Ai muốn
sống lâu? Bài của
Thầy F. Ai muốn sống
lâu? Quý vị có
muốn
sống lâu và trẻ mãi không? Dĩ nhiên là muốn... lắm. Đâu phải chỉ
có quý vị muốn mà cả nhiều ngàn năm nay ai cũng muốn hết, đặc biệt
là các vua chúa, có phương tiện dồi dào, nên cố tìm cho được phương
thuốc trường sinh để thụ hưởng cuộc đời, nhưng buồn thay là tất cả
đều thất bại. Nữ hoàng Cleopatra
nghe nói tắm bằng sữa lừa để giữ cho trẻ, đẹp nhưng cũng không sống
đủ lâu để xem kết quả ra sao. Mấy Hoàng đế Trung hoa, mãi “lu bu“ theo
đám phi tần, mỹ nữ, nên loay hoay lo tìm thuốc “tráng dương bổ thận“
hơn là thuốc trường sinh. Giống người
tiền sử Neanderthal, sống ở lục địa Âu châu 200 ngàn năm
trước, trung bình chỉ “hưởng dương“ được 20 tuổi. Mãi đến giữa thế kỷ
thứ 18 thì dân Tây Âu mới ”thọ“ được 30 tuổi. Ngày nay, sau hơn hai
thế kỷ với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tuổi thọ trung bình
của loài người tính toàn thế giới là 65. Dĩ nhiên, khi tính theo từng
quốc gia hay từng vùng thì khác nhau nhiều như Nhật bản cao nhất
(78-80), Mỹ (76-78), Nga (55-60 vì rượu Vodka), Phi châu (40-45
vì
bệnh AIDS), v.v... Riêng
người Việt, vì không có thống kê
hay là có mà tui không biết nên tui đoán đại là nhờ bây giờ không
còn chiến tranh nên... “giá chót “ cũng được 65, xong, nhờ “phe đảng“,
cọng thêm 5, thành 70. Quý vị nào đang ở tuổi thất thập (cổ lai hy!)
đừng vội... run vì đây chỉ là thống kê... dỏm mà thôi. Nếu sau này
thống kê thiệt có con số thấp hơn thì mình cũng mừng vì coi như
được... ân sủng lọt sổ Nam Tào, còn như con số cao hơn thì cũng...
mừng luôn vì còn... hy vọng. Nói vậy chứ trường hợp cá biệt cũng
nhiều, ví dụ như tuổi thọ của: - Hoàng Đế Rameses
II ( cổ Ai cập ): 90 ( 3250 năm trước) - Phật Thích
Ca: 80 (2500 năm trước) - Plato: 80
(2300 năm trước) - Khổng Tử :
72 (2500 năm trước) - Bà đầm Jeanne
Calment : 122
(1999) và mới đây : - Bob Hope:
100 ( 2003 ) Sách Quốc
văn Giáo khoa thư, in khoảng thập niên 30 dành cho học sinh bậc
Tiểu học ở miền Bắc và Trung (lúc đó, miền Nam đang còn ê a ”Nos
ancêtres sont des Gaulois“), có bài tập đọc nói về ”Ông tôi “ như
sau: ”Ông tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, đầu, râu, tóc bạc, răng
đã long, má dã lõm, lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy... “ Nhìn
lại chúng ta hôm nay, tuy tuổi cũng đã 60-70 nhưng vẫn lái xe phom
phom, cày bừa xông xáo, có Viagra yểm trợ mà còn chưa chịu,
đòi Levitra ngon hơn, thì mới thấy chúng ta may mắn. Bách niên
giai... lão? Truyện thần
thoại Hy lạp kể chuyện anh chàng Tithonus được người tình là Nữ
hoàng Aurora (Rạng đông) xin với thần Jupiter cho được
sống hoài không chết nhưng quên xin thêm một điều là sống trẻ chứ
không phải sống già, báo hại anh chàng Tithonus trở thành ông
già lụ khụ chẳng làm ăn gì được khiến Nữ hoàng nản quá cho “de “
nhưng cũng thương tình cho hóa kiếp làm con cào cào (?). Hình ảnh ông
Thọ, đẹp lão, béo tốt, phương phi, trong bộ ba Tam Đa Phước Lộc Thọ
dễ tạo ra ảo tưởng về sức khỏe trong tuổi già. Thật vậy, nếu đem
ông Thọ này đi checkup thì khả năng ổng bị bệnh cao huyết áp,
tiểu đường, tim mạch rất cao, lạng quạng tưởng thiệt, nhồi sâm,
nhung, quế, phụ theo ổng là có ngày...
