Chương Trình
Nhiệt Điện Cần Thơ
Dấu chân kỷ niệm và
Niềm hy vọng
Tâm
tình của Võ Văn
Hoàng
một người còn lại, 30 năm sau…Sau
khi hoàn tất công tác
xây dựng nhà máy Diesel Bà quẹo với Pháp, vào đầu năm 1973, tôi được hân hạnh bắt tay vào công cuộc Nam
tiến của Điện lực Việt nam, đem lại công ăn, việc làm cho nhiều
đồng bào và tạo cơ sở căn bản cho mọi phát triến kinh tế, kỹ
thuật, đồng thời thời thay thế lần lần các nhà máy cũ thời Pháp
thuộc, qua Chương trình Nhiệt điện Cần thơ (CTNĐCT). CTNĐCT bao gồm xây
cất một nhà máy nhiệt điện 2x33MW chạy bằng dầu, tại Trà nóc, cách
Cần thơ lối 10 cây số theo hướng Bình thủy, và một hệ thống phân
phối điện cao thế dẫn từ nhà máy đến các trạm biến điện cho 6 tỉnh
miền tây là Cần thơ, Vĩnh long, Rạch giá, Long xuyên, Châu đốc, và Sa
đéc. Sau Thủy điện Đa nhim, Nhiệt điện Thủ đức, Diesel Bà quẹo,
T&D, đây là một công trình to lớn đầu tiên của Công ty Điện lực
Việt nam cho miền tây, kinh phí được vay của chính phủ Nhật bản. Dấu
chân kỷ niệm một thời về
miền sông
nước Cửu long làm sao quên được, đã 30 năm qua rồi, hôm nay trong mùa
xuân miền Provence nước Pháp nhắc lại chuyện xưa để đóng góp vào
trang sử đẹp của Điên lực VN, thêm mặn mà hơn. Tôi viết bài nầy
trong suốt ba tháng, mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi giây phút tùy theo kỷ
niệm đến với mình, để thay thế hai anh TĐ Thơm và NQ Đức, đã bỏ chúng
ta ra đi bên kia thế giới, ghi lại cái thủa ban đầu lưu luyến ấy.
Tâm tình thì không tránh khỏi nói đến bạn bè, nói đến mình, nhiều
lúc nhớ sai vì tóc nay cũng hoa râm rồi, người viết kính xin người
đọc thông cảm cho, xin cám ơn. Ban
Quản đốc CTNĐCT đã hoạt động từ lâu, lúc còn là dự án, dưới sự
bảo trợ của Thầy HT Phát, là TGĐ Công ty Điện lực Việt nam và Nha
Trang bị mà GĐ là anh TK Khoa cùng hai phụ tá LM Quân, về Công tác,
và NT Dũng, về Đồ án. Tất cả cấp chỉ huy đều đóng góp tích cực
trong công trình lớn lao nầy, ngoài ra còn có sự hợp tác kinh nghiệm
của đàn anh ở nhà máy Thủ đức như NĐ Huấn, LD Trường, HV Phong, cùng
các nha sở khác. Tâm tình của tôi chi xin giới hạn trong công trường
Cần thơ mà thôi và xin gởi lời cám ơn đến tất cả không thiếu một
ai. Ngoài
một số nhân viên hành chánh, Ban QĐ lúc ấy chỉ có hai người: Anh TĐ
Thơm, Kỹ sư điện, làm Quản Đốc và anh NQ Đức, Kỹ sư Công chánh, làm
Phó Quản đốc. Tôi, Kỹ sư Công nghệ, khoá đàn
em rất xa, là người thứ ba được
cái hân hạnh làm việc với hai anh cả. Chuyến công tác đầu tiên về
miền tây của tôi gọi là đi thăm dò hay là đi survey, tôi đi
cùng với hai anh Thơm và Đức, cảm tình đẹp cả ngay từ phút đầu tiên
mới nhận nhiệm sở mới, trong một chiếc xe Toyota máy lạnh, màu xanh
nước biển do Nhật tặng. Phía bên Nhật thì có ba, bốn xe Toyota, cũng
mới tinh, gồm xe của hãng Kỹ sư cố vấn WJEC, hãng Toyomenka,
trúng thầu xây dựng đường dây điện cao thế và 6 trạm biến điện ớ
lục tỉnh, và hãng Marubeni, trúng thầu xây dựng nhà máy phát điện
chay bằng dầu gọi là Nhà máy Nhiệt điện Cần thơ, rất to lớn, có
thể xem như là đàn em của nhà máy
nhiệt điện Thủ đức. Lúc
đoàn xe chạy chậm lại để qua bắc Mỹ thuận, dân chúng hai bên đường
vô cùng ngạc nhiên; một số hành khách tò mò đến gần phái đoàn
