ĐÂU CHẲNG LÀ NHÀ
(trích từ Liên mạng)
Gần gũi với bậc
đạo đức cao tăng quả là có duyên phúc đặc biệt. Kinh nghiệm đó đã đến với Diệp,
khi chàng sắp xa chùa, xa thầy để đi nhậm chức tỉnh xa. Đến từ giã thầy, Diệp
không lăng xăng hỏi han như thường lệ, mà yên lặng
quán sát để thu nhận tất cả hình ảnh thân yêu của bổn sư vào tâm khảm. Thầy
Thiện Hoa có lẽ khám phá ngay sự khác lạ của người đệ tử, song thầy vẫn khoan thai rót trà mời chàng đối ẩm.
Diệp chợt nghĩ rằng chung
trà từ giã phải được chàng thọ lãnh trong một sự tỉnh thức trọn vẹn. Vì vậy,
chàng không buông lỏng tâm niệm, mà trang trọng nâng chung
trà, ý thức giờ phút sống thực để uống trà một cánh chững chạc. Trong không khí
yên lặng ấm cúng đó, Diệp cảm thấy như từ thân thể thầy tỏa ra niềm an lạc làm
chàng bình an và hạnh phúc. Cái đạo đức vô hình này,
trước đây, mỗi khi tiếp xúc với thầy chàng vẫn mường tượng, nhưng lần này, nhờ
yên lặng tỉnh thức chàng đã đón nhận trọn vẹn hơn. Thầy cũng chỉ rót nước uống
trà bình thường, mà sao, trong cử chỉ đó tỏa ra chất liệu nhẹ nhàng mà trang
trọng như một nghi lễ.
Diệp lặng yên thưởng thức trà và chiêm
ngưỡng phong thái của thầy, đến khi chợt khám phá rằng đã quá khuya mới đứng
dậy cáo từ. Diệp ngần ngừ, nửa muốn thỉnh thầy một lời khuyên bảo cho nghề
nghiệp, nửa muốn giữ cái không khí thiền trà nguyên vẹn, nên xá chào thầy thật
thành kính mà thôi. Đưa Diệp ra cửa, vô tình thầy vỗ vai chàng dặn dò: "Con
à! Người Phật tử chỉ thấy lỗi mình chớ không thấy lỗi người.
Cho nên, nếu phải phán xét người thì rất dè dặt, tự hỏi nếu mình ở trong hoàn
cảnh của người thì sẽ hành động như thế nào?"
Diệp là một thẩm phán trẻ phục vụ tại Tòa Sơ thẩm Sài gòn. Diệp vốn có một năng
khiếu đặc biệt phù hợp cho ngành thẩm phán. Hăng say với chức vụ, yêu
nghề, tự tin về khả năng và tư cách của mình, Diệp vô cùng hãnh diện. Chàng tự
cho mình có thiên chức ban phát công lý cho người. Hành xử quyền này, Diệp đặt
trọn vẹn niềm tin trên luật pháp công minh, rồi dùng thâm tín của mình để định
án nhặm lẹ tuyên xử "phăng phăng" dễ dàng, một cách vô tư lự, không
màn nghĩ tới một lời tuyên bố "nhẹ hìu, dễ ợt" của mình lại là một
biến cố trọng đại cho người trong cuộc.
Nhờ sớm thành công trong nghề, Diệp được
thượng cấp bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án Tòa Hoà giải
Rộng quyền Kiến phong. Toà Hòa giải Rộng quyền là loại tòa,
về quyền hạn tương đương với Tòa Sơ thẩm, nhưng về nhân sự thì chỉ có một thẩm
phán duy nhất giữ chức vụ Chánh án, rổi kiêm nhiệm cả chức vụ Biện lý và Dự
thẩm nữa. Loại tòa án này, trên lý thuyết, trái với nguyên tắc phân
quyền làm tổn thương đến quyền lợi bị cáo: một thẩm phán vừa truy tố, điều tra,
rồi lại xét xử, dễ mang tiên kiến lúc sơ vấn nên mất vô tư. Mặt khác, tập trung
quyền hành thì sanh lạm dụng, tha hay phạt tự do, mà có "nhám nhúa"
cũng không mấy khó khăn.
