Tạp Ghi ... Hai Hát

Tạp ghi lan man của Hai Hát

 


Manual

Thân gửi anh D., Tôi vừa đi LA thăm gia đình về, nhận được thư anh D. vội trả lời ngay. Đáng lẽ trước khi trả lời anh, tôi phải tra tự điển để hiểu nghĩa của chữ này ra sao. Nhưng thôi thì tôi cứ hiểu sao thì trả lời như vậy theo đúng tinh thần không bao giờ đọc Manual của tôi.

Chữ Manual, theo tôi hiểu, nghĩa thông thường của nó là tài liệu để hướng dẫn việc sử dụng một  món hàng nào đó (nói chung cho mọi mặt hàng) do nơi sản xuất món hàng đó viết ra. Như anh D., anh là người luôn đọc tài liệu hướng dẫn (Manual) trước khi sử dụng món hàng anh mới mua về. Còn tôi thì ngược lại, không đọc Manual. Không đọc Manual vì lý do có đọc cũng không hiểu hoặc lười hay vì cả hai lý do trên xẩy ra cùng một lúc.

Thế này nhé: Nguyên tắc chính để thay thế Manual của người không đọc Manual là MÒ. MÒ sao cho sử dụng được món hàng đó mới thôi. Nhưng MÒ không phải là một độc quyền chỉ dành cho người không đọc Manual, mà đôi khi người đọc Manual cũng vẫn MÒ như thường, nên anh đừng vội trách tôi là sao không chia sẻ công việc MÒ đó với anh. Ta hãy cùng nhau chấp nhận nguyên tắc không đọc Manual thì phải MÒ như một nguyên lý trong vật lý, hay một định đề trong toán học. Không cần biện luận thêm.

Có hai vấn đề được đặt ra là MÒ CÁI GÌ và MÒ RA SAO?

MÒ cái gì thì thật dễ hiểu, thật hiển nhiên là ta sẽ MÒ CÁI GÌ TA MUỐN MÒ, để ta có thể biết được một phần hay biết cả về cái đó. MÒ không phải chỉ dành cho những người mù tịt hay tối mò mò (không có nghĩa là chỉ mò ban tối hay đợi tới tối mới mò), mà MÒ cũng phải dựa trên một số căn bản hiểu biết hay kinh nghiệm nào đó. Chính vì dựa trên tri thư'c và kinh nghiệm nên MÒ cũng có cấp bậc khác nhau. Có người MÒ đạt tới mức cao cấp, tuyệt chiêu như những điều anh đang mong đợi ở tôi. Hay cũng có người chỉ MÒ ở cấp sơ đẳng, nghĩa là chỉ MÒ MÒ.

Để vấn đề MÒ được trở nên đơn giản, tôi xin đơn cử một thí du:

Tôi vừa mua một cái máy ảnh. Tôi cần biết sử dụng nó mà không chịu đọc Manual của nhà sản xuất thì tôi phải làm sao. Tôi phải MÒ. Việc đầu tiên là tôi phải cầm chiếc máy ảnh lên quan sát xem phải MÒ cái gì trước và MÒ cái gì sau. Trước hết, dễ hơn cả, là MÒ phần CỨNG, nghĩa là phần ta dễ nhận ra, có thể mó máy bằng chân tay được. Thí dụ như xem cái ZOOM thò ra thụt vào được bao xa, nhìn vào cái lỗ “khẩu độ “ (tiếng chuyên môn) đóng mở thế nào mỗi khi ta SHOT (bấm máy), tiêu cự (F) càng nhỏ càng tốt, ống kính sáng có thể chụp được trong đêm với bao nhiêu LUX. Thêm nữa, là xem cái TIMER tự động nó ở chỗ nào và để biết thời gian mà ta chạy, vân vân ...

Sau đó là tôi MÒ tới phần MỀM, tức là phần Setting. Phần mềm thì ta chỉ có một chỗ để MÒ là mò cái bộ phận setting. Trăm chuyện là nằm trong cái bộ phận oái oăm đó. Ai cũng tưởng nó đơn giản như chuyện trời sinh, nhưng thật ra nó lại là phần quan trọng hơn cả.