lúc chiếc phà vừa lìa bến, vì đây là lần đầu tiên họ thấy một
đoàn xe Toyota mới tinh, chở đầy nhân viên Nhật bản, mặc đồng phục
màu vàng nhạt, vai mang máy chụp hình, chụp lia lịa, miệng xì lô, xì
la, chả ai hiểu nói gì, như có vẻ là sứ giả của hòa bình thay vì
cảnh hành quân của chiến sĩ biệt đông quân vùng bốn chiến thuật,
tay cầm súng M16, ngồi trên xe tăng, nặng mùi chiến tranh khốc liệt lúc
bấy giờ. Lần
đầu tiên tôi được đi qua hai chiếc bắc Mỹ thuận và Cần thơ, được
thấy sông Tiền và Hậu giang là hai nhánh sông Cửu long, sao mà to
lớn thế, nước màu vàng mang phù sa đổ ra biển bằng chín cửa tựa như
chín con rồng. Cũng chính trong những chuyến bắc ấy, trong phim L’Amant,
bà đầm tên Margarite Duras, gốc người Sa đéc, đã kể lại chuyện
tình xác thịt của bà lúc có 16 tuổi với một chàng thanh niên người
Tàu, giàu có, họ găp nhau ở đây, trên giòng sông Mê-kông cuồn
cuộn nầy trong thời Pháp thuộc. Qua khỏi Cần thơ, xe chạy hướng Bình thủy lối 10 cây số thì đến Trà nóc. Nhà máy nhiệt điện sẽ được xây dựng tại đây. Trà nóc là điểm thuận tiện về mọi mặt, chính trị, kinh tế, cũng như hành chánh: gần sông, gần Cần thơ là thủ đô miên tây. Hai anh Thơm và Đức đã mất nhiều thì giờ và công sức để tranh đấu chính quyền dành mọi ưu tiên cho điện lực về miếng đất nầy và đã nhiều lần bị dân chúng hăm dọa trong công cuộc giải tỏa nhà cửa của đồng bào ở đây (không khác gì nhóm lính nhảy dù hăm dọa bắn anh NV Thích, Quản đốc chương trình SACM, lúc giải tỏa đất để xây nhà máy điện Bà quẹo mà anh có kể cho tôi nghe khi anh chị Thích sang Pháp ghé thăm chúng tôi hè năm 2002). Lúc phái đoàn chúng tôi đến đây, Trà nóc chỉ là một khu đất bao la đã rào lại, hãng Marubeni đang khoan dò đất đai, văn phòng Quản đốc công trường và Kỹ sư cố vấn đang được xây cất dưới sự kiểm soát của anh NV Chén, mấy tháng sau, anh Chén đã qua đời vì bị bệnh, tiếc thương một chuyên viên điện lực đã hết mình cho CTNĐCT lúc đầu. Rời
nhà máy, chúng tôi đi survey đường đây điện cao thế với hãng
Wjec và Toyomenka, phía CDV chỉ có ba người, còn phía Nhật cũng lối 10
người, và một số nhân viên Việt
do nhà thầu LHK cầm đầu để làm công tác đóng cọc, nhắm
hướng. Tôi không nhớ hết tên mấy bạn Nhật nầy, chỉ còn nhớ ông
Miyahara, đánh bài các-tê rất giỏi, Fuji, lo hành chánh, Heidesu Jo,
rất lịch sự. Hết
ngỡ ngàng trước cảnh lớn lao về một dòng sông Cửu long bát ngát,
đến cảnh ruộng đồng miền nam cò bay thẳng cánh dọc quốc lộ, nhà
vườn đầy cây ăn trái, phía sau nhà đều có đào một cái ao, mỗi ngày
nước sông lên và xuống để lại trong ao đìa biết bao là cá, tôm, cua,
rùa, rắn, là thức ăn nuôi sống hàng ngày, khỏi phải đi chợ, quê
hương vợ tôi ở chốn nầy sao mà sung sướng quá, trên thế giới ít có
chỗ nào bằng: Ta về ta tắm ao ta, nhiều tôm, nhiều cá ao nhà vẫn
hơn. Chạnh nhớ đến Huế của tôi, ruộng vườn nhỏ chút xíu, không
màu mỡ : Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo,
mùa hè thiếu ăn như bài hát Về miền trung của Phạm
Duy … Những
ngày đầu tiên làm việc với Nhật, cảù hai phía đều lúng túng vì phần
lớn họ không nói rành tiếng Anh, nên mọi việc phải nhờ thông dịch
viên. Bác Hai, người bắc, nói thông thạo tiếng Nhật và tiếng Việt.