Điều lạ lùng đối với Diệp, là tuy quyền
hành được gia tăng, nhưng niềm tự tin, niềm hãnh diện về nghề nghiệp cứ giảm
dần. Lời khuyên nhủ của bổn
sư chàng vẫn tạc dạ không quên, do đó, khi xét xử vụ kiện hình sự nào, chàng
thường tự đặt mình vào hoàn cảnh của bị cáo rồi mới phê phán hành vi của họ. Từ
đó, chàng khám phá rằng ngay cả những bị cáo "ác ôn" cũng chỉ là
những kẻ tội nghiệp đáng thương, thậm chí, xét cho kỹ thì dường như không mấy
ai thật sự đáng tội cả.
Trong một phiên tòa, xử một vụ giả mạo khai
sinh để trốn quân dịch, một tội rất thông thường trong thời chiến, bị cáo là
những kẻ thật thà, nhút nhát, đáng thương. Nhưng tội danh rõ ràng, nên Diệp chỉ
thẩm vấn máy móc cho đúng thủ tục:
- Em bị truy tố tại Kiến phong ngày tháng
năm... về tội giả mạo giấy khai sanh để trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân dịch.
Em trả lời sao?
-
Dạ! Dạ!
Câu hỏi thì lòng vòng, mà bị cáo đang lúc
sợ sệt bối rối, không biết phải trả lời sao cho đúng, nên bị cáo chỉ dạ rồi yên
lặng. Diệp nhắc nhở:
- Em nhận tội hay không nhận tội?
- Dạ! Con nhận tội!
Hồ sơ giản dị, tội phạm rõ ràng và bị cáo
cũng nhận tội, như vậy, Diệp đã có thể tuyên án phạt
bị cáo 1 tháng tù là xong. Thế nhưng, hôm đó nhìn vẻ mặt học trò ngơ ngác của
bị cáo, bỗng Diệp nảy sinh lòng lân mẫn. Chàng muốn buông một lời an ủi: "Sao em dại quá! Muốn trốn quân dịch thì có
thể chạy theo các tổ chức tôn giáo, vào cảnh sát, vào cán bộ xây dựng nông
thôn, hội viên xã ấp., còn khờ khạo sửa khai sanh thì dễ phát giác quá đi".
Tuy nhiên, Diệp không thể công khai biểu lộ điều đó, nên ngập ngừng, rồi hỏi
một câu lạc đề:
- Tại sao em lại phải cạo sửa khai sanh như
vậy?
- Dạ! Tại con thi rớt!
Câu trả lời giản dị đó khiến Diệp giựt mình. Chàng nghĩ may mà mình thi đỗ liên tiếp
nên mới được lên hương như ngày nay. Còn như nếu mình thi rớt
như bị cáo thì sao? Gia đình mình thì nghèo chắc không mua nổi cấp bằng,
mua giấy hỗn dịch vì lý do sức khoẻ. Có lẽ rồi mình cũng giả
mạo khai sanh như nó. Nó hên thì nó ngồi chỗ của mình.
Mình xui thì mình đứng ở dưới vành móng ngựa đó.
Vụ án khác gây dao động không ít cho Diệp
là trường hợp bé Nguyễn Văn Liên, 13 tuổi, can tội móc
túi tại chợ Cao lãnh. Em Liên là trẻ bụi đời, không cha mẹ, không nhà cửa, từng
có 3 tiền án cũng về tội trộm, việc vào tù ra khám rất thường tình, nên em
không lộ vẻ gì sợ sệt. Trường hợp này, nếu Diệp phạt Liên 3 tháng tù ở rồi quên
phức đi thì cũng an ổn tâm thần. Nhưng Diệp đã có thói
quen, tự đặt mình vào hoàn cảnh người khác rồi, nên chàng cứ suy tư lẩm cẩm. Cỡ
tuổi đó, nếu mình ở trong hoàn cảnh không nhà cửa, không cha mẹ bà con nương
tựa, thì làm cách nào mà sinh sống đây, có lẽ, đành phải trộm cắp vậy. Từ nhỏ,
mình đã được cha mẹ, thầy học dạy bao điều đạo đức, lại thọ tam quy ngũ giới với bậc cao tăng, mà lòng tham lam của mình có giảm
được bao nhiêu đâu? Vậy thì sao mình lại có thể trách một đứa trẻ con, vốn kém
may mắn không được ai dạy dỗ, về tội tham lam trộm chút đỉnh tiền còm để sinh
tồn sao? Mà ở đất nước nào, trộm cắp cũng là việc bình thường. Những ông tai to
mặt lớn, từ vị lãnh đạo cáo nhất nước cho đến các vị chỉ huy tỉnh, quận đều là
những tay ăn cắp thượng thặng, mà có ai dám lên án họ đâu? Thật mỉa mai khi tòa
án, nhân danh công lý, chỉ bắt nạt đám ăn cắp lặt vặt, hối lộ tép riu, chớ nào
đụng được "sợi lông chân" của giới tham ô cá mập. Diệp cảm thấy thật
xấu hổ, khi nhớ mình đã từng tin tưởng tuyệt đối vào cán cân công lý và hãnh
diện về chức năng xử án của mình.