lãnh đủ. Về mặt cấu trúc, con người được ”thiết kế
và chế tạo“ không phải để “xài“ lâu (built-to-last). Cứ nhìn
con rùa thì biết, nó được bảo vệ kỹ càng và kín đáo, còn con người
thì hở hang, chân tay quờ quạng dễ
bị thương tổn, sứt mẻ. Kể ra, Tạo hóa cũng công bằng, “anh“ này làm
nhanh, xong trước thì ”đi“ trước còn ”anh“ kia tà tà (như thầy CH!),
làm
chậm, cần nhiều thời gian hơn nên “đi “ sau. Số lượng
thiệp
mừng sinh nhật mà Nữ hoàng Anh có
thông lệ gởi đi hằng năm cho những người dân được 100 tuổi đã tăng
gấp 10 lần trong vòng 50 năm qua kể từ ngày bà lên ngôi. Tuy tuổi
thọ nói chung tăng, số người thọ 100 tuổi trở lên cũng tăng, ví dụ
như Nhật bản có khoảng 20 người cho mỗi 100,000 dân (riêng đảo
Okinawa, 33 người), Mỹ, 10 người, nhưng số người sống được tới tuổi
120 rất hiếm. 120 được coi như là tuổi giới hạn. Có nhà nghiên
cứu tính rằng, giả dụ con người giữ được hoài hoài sức khỏe vào
thời kỳ sung mãn nhất (10-11 tuổi đối với người Tây phương hay con
gái ở tuổi 17 đối với người Việt vì ”Gái 17 bẻ gãy sừng trâu“) và
không già, không bệnh, thì bình quân cũng... chết ở tuổi 1200 vì tai
nạn hay những rủi ro khác, tuy nhiên, cứ khoảng 1000 người, sẽ có
một người sống tới... 10000 năm. Đang viết
ngon
trớn thì bà xã tui không biết ở đâu nhảy ra... phá đám: - Ba làm gì
mà
chăm chú quá vậy? - Viết bài
đăng... ”nhựt trình“ THĐL đó! - Báo ra một
năm một lần mà sao lại nói là nhựt trình? - Ra mỗi năm
một lần mà còn muốn chết, ra mỗi ngày chịu đời gì thấu! - Lại nói bậy
nữa rồi! Em đọc được không ? Tui câu giờ: - Thì chờ
xong
đọc luôn cho có đầu, có đuôi. - Không! Đọc
bây giờ thôi! - Rồi! Bà đọc
đi! Một lúc sau,
bả
hỏi: - Viết gì mà
thọ yểu, sống chết tùm lum vậy? Em nghe nói có ông Bành tổ nào đó
bên Tàu sống thọ tới 500 tuổi sao không kể tới? - Cái đó là
mấy chú ba ngồi buồn phịa ra kiểu như Đường minh Hoàng du nguyệt điện
thăm chị Hằng ấy mà. Rồi bả chọc
quê tui: - Ba bàn về
tuổi thọ của thiên hạ, còn của ba thì sao? - Chu choa!
Hỏi
câu kẹt dữ đa! Vụ này là “thiên cơ bất khả lậu“. Bỗng bả đổi
gion.g : - Nói đi ông
ơi!
Để tui còn liệu chớ! - Bộ ... muốn
đi
lấy chồng khác hả ? - Không phải!
Tắt... bếp rồi, chồng con gì nữa, nói liệu là để xách cái nhà ra
nhà băng vay nợ ngược (reverse mortgage) kiếm thêm tiền về hưu. - Vậy thì
nói,
tui thọ tới... 90, mà bà biết không, trong đạo Phật, tui nghe nói là
hễ ai có khả năng “dự tri thời chí“ thì sẽ được sanh lên cõi Trời. - Vậy là ông
sẽ lên... Trời sao? - Chớ còn gì
nữa? - Khoan đã
ông
ơi! - Tui đã...
đi
đâu mà bà quýnh quáng vậy? - Không có!
Tui
muốn hỏi là ông kiếm con số 90 đó ở đâu, chỉ chỗ cho tui kiếm với. - Nghèo mà...
ham! Bộ... ghen rồi muốn lên theo tui sao? Ghen là còn tham, sân, si,
làm sao lên được? - Không phải
ghen! Bị... tui muốn coi ông làm cái trò gì với ai (? ) ở trển. - Được rồi!
Để
tui nói bà nghe. Bà có nhớ là có ông thầy tử vi bên Cali nói tui
thọ 87 tuổi không? - Có, tui nhớ
rồi! Nhưng mà còn 3 tuổi nữa, ông kiếm ở đâu? - Dễ quá! Mới
đây, báo có đăng là theo thống kê thì người nào bắt đầu tập thể
dục đều đặn từ năm 35 tuổi thì sẽ sống thêm 2 năm rưỡi, còn nếu
bắt đầu từ năm 75 tuổi thì thêm 6 tháng. Tui bắt đầu từ năm 25 tuổi
thì bết bát lắm cũng được 3 năm, cọng lại là 90. Tui ăn tới 2...
mâm lận! Bây giờ, bà chịu chưa? - Chịu! Nhưng
như
vậy là ông thầy bói lên ... Trời chớ đâu phải ông? Tui chới với : - Thiệt tình!
