Chúng
tôi ở Sài gòn không hay biết gì, đến khi đọc trên báo
Chính
Luận bài phóng sự của ký giả Nguyễn Tú nói về cuộc
rút binh bi thảm với những sự kiện kinh hoàng mới biết.
Chính phủ thì vẫn yên lặng, cho đến khi dân chúng xôn xao
quá TT Thiệu mới tuyên bố, trong bài diễn văn ông bào chữa
cho cuộc rút binh, là “không cố thủ Pleiku” và đưa ra từ
ngữ mới: "tái phối trí lực lượng".
Trước những biến cố dồn dập, tôi và các bạn hàng ngày họp nhau bàn tán xôn sao. Ban đầu chúng tôi cố tin vào những dư luận trấn an như: chia đất, chia vùng ... rồi kẻ đoán thế này, người đoán thế nọ, rất hoang mang lo lắng. Dần dần, tới những ngày cuối tháng 3 thì tình hình càng tồi tệ. Chính phủ không còn đưa ra tin tức quân sự nữa, dân chúng phải bắt các đài ngoại quốc như BBC, VOA nghe tin tức. Tình hình càng ngày càng suy đồi, gần như mỗi ngày lại mất một tỉnh. Đến khi mất Huế, Đà nẵng, vị tướng lãnh rất được kính trọng là tướng Ngô Quang Trưởng được tầu Hải quân đưa về Sài gòn, ngất xỉu trên tầu. Rồi Quảng ngãi, Nha trang, Tuy hòa ... từ từ mất mà không có giao tranh. Đếán khi Đà lạt mất tôi được biết qua những tin tức của những người dân từ ø Đà lạt chạy về.
Tình
hình thay đổi hàng ngày, tuy vẫn đi làm, nói chuyện vui vẻ
với bạn bè, nhưng tôi cảm thấy là đã đi dần đến chỗ
tuyệt vọng. Tôi gọi điện thoại cho người bạn trước
là “vua xuống đường”, hiện đang là dân biểu quốc hội.
Thường ngày, anh ta là người nồng nhiệt, tự tin; hôm đó
cũng tỏ vẻ buồn rầu lo lắng, trả lời ỉu xìu : “mình
thua chứ không phải chia đất gì hết “!
Khoảng
giữa tháng 4 , tôi được anh NQ Thiều gọi vào trao cho sự
vụ lệnh đi công tác tại đảo Phú quốc để liên lạc và
quan sát hải cảng hầu đưa máy phát điện Diesel ra Phú quốc,
chạy theo yêu cầu của cơ quan phụ trách về người tỵ nạn.
Lúc ấy đảo Phú quốc có rất nhiều người tỵ nạn, đa
số là dân chúng chạy loạn từ miền trung và cao nguyên được
tầu hải quân đưa ra tạm trú ở đây.
Tôi
lãnh sự vụ lệnh nhưng kiếm khắp nơi không có phương tiện
nào đi Phúù quốc. Tìm mua vé Air VN không được, tôi đi xin
các phương tiện của quân đội thì chỗ nào cũng bận rộn
không nơi nào cho. Tôi cứ loay hoay đi xin phương tiện, đi
công tác, mỗi ngày vào sở trình diện một lát rồi lại
đi. Ở Điện lực lúc này mọi người đã bi quan, ai cũng
thấy rõ miền
Sau
cùng, tôi gọi người bạn thân, vợ chồng anh đang làm cho
một công ty hải sản ở miền Tây. Khi tôi gọi, bạn tôi
còn lo ... đi bắt tôm để về đông lạnh xuất cảng, và
cho rằng tình hình chưa đến nỗi nào. Vài ngày sau, vợ chồng
anh ta về Sài gòn, anh đi một vòng hỏi thăm tin tức mới
công nhận là tình hình tuyệt vọng và quyết định tìm kế
hoạch di tản. Tụi tôi kết hợp nhóm anh em thân thiết, tính
lập kế hoạch đưa anh em xuống miền tây, khi biến động
thì kéo nhau xuống tầu đi luôn. Nhưng sau, trong nhóm có người
kiếm được phương tiện của người Mỹ bốc đi, nên tôi
được nhập vào đi luôn.