Diệp gục đầu, không dám nhìn bị cáo, tuyên án nho nhỏ: "Xác nhận Nguyễn Văn Liên phạm tội trộm.
Truyền giao bị cáo cho Trung tâm Giáo hóa Thiếu nhi
Thủ đức cho đến khi 18 tuổi."
Đó là phán quyết mà Diệp tin tưởng là hợp
lý, vì chàng hi vọng bé Liên sẽ được dạy dỗ nên người và được huấn nghệ để có
tương lai về sau.
Hàng tháng, hành xử chức vụ Biện lý, Diệp
vẫn thanh tra Trung tâm Cải huấn Tỉnh. Thông lệ Diệp chỉ viếng phòng giam
thường phạm đã thành án và chánh trị phạm theo nguyên tắc thuộc quyền quản chế
của Bộ Nội vụ. Khám đường khá rộng, nhưng cũng không đủ sức chứa số tội nhân
chánh trị ngày càng gia tăng, nên chi, đêm đêm tù nhân phải chen chúc nằm
nghiêng sát vào nhau, đôi khi còn phai co chân lại, để ngủ. Phòng giam kín mít, nóng bức, mồ hôi
tù ướt đẫm đọng thành vũng trên nên xi măng, không khí ngột ngạt hôi hám khiến
cho đêm nào cũng có người ngất xỉu.
Theo luật, thì tù nhân thiếu nhi phải giam giữ riêng để tránh tiêm nhiễm thói hư tật xấu
của người lớn hoặc phòng ngừa việc trẻ con bị hành hạ, lạm dụng tình dục. Vì
tình trạng thiếu phòng giam, nên thiếu nhi bắt buộc
phải giam lẫn lộn với người lớn. Đó là mối bận tâm của Diệp, nên chàng lưu ý
từng trường hợp thiếu nhi để giải quyết trả tự do thật
nhanh. Do đó, dù bé Nguyễn Văn Liên nay là phạm nhân thành án, không còn thuộc
quyền quản lý của cơ quan tư pháp, Diệp vẫn theo dõi
việc chuyển giao em về trại giáo hóa. Từ đó, Diệp mới khám phá được sự thật phũ
phàng tại Trại Giáo hóa Thiếu nhi ở trong tình trạng
thặng dư nhân số từ lâu, nên không nhận thêm một thiếu nhi nào nữa. Bộ Nội vụ
im lìm không thông báo cho cơ quan tư pháp tình trạng thực tế, mà giải quyết âm
thầm là tiếp tục giam giữ trong khám thường đối với trẻ em có bản án giáo hoá. Vô tình những bản án
gởi đi giáo hóa đầy tình thương lại trở thành những bản án khắc nghiệt. Năm năm giáo hóa biến thành năm năm tù ở. Điều đó thật trái lòng
chàng. Đó là sự phi lý và bất công mà Diệp đã làm vì chàng quá ngây thơ
tin tưởng vào bộ luật thiếu nhi phạm pháp đầy nhân
đạo.
Can thiệp với Toà Hành chánh Tỉnh vô hiệu,
Diệp thỉnh cầu Bộ Tư pháp đặt vấn đề với Bộ Nội vụ thì bị khiển trách đã dẫm
chân lên quyền hành pháp. Diệp thỉnh kế các vị đàn anh trong nghề, nhưng ai
cũng lắc đầu vô vọng trước nguyên tắc không thể xử lại việc đã xử rồi. Năn nỉ
mãi, Diệp được vị Chưởng lý nhân từ, chấp nhận đưa nội vụ trở ra toà, nếu như
đứa bé được một cơ sở từ thiện bảo lãnh và có phúc trình của Trung tâm Cải huấn
là bé Liên đã cải hối lỗi lầm. Thế là thủ tục được tiến hành
khẩn cấp. Viện Chưởng lý, căn cứ vào sự kiện mới, nhân danh quyền lợi
của trẻ vị thành niên, yêu cầu Toà Kiến phong xét xử trong phòng thẩm nghị.
