(Những
Mẩu Chuyện Vui Buồn Thường Ngày Của Một Vài THĐL Trao Đổi
Qua Vi Thư)
Người
mình hay nói “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”, riêng tui
thì “thấy kẻ sang tình cờ làm ông hàng xóm”. Chắc quý
thầy cũng biết tin cựu TT Th. vừa mất. Ổng dọn về làng
Chồn chắc khoảng 10 năm nay nên tình cờ tui được làm hàng
xóm. Nhà ổng nhìn xuống một cái hồ đẹp, có bến riêng
để thả ca nô xuống nước chèo đi câu hay ngồi ngay trên
bờ thả cần xuống nên lâu lâu tui được ăn cá trê hay cá
chình. Lần sau cùng tui gặp ổng là cuối tháng 7 khi ông bà
mời đi ăn kỷ niệm 50 năm ngày cưới, nhưng vì bà xã tui
kẹt đi làm nên chỉ đem quà tới chúc mừng mà thôi. Bà
Th. là người rất phúc hậu...
...
Thứ 6 tuần trước, tui có đi viếng “Ông Hàng Xóm” ở
nhà đám. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều. Ngoài sân có chừng
mười mấy người mặc quân phục Nhảy Dù cầm cờ vàng và
cờ Mỹ, vài người cầm súng garant; bên trong cũng có
mấy người lính Dù đứng dọc theo hành lang. Quan tài để
giữa phòng, phủ cờ vàng, hai bên có hai người lính Dù đứng
nghiêm. “Ông Hàng Xóm” mặc đồ ta, áo màu ngà, tóc trần,
cái mặt hơi khác với lúc còn sống, chắc vì để lâu quá.
Thân nhân và gia đình đứng quanh phòng đông nghẹt. Vừa bước
vào phòng, đang lóng ngóng chưa biết làm gì, tui bỗng nghe
“Bà Hàng Xóm” nói nhỏ “Chú thím Ph. kìa!”
Chuyện
nghe kể lại: Có lần xe bà Tonton đang chạy, bỗng nghe tiếng
còi hụ báo động xe cộ phải ép vào lề cho VIP đi, xe bà
Tonton cũng ép vô, bà Tonton nhìn ra, cứ tưởng ai, té ra là
bà Thủ Kh.. Bà Thủ đẹp nhưng hách xì xằng, hồi bả còn
ở trong cư xá bộ TTM, có lần tay lính gác hái trộm mấy
trái xoài, bả biết được, đòi anh đội trưởng giăng nọc
đánh thủ phạm ngay trước mặt bả. Bây giờ, nghe nói là
bà Thủ Kh. bị té gãy cổ nằm liệt gần 10 năm nay.
10/2001
- F1-B1 :
...
Thầy bớt cái vụ khí công đi, để thì giờ mà tập đi bộ
(khinh công!) và tập bắp thịt (tạ hay hít đất chẳng hạn).
Thầy phải làm đủ 3 thứ mới được chứ còn cứ làm riết
cái vụ khí công đó mà chủ yếu là stretching và relaxation
thì không đủ. Lý do: Tập
là một hình thức huấn luyện trước cho cơ thể quen đi để
khi làm việc có hiệu quả cao. Ví dụ, mình phải đi từ điểm
A tới điểm B (khinh công), cúi xuống (stretching) nhặt
hòn đá (dùng bắp thịt) để mang tới điểm C (dùng cả ba
thứ), xong trở lại điểm A và tiếp tục như vậy. Thầy
thấy chưa, thiếu một vế là không được rồi.
Về
chuyện đi bộ nhanh, tui xin thêm một tí là khi đi, hai bàn
chân nên giữ cho sát hai bên một lằn chỉ tưởng tượng
vẽ trên mặt đất, người rướn lên, tự nhiên là ngực
sẽ ưỡn ra và bụng thót lại, đưa trọng tâm nhích ra trước
một chút; để cho vui và dễ nhớ, có thể gọi là đi chân
không (kịp) bén đất hay là đi kiểu... chó đạp lửa, hít
vô khoảng 7, 8 bước, thở ra cũng vậy. Đi như vậy, sức
nặng của mình bớt đè lên gót chân, đầu gối và thắt
lưng, nói chung là bớt thốn, nên tốt hơn là chạy...
10/2001
- T1-Z1:
...
Tui đọc bài của người flight attendant của DELTA 15 đáp
xuống một làng nhỏ ở Canada mấy ngày mà nước mắt chảy
ra không ngưng được, nhất là phần sau của bài viết. Thế
là cuộc đời cũng còn đáng sống lắm chứ, vì vẫn còn
những tấm gương và con người nhân hậu.
10/2001
- N1-Z1:
Mấy
hôm rày nằm nhà đọc kinh và nghiền ngẫm về đời sống,
xin có mấy lời bàn:
Thế
gian là một trường học vĩ đại. Mà cái trường nầy ngộ
nghĩnh lắm, học trò cứ “tự” (hay “bị”) đổi lớp
lia chia. Nếu không khéo thì “tiến sĩ “ nhảy xuống “mẫu
giáo” dễ như chơi. Sự thay đổi trèo lên tuột xuống nầy
xảy ra trong từng sát na. Cứ lấy kinh nghiệm cuộc sống hàng
ngày ở gia đình thì rõ. Nói theo kiểu Đại ca T.: Mới
là “cục cưng” cười nói vui vẻ đó, bỗng biến thành
“cục cứt” mà đố biết nguyên do tại sao, hỏi gì cũng
không thèm nói, thiệt là rêm hết sức! Khi “thấy” rõ
được cái trường học độc nhứt vô nhị này thì tâm trí
an nhiên tự tại liền. Bộ khùng hay sao mà “người lớn”
đi ăn thua với học trò mẫu giáo?
Còn
có cái chân lý tuyệt vời khác nữa là: Tất cả sẽ tốt
nghiệp tiến sĩ hết. Lần hồi rồi tất cả đều sẽ là
Phật hết mà. Cái lý tưởng “One for All, All for One”
nghĩ cho rốt ráo thì nó phải là “One is All, All is One”:
”Thế là cuộc đời cũng còn đáng sống lắm chứ, vì vẫn
còn những tấm gương và con người nhân hậu.” (Lời Thầy
T1).
...
Nhắc tới Kabul thì các tuần qua có mấy bà con hỏi
tui “thấy” sao? Liệu có phải “tận thế” không? Tui trực
nhớ lời Thầy H1: “Thời gian là của Chúa mà!” Bàn
chuyện thời gian là xía vô chuyện của Chúa... Thiên cơ bất
khả lậu! Quá khứ là kỷ niệm, Tương lai chưa thành hình.
Chỉ có Hiện tại là có thể mò mẫm rờ rẫm để ... vui
sống được thôi. Chữ Present cũng có nghĩa là Quà tặng
thì Hiện tại là món quà của Trời Đất ban cho, ta cứ lạc
thiên tri mệnh.
Mấy
năm trước có coi TV phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma về
chiến tranh thì Ngài nói đại khái không thể chỉ trách cá
nhân của Hitler, Stalin v.v... mà phải nói đến đám đông ủng
hộ họ và cả thế giới đã tạo ra cái cộng nghiệp để
sinh ra các biến cố đó.
Tui
bàn rộng ra thì cái tinh thần cá lớn nuốt cá bé, gạt gẫm,
tiêu diệt lẫn nhau theo kiểu “hi-tech, dot com” bất
kể tới người khác, bất kể tới thiên nhiên: Giàu có ở
không ăn mấy chục ngàn năm không hết như Bill G. mà cũng
còn muốn tóm thâu thêm nữa, muốn tiêu diệt hết mấy thằng
khác, đã là nguyên nhân gây bịnh cho hành tinh nầy. Môi sinh
ô nhiễm, thiên nhiên điêu tàn, con người ở các xứ xưa
kia có tài nguyên phong phú thì đã bị “thế giới văn minh”
khai thác cướp bóc triệt để, nghèo xơ nghèo xác... Như vậy
làm sao có cảnh Thiên Hạ Thái Bình?
Tui
nghĩ theo luật Thiên địa tuần hoàn, Xuân sinh Hạ trưởng
Thu liễm Đông tàn, có lẽ nay tới lúc gần cuối năm, Bà
Mẹ Thiên Nhiên (Mother Nature) giúp bầy con làm sạch sẽ dọn
dẹp lại “nhà cửa” để chuẩn bị ăn Tết!
10/2001
- N1-T1:
Thầy
T1 ơi, cởi áo lấy gì che ấm thân. Mời quý thầy đọc bài
trích diễn văn của cựu TT Clinton mới đây tại Đại
học Georgetown nói về nước Mỹ đang trả nghiệp “sát
đạo” (giết hại, cướp bóc).
Hôm
nay thứ sáu xin bàn lai rai. Theo Ngũ Giới Cấm, đại ý là:
Nhứt
bất Sát sanh
Nhị
bất Du đạo,
Tam
bất Tà dâm
Tứ
bất Vọng ngữ
Ngũ
bất Tửu nhục
thì
kể từ mấy trăm năm trước Mỹ đã tạo hai cái nghiệp ác
dẫn đầu: Giết hại và cướp bóc đến gần như tiêu diệt
những “chủ nhân” của đất Mỹ nầy vì họ bị coi như
không phải là... con người! Theo tôi phải nói rộng ra đến
cái chủ nghĩa thực dân ở Âu châu và nô lệ ở Mỹ.
Coi
TV về các tài liệu bắt nô lệ thấy thiệt quá bất nhơn:
Cứ qua Phi Châu xiềng dân địa phương đem xuống tàu chở
về Mỹ giống như là bắt thú vật ở rừng hoang, bất kể
bao nhiêu đau thương con mất cha, vợ mất chồng, gia đình
tan nát. Lấy mạng sống, sự đau thương của chúng sanh khác
để nuôi mạng sống và tạo “hạnh phúc” cho mình thì làm
sao mà không mang họa. Trong luật nhân quả có yếu tố thời
gian trong đó. Không dám đưa tay vào lửa, thời vì tích tắc
là có hậu quả liền. Còn việc ác có khi cả đời mới thấy
nên không biết sợ. Theo nhà Phật, Chúng sanh thường sợ kết
quả mà không mấy quan tâm đến cái nhân.
Bực
Bồ Tát sợ nhân nên không tạo nhân xấu, còn quả từ bao
nhiêu đời nay xảy tới, hễ credit thì enjoy coi
như thuận duyên cho việc tu hành, còn nếu là debit thì
trả bill, vậy thôi.
10/2001
- D1-Z1:
Có
một chuyện tôi nghe được từ hôm qua, nhưng bữa nay mới
có thì giờ bàn. Số là bữa qua tôi đi làm sớm, lúc đó
chưa có radio đài VN, tôi mở nghe đài địa phương, chẳng
chú ý gì lắm mà chỉ cốt nghe có tiếng người cho đỡ buồn,
trong lúc xe cứ “lâu lâu lại dừng”.