Sáng
sớm ngày 27 tháng 4, 75, tôi nhớ là ngày chủ nhật, nhóm chúng
tôi tới điểm hẹn tại một cơ sở Hoa kỳ góc đường Hiền
Vương và Nguyễn Thông. Đây là khu đất trống từ thời chính
phủ đệ nhất cộng hòa, sau được người Mỹ mướn xây
cất thành một căn cứ chuyển vận. Nhóm của tôi đến đứng
chung với khoảng vài chục người khác, tất cả đều lặng
lẽ, không ai nói lời nào, hoặc chỉ trao đổi nhau những
lời thì thầm nhỏ. Một nhân viên Hoa kỳ dáng gầy gò khắc
khổ, cầm máy walkie-talkie đi lại, thỉnh thoảng dừng
nói chuyện với đám người chờ đợi bằng tiếng Việt khá
sõi. Sau này tôi được biết ông ta là Ed Jones. Chờ
đợi một lát thì có một nhân viên người Việt tới giải
thích vắn tắt là tình trạng đã tới lúc khẩn trương, rất
khó có máy bay đi thẳng qua đảo Guam, vì vậy nhóm chúng tôi
sẽ sẽ được đưa ra đảo Phú quốc rồi từ đó sẽ đi
bằng tầu thủy.
Đến giờ di chuyển, cả nhóm chúng tôi được đưa lên những xe cam nhông bịt bùng, tôi còn nhớ lúc xe đi trên đường Công Lý, tôi nhìn xuống còn thấy đường phố Sài gòn vẫn có những sinh hoạt bình thường với những xe gắn máy chạy tấp nập. Khi tới phi trường TSN, đoàn xe vào phi trường bằng lối riêng, không phải qua trạm kiểm soát. Vào trong, xe chạy thẳng vào trạm hành khách của hãng Air America. Ở đó chúng tôi được người hướng dẫn sắp hàng lấy vé máy bay đi Phú quốc.
Sau
khoảng 2 giờ bay, máy bay đáp xuống phi trường Dương đông.
Ra khỏi máy bay trời nắng rát và khô, nhưng có chút gió biển
nên cũng thoáng phần nào. Người Mỹ đi cùng với chúng tôi
nói chuyện với mấy sĩ quan VNCH, tôi thấy có vị đeo lon
đại tá Hải quân và tôi nghe có người nói thầm: “Đại
tá Đặc khu trưởng đặc khu Phú quốc”. Chúng tôi được
những xe GMC nhà binh di chuyển về một trại, có lẽ là một
doanh trại của quân đội được sử dụng làm trạm chuyển
tiếp cho cuộc di tản. Đến đây tụi tôi được nhân viên
Mỹ đi cùng từ Sài gòn
bàn giao cho trại. Người chỉ huy trại là một nhân viên Mỹ
già, mặc quần áo dân sự, nói vắn tắt vài lời với nhóm
người mới đến, đại khái là
“từ giờ phút này quý vị dưới sự quản trị của chính
phủ Hoa kỳ, trong vài ngày tới sẽ có tầu của hạm đội
số 7 đón sang Mỹ... “
Nhóm
chúng tôi được hướng dẫn về một phòng trống nghỉ tạm.
Phòng không có giường chiếu chi cả, mọi người phải ngủ
ngay dưới đất, sau chúng tôi xoay xở mượn tạm một số
chiếu ngủ đỡ. Trại cũng không cung cấp đồ ăn, mọi người
phải tự túc lấy. May trong nhóm có một số phụ nữ mang
theo một số đồ ăn khô như thịt chà bông, bánh mì ... ăn
tạm ngày hôm đó. Ngày hôm sau, chúng tôi được biết thêm
về các sinh hoạt của trại, mỗi buổi sáng có một xe cam
nhông chạy ra chợ Dương đông, mọi người có thể gửi mua
thực phẩm và một số đồ dùng cần yếu, nhóm chúng tôi
vì mới đến nên được cử vài người theo xe ra chợ. Tôi
bèn xin đi. Trước khi đi chúng tôi được dặn dò không được
tiết lộ cho ai biết về trại, và mỗi người khi đi được
đóng một con dấu vào bàn tay trái để khi về nhận diện
cho vào trại. Lần đầu tiên
tôi được thấy Phú quốc, khu chợ cũng buôn bán sầm uất.