Phần MỀM điều khiển phần CỨNG. Cái máy đắt tiền là tùy thuộc vào những options ở trong cái phần MỀM này. Nếu ta không sử dụng phần MỀM cho nhuần nhuyễn hay sử dụng sai lầm thì bức hình chụp ra không đạt được phẩm chất mong muốn. Như muốn chụp Portrait mà không Set được khẩu độ thì  không thể điều chỉnh được ĐỘ SÂU của ảnh.

Không MÒ để SET cho đúng ta sẽ làm buồn lòng cả phần CỨNG lẫn phần MỀM. Chiếc máy đắt tiền sẽ chẳng khác gì máy rẻ tiền, cũng chẳng khác nào tiên nữ lại lọt vào tay anh thợ cầy vậy. Đấy là những gì ta phải MÒ.

Còn muốn MÒ cho đúng và nhanh ta phải mò cho có phương pháp hay là phải MÒ RA SAO.

Không phải chỉ sử dụng tay không thôi, mà tùy thuộc đối tượng, ta đôi khi phải dùng luôn cả khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác, và tri giác ... nữa. Dùng danh từ nhà Phật là ta cần "quán chiếu" tới cái thâm sâu của đối tượng cần MÒ. Khi ta nhận diện ra được bản chất nó, ắt phương pháp MÒ tự nhiên nẩy sinh. Cùng họ với MÒ là MÓC và MOI. Nhiều khi ta phải áp dụng cả ba phương pháp trong cùng một lúc hay có thể nhiều hơn nữa. Nói thì nói vậy, dù là ta có đạt được đến mức cao độ, đến mức tuyệt chiêu của Mò của Móc của Moi, thỉnh thoảng ta vẫn bị Tổ trác. Khi tổ trác thì chỉ còn vứt món hàng đó đi.

Tốt hơn hết là anh cứ nên dùng Manual, nếu có phải MÒ thì cũng chỉ phải MÒ những phần nho nhỏ, MÒ cho vui. Để đạt đến tuyệt chiêu MÒ như tôi, thú thật cũng tốn kém quá nhiều công sức và xương máu. Nếu anh cảm thấy mình có nhiều thì giờ, còn nhiều sức lực và ham vui thì cứ vứt Manual đi, MÒ như tôi hoặc chúng ta cùng MÒ.

***

Chửi Tục

Thân gửi các anh, Nhân anh D. nhắc tới vấn đề “chửi tục“ trong một bức thư anh ấy gửi cho anh em khi một cựu nhân vật cao cấp của chính quyền miền Nam Việt nam trước đây về thăm VN tuyên bố hồ đồ gì đó trong lập trường chính trị của ông, tôi xin góp ý với các anh đôi ba lời về chửi, chứ không dính dáng gì về cá nhân ông ấy cả.

Chửi thì xẩy ra ở khắp mọi nơi. Nơi đâu có loài người thì nơi đó có chửi. Tôi đoán thế. Chửi phải được coi là một phần văn hóa của nhân loại. Sự đóng góp của mỗi dân tộc vào cái kho tàng chửi quí báu ấy, ít hay nhiều, tùy thuộc vào văn hóa riêng của từng nước. Con người càng văn minh thì sự suy nghĩ càng tinh vi, kéo theo nền văn hóa càng được nâng cao, do đó kho tàng chửi của nhân loại càng trở nên sống động và rực rỡ, muôn mầu muôn vẻ, lấp lánh như sao trời.

 Kho tàng chửi của dân ta thì phong phú lắm, phong phú ngang ngửa với kho tàng cười  và cũng ngang ngửa với kho tàng của những lời yêu thương được gửi đến cho nhau.

Chửi là để diễn tả hay truyền đạt đến cho một người hay một nhóm người  hay cho chính mình sự hỉ, nộ, ái, ố lên đến cao độ. Sự truyền đạt ấy được gửi đi một cách nhất thời hay lâu dài tùy theo tình huống và đối tượng được hay bị nghe chửi.