Bể
mánh hết! Tui đang lên nửa chừng xuân, bà làm tui hết hứng, bây giờ
xuội luôn rồi! Sống... dai
mà khỏe mạnh? Cuộc nghiên
cứu
để tìm hiểu tại sao người dân đảo Okinawa lại sống lâu và
khỏe mạnh cho biết kết quả như sau : 1. Sống tà tà
theo “kiểu Okinawa“ 2. Ăn ”đói“
tức là ăn những món
ít nhiệt lượng (restricted calorie
diet), 1200-1500 calories / ngày 3. Ăn rau,
đậu, khoai lang, đậu phụ (tofu),
giá và sữa đậu nành, xúp miso 4. Dùng chảo (wok)
để xào nấu
với dầu canola (rất ít dầu) 5. Ăn cá nước
lạnh như salmon,
macquerel, tuna 6. Thân hình
không mập phì 7. Uống trà jasmin 8. Không hút
thuốc 9. Tập võ
thuật (môn võ Okinawa)
và thái cực quyền (tai chi) 10. Ăn ở hòa
đồng với mọi người 11. Sùng đạo Vị nào muốn
biết mình có thể thọ được bao nhiêu tuổi thì cứ đếm những mục mà
mình đã theo kể trên rồi nhân cho 10. Đây chỉ là cách tính cho vui vì
còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tuổi thọ mà di truyền là
một. Cha mẹ nào cũng có ”gia tài tuổi thọ để lại cho con“ và luôn
cả gia tài bệnh hoạn. Gia tài trước, con cái đương nhiên hưởng coi
như... bonus nhưng ít khi biết ơn cha mẹ (con cái thường sống
lâu
hơn cha mẹ khoảng 3 năm), gia tài sau, con cái lãnh coi như... penalty
nên có khi cự nự. Để hóa giải phần nào ”gia tài“ sau, mình có thể
dùng kế “tiên hạ thủ vi cường“ tức là “uýnh“ trước (pre-emptive
strike) nhưng là kiểu tự vệ chứ
không phải tấn công hay nói cách khác là lo mà... chạy trước khi bị
bệnh hoạn rượt theo. Ví dụ như cha
mất vì bệnh tim, mẹ mất vì bệnh thận thì mình có nhiều nguy cơ lãnh...
búa, hoặc tim, hoặc thận, hoặc cả hai. Vậy thì cách chắc ăn nhất là
lo mà giữ gìn và kiêng cữ càng sớm càng tốt, coi như là mình đang
“ôm đồm” cả hai thứ của nợ này bằng cách tập thể dục đều đặn, đi
bộ, uống nhiều nước, ăn rau, đậu, ít thịt, cữ muối (những món chứa
nhiều sodium), cữ dầu mỡ, v. v... Có người nói làm gì mà khổ
vậy, tới đâu hay đó, biết đâu mình thoát được hay là “thà chết no
hơn sống thèm“... thì cũng đúng thôi, tuy nhiên, việc kiêng cữ này
rất có lợi là giúp trì hoãn hay làm nhẹ bớt những bệnh khác có
thể phát ra trong tương lai. Và trẻ nữa? Huyền thoại
về
một Suối Nguồn Tươi Trẻ hình như phát xuất từ Bắc Ấn độ rồi
lan qua Âu châu vào thời Trung cổ, được phổ biến qua một bức họa
danh tiếng vẽ một con suối nhiệm mầu với những bà già nhăn nheo sắp
hàng đi qua từ bờ bên này, biến thành những cô gái xinh đẹp ở bờ
bên kia làm bà con tưởng thiệt, “chịu“
quá. Trên thực tế, chỉ có cuốn sách tựa đề là The Fountain of
Youth xuất bản đã mấy chục năm nay, kể chuyện một Đại tá người
Anh, ở trong một tu viện bên Tây tạng nhiều năm, học được cách tập
thể dục, lối sống ở đó, đến khi “xuống núi“, nhiều người nhận
không ra vì không thấy già. Sách dạy 5
thế
tập tương tự như Yoga và cách ăn, uống, thở... Gần đây, có
người dịch ra tiếng Việt, lấy tựa đề là Suối Nguồn Tươi Trẻ ,
nghe nói bán rất chạy. Cách đây mấy
năm, khi một phái đoàn các nhà sư Tây tạng đến chùa làm sa bàn Mandala
(một loại tranh vẽ bằng cát đủ màu, thường là vẽ cảnh tưởng tượng
nơi xứ Phật) để quyên tiền xây tu viện bên Ấn độ, thấy mấy nhà sư
hồng hào, mạnh khỏe, tụng kinh rất dài hơi, tui tò mò hỏi là họ có
tập môn gì dặc biệt để giữ gìn
sức khỏe hay không thì họ nói là không. Tui thất vọng, nghĩ bụng
”không lẽ họ dấu nghề”. Bây giờ, vì
suối nguồn tươi trẻ không có nên con đường ngắn nhất là đi lột /
căng da mặt, bơm Botox (một loại thuốc làm tê liệt bắp thịt ở
chỗ bơm nên da ở đó cứ... trơ ra không nhăn được) hay là đi đường
dài như sau : 1. Tránh phơi
nắng 2. Ăn cá salmon 3. Ăn rau cải
có màu xanh đậm như xà