Tôi gặp một ông chủ tiệm tạp hóa ở đầu chợ, ông ta
là người bắc di cư nói: “cậu ơi, tôi từ ngoài bắc
vào nam năm 1954, vì quá sợ chiến tranh nên chọn nơi hẻo
lánh này để được yên ổn, nay không biết thế nào”.
Nhà ông nuôi con chó giống Phú quốc, con chó rất đẹp, lông
mầu xám, đặt biệt đám lông trên lưng xoắn lại thành một
đường vòng suốt lưng . Trước đây tôi được nghe về giống
chó này, nay lần đầu tiên mới được thấy. Ông chủ nói
chó này rất khôn, giữ nhà rất tốt.
Có
ngày, chúng tôi cũng ra bãi biển chơi. Biển Phú quốc thật
đẹp, có bãi cát, núi đồi, nước xanh thật hấp dẫn. Tôi
rất tiếc ở miền Nam hơn 20 năm, lần đầu tiên mới biết
cảnh đẹp ở Phú quốc thì lại sắp phải bỏ nước ra đi.
Tôi nhớ lại hồi năm 1954 khi rời miền bắc ra đi. tôi cũng
được đi ngang qua vịnh Hạ long phỏng cảnh đẹp tuyệt vời.
Mấy
ngày ở trại, tôi được thấy nhiều khuôn mặt văn nghệ
như nhạc sĩ ban AVT Lữ Liên, ca sĩ Hoài Trung, ca sĩ du ca Diễm
Chi, hai vợ chồng nhà văn Túy Hồng Thanh Nam ... họ là những
người làm việc trong đài Mẹ Việt Nam được Mỹ bốc
đi.
Ở
cạnh phòng tôi ở, tôi thấy một người đàn bà gầy gò
ở với mấy con nhỏ, thườmg nằm khóc, về sau tôi mới biết
chị là vợ của ca sĩ Bùi
Thiện. Tôi nghe nói là
khi gia đình anh chị được lên trên một xe bus để đến
phi trường, trong khi chờ xe di chuyển thì anh Thiện chạy đi
mua đồ cho con, anh chưa kịp về thì xe được lệnh di chuyển,
bỏ lại anh. Chị rất lo buồn không biết số phận chồng
ra sao nên chỉ biết khóc, tôi thấy bạn bè của chị, trong
đó có ca sĩ Diễm Chi, hay tới thăm an ủi. May mắn câu chuyện
về gia đình chị lại có một “happy ending”: khi nhóm
chúng tôi đến đảo Guam thì anh Bùi Thiện không biết làm
cách nào mà đã có mặt ở đó để đón chị và các con.
Đêm
29 tháng 4, chúng tôi được lệnh lên đường, không được
mang theo hành lý, mỗi người chỉ một túi nhỏ cầm tay. Tôi
soạn được mấy bộ quần áo và giấy tờ cần thiết vào
túi nhỏ đeo trên vai ra. Cùng nhóm chúng tôi có cặp vợ chồng
có hai con nhỏ khoảng một hai tuổi, rất may hai anh chị đã
chuẩn bị sẵn hai cái địu đeo con sau lưng. Chúng tôi xếp
hàng đi trong đêm, từng toán một leo lên xe GMC ra
hải cảng, đến nơi được xuống tầu há mồm của hải
quân chở ra khơi. Chạy được một lát thì mấy người lính
hải quân thủy thủ trên tầu nói : ”bà con sẽ ra tầu
của hạm đội 7 đi Mỹ, vậy ai còn tiền VN xin để lại
cho anh em thủy thủ”. Mọi người đều móc bóp, bao nhiêu
tiền VNCH trao cho mấy anh lính. Chạy khoảng hơn một tiếng
đồng hồ đến chiến hạm. Tôi nhìn thấy con tầu vĩ đại
sừng sững trên biển, cao băøng căn nhà 5, 6 từng, đèn thắp
sáng rực. Tôi đọc thấy hàng chữ tên tầu: USS Challenger.
Tôi chợt nhớ lại hồi năm 1954, gia đình tôi di cư từ bắc
vào nam cũng được đi trên tầu Mỹ có tên là Marine Serpent.