Diệp mừng rỡ tuyên án phóng thích bé Liên, sau khi đã điều đình với thầy Chánh
đại diện Phật giáo tỉnh nhận lãnh em về nuôi nấng dạy dỗ.
Kinh nghiệm vụ bé Liên khiến Diệp cẩn thận
hơn khi thanh sát nhà giam. Chàng hỏi han săn sóc từng
tội nhân, kể cả những người không do chàng giam giữ, nhờ đó, chàng khám phá
trường hợp thương tâm của bé Cải. Bị cáo Nguyễn Thị A,
bị truy tố về tội thiến dương, khi bị tòa giam giữ đã mang thai 8 tháng. Bé Cải
được mẹ sanh ra trong tù, nên em đành sống kiếp tù tội bên mẹ gần 3 năm rồi. Vị
Chánh án tiền nhiệm khi giam người đàn bà, không ngờ đã giam luôn đứa bé vô
tội. Các viên chức thuộc Viện Chưởng lý cũng không ngờ điều đó, nên thủ tục con
rùa tư pháp kéo dài 3 năm rồi, mà hồ sơ vẫn chưa đưa ra toà đại hình xét xử.
Diệp thật xót xa, khi nghĩ đến tuổi trẻ thơ ngây, thay vì được nuôi nấng trong
bầu không khí lành mạnh, bé Cải phải chôn vùi trong bốn bức tường u ám, chỉ
biết bầu bạn với lo âu, sợ hãi, bệnh hoạn, đói rách mà thôi.
Diệp lên Viện Chưởng lý vận động đưa nội vụ
ra phiên xử đại hình gần nhất.
Phiên xử đại hình hôm đó thu hút đông đảo
đồng bào tham dự, một phần vì Toà Đại hình long trọng với thành phần xử án hùng
hậu, với tiểu đội lính chào kính uy nghiêm. Phần khác, vì vụ án
thiến dương là vụ án gây xôn xao dư luận mấy năm về trước.
Diệp ngồi ghế Chánh thẩm, bên cạnh là hai
vị thẩm phán phụ thẩm và bốn vị bồi thẩm nhân dân. Sau khi xác định lý lịch bị
cáo, Toà tuyên bố xử kín vì liên hệ đến thuần phong mỹ tục. Bị cáo Nguyễn Thị A khai vợ chồng thị ăn ở với nhau được hai năm thì người
chồng bắt đầu bỏ bê, lang chạ với những người đàn bà khác. Tình trạng đó ngày
càng tệ hơn, thị ghen tuông thì bị chồng chửi mắng đánh đập, do đó, thị nghĩ
đến việc thiến chồng, để y vĩnh viễn là của riêng mình. Nghĩ sao làm vậy, chờ
chồng ngủ thị dùng lưỡi lam cạo râu thật sắc, cắt phăng "của quý"
chồng. Nạn nhân khai có bay bướm chút đỉnh, nhưng không ngờ nết ghen của vợ quá
dữ. Thừa lúc y ngủ, người vợ cắt lìa "của quý", y được lối xóm chở
ngay đến bệnh viện chữa trị. Nhờ phái đoàn hợp tác y tế Hoa kỳ lưu động đến
Kiến phong trong thời gian nầy may vá lại, mấy tháng sau thì y lành lặn bình
thường. Sau đó, y thỉnh cầu Toà án cho ly dị với Nguyễn Thị A,
rồi kết hôn với người đàn bà khác, nên không thể lo lắng gì được cho bé Cải.
Tội thiến dương nguyên là tội cố ý gây
thương tích với trường hợp gia trọng là thiến bộ phận sanh dục nam giới. Tội cố ý gây thương tích thường chỉ là tội
tiểu hình, hình phạt tương đối nhẹ. Nhưng với trường hợp gia trọng thiến dương
thì hình phạt là khổ sai chung thân. Trong trường hợp
này, dầu được khoan hồng tối đa thì hình phạt nhẹ nhất là 5 năm cấm cố. Vì vậy,
khi ban hình nghị án, Diệp trình bày về hoàn cảnh đáng thương của bé Cải, để
thuyết phục mọi người chỉ xác nhận tội cố ý gây thương tích thường và trả lời
không đối với câu hỏi về trường hợp gia trọng. Nhờ vậy, Diệp có thể tuyên án vừa phải để mẹ con Nguyễn Thị A, được tự do ngay sau
phiên xử.
