Những
Năm Bẩy Mươi
Hồi ký của Song Nguyễn Phần ba: Người Tỵ Nạn Buồn(tiếp
theo và hết) Tháng
9, 1975; tôi được di chuyển tới trại Pendleton, tiểu bang California.
Rời Guam vào buổi sáng, sau nhiều giờ bay về hướng đông trên Thái
bình dương, chúng tôi được phi hành đoàn cho biết đã vượt qua kinh
tuyến 180 tức là đường Phân ngày Quốc tế (International Date Line),
thời gian trở lại ngày hôm trước. Khoảng ba tiếng đồng hồ sau, máy
bay đáp xuống phi trường Honolulu để lấy nhiên liệu, hành khách được
ra khỏi phi cơ để co dãn gân cốt sau nhiều giờ ngồi bó gối. Tôi rủ
nhạc sĩ Ngọc Bích đi dạo chung quanh phi trường, xem điểm địa đầu của
nước Mỹ (đảo Guam cũng thuộc Mỹ nhưng không thực sự là tiểu bang
của Hoa kỳ). So với phong cảnh có thể gọi là thôn dã của đảo Guam,
Honolulu sang trọng hơn rất nhiều. Thấy phòng đợi của phi trường trải
thảm đỏ, nhạc sĩ Ngọc Bích nói đùa: “Người
Mỹ trải thảm đỏ đón tụi mình”. Rất tiếc chúng tôi không được ra
ngoài để coi phong cảnh Hawaii, nơi được mệnh danh là “thiên đàng hạ
giới”. Ước vọng này
tới đúng 20 năm sau tôi mới thực hiện được trong chuyến đi nghỉ hè
với gia đình vào năm 1995. Sau
khi nghỉ, máy bay lại cất cánh tiếp tục bay khoảng 5 tiếng đồng hồ
tới California. Vì chuyến bay được chính phủ Hoa kỳ thuê đặc biệt chỉ
chở người tị nạn nên máy bay không đáp xuống phi trường quốc tế ở Los
Angeles mà đáp xuống phi trường quân sự ở El Toro, gần San Diego. Tôi
theo đoàn người ra khỏi máy bay, lúc đó vào khoảng gần trưa, tuy trời nắng chang
chang nhưng không khí mát mẻ,
không còn oi bức
như ở Guam nữa. Chúng
tôi được lên xe bus chở về trại Pendleton. Đây là một trong bốn trại
được lập ra trên lục địa Hoa kỳ để đón người tỵ nạn VN, ba trại kia
là Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas, một trại ở Florida (tôi quên
tên), và Indiantown Gap ở Pennsylvania. Cũng như các trại khác,
Pendleton là một trại của quân đội Mỹ được cải biến thành trại tỵ
nạn. Vì số người tỵ nạn quá đông đảo, tôi không nhớ rõ nhưng chắc
cũng vào khoảng vài chục ngàn người, nên chỉ một số ít người được
ở trong các tòa nhà xây cất hẳn hoi. Đa số còn lại đều ở trong các
lều do các binh lính Mỹ phải dựng tạm, không khác gì ở trại Orote
trên đảo Guam. Khi nhập trại, tôi ngạc nhiên vì mỗi người cấp phát
đến 3 chiếc mền len, sau được nghe giải thích là khí hậu vùng này đêm
rất lạnh, phải dùng 2 chiếc mền làm đệm lót dưới ghế bố và một
chiếc để đắp mới chịu nổi. Một điểm khác những người mới đến được
dặn dò là không được đến gần hàng rào vào ban đêm vì có thể có