Tầu
há mồm cặp vào tầu lớn, từ trên tầu thả xuống các thang
dây cho mọi người leo
lên. Bây giờ tôi mới thấy lệnh cấm mang hành lý là đúng,
vì không thể nào vừa leo thang dây vừa mang theo đồ nặng
được. Tôi đi dưới anh chị có hai con nhỏ, may có địu
đeo con trên lưng nên leo lên được an toàn. Vừa leo tôi vừa
nghĩ lúc đó có ai tuột tay té thì chết chắc chắn. Khi lên
tầu, mọi người phải qua trạm khám xét, người nào có vũ
khí hay vật dụng bằng kim loại như dao nhọn đều bị tịch
thu. Trên tầu, nhóm chúng tôi kiếm một góc trong khoang tầu
cho nhóm đàn bà con nít, còn đàn ông lên ngồi trên boong.
Đây là tầu chở hàng hóa và binh sĩ, rất rộng rãi và có
nhiều từng, nghe nói có thể chở được 8, 9 ngàn người.
Chúng tôi lên hết đã quá nửa đêm, tầu há mồm của hải
quân quay về Phú quốc để đưa toán sau ra. Mãi tới gần
sáng toán sau mới ra tới, nghe nói có chuyện lộn xộn gì
đó. Khi mọi người lên hết, tầu sửa soạn để lên đường
thì trời sáng, bắt đầu ngày 30 tháng 4, 1975. Trên tầu có
người mang radio bắt đài Sài gòn, mọi người xúm lại nghe.
Chỉ có bản tin nhắc đi nhắc lại là TT DV Minh sắp tuyên
bố quan trọng. Đến khoảng hơn mười giờ thì ông Minh lên
tiếng, kêu gọi quân lực VNCH buông súng và tuyên bố “sẵn
sàng trao quyền cho mặt trận GPMN”. Tôi thấy nhiều người
quanh tôi đều bàng hoàng lặng thinh, cạnh tôi có một anh
lính trẻ ôm mặt khóc và tôi nghe đâu đó có tiếng nói vu
vơ: “thế là mất nước”!
Khoảng
không lâu sau đó bắt đầu có vài tầu từ Phú
quốc đi ra. Hình như họ đã chuẩn bị trước. Đa số là
tầu đánh cá nhỏ, chở khoảng vài chục người gồm nhiều
đàn bà con nít, có tầu có cả vị Linh mục và giáo dân.
Tầu Mỹ đang chạy ngưng lại và thuyền trưởng sau khi tham
khảo đâu đó ra lệnh cho vớt những người trên tầu nhỏ.
Những thang dây lại được thả xuống cho người ở tầu
dưới leo lên. Số tầu ra khá nhiều, vớt một lát tầu Mỹ
được lệnh di chuyển khẩn cấp, đành phải kéo thang dù
còn nhiều người muốn lên. Tôi được chứng kiến một cảnh
tượng rất đau lòng là tầu được vớt cuối cùng chỉ mới
lên được một nửa thì bị rút thang, có một gia đình ngư
phủ có đứa con trai nhỏ khoảng một tuổi nhờ hai thanh niên
ẵm lên trước, cha mẹ lên sau. Nhưng đứa trẻ vừa lên thì
có lệnh rút thang, cha mẹ kẹt lại. Thế là hai anh thanh niên
bất đắc dĩ phải mang theo đứa bé. Về sau khi tới đảo
Guam, tôi gặp hai anh này tiếp tục làm “gà trống nuôi
con”, đăït tên thằng nhỏ là Guam, đi đâu cũng sách
theo vừa bi thảm vừa buồn cười. Sau tôi mất dấu, không
biết hai anh đó có tìm ra cha mẹ đứa nhỏ mà trả lại không.