Lúc
đó đang có mục thể thao hình như nói về đội football
Red Skins của Washington, tôi nghe một anh nói cái gì
mà dùng chữ “saucer and blow”. Cái người cùng làm
show với anh ta cũng không hiểu, hỏi là gì vậy thì
anh ta giải thích đó là một ngôn từ địa phương, tả cách
uống cà phê, khi còn quá nóng để uống trong ly, người ta
đổ ra đĩa thổi cho mau nguội rồi mới uống.
Câu
chuyên gợi cho tôi một hình ảnh lạ mắt, kỷ niệm lúc mới
di cư vào Nam. Nhà tôi ở đối diện với một quán ăn và
cà phê bình dân. Sáng sáng tôi thấy có những người ngồi
co một chân lên chiếc ghế đẩu. Cà phê bưng ra, rót trong
tách, để trên một cái đĩa nhỏ hơi sâu. Từ từ khách sớt
ra đĩa từng chút vừa một ngụm. Để đó cho khói bốc, nguội
bớt rồi mới bưng đĩa lên húp. Đúng là phải dùng từ “húp”
chứ không phải “uống” hay “nhấp”.
Vì
cái hành động “húp” nó có kèm theo âm thanh. Âm thanh đó
cộng với tiếng “khà” tiếp theo của người khách, biểu
lộ cái “đã” của anh ta. Dạo học thi (Trung học đệ nhất
cấp) tôi cũng mua cà phê đó uống. Nhìn thì đen kịt tưởng
là ép-phê lắm, nhưng rõ ràng có mùi bắp rang nên uống vào
mà tôi cũng vẫn ngáp như thường. Mẹ tôi vào nhắc “Thôi
ngáp quá rồi, đi ngủ đi”.
Bây
giờ nhớ lại tôi vẫn còn nghe như phảng phất cái mùi bắp
rang đó và lại thấy thèm “mùi vị quê hương”!
10/2001
- N1-Z1:
Đọc
email Thầy D1 khiến nhớ lại thời xưa. Ở dưới quê uống
cà phê là chuyện quá sang, hàng dân dã năm khi mười họa
mới dám rớ tới. Ông chú tôi “mần việc” ở Sài gòn
mỗi lần cuối năm đều về quê thăm ông bà Nội của tôi
và ăn Tết, chỉ lúc đó có chừng vài trăm gram cà phê chánh
hiệu Martin thơm nực mũi. Sau nầy cà phê có bán lai
rai tại các quán cóc ở nhà quê nhưng là thứ cà phê pha với
hột vang. Lá cây vang như lá me, trái dẹp hột nhỏ, hột khô
đem rang mùi rất thơm tương tợ như cà phê. Có điều uống
vô không “phế” vẫn ngáp như Thầy D1 kể. Sau ngày trời
sập, ở tù về đi mần việc tại Tổ hợp rồi Xí nghiệp
của anh Sáu, cà phê mỗi ngày có khi tới 6, 7 cữ như Thầy
T1 nói mà vẫn thấy không sao vì pha trộn quá nhiều bắp rang
và nước cốt cau khô ăn trầu.
Qua
tới Mỹ quen thói VN pha mỗi ly là một muỗng, ngày đầu tới
phiên pha cà phê cho sở, cứ cái bình 20 cup là 20 quặng.
Tụi Mỹ uống vô kêu trời như bộng, choáng váng mặt mày
tim đập loạn xạ. Mới hay gặp đồ xịn phải bớt liều
lượng.
Lúc
nhỏ đọc chuyện kể là hồi Tây mới qua, có một ông VN
bữa nọ vô tiệm Tây uống thử cà phê cho biết. Vì lần
đầu nên phải dòm thằng Tây để bắt chước. Thấy thằng
Tây đổ cà phê nóng ra dĩa thêm chút đường, ông nầy cũng
làm theo. Nó thổi và lấy muỗng húp thử thì ổng cũng thổi
cũng húp. Tới chừng vừa uống thì thằng Tây bưng cái dĩa
để xuống sàn cho con chó của nó. Ông VN thì thôi đành húp
cà phê dĩa... Không chừng vì húp kiểu nầy thấy ngon mà cái
“pháp môn húp cà phê dĩa” được lưu truyền ở Nam kỳ
thời xưa, mãi tới ngày nay lại được truyền pháp qua tận
xứ Huê kỳ. Có điều là Thầy D1 chỉ nghe kể sơ nên không
biết vị đó lúc hành pháp có kéo một chưn lên ghế hay không!
Ôi
cái mùi vị quê hương làm sao mà quên được!
10/2001
- H1-Z1:
Nghe
các Thầy kể truyện húp cà phê mà nhớ nhà quá. Khi về khu
Tân Chí linh ở, ngay trước nhà có bà Thiếu tá, chồng đi
cải tạo, mở quán cà phê, bà này rang cà phê y như Thầy
N1 kể, có nước cau cho chát, có dừa rang cho béo. Dân Bắc
ngày xưa uống cà phê cho thêm tí bơ sênh sếnh, mùa đông
cà phê sữa cho mấy giọt rum, cà phê Tùng Đà lạt bị bọn
Nhựt kiện vì có á phiện.
Cà
phê được khám phá từ một tu viện ở Brasil, các cha
thấy một loại cây, mùa xuân hoa trắng rất đẹp, mùa hạ
trái chín đỏ ăn thử thấy tinh thần sảng khoái, có cha ăn
nhiều quá “phê”, tối ngủ không được, mơ tưỏng... !
Một nhà văn Âu châu đã ca tụng cà phê bằng bốn câu thơ:
Đen
như loài quỷ dữ
Tinh
khiết như thiên thần
Dịu
hiền như lòng mẹ
Đắng
chát như tình yêu.
Nguyên
văn tiếng Pháp :
Noir
comme le diable
Pur
comme l'ange
Doux
comme la mère
Et
amer comme l'amour.
10/2001
- N1-Z1:
Hồi
xưa có lần nghe đài BBC bàn về cà phê giống như Thầy H1
nói, nhưng có thêm thắt : Lúc thấy đàn cừu ăn trái đó
thì nhảy cỡn, hăng hái hẳn lên nên mấy cha mới làm thử,
và các ngài thấy đã thiệt nên hái về trình với Cha bề
trên. Ông nầy quở đây là trái của ma quỷ phải đem đốt
đi. Khi bỏ vào lò lửa thì mùi thơm xông nực mũi, quý Cha
hít đã quá mới lấy mấy trái nám đen pha nước uống thử
thấy sảng khoái tinh thần bèn dâng lên Cha bề trên nói là
thuốc bổ. Ông Cha chịu quá nên bầy đệ tử nói thật để
xưng tội. Ông Cha đổi giọng, phán “Đây là quà của
Chúa ban cho!”
10/2001
- T1-Z1:
Trong
tờ tạp chí Khởi Hành số mới nhất tháng 10/2001, có nhiều
bản dịch bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thi (bài số 1), tui
scan chuyển qúy thầy đọc cho biết. Cũng trong tờ tạp
chí đó có trích in một đoạn về “Đề nghị cách dùng
từ, dùng chữ, cho đúng” của giáo sư Nguyễn Đình Hòa,
tui cũng scan kèm đây luôn. Đoạn trích không cho biết
trích trong sách nào, có thể tác phẩm này chưa xuất bản.
Những đề nghị này của giáo sư NĐH thật ra là đã thành
“qui ước” của làng báo VN từ trước 75. Chỉ chưa thành
“tiêu chuẩn” chính thức thôi (phải có một cơ quan như
Hàn lâm viện mới quyết định cái này được).
Tui
muốn nói một điều là từ cỡ 35-40 năm nay tui đã có thói
quen viết và đánh tiếng Việt giống như vậy, chỉ có một
chút khác thôi: tui theo phe chủ trương không dùng gạch nối
cho các từ kép, kể cả từ chung và từ riêng. Tui chỉ dùng
gạch nối cho các từ riêng viết bằng phiên âm từ tiếng
nước khác. Chẳng hạn Sài gòn, Hà nội, nhưng Pa-ri, Ba-lê,
va-li, Hoa-thịnh-đốn,...
Nhưng
mà cũng không bắt buộc phải có gạch nối. Gạch nối sẽ
dùng trong trường hợp dùng nhiều tiếng ghép lại thành một
từ đặc biệt, chẳng hạn một người đàn-bà-trẻ-con
(femme enfant), Cái anh-chàng-gọi-là-tiến-sĩ (the so-called
doctor),...
Gửi
để qúy thầy suy nghĩ thử xem...
11/2001
- T1-Z1:
Có
người bạn gởi cho tui mấy câu thơ chữ Hán sau đây mà không
cho biết tên tác giả. Có thể là ráp nối mỗi câu từ nhiều
bài và nhiều tác giả. Thầy N1 và H1 có nhớ hay có tài liệu
tìm giùm cho biết tác giả (từng câu) và tên bài thơ.
Toan
tuần ngũ thập bát niên hoa
Tuế
mộ tha hương ưu niệm đa
Khách
cửu hồn vong thu kỷ độ
Bất
tri hà nhật toại qui gia
(Nhìn
lại đã được năm mươi tám tuổi
Năm
tàn xa xứ lòng rất nhớ thương
Quên
thân đất khách mấy mùa thu rồi
Chẳng
biết ngày nào được trở về nhà)
11/2001
- N1-Z1:
Không
nhớ là có đọc mấy câu thơ đó. Mà sao thấy nó mùi quá
mạng nên tức cảnh mà phỏng dịch như sau, xin Thầy H1 cùng
quý Thầy bổ túc và tiếp tục, như kiểu “thơ Quang Công”
thuở nọ :
Tuổi
năm mươi tám trôi qua,
Cuối
đời buồn nhớ quê xa
Quên
thân đất khách bao thu nhỉ
Biết
đến ngày nào ta hồi gia?
(Theo
tôi hiểu, “tuế mộ “ cũng có thể là tuổi về chiều,
hồi xưa sống tới 60 coi như thọ rồi. 58 là chuẩn bị đi
tàu suốt!)
11/2001
- B2-T1:
...