chó sói trong rừng mò ra kiếm ăn, rất nguy hiểm. Quả nhiên những
đêm sau, tôi nằm ngủ thỉnh thoảng nghe tiếng chó sói tru từ phía rừng
bên ngoài hàng rào. Tôi
ở cùng lều với nhóm bạn cùng từ Guam tới, trong đó có nhạc sĩ Ngọc
Bích, họa sĩ Nguyễn Hê và một số anh em cựu nhân viên cho cơ quan USIS
của Mỹ, các bạn này làm trong ban biên tập báo Chân Trời Mới ở
Guam. Việc
ăn uống ở trại Pendleton cũng khác ở Guam. Ở Guam người tỵ nạn được
ăn theo kiểu Á châu, căn bản là cơm, các món ăn do đầu bếp đa số
là người Phi luật tân nấu ăn cũng tạm được. Trại Pendleton nấu toàn
đồ Mỹ nên rất ngán, nhiều khi đến bữa tôi không ăn nổi. Trại nấu
cho người tỵ nạn ăn ngày ba bữa, sáng, trưa và tối. Thường thường
tôi chỉ ăn sáng và tối, bữa trưa bỏ không ăn. Trại Pendleton như một
thị trấn nhỏ, tôi được cái thú là chiều chiều cùng với nhạc sĩ
Ngọc Bích đi la cà đến các lều bên cạnh nói chuyện với các gia đình
lân cận. Các gia đình VN tỵ nạn mỗi người một cảnh, một tâm sự khác
biệt. Có nhiều gia đình có các cụ già, các cụ thường câu giờ không
muốn ra trại sớm vì cho rằng “ra
trại không biết bị đưa đi tới đâu, chắc không gần người VN nữa thì
buồn chết”. Nhiều gia đình may mắn đi được cả họ hàng, nhất định
chờ để có bảo trợ ở cùng một nơi mới chịu. Trái lại, có những
người trẻ độc thân hay lạc vợ lạc chồng, họ thường
tìm đến nhau, nếu thích hợp thì ghép
thành một hộ đi chung, sau này có chuyện gì sẽ tính sau! Có hôm hứng
chí, Ngọc Bích và tôi ra câu lạc bộ chơi. Đây là câu lạc bộ của
trại lính, có bán giải khát và đặc biệt có cả sân khấu với cây
đàn dương cầm. Nhạc sĩ Ngọc Bích mỗi lần tới đều lên chơi các nhạc
phẩm của ông như Lời Hẹn Xưa, Đôi Chim Giang Hồ, Mộng Chiều Xuân,
rất được khán giả tán thưởng. Trong
thời gian này, tôi được nghe nhạc sỹ Ngọc Bích tâm sự khá nhiều về
cuộc đời ông. Ngọc Bích sinh năm 1924 trong một gia đình khá giả, cụ
thân sinh là Bác sĩ Thú y. Thuở nhỏ, ông học trường Buởi ở Hà nội,
nhưng ham mê ca nhạc nên bỏ học chữ để đi học nhạc. Năm 19 tuổi
(1943) ông đã theo ban nhạc đi trình diễn tại thành phố Côn minh bên
Tầu. Thời kháng chiến, ông tham gia tích cực trong các đoàn văn nghệ
ở liên khu 3 và sinh họat rất nhiều với Phạm Duy. Nhắc lại thời
điểm này, ông nói: “Nhiều khi có
hứng, tớ viết nhạc còn nhanh hơn Phạm Duy”. Ông có nhận xét là
nhạc kháng chiến của Văn Cao thường dùng điệu quân hành như bài Bắc
Sơn (Ai về châu xưa sắc chàm pha mầu
núi ...), hoặc các điệu nhạc giản dị, thanh thoát trong bài Làng
Tôi (Làng tôi xanh bóng tre ...