lách romaine, spinach, brocoli 4. Dùng dầu olive
5. Ăn những
món có GI thấp. GI (Glycemic
Index) là chỉ số đi từ 0 đến 100 dùng ước lượng tốc độ mà đồ ăn
(carbohydrates) khi ăn vào sẽ
biến thành đường glucose (GI = 100) để tạo ra năng lượng. Sau đây là
bảng
kê GI (số trung bình) của những món mà người mình hay ăn : - Cơm trắng :
80 - Đậu nành :
15 - Cơm gạo lức
: 50 - Đậu phụng :
14 - Bánh mì
trắng : 75 - Bắp : 60 - Khoai tây :
85 - Mật ong : 55 - Khoai lang
: 60 - Kem vani (vanila
ice cream) : 32 - Bún gạo (rice
noodle) : 80 - Sữa : 30 - Bún tàu (
miến, bean thread )
: 30 - Táo (apple)
: 38 - Đậu đen,
xanh : 30 - Lê (pear) :
40 - Đậu đỏ : 15
- Nho : 50 - Mì sợi : 45 - Cam : 48 - Đu đủ : 60 - Dưa hấu : 72 - Chuối : 58 - Xôi : 90 - Cà rốt : 50
- Cereal, All
bran (Kellogs) : 35 - Sữa đậu
nành : 44 - Sữa chua (yogurt)
: 33 - Đặc biệt,
đậu Chana Dal : 8
(bán ở tiệm Ấn độ) Thịt, cá
không
phải là carbohydrates nên không ra ... đường, vì vậy không được
liệt kê. Rau cải xanh có GI thấp nên cũng không kể ra. Những món ăn
có GI cao là những món làm cho da bị sưng và làm hư hại lớp collagen
giúp cho da đàn hồi, da căng ra mà
rút lại không được, đành nằm đó chịu “xếp ly“. Mấy bà mẹ VN thường
không cho con ăn nhiều xoài, mít v.v... là những đồ “nóng“ (GI cao)
làm nổi mụn nhọt tùm lum, còn như nếu con đã nổi mụt lỡ rồi thì cho
ăn đậu xanh cả vỏ (không đường) cho nó ”mát“ (nhờ GI thấp), giải
“nhiệt“ nên mụn xẹp đi. Dĩ nhiên, người bị bệnh tiểu đường chỉ nên
ăn những thứ có GI thấp mà thôi. Nói cách khác
là ăn như là mình bị bệnh tiểu đường, tức là không ăn cơm, bánh mì,
khoai tây v.v... mà ăn rau, ăn đậu. 6. Ăn dâu (berries)
mà tốt nhất là blueberries 7. Uống nhiều
nước. Muốn làm ông
/
bà Thọ cho ngon cũng rắc rối lắm, nhưng thật ra chỉ tóm lại trong có
mấy chữ là ăn ít hơn, tập nhiều hơn (eat less, exercise more).
Xin
nói thêm là chỉ có môn chạy hay đi bộ nhanh (brisk walking) mới
ảnh hưởng đến tuổi thọ, còn những môn khác như tập tạ (thể dục
thẩm mỹ) chẳng hạn thì không. Đi bộ nhanh là đi như “chó đạp lửa“,
hay nói cho có vẻ kiếm hiệp là khinh công, đi hai chân gần nhau theo
một đường thẳng tưởng tượng hay có thật, hai tay đong đưa như đang
chạy, hít vào khoảng 4 bước, thở ra khoảng 6-8 bước, thở băng mũi. Ví
dụ, đếm thầm 1, 2, 3, 4 khi hít vào, đếm tiếp 5, 6, 7, 8, 9, 10 khi thở
ra rồi lập lại. Người nào
cũng
có ít nhất 3 đầu, đầu trên và 2 đầu...gối, (có người 4 đầu nhưng vụ
này lộn xộn lắm, sẽ tính sau) nhưng phần đông chỉ quan tâm đến cái
đầu trên mà lơ là 2 đầu dưới trong khi dấu hiệu của sự suy nhược
hiện ra trước nhất và rõ ràng nhất ở hai cái đầu này, là nơi mà
các “đấng“ mày râu (bạc), từng tung hoành ngang dọc, “mỏi gối chồn
chân vẫn muốn trèo“, có nhiều kinh nghiệm hơn ai hết. Người già
thường bị yếu hai chân nên dễ bị té, từ đó kéo theo gãy xương hông,
vì vậy, nếu không lo trước (đi bộ) mà chỉ lo lên xe, xuống ngựa,
giường ấm, nệm êm thì... chống gậy sớm ráng chịu. Đánh bài thêm tay
thì vui, tuổi già thêm chân chẳng vui tí nào!! Tối nay ăn gì? Ở nhà, tui
lãnh
nhiệm vụ đi chợ và ra menu, bà xã nấu ăn. Nói là nấu nướng
cho xôm chứ thật ra là hôm nay ăn rau với đậu thì ngày mai đổi món
đậu với rau, nhưng lâu lâu cũng có thịt, cá, ăn cho khỏi... quên, tuy
vậy, hễ tui đi chợ là bả chạy theo, không phải để giúp mua đồ mà
để đọc báo cọp, loại báo ”xe cán chó, chó cán xe “. Hôm đó, đi
làm
về, bả than là hôm nay sở nhiều việc, làm biếng nấu ăn quá nhưng
cũng hỏi : - Tối nay, ba
ăn
gì em nấu? Tôi vui miệng
nói : - Mệt thì ăn
món gì khỏi nấu cho nó khỏe. Không biết bả
nghĩ gì mà bả kêu lên : - Thôi ông
ơi!