Kết thúc phiên xử đại hình, Diệp cảm thấy
mệt mỏi, nên lái xe đến chùa Tỉnh hội Phật giáo, hi
vọng tìm được phút giây an nhàn thoải mái. Sau phần lễ Phật, Diệp đàm đạo với
thầy Chánh đại diện. Câu chuyện không chủ đề lần lần xoay quanh vụ án nóng hổi. Hình ảnh của một Hoạn thư
thời đại khiến Diệp liên tưởng đến câu truyền khẩu quen thuộc, nên hỏi thầy:
- Thưa thầy! Người ta nói: "Cao
lãnh có hai điều nổi tiếng: thứ nhất đàn bà, thứ hai gà chọi", ý nghĩa
như thế nào? Thưa thầy!
- Lời phê phán đó đã xuất hiện lâu đời,
nhằm đề cao đức tính can trường chớ không chỉ cho tính dữ dằn hoặc ghen tuông.
Nguyên gà nòi Cao lãnh được nổi tiếng vì gan lì, chiến đấu đến chết chớ không
thua chạy. Đàn bà Cao lãnh vào thời người Pháp xua quân đánh chiếm ba tỉnh miền
Tây, đã sát cánh với chồng chiến đấu chống xâm lăng
trong đội quân của Thiên Hộ Võ Duy Dương. Khi Pháp đánh chiếm Cao lãnh, nghĩa
quân bị tan rã phải rút về Đồng tháp. Trong hàng ngàn xác chết, người ta đếm
được cả trăm nữ phái. Đàn bà Cao lãnh đã nổi tiếng từ đó.
- Tinh thần bất khuất của người xưa đến nay
con mới được biết, thật là đáng tiếc!
Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tình
hình vô cùng hỗn loạn. Thấy một số sĩ quan chỉ huy quân đội đã lánh mặt ra nước
ngoài, Diệp cũng vội vã cho gia đình di tản theo. Phần
chàng, vốn tôn trọng kỷ luật, Diệp đành tuân lệnh cấp chỉ huy cao cấp của ngành
tư pháp, không rời nhiệm sở, thành ra, đến khi vị nguyên thủ tạm thời và cuối
cùng của quốc gia tuyên bố đầu hàng thì đã quá muộn màng.
Diệp bàng hoàng nhận chân được cái hư ảo
của lợi danh trên cuộc đời vô nghĩa bọt bèo. Chỉ mấy phút trước, chàng vẫn là vị thẩm phán uy quyền, và bây giờ, đã
biến thành kẻ tội phạm. Tội ngụy quyền nguy hiểm hơn cùi hủi, nên những kẻ
trước kia cầu cạnh chàng, nay lãng tránh xa. Dù sao Diệp cũng là một Phật tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý vô
thường vô ngã, nên khi cuộc đời bị đảo lộn cũng không quá lo lắng bi ai.
Diệp nghĩ: " Trên đời này đâu có gì bền
vững. Thịnh rồi suy. Suy rồi thịnh.
Tân chế độ rồi cũng sẽ không thoát được định luật đó". Diệp thấy rất rõ điều này,
nhất là khi chàng nhận xét rằng, ngoài khả năng khoác lác khoe khoang, giới cầm
quyền bất tài, dốt nát chỉ biết sử dụng vũ lực để đàn áp, hoặc thủ đoạn bịp bợm
để lường gạt dân mà thôi.
Dù đã tập để xem thịnh suy nhẹ nhàng như
giọt sương rơi đầu cành, nhưng Diệp vẫn là một con người yếu hèn, nên cũng trải
qua đôi lần xúc động. Diệp ngậm ngùi hay tin Trung tá Trương Cuội, cựu quận
trưởng Kiên ân, Kiên giang, đứa em nuôi của chàng, đã chết. Người ta bắt Cuội
đưa ra Toà án Nhân dân xét xử. Cuội bị bẻ răng, chặt ngón
tay, ngón chân, trước khi lãnh phát đạn ân huệ.
May mắn là chỉ trong vòng một tháng sau thì
Diệp đi trình diện học tập cải tạo. Ở tù cũng là một điều hay vì Diệp khỏi thấy những điều trái tai gai mắt nữa mà nảy sanh lòng sân hận. Chấp nhận cái
nghiệp tù của mình, Diệp cố gắng giữ tâm luôn luôn bình thản, nhẹ nhàng. Chàng
tự an ủi, cho đây là cơ hội tốt tu tâm, dưỡng tánh, tránh xa cám dỗ của cuộc
đời. Cứ coi nhà tù là ngôi chùa và mình ở chùa làm công quả, ăn uống kham khổ,
vậy thôi.
