Bài của
Vọng Cố Hương
Để tiếp nối ba bài viết : ĂN,
LÀM, ĐI, tôi xin gởi đến quí bạn bài CHỜ, xem như một chút góp vui cùng
quí thân hữu trong những lúc trà dư tửu hậu, và cũng để đáp lại gợi ý tác giả
bài viết về động từ "ĂN" (Bản tin số 14) vậy.
... Trong cuộc đời của mỗi cá
nhân chúng ta, của cả nhân loại trên quả đất nầy thì dường như lúc nào cái động
từ CHỜ cũng rất là gắn bó và luôn đi kèm với những động từ ĂN, LÀM và
ĐI.
Vì, muốn ăn thì phải chờ
đi chợ, về nấu nướng rồi mới có mà ăn, nếu đi tiệm thì cũng phải chờ dọn
bàn, chờ người phục vụ mang thức ăn tới. Muốn làm thì cũng phải chờ
có job, có giấy mời nhận việc.
Còn muốn đi thì cũng phải chờ
thay đổi xiêm y, chờ xe nổ máy rồi mới départ
được...
Nói chung, cái động từ Chờ
luôn hiện diện trong suốt cả chiều dài cuộc sống của mỗi một con người, kể từ
khi cất tiếng oa oa chào đời cho đến lúc theo Ông theo Bà......
Bây giờ thì mời các bạn cùng
tôi lần lượt tính sổ những giai đoạn có âm hưởng của chữ Chờ trong cuộc
đời mình vậy há....
- Khi mới lọt lòng Mẹ, chưa mở
mắt, đã khóc oa oa để
chờ bàn tay âu yếm của Mẹ đón nhận đứa con yêu vừa mới chào đời... Sau
khi được nằm gọn trên khuôn ngực ấm êm của bà Mẹ, thì lại khóc ré lên đòi bú và
chờ được cho bú...
Rồi, bắt đầu từ đó, cái chữ chờ
ngày càng rõ nét hơn, càng cấp bách và tha thiết hơn tùy theo từng sự việc ...
- Nằm trong vòng tay Mẹ, há
mồm uống dòng sữa ngọt ngào đang dâng trào làm nguồn sống cho con, đó cũng
chính là lúc giương to cặp mắt ngây thơ bé bỏng ngước nhìn Mẹ, chờ tìm
ánh mắt đầy ắp thương yêu của người Mẹ nhìn xuống ngắm con ... Vài tháng sau,
khi biết lật, cứ nằm xuống là lật, lại khóc ré chờ Mẹ đỡ lên, vì chưa ngóc đầu lên được! Đến khi biết bò, biết ngồi, bị nhốt trong
chuồng, thế là cứ ngóng chờ coi có ai đi qua là đưa hai tay lên để được
ẳm ra khỏi chuồng, rời khỏi bốn bức vách bằng song gỗ ấy. Có mấy ai nghĩ rằng
cái ý thức hệ "tự do" đã bắt đầu được hình thành, bùng phát trong mỗi
con người, ngay từ cái thuở còn nằm nôi ấy ...
- Đến khi đi lững chững thì rất ham đi, nhưng Mẹ sợ té, không cho đi,
thế là cứ chờ Mẹ nắm tay dắt con đi, những bước chân chập chững vào đời
:"Khó đi Mẹ dắt con đi".
- Lúc lên ba, đã đi đứng vững vàng, thì mỗi
chiều, cứ đi ra ngõ đứng chờ Ba đi làm về, để được đặt ngồi trên yên xe,
chở đi vòng vòng một chút, để được ngắm nhìn thiên hạ, nhìn cái dòng chảy của
xã hội thản nhiên hoặc ồn ào, diễn ra trong đôi mắt trẻ thơ ...
- Khi lên năm, cũng là lúc đến
tuổi mẫu giáo, Mẹ dẫn đi học, nhưng nào đã quen rời Mẹ bao giờ đâu, do vậy sáng
nào cũng ậm ừ, không chịu thức dậy, chờ Mẹ đánh thức, chờ Mẹ năn
nỉ, ỉ ôi ,mới chịu đánh răng rửa mặt, thay quần áo, chờ Mẹ cho ăn sáng
rồi chờ Mẹ nắm tay dắt ra xe chở đến trường, cái con đường đi vô lớp học
sao mà nó gập ghềnh thế, không phải gập ghềnh vì ổ gà mà vì trong lòng chưa
muốn đi học ... chưa muốn rời xa cái tổ ấm thân yêu đã ấp ủ che chở mình suốt
từ khi mới mở mắt chào đời ... Và, những giờ ngồi trong lớp học sao mà nó dài
ơi là dài, lâu ơi là lâu vậy đó.