Đừng có bày đặt, tui nấu khỏe hơn, già rồi, không có ăn đồ sống! Tui ngây thơ : - Ủa! Sao kỳ
vậy? Dân Nhật ăn cá sống hà rầm mà có sao đâu? - Đừng có giả
bộ! Tui đi guốc cao gót trong bụng ông nè! - Sao lại có
vụ
guốc cao gót? Bộ guốc thường không được sao? Bả chỉ mặt
tui : - Để nó nhói
nhói nhắc ông già... dịch đừng có lộn xộn. Nhớ lại mấy
câu ruột của đại ca Th. ngày xưa, tôi ngâm nga : Già rằng già
mặt, già mày Tay
chân già hết, chỗ “rày” còn non! Bả ôm bụng
cười, chọc quê : - Phải rồi!
hổng già mà xiêu vẹo đòi chống gậy thôi! Tui sốt ruột,
cười cầu tài: - Vậy thì ăn
món gì đây? - Tui cho ông
ăn
phở . - Mà phở gì
mới
được chớ? - Tái gân,
chịu
chưa? Người già
đông quá! Hiện nay,
trên
thế giới, có khoảng 600 triệu người già (60 tuổi trở lên) trên tổng
số 6 tỷ người. Với cái đà gia
tăng dân số này thì sẽ có khoảng 2 tỷ người già trên tổng số 9 tỷ
vào năm 2050. Riêng ở Mỹ, bây
giờ, tính ra là cứ 3 người (trẻ) đi làm, đóng tiền vào quỹ an sinh
xã hội cũng như quỹ y tế để ”nuôi“ một người già nhưng những quỹ
này giỏi lắm cũng chỉ “cầm cự “đến năm 2020 là thâm thủng. Đến năm
2050, chỉ còn 2 người trẻ “nuôi“ 2 người già. Sở an sinh xã hội tính
ra là tới năm 2040, người về hưu chỉ hưởng được khoảng 70% số tiền
mà đáng lẽ ra họ được hưởng. Tình trạng ở Tây Âu cũng tương tự, ở
Nhật còn tệ hơn. Để câu giờ, biện pháp trước mắt là gia tăng tuổi
chính thức về hưu, ví dụ như từ 65 lên 67 hay 70. Vấn đề nan giải là
số người đi làm ngày càng ít đi (số sinh giảm vì kế hoạch hóa gia
đình) trong khi số miệng ăn và miệng uống (thuốc) ngày càng nhiều
lên, đó là chưa nói tới chuyện chỗ đâu mà ở, nhà thương đâu mà
nằm cho đủ. Mới đây, báo The Economist vẽ một bức tranh khôi
hài cười ra nước mắt, có hình đứa
bé mang tã, ở trần, đứng giơ hai tay đỡ cái khay đội trên đầu mà hai
chân muốn sụm, trên khay, một đám ông bà già lom khom đứng lố nhố. Có lần đi qua
cái nursing home, chỉ mấy ông bà già ngồi xe lăn hay chống gậy đang
phơi nắng, bà xã tui chép miệng
nói : - Em không
muốn
sau này như vậy! Tôi cười : - Đâu có ai
muốn, nhưng vô được cũng không phải dễ. Ở Canada và một số nước
Tây Âu, nhà nước lo hết (cho tới
khi hết tiền), còn ở Mỹ, nhà nước chỉ lo sau khi mình hết sạch tài
sản. Ở Mỹ, viện dưỡng lão loại tốt tốn 50,000 đô một năm. - Ồ! Em biết
rồi! Hèn chi, em thấy mấy người về hưu sang tên nhà cho con để sau
này dễ “ăn vạ” nhà nước. - Đúng đó! Họ
tự bần cùng hóa mà khỏi nhờ tay VC. - Còn mình
thì
sao anh? Chạy của để
ăn
vạ coi... yếu quá mà để cho sạt nghiệp thì... đau, bí đường, tui cười
đánh trống lãng: - Hỏi câu gì
khó quá vậy ta? Trong gia
đình,
khi ông-bà-già-bố-mẹ về hưu mà con còn trẻ nên con đủ sức lo cho
bố mẹ và cho đám cháu, trong nhà không có gì vui hơn, nhưng khi tới
lượt ông-bà-già-con về hưu, nhất là đứa con út, các cháu ra riêng,
ông-bà-già-bố-mẹ sẽ thấy hụt hẫng, chới với, mất giá và cô đơn
hơn, nhất là khi còn lại một mình vì đương nhiên bị (hay được) “đôn“
lên một cấp. Thật vậy, con mình già rồi, bịnh hoạn bắt đầu hỏi thăm, bắt nó lo cho mình thì... tội,
trong khi nó lo cho thân nó còn không xong, đám cháu thì lu bu theo đám
chắt và ông-bà-già-con, còn gì đâu dành cho ông-bà-già-bố-mẹ, cho
nên, lúc này mà nếu ông-bà-già-bố-mẹ ... ra đi là vừa đẹp. Nhìn lại
