Những
Kỷ Niệm Sau Cùng
Với
Cụ Thân Hữu Chu Hoành
Bài
của Nguyễn
Trọng DzũngTháng
6/2002 vừa qua cụ Chu Hoành, niên trưởng của THDL/VNHN đã
qua đời, thọ 95 tuổi .
Những
ai đã xuất thân từ Trung tâm Kỹ thuật Phú thọ trong thập
niên 1960 thì không thể không biết cái khả năng đặc biệt
của cụ Chu Hoành, giảng nghiệm viên Phòng Thí nghiệm điện.
Cụ có thể mỗi tay cầm một đầu giây điện trần không
có bọc cách điện mà vẫn không bị điện giật. Cụ có
tính hay nói bông đùa nên nhiều người cứ tưởng cụ có
xảo thuật gì chăng. Do đó có anh nghi ngờ, thử chạm vào
người cụ thì bị điện giật bắn mình lên ngay, trong khi
cụ vẫn tỉnh bơ, cười khà khà như không có chuyện gì xảy
ra. Lần
sau cùng chúng tôi đến thăm cụ là tháng 10 năm 1999. Lúc đó
cụ tuy không ốm đau gì nhưng đã yếu nhiều, cụ nghe không
rõ, mắt cũng kém, không nhìn rõ mặt người đối diện, chỉ
nhận biết qua giọng nói. Khi bước vào nhà chúng tôi lên
tiếng chào cụ, cụ nhận ngay được giọng của anh Thụy,
còn tôi thì cụ lại nhầm ra là anh Thuần. Thật ra tôi không
nghĩ rằng cụ lẫn lộn giọng nói của tôi với giọng anh
Thuần. Nhưng vì hai anh Thuần và Thụy là hai người được
cụ quý nhất nên khi thấy anh Thụy đến thăm cụ đinh ninh
là có cả anh Thuần nữa. Khi tôi thuật lại chuyện này cho
anh Thuần, trong một dịp đến San Jose năm 2000 anh đã
thu xếp thăm cụ và đó cũng là lần thăm cuối cùng.
Cụ
là người rất dí dỏm, hay kể chuyện tiếu lâm, và có rất
nhiều chuyện để kể, từ chuyện thanh tao ý nhị đến chuyện
trần tục "khôi hài đen", chỉ cần bắt đúng tần số là
cụ thao thao bất tuyệt. Hôm tháng 10 năm đó, cụ tâm sự
về nỗi trống vắng trong đời sống của cụ sau khi cụ bà
qua đời. Rồi chuyển sang tiếu lâm, cụ thuật chuyện có
một lần vào dịp đầu năm cụ
bà đi lễ Lăng Ông xin xăm rồi ghé vào một ông thầy bói
gieo quẻ. Cụ khoe với cụ ông rằng người thầy bói coi hay
lắm, đoán rất nhiều điều trúng phong phóc, lại khen tướng
mạo cụ bà là người có sắc và có duyên. Rồi như để
cho đỡ ngượng, cụ bà nói, thấy ông ta đeo kính đen mà
không biết có mù thật không. Cụ ông phang ngay một câu :"Nó
khen bà đẹp thì đúng là thằng cha thầy bói này mù thật
rồi chứ còn gì nữa mà phải hỏi". Câu nói đùa đó
khiến cụ bà giận mấy tháng, không nói năng gì với cụ
cả. Chúng tôi hỏi sau đó cụ làm lành cách nào, thì không
biết có phải vì cụ nghe câu hỏi không rõ hay sao mà cụ
trả lời lạc sang chuyện khác. Lần
đó mấy anh em chúng tôi cứ tiếc mãi là không có cái tape
recorder để thu và viết lại, vì chưa bao giờ được nghe
cụ kể nhiều về cuộc đời của cụ với thật nhiều chi
tiết đến như vậy. Sau đây là một ít chi tiết mà tôi còn
nhớ và ghi lại sau chuyến thăm cụ lần đó. Cụ
kể hồi 16 tuổi, nhà nghèo, đang học dở dang cụ phải bỏ
ra đi làm. Nghe nói thợ mỏ lương cao, cụ bỏ quê từ Hưng
Yên ra Hòn Gai, xin được một chân facteur (người đưa