Về ý kiến cách dùng từ khi viết tiếng Việt thì anh đã
thấy cách viết e-mail của tôi rồi. Tôi dùng chữ VIẾT TIẾNG
VIỆT bởi vì cái loại chữ ABC nầy chỉ là chữ phiên âm
tiếng Việt theo qui ước Greco-Latin, chớ không phải thật
sự là chữ Việt, nó chỉ có lịch sử trong vòng 200 năm nay,
còn dân Việt chúng ta có lịch sử tới trên 4000 năm. Song
chúng ta bị buộc phải chấp nhận nó là QUỐC NGỮ, và chính
vì vậy mà không có một Hàn Lâm Viện nào xác định cách
viết chữ Việt ABC này ra sao cả !!! Ngay cả loại chữ Hán
Nôm của chúng ta có từ đời Trần Lê cũng chưa thật sự
là chữ Việt nữa, chữ Việt thật sự đã bị DIỆT trong
1000 năm Bắc thuộc, giống như tình trạng chữ Hán Nôm bị
diệt trong vòng có hơn 100 năm Pháp thuộc vậy!!! Vậy mà chữ
Hán Nôm ngay từ thời trước cũng bị chê “Nôm na là cha
mách qué “! Vì mạnh ai nấy viết mà không có một Hàn
Lâm Viện nào đưa ra một qui ước. Thôi thì ta hãy tạm quên
chuyện buồn nầy lại. Vì chỉ riêng việc “THA HƯƠNG”,
“HỒI HƯƠNG” cũng đã khiến bao người buồn bực rồi.
Lần
sau tôi sẽ ghi lại một bài thơ mà tôi đã làm hồi đầu
năm, nhưng không gởi đi đâu cả, vì “mắc cỡ” về chuyện
làm của mình...
11/2001
- T1-B2:
...
Tôi mới đi nghe học giả Ballaban và giáo sư Ngô Thanh
Nhàn nói chuyện về Hồ Xuân Hương và chương trình phục
hồi chữ Nôm. Họ làm việc ở New York University [New York
City] và được trường này support để thực hiện
chương trình đó. Tôi cũng có lần mon men vào các lãnh vực
này, nhưng vì còn “nặng nợ với bạn bè” quá thành ra
không còn đầu óc và thì giờ.
11/2001
- B2-T1:
...
Về việc bảo tồn chữ Nôm, tuy tôi cũng có ý mong mỏi, song
vì ít thời giờ cho nên không dám nói là quan tâm. Nay được
anh cho biết web của Ông Ballaban, khi rảnh tôi sẽ “thăm
viếng” sau. Một lần nữa lại xin cám ơn anh.
Trong
e-mail vừa rồi, tôi có viết là sẽ ghi lại mấy câu thơ
do tôi viết sau khi xảy ra sự kiện Sept. 11. 01. Lúc ấy chúng
tôi từ Seattle tới Maryland vừa được 2 tháng. Tôi có cảm
tưởng một cuộc chiến tranh không thể tránh sắp xảy ra,
và tôi nhớ lại khi xưa có lần đi xem film “La vallée de
la paix”. Câu chuyện kể 2 đứa trẻ người Pháp đi tìm
một vùng thanh bình. Gần giống như chúng tôi đã lưu lạc
từ VN sang đây!
Giật
mình sau một giấc mơ dài,
Mới
biết nằm mê tự bấy nay!
Dở
giấc quê hương hồn chửa tỉnh,
Một
phen phiêu dạt thấu trần ai!”
Quả
thật “BÌNH AN” là tự trong TÂM của mình chớ không thể
chạy đi tìm ở nơi nào được!
Vừa
mới rớt máy bay tại NY nữa, coi bộ NY của anh năm nay không
được may mắn.
12/2001
- N1-Z1:
...
Tới đây chợt nhớ cuốn sách bán chạy nhứt ở Mỹ mấy
năm liền của Đại Sư S. Suzuki: Zen Mind, Beginner's Mind
(không phải Dr. D.T. Suzuki danh tiếng lừng lẫy, người
đã đem Thiền vào thế giới Âu Mỹ). Theo đó tu Thiền không
khó ở ngộ, mà khó ở chỗ đừng đánh mất cái “Sơ tâm”
(Beginner's mind).
Kinh
nghiệm hồi ở Long thành, sau 7, 8 tháng thanh lọc thân xác,
lần đầu nếm lại vị ngọt miếng đường thẻ thật tuyệt
vời. Quý Thầy F1, H1 chắc còn nhớ cái cảm giác xuất thần
nhập diệu với tô bò kho hay bún bò của tiệm Tàu trong trại:
Một Thầy thì “sập thần vì” trước khi ăn, sau đó xuất
hạn mồ hôi tật bịnh tiêu trừ, còn Thầy kia sau khi “độ”
xong thì hậu môn không chịu đóng. Nhưng nói chung cái lưỡi
lúc tiếp xúc với miếng thịt bò hẳn là “quá đã”! Bởi
vì theo năm tháng cái thân xác đã trở thành “Sơ... xác”
(hay xơ xác), cái tâm sạch bách hết, không còn chất chứa
những gì nhàm chán trong bộ nhớ thì cái “sơ tâm” nay sẵn
sàng để tiếp nhận mùi vị tuyệt vời của món ngon.
Theo
tui chuyện xử thế và tu học có lẽ cũng tương tợ như vậy.
Ví bằng không đánh mất sơ tâm, cái tâm mãn túc tuyệt vời
lúc lần đầu tiên quen Bả thì sau nầy đâu cần phải “tu
tập” cái pháp môn luyện cho thành “lỗ tai đàn bà, đếch
có thèm hiểu, chỉ nghe tiếng động thôi”! Nếu vẫn
trân trọng vui hưởng cái cảm xúc mới nguyên như thuở ban
đầu lúc được kêu interview rồi có được job
ở xứ người, thì sau đó mấy chữ “đi cày” sẽ nên thơ,
giống như thằng nhỏ ngồi lưng trâu trong Quốc Văn Giáo Khoa
Thư thời thơ ấu. Xin trân trọng cái Sơ Tâm, hãy luôn luôn
là kẻ Bắt Đầu! Đó là lời khuyên của Đại Sư S. Suzuki.
12/2001
- N1-Z1:
Coi
cái hình “65 years old” bỗng nhớ chuyện nầy: Có 1 cặp
sau màn “ấu đả” thì “tu tịnh khẩu”, chỉ xài bút
đàm. Bữa nọ thằng chồng viết: 4 giờ sáng mai kêu tao
dậy đi công tác. Hôm sau nó thức 6 giờ như thông lệ,
thấy tấm giấy để bên gối: 4 giờ rồi dậy đi!
...
Hồi nhỏ ở chùa tui cứ mãi thắc mắc, nếu chư Phật thần
thông quãng đại bất khả tư nghì như trong kinh sách thì sao
không thị hiện cái thần thông đơn giản là cho mấy thằng
ác ôn mỗi tối cứ nằm chiêm bao thấy điều ghê sợ khủng
khiếp liên tu chắc sẽ cải hóa nó dễ dàng!
Tới
năm đệ nhứt khi học điện xoay chiều, vô tuyến điện,
mạch cọng hưởng v.v... tui thấy thiệt đã trúng chỗ ngứa,
“ngộ” liền: Tâm linh của đứa chuyên làm ác cỡ như cái
radio AM 1 đèn không sao bắt được “tần số và công suất
microwave” cực mạnh của các bậc siêu phàm, cho nên
muốn độ chúng sanh có hiệu quả thì các vị phải mang xác
phàm để lân la gần gũi chúng sanh, chuyển cái tín hiệu cao
siêu vào cuộc sinh hoạt tu học bình thường... Con đường
tiến hoá là phải nhập vào trường học thế gian.
Không
qua cuộc khảo thí ở cõi đời nầy không mong chi "đáo bỉ
ngạn". Tui nhớ lại môn Hoá học nguyên tử và Vô tuyến điện
và Thiên văn quả đã gây chấn động và “khai khiếu” cho
mình.
2/2002
- N1-T2:
Cái
câu đối trong tấm thiệp chúc Tết đã làm tui muốn khốn
đốn. Hồi đó ở DBĐ có cha P. còi hình như ở tù mới ra,
và ông gác dan Hồ thanh Bần ở trạm Hỏa Xa (đệ tử lâu
đời từ hồi Thầy F. lận). Ăn cái tết cuối cùng trước
khi trời sập (mà đâu có ngờ sập lẹ vậy), tui định nói
với họa viên viết nguyên câu đối đó như vầy để dán
ở Saigon Sub chơi:
Chiều
ba mươi, nợ rối tơ vò, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng
mùng một, rượu say túy lúy, đưa tay bồng ông phúc vào nhà.
May
là không làm, nếu không thì mang họa vì sau ngày “phỏng
d...”, gác dan lao công là chủ cao cấp của nhà máy. “Cách
mạng 30”... còn phải đi học tập nữa kìa!
...
Còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa là giao thừa ở quê
nhà. Tôi hình dung ra giờ nầy ở sau hè bà già chắc vừa
bớt lửa bếp ở nồi cá lóc kho rục xương và nồi bánh
tét đã khởi sự nấu từ sáng 30. Mấy anh chị cháu chắt
tui thì hoặc đang quây quần quanh bếp hay ở nhà trên, trà
nước lai rai trong đêm trừ tịch. Còn phần tui thì đang gõ
mấy chữ nầy gởi quý Thầy để hồi tưởng về quê hương
yêu dấu...
Tui
còn nhớ lai rai mấy lời Phật, xin tặng Thầy H1: Tam giới
duy Tâm, Vạn pháp duy Thức. Trong các Pháp, Tâm đứng đầu,
Tâm làm chủ, lấy cái Tâm trong sạch tạo nghiệp nói năng
hành động thì nghiệp lành theo mình như bóng với hình.
2/2002
- N1-Z1:
...
Tui còn nhớ sau khi Thầy H1 lên máy bay đáo Bỉ quốc, qua đầu
năm mới anh em ở cửa tiệm XDĐ Chợ Bến thành có đọc thơ
nói về cái Tết đầu tiên ở xứ người, chiều ba mươi
Thầy H1 cúng vái ông bà phù hộ cho sớm có việc làm. Tui
và đại ca T. đọc đi đọc lại mừng cho người ra đi mà
cũng thấy bùi ngùi...
Năm
nay Radio và TV tại Cali truyền chương trình Tết coi bộ xôm
tụ dữ. Có đài khởi sự phát hình từ 10 giờ khuya đêm
ba mươi tới 4 giờ sáng mùng một Tết. Đủ thứ thập vật
trong đó. Màn phóng sự chợ Tết ở VN nhộn nhịp quá chừng:
Người đông như kiến cỏ, cô phóng viên nói lia lịa theo
kiểu chuyển âm tiếng Việt trong phim bộ Hồng kông nghe thiệt
tức cười: Một hộp bánh nội 4, 5 chục ngàn, bánh ngoại
hơn 100 ngàn. Một chậu cúc mấy chục ngàn. Hỏi cách nào
để lựa được dưa hấu ngon thì thằng cha bán dưa phang liền
“Trái nào cũng ngon không cần lựa!”