Ba anh em chúng tôi, ai cũng nói được tiếng Anh nên đỡ mất thì giờ,
riêng tôi, nhờ có đi học tiếng Nhật ban đêm trong 6 tháng, nên cũng
múa tay, bập bẹ ba bốn câu, vì vậy mà có thêm được nhiều bạn Nhật
không nói được tiếng Anh rành. Người
Nhật làm công trường Cần thơ hầu hết rất vui vẻ, lúc nào cũng cúi
đầu sát đất để chào khách, ngoại giao là "nghề của chàng",
đi tới đâu là quà cáp tới đó. Về công việc hành chánh, an ninh,
nhập cảng máy móc, chuyên chở xuống Trà nóc, nhân viên, tiếp vận,
tiền bạc với Quỹ Tiền tệ quốc tế, liên hệ với chính quyền, ...
người Nhật hoàn toàn để ban quản đốc công trường đảm trách. Về
công việc liên quan đến kỹ thuật nhà máy, đường dây, trạm biến
điện, họ đảm trách. Mọi đề nghị của điện lực người Nhật đều gật
đầu và ghi ngay vào sổ, nhưng rốt cuộc, phần lớn họ theo ý đã chấp
thuận theo khế ước đã ký. Điều nầy cũng dể hiểu thôi vì đây là dự
án đã ký với điều kiện là họ chịu trách nhiệm tất cả về kỹ thuật
từ đầu cho đến lúc hoàn tất tốt đẹp và bảo đảm khai thác không có
vấn đề trong một thời gian khá lâu. Tôi
nhớ mãi một kỷ niệm vui là buổi trưa đầu tiên ăn cơm chung bên bờ
sông Hậu giang, mấy bạn Nhật có mời tôi ăn cơm công trường kiểu
phù tang: cơm được nắm lại từng nắm tròn bằng cái hột gà, ở trong
ruột có một hột xí muội, hoặc một con châu chấu hay loại côn trùng
tương tự, phơi khô rồi ướp muối mặn mặn. Chèn đét ơi, vì lịch sự,
chúng tôi cố rán nuốt mấy con sâu bọ nổi tiếng của Nhật, mà ước
ao chi có tô hủ tiếu Mỹ tho thì khoái biết bao. Trưa hôm sau, anh Thơm
và Đức mời cả đám Nhật ra quán ăn cơm với canh chua, tôm rim, cá kho
tộ, gà xé phay. Họ khoái quá, và cũng kể từ đó, họ hết bới cơm
trưa với xí muội, cào cào, mà theo chúng tôi chỉ xin vào tiệm ăn cơm
miền nam thôi. Các bạn Nhật rất sung sướng sống ở đây, vì theo họ
kể chuyện thì đời sống bên Nhật rất là mắc, rất ít có dịp đi ăn
tiệm, mà ở nhà coi TV. Cũng
như các chương trình lớn của CDV, đặc biệt đây là lần đầu tiên miền
tây VN có được một chương trình phát triển điện năng to lớn và tốn
kém như thế nầy, và theo thông lệ thì thấm thoát rồi cũng đến ngày
tổ chức lễ "Đặt viên đá đầu tiên" xây cất nhà máy
Trà nóc. Tại công trường, hai anh Thơm và Đức tổâ
chức rất long trọng và thật chu
đáo về vấn đề an ninh, dựng khán đài lớn, treo cờ, biểu ngữ, ban nhạc
quân đoàn 4 lo, đặt bánh trái để tiếp tân, rất nhiều quan khách từ
Tổâng thống, Bộ trưởng, chính quyền 6 tỉnh miền tây, ngoại giao đoàn,
nhất là phía tòa đại sứ Nhật bản, Tổng giám đốc, Giám đốc CDV, bạn
bè điện lực của chúng tôi phần lớn từ Sài gòn xuống cũng cả trên