Tầu
chạy suốt ngày hôm đó, qua địa phận đảo Côn sơn rồi
tới ngoài khơi Vũng tàu thì nhập vào Hạm đội số 7. Lần
đầu tiên trong đời tôi thấy tận mắt nguyên cả một hạm
đội Hoa kỳ. Hàng trăm chiếc chiến hạm lớn nhỏ dàn trên
một vùng biển rộng lớn tạo nên một phong cảnh hùng vỹ
lạ thường. Tôi rất tiếc không biết nhiều về ngành hàng
hải quân sự để phân biệt tầu nào là tuần dương hạm,
tầu nào là khu trục hạm ... ; chỉ biết chiếc tầu nào có
sân để máy bay đáp xuống thì chắc là ... hàng không mẫu
hạm! Ngoài những tầu chiến, tôi còn thấy có khoảng 6, 7
chiếc tầu loại chở người và hàng hóa như tầu USS Challenger
chờ sẵn để vớt người tỵ nạn. Suốt ngày hôm đó, rất
nhiều tầu nhỏ chở người tỵ nạn từ Vũng tàu kéo ra,
các người trên các tầu này đều được cứu lên. Khi mọi
người đã lên hết, những xác tầu đều bị nổi lửa thiêu
hủy. Công việc này được diễn tiến suốt ngày, tới ban
đêm chúng tôi còn thấy những xác tầu cháy sáng rực. Tôi
còn được thấy nhiều trực thăng của không quân VNCH bay
ra các hàng không mẫu hạm, khi các người trên trực thăng
xuống hết, các trực thăng cũng bị đạp xuống biển. Tôi
trải qua đêm 1 tháng 5 ngoài khơi Vũng tàu, những chiến hạm
của Hạm đội số 7 Hoa Kỳ quanh tôi như một thành phố nổi,
những đốm lửa của những chiếc tầu đánh cá cháy trên
biển; tất cả làm thành
một cảnh tượng hùng vỹ và bi thảm, suốt đời tôi không
thể nào quên được.
Ngày
hôm sau, tầu US Challenger được lệnh khởi hành. Lúc đó trên
tầu đã chật cứùng người, trong các khoang tầu không có
chỗ chen chân, chúng tôi phải ngủ cả trên boong. Vấn đề
tiếp vận rất khó khăn, mấy ngày đầu mỗi người được
phát một khẩu phần ration C của quân đội Mỹ, mấy
ngày sau số khẩu phần này cũng hết, đành phải có gì ăn
nấy. Vấn đề bài tiết mới gay go. Để cung cấp cho nhu cầu
khẩn thiết này, trên thành tầu có những nhà cầu dã chiến
bằng gỗ bắc lồi ra ngoài để phân rớt xuống biển. Mỗi
lần đi cầu nghe gió vù vù, chỉ sợ lọt xuống biển. Chạy
khoảng ba ngày thì tới vịnh Subic bay ở Phi luật tân,
tầu Challenger vào hải cảng nhưng chúng tôi không được lên
bờ, tầu chỉ ngưng lại mấy tiếng đồng hồ để lấy đồ
tiếp tế rồi đi tiếp tục đến đảo Guam.
Tới
đêm 7 tháng 5, 1975, chúng tôi đến đảo Guam. Tầu cập bến
vào hải cảng khoảng nửa khuya, nhìn lên bờ, tôi thấy cảnh
tượng tương tự như bến Tân cảng Sài gòn. Tôi đi theo đoàn
người tỵ nạn xuống đất, được xuống qua cầu thang bằng
sắt chứ không còn là thang dây nữa. Rải rác ở các bậc
thang có các quân nhân Hoa kỳ đứng giúp đỡ đám người
tỵ nạn VN mệt mỏi xác xơ. Tôi đi ngang qua một anh lính
da đen còn rất trẻ, anh ta vỗ vai tôi với vẻ ưu ái và chúc “good
luck” làm tôi cảm thấy được an ủi trong tình người
ấm áp. Xuống hết thang, trên đường vào hải cảng, tôi
đi ngang qua khu vực của hội Hồng thập tự. Một nhân viên
cao tuổi, đầu bạc trắng, vẻ hiền hòa, tươi cười đứng
chào từng người bằng câu “Welcome to Guam”. Chúng
tôi cũng đi qua hàng ký giả đài truyền hình địa phương. Sau
này tôi mới biết tầu Challenger là tầu đầu tiên chạy thằng
từ VN cập bến Guam, nên chúng tôi được tiếp đón hơi đặc
biệt. Sau đó, các tầu khác cũng từ hạm đội 7 (tôi nghe
nói là có 9 chiếc tầu tương tự như tầu USS Challenger) tiếp
tục đến. Các ngày kế tiếp các tầu tỵ nạn của người
Việt như tầu VN Thương tín, tầu Tân Nam Việt ... cũng đến
đảo. Vài ngày sau thì chúng tôi được tin đoàn tầu của
Hải quân VN gồm 45 chiến hạm đủ loại do Phó Đề đốc
Hoàng Cơ Minh chỉ huy cũng đến nơi.