), Ngày Mùa (Ngày mùa trong thôn
trang ...) rất hay; còn nhạc kháng chiến của Phạm Duy sọan theo thể
dân ca như Quê Nghèo, Về Miền
Trung, Bà Mẹ Gio Linh .. ướt đẫm tình tự dân tộc, rất dễ đi vào lòng
người. Khi nói về nhạc của mình, Ngọc Bích cười rất tếu: “Tớ
dùng điệu Swing làm nhạc kháng
chiến (ông hát cho tôi nghe mấy câu trong bài Say Chiến Công), tuy có
hay mà không được phổ biến”! Trong
thời gian ở trại Pendleton, tôi cũng được gặp một gia đình thân hữu
điện lực. Một bữa lên văn phòng trại thì gặp anh chị Nguyễn Huy Tiên
+ Mỹ Hòa. Gặp nhau mừng rỡ, hỏi thăm tíu tít. Gia đình anh chị thật là
may mắn, anh Tiên đang làm việc ở Bangkok trong chương trình Phát triển
sông Cửu long khi mất nước, trong khi đó chị Hòa và các con đi khỏi VN
được và cùng anh đoàn tụ bên Mỹ. Sau đó, tôi và anh Tiên cùng bận
bịu không có dịp gặp nhau lần nào nữa. Cho đến 10 năm sau, vào giữa
thập niên 1980, tôi mới gặp lại anh chị Tiên tại nhà anh chị Bùi Văn
Minh ở Des Moines, Iowa. Có điều trớ trêu là sau khi ra trại, anh NH
Tiên làm việc ở một thành phố giáp ranh giữa hai tiểu bang Iowa và
Nebraska, còn anh BV Minh cũng làm việc tại thành phố Des Moines tiểu
bang Iowa, hai gia đình cách nhau không xa, thế mà hai bên không biết
nhau trong nhiều năm, sau tình cờ gặp nhau tại một shopping center ở
Des
Moines! Ở
trại Pendleton được khoảng vài tuần thì tôi được đưa lên định cư tại
vùng Seattle, tiểu bang Washington. Cơ quan bảo trợ cho tôi là một nhà
thờ Tin Lành thuộc hệ phái Baptist ở thành phố Renton, phụ cận phía
Nam của Seattle, bảo trợ. Thành phố Renton có cơ sở chính của hãng
chế máy bay Boeing, tại đây hãng Boeing có cả một phi trường lớn để bay thử các máy bay vừa chế tạo xong.
Gia đình người bảo trợ tôi gồm hai vợ chồng và ba con trai đã lớn,
cả ông bố và ba cậu con trai đều làm việc cho hãng Boeing. Phong cảnh
địa phương rất đẹp, có rất nhiều những khoảng đồi, lái xe lên dốc
xuống dốc. Cây cối thì xanh tươi với
rất nhiều thông (tiểu bang Washington được mệnh danh là
Evergreen
State). Ở sau vườn nhà gia đình bảo trợ tôi có trồng rất nhiều cây
dâu, đằng trước thì trồng hồng, hoa nở lớn bằng nắm tay. Tôi đến
Renton hồi tháng 9 năm 1975 lúc trời vào mùa thu, không khí lạnh se
se, có gió heo may và mưa phùn như mùa thu quê tôi ở Bắc Việt. Trong
những tuần đầu, tôi được gia đình bảo trợ dẫn đi thăm các thắng
cảnh, từ ngọn núi
Rainier
quanh năm tuyết phủ, ở xa nhìn như ngọn núi Phú sĩ của Nhật bản; cho
tới vịnh Puget (Puget sound) có những khoảng biển nước xanh biếc nhưng
rất lạnh; khu downtown thành phố Seattle có những đường lên dốc xuống
dốc; và ngọn tháp Space Needle xây nhân kỳ Hội chợ Quốc tế khoảng
đầu thập niên 70 tôi đã được biết tiếng từ khi ở trong nước. Tại
Seattle và vùng phụ cận hồi đó cũng có khoảng hơn chục ngàn người
tỵ nạn VN. Nhà văn không quân Huy Quang Vũ Đức Vinh đến định cư ở đây
rất sớm, được tiểu bang trợ cấp xuất bản tờ báo Đất Mới từ mùa
hè năm 1975, có thể coi là tờ báo thứ hai bằng Việt ngữ trên nước
Mỹ, sau tờ Chân Trời Mới ở đảo Guam. Tờ Đất Mới khi mới ra được
tiền trợ cấp nên biếu không cho người Việt ở địa phương. Sau khi hết
trợ cấp, báo này phải bán để có tiền chi phí, cũng sống được thêm
nhiều năm. Vào năm 1976, báo Đất Mới
được sự tăng cường của vợ chồng nhà văn Thanh Nam Túy Hồng
từ miền Đông dọn về Seattle; tới khi nhà văn Mai Thảo vượt biên
(vào khoảng năm 1977) cũng về Seattle một thời gian làm chủ bút báo
Đất Mới. Khoảng cuối năm 1975 thì tờ báo thương mại đầu tiên của
người tỵ nạn VN trên đất Mỹ, do ký giả Nguyễn Hoàng Đoan và một số
nhà báo chuyên nghiệp ở Sài gòn chủ trương, là tờ Hồn Việt ra đời.