- Đến tuổi vào tiểu học, đã quen đến trường lớp
rồi, nên không còn ngóng chờ Mẹ đến đón về nữa, nhưng lại chờ
những cái khác cơ ... chờ Mẹ cho tiền ăn quà nhiều hơn, chờ mau
đến Trung thu để được Mẹ mua đèn lồng đẹp, được nhiều bánh kẹo để khoe với xóm
giềng, chờ mau đến Tết để có áo mới, để được Mẹ dẫn đi mừng tuổi Ông Bà,
được nhiều bao lì xì ... và chờ mau đến ngày sinh nhật, để được vòi vĩnh những món đồ chơi ưa thích, được Ba
Mẹ tổ chức tiệc sinh nhật, được mặc áo mới, được "chu mồm" thổi những
cây đèn cầy xinh xinh trên ổ bánh ngày càng lớn hơn theo số đèn cầy trên ấy.
Rồi ngày tháng qua mau, bước
vào tuổi Trung học, cũng là lúc bắt đầu biết mộng mơ, đó mới là những chuỗi
ngày có nhiều sự đợi chờ nhất ... Hồi
hộp chờ mau đến ngày tựu trường để biết mặt thầy cô giáo mới, bạn học
mới ...
Chờ
mau đến hè để được nhặt những cánh phượng đỏ rơi rụng trong sân trường, đem ép
vào vở, bỏ trong lưu bút tặng bạn bè khi chia tay ... Được nghỉ hè về quê chạy
rong trên đường làng rợp bóng tre xanh, được ngắm những cánh diều đang tung mây
lướt gió với tiếng sáo vi vút trên tận trời cao, được tung tăng hái hoa, bắt
bướm, hay lang thang giữa cánh đồng mênh mông để hít thở bầu không khí trong
lành, ngạt ngào hương lúa mới ...
Và, đây cũng là khoảng thời
gian có rất nhiều chữ Chờ đẹp và đáng nhớ nhất trong đời ... chờ
đến mùa thi, chờ kết quả học hành, chờ lãnh phần thưởng, chờ
bảng vàng ghi danh, và ... chờ người trong mộng ...
Mười sáu bắt đầu biết mộng
mơ,
Thế là đã hết tuổi ngây thơ,
Chờ người quân tử trao hò hẹn,
E lệ, thẹn thùng, dạ ngẩn ngơ
...
Thế rồi, sau
những giây phút ban đầu bỡ ngỡ của cái tuổi học trò ấy, tình cảm cũng lớn dần theo cùng năm
tháng, cùng không gian, thời gian và cùng những sự đợi chờ ngây thơ, trong sáng ...
- Chờ
hình bóng một người, chờ tiếng nói thân quen, chờ nụ cười e ấp,
chờ những cuốn vở trao nhau mà thế
nào trong đó cũng có đôi câu thơ tâm tình, đôi dòng chữ hò hẹn hay vài cánh hoa
"pen-sê' đã được dấu ép tự lúc nào ...
Và, một khi hai tâm hồn đã gặp
nhau trên cùng một lối đi thì sự đợi chờ ngày càng rõ nét hơn ...
- Đứng chờ trước cổng
trường, chờ gặp nhau sau giờ tan học, hay chờ những lá thư màu
xanh với bao nhiêu lời lẽ tâm tình thơ mộng, ... mà trong đó đa số là nữ sinh,
chờ người yêu thời chinh chiến ... (58-60-75)
Chờ thư,
đợi cả tiếng xe Anh,
Mỗi lúc thoáng nhìn chiếc áo xanh,
Em cứ ngỡ là Anh về phép,
Anh đến cùng em để tâm tình
...
Vào đầu thế kỷ XX, thời tiền
chiến, các thi sĩ, nhạc sĩ cũng mong chờ người yêu qua hình ảnh của mùa Thu, đã
mượn mùa Thu để nói lên tâm tư của mình :
Anh mong chờ mùa Thu,
Màu áo xanh là màu Anh trót yêu,
Mùa Thu quyến rũ
Anh rồi...
Mây bay về đây cuốn trời,
Mưa rơi làm rung lá
vàng...
.....................................
Anh mong chờ mùa Thu ...
(Thu Quyến rũ
- Đoàn chuẩn &Từ Linh)
Nhưng, cũng có những mối duyên
chờ mãi, đợi mãi đến cả đời như câu ca dao :
Sông dài, cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ,
Chờ sao cho đáng kiếp chờ,
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông ...
Hay như những cô gái làng đang
độ tuổi "Mơ hoa" ... cảm thấy lẻ loi những lúc đêm về
:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
trông cá cá lặn trông sao sao mờ,
Buồn trông con nhện giăng tơ, nhện ơi nhện
hởi nhện chờ mối ai ...
