Ngồi
tính sổ, đất nước chuyển tay đã được 27 năm. Hầu hết
các THĐL trẻ lắm cũng đang ở tuổi ngũ tuần, ai chưa làm
ông bà nội ngoại thì cũng sắp thăng chức thành ông xui bà
hên. Nếu theo tập lệ thôn quê ngày xưa, các THĐL đang sắp
sửa thành các cụ cả rồi. Nghĩ thế nên tôi thấy đề tài
"Ông nói gà bà nói vịt" khá thích hợp. Do đó tôi xin
có vài dòng góp ý cùng quí "Cụ" cho vui. Tôi cũng xin thưa
trước cùng quí vị là tôi không phải là một bác sĩ tâm
lý mà chỉ vì tình cờ đọc được một tài liệu hay hay
trong mạng lưới nên tôi lấy ý từ đó rồi phóng tác bài
này hầu giúp vui tí xíu thôi.
Thực
ra không phải đợi đến lúc tóc bạc, lên hàng "ûCụ"õ ta
mới có cảnh "ôâng nói gà bà nói vịt". Cảnh xảy ra hoài
hoài, hàng ngày và ở bất cứ tuổi nào chỉ vì một lý do
căn bản là Ông là đàn ông và Bà là đàn bà. Đơn giản
thế thôi!
Chả
thế mà nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới, Sigmund
Freud, sau khi bạc đầu nghiên cứu tâm lý con người, đã
phải giơ hai tay đầu hàng và than rằng: "Tôi không hiểu
nổi các bà muốn cái gì nữa?" Lý do căn bản mà nhà bác
sĩ tâm lý này, dù rất thông bác tài ba, đã phải tuyên bố
như vậy chỉ vì ông là đàn ông. Đó chính là nhược điểm
căn bản của ông!
Ngoài
ra, theo các nhà nghiên cứu tâm lý học hiện đại, sự thất
bại của Freud, người được coi là nhà khai sáng môn
tâm lý học, là ông đã quá khinh thường và bỏ qua những
khám phá đầu tiên khi ngành tâm lý học còn sơ khai. Freud
đã không hiểu bản chất của chính mình, không ngờ rằng
tất cả những điều ông ta cần biết chính là những điều
ông đã học trong thời đi học mẫu giáo. Mặc dù ông nghiên
cứu sách vở rất nhiều, nhưng ông đã không thật sự gần
gũi gắn bó với bạn bè để hiểu được bản tính thực
sự của con người. Thành thử khi gặp các bệnh nhân đến
than phiền là chồng họ điên khùng, cà chớn, độc tài, cứng
đầu ... ông đã cho ngay đó là sự tranh chấp giữa phái nam
và phái nữ, một sự kiện tự nhiên, không chữa được.
Freud
đã không ngờ rằng (như các nhà tâm lý học hiện đại bây
giờ đã biết) ông đang chứng nghiệm một hiện tượng gọi
là "sự hiểu lầm vì giới tính" (cross-gender misunderstanding)
Đây là một sự kiện mà các ông các bà cứ tưởng rằng
mình có thể nói chuyện với nhau và thực sự hiểu nhau một
cách dễ dàng.
Theo
các nhà tâm lý học hiện đại, vấn đề căn bản là Đàn
Ông và Đàn Bà đạt thông tư tưởng bằng các phương pháp
khác nhau. Cùng một câu nói, đàn ông và đàn bà tiếp nhận
hoàn toàn khác nhau.
Đàn
bà thường truyền đạt tư tưởng bằng cách tạo sự hòa
hợp đồng tình trong khi đàn ông truyền đạt bằng cách trao
đổi dữ kiện trực diện. Các bà dùng ngôn ngữ để tìm
sự hòa đồng, tìm sự "đồng thanh tương ứng" trong khi các
ông dùng ngôn ngữ để phân tích, giải quyết vấn đề. Với
các bà, ngôn ngữ giống như một mạng lưới nối liền các
cá nhân trong một cộng đồng nào đó. Trong khi đó, các ông
dùng ngôn ngữ như những cái búa đóng đinh, đóng chỗ nào
là dứt khoát, chết chặt vào chỗ đó.