Tuy báo này xuất bản tại San Diego nhưng được người Việt ở Seattle
cũng như các nơi khác mua rất nhiều, báo bán chạy như tôm tươi. Khoảng
đầu năm 1976 nhân dịp Tết Nguyên
đán, tôi cùng những người Việt tỵ nạn ở địa phương tụ họp tại một
rạp hát ở Seattle ăn một cái tết tha hương đầu tiên rất cảm động,
có ca sĩ Thanh Thúy từ California lên hát giúp vui. Rồi đến khoảng
tháng 3 năm 1976, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, lúc đó rất xác xơ, chỉ có
Phạm Duy, Thái Hằng và Thái Hiền, lên Seattle trình diễn, cũng được
đồng bào ủng hộ đông đảo. Tôi
trải qua mùa đông đầu tiên trên đất Mỹ tại Seattle. Trái với sự lo
ngại của tôi, Seattle tuy thuộc là miền bắc nước Mỹ nhưng nhờ dòng
nước ấm Nhật bản chảy ở Thái bình dương nên mùa đông không lạnh
lắm. Năm tôi ở nhiệt độ trung bình vào tháng 12, tháng 1 chỉ khoảng
40 độ F, thỉnh thoảng mới xuống dưới 30 độ, cả mùa đông năm ấy tôi
chỉ thấy tuyết một lần trong vài tiếng đồng hồ rồi tan ngay. Sau
khi tạm ổn định việc ăn ở, tôi bắt đầu tìm cách liên lạc với các
bạn bè Điện lực. Tôi liên lạc được với anh Lê Khắc Hiệp ở
Vancouver, Canada. Vancouver chỉ cách Seattle khỏang hơn 100 miles, lái
xe
rất dễ nhưng hồi năm 1975 người tỵ nạn chỉ mới được quy chế tạm dung
nên chưa dám vượt biên giới, thành thử tôi với anh Hiệp cũng chỉ thư
từ liên lạc, hẹn chừng nào có thẻ xanh đi thăm nhau mà chưa bao giờ
chúng tôi thực hiện được vì sau đó ít tháng tôi dọn đi Minnesota. Hồi
còn ở đảo Guam, tôi đã liên lạc được với anh BV Minh. Anh Minh được
Điện lực cử đi tu nghiệp tại Oklahoma, sau biến cố 30 tháng 4 anh tìm
được việc làm ở Công ty Điện tại Des Moines, tiểu bang Iowa. Tuy có
việc làm ổn định nhưng anh Minh rất buồn vì vợ con còn kẹt tại VN.