chính
mình, trước đây, ta lấy thân này làm khí giới, là gươm, là súng
(nước?) bốn phương vẫy vùng, bây giờ, gươm cùn, súng rỉ (nước vì trà
Thái Đức?), thân như chiếc áo mòn rách tả tơi, vá may chằng chịt,
mặc vô đóng tuồng mà nay chẳng ai buồn coi, nên có vứt đi cũng
phải, có gì mà tiếc? Sợ Sợ hãi là một
bản năng mà sinh vật phải có hầu tránh hiểm nguy để sống còn mà
lưu truyền nòi giống. Tuy nhiên, hình như chỉ có con người, nói chung,
mới tham sống sợ chết còn con vật thì không, bởi vì con vật đâu biết
sống là gì, chết là gì, chỉ biết sợ nguy hiểm mà phản ứng thôi. Khi
lớn lên, đứa con nít đã tiếp xúc với cái chết qua con ruồi, con
muỗi, con kiến, con giun, rồi đến con gà, con vịt, con cá, con cua, con
heo, con bò, và sau đó là con người với những hình ảnh ghê rợn qua
sách báo, phim ảnh, TV, qua chiến tranh, thù hận, bịnh hoạn, tai nạn
v.v... ở ngay trước mắt, trong nhà, ngoài đường, lại còn kéo theo
cảnh khóc lóc khổ đau,vì vậy mà đối với con người, sợ chết trở nên
nỗi ám ảnh lớn nhất. Có người nói
rằng con bò cũng khóc vì sợ chết khi bị dẫn vào lò sát sinh. Tui chưa
thấy bò khóc bao giờ mà chỉ thấy bò cười La vache qui rit. Nhớ
lại hồi mới ra trường năm 61, NML và tui được Chương trình Thủy điện
Đa nhim gởi đi tu nghiệp ở Pháp. Hai đứa lần đầu tiên ra khỏi nước,
tiếng tây, tiếng u lạng quạng, nói chuyện mỏi... tay, ngơ ngơ ngác
ngác như mán về thành. Hôm đó, Nhà đèn Tây (Electricité de France)
đãi ăn ở một công trường đâu gần Grenoble. Cuối bữa ăn, bồi
đem ra một mâm fromages đủ thứ, cái tròn, cái méo, cái trắng,
cái vàng, cái mỏng, cái dày, cái láng coóng, cái mốc meo, cái có
lỗ, cái không lỗ, cái nặng mùi như nước mắm, cái thơm như múi mít
... và đi quanh hỏi từng người ai muốn chọn thứ nào. Tui lớ ngớ biết
gì đâu mà chọn. Bỗng có anh Tây ngồi bên cạnh hỏi tui quen ăn loại
gì. Cái thân tui, cả đời chỉ biết duy nhứt một thứ La vache qui rit
mà lâu lắm mới có được một miếng kẹp vô bánh mì, nay nghe hỏi liền
mau miệng trả lời ngay La vache qui rit. Cả đám Tây Nhà Đèn
(thứ thiệt!) ngồi cùng bàn nghe
nói bỗng cười ầm lên làm tui quê muốn chết, về sau hỏi ra mới biết La
vache qui rit là thứ hạng bét, Tây chê. Mới đây, nhân
buổi đi viếng ông hàng xóm Mỹ khoảng 60 tuổi vừa chết vì bịnh tim,
trên đường từ nhà quàn về, vợ tui có vẻ ưu tư rồi bỗng nhiên bả
hỏi : - Ba nè! Tại
sao
trong đám tang mà người Mỹ họ tỉnh bơ, vui vẻ chứ không khóc lóc
buồn rầu gì hết? Tui cười cười
chọc quê : - Vì họ không
phải là người nằm đó! Nghe nói, bả
nhảy nhổm : - Ông ăn nói
gì
mà... ác nhơn vậy? Tui chống chế
: - Bộ không
đúng
sao chớ? Bây giờ, ví dụ người năm đó bỗng ngồi dậy hỏi rằng ai
muốn thế chỗ tui thì có phải là cả đám chạy tóe khói không? Cũng
như nhiều người tối ngày cầu nguyện, tụng niệm hay “đầu tư phước
đức” mong cho sau này được lên ”thiên đàng” hay “tiêu diêu” nơi miền
cực lạc nhưng nếu hỏi là ngay bây giờ có ai muốn đi không thì sẽ
không có ai hết ngoại trừ mấy trự rậm râu (hay trùm đầu) tưởng
thiệt, ôm bom cho banh xác, hay là mấy người Mỹ theo giáo phái gì đó
ở bên Cali nhân dịp có sao chổi đi gần trái đất cách đây mấy năm. - Thì... phải
rồi! Nhưng mà chuyện gì ông cũng giỡn hết đâu có được! - Xin lỗi!
