày
được đặt chân đến. Ngày nay, điều mơ ước đó ở trong
tầm tay. Điều kiện còn lại là thời gian và sức khỏe,
chủ yếu là thời gian vì sức khỏe cũng chỉ là một hàm
số nghịch biến theo thời gian. Về sức khỏe để đi chơi,
cũng có những yếu tố bất định. Năm ngoái tôi có dịp
thử làm một chuyến đi xa đến Vancouver, Canada. Mặc
dầu đã luân phiên chia tay lái với một anh bạn đồng hành,
nhưng sau chuyến đi 11 ngày tôi thấy đuối và có vẻ như
không kéo dài hơn được nữa.
Về tin tức trong gia đình, ngoài cháu trai út của tôi ở xa, cháu trai giữa và gia đình cháu gái đầu mỗi cuối tuần đều về sum họp với vợ chồng tôi, đem những âm thanh và không khí làm ấm căn nhà suốt tuần im vắng. Có lần tôi nghe một vị mục sư nói chuyện về gia đình. Ông phân tích chữ “family”, gồm 3 âm, Fa, Mi và Ly. Ba mẫu tự đầu mỗi âm, chữ F là viết tắt của Father, M là Mother và L thay cho Love. Và family, gia đình, là biểu hiện tình thương yêu của cha và của mẹ. Lời giải thích cho dù có tính gượng ép, nhưng quả là có ý nghĩa.
Khi
bạn đọc được thư này thì một cái Tết khác sắp tới.
Theo người Việt mình “tháng Giêng là tháng ăn chơi”,
nên vẫn không sớm để tôi gửi lời chúc năm mới. Xin chúc
bạn và gia đình sang năm mới được dồi dào sức khỏe,
tràn đầy hạnh phúc, cuộc sống thư thái, thảnh thơi.
Thân
mến,