Rất may chỉ vài năm sau, anh đón được chị Minh và các cháu sang đoàn
tụ. Có thể nói gia đình anh BV Minh là gia đình đầu tiên được đoàn tụ
theo chương trình chính thức. Qua anh Minh, tôi biết được địa chỉ và
liên
lạc được với một số bạn bè khác. Anh TV Đạt, bạn cùng lớp với
tôi, được đi tu nghiệp tại hãng GE cùng với anhVH Thường, sau khi mất
nước cả hai anh cùng xin được việc làm ở Canada. Khi tôi liên lạc
với anh Đạt thì cũng như anh Minh, anh Đạt rất buồn vì vợ con còn kẹt
tại VN. Rất may cũng chỉ vài năm sau gia đình anh vượt biển bình an đến
Canada đoàn tụ cùng anh. Tiếp
theo, tôi liên lạc được với anh Đỗ Trọng Phúc. Anh Phúc cũng kiếm
được việc làm rất sớm ở Công ty Điện tại thành phố Binghamton, tiểu
bang New York. Anh là một trong những anh em Điện lực hiếm hoi kiếm
được việc làm trong ngành Kỹ sư Điện tương tự như công việc anh làm
ở VN. Về sau khi anh Nguyễn Công Thuần vượt biển cũng kiếm được việc
làm trong hãng này. Anh Lê Bá Trực và anh Nguyễn Xuân Giễm cũng ở
NY, làm việc cho hãng Sanderson & Porter, hãng thầu đã từng làm
nhiều dự án với Điện lực ở VN. Anh Giễm cho tôi địa chỉ của ông
Richard Lewis, người tôi đã từng quen biết nhiều khi làm việc ở Điện
lực. Ông Lewis trước kia làm việc cho cơ quan USAID, sau khi hết khế
ước với USAID sang làm cố vấn cho CĐV. Ông có vợ VN và được công ty
cấp cho gia đình ông căn nhà B trong cư xá Biến điện tại Thủ Đức.
Tôi viết thư cho ông Lewis để nhờ kiếm việc làm nhưng không có kết
quả gì. Tôi
cũng liên lạc được với anh Nguyễn Mạnh Linh ở tiểu bang Minnesota.
Hồi đó anh Linh cũng kiếm được việc làm sớm, tuy anh đi khỏi VN trễ.
Khi miền Nam bị CS chiếm, anh Linh kẹt lại Sài gòn, cả tháng sau mới
cùng gia đình vượt biên. Câu chuyện vượt biển của anh được ký giả
Vũ Thụy Hoàng đề cập đến trong sách Rồng Vàng Vượt Biển xuất bản
hồi thập niên 1980 ở Mỹ. Hình như ký giả VTH là bạn anh Linh từ năm
1954, hồi hai người cùng ở trại học sinh Phú thọ của các học sinh
Bắc Việt mới di cư vào Nam. Nếu tính lại, có lẽ gia đình anh Linh là
một trong những “thuyền nhân” VN
đầu tiên. Ở
miền Tây Hoa kỳ có anh Lê Văn Bảo lúc đó ở Oregon viết thư cho tôi,
rồi qua anh Bảo tôi liên lạc được với anh Nguyễn Văn Dậu. Anh Dậu
viết thư rủ tôi về Cali, nói rằng Cali đồ ăn VN cái gì cũng có, kể
cả tiết canh vịt. Sau đó gia đình anh Bảo dọn về Cali, những năm sau
mỗi lần về Cali tôi đều ghé thăm hai anh. Ở
Seattle, công việc đầu tiên tôi kiếm được là làm Teacher Assistant,
dậy kèm cho học sinh VN trong các trường học ở Seattle. Làm được vài
tháng đến kỳ hè thì hết việc, chờ đến niên học khác sẽ đi làm
lại. Trong thời gian này, nhờ anh NX Giễm chỉ dẫn, tôi làm giấy tờ
xin Evaluation văn bằng và được Ủy ban tại Đại học Long Beach
công nhận bằng Kỹ sư Điện VN tương đương với bằng Bachelor của
Mỹ. Sau đó tôi nộp đơn xin học tại University of Washington (UW) tại
Seattle và được nhận vào chương trình Master, nhưng tôi phải vừa đi làm
nên chỉ học part time, lấy một số lớp về Toán và Điện. Trong
khi học ở trường này, tôi có gặp nhiều sinh viên VN du học từ trước
năm 1975, các bạn này kể với tôi là trường UW trong thời chiến tranh
VN có rất nhiều sinh viên theo phong trào phản chiến. Sinh viên Nguyễn
Thái Bình, người thanh niên phản chiến trên đường về VN định cướp máy
bay đi Bắc Việt rồi bị bắn chết, học ngành Ngư nghiệp ở đây. Tôi có
một kỷ niệm với các bạn sinh viên ở Seattle là hồi
đó tôi thường tới coi các sinh
viên đá banh (soccer), khoảng cuối năm 1975 ở Seattle mới khánh
thành sân vận động King Dome, tôi rủ các bạn đi coi trận banh soccer
giữa Mỹ và Ba tây. Trong trận này, chúng tôi được coi tận mắt cầu
thủ Pele đá bóng. Mùa
xuân 1976, nhờ một người quen cho biết có một hãng ở Minneapolis cần
tuyển dụng Kỹ sư Điện, tôi bèn nộp đơn. Hãng này là hãng kỹ nghệ
chế biến thực phẩm, có trụ sở trung ương ở Minnesota và các cơ sở ở
nhiều nơi khác. Tuy tôi gửi đơn và resume nhưng không hy vọng
gì.