Ở
đảo Guam lúc đó chật cứng người. Dân chúng toàn đảo
có khoảng gần 100 ngàn người, mà số dân tỵ nạn lên tới
trên 100 ngàn người. Sau khi xuống tầu, chúng tôi đước đưa
vào khu vực có những phòng tắm, được tắm rửa thay áo
quần. Sau đó đi qua khu nhà ăn, được ăn chút thực phẩm
nóng, rồi ra xếp hàng làm thủ tục giấy tờ. Vì số người
đến quá đông, tôi phải đứng sắp hàng suốt đêm hôm đó
đến sáng ngày hôm sau mới tạm xong giấy tờ, tụi tôi mỗi
người tỵ nạn được cấp một thẻ I-94 nhỏ bằng nửa
bàn tay, trong đó có ghi là người tị nạn được chấp thuận
vào đất Hoa kỳ theo chế độ "tạm dung" (Parole). Mảnh
giấy nhỏ bé này là tất cả giấy tờ người tỵ nạn VN
được cấp khi vào đất Mỹ.
Xong
giấy tờ, chúng tôi được đưa vào một khu nhà lều lập
trên bãi cát. Khu này rộng mệnh mông, có tên là Orote Point,
sau này có thể sẽ là địa điểm lịch sử nơi người Việt
đầu tiên đặt chân lên đảo. Trại có rất nhiều lều,
mỗi lều có khoảng hơn một chục chiếc ghế bố xếp. Mỗi
người chiếm một ghế bố, mỗi gia đình chiếm một khu vực
trong lều; những kẻ độc thân (thứ thiệt hay bất đắc
dĩ) tự động làm quen với nhau cũng chiếm một số ghế bố
ở cùng lều để nương tựa lẫn nhau. Vì toàn là các lều
dựng sát nhau nên khu
vực này ngoài cái tên chính thức là Orote Point còn được
gọi là "Thành phố lều" (Tent City).
Sinh
hoạt trong trại rất là rộn rịp. Sáng ngủ dậy ra khu tập
thể rửa mặt hoặc sử dụng phòng tắm nhà tiêu công cộng,
sau đó đến khu nhà ăn tập thể ăn sáng rồi lang thang ra
khu vực công cộng của trại để nghe ngóng tin tức, tìm người
quen, đọc báo... Bấy giờ, ở Guam có một chương trình phát
thanh tiếng Việt do nữ ca sĩ Kim Vui phụ trách. Cô Kim Vui hồi
những năm 50’s , 60’s là ca sĩ khá nổi tiếng tại Sài gòn,
có giọng ca cao vút được thính giả ái mộ qua bài hát Giòng
Sông Xanh do Phạm Duy đặt lời Việt. Cô Kim Vui lấy chồng
Mỹ lúc đó đang cư ngụ tại Guam nên được mời làm chương
trình phát thanh để đáp ứng nhu cầu người tỵ nạn VN.
Về phần báo chí, trong những ngày đầu tháng 5, 75 ở Guam
đã có tờ nhật báo tên là Chân Trời Mới phát hành
trong các trại tỵ nạn. Tờ báo này do cơ quan phụ trách người
tỵ nạn xuất bản và do nhóm nhân viên VN đã từng làm việc
trong cơ quan phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn (USIS) viết. Báo
ra khổ nhỏ hơn nhật báo thường chút xíu, có 4 trang, chữ
Việt còn phải đánh dấu bằng tay những cũng rõ ràng, sạch
sẽ. Vì có chương trình phát thanh và báo Chân Trời Mới nên
chúng tôi được cập nhật tin tức. Tôi được biết một
số văn nghệ sĩ VN có mặt trên đảo : Phạm Duy, Võ Phiến,
Vũ Khắc Khoan... Ca sĩ Khánh Ly cũng đi được nhưng lưu lạc
sang đảo Wake. Chúng tôi rất khích lệ đọc trên báo
Chân Trời Mới thấy quốc hội Mỹ chấp thuận ngân khoản
450 triệu đô la để dành cho việc định cư số 145 ngàn người
tỵ nạn Đông dương. Đặc biệt, chúng tôi rất vui sướng,
có thể nói là hãnh diện, khi đọc bản tuyên ngôn của Thượng
Viện Hoa kỳ chào đón những người tỵ nạn VN tới Mỹ.