Với
điểm khác biệt căn bản do giới tính này, thì làm cách nào
để nói chuyện, để tạo nhịp cầu thông cảm với được
với nhau? Đó là một câu hỏi hắc búa mà các nhà tâm lý
học và cả các nhà tôn giáo nữa, cũng đang dày công khám
phá ra câu trả lời.
Bây
giờ chúng ta thử theo dõi một trường hợp rất thông thường
và điển hình như sau :
Bà
vợ nói với ông chồng về một vấn đề của bà. Ông chồng
trả lời ngay vào vấn đề bằng cách đưa ra một giải pháp
giúp bà vợ giải quyết vấn đề của bà, một phản ứng
rất thông thường của các ông là khi có vấn đề thì ta
tìm cách giải quyết. Vừa trả lời xong, ông chưng hửng.
Ông đã tưởng rằng bà vợ sẽ vui vẻ đón nhận giải pháp
giải quyết khó khăn mà ông đã đề nghị. Thay vì cảm ơn
ông, bà vợ òa ra khóc nức nở, bỏ chạy ra khỏi phòng. Lý
do là bà vợ không cần một giải pháp cho vấn đề. Bà đã
có giải pháp riêng của bà rồi. Bà chỉ muốn chia sẻ nỗi
lo âu với chồng thôi. Cái "vấn đề thực sự"õ của bà
chỉ là bà cần một môi trường để san sẻ, tâm sự, và
đồng ý với bà. Thế thôi, bà không cần ông chồng cố vấn
giải quyết vấn đề! (She just needs you to listen. She does
not need your advice). Ông chồng không hiểu được nỗi bí
ẩn này. Ông đã phạm một lỗi lầm căn bản là nói chuyện
với vợ như nói chuyện với một người bạn trai, một người
đàn ông như ông!
Thực
tế, nếu đổi vị trí, các bà cũng thường phạm chung một
lỗi lầm là các bà cũng hay nói chuyện với chồng như là
nói chuyện với một người bạn gái, một người đàn bà.
Bây
giờ ta thử tưởng tượng, ông chồng có một "vấn đề"
muốn san sẻ với vợ. Buổi sáng ông thức dậy, bước vào
phòng ăn, "phúc trình" với vợ: "Tối qua anh không ngủ được
gì hết!" Đối với ông, đây chỉ là một câu nói đơn
giản, diễn tả một thực trạng là ông mất ngủ. Mục đích
là muốn tìm sự an ủi từ vợ. Thế thôi! Tuy nhiên, đối
với bà vợ, đây là một câu nói gợi ý mốn chia sẻ những
kinh nghiệm của bà. Bà sẽ trả lời rất ngoài sự tưởng
tượng của ông chồng: "Chà! Em có bao giờ ngủ ngon giấc
đâu", và bà sẽ vô cùng sửng sốt khi ông chồng bất
mãn bỏ ra khỏi phòng hay đập bàn bực tức. Bà nghĩ rằng
bà san sẻ kinh nghiệm. Ông nghĩ rằng bà muốn tranh chấp với
mình. Ông có cảm tưởng bà muốn nói "Ối giời ơi, ông
mới mất ngủ một tối mà đã than, tôi có được ngủ yên
giấc đêm nào đâu!"
Các
bà thường không hiểu là các ông chỉ muốn tranh chấp với
người ngoài thôi, ở ngoài nhà thôi và không bao giờ muốn
tranh chấp ở trong nhà cả. Các ông thuộc loại "khôn chợ
dại nhà." Suốt một ngày các ông phải "sang số tới"
để phấn đấu, tranh chấp ngoài xã hội để chiến thắng
từ việc nhỏ đến việc lớn. Ngoài xã hội các ông phải
nói nhanh, nói cứng, bốp chát mới sống còn. Lúc ở nhà là
lúc các ông trở về số park, số de cho thoải
mái. Chúng ta thường thấy có rất nhiều "ông lớn" ở sở
làm hét ra lửa nhưng lúc về nhà gặp các bà thì các ông
hiền như phật Di Lạc, nhũn như con giun. Lý do là lúc ở nhà
đàn ông ở "mốt" "tiết kiệm năng lượng" nên không muốn
tranh chấp, chỉ muốn nghỉ ngơi nên các ông hay ầm ừ cho
qua chuyện, đi lại lờ đờ, đôi khi ngủ gà ngủ gật như
mộng du hoặc ăn uống nhậu nhẹt, đi đánh tennis cho
qua nhưng không bao giờ thách thức ai, nhất là bà vợ và các
con. Thái độ hơi thụ động của các ông đôi khi làm các
bà nổi giận bởi vì chỉ ở nhà các bà mới có cơ hội
nói tự do mà không bị kết tội là "lắm mồm"!