300 người. Hôm
ấy, chính Tổng thống NV Thiệu, lấy viên đá đầu tiên trên tay tôi để
mở đầu cho một chương trình lịch sử của Điện lực VN. Vài
dấu chân kỷ niệm vui buồn chợt nhớ ra, ghi thêm vào đây để cùng
nhớ miền tây: Văn
phòng Ban Quản đốc đặt tại khu nhà máy điện Trà nóc và Nha Trang bị.
Ban đầu vì ít nhân viên nên tôi phụ hai anh lo mọi chuyện, sau nầy khi
có tăng cường nhân viên điều khiển, hai anh ở tại Trà nóc, còn tôi
ở Nha TB nhiều hơn và chỉ phụ trách ban "Yểm trợ công trường"
thôi, đại khái mọi vấn đề ngoài phần kỹ thuật. Sau khi đặt viên đá
đầu tiên, Nha TB tuyển chọn các kỹ sư đảm trách Trưởng ban bằng cách
khảo sát đơn của các ứng viên, tiếp theo một cuộc điện đàm với Ban
QĐ. Sự vụ lịnh do TGĐ HT Phát ký bổ nhiệm các Trưởng ban ngang hàng
với chức Trưởng ty, có phụ cấp chức vụ đáng kể. Ngoài tôi, còn có
NN Thụy, Trưởng ban Công chánh, NT Xuân, Trưởng ban Đường dây, Trạm
biến điện, NM Thuyết, Trưởng ban Điện nhà máy, NT Tòng, Trưởng ban Cơ
khí nhà máy. Sau nầy có tăng cường các anh như TC Thiều, TS Thực. Văn
phòng tôi có anh Của, giống Nhật Trường, các cô Nối, Tám, Kim Anh,
Hồng, Lộc, anh Phước, anh Ngơn, chú Tư tài xế. Văn phòng trước Sở
Kết ước của anh NV Phương. Tôi không bao giờ quên anh Của, đã lo lắng
mỗi tháng hai lần đem tiền lương và nhất là tiền phụ trội xuống cho
anh em công trường, nhiều lúc phải ngủ dọc đường vì có chạm súng,
tối ngủ bụi bờ, ôm một đống tiền cho cả mấy chục nhân viên mà
run, không dám thiếp mắt. Nếu anh Của còn ở nơi nào đó trên quả
đất nầy, tôi xin cám ơn, nhà tôi còn nhắc có ghé thăm nhà anh chị
cách đây hơn 30 năm, ở bên kia cầu chữ Y. Dịp nầy, tôi cũng mượn
bài nầy xin gới lời thăm hỏi và cám ơn đến các anh chị trong ban Yểm
trợ CTNĐCT đã cùng tôi đem "niềm vui hậu phương" đến các cho
đồng nghiệp và bạn bè ngoài "tiền tuyến", rảnh tay, xây
dựng căn bản phát triển kinh tế nước nhà. Ban
QĐ có thuê một ngôi nhà 3, 4 tầng lầu ở cùng đường với Ty Điện lực
Cần thơ cho Wjec và anh em ĐL ở, có mướn một chị bếp lối 40 tuổi lo
cơm nước cho lối 10 cố vấn Nhật, chị Ba nấu đồ ăn miền nam hết xẩy
làm mấy chàng Nhật mê quá, bỏ đồ ăn Nhật luôn. Một chuyện tình
không biên giới giữa chị Ba và một chàng Nhật cố vấn tại ngôi nhà
nầy. Chuyện tình éo le không thua gì chuyện Roméo và Juliette ở phương
tây, tôi có biết anh Nhật nầy nên xin kể nghe cho vui: anh chàng tên
là Kudo, say mê chị bếp nầy lắm, mỗi lần tôi xuốùng Cần thơ, Kudo
thường hay khoe với tôi là chị Ba dễ thương, lo lắng cho Kudo mặc dầu
cả hai người nói chuyên bằng tay chân thôi. Ban đêm có bạn gái