Trong sự truyền đạt ấy, cách diễn tảcường độ chửi giữ một vai trò rất quan trọng, quan trọng như một diễn viên sân khấu vậy. Nó đòi hỏi người chửi  phải biết  linh động, thông minh, đầy óc sáng tạo để thích ứng với sự biến đổi của vai trò, hầu đối tượng nghe chửi phải đạt tới cái cảm xúc tận cùng mà người chửi mong muốn.

Chửi có loại chửi thanh và  loại chửi tục. Có trường hợp câu chửi có vẻ thanh tao mà ý tục, tức chửi văn hoa, ngược lại, không hề có chuyện chửi tục mà lại có ý nghĩa thanh tao bao giờ.

Chửi cũng còn tùy thuộc từng vùng. Có vùng nghe chửi, đến mấy ngày sau mới biết mình bị chửi. Có vùng thì huỵch  toẹt hơn, vừa mở mồm chửi là người nghe chửi hiểu được liền.

Ngày xưa các cụ có câu “miếng trầu mở đầu câu chuyện“, nhưng bây giờ ở một vài nơi trên đất nước, áp dụng cho một số người, người ta mở đầu câu chuyện phải bằng tiếng chửi mặn mà, cũng chát như cau, cay như lá trầu không và nồng như vôi vậy. Họ không chửi thì không nói được nên lời. Ta cứ bắt họ không được chửi trong câu nói, dù là câu nói rất bình thường, thì họ sẽ trở nên câm ngay, có cố gắng lắm thì cũng chỉ thành người nói ngọng hay nói lắp. Thế mới biết chửi nó quan trọng trong đời sống như thế nào. Không thể thiếu được.

Các anh muốn nghe và học chửi thì tôi đề nghị tốt nhất ta nên về miền Bắc nước ta, thụ huấn vài khoá miễn phí, được tổ chức ngay trên đường phố, trong chợ hay trong những cửa tiệm. Giảng viên thì thuộc đủ mọi thành phần, giới tính và đủ mọi lứa tuổi.

Tại sao tôi lại nói miền Bắc vì đó là cái nôi của  chửi, có từ thuở lập quốc. Chửi  được thăng tiến song song với văn hóa dân tộc và bành trướng ảnh hưởng xuống tận cùng phía Nam  theo bước chân nam tiến của tiền nhân. Đã học thì phải học cái chính thống, không bị pha trộn bởi những văn hóa chửi khác như của Chiêm thành hay Chân lạp. Các anh đồng ý với tôi chứ.

Anh D. chỉ khoanh vùng vấn đề "chửi tục" không thôi, nên tôi chỉ xin ngắn gọn trong phạm vi này.

Trong chửi tục thì đa phần lại liên quan đến Sex, do đó những tiếng chửi tục tôi  không tiện liệt kê ra đây vì nó tục hay quá tục và cũng vì nó quá nhiều. Tôi chỉ xin chia sẻ một cảm nghĩ  nho nhỏ  mà thôi chứ  không bàn luận về nó.

 Ta cứ nghe các cụ chửi nhau, ta thấy các cụ cứ như đang hăng say chia sẻ hay dậy dỗ cho nhau về Sex vậy. Các cụ đem ra từ những chi tiết nho nhỏ đến những điều to lớn hãi hùng. Chửi  bằng mồm chưa đủ, các cụ còn diễn tả cả bằng tay chân lẫn thân thể của các cụ nữa.  Sợ đối phương chậm hiểu, các cụ chỉ chỗ này vỗ chỗ kia,  tốc chỗ thấp lại vén chỗ cao, ưỡn sang bên phải, hẩy sang bên trái, nhịp nhàng như múa. Có lúc các cụ hăng say, đỏ mặt tía tai, nhẩy nhót, gào thét như trong cơn mê sảng. Mê sảng như  chính cụ đang thực hiện hay như chứng minh những điều cụ đang đem ra để chửi. Quả thật nếu các cụ không diễn tả bằng động tác thì đối phương làm sao hiểu thấu được cái  ý nghĩa sâu xa và hình ảnh sống động của những câu bóng bẩy như “cứ nhấp nha nhấp nhổm như gái ngồi phải cọc“ .