Bị...
méo mó nghề nghiệp nên quen nhìn con voi ra con voi chứ không phải con
voi ra cái vòi. Sự thật là ở tây phương, người ta thực tế lắm nên
thay vì than khóc tiếc thương, họ vinh danh cuộc đời người chết và bảo
đảm cuộc đời người sống, ngược lại ở đông phương, người ta thương
tiếc tận tình người chết nhưng lại để cho người sống... chết luôn!
Nội cái vụ học theo thầy Khổng (?) với khăn sô, áo chế, giày cỏ,
nón rơm, te tua rách rưới để tỏ lòng hiếu thảo chẳng hạn, không
những không giúp gì cho người chết mà chỉ làm cho người sống mất tinh
thần thêm, đôi khi lại có cả điếu văn than trời trách đất hay là
khóc mướn, làm cho cảnh biệt ly càng bi thảm. - Vậy thì...
bên
nào đúng? - Bên nào
cũng... đúng hết, bởi vì hoàn cảnh khác nhau, một bên thì giàu, xã
hội có tổ chức, người còn lại có tiền bảo hiểm, tiền hưu, tiền
lời đầu tư, tiền an sinh xã hội, săn sóc sức khỏe miễn phí, v.v...
giúp cho họ sống tương đối đầy đủ hay ít ra là không đói rách, nhờ
vậy mà họ, dù thương tiếc nhưng vẫn bình tĩnh; còn một bên thì nghèo,
xã hội tổ chức lỏng lẻo, nói chung chẳng có gì ngoài tình gia đình
bắt buộc phải đùm bọc lẫn nhau để sống, người còn lại thấy tương
lai đen tối, đói rách đứng chờ ngay cửa vì vậy mà sự thương tiếc,
tuyệt vọng và sợ hãi càng tăng, nên có khuynh hướng thần linh hóa
người chết mong được phù hộ (sống khôn, thác thiêng hay sinh vi
tướng, tử vi thần...) và tin mấy thầy địa lý đòi táng hàm rồng, hàm
rắn cho con cháu nhờ. Ngày xưa, thầy Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ, ngày
nay (bên Mỹ) nhà nước phát “tiền già” cho mẹ ăn, cấp “nhà già” cho
mẹ ở, nên thầy Tử Lộ tân thời khỏe re, chỉ có việc tới thăm mẹ
hay gọi điện thoại cho mẹ, vậy mà cũng còn quên trước, quên sau. - Hèn chi mà
trong tiệm em làm, có mấy bà khách, chồng vừa chết mà mặt mũi tươi
rói! Tui bồi thêm : - Hổng chừng
còn lo ăn diet kiếm bồ nữa đó! Có hai hạng
người không nên chết già, là người đẹp và danh tướng. Danh tướng chỉ
nên “da ngựa bọc thây”, nhường cái... giường cho người đẹp. Phần
đông chúng ta còn nhớ cảnh “mùa thu váy bay” với Marilyn Monroe
vừa sexy, vừa dễ thương, đang vặn người túm kịp mép váy không
cho bay cao hơn nhưng đố ai thấy được bà cụ Marilyn ngồi xe
lăn. Tham muốn và
sợ
hãi quấn quít với nhau theo vòng lẩn quẩn, sợ ở đây là sợ... mất,
từ mất danh, mất lợi, mất tình, mất sướng... và cuối cùng như đã
nói trên, nỗi sợ ghê gớm nhất là mất mạng, và sau đó đi đâu. Từ
sợ mất đưa đến tham, vì tham nên cố giữ, từ đó lại sợ mất, cái
vòng cứ như vậy mà quay. Cọng sản lợi dụng lòng tham và tâm lý
không sợ (mất) để lôi kéo bần cố nông hay công nhân “không có gì
để mất” nổi lên làm cách mạng. Để có tâm hồn thư thái, thản
nhiên, chỉ cần nhảy ra khỏi vòng bằng cách giảm dần tham muốn mà
kết quả là bớt sợ, tự tin hơn hay nói khác đi là trở về nương tựa
nơi chính mình. Con người vốn
yếu đuối và làm biếng, ưa dựa vào thần linh, gọi chung là Thượng đế
để cầu xin, để hù dọa chính mình hay hù dọa lẫn nhau kiếm quyền,
kiếm lợi, nếu không có sẵn Thượng đế thì “chế” ra giống như chế ông
kẹ để dọa con nít mà không ai biết mặt mũi ông kẹ ra sao, muốn gì
thì cứ hô đại lên là ông kẹ nói như vậy, “đứa” nào không theo là “infidel”.