Với
không khí làm việc ngoài xã hội đầy căng thẳng thì gia
đình là nơi lý tưởng cho các ông các bà sống chung hòa bình.
Bây giờ thì cơm tối đã xong, các con đã vào giường ngủ.
Bà có cơ hội xõa tóc, thay chiếc áo ngủ rộng và mềm cho
thoải mái. Ông thì chẳng muốn gì hơn là gác cẳng lên bàn
coi TV thoải mái cho đỡ một ngày bôn ba tới lui. Bà bắt
đầu nói chuyện. Ông làm bộ lắng nghe. Bà muốn ông chú
ý nghe hơn. Ông quay lại nhìn về hướng bà. Bà nói. Ông ậm
ự. Bà tiếp tục nói. Ông tiếp tục ậm ự, gục gật cho
ra vẻ. Bà nói "Anh không nghe!", Ông nói "Anh đang nghe
mà!", Bà đổ quạu "Thôi, không có gì cả!", Ông
ngây thơ "Cái gì vậy em?", Bà vùng vằng "Không có
gì hết. Mệt. Không nói nữa!", Ông "Ơ hay, Em nói gì
vậy?", Bà "Em đang muốn nói chuyện với anh.", Ông
"Thì em đang nói chuyện với anh, đó thôi!", Bà "Em
muốn nói chuyện, anh không nghe, em muốn nói chuyện với anh!",
Ông "Về chuyện gì?", Bà "Bất cứ chuyện gì!",
Ông "Như là ...", Bà "Gì cũng được; đời sống,
nghệ thuật, tình yêu, tôn giáo, chuyện tụi mình."
Ông
nhìn bà im lặng một lúc rồi nói "Em à, thế em trả bill
điện thoại chưa?"
Tình
trạng độc thoại này xảy ra hằng ngày và cho hầu hết chúng
ta. Như một nhà tâm lý học đã nói "Chúng ta đang ở vào
một tình trạng không có sự thông đạt tư tưởng."
Không
phải là đàn ông không muốn thân thiết gắn bó đâu. Các
ông cũng gắn bó lắm chứ, nhưng các ông gắn bó với nhau
một cách khác. Đàn ông có thể truyền thông bằng cách chọc
phá, trêu ghẹo, chọc tức lẫn nhau, như: "Chà, cái bụng
ông lúc này phát triển khá đó nghe", Ông kia đá giò lái
"Yeh, mặc quần ông gần vừa rồi đó!" Hay: "Cám ơn,
ông miệng thúi". "Không có chi, ông mũi cà chua". Đó là
cách đàn ông con trai thân thiết với nhau. Chửi thề cũng
là một cách làm thân, mày tao chi tớ cũng vậy. Rồi họ rủ
nhau chén tạc chén thù túy lúy. Không "dzô" 100% thì chưa phải
là bạn, nhiều người đã nói như vậy.
Dĩ
nhiên các bà các cô thường lại không chịu nổi đường
lối kết thân như vậy. Đàn bà có phương pháp khác. Các
bà thường tìm một môi trường chung, cùng ý hướng, cùng
san sẻ, cùng ngôn từ, cùng sự chấp nhận lẫn nhau: Hòa
đồng chứ không đối chọi chọc giận như các ông.
Ta
thử theo dõi câu chuyện của hai cô làm chung sở rủ nhau đi
ăn trưa:
Cô
A: "Em có cảm tưởng em làm việc của 10 người, bận quá!"
Cô
B : "Em không thể nào làm hết việc của em, chắc cần đến
20 người mới làm xong."
Cô
A than: "Da tay em khô quá!"
Cô
B phụ họa: "Ừ, chân em cũng nứt nẻ chảy máu đau chết
luôn."
Cô
A : "Sandwich gì mà như giấy cứng vậy đó!"
Cô
B : " Cái bàn gì lung lay đổ cả nước thế này!"
Cô
A : "Đáng nhẽ em không nên mua cái áo này, đắt quá!"