thư) trong bưu điện Hòn Gai. Nhờ biết tiếng Pháp cụ thường
lọc thư của mấy "thằng Tây cai mỏ" (nguyên văn chữ cụ
dùng) đi giao trước nên được họ thương, được người
chủ sự dạy thêm tiếng Pháp và algèbre (toán đại
số). Khi Hải Phòng mở kỳ thi tuyển vào trường "École
Pratique de Construction" thì "thằng Tây" ký giấy giới thiệu
cho cụ về thi. Lại còn ráo riết chỉ bài cho cụ. Bài thi
gồm một bài dictée (bài chính tả) tiếng Pháp dài một
trang, một bài toán, và một bài "rapport de mer" (?). Cụ
được chấm đậu và được tuyển vào làm trên tầu viễn
duyên, lãnh lương tháng 120 đồng tiền Đông dương thời đó,
so với lương thư ký chánh ngạch chỉ có 25 đồng một tháng. Mặc
dầu vậy cụ vẫn bị người anh chê bai học hành không ra
gì. Chạm tự ái, cụ trốn gia đình xuống tầu sang Pháp. Sang
đến Marseille, cụ trốn luôn, không về nữa. Gặp lại
mấy thằng Tây cai mỏ cũ ở Hòn Gai, họ giúp cụ vào làm
và học trong "Société Anonyme de Construction Mécanique et Électrique".
Cụ kể thời gian này là một giai đoạn rất vất vả trong
đời cụ, xứ lạnh, không có tiền, thiếu quần áo. Cũng
vẫn do tự ái cao, trong một chuyến được hãng cử đi công
tác sang Nhật cụ được cấp vé hạng nhất. Thằng chủ tầu
đề nghị cụ đổi vé hạng nhì để lấy ra số tiền mặt
sai biệt. Cụ nhất định không chịu đổi vì cho rằng thằng
chủ tầu coi thường cụ, nghĩ cụ là dân Việt Nam nghèo không
dám đi vé hạng nhất. Kể
lại chuyện này cụ nói đây là cái dại của thời trẻ.
Đi vé hạng nhất mà quần áo chỉ có vài bộ, lại không
có nhiều cravate thay đổi. Tiền không có mà vẫn cứ
phải pourboire cho bồi tầu, đến nỗi cụ phải bán
chiếc nhẫn trên tay để có tiền pourboire. Đầu
thập niên 1954 cụ làm cho hãng Denis Frères Saigon, hàng
năm có tiền thưởng bằng 0.5% lương, cụ lãnh mấy chục
ngàn. Trong khi đó Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ chỉ trả lương
có 11 ngàn. Khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống buộc
Denis Frères phải giải thể. Đồng thời ông Bộ trưởng
Giáo dục lúc đó là ông Thế (?) yêu cầu và giới thiệu
cụ về trường, giao cho cụ thiết lập toàn bộ cái laboratoire
électrique của trường. Đến khi trường Cao đẳng Điện
học do ông Nguyễn Khắc Nhẫn làm giám đốc, vận động được
tài trợ xây phòng thí nghiệm mới, chính cụ là người phụ
trách toàn bộ từ A đến Z. Tháng
11 năm ngoái, khi phát hành bản tin số 21, trong đó có bài
thơ và hình của cụ, anh Thụy và tôi gọi điện thoại xin
đến gặp cụ, thì được biết cụ đang ở Việt Nam. Ít
lâu sau được tin cụ ngã bệnh, ra vào nhà thương nhiều lần.
Sức khỏe suy sụp, không an toàn cho chuyến bay đường dài
nên gia đình tiếp tục điều trị cho cụ tại Sài gòn. Giữa
tháng 5/2002 bệnh cụ trở nặng, phải dùng "trợ sinh" (life
support) cho đến ngày 17/6/2002 thì cụ mất, thọ 95 tuổi.
Nguyễn
Trọng Dzũng
|