Thời thầy
Khổng
đang mở trường và viết sách dạy nghề làm... quân tử Tàu, một hôm
có người lại hỏi thầy là con người chết rồi đi đâu, thầy bí nhưng
nhanh trí “quạt” lại ngay và sẵn dịp quảng cáo luôn là “sống làm
người còn không biết làm mà hỏi gì xa xôi vậy, thôi ra ngoải đăng
ký lớp mới sắp mở và mua sách
đọc trước đi”. Bà thầy nghe nói, quay mặt đi cười tủm tỉm, hôm nay có
thêm tiền chợ. Trước đó khoảng 500 năm, lúc ông Phật đang hành nghề
thầy... lang chuyên trị bịnh khổ (miễn phí), cũng có người tới hỏi
rằng con người chết rồi đi đâu, ông Phật né ngay bằng cách hỏi
ngược lại là “ví dụ như có người đem thuốc lại cho một người đang
bịnh nặng và nói rằng uống thuốc này sẽ lành thì người đó uống
thuốc ngay hay là thắc mắc rằng thuốc này làm băng thứ gì, ai tìm ra,
bào chế ra sao, FDA approved chưa, v.v... Ở đời này, chúng sanh
đang khổ, sao không lo uống thuốc diệt khổ của tui để cho đỡ khổ mà
đi lo chuyện xa vời như vậy? “. Tuy nhiên,
“chúng sanh” vốn lo xa nên người thì đi nhà thờ đều đặn trong khi chờ
Chúa... gọi (lên nước Trời nhưng ước gì tai điếc đừng nghe), người thì
đi chùa tụng kinh, làm phước mong được siêu sinh Tịnh độ, người thì
nằm nhà đợi... Trời kêu (ai nấy dạ), miệng dạ mà trong bụng đánh
lô tô, người thuộc diện ”đi theo ông bà” thì ngồi chờ bảo lãnh
v.v... Có người sốt ruột, chờ về cõi Tịnh độ (Pure Land) hay
lên nước Trời lâu quá mà lại... chắc gì có, nên hay nhất là biến
thế gian này thành Tịnh độ, “bây giờ và ở đây”, ít nhất là cho chính
mình vì Tịnh độ từ tâm mà ra, khi tâm thanh thản, không tham, không
sợ, mở rộng lòng thương thì nơi nào cũng là Tịnh độ. Con người thường
hối tiếc quá khứ và lo sợ tương lai vì trong tương lai, dù có làm
vương, làm tướng, làm giàu gì đi nữa, bịnh hoạn và cái chết đứng lấp
ló chờ, vì vậy mà tâm không yên, mãi đi chu du, sống mà không biết
mình đang sống, không khác gì cái xác biết đi (walking dead man).
Tui có người chị bà con mới về hưu. Bả nói rằng mấy chục năm qua đi
làm, ngày nào cũng đi qua con đường đó mà mãi đến giờ này, về hưu
mới thấy hàng cây bên đường đẹp như vậy. Cái đáng sợ không phải
chính cái chết (lúc đó có biết gì đâu) mà là tâm lý sợ chết. Theo
dõi hơi thở để biết mình đang sống và tận hưởng cái mình có trong
giây phút hiện tại (live in the present moment hay là live
one
day at a time như người Mỹ thường nói) là phương pháp mà các thiền
sư thường chỉ dẫn để giúp cho tâm an, không còn sợ hãi. Tính vô
thường (impermanence) hay vô ngã (non-self) hay tính
không (emptiness
hay nothingness) nói về sự đổi thay không ngừng của mọi hiện
tượng trong vũ trụ (vạn pháp) vì tất cả đều liên hệ với nhau (interdependence)
đưa đến ý niệm về không sanh, không diệt, không bắt đầu, không kết
thúc (vô thủy, vô chung) mà chỉ có trao truyền hay chuyển hóa sẽ
giúp cho người hành giả, tuy trôi theo dòng sinh diệt nhưng thay vì bị
nhận
chìm trong dòng sinh diệt, có thể sống an nhiên, tự tại như là “cỡi
trên sóng sinh diệt mà đi”. Một thí dụ
vui
vui về cuộc đời vô thường : - Trước khi
VC
vô : Có lai rai - VC vô rồi :
Không có gì (qúy hơn
độc lập tự do!) - Bây giờ :
Gì cũng có. và.... - Mai mốt :
Không có (còn) gì... Thầy F. Sói Trắng: Một anh tây
chỉ
mơ bắn được một con chó sói trắng, loại hiếm. Một hôm có người chỉ
cho anh ta lên vùng Pyrénées, ở đó vẫn còn loại sói này và tìm gặp
ông thợ săn già, ông này sẽ chỉ cho. Anh tây hỏi thăm tới ông già
thợ săn không khó lắm. Ông ta chỉ cho anh đi dọc theo triền núi và
tìm một cái hang nào kha khá lớn, đứng giữa cửa hang, cách một quãng
rồi thổi cái kèn này, nó kêu giống hệt tiếng kêu của một con trừu
non, thế là con sói trắng từ từ ra, cứ nhắm bắn. Anh tây tặng ông
già ít tiền rồi hăm hở vào núi. Hai năm sau,
ông
thợ săn già có dịp về Paris, khi đi qua vườn Luxembourg thì có một anh
clochard chột mắt, cụt tay, chân đi cà nhắc chạy theo : - Ôâng ơi,
ông
có nhớ tôi không? thợ săn sói trắng hồi đó ông chỉ cho tôi đó. - Tất nhiên
là
tôi nhớ ra anh nhưng làm sao ra nông nỗi này? - Hôm đó theo
lời ông chỉ, tôi tìm thấy một cái hang lớn, đứng ngay cửa hang, chuẩn
bị và thổi kèn. - Một con sói
trắng từ từ đi ra? - Không, một
cái xe lửa! |