Riêng
chợ Tết Nam Cali thì khỏi nói, chen chân không lọt, kiếm
chỗ đậu xe trần ai. Khác biệt với VN là Tết Nam Cali năm
nay không thấy một trái dưa hấu nào hết, có lẽ tại thời
tiết bất thường. Các món khác chắc không thiếu thứ gì.
Riêng phần tui vốn là dân đồng quê, giống như Thầy F.,
vẫn thấy thiếu cái gì. Nhớ mùi cứt trâu bên đống lúa
trâu vừa đạp xong, mùi sình lúc tát đìa cuối năm, mùi lúa
mới mùi rơm đốt để nướng bánh phồng chiều 30 Tết.
Nói
tới đây lại nhớ tới Thầy H1 nữa, hồi nhỏ tui đã la
cà suốt buổi tại phòng tối tiệm chụp hình ở chợ quận
để coi cái kỳ diệu của việc rửa hình. Bây giờ cứ mỗi
lần Tết đến là nhớ tới cảnh bà già nhà quê cùng đám
cháu chắt ngồi ngoài sân, nướng bánh phồng trên đám rơm
cháy bập bùng gần bàn ông Thiên khói hương nghi ngút, tui
ước gì lúc đó có máy mà chụp một pô với đề tài Hương
Khói Đầu Xuân thì thật tuyệt. Hồi đó ông chú ở Sài
gòn có cái máy Agfa chỉ có 1 tốc độ, ống kính không
mở lớn nhỏ gì hết, có khi bấm hết phim mà quên mở nắp.
Vậy mà giá mắc vô cùng, trong bụng ước sao lớn lên đi
làm có tiền mua chơi cho đã!
Trở
lại ăn Tết tại Cali, đêm ba mươi bày hương đăng trà quả
trong nhà và trước sân sẵn. Đúng giao thừa lên nhang đèn
cúng ông bà và mừng năm mới. Kế thức để coi chương trình
đón Xuân cho hết, vậy mà gục hồi nào không hay. Sáng mùng
một đi các kiểng chùa lạy Phật, chùa Cali quá nhiều thì
thôi tùy bà, bà sao tui vậy. Có một chùa lần đầu mới viếng,
chùa nhỏ mà ôi thôi không biết bao nhiêu cây kiểng, hòn non
bộ, cái nào cái nấy tui ước chừng cả ngàn đô, nghĩ bụng
không biết nghệ nhân nào gởi ở chùa đây? Tui hỏi một
ông đạo thì ra tất cả là tuyệt phẩm đã từng đoạt giải
ở các triển lãm, mà tác giả là... Thầy Trụ Trì!
Vô
chánh điện thì bao nhiêu công trình nghệ thuật, khắc tượng,
đều do Thầy làm ráo. Càng hỏi thêm càng giựt mình, ông
Thầy đúng là đại tài, đã có sách, thơ hay xuất bản, nhiếp
ảnh nghệ thuật đoạt giải lia chia. Chợt nhớ tới câu:
Có hai đường để nhập Đạo, một là không biết gì, tâm
như tờ giấy trắng, hai là chơi mút chỉ cho tới tuyệt đỉnh
của nghệ thuật, thì đó là Đạo! Cái “nghiệp” của ông
Thầy nầy chắc là con đường “chơi” nầy.
Ngoài
các khóa tu học Thiền hành thường xuyên do chính Thầy phụ
trách, ông Thầy và bổn đạo còn có truyền thống là cứ
mỗi thứ ba hàng tuần đi thí thực ở công viên cho bà con
không nhà, bất kể màu da sắc tộc. Thời tiết mưa gió gì
cũng đúng theo lệ thường hành bình đẳng, tạo duyên lành
cùng sanh chúng homeless qua bữa cơm chay. Tết năm ngoái
gặp ông Thầy hăm “xì bánh xe nếu tụi bây không ở lại
ăn cháo”, năm nay gặp Đạo sư đa tài, có lẽ là “hữu
duyên thiên lý năng tương ngoä” chăng?
2/2002
- T2-Z1:
Hổm
rày trên TV cứ nghe nói hoài về Enron bị bankruptcy
gây nhiều ảnh hưởng lớn ở US, nhưng thực chất bề trong
chắc cũng có nhiều ít ẩn tình. Các thầy ở Mẽo hầu hết
đều ở trong ngành năng lượng, các thầy giải thích cho các
thầy ở Âu châu biết với. Xin cám ơn quý thầy nhiều.
2/2002
- T1-Z1:
Mấy
tuần nay tui bị “mờ người” vì công việc. Việc sở thì
ít mà việc “chùa” thì nhiều, nhất là gần Tết phải
tổ chức Tết cho cộng đồng VN ở đây. Vụ Enron theo
tui hiểu thì như thế này:
Từ
sau khi chính phủ Mỹ bắt các nhà đèn cạnh tranh (competition),
các nhà máy sản xuất tách riêng ra khỏi nhà đèn, và chỉ
có các nhà máy sản xuất cạnh tranh nhau, còn các nhà đèn
thì chỉ lo chuyển vận, phân phối (vì vẫn là sở hữu chủ
của các đường dây và trạm). Phần này vẫn bị kiểm soát
bởi Ủy ban Tiện ích Tiểu bang (Public Service Commission).
Nhà đèn còn có thể lo phần khách hàng tiêu thụ (customer
service) nữa, nhưng phần này lại cạnh tranh với các energy
provider.
Thị
trường cạnh tranh của các nhà máy sản xuất tự nhiên sinh
ra một loại business mới: các power marketer, chuyên
đi tìm mặc cả mua energy của các nhà máy sản xuất
với một giá sỉ nào đó, rồi bán lại có thể với giá
sỉ cao hơn hoặc giá lẻ cho các nhà đèn, hay các energy
provider. Enron là một anh power marketer. Mấy anh power
marketer lúc đầu chỉ có một hai người lèo tèo, cùng
với một hệ thống computer có internet và telephone.
Ngồi ở một cái bàn ở một nơi nào đó, mấy ảnh bắt
đầu quậy lên.
Thói
thường, muốn cạnh tranh thì “cung” phải nhiều hơn “cầu”.
Trong ngành energy, nhất là trong 10-20 năm nay ở Mỹ, đâu
có xây thêm được nhà máy lớn nào đâu (nuclear), cầu
thì càng ngày càng tăng, mà cung thì sụt giảm (máy cũ, hư,...).
Do đó mới xảy ra cảnh power marketer mua $35/MWH mà bán
lại $3500/MWH, đã làm cho tiểu bang Cali khốn đốn.
Trong
vòng vài năm thôi, Enron vọt lên thành một đại công ty, bao
trùm hầu hết các nhà máy sản xuất điện, chẳng những
ở Mỹ mà còn ở vài quốc gia khác. Ai
cũng biết cái chuyện mua $35 bán $3500 là cái chuyện không
thể tồn tại, chuyện sơ hở của luật pháp, cũng có thể
là chuyện “tham nhũng hối lộ” và quyền lợi cá nhân (nhiều
tay cỡ tổng thống, phó tổng thống, các bộ trưởng,... có
cổ phần trong Enron). Mấy tay đầu sỏ của Enron cũng biết
như vậy cho nên “ăn non” vài năm, cổ phần mua cỡ $10-20,
bán lại $70-80, một triệu cổ phần đem lời về tới 60-70
triệu đồng trong vòng có vài năm. Ngay lúc Enron còn lên, giá
cổ phần còn ở mức $80-90, nhiều tay đầu sỏ đã từ chức,
bán hết cổ phần, định là ôm tiền trúng số đi chỗ khác
chơi, phủi hết trách nhiệm.
Nhà
nước sửa sai, đặt ra nhiều luật lệ và điều kiện mới
cho việc cạnh tranh của các nhà máy (bán thẳng cho nhà đèn,
giá “nóc” [cap],...) Enron không còn mua $35 bán $3500
nữa mà trái lại, vào những giờ mức tiêu thụ thấp, Enron
không bán hết được phần energy đã mua sỉ của các
nhà máy, có lúc phải hạ giá bán xuống dưới $35. Tình trạng
này làm cho mức lời của Enron sụt giảm thảm hại.
Đó
là chuyện business chính thức. Thêm vào đó, Enron còn
làm chuyện “bá đạo”, qua mặt bao nhiêu nhà băng và nhà
nước, ngụy tạo hồ sơ kế toán để tăng số lời, giảm
số nợ, để đi vay thêm. Thấy Enron “ăn nên làm ra” trong
có vài năm, nhiều nhà băng tin tưởng đổ tiền ra cho vay,
Enron mượn đầu heo nấu cháo. Các hồ sơ này Enron đã và
đang tiêu hủy, Enron mướn hẳn một công ty với cả đoàn
xe truck để làm việc tiêu hủy hồ sơ này. Bây giờ
sập tiệm, giá cổ phần Enron từ $80-90 tụt xuống cỡ 20
cents, tài sản của công ty đâu còn gì đâu ngoài mấy cái
buildings và giàn computers. Làm sao có đủ tiền
để trả nợ nhà băng? Tiền để dành về hưu của nhân viên
Enron phần lớn nằm trong cổ phần Enron, bây giờ coi như họ
trắng tay.
Đại
khái câu chuyện Enron là như thế, Thầy nào, nhất là HT, thấy
có chỗ nào không đúng hoặc cần nói rõ hơn, xin lên tiếng.
2/
2002 - N1-Z1:
Lý
do chánh là do thị trường “chim cút” high tech, dot com
khoảng 1998-2000. Thiên hạ ùn ùn nhào vô mua stock với
bất cứ giá nào, không thèm đếm xỉa gì đến các lời cảnh
cáo. Thử nghĩ cái PE ratio tức là tỷ số Price/Earning
của rất nhiều stock lên đến cả ngàn. Thí dụ PE là
1000, tức là bỏ tiền ra mua thì phải đợi tới 1000 năm sau
tổng cộng tiền chia lời (nếu vẫn như vậy) mới bằng tiền
mua. Mà thiên hạ đâu có cần. Chỉ biết chim cút mua tháng
nầy $10 vài tháng sau bán $40 thấy đã quá, lại thêm bao nhiêu
thầy bàn ác ôn cò mồi kích động.