ngoại quốc nằm kế bên là số dách rồi. Anh Kudo sắm cho người yêu
nào là TV, tủ lạnh, áo quần, nữ trang. Trước ngày 30 tháng 4, 75,
Wjec đều rút về Sài gòn và về Nhật cấp tốc, chỉ còn anh chàng si
tình Kudo không chịu về. Tôi gọi điện thoại bắt buộc Kudo phải trở
lên Sài gòn ngay, Kudo khóc lóc quá xáù, xin ở lại Cần thơ. Chuyện
rất khó giải quyết vì Sài gòn sắp mất. Rốt cuộc Wjec gọi điện
thoại hăm dọa bỏ Kudo lại, và sẽ mất việc làm, nên Kudo đành chia
tay người yêu để trở về Nhật bằng chyến bay chót. Tôi nhớ đến bài
hát dễ thương "Cuối cùng cho một tình yêu", thơ Đinh
Cường, Trịnh Công Sơn phổ nhạc, có đoạn giã từ người yêu: Một
lần yêu thương, một đời bão nổi,
giã từ, giã từ, chiều mưa giông tới, em ơi, em ơi. Sầu thôi xuống
đầy, làm sao anh nhớ, mưa ngoài song bay, lời ca em nhỏ, nỗi lòng anh
đây. Hãng Marubeni xúc tiến công tác đóng cừ, xây cất nhà máy được tiến triển tốt đẹp dưới sự tiếp nhận của các anh Trưởng ban, theo từng giai đoạn hoàn tất đã vạch sẵn theo planning. Tất cả đều làm việc trong bầu không khí đầy tình huynh đệ cao đẹp với hai anh Thơm và Đức. Trên sông nước Sài gòn và Cửu long lúc bấy giờ tấp nập những chiếc tàu lớn chở vật liệu từ Nhật sang, cập bến Trà nóc. Đường quốc lộ dẫn về sáu tỉnh miền tây cũng rộn ràng xe nhà thầu Việt và Nhật, tạo công ăn việc làm cho dân địa phương một thời. Hãng
Toyomenka phụ trách công tác làm 6 trạm biến điện, ráp trụ điện
kiểu trụ điện Đa nhim và kéo dây điện cao thế qua 6 tỉnh miền tây
cũng tiến hành tốt đẹp, không có tai tạn vì đạp mìn. Tôi nhớ mãi
ngày kéo dây điện qua sông Bassac, rộng hơn một cây số. Đây là công
tác duy nhất theo tôi được biết trong lịch sử điện lực VN. Đường dây
cao thế băng sông được kéo lên trên hai trụ điện cao lớn bằng một
chiếc tàu của hải quân VN, dây điện được cột vào các phao màu đỏ,
mà mỗi khi đi qua sông, hoặc ở vùng Cần thơ, Vĩnh long không ai không
thấy cảnh nầy, hùng vĩ như tháp Eiffel ở thủ đô Ba lê, ban đêm cũng
có đèn chớp đỏ để báo hiệu cho máy bay khỏi đụng vào. Lúc
nhà máy sắp hoàn thành, Nha TB có tuyển dụng rất nhiều kỹ sư, cán
sự, thợ chuyên môn, nhân viên hành chánh, phần lớn trẻ tuổi, các
cô thư ký thật xinh đẹp, rất mặn mà hương sắc miền nam. Tôi nhớ có
một mối tình giữa một anh kỹ sư và
một cô rất duyên dáng, họ xây tổ ấm ở cư xá nhân viên cạnh nhà
máy. Lối
ba tháng sau ngày "giải phóng", theo lời yêu cầu của chính
quyền mới, Wjec trở qua lại VN và họp tại Nha TB, có các cấp chỉ huy
mới của ĐL. Phía người cũ có anh LM Quân và tôi, đại diện CTNĐCT vì