Bất ngờ 2 tuần sau tôi nhận được thư mời kèm theo vé máy bay tới MN
phỏng vấn. Lần đầu tiên được qua thủ tục tìm việc tại Hoa kỳ, tôi
cũng hơi hồi hộp. Tôi nhờ người bảo trợ chở ra phi trường SeaTac để
bay đi Minnesota. Đến phi trường được người của hãng ra đón đưa về
khách sạn nghỉ ngơi, rồi được đưa về văn phòng của hãng. Cuộc phỏng
vấn kéo dài suốt ngày, vừa hỏi chuyện vừa đi thăm các cơ sở sản
xuất của hãng. Hãng này chuyên sản suất thực phẩm đông lạnh, làm
việc liên tục 24 giờ một ngày. Hệ thống điện gồm đường dây trung
thế 13.8kV, các trạm biến điện 13.8kV/480V, công suất 2000kVA mỗi
trạm. Hệ thống hạ thế 480V phân phối trong nhà máy rất phức tạp để
cung cấp điện cho các giàn sản xuất và các nhà kho chứa thực phẩm
đông lạnh. Sau cuộc phỏng vấn, tôi về hotel nghỉ ngơi đến hôm sau về
lại Seattle. Tôi
về nhà, không hy vọng gì được mướn nhưng cảm thấy học hỏi được khá
nhiều trong chuyến đi này. Nhưng lại bất ngờ vài ngày sau, tôi được
điện thoại của hãng báo tin đã quyết định mướn tôi và sau đó tôi
nhận được thư chính thức đề nghị công việc làm với đầy đủ các quyền
lợi và phí tổn di chuyển sang MN làm việc. Thế là tuy luyến tiếc
Seattle
với phong cảnh tươi đẹp, khí hậu ấm áp, và một số bạn bè VN tuy mới
quen nhưng rất tốt, tôi đành phải “dứt áo ra đi” vì sinh kế. Tôi
đến MN vào đầu tháng 6, 1976. Nghe nói MN lạnh cũng ngán, tôi định
bụng sẽ làm việc một thời gian để có kinh nghiệm rồi sau đó sẽ tìm
chỗ ấm cúng định cư. Nào ngờ đất lành chim đậu, cái dự tính “ở tạm”
của tôi nay đã kéo dài trên một phần tư thế kỷ. Tôi đã làm việc
cho hãng mướn tôi từ năm 1976 liên tục trong 21 năm, đến khi hãng
bán lại cho công ty khác mới thôi. Vị Tổng giám đốc của hãng sau đó
đi làm việc cho hãng khác lại kéo tôi theo, cho tới giờ tôi với ông
ta vẫn thường xuyên liên lạc như hai người bạn. Tôi
đến MN mừng nhất là gặp anh NM Linh. Lúc bấy giờ anh Linh đã đi làm
được gần một năm cho hãng Pillsbury, đời sống tạm ổn định. Tuy nhiên,
vì có hai con còn nhỏ, chị Linh phải ở nhà trông con không đi làm nên
anh cũng khá vất vả. Gia đình anh ở một căn apartment tại
Crystal, phụ cận về phía tây của Minneapolis và đi làm trên downtown
MPLS bằng xe bus. Anh
Linh kể với tôi những ngày đầu tới nước Mỹ của anh. Khi còn ở trại
tỵ nạn anh đã được hãng Pillsbury vào tận trại phỏng vấn. Sau khi
quyết định mướn anh Linh, hãng này cử một vị kỹ sư bảo trợ cho gia
đình anh tới Minnesota định cư. Khi kể lại chuyện này, anh vui vẻ nói: “Tao là người tỵ nạn duy nhất ra trại
là đi làm ngay, không nghỉ ngày nào”. Người bảo trợ cho anh Linh,