Dĩ nhiên, Diệp vốn quen lịch sự nhỏ nhẹ với
mọi người, mà trong bước đường tù tội bị những kẻ thô lỗ, ăn nói cục súc hách
dịch, căm hờn sai khiến, chửi bới, thì việc giữ tâm bình thản cũng khó khăn.
Lúc đầu, Diệp phải quán cán binh cộng sản là những thiện tri thức hành hạ mình
để nhắc nhở cuộc đời khổ đau kíp tinh tấu tu hành. Về sau, Diệp nghĩ rằng,
những người anh em này vốn là những nông dân dốt nát, ngọng nghệu, vì chất phác
nên dễ bị nhồi sọ bằng một thứ chủ nghĩa vô lương để khơi dậy sự hận thù và
biến họ thành một thứ công cụ hi sinh xương máu cho đảng. Thật là tội nghiệp!
Thật đáng thương!
Khổ dịch lớn nhứt đối với tù nhân không
phải là lao động, mà giờ phút học tập chánh trị. Đó là
lúc tù nhân lặng yên nghe xỉ vả về chế độ cũ, về tội ác Mỹ ngụy, và cũng nghe
khoe khoang về đỉnh cao trí tuệ, về chủ nghĩa xã hội siêu việt. Nhục nhã ẩn
nhẩn chịu đựng, nhưng mấy ai mà không điên cuồng tức tối trong lòng? Diệp đã
phải cầu cứu đến "chung trà của thầy Thiện Hoa" thì tâm mới an vui hỉ xả. Thuở sanh thời có lần thầy dạy Diệp: "Thiền
sư uống trà trong tỉnh thức, nên trang trọng chiêm ngưỡng sự sống màu nhiệm
trải ra trước mắt mình. Thiền sư chiêm ngưỡng trà, chiêm ngưỡng cảnh vật, chiêm
ngưỡng người, mà tràn đầy an lạc. Biết uống một chung
trà thiền, thì có đủ khả năng uống ngụm nước bọt trong tỉnh thức để thương yêu
chiêm ngưỡng người đối diện, mà không phân biệt người đó là ai". Diệp
thực tập, nuốt nước bọt, tỉnh thức chiêm ngưỡng màu trời xanh, rừng cây rậm
rạp, làn gió hiu hiu, để hưởng vài giây phút thoải mái khi học tập chánh trị;
còn như, chiêm ngưỡng người cán bộ lên lớp mà an lạc, thì chắc phải còn lâu
lắm. Diệp đã chia xẻ kinh nghiệm của mình cho vài người bạn
thân và ai cũng thích thú. Sau đó, khi người nào mất chánh niệm, nghe
chửi mắng mà lộ vẻ khẩn trương, thì anh em chỉ cần nói nhỏ "trà thầy
Thiện Hoa", tức khác người kia mỉm cười tươi tỉnh lại.
Từ Long thành, Diệp bị chuyển lên trại Sa ác A mang bí số TH6A, rồi được phân phối vào đội rau
xanh. Con đường đi đến miếng đất khai hoang làm rẫy không quá xa, nhưng những ngày
đầu chưa quen lao động, mà phải vật lộn với những cây
to, rễ sâu, cành lá chằng chịt, tù nhân cũng mệt đứ đừ. Chuyến về, trong khi cố
lê lết chậm chạp từng bước, bỗng nhiên Diệp nhớ đến ngày còn thơ, trong chàng
cũng bước chầm chậm như thế này, để kinh hành niệm Phật. Từ đó, đi lao động hay
đi bất cứ nơi nào, Diệp cũng kinh hành niệm Phật. Diệp tập phối hợp câu niệm
Phật, với bước chân và hơi thở. Phương pháp này rất hợp với những người lớn
tuổi, nên khi được Diệp rủ thực hành, cụ Lương đã góp ý: "Chẳng biết
tôi có được vãng sanh về Tịnh độ hay không, nhưng tôi biết chắc một điều, là
ngay bây giờ, khi đi kinh hành niệm Phật, tôi cảm thấy tâm mình thanh tịnh".
Diệp cũng tán đồng quan điểm này, vì chàng không còn thấy mệt mỏi trong ngày
tháng tù đày.