Cô
B : "Em cũng cần mấy cái áo mới. Áo gì mà như bao bố!"
Cô
A : "Em nói thật giống bao bố chứ!"
Cô
B : " Đâu có, em mới là bao bố đó!"
Cô
A : "Em có chị chít-chat cũng đỡ khổ!"
Cô
B : " Em cũng vậy, không có bạn như chị thì buồn lắm!"
Các
bà, các cô nói chuyện, san sẻ như vậy đó. Không những chỉ
ngôn từ các bà dùng khác với ngôn từ các ông dùng đâu.
Mà khi cùng một ngôn từ, cách họ cùng cũng khác nữa. Cách
họ tiếp nhận cũng khác luôn.
Khi
một bà mời khách tới nhà dự tiệc, câu chuyện đối thoại
có thể như sau: "Em đang phân vân không biết chị có đến
nhà em dự buổi họp mặt thân mật được không. Em biết
chị bận lắm nên nếu chị không đến thì cũng không sao
... Nhưng mà tụi em chắc là sẽ tụ họp vào thứ bảy này,
chắc khoảng 5, 6 giờ chiều gì đó. Có gì cho em biết nghe."
Toàn là những câu nói mở đường cho người nghe đến hay
đi tự do, khỏi sợ mất lòng. Giống như một cái áo may khéo,
xoay trở tự do thoải mái.
Nếu
là một ông mời bạn thì ngôn ngữ sẽ chặt chẽ như áo
giáp : "Thứ bảy này nghe, 5 giờ, nhà tao, ăn mặc xuyềnh
xoàng, khỏi cà vạt cổ cồn gì cả". Người nghe không
có chỗ từ chối. Không có cái màn "có gì " hay "không có
gì". Ngôn ngữ của các bà có chữ "có gì" rất ư là khó
hiểu, làm các ông "điên cái đầu".
Tính
chất tương phản cũng thấy trong ngôn ngữ thầm lặng của
các ông và các bà, nghĩa là khi không có lời nói rõ ràng
phát ra. Tưởng tượng một cảnh ở ngã tư. Một thí dụ
rất cổ điển là cảnh nhường qua đường. Một ông lái
xe ngừng lại tại ngã tư có bảng Stop. Một bà sửa
soạn qua đuờng. Ông tài xế vẫy tay ra hiệu, nhường lối
cho bà. Bà mỉm cười vẫy tay cám ơn và băng qua đường,
không một lời nói. Một ông bộ hành vừa tới Ông tài xế
cũng vẫy tay ra hiệu nhường lối. Ông bộ hành vẫy tay lại,
nhường cho ông lái xe qua trước. Ông tài xế không chịu,
ra hiệu nhường thêm lần nữa. Ông bộ hành cũng lại không
chịu, vẫy thêm hai ba cái cho ông tài xế lái xe qua trước.
Cảnh này có thể xảy ra nhiều phút, sau cùng mới có người
chịu thua.
Trông
như là một cảnh lịch sự có thừa. Thực ra không phải đâu.
Hai ông này đang thách thức nhau theo bản năng mà không ai biết
hết. Theo một thói quen, họ đang vô tình cố giữ thế "thượng
phong" với người khác, xem ai là người được cho phép, ai
là người nhận ơn. Ai thắng thì sẽ có thể hãnh diện, giống
như những con khỉ đột vỗ ngực chiến thắng vậy đó.
Cũng
vì lý do này mà đàn ông rất khó mà xin lỗi người khác.
Đàn bà thì khác, họ dễ "xin lỗi" hơn, vì đối với họ,
xin lỗi đồng nghĩa với thương yêu, nhường nhịn (I care).
Với đàn ông, "xin lỗi" (I'm sorry) có nghĩa là nhận
tội (I'm guilty), là mềm yếu, là thấp kém. Đó là một
điều có thể sẽ đem lại thất bại, khinh khi và đôi khi
còn có thể mất vợ như chơi, nên đàn ông ít khi chịu xin
lỗi, nhất là xin lỗi kẻ dưới tay, hay con em mình. Hình như
ngườI Việt mình còn bị chướng ngại này nhiều lắm vì
còn rất nhiều mặc cảm khóa đàn anh, khóa đàn em. Vị nào
chẳng may mà bị làm việc dưới quyền đàn em thì đau khổ
lắm.