Đám
đầu sỏ Enron nắm vững điều nầy. Để dụ thiên hạ vô
bẫy, nó đã lập ra cả 100 công ty con. Mấy thằng con làm
giấy tờ nhận của cha 100 triệu, mà thật ra chỉ có 10 triệu
để “làm ăn” linh tinh. Cuối quarter thằng cha báo
cáo có credit 90 triệu và tròng tréo thêm nữa gọi đó
là tiền lời do công của Partners nên thưởng cả chục
triệu bằng stock và tiền. Mấy
thằng con “lỗ” 90 triệu thì hồ sơ dấu riêng không khai
báo cho thị trường. Thiên hạ thấy Enron làm ăn 1 vốn 4 lời,
nhào vô rần rần làm giá stock lên như chim cút. Nội
bộ có mấy thằng có lương tâm gởi memo cảnh cáo thì
đám còn lại cứ lờ đi, lại còn vụ tạo ra đám partner
ma bỏ vô $6000 mua stock (được mua theo giá hồi “tạo
thiên lập địa” quy ra có vài chục xu) vài tháng sau bán
với giá 8, 9 chục, kiếm lời được bạc triệu. Trong đó
có một thằng partner kiếm được hơn 100 triệu, nhảy
ra khỏi đúng lúc Enron stock cao nhứt. Thằng nầy chắc
biết rờ mu ... rùa vì sau đó là Enron xuống dốc. Làm sao
dấu nhẹm hoài được, lòi ra sổ sách gian, từ đang lời
mấy trăm triệu điều chỉnh lại thành lỗ mấy trăm triệu.
Khách hàng, nhà băng hoảng bán đổ bán tháo và cứ thế mà
“tuột dốc không phanh”!...
2/2002
- T1-N1:
Nhờ
HT bỏ dấu giùm bốn câu thơ của vua Trần Nhân Tông dưới
đây. Cám ơn nhiều.
Thuo
be chua tung biet sac khong
Xuan
ve hoa no ron trong long
Chua
xuan nay ta da kham pha
Trai
chieu giuong thien ngam canh hong.
2/2002
- N1-T1:
Xin
bỏ dấu cho bài thơ dịch :
Thuở
bé chưa từng biết sắc không
Xuân
về hoa nở rộn trong lòng
Chúa
xuân nay ta đã khám phá
Trải
chiếu giường thiền ngắm cánh hồng.
Nguyên
văn bài thơ chữ Nho:
Niên
thiếu hà tằng liễu Sắc Không
Nhất
xuân tâm tại bách hoa trung
Như
kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiền
bản bồ đoàn khán trụy hồng
Tạm
dịch đủ nghĩa như vầy:
Thuở
bé chưa từng thấu đáo lẽ Sắc Không
Cứ
mỗi lần Xuân đến là lòng ta ở trong muôn hoa
Hôm
nay khám phá được mặt Chúa Đông rồi
Thì
cứ từ giường Thiền nệm cỏ ngắm cánh hồng rơi
2/2002
- F1-Z1:
HT
giỏi thiệt! Danh bất hư truyền! Sẵn dịp nói về thơ thiền
của vua Trần Nhân Tông và sẵn đang có bài thơ khác nằm
trước mặt, tui chép ra hầu quý thầy:
Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ
tắc xan hề khốn tắc miên
Gia
trung hữu bảo hưu tâm mích
Đối
cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Dịch:
Ở
đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói
đến thời ăn mệt ngủ liền
Trong
nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối
cảnh không tâm chớ hỏi thiền
Còn
một bài về xuân nữa, cùng tác giả:
Thụy
khởi khải song phi
Bất
tri xuân dĩ quy
Nhất
song bạch hồ điệp
Phách
phách sấn hoa phi
Dịch
nghĩa:
Ngủ
dậy mở cửa sổ ra xem
Không
biết xuân đã về rồi
Một
đôi bươm bướm trắng
Vỗ
cánh bay sấn tới cành hoa
2/2002
- T1-Z1:
HT
và Thầy F1 đúng là “Hán rộng”. Bốn câu thơ (dịch) của
vua TNT mà tôi nhờ HT bỏ dấu là do một người bạn gửi
chúc Tết cho tôi. Tôi đã thử bỏ dấu mà vì cứ bị khựng
lại ở câu thứ ba (Chúa Xuân nay ta đã khám phá) vì
lạc vận, thành ra phải nhờ tới HT. Bản dịch đó hình như
là của HT TThT (ở trong nước).
2/2002
- N1-Z1:
Nhắc
lại nguyên bản của bài thơ:
Niên
thiếu hà tằng liễu Sắc Không
Nhất
xuân tâm tại bách hoa trung
Như
kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiền
bản bồ đoàn khán trụy hồng
Tạm
dịch 6 câu cho đủ nghĩa:
Tuổi
trẻ nào hiểu thấu
Những
lẽ Sắc cùng Không
Cứ
mỗi lần Xuân đến
Trăm
hoa rộn trong lòng
Đến
nay biết mặt chúa Đông
Giường
Thiền nệm cỏ ngắm hồng rụng rơi
Bàn:
Lời
dịch của Thầy ThT, theo tui, có lẽ chưa cho thấy cái lý Sắc
Không của nguyên tác. Tui nghĩ hai câu đầu tác giả nói về
cái “Sắc” của tuổi thiếu niên rộn ràng với mùa Xuân
trăm hoa đua nở. Dù có rán lấp ló tới cửa “Thiền” thì
vẫn là... “dâm tăng”, thấy cái gì cũng ham... Hai chữ Đông
Hoàng (Chúa ở hướng đông) là chúa Xuân, nhưng tui nghĩ miên
man là hai câu sau đề cập đến cái “Không” của mùa Đông,
muôn hồng ngàn tía rồi cũng phải rụng rơi. Thiên địa tuần
hoàn theo lẽ Thành Trụ Hoại Không. Đã tới lúc về già rồi,
đồng hồ lúc nào cũng chỉ 6 dớ, thì dù mỡ có treo miệng
mèo mèo cũng lắc đầu. Đây là lúc: Biển ác mênh mông,
quay đầu lại là bờ bến... Không muốn quay đầu cũng
không được!
2/2002
- H1-Z1:
Một
thời, ai cũng ca tụng Thomas Edison đã sáng chế ra được
cái máy nói. Ông ta nhã nhặn trả lời: “cái máy nói là
do tạo hoá sanh ra, tôi chỉ chế ra cái máy lập lại tiếng
nói, nhưng có một điểm làm tôi hãnh diện là cái máy của
tôi có thể tắt được”.
2/2002
- N1-Z1:
...
Tui ngẫm nghĩ hầu như ai cũng không tránh khỏi cái TV hay radio
hay máy nói bám riết theo mình, từ đó mà hiện ra biết bao
nhiêu âm thanh sắc tướng đủ thứ phiền não trong đời,
muốn tắt không được muốn đổi đài cũng không được.
Đời khổ quá nên ai cũng khoái sướng. Tu hành hay “làm ăn”
kiểu chi thì cũng để ... sướng mà thôi.
Tu
theo nhà Phật đại khái có hai cách: Một là hết lòng niệm
Phật và phải niệm liên tu để về cõi Sướng Tột Đỉnh
rồi sẽ tu tiếp, lúc đó tu như thế nào sẽ tính sau. Hai
là tu Thiền tới chỗ giác ngộ Tánh Không v.v... rồi dứt
điểm luôn. Người niệm
Phật là người muốn “đổi đài”, chán nghe thấy cảm
nhận cảnh trần gian khổ lụy, khoái chuyện Vui Sướng (Cực
Lạc). Còn người tu Thiền thì muốn “tắt máy”, sống với
cái Tự Tánh vốn có sẵn từ khi chưa có không gian thời gian.
Đổi
đài hay tắt máy là tùy theo cơ duyên sở thích của mỗi người.
Đó là nói về cái Máy trong lòng. Còn “Máy trong nhà” thì
tùy phước phần của... nạn nhơn. Nếu phước đức viên
mãn thì bất chiến tự nhiên thành!
3/2002
- H1-N1:
Cái
bài của HT chí lý lắm, nhân tiện nhờ HT giảng cho thế nào
là Tiểu thừa, thế nào là Đại thừa, ngoài Bắc sư mặc
áo nâu sồng, trong Nam vàng? Hình như bây giờ không còn Tiểu
thừa nữa?
3/2002
- N1-Z1:
Bấy
lâu nay bàn lai rai chuyện Đạo cùng vui với quý Thầy, và
cũng là theo “đơn đặt hàng” của Thầy T1 từ mấy năm
trước, cho nên mình tà tà đi theo “đường ngang” (dịch
từng chữ là theo “tà đạo”!). Nay Thầy H1 hỏi làm tui
giựt mình vì câu đó muốn trả lời phải đi “đường thẳng”
(chánh đạo). Hai chữ Chánh Tà nguyên thủy không có gì là
... chánh hoặc tà cả, chỉ có ý nói: một là chĩa thẳng
bon vô mục tiêu, hai là chĩa ngang không theo đường đã vạch
sẵn. Cái đầu chắc ăn, cái sau dễ trật vuột.
Chơn
lý khi hiện thành ý tưởng, âm thanh sắc tướng, thì muôn
hình muôn vẻ, làm sao có tôn giáo nào hay bộ phận của tôn
giáo nào giữ độc quyền ban phát chơn lý được dù người
ta vẫn cố làm và chụp mũ cho nhau: Tao chánh Mầy tà!
Trở
lại việc Tiểu thừa hay Đại thừa trong Phật giáo thì tui
hiểu như vầy: Danh xưng Tiểu thừa là do quý vị tự nhận
là Đại thừa gán cho Phật giáo Nam tông (Tích lan, Miến, Thái,
Lào, Miên và Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy tại VN). Nam
tông cho là họ làm đúng theo cách sinh hoạt của Tăng đoàn
lúc Phật còn sanh tiền. Trì bình khất thực, ngày ăn một
bữa không quá giờ trưa. Không nấu nướng, không chứa lương
thực của cải, v.v... Tụng kinh bằng tiếng Pali như
ngôn ngữ Đức Phật. Tuyệt đại đa số kinh điển của Đại
thừa (Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cương, A Di Đà,
v.v...) hoàn toàn không thấy dấu vết gì trong Nam tông vì Nam
tông không nhìn nhận là do Phật thuyết. Các nhà sử học
Phật giáo cũng nhìn nhận là các kinh Đại thừa chỉ xuất
hiện sau khi Phật nhập diệt hơn 500 năm.
Còn
Đại thừa thì bị Nam tông kêu là phái Tân tiến vì không
đúng như thời Phật sanh tiền. Kinh điển thật siêu việt
nhưng không phải lời của Phật. “Xịn” thì có xịn mà
không “gin”. Điểm lạ là tất cả kinh Tiểu thừa đều
có trong kinh Đại thừa tuy rằng các chùa Đại thừa không
tụng đọc. Còn vụ áo thì áo vàng là “gin”, còn áo nâu
là do tình hình thực tế về sau phải sanh hoạt làm việc.
Lý tưởng Đại thừa là Hòa quang hỗn tục, Nhứt nhựt bấc
tác, Nhứt nhựt bất thực. Sống lẫn với đời nên chế
ra áo nâu cho tiện. Áo vàng chỉ mặc khi hành lễ thôi.