Đọc bản tuyên ngôn này, tôi cũng như toàn thể những người
có mặt trên đảo Guam lúc ấy rất cảm động. Rất tiếc
tôi không giữ được bản văn này, nhưng chắc chắn bản
văn có trong thư khố chính phủ Hoa kỳ, các vị nào muốn
viết lại lịch sử người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ có
thể vào các thư viện kiếm lại.
Về
các thân hữu điện lực, hồi đó tôi gặp một số người
như anh TS Thực, anh NT Hùng, thầy Lễ, thầy Xuân ... Ngay hôm
tôi mới đến đảo Guam, hôm sau gặp ngay TSThực ở Orote Point.
Thực có vẻ vội vã chỉ nói vắn tắt là anh rời Sài gòn
bất ngờ, không mang hành lý gì theo, chỉ có mỗi bộ quần
áo mặc trên người. Rồi anh nói đang làm giấy tờ đi Canada
vì có người em ở bển. Sau đó anh lo giấy tờ mau chóng nên
tôi không gặp anh lần nào nữa. NT Hùng thì tôi gặp trong
hoàn cảnh bi đát vì anh lạc vợ con, phải hàng ngày nhờ
đài phát thanh nhắn tin tìm. Sau đó tôi được tin anh gặp
laiï vợ con rồi chuyển trại khác vào Mỹ. Khoảng hơn tháng
sau, tôi tình cờ gặp thầy Bùi Văn Lễ trong lúc thầy đang
chờ đi Pháp, thầy Lễ cho tôi biết thầy Xuân cũng ở một
trại tại Guam. Tối đó tôi tìm thăm thầy Xuân, rồi sau đó
cả thầy Lễ và thầy Xuân cùng đi Pháp.
Tôi
cũng gặp một số nhân vật của Sài gòn như Luật sư Đinh
Thạch Bích, Luật sư Nguyễn Tường Bá... Luật sư Bá chỉ
đi được một mình, kẹt vợ con ở nhà, đang xin sang Canada
vì nghĩ rằng sẽ dễ đón vợ con. Sau này khi tôi chuyển qua
trại Asan để chờ vào lục địa Mỹ, trại này có nhân vật
tên là Tony Lâm làm đại diện trại. Ông Tony Lâm sau này là
người Việt đầu tiên đắc cử nghị viên ở vùng Little
Saigon.
Ở trại Orote Point được ít ngày thì tôi được chuyển qua một trại nhỏ, trước là cư xá của hãng thầu Mỹ. Trại chỉ có vài trăm người nên cũng đỡ xô bồ. Trong trại này tôi gặp lại lại gia đình ca sĩ Bùi Thiện. Nhiều buổi chiều gặp nhau chuyện gẫu, anh Bùi Thiện kể lại những mẩu chuyện sống với CS ở Hà Nội. Một buổi chiều, tôi đi nghe một mục sư Tin lành Mỹ giảng đạo bằng tiếng Việt rất hay, đó là mục sư Thomas Stebbins. Ông sinh tại VN (cha ông cũng là Mục sư), nên lấy tên Việt là Tôn Thất Bình. Sau này ông giúp đỡ rất nhiều người Việt định cư trên đảo Guam, và ông giúp đỡ một mục sư người Việt thành lập nhà thờ Tin Lành VN trên đảo.