ông Tom Moody, giúp đỡ anh rất nhiều và là người có ảnh hưởng lớn
với gia đình anh. Ông ta rất mộ đạo Tin Lành, nên về sau cả anh Linh,
vợ anh và hai con đều gia nhập đạo Tin Lành. Ông Tom Moody sau này ra
lập một hãng Kỹ sư cố vấn riêng đặt tên là Trinity Engineering (cái
tên cũng mang vẻ đạo giáo), có liên lạc với tôi về vài dự án kỹ
thuật của hãng tôi. Hãng Pillsbury có nhiều nhà máy chế biến thực
phẩm ở nhiều tiểu bang nên anh Linh hay được cử đi công tác xa. Vì
vậy anh thường nói: “Tao có số
thiên di nên làm ở đâu cũng bị đi hoài”. Minnesota
lúc ấy có khoảng 8 ngàn người VN định cư. Tôi đến vào mùa hè, ở
Minneapolis rất nóng, cái nóng của “khí hậu lục địa”: mùa hè rất
nóng và mùa đông thì cực lạnh. Lợi dụng mùa hè, tôi và anh Linh
thường gặp nhau, đánh tennis hoặc anh Linh dẫn tôi đi chơi. Anh
Linh ở MN đã lâu nên biết các nơi trong cộng đồng người Việt. Anh chỉ
tôi các tiệm Tầu và Đại hàn bán thức ăn VN, dẫn tôi đi ăn ở các
tiệm ăn VN mở “chui”, tức là mở tại nhà riêng, bán hủ tíu, bún bò,
phở, ... giá chỉ có 1 đô la một tô. Anh Linh cũng hoạt động trong các
hội đoàn nên kéo tôi làm việc với anh, anh Linh nổi tiếng là người
làm việc sốt sắng nhất cho cộng đồng VN ở Minnesota thời ấy. Ở Minnesota
năm 1975 có
rất nhiều nhà văn, nhà báo, như Vũ Khắc
Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến định
cư; về sau có thêm nhạc
sĩ Cung Tiến. Ở
được ít lâu thì các ông
Nghiêm Xuân
Hồng và Võ Phiến dọn về California. Cụ Vũ Khắc Khoan và gia đình ở
MN cho đến khi cụ từ trần vào năm 1986. Cụ Vũ rất được nể trọng
tại địa phương, kể cả đối với người Việt và người Mỹ. Một giáo sư
đại học dịch vở kịch Thành Cát Tư Hãn sang Anh ngữ và đem ra trình
diễn tại một rạp hát của trường Đại học Minnesota cho khán giả Mỹ
coi. Cụ Vũ và một số người khác sáng lập ra hội Phật giáo VN và
lập nên chùa VN đầu tiên của MN.
Hiện nay Chùa Phật Ân là một ngôi chùa VN khá lớn, không
những cho người VN, mà còn được các giới Phật giáo Mỹ và Á châu
tại địa phương đến viếng thăm luôn. Khoảng
năm 1978 hay 79 gì đó, anh Linh có hai gia đình chị vợ, cũng là nhân
viên Điện lực cũ, vượt biên, và anh bảo trợ tới MN. Đó là gia đình
chị Cúc cùng chồng là anh Trần Văn Phúc, và gia đình chị Lan cùng
chồng là anh Nguyễn Ngọc Hoàng. Các anh chị này đều làm việc ở Chương trình Đa nhim và nhà máy nhiệt
điện Thủ đức. Tuy nhiên, sau khi ở Minnesota một thời gian ngắn, cả
hai gia đình trên dọn đi chỗ khác, vợ chồng anh Phúc đi vùng
Washington, DC; còn vợ chồng anh Hoàng đi tiểu bang Oregon, sau đó vài
năm trở lại MN. Riêng
tôi, những năm cuối thập niên 1970 cũng gặp nhiều điều hanh thông.