Ở
VN có ít chùa Tiểu thừa. Tại Sài gòn tui nhớ hình như chỉ
có chùa Kỳ Viên, các tỉnh miền Tây có các chùa Miên. Miền
Trung và Bắc hình như không có chùa Tiểu thừa nào hết...
...
Điểm khác biệt rõ nét là đa số chùa Nam tông chỉ thờ
một tượng Phật Thích Ca “lịch sử”, không có chư Phật
và Bồ Tát huyền bí khác. Trong chùa không có bếp vì chỉ
đi khất thực. Gần tới giờ trưa là trở về chùa, được
gì ăn nấy không để ý chay mặn, không có hoặc không đủ
ăn phải chịu. Các thầy sống chung trong Tăng đoàn để tu
học, chữ Tăng già là theo ý nghĩa nầy. Có vị còn theo triệt
để như thời Đức Phật, nếu không nhằm mùa mưa thì tối
ngủ dưới gốc cây. Đức Phật còn dạy không được ngủ
cùng một gốc cây nhiều đêm vì sợ ở lâu đâm ra quyến
luyến chăm sóc vun quén chỗ đó. Đúng là tinh thần vô ngã.
Nói
tới đây nhớ “Ông Về Hưu” ước lúc trời chiều ngồi
ở một cái rễ cây bàn chuyện đạo đời (không được ngồi
một rễ cây nhiều lần!) Lại nhớ hồi nhỏ nhà đưới quê
cạnh bờ sông có gốc xoài rễ de ra trên mặt sông. Có đêm
trăng sáng vằng vặc, xa xa lập loè ánh đèn mấy xuồng câu
tôm, trăng trong gió mát, ra ngồi đó mà... ị thì thật tuyệt.
Kỷ niệm tếu thuở 9, 10 tuổi đó giờ nầy còn nhớ như
in.
...
Theo tui hiểu thì trước kia đại đa số các nhà nghiên cứu
và tu học Phật của Âu Mỹ đều theo Nam tông (Tiểu thừa)
vì nội dung kinh điển rất thích hợp với tinh thần khoa học,
chuộng thực tế, kinh điển chép lại cuộc đời và lời
giảng dạy của một người tên Sĩ Đạt Ta nhận thức được
nỗi khổ ở đời mà tìm được đường thoát khổ và tu
tập thành tựu.
Ngoại
trừ các chuyện về tiền kiếp, hầu như không có giáo lý
“huyền nghĩa” như trong các kinh điển Đại thừa mà sau
khi Phật qua đời phải có biết bao nhiêu sách vở để giảng
giải về các thâm nghĩa, mật nghĩa huyền nghĩa nầy. Khó
hiểu vì rất nhiều lời văn “mâu thuẫn”, hoặc đầy “huyền
bí” như trong truyện thần thoại, chưa kể đến các câu
chơn ngôn, thần chú không hiểu nổi nên không phiên dịch.
Quý Thầy đọc kinh Kim Cang hay kinh Pháp Hoa chắc đã thấy
điều nầy. Có bực Đại Sư tu theo Đại thừa, với lòng
thành kính tin tưởng đó là lời Phật, mà có lần vị nầy
phải nói kinh Đại thừa chỉ để trên bàn thờ mà thờ!
Sự
khác biệt trên kinh sách giữa Tiểu thừa và Đại thừa cho
đến nỗi có nhà tu theo Tiểu thừa gọi Đại thừa là “con
hoang” (mà “hoang” nhứt là Thiền tông!).
...
Hôm qua sau khi phụ họa với Thầy TK (không phải Tỳ Kheo đâu
nghe) tui đọc được mấy câu trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh
như sau:
"Nầy
các Thầy Tỳ Kheo! Ta không thấy một cái gì khả ái như vậy,
đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say
sưa như vậy, chướng ngại cho sự tu tập như vậy.
Nầy
các Thầy Tỳ Kheo, đó là nữ sắc!
Nầy
các Thầy Tỳ Kheo! Người nào ái nhiễm, tham luyến, say đắm
nữ sắc, sẽ ưu sầu lâu dài vì bị sa vào uy lực của nữ
sắc. Đàn bà khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười,
khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết đều có
thể chinh phục được tâm của đàn ông.
Nầy
các Thầy Tỳ kheo! Nếu có ai nói rằng đàn bà là bẫy mồi
toàn diện của Ma vương, thì người ấy đã phát biểu trung
thực về đàn bà.”
Quý
Thầy ôi! Thời Phật các đệ tử là bậc Thánh Tăng mà còn
bị “cảnh cáo” như vậy... Ông Cao Huy Thuần khi bàn việc
tu có nói đại khái hễ có tu tập là có ma, mà con ma dữ
nhứt là “ma pham”, tức đàn bà. Ma ơi! Ta với Người như
cỏ với lửa. Lửa tới thì cỏ phải lẹ lẹ tránh xa. Nữ
sắc tạo ra cái ham muốn không gì lớn bằng. Lớn đến nỗi
Phật phải nói đến mức nầy: May là chỉ có một cái như
vậy, giả sử có cái thứ hai thì thiên hạ không còn ai hành
đạo được nữa!
...
Kinh Tiểu thừa có lời văn, cách nói rất mộc mạc, dễ hiểu.
Quý Thầy coi đoạn Tứ Thập Nhị Chương Kinh kỳ trước thì
thấy. Tuy rằng trong kinh cũng có vài chỗ (tui chưa trích) có
“ngôn ngữ Thiền” mà một Đại Sư nói là do đời sau thêm
thắt vào. Hoa gấm Thiền làm hỏng cái duyên mộc mạc của
bản Kinh, như cô gái quê của Nguyễn Bính “đi tỉnh về”
chẳng thấy thêm gì, chỉ thấy “hương đồng gió nội
bay đi ít nhiều”.
Điểm
khác nữa là Phật giáo Tiểu thừa trân trọng bảo tồn triệt
để việc giữ giới. Giữ giới đây không phải là vì sợ
mà vì “Thấy và Vui”. Giới cần cho việc tu học cũng như
hơi thở cần cho sự sống. Hành giả “thấy” thở được
thì sướng, không thở thì chết ngộp cho nên “vui vẻ”
... thở. Hơi thở mà ngưng thì:
Ô
hô! Tam thốn thổ tại thiên ban dụng
Nhất
đán vô thường vạn sự hưu!
Giới
sụp đổ rồi thì Định, Huệ cũng tan tành. Bàn rộng ra Giới
là Đạo, là quy luật tự nhiên. “Thấy và Vui” sống theo
quy luật cho tới lúc Mình là Giới, Giới là Mình thì hạnh
phúc tuyệt vời.
...
Giới Định Huệ ở Tiểu thừa là để thoát Khổ. Chữ Khổ
ở đời sống được đặc biệt nhấn mạnh là do ham mê (ái
dục) để làm cho “đã” cái Ta. Khi diệt được cái Ta (vô
ngã) rồi là Giải thoát. Chỗ hiểu lầm là cho Tiểu thừa
còn ích kỷ, chỉ lo giải thoát cho mình. Nói tới Ích kỷ
thì phải có Ta và Người, ích cho Ta không ích hoặc hại cho
Người. Đằng này đã đạt đến Vô Ngã rồi còn ích kỷ
nỗi gì nữa!
Quả
vị của Tiểu thừa là Tứ Thánh: Tu Đà Hoàn (Nhập lưu),
Tư Đà Hàm (Nhứt lai), A Na Hàm (Bất lai) và cao nhứt là A
La Hán (Vô sinh) cũng bị chê là hàng thấp nhứt (Thinh Văn)
trong hai cái thấp Nhị Thừa (Thinh văn kế đó là Duyên giác),
mà đó là quả vị của các Đại đệ tử tức là những
người được giáo hóa trực tiếp từ Phật. Không thấy ghi
chép di ngôn nào của các vị ấy chê phẩm vị của mình cả,
thành ra nếu không dùng cái common sense thì càng đọc
nhiều kinh sách về mấy danh từ phân chia cao thấp nầy càng
dễ bị phân tâm và có thể đưa đến tự cao, cố chấp là
hai cái chướng ngại cực kỳ to lớn trên đường đạo lẫn
đường đời.
Đạo
không phải hay ở Tướng mà là hay ở Dụng. Không phải ở
Giáo lý hay mà ở kết quả tốt của việc “Giáo dân qui
thiện”, ở kết quả tốt của sự thực hành. Những lời
vừa qua là lời bàn tâm sự riêng giữa anh em trong nhà. Tui
hoàn toàn không có ý để “trình làng” mà chắc là sẽ
gây tranh cãi như đã thấy trong các bài vở về đạo xưa
nay. Nói tới đây càng thấy “thấm” lời Đức Phật : 40
năm thuyết pháp ta không nói tiếng nào!
...
Hôm nay xin bàn kết thúc phần Tiểu thừa: Tứ Diệu Đế (Bốn
Chân Lý Cao Thượng) và Bát Chánh Đạo (Tám Con Đường Đúng)
mà quý Thầy đều biết, là giáo lý chánh yếu được nhấn
mạnh ở Tiểu thừa. Về tu học thì theo tui hiểu, ngoài Giới
luật được triệt để tuân thủ, xin kể đại khái vài phần
chánh như Tứ Niệm Xứ và Tứ Vô Lượng Tâm.
Tứ
Niệm Xứ là phép quán xét:
Thân
bất Tịnh
Thọ
thị Khổ
Tâm
vô Thường
Pháp
vô Ngã.
Nói
chung là “THẤY” cái Không Sạch, Khổ Não, Vô Thường, Vô
Ngã của cuộc đời để thức tỉnh. Còn
Tứ Vô Lượng Tâm là Từ, Bi, Hỉ, Xả tức rải tâm rộng
ra khắp cả, cùng chúng sanh đồng an vui hết khổ, mà không
chấp nhứt vướng mắc chi hết: Tâm Từ là ý nguyện cho mình
cùng tất cả chúng sanh được an vui. Trong kinh có đoạn nói
Như Lai sống giữa núi rừng chung quanh là hổ báo lang sói
hưu nai. Như Lai không sợ con vật nào và cũng không con vật
nào sợ Như Lai. Chính là nhờ tâm Từ bảo vệ Như Lai sống
yên ổn. Lúc Phật về thăm hoàng cung lần đầu, Thái tử
Ra Hầu La 7 tuổi khi ra chào cha đã nói “Chỉ cái bóng
của Như Lai không thôi cũng đủ làm tâm con mát mẻ lạ thường”.