Hoặc như ngày xưa, nàng Tô thị
đã chẳng ôm con ra đứng trên mỏm núi, chờ chồng mỏi mòn đến hóa đá đó sao :
Lệnh vua hành quân, trống
kêu dồn...
Quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng,
Ngoài sườn non cuối thôn, phất phới ngọn cờ
bay...
Qua thiên san kìa ai tiển rượu vừa tàn, vui
ca xang rồi đi tiển binh ngoài ngàn,
Người đi ngoài vạn lý quan san, người đứng
chờ trong bóng cô đơn....
...........
Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về,
bao nhiêu năm thời gian xoá phai lời thề,
Người tung hoành bên
núi xa xăm, người mong chồng còn đứng muôn năm...
Người vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã
hoài công để đứng chờ,
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về, đá
mòn nhưng dạ chưa mòn giấc mơ,
Có đám cây trên đồi, sống trong trong mơ hồ,
ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa ...
Khi tướng quân qua đồi, kéo quân đi theo cờ
... đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ ...
Cho đến bây giờ, đã thành ... đoàn cổ thụ
già. Mà, người đi mất từ ngàn xưa, nàng đứng ôm con, ... xem chàng về hay chưa, ...
về hay chưa ! ! !
(
Hòn vọng Phu - Lê Thương)
Đó là những chữ Chờ của
người đời xưa, còn thời nay thì cũng đã có khối chàng trai đứng chờ
người đẹp, đến mòn cả giày như 2 câu thơ của Đỗ Tấn mà anh Thám ở Australia đã
trích gởi trên net:
Chiều nay tôi đợi em đầu
ngõ,
Mòn cả chờ mong, mòn cả giày
...
Và, ngược lại, cũng có những
cảnh đợi chờ dưới bóng dừa êm ả của nàng thôn nữ trong bản nhạc "Tình quê hương" :
Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa,
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ....
Dĩ nhiên là trong mỗi chúng
ta, ai ai cũng đã từng nếm mùi chờ trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình, có đôi
khi mừng vui hạnh phúc tràn trề, mà cũng có những lúc thất vọng ê chề khi bị
cho ăn thịt thỏ, bị cho leo cây...
Đấy, cái động từ CHỜ nó
là như thế đấy, từ cái thuở còn nằm nôi cho đến cái lúc buồn tàn thu, đã có
biết bao nhiêu là việc để chờ, để mong, để đợi ...
Khi mái tóc bắt đầu pha sương
muối thì cũng là lúc đến tuổi về hưu, thế là chờ tiền hưu trí, chờ
trợ cấp , chờ được hưởng những tiêu chuẩn an sinh xã hội tốt, và chờ
có được một khoảng đời đẹp sau khi đã rũ áo phong sương để :
" Thảnh thơi thơ
túi rượu bầu"...
với
những cái chờ hết sức thiết thực :
- Chờ những
cú phone, những email thân tình của bạn
bè xưa cũ, của những người đã từng là tri âm tri kỷ, đã từng gắn bó trong tình
đồng nghiệp, đồng khoá hay đồng môn, đồng quan điểm để san sẻ những vui buồn
thế sự, những đắng cay cuộc đời và những tâm tình u uẩn mà chỉ có những người
cùng thời mới hiểu nhau, mới tâm đầu ý hợp và thích thú được cùng nhau luận
bàn, trò chuyện ... đó vừa là niềm vui mà cũng vừa là hạnh phúc trong những
tháng ngày cuối Thu nơi đất khách quê người ...
Và suốt hơn hai mươi năm qua,
chúng ta, những thân hữu của điện lực cũ, cũng đã chẳng có biết bao nhiêu lần
chờ đợi đó sao:
- Chờ những
cuộc họp mặt vùng, chờ họp Đại hội lớn qui tụ thật đông đủ những cựu đồng
nghiệp ĐL của
cái thời hưng thịnh nhất ngành điện phía
- Chờ nhận
được Bản tin THĐL hàng năm để được ngấu nghiến đọc, nghiền ngẫm đọc quên cả ăn
cả ngủ, vì trong đó luôn chứa đựng tất cả hình bóng, dư âm của những ngày vàng
son xa xưa, những kỷ niệm của một thời liệt oanh, những tiếng nói của bạn bè
thân thiết cũ, những thâm tình mà có lẽ chỉ những người trong tập thể THĐLVNHN
của chúng ta mới tìm thấy được mà thôi ...
Và, sự mong chờ ấy chỉ
với một Mong Ước nhỏ nhoi trong kiếp người hữu hạn, nhưng tình bạn của chúng ta thì vô cùng,
phải không các bạn....
Để đời bạn vẫn đẹp tươi,
Để tôi
luôn có nụ cười thân thương...