Nhưng không phải người chửi lúc nào cũng hăng say như thế đâu. Có khi  chửi cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ như người tâm sự đấy. Những cuộc chửi như thế này đỡ tốn sức nên thời gian chửi cứ như kéo dài ra  đến vô tận. Người chửi vẫn có thể ngồi nói chuyện thanh tao với người ngồi bên tay phải mà vẫn chửi tục với bà ngồi bên tay trái. Không ai thấy thắc mắc và lạ lùng về những điều trái ngược ấy. Thanh tục thể hiện một cách đề huề trong cùng một lúc như một diễn viên có khả năng diễn xuất để cùng một lúc hai người ngồi nghe, một khóc một cười. Cụ có thể nghỉ ngơi, đi chơi đâu một chút hay làm việc gì, chút nữa trở về cụ lại rỉ rả chửi tiếp, không vội vàng hấp tấp, chửi để mà chửi chẳng khác gì các vị Thiền sư đi thiền hành, đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới. Chửi không phải để chửi, ấy mới là chửi cao cấp vậy.

Các cụ dùng chửi để truyền bá Sex một cách vô tội vạ và vung tí mẹt. Có cái hay là sự truyền giảng của các cụ về Sex lại vô cùng hợp pháphợp luân lý trong  một xã hội  chiu ảnh hưởng sâu sa đạo lý Khổng Mạnh. Những sự truyền giảng ấy thật bình thường và tự nhiên đến độ chẳng ai coi đó là câu chửi tục nữa, dù cả ở nơi công cộng.

Ngẫm nghĩ lại thấy các cụ nhà mình văn minh hơn đám Tây phương này thật. Người Tây phương mới biết đem Sex vào giảng dậy trong sách vở, trong hội thảo hay trong học đường dành cho những lớp học sinh đã đến tuổi hiểu biết. Thế mà họ đã tưởng là họ đang làm một cuộc cách mạng thế giới đấy. Họ có ngờ đâu, có một dân tộc xa xăm, đã biết  giảng dậy về Sex giữa nơi công cộng, trong làng ngoài ngõ cùng nghe, già cũng nghe mà trẻ con cũng nghe. Đó là những bài CHỬI TỤC.

Muốn được nghe chửi tục, ôi thật dễ làm sao. Ta chỉ cần ăn cắp con gà của bà hàng xóm . Bà ấy sẽ chửi tục cho từ sáng đến chiềụ để tha hồ mà nghe, mà thưởng thức, mà học hỏi về những điều ta chưa từng được nghe, chưa từng được thấy, và chưa từng được áp dụng bao giờ. Ôi quý báu làm sao! Và cũng để  tiện việc đôi bề, nhất cử lưỡng tiện, ta có thể vừa ngồi ăn con gà ăn cắp vừa học. Học lý thuyết thôi đấy nhé, ta không thể vừa ăn gà mà lại vừa thực hành được, hóc chết.  Chắc ai cũng biết  câu “hóc xương gà, sa cành khế“ chứ. Hóc gì thì hóc, đừng có hóc xương gà. Ho như Đắc Kỉ ho gà thì được.

Này anh D. ơi! Anh có giỏi thì  sang  vỗ nhẹ vào  vai bà hàng xóm mách là ông  "râu kẽm“ ăn cắp gà đấy. Bà ấy sẽ không những dậy dỗ người còn sống mà bà ấy còn dựng dậy luôn cả những người đã chết liên hệ đến gia phả nhà ông này mà đem ra dậy dỗ luôn . Anh thấy tôi khôn không. Anh phải trả tiền đấy nhé chứ không dậy “free”  như bà hàng xóm đâu đấy. D. thường  tự hào là hay “xúi“ H., nay thì H. lại tự hào là đã “xúi“ D.