hai anh Thơm và Đức đã đi học tập cải tạo rồi. Hôm sau, tôi theo
phái đoàn xuống nhà máy Trà nóc họp kiểm tra những gì Nhật còn
thiếu với VN. Tối ngủ lại trong cư xá nhân viên, mới tờ mờ sáng,
ống loa đã vang lên, mời tất cả nhân viên nam nữ ra làm vườn làm
việc. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi nhận ra một số kỹ sư công nghệ,
đang gánh nước tưới mấy đám rau, bầu bí mới trồng…. Sau
ngày "giải phóng", tôi còn làm việc ở Nha TB cho đến tháng
5/76 là lên đường qua Pháp với vợ
và hai con trai, 4 và 2 tuổi. Tạm biệt Nha TB, CTNĐCT cũng
đành
chấm dứt, gần sáu năm phục vụ cho Điện lực Việt nam đành chia tay.
Rồi trên quê hương mới đầy tự do, bác ái, huynh đệ của nước Pháp
rộng lòng đón nhận chúng tôi, rồi cũng tiếp tục học lại kỹ sư Arts
et Métiers, cũng tham gia vào công tác xây dựng và bảo trì nhiều
nhà máy lọc dầu của hãng Shell-France, vùng Bere l’Etang,
bên bờ biển Địa trung hải suốt 25 năm qua. Niềm
Hy Vọng là
mùa
hè năm
2001, chúng tôi có trở về đồng bằng sông Cửu long thăm cảnh cũ sau
gần 30 năm xa cách, vô cùng cảm động khi đứng trước nhà máy Trà
nóc, ban đêm điện sáng cả một khung trời Việt nam. Điện lực miền
tây đang đóng góp mạnh vào công cuộc phát triển kinh tế nước nhà,
tạo công ăn vệc làm cho biết bao đồng bào ta, thật là một vui sướng
vô bờ bến, một niềm tự hào cho những ai đã đóng góp vào công tác
lịch sử nầy, tôi thiết nghĩ đây cũng là một niềm hãnh diện cho toàn
thể cộng sự viên của Công ty điện lực VN trong cuộc mở mang ngành
điện cho miền nam VN ... Tối hôm ấy, tôi nhìn lên trời cao, bất chợt
có hai vị sao thật sáng vừa bay ngang trên đầu tôi, anh Thơm và Đức
đã cùng chúng tôi trở về mái nhà xưa với bao nhiêu là kỷ niệm mà
tôi đã thay hai anh kể lại, các anh thật là những ngôi sao sáng của
ngành điện lực VN, những anh hùng của riêng chúng tôi. Những niềm hy
vọng đã thành sự thật!
Hy
vọng có sức khỏe để đi du lịch
và đi thăm các thân hữu, bạn bè, bà con khắp năm châu bốn bể.
Hy
vọng và mến chúc các thân hữu
đã và đang vác ngà voi, có thật nhiều can đảm và nghị lực để tiếp
tục đem lửa ấm đến cho mọi gia đình điện lực hải ngoại tốt đẹp mãi
như trong suốt 22 năm qua, các đại hội THĐLVNHN trên cùng thế giới,
hay trong công tác biên soạn và phổ biến tập san THĐL, năm nay 2003
là số 23. Bravo các ngôi sao sáng ấy!
Và
Hy vọng gần nhất là sẽ gặp lại
nhau trong năm tới, vào mùa thu, tháng 9/2004, tại Aâu châu, Pháp và
Bỉ, ở đây sẽ có nhiều tình thân hữu đang chờ đón bạn.
Aix
en Provence, mùa xuân 2004.
Một
người còn lại của Chương trình Nhiệt điện Cần thơ.
Võ
Văn Hoàng
|