Về
lời khen tặng cũng vậy. Đàn ông và đàn bà khen tặng dễ
dàng nhưng do những lý do hoàn toàn khác biệt nhau. Đối với
các ông, khen tặng là tỏ ý cho phép. Người cho phép là người
có quyền, có quyền gia ân huệ và do đó họ cao hơn người
nhận lời khen. Khi một ông nói "Ông Ba, ông làm việc này
giỏi lắm, tôi rất vui lòng" thì có nghĩa là "Ông Ba,
việc ông làm xong làm tôi rất vui lòng, ông đáng được tôi
thưởng." Các bà thì khác, các bà khen nhau dù họ muốn
khen hay không. Các bà có một nhu cầu căn bản, đó là tạo
một môi trường để mọi người đồng ý với mình dù có
tốn kém gì đi chăng nữa. Đây là lý do tại sao các bà các
cô có thể ngồi hàng giờ khen tặng nhau mà không chán (Xui
thay cho ông nào phải bị ngồi chờ điện thoại, phải nghe
cuộc đối thoại giữa các bà thì có lẽ các ông phát khùng
luôn.)
Một thế giới hòa bình
Thời
gian trải qua nhiều thế hệ đàn bà và đàn ông bắt đầu
có những ý niệm rõ rệt hơn về sự hiểu lầm do giới tính
và tìm cách vượt qua. Khi mà điều này thực hiện được
thì những câu nói như "Bà xã tôi không thông cảm được
tôi" hay "Tôi nghĩ ông chồng tôi chết từ 3 năm nay mà
ổng không nói cho tôi biết" sẽ không còn nữa. Thế giới
mà đàn ông và đàn bà có thể hiểu nhau hoàn toàn là một
thế giới lý tưởng, hòa bình. Lúc đó sẽ không còn ly dị,
không còn cãi vã, không có dĩa bay, đập bàn, đánh con, gắt
gõng ... Thế giới lý tưởng này có được hay không là suốt
đời ta vẫn khổ đau vì nạn "ông nói gà bà nói vịt"?
Gần
đây khoa tâm lý đã khám phá ra điều này nhưng đa số quần
chúng vẫn còn mù tịt và các nhà tâm lý cũng chưa biết cách
trị liệu. Tuy nhiên điều này Đức Phật đã có cách chữa
trị từ hơn 2500 năm nay. Phật Pháp thì nhiều vô kể, tùy
theo căn cơ của chúng sanh ai cũng có thể tìm ra một pháp
thích hợp cho riêng mình. Tuy nhiên có một pháp, theo thiển
ý của tôi, dường như rất thích hợp cho việc chữa bịnh
"ông nói gà, bà nói vịt" của chúng ta. Pháp này là tu tập
hạnh lắng nghe. Phật dạy các hàng đệ tử của ngài phải
luôn luôn tu tập hạnh lắng nghe để có thể nghe được nỗi
khổ đau của người nói và nghe cả được những điều không
nói. Nếu chúng ta tu tập hạnh lắng nghe của đức Bồ Tát
Quan Thế Âm chúng ta sẽ vượt qua được rất nhiều trở
ngại trong cuộc sống và đạt được thế giới lý tưởng
này một cách dễ dàng.
Để
kết luận bài này, tôi xin trích nguyên văn lời quán nguyện
của Phật tử về Đức Quan Thế Âm Bồ Tát mà Thiền Sư
Nhất Hạnh đã viết lại bằng Việt ngữ như sau: "Lạy
đức Bồ Tát Quan thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài,
biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim
biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với cả
sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập
ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện
tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm
chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả
những điều không nói. Chúng con biết rằng chỉ cần lắng
nghe thôi là chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ
đau của kẻ khác rồi." (trích trong Nhật Tụng Thiền
Môn 2000, Đạo Tràng Mai Thôn ấn hành, trang 147.)
Ước
mong những dòng vừa rồi có thể mang lại cho quí vị vài
phút thoải mái và giúp chúng ta thông cảm lẫn nhau. Thông
đạt được tư tưởng của những người thân chắc chắn
sẽ mang lại cho chúng ta mọi sự an lạc dù bất cứ tuổi
nào, dù chúng ta đang chập chững vào đời hay đang dìu nhau
trong những nẻo cuối của cuộc đời.
July
2002
N.P. Hưng