Sau mấy năm đầu lận đận vất vả về đường vật chất, và đau buồn lo
lắng về mặt tinh thần, tôi đã dần dần tạo lập cuộc sống ổn định.
Mùa Xuân năm 1978, tôi lập lại gia đình và năm 1979 có đứa con trai
đầu lòng. Cũng thời gian này, ông anh ruột tôi và đứa cháu vượt
biển tới MN, rồi vài năm sau chúng tôi bảo lãnh được toàn thể đại
gia đình tới MN đoàn tụ. Về công việc làm, sau thời gian học hỏi và
làm quen với công việc mới, tôi được hãng bổ nhiệm phụ trách toàn
bộ phần vụ về điện và điện tử trong nhà máy sản xuất. Ở vị trí
này, tôi học được rất nhiều điều mới trong kỹ thuật điện áp dụng
vào kỹ nghệ thực phẩm. Cùng
trong thời gian ấy, ở MN lại có thêm mấy anh chị em thân hữu điện
lực khác. Vào năm 1978, tôi được điện thọai của anh Tăng Trọng
Nghĩa, trước làm việc với tôi ở Nha Tiếp vận. Anh Nghĩa cho biết anh
vượt biển một mình, vợ con còn kẹt ở VN, hiện ở vùng Washington, DC.
Tôi rủ anh lên ở MN và xin anh vào làm việc tại hãng của tôi. Đến
năm 1984, anh Nghĩa đón được vợ con sang MN đoàn tụ. Vào khoảng cuối
năm 1979, đầu năm 1980, gia đình anh Tôn Thất Đào từ New York chuyển
qua MN làm việc. Rồi anh Kha Văn Tỷ và gia đình cũng vượt biên tới
định cư ở Minnesota. Thành ra vào khoảng những năm 78, 79, nhóm THĐL
chúng tôi ở MN rất vui. Mỗi cuối tuần chúng tôi thường gặp nhau, tụ
họp lại ăn uống, hàn huyên tâm sự. Nhiều lần anh Linh, anh Đào, anh
Nghĩa và tôi cũng tụ họp lại đánh tennis với các bạn bè VN
khác. Nhưng
hợp mãi rồi cũng tan. Những năm sau các anh em THĐL ở MN tản đi dần
dần. Đầu tiên anh NM Linh có việc làm tốt hơn ở hãng IBM tại
Rochester nên dọn xuống đó ở, chỉ thỉnh thoảng về Minneapolis chơi. Ít
năm sau, gia đình anh KV Tỷ cũng dọn đi Phoenix, tiểu bang Arizona. Anh
TT
Đào ở MN lâu hơn, nhưng gần đây cũng dọn đi làm việc ở miền Đông.
Hiện nay chỉ còn gia đình anh TT Nghĩa và tôi ở Minnesota. Anh Nghĩa
con
cái đã trưởng thành nên anh đã về hưu, làm việc lai rai cho đỡ buồn.
Còn tôi thì các con đều sinh trưởng ở Minnesota, hai đứa lớn đã ra
trường có việc làm ở Minnesota, hai đứa nhỏ còn đi học, nên vợ
chồng hiện nay cũng xin “tạm” chọn nơi này làm quê hương, còn chuyện
tương lai khi về hưu sẽ tính sau. Đến
đây, xin chấm dứt hồi ký "Những Năm Bẩy Mươi". Xin cám ơn
các bạn đã theo dõi, và cám ơn bản tin Thân hữu Điện lực đã cho
tôi có dịp kể lại những chuyện của một thời đại đầy biến động
trong mỗi cuộc đời người Việt tha hương. Song
Nguyễn (Minnesota,
tháng 10, 2003) |