TÁI BÚT: Chắc các anh thắc mắc tại sao tôi chỉ nói đến các cụ thôi. Thú thật với các anh, các cụ đây không có nghĩa là già, là các vị cao niên, là nói đến tuổi tác đâu.  Tôi gọi người chửi là các cụ vì lòng tôn vinh các vị chửi đó thôi. Đáng lẽ chữ “các cụ“ ở đây phải được viết hoa như chữ “Người“ nữa cơ đấy vì  tôi sợ bị chửi, nhất là chửi tục.

***

Hội Liếm Tem

Nhân anh D. kêu gọi lập hội "Liếm Tem", tôi xin có vài hàng gửi đến các anh.

Cứ quanh cái tỉnh SJ này, ta cứ thử đếm xem có bao nhiêu "Hội", bao nhiêu "Đoàn" và bao nhiêu "Hội đoàn" nhỉ, chắc phải là nhiều lắm. Nay anh D. có lập thêm một hội mới nữa có cái tên thật là hấp dẫn là "Hội Liếm Tem" thì cũng chẳng sao, cũng chẳng có gì đặc biệt và cũng chẳng làm ai chú ý tới. Chỉ có cái đáng lưu tâm là hội này có cái tên thật hiểm hóc và chính xác quá, chính xác đến độ khi viết đến tên hội đó thì phải thật cẩn thận, không được thiếu chữ nào. Nếu thiếu một chữ quan trọng như thiếu chữ “T“ con con thì hội đó sẽ  được hiểu ngay theo một nghĩa khác và lúc đó hội viên sẽ gia nhập đông hơn và chức Chủ Tịch hội này sẽ không còn là ông D. hiền lành được nữa mà phải là một ông có cái lưỡi đặc biệt hơn người.

Đã là hội thì phải có cái tên hội đã đành, hội còn phải có cả nội quy lẫn chủ trương đường lối hoạt động đàng hoàng nữa chứ. Mấy thứ này thì tôi không biết, muốn biết, xin các anh cứ hỏi thẳng anh Chủ tịch D.

Tuy nhiên cứ hiểu theo nghĩa thông thường, không có ý nghĩa ẩn dụ đằng sau thì ta cứ hiểu như thế này: Hội được thành lập chỉ có mục đích đơn giản là dùng lưỡi để liếm vào mặt sau con tem, gọi là lưng hay đít tem, rồi dán lên phong bì thư, hay báo chí, hay những kiện hàng gửi đi. Khi người ta phải làm công việc ấy với số lượng cao thì một người làm không xuể mà phải có nhiều người góp lưỡi, góp nước bọt vào. Và từ đó, nhu cầu lập hội được phát sinh.

Công tác sơ khởi của hội “Liếm Tem“ này là giải quyết đống báo THĐL, phải được gửi đi trước Giáng sinh. Đấy là công việc trước mắt, công việc sau đó là gì nữa thì ông Chủ Tịch còn dấu kín. Tôi chỉ là hội viên dự khuyết hay thân hữu của hội, không có quyền táy máy tò mò.

Trong khi chờ đợi Hội ra mắt chính thức với  bản tuyên ngôn quan trọng trong một ngày gần đây, một ngày trọng đại đáng ghi nhớ, đáng ghi nhớ như nhân loại ghi nhớ ngày "quốc tế nhân quyền", hay ít ra cũng đáng ghi nhớ như nhân dân Hoa kỳ nhớ ngày tuyên bố bản "tuyên ngôn độc lập "  của xứ Cờ Hoa này vậy, tôi xin nêu lên một vài nhận xét bên lề của hội.

Hội "Liếm Tem", chữ "Liếm Tem" ở đây phải hiểu nó là một danh từ đôi và là danh từ riêng, riêng vì nó đã được trình tòa, không thể có ai được dùng nó nữa. Nhưng nếu ta đem 2 chữ " Liếm Tem" ra khỏi chữ Hội thì chữ Liếm nó lại trở thành một hành động cụ thể, một động từ.  Tem là một vật thể có thật được gọi là tem, một danh từ chung, chung vì ai dùng cũng được, chung cho mọi người.