Xin
bàn thêm quý "Thầy" nào lại gần chim chim bay, gần chó chó
sủa chó rượt là chưa thị hiện rốt ráo Tâm Từ Tâm Bi
cảm thông nỗi đau khổ của chúng sanh mà ra tay cứu giúp
đó nghe. Từ Bi Tâm thể hiện trong bài kệ sau:
Khi
còn thế giới
Khi
còn chúng sanh
Tôi
nguyện đời mình
Giúp
đời bớt khổ
Tâm
Hỉ là vui mừng với sự may mắn vui vẻ hạnh phúc của chúng
sanh. Thấy người thành công hạnh phúc thì mình cùng vui, trong
lòng không chút ganh tỵ ghen ghét. Đó là thực hiện tâm Hỉ.
Tâm Xả không vướng mắc giữa giàu nghèo sang hèn xấu đẹp
quyền uy, nói chung là không bị Quyền, Danh, Lợi, Tình sai
khiến nên giữ được chánh trực công bình. Người có tâm
Xả thì:
Phú
quý bất năng dâm
Bần
tiện bất năng di
Uy
vũ bất năng khuất
Các
đệ tử thời Phật nhờ nghe được lời giảng (thanh văn)
và tu học mà đắc quả Tứ Thánh nên gọi là các bực Thanh
Văn. Còn các bực minh triết sống không nhằm thời Phật,
tu học thấu đáo lẽ Thập Nhị Nhân Duyên (duyên giác), phá
được cái mắc xích (mà theo tui, ái dục là cái cơ bản)
trong 12 mắc xích dây chuyền của sự tái sinh luân hồi nầy
mà giải thoát thì gọi là bậc Duyên Giác. Còn gọi là Độc
Giác Phật vì các Ngài không gặp thuận duyên nên chỉ giác
ngộ một mình (độc giác), không truyền đạo.
Tới
đây xin hết phần thăm viếng ngắn ngủi “hoa đồng cỏ
nội” của Tiểu thừa. Kỳ tới mời quý Thầy vào một vài
phần của “vườn Thượng Uyển” muôn hồng ngàn tía, siêu
đẳng tuyệt vời, vô tận vô biên, bất khả tư nghì của
Đại Thừa.
3/2002
- F1-Z1:
Đọc
bài HT viết, chưa làm gì hết mà đã thấy trong người mát
mẻ giống Ra Hầu La rồi đó! Cám ơn HT! Tui
nói để về thử tới gần chim và chó coi sao. Bị tới gần
chim thì hay nghĩ tới bồ câu quay và gần chó thì nhớ tới
mùi chả chìa Hà nội nên chim bay và chó rượt là cái chắc...
3/2002
- N1-Z1:
Đọc
Kinh kể chuyện Đức Phật ở núi, chợt nhớ tới tự truyện
của Hư Vân Hòa Thượng, một Thiền sư vĩ đại nhứt của
thế kỷ 19 và 20, hồi hơn 100 tuổi ngài bị Trung cộng đập
nhừ tử, tụi nó thấy chết thiệt mới bỏ đi thì Ngài lại
lai tỉnh, cứ bị đánh đập chết đi sống lại như vậy
không biết bao nhiêu lần rốt cuộc kẻ cực ác cũng phải
sợ mà ngừng tay. Lúc thập tử nhứt sinh Ngài đọc bài kệ
đại ý: Con cá vì xót thương đàn kiến đang rỉa xác mình,
sợ chúng nó chết chìm, mà không nỡ nhảy xuống dòng nước!
Ai
cũng tưởng Ngài sẽ chết sau đó không lâu vì thương tích
trí mạng. Nhưng rốt cuộc Ngài thọ tới 120
tuổi, gần một trăm năm phụng sự đạo pháp Ngài để lại
không biết bao nhiêu chùa chiền và đệ tử. Tự truyện kể
khi mới trụ sơn thấy cọp beo lai vãng gần bên cũng ớn,
Ngài chú nguyện nếu không có nghiệp sát với đám nầy xin
nguyện được yên ổn tu hành, trái lại thì cũng đành vô
bao tử tụi nó thôi. Sau mấy lần “hù dọa” thì hai bên
chung sống hòa bình, việc ai nấy làm.
Truyện
Tìm Nơi Khuất Gió trong Bản Tin THĐL các năm trước
kể một ông Thầy có giảng "Không phải thấy cọp đói
đưa cho nó ăn mình là đủ mà phải làm sao cho nó ăn mình
rồi, không ăn người khác nữa!" Tui có ý tức cười như
vầy: Phải làm sao cho ăn mình rồi thì nó “nhợn”... tởn
tới già, kiểu như có lần coi TV về thú rừng, một con beo
ba chớp ba nháng táp một con “skunk” rồi phun ra liền,
con beo tối tăm mặt mũi ụa mửa tới mật xanh vì cái xạ
của con skunk nầy. Từ đó về sau cha nó biểu nó cũng
không dám rớ tới nữa!
4/2002
- N1-Z1:
Tháng
trước coi TV có đoạn phóng sự về một ông Cứu Hỏa (hay
Cảnh Sát, không nhớ rõ) sau mấy mươi năm phục vụ, sáng
ngày 11 tháng 9 tới sở để ký giấy hồi hưu và về nghỉ
luôn. Đang ký giấy tờ thì có tin khủng bố, ông nầy buông
viết tự động đi theo đoàn cấp cứu tới WTC rồi chết
trong tòa nhà sập. Câu chuyện rất cảm động.
Nhân
đây nhớ lại năm Mậu Thân, sáng mùng một Tết, mấy ông
anh được nghỉ phép ăn Tết ở nhà, khi nghe đài phát thanh
loan tin, lúc đó đang ăn nhậu liền bỏ đũa dông về đơn
vị ứng chiến. Bà già mếu máo chạy tới chạy lui quýnh
quáng gom góp mấy thứ bánh trái nhét vô túi xách của các
con, không biết an nguy ra sao cho đàn con lính tráng. Cả nhà
đang sum họp trong ngày đầu Xuân bổng nhiên lạc đàn.
...
Đây là cái Tết nhớ đời!
4/2002
- N1-Z1:
Tuần
rồi coi TV đài VN phỏng vấn Lê Uyên trọn buổi về đời
ca nhạc của cặp Lê Uyên Phương rất hay. Bà vợ Lê Uyên
khen ông chồng đã sống một đời thánh thiện hết lòng vì
mọi người và ân hận là đã làm buồn lòng, không nghe lời
khuyên chí tình của ông chồng: Hễ biết đủ là đủ,
hạnh phúc ở ngay trong đầu mình chớ không ở đâu khác.
Giờ đây càng sống thêm một ngày càng thấy lời của “anh
ấy“ là đúng, nhưng nay thì anh Phương đã không còn!
Bà vợ tâm tình với khán thính giả “Còn giây phút nào
sống chung hãy dành trọn tình thương yêu cho nhau”. Buổi
phỏng vấn có đệm các video của Lê Uyên Phương ca chung hay
quá. Riêng tui nghĩ có lẽ chưa có cặp nào ca “bè” harmony
hay bằng Lê Uyên Phương, nhứt là khi trình diễn với chiếc
áo bà ba (?) nâu và cây đờn guitar thì thật tuyệt vời,
lời ca tiếng nhạc cách trình diễn như đi tận vào lòng người.
Tiếc rằng các hãng video lại đã để lỡ dịp, không làm
kịp một chương trình video đặc biệt cho cặp nầy. Kỳ trước
cũng vậy khi chuẩn bị chương trình cho Phạm Đình Chương
thì ông nầy mất. Uổng quá!
4/2002
- T1-Z1:
Cặp
Lê Uyên Phương là một cặp xuất sắc, ngay cả từ hồi còn
trẻ ở Đà lạt. Tuy nhiên, có tài thì cũng có tật. Nhất
là nghệ sĩ. Với lại, người VN mình chỉ khi nào chết đi
hay thất bại bị tù tội thì mới được xưng danh là “anh
hùng”. Còn nếu thành công, nếu còn sống, thì thế nào cũng
bị moi cái xấu ra mà đả kích.
...
PĐC có cuộn băng video nhạc thính phòng “40 năm ca nhạc
PĐC” làm từ trước khi PĐC chết. Cuộn băng này hình
như không được phổ biến lắm vì có lẽ gia đình không
muốn làm thương mại cuốn băng này...
4/2002
- T2-Z1:
Hôm
qua rỗi rảnh đọc bài Cái chết u uẩn của HH Tường,
làm bần tăng suy nghĩ mãi :
1)
CS coi cái chết của HHTường, cũng như của TVTuyên, TTThâu
... như cái chết của con kiến, con trùn, mà họ dẫm phải
trên đường mòn HCM, miễn sao họ bò vào được hốt bạc
ở miền Nam là yên tâm rồi!!!
2)
Bản thân bần tăng rất ngưỡng mộ HHT, khoảng năm 18-20 tuổi,
phục nhất trong truyện Phi Lạc sang Tàu. Rồi đùng một cái
lại thấy HHT, TVÂn, TKVàng... lại theo thờ Bảy Viễn.
Có
phải thời đó đang nhiễu nhương, lại thấy Bảy Viễn cũng
có những hành động anh hùng như Tống Giang mà ông ta về
thờ. HT cho biết lý do tại sao? Con trai của HHT là Hồ Xích
Tú cũng là thầy dạy
ở CN môn Construction aéronautique (KS hàng không làm ở
Air VN) dường như về sau có ra ứng cử DB thời ông Thiệu.
4/2002
- T1-Z1:
Tôi
có đọc bài về HHT cách nay mấy tháng rồi, hình như trên
một tờ báo ở Cali. Tác giả (ĐTN) là một Luật sư có hoạt
động chính trị, do đó mà nhiều chi tiết về HHT đã được
nhìn và hiểu theo nhãn quan của người làm chính trị. Mình
khó lòng biết được sự thật.
Từ
ngày xưa, tôi có biết chút ít về HHT, con người, tác phẩm,
và gia đình. Đã từng gặp và đã từng hầu chuyện. HHT là
một người cực kỳ thông minh, nhạy bén, có trí nhớ siêu
phàm, đầu óc phân tích và tổng hợp tuyệt vời. Tiếc rằng
ông cũng giống như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, chỉ vì tinh
thần nhân đạo tiểu tư sản, không “ăn” được bọn CS.
Dẫu
sao bài viết này cũng cho mình có được ít nhiều hình ảnh
sinh hoạt trong tù CS của HHT.
4/2002
- N1-Z1:
Lời
đồn đãi, nếu tới mức độ cao tức tuyên truyền có tác
hại ghê lắm. Truyện Tăng Sâm Giết Người trong Cổ
Học Tinh Hoa kể: Tăng Sâm một bậc đại hiền đại
hiếu và là đệ tử của Đức Khổng Tử. Bà mẹ biết rõ
con mình hơn ai hết vậy mà khi nghe thiên hạ đồn đãi tới
lần thứ bảy thứ tám gì đó, bà già hoảng tông cửa chạy
mất!