Khẩu phần hàng tháng của tù nhân là 15
kí-lô thực phẩm, mà phần lớn là bo bo, khoai sắn. Loại có chất đạm thiếu sót hẳn. Do đó, đói là chứng bệnh
kinh niên hành hạ mọi người. Tù nhân, bạ gì ăn nấy: rau cải trời, rau sam, rau
dền hoang, đều tốt, nhưng nếu ngàn năm một thuở mà bắt được ếch nhái, rắn rít,
chuột, thì đó là đại tiệc. Thiếu ăn nên anh em tranh nhau kể
lể về các loại thức ăn cho đỡ đói, đỡ thèm. Tần "con" là người
kể chuyện ăn uống thần sầu nhất, anh có lối diễn tả
đầy đủ chi tiết, gợi hình, gợi mùi vị, khiến cho người nghe nuốt nước miếng ừng
ực. Tình trạng đói dai dẳng khiến cho nhiều người,
bình thường đạo mạo, trở nên ươn hèn thiếu tư cách. Người ta có thể chửi bới,
hận thù nhau chỉ vì một mẫu thịt vụn, một con tôm khô. Gia đình Diệp di tản,
Diệp thuộc "diện mồ côi" không có thân nhân thăm nuôi nên thiếu thốn
xác xơ. Tuy Diệp không đến nỗi bận tâm đến món ăn như người khác, nhưng thỉnh
thoảng, những cơn thèm kinh khủng cũng ám ảnh chàng, làm chàng tự hổ thẹn trong
lòng. Một hôm, trong lúc đi vệ sinh, cầu tiêu tại trại học tập cải tạo là loại
cầu tiêu thùng, Diệp nhìn thấy dòi lúc nhúc cả nuồi đang hồ hởi tranh nhau cục
phân của chàng, khiến cho bệnh thèm ăn của Diệp biến mất. Chàng nghĩ thức ăn
sai khác trên cõi ta bà này, tùy theo nghiệp lực của
loài thọ lãnh mà cảm thấy ngon hay dở. Tất cả đều là giả hợp, là huyễn, đâu
đáng gì để bận tâm. Thế rồi, Diệp quyết định trường chay để nuôi dưỡng hạt
giống từ bi. Điều trớ trêu, là khi nhu cầu ăn uống của Diệp giảm thiểu, thì gia
đình của chàng tại Hoa kỳ đã tìm ra được cách chuyển tiền về Việt nam cho thân
nhân thăm nuôi chàng thừa thãi. Dư thừa thì Diệp san sẻ cho bè bạn, phần chàng
thì Diệp chỉ cần chút muối mè để ăn với rau rừng là
đầy đủ lắm rồi.
Thời gian đối với tù cải tạo dường như vô
nghĩa. Không có bản án rõ rệt
thành thử thân phận tù có thể vài năm, mà cũng có thể là mãn kiếp. Tù nhân cứ
sống trong hi vọng phập phồng, để chờ được trúng xổ số trong những đợt tha nhỏ
giọt. Sau hơn 4 năm cải tạo, Tần không còn đủ nhẫn nại chờ đợi nên chuẩn bị kế
hoạch đào thoát. Gia đình Tần mua chuộc được một công an áo vàng lái xe Honda đậu cách nông trường không xa. Sau buổi ăn trưa,
Tần giả vờ đi vệ sinh, chuồn ra điểm hẹn để được tên công an cung cấp bộ quần
áo vàng, rồi đèo nhau bằng xe Honda về Sài gòn. Đến chiều khi quản giáo kiểm điểm nhân số khám phá ra vụ trốn tù,
vội đánh kẻng báo động, thì đã quá trễ. Tuy rất nhiều bạn bè am tường âm
mưu trốn tù, nhưng chỉ có Diệp và cụ Lương "lãnh đủ" tai họa, vì cả
hai là bạn thân nhất, ăn uống chung, ngủ và lao động cạnh Tần. Sau khi bị cật
vấn liên tiếp, Diệp và cụ Lương bị quản giáo tống sang tổ phân tiểu, một tổ
“trừng giới" nhằm trị những phần tử chống đối. Tổ có nhiệm vụ đến hầm ủ
phân, lấy phân đem lên trộn với tro, mạt cưa hay cỏ mục, rồi cung cấp cho đội
rau xanh. Cụ Lương lớn tuổi và gầy yếu, vừa bước gần hầm phân nặng mùi, là đã
nôn mửa đến ngất người mà không kềm hãm được. Thương cụ, nên Diệp nhường cụ phụ
trách việc lấy tro, mạt cưa và cỏ mục. Phần chàng, Diệp quyết "ăn thua đủ" với hầm phân. Tuy nhiên, dù có tụng
"Bát nhã Tâm kinh" liên hồi và quán chi thì quán, nhưng định lực của
Diệp yếu ớt quá và hoàn toàn vô hiệu. Cứt vẫn là cứt. Thúi tha vẫn là thúi tha. Diệp ngao ngán muốn quăng thùng bỏ
đi, rồi ra sao thì ra, nhưng cuối cùng cũng rán nín thở bước xuống nấc thang
thật nhanh, xúc đủ 2 thùng phân, chạy thục mạng ra một khoảng xa, tha hồ nôn
mửa. Tuy vậy, chỉ vài ngày ghê tởm thì Diệp cũng quen dần,
chàng chấp nhận nghiệp của mình bình thản và không thở than.