Vào
khoảng đầu tháng 6, 75 thấy có một hãng gửi giấy vào trại
kiếm kỹ sư điện, tôi bèn nộp đơn xin thử. Hãng cho người
vào trại phỏng vấn rồi bằng lòng mướn tôi ra làm. Hôm
sau tôi thấy hình chụp tôi đang nói chuyện với đại diện
hãng đăng trên một tờ nhật báo ở Guam. Tôi ra làm việc
với hãng này khoảng hai tháng, gặp toàn kỹ sư người Phi
luật tân. Ở đảo Guam, dân chính gốc Guam sống rất tà tà,
đa số làm công chức hay các việc về văn phòng; các công
việc khó khăn hay nặng nhọc về các ngành chuyên môn đều
phải mướn người ngoại quốc. Hồi năm 1975, người ngoại
quốc ở Guam nhiều nhất là người Phi có khoảng 25 ngàn người,
rồi tới Đại hàn, Nhâït bản. Tôi được một anh bạn là
kỹ sư người Phi, tuy mới quen nhưng rất tử tế, chở đi
chơi khắp đảo. Đảo nhỏ xíu, người bạn Phi chở tôi đi
vòng quanh đảo một từ sáng đến chiều là hết. Trên toàn
đảo chỉ có một địa điểm lịch sử duy nhất là đài
kỷ niệm nơi nhà thám hiểm Mangelan đặt chân lần đầu
tiên lên đảo. Tuy nhiên, đảo Guam cũng có nhiều bãi biển
rất đẹp, nhiều chỗ có những hàng dừa rất thơ mộng làm
tôi nhớ lại một bài hát của Phạm Duy : “Hãy ghé bến
bờ, có những bóng dừa...” Tôi cũng làm quen được với
một gia đình người Guam chính cống. Anh chồng làm dân gốc
Guam điển hình da ngăm đen, mập mạp, làm cảnh sát; vợ là
người Guam lai Tây ban nha, da trắng bóc, làm cho một hãng bảo
hiểm. Gia đình có đất đai nhà cửa khang trang, có thể nói
là một gia đình trung lưu ở đảo. Ở ít
lâu tôi thấy đời sống trên đảo rất xuề xòa, làm ít
mà lễ lạc, ăn chơi thì nhiều. Làm việc được hai tháng
thì tôi chán quá lại xin nhập trại trở lại để vào lục
địa. Hồi đó tôi đã liên lạc được với anh BV Minh. Anh
Minh được Điện Lực cử đi tu nghiệp ở Oklahoma, sau tháng
4 75 anh xin được làm việc cho công ty Điện ở Iowa. Anh viết
thư khuyên tôi phải vào lục địa mới có cơ hội thăng tiến
trên nước Mỹ.
Vào
khoảng cuối tháng 8, tôi chuẩn bị vào California. Trong nấy
tuần lễ cuối, tôi chuyển qua một trại khác. Ở đây, tôi
được gặp nhạc sĩ Ngọc Bích. Từ lâu tôi đã rất thích
nhạc của Ngọc Bích, từ những bài hát tình cảm lãng mạn
của ông như Mộng
Chiều Xuân, Đôi Chim Giang Hồ, Lời Hẹn Xưa, đến những
bài ca sinh hoạt như Đón Gió Mới ... Lúc ấy ông đã
xấp xỉ 50 tuổi, dáng người thấp, trán hói, da trắng, vẻ
công tử Hà nội. Ông sống rất giản dị, đi đâu chỉ một
tay nải xách theo. Tôi nghe ông kể chuyện thật của ông mà
giống như chuyện đùa: những ngày cuối tháng 4 ở Sài Gòn
ông chạy vào tòa đại sứ Mỹ khai rằng ông là tác giả
bài Suy Tôn Ngô Tổng thống và bài Sol Do Mì hồi
chiến dịch Tố Cộng những năm 1955, 56; nên được toà Đại
sứ Mỹ bốc đi.
Nhạc
sĩ Ngọc Bích sống độc thân, không vợ con, tính tình rất
phóng khoáng, nghệ sĩ. Những lúc rảnh rỗi, ông thường cùng
tôi nói chuyên. Tôi được nghe ông kể lại những chuyện
trong thời gian ông đi kháng chiến với Phạm Duy, những
năm về Hà nội rồi vào Sài gòn. Tôi đi cùng với Ngọc Bích
trong chuyến bay từ Guam vào Mỹ khoảng đầu tháng 9, 75; ở
cùng trại Pendleton với ông một thời gian nữa rồi
mới chia tay, tôi lên Seattle còn ông định cư ở nam
Cali. Những năm sau, đọc trên báo chí, tôi vẫn theo dõi những
hoạt động văn nghệ của ông. Ông xuất hiện cùng với Lữ
Liên và một nhạc sĩ khác (tôi quên tên) nhiều
lần trên sân khấu để tái lập ban AVT. Tôi chỉ tiếc rằng
những năm sau tôi về Cali nhiều lần mà không có dịp gặp
lại nhạc sĩ Ngọc Bích lần nào nữa.