Về nguồn

Bài của Thu Thủy

Con thương yêu,

Đã hơn hai chục năm trôi qua từ ngày gia đình ta qua xứ người tỵ nạn. Ba Mẹ đã đau lòng rời bỏ quê hương, bất chấp mọi hiểm nguy gian khổ, định cư tại đây, cố gắng nuôi con ăn học cho nên người. Ba Mẹ hy vọng con sẽ có một tương lai xán lạn, mừng rỡ và hãnh diện khi thấy con hội nhập dễ dàng nơi xứ đã niềm nở đón tiếp ta.

Nhưng Ba Mẹ cảm thấy âu lo khi thấy trong cuộc sống hằng ngày con dần dần lười biếng dùng tiếng mẹ đẻ mà con lại có khuynh hướng sử dụng tiếng nước người trong lúc đối đáp mặc dầu Ba Mẹ cố tình nói tiếng Việt. Đành rằng quê hương ta xa xôi ngàn dặm và con không còn giữ kỷ niệm nào sâu đậm với thời gian, nhưng con hãy nhớ và hãnh diện rằng con là người Việt nam.

Ba Mẹ thông cảm với sự thờ ơ của con khi con dự một cách miễn cưỡng những buổi họp mặt gia đình. Các dì, dượng, , chú, bác, say mê nhắc cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn ở quê hương, những chuyện ấy đối với con quá xa lạ, hầu như vô nghĩa. Con dửng dưng lơ đãng nghe và cảm thấy lạc lõng . Trong thâm tâm, con chỉ muốn gặp lại các bạn đồng lứa tuổi trong trường, diễu cợt đùa giỡn với các bạn. Ba Mẹ thừa biết con đã xa cách quê hương quá lâu, và hình ảnh cố hương đã mờ dần trong ký ức của  con: làm sao con cảm thấy gắn bó với quê hương được khi quê hương trở nên trừu tượng xa lạ.

Nhưng con ơi, dầu cho con có nói lưu loát tiếng nước người, dầu cho con có thói quen suy tưởng như người, con không thể nào tách rời với nguồn gốc của con được. Ba Mẹ tin chắc một ngày nào đó, con sẽ tự hỏi "Ta là ai? Ta từ đâu đến?" Và câu hỏi ấy sẽ thôi thúc con trở về cội nguồn. Không ai lại không tự vấn về nguồn gốc của mình, về tổ tiên của mình. Ba Mẹ tha thiết mong con sẽ hấp thụ nền văn hóa tốt đẹp của người, và song song với đó con vẫn tôn trọng gia tài văn hóa của Cha Ông ta để lại. Con sẽ hãnh diện đã được thừa hưởng di sản quý báu của tổ tiên, được sống thoải mái hài hòa với hai nền văn hóa và con sẽ tâng tiu yêu quý hai nền văn hóa đã un đúc con về tinh thần lẫn vật chất. Ba Mẹ không lấy làm lạ khi thấy con gắn bó gần gũi với nước người và yêu thương nước đã đón nhận gia đình ta. Nhưng con chớ phụ bạc khinh rẻ văn hóa nước ta mà hãy tôn trọng nền văn hóa ta. Hãy vun xới tình yêu thương giống nòi tiềm ẫn trong trái tim ta, và tuyệt đối đừng coi thường nền văn hóa mà con đã thừa hưởng ở các bậc tiền bối. Ba Mẹ đặt hết niềm tin vào thế hệ trẻ của con có thừa tài năng và nhiều đức tính để thành công nơi đất khách quê người: thành công nhưng không tự mãn, mà giữ tánh khiêm tốn biết ơn tiền nhân.

Con hãy giữ trong lòng hình ảnh đẹp của quê hương yêu dấu, và trong khi chờ đợi ngày về huy hoàng nơi cố quốc, chờ đợi giây phút xao xuyến được đặt chân xuống mảnh đất quê hương, con hãy nhắm mắt lại trong chốc lát, tận hưởng niềm vui tuyệt vời của những giấc mơ êm đềm nơi chôn nhau cắt rốn: hình ảnh đẹp của đồng quê miền Nam hiền hòa với hương thơm ngọt ngào quyến rũ của lúa chín, của những bãi cát biển trắng mịn với hàng dừa xanh của miền Trung thơ mộng, của dãy núi hùng vĩ uy nghi nơi miền Bắc. Và rồi con sẽ cảm thấy tất cả hình ảnh, mùi vị ấy như quyện vào nhau thật nồng nàn làm đê mê ngây ngất hồn con để tạo nên một âm thanh vô cùng huyền-dịệu, đó là :

"MẢNH ĐẤT QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM."

Ba Mẹ hôn con.