Buổi sáng ngày trừng giới thứ năm, trên
đường đi đến hầm ủ phân, Diệp thấy một cô bé tuổi chừng 12 tất tả đi về hướng
của chàng. Chàng đoán cô bé là con của viên giám thị, mà nghe đồn gia đình họ
mới vừa dọn về Sa ác.
- Chú ơi! Xin lỗi chú có phải tên là Trương
Công Diệp không ạ!
Thầm khen đứa bé ngoan, Diệp dừng lại trả
lời.
- Cháu tên là Cải. Hồi đó
má cháu bị ở tù tại Cao lãnh.
Diệp nhớ ngay người đàn bà thiến chồng. Chàng đoán trong 3 năm tù tội gần gũi với tù chánh trị, bà ta đã được móc nối hoạt động cho
họ, rồi cải giá với viên giám thị này.
- À! Chú nhớ ra rồi! Cháu
tìm chú có việc chi không?
- Má cháu bảo gởi chú hũ chao này để ăn chay. Má cháu nói hồi xưa, chú gởi tương chao cho tù hà
rầm hà! Chú cũng có gởi cháu sữa nữa!
- Chú rất cám ơn má cháu, nhưng chú đã được
tiếp tế đầy đủ rồi. Chú chỉ nhận lần này thôi nhé!
Diệp cầm lấy hũ chao rồi quay mặt đi thật
nhanh. Chàng
muốn dấu diếm cảm xúc của mình. Diệp chợt cảm thấy
buồn rười rượi. Sự hiện diện của đứa bé trạc tuổi đứa con đầu lòng, đã
nhắc nhở Diệp cảnh biệt ly sầu thảm của mình. Tần nay mãn nguyện rồi, phần
chàng thì biết đến khi nào mới rời khỏi chốn này? Nỗi nhớ niềm thương dày vò
khiến Diệp mệt mỏi và suy yếu hẳn ra, suýt khuỵu xuống. Diệp
cố gắng bước từng bước xuống nấc thang trơn trợt. Đang
lúc tinh thần dao động, Diệp mất thăng bằng chới với lọt xuống hầm phân.
Diệp lún từ từ, cho đến khi ngập ngừng đến háng mới dừng lại được. Chung quanh
chàng triệu triệu con dòi lúc nhúc, có con đã bò nhột nhạt trên đùi chàng.
Trong phút giây sững sờ đó, Diệp quên nhờm gớm, quên mùi thúi nồng nực, để trố mắt
nhìn bầy dòi lăng xăng trong thế giới riêng của chúng.
Diệp tủi thân, thương niềm bất hạnh của mình, và thương lây số kiếp hẩm hiu của
đàn dòi dơ bẩn. Tình lân mẫn gợi Diệp ý nghĩ rằng mình lặn lội luân hồi a tăng
kỳ kiếp, lẽ nào lại không từng ở chốn này? Diệp bỗng nhớ đến
"Tâm tịnh thì cũng đã thoát ly khỏi sanh tử luân hồi. Đâu
chẳng phải là nhà, đâu chẳng là tịnh độ? Hà huống phải nhọc công mơ mộng đến
nước nào, đến thế giới nào? Trong tù hay ngoài tù?"
An nhiên và thanh thản, Diệp xúc hai thùng phân, gánh lên vai đi từng
bước khinh an và hỷ lạc. Rồi Diệp mỉm cười, ngâm nga nho nhỏ:
Ai nhốt được tâm ta?
Trong hầm phân Sa-ác,
Ánh hiện bóng Lăng Già.
Bồ đề và phiền não,
Chẳng gần cũng chẳng xa.
Thân tâm hằng thanh tịnh
Tịnh độ cõi ta bà.
Trong ba ngàn thế giới,
Đâu chẳng phải là nhà?