Mà nói đến động từ liếm thì phải nghĩ ngay đến cái lưỡi. Không có lưỡi thì không thể liếm được. Lưỡi ở trong mồm, mồm gồm có lưỡi, răng và môi. Ba phần tử ấy có khi hoạt động riêng rẽ, có khi lại phối hợp với nhau một cách hài hoà. Khi "mút" ta chỉ dùng môi, khi "" là ta chỉ dùng môi và tí sức trong bụng hút vào, Khi "cắn" hay chơi đòn "cẩu quyền" thì dùng răng, khi "liếm" như liếm môi, liếm mép là công việc riêng của lưỡi. Nhưng khi ta ăn, ta nói, ta gọi, ta thưa thì phải phối hợp chúng lại với nhau. Ta chớ nên lầm lẫn đấy nhé. 

Cứ nói như thế thì cái hình ảnh biểu tượng (Logo) của hội, không thể thiếu được, phải là cái lưỡi, hình ảnh cái lưỡi thập thò trong đôi môi chúm chím đỏ choét.

Lưỡi có nhiều hình thể, có cái lưỡi dầy, có cái lưỡi mỏng, có cái dài, có cái ngắn và cứng mềm khác nhau. Cái lưỡi có kích thước to hay bé khác thường thì khi nói hay hát, âm thanh nó bị sai lạc đi, trở thành khó nghe. Có những trường hợp, người ta nói "con ấy ăn nói như người  thụt lưỡi ấy" hay "thằng ấy lưỡi đầy mồm", vân vân ...

Nói đến cái lưỡi mà không nhắc đến một câu chuyện trong quyển "Quốc văn Giáo khoa thư " lớp Sơ đẳng (lớp ba) ngày nào thì thật là thiếu sót. Câu chuyện ấy như thế này.

Một hôm, gia đình nọ có vị khách quý đến chơi, chủ nhân sai người đầy tớ mổ lợn và dặn "Mày đem cái gì tốt nhất của con lợn lên đây để tao đãi khách". Sau khi làm xong con lợn người đầy tớ đem lên cho chủ một cái lưỡi lợn để đãi khách. Lần sau, lại một ông khách đến chơi, chủ nhân lại sai người đầy tớ mổ lợn và dặn "Mày đem cái gì xấu nhất của con lợn lên đây để tao đãi khách". Lần này người đầy tớ cũng lại mang lên cái lưỡi. Ông chủ tức giận hỏi người đầy tớ "tao nói mày mang cái gì tốt nhất của con lợn, mày đem cái lưỡi, cái gì xấu nhất, mày cũng đem cái lưỡi, mày nói rõ lý do ta nghe". Người đầy tớ bình tĩnh trả lời "Dạ, thưa ông, cái lưỡi có thể nói lên những điều tốt đẹp nhất và cái lưỡi cũng có thể nói ra những điều xấu xa nhất". Câu chuyện tôi đọc đã lâu, không nhớ rõ, nhưng đại khái ý nghĩa câu chuyện là như thế.

Sau câu chuyện cái lưỡi này, ta thấy vai trò của cái lưỡi thật thâm thúy và sâu sắc làm sao.

Liếm thì cũng không chỉ đơn giản như liếm tem, có nhiều cách liếm khác nhau tùy theo hoàn cảnh, đối tượng và tùy theo cá tính của mỗi người. Cũng như khi ta mút từ từ thì gọi là "mút mát " còn khi liếm từ từ, liếm một cách nhâm nhi thì người ta goi là "liếm láp". Tội nghiệp nhất cho “liếm“ là khi người ta dùng nó vào kho tàng chửi tục.

Thế còn tem thì là cái gì. Xin miễn dài dòng về tem, các anh cứ hỏi sở Bưu điện. Tôi chỉ biết tem có cả vạn loại tem khác nhau, khác nhau về hình ảnh, khác nhau về giá tiền in trên tem, khác nhau về