Bởi
vậy hèn chi ông Trời sinh 2 mắt 2 tai 2 mũi mà chỉ có 1 cái
lỗ miệng để vừa ăn vừa uống vừa nói. Còn ông Phật
thì nội cái lỗ miệng có đặt ra tới 5 giới cấm: Ẩm
tửu (nhậu nhẹt), Vọng ngữ (nói láo), Lưỡng
thiệt (đâm thọt, ăn đằng sóng nói đằng gió), Ỷ
ngữ (ba hoa chích chòe), Ác khẩu (nói ác độc). Tui
nhớ hình như có một Thầy có lần tâm sự là hễ mấy bà
mà xáp lại nhỏ to là Thầy thấy rêm lắm, sau đó có đính
chánh cách gì bả cũng không thèm nghe, với lập luận “không
có lửa làm sao có khói!”
Cho
nên tới từng tuổi nầy cái gì có tính cách tường thuật
về người nào, nếu tốt thì tui mừng lây, còn không tốt
thì bỏ qua, cái đó chưa chắc đúng với sự thật, dù có
thật đi nữa thì thông cảm dùm, không dám chê bai. Tới lúc
đụng chuyện mới biết đá vàng, chưa chắc gì mình làm tốt
hơn đâu. Nếu khoe là bảnh thì luật Nhân Quả đem việc đó
thử mình liền: Ghét của nào Trời trao của đó!
4/2002
- N1-Z1:
Hôm
nay 30 tháng tư kỷ niệm ngày trời sập. Mấy bữa rày coi
đài VN chiếu phim Chúng Tôi Muốn Sống cảm giác vẫn
như mới nguyên.
Đúng
là nhơn loại tới hồi mạt vận khiến gặp quẻ “Thiên
Địa Bỉ”, mới có ma quỷ viết ra các thứ kinh “Mác
xít Lê nin nít, Mao ít”, từ đó tạo dựng nên cái cơ chế
mà các cựu VC gọi là cơ chế man rợ, ai dính vào đều kẹt
cứng, có muốn làm khác cũng không cựa quậy được. Mấy
năm trước tui có đọc hồi ký của Trần Quỳnh (bí thư của
Lê Duẩn), theo đó thì đám chóp bu L Duẩn T Chinh VN Giáp NC
Thanh v.v... vẫn phải giữ mình như thường, hễ nói trật
“kinh điển” hoặc ngược với “tập thể”, nhẹ thì
bị phê bình, nặng thì mất chức, thành ra tên nào cũng phải
dựa vào “kinh” và phe đa số để giữ ghế. Vài tên đầu
sỏ sau khi được hạ cánh an toàn rồi mới dám hé miệng
nói về cái cơ chế man rợ nầy.
Thành
ra câu “Làm văn hoá mà lầm thì giết muôn đời”
hơn 2000 năm trước của Lão Tử thâm thúy làm sao! Tuần rồi
may gặp được collection ấn bản mới nguyên 17 cái DVD
tài liệu về World War II và 1 DVD movie The Longest Day
(Le jour le plus long, năm xưa đã chiếu ở Sài gòn), tui thấy
đã quá làm luôn vì quá rẻ (tổng cộng cỡ 60 đô). Ngồi
lai rai coi mà nghiền ngẫm về cái ngu xuẩn và cũng là nghiệp
báo vì vô minh của con người.
...
Chắc quý Thầy đều rành “triết lý” sống của dân Nam
kỳ thuở trước:
Kiến
nghĩa bất vi vô dỏng giã
Lâm
nguy bất cứu mạc anh hùng
Làm
vua không được thì làm... ăn cướp! Bởi vậy bộ truyện
Thủy Hử, Thuyết Đường, thuộc nằm lòng. Trình Giảo Kim
tuy chưa đáng một trong Thập bát phản vương, chớ lúc ở
trên núi đi ăn cướp của nhà giàu, trong khi tất cả anh hùng
lục lâm thảo khấu nghe tên Nguyên soái Dương Lâm đều né
không dám rớ đoàn xe bảo tiêu. Họ Trình cứ nhào vô cướp
bạc vua như thường. Xong việc còn rượt theo tàn quân triều
đình đang chạy trối chết, biểu tụi bây ngoáy lỗ tai nghe
rõ tên họ địa chỉ tao để về báo với Nguyên soái bây
ở triều đình! ...
Một
nhân chứng của thời 50 còn sống là Nhị Lang (tên thật Thái...
gì đó, nay quên rồi) hiện ở tại Colorado mà lúc tui
còn tại đó đã định gặp để hỏi rõ về thời ông từ
Bắc bôn ba vào Nam vô chiến khu Núi Bà Đen Tây Ninh làm cố
vấn chính trị cho Trình Minh Thế. Tiếc là mới tính thì xảy
ra vụ mu bất thình lình về Nam Cali. Nhị Lang lại là anh ruột
của “bồ nhà” là Thiếu Tá Thái Hòe NDTV của CDV ở tù
chung với anh em mình tại Long thành nên lại càng dễ khựi
chuyện.
Thầy
T2 nói về HHT, tui nhớ lúc nhỏ ngoài PLSTàu tui có đọc mấy
quyển Chị Tập, Thu Hương và mấy số báo Xuân Cảo Thơm
gởi từ Pháp thấy hay quá là hay. Trong đó lá thư “Từ
Xa Về” viết về tấm lòng cố quốc của đứa con nơi
phương xa rất cảm động, văn chương nghe như đờn Nam Xuân.
Trở
lại vụ HHTường, TVÂn, TKVàng theo phò anh Bảy (LV Viễn) tui
nghĩ chắc cũng tương tợ như truyện Thuyết Đường lúc các
anh hùng cái thế Lý Thế Dân (Mao Trạch Đông tôn thờ ông
nầy hết mình), Tần Thúc Bảo, La Thành theo phò Trình Giảo
Kim. Sau 3 năm họ Trình chán không thèm làm vua, nhường ngôi
cho Lý Thế Dân, xuống làm tướng tiên phong cầm búa đánh
giặc mới sướng. Hoặc như truyện Thuyết Đường Tân Thời,
mấy mươi năm trước các anh hùng TĐTh, NCTh, NQH, PHB, NHNh,
NXTh, PXH, ĐCNg, v.v... về “phò” anh Sáu không biết có sự
trùng hợp của lịch sử nào chăng?.
4/2002
- T1-Z1:
Khoảng
1983-84 Nhị Lang có cho in cuốn “Phong Trào Kháng Chiến Trình
Minh Thế”, trong đó có viết lại nhiều chi tiết thuộc
loại “thâm cung bí sử”. Sau đó 1-2 năm, Nhị Lang cho in
cuốn truyện dịch của Liên xô, tựa đề hình như là “Con
Người” (không nhớ rõ), kể chuyện một đám 7-8 người
tù cải tạo ở Siberia vượt trại, sau cùng chỉ còn
một anh sống sót... Tôi đọc hơn 10 năm rồi thành ra không
nhớ rõ. Ngày xưa Nhị Lang nổi tiếng là nhà báo và chính
trị. Hình như thuộc nhóm Duy Dân (nhóm có tên hiệu bắt đầu
bằng chữ Thái...), nhưng hành tung cũng bí bí mật mật. Ông
này là một trong 3 ông hình như cùng nhóm chính trị: Nhất
Lang chết ở ngoài Bắc, Tam Lang Vũ Đình Chí chết ở Sài
gòn, chỉ còn Nhị Lang.
Mấy
Thầy có thì giờ và muốn đọc thì lên web kiếm tên
“nhilang” chắc thế nào cũng có. Tuy nhiên, theo tôi thấy
thì Nhị Lang không tài giỏi và nổi tiếng bằng Như Phong,
về cả báo chí và chính trị. Mà Như Phong thì chẳng thuộc
một nhóm hay đảng nào cả. (Như Phong Lê Văn Tiến trong đám
Nhật báo Tự Do sau 1954 ở Sài gòn, tác giả truyện dài duy
nhất “Khói sóng”, đăng báo chứ chưa in thành sách).
5/2002
- K1-T1:
”Enlightenment,
for
a wave in the ocean,
is
the moment the wave realizes
it
is water.” (TNH)
5/2002
- N1-T1:
Theo
tôi hiểu thì “Enlightenment” được dịch là Giác
Ngộ hay Đắc Đạo, Thành Đạo. Như đoạn nói về
Đức Phật thành Đạo dưới cội Bồ Đề sách tiếng Anh
viết là “Enlightened”. Còn Wisdom thường dịch
là Minh Triết.
Riêng
phần tui thì đối với các tôn giáo có tổ chức (organized
religion) tui rất rầu về 2 điều - một Đạo sư gọi là
“những cái đáng ghét” của tôn giáo: Bên trong thì mù quáng.
Trong 3 cái Chân Thiện Mỹ, chỉ nói hoài tới điều hay ho
(Thiện), tốt đẹp (Mỹ), mà không cần biết là nó có thật
(Chân) hay không. Cứ mãi ca ngợi chuyện trên trời dưới đất,
tụng đọc sùng bái các “toa thuốc và Ông Thầy” mà không
kiếm coi trên đời có thứ thuốc đó không, mà nếu có thì
chừng nào mới uống? Còn bên ngoài thì ngạo mạn, coi các
tôn giáo khác, ngay cả coi các môn phái khác trong cùng tôn
giáo, là thấp kém, tà ma ngoại đạo v.v... Thành ra tui có
cái tật thích ghé chùa nghèo, thầy không nổi tiếng để
vui với cái không khí “an bần lạc đạo” của chốn Thiền
môn ở miệt vườn thuở xưa...
5/2002
- N1-Z1:
Hình
Thầy LKH tóc đen thui, coi không khác mấy so với lúc Thầy
bao cà phê tụi mình hai mươi năm xưa. Bây giờ có cặp da
ngon lành thay vì túi ny lông kè kè bên mình như hồi trước.
Biết đâu Thầy còn thấy sung sướng hơn anh em mình!
Có
một chuyện kể một ông vua hễ ngủ là thấy mình làm ăn
mày nên không dám ngủ. Còn ông ăn mày đặt lưng xuống là
nằm chiêm bao thấy mình làm vua. Vậy ai sướng hơn ai? Hễ
tâm sướng là mình sướng.
Chợt
nhớ có đọc đoạn văn tả Bùi Giáng lúc bị công an VC bắt
vì bận đồ rằn ri mang lon Thiếu Tá QLVNCH, ngài đọc “kệ”
cho tụi nó nghe: Thân bận đồ Thiếu Tá, tâm không phải Thiếu
Tá thì đó là Đạo!... Sau
đó tụi nó phải “chào thua” và thả ngài ra.
Tạm
ngưng.
B1B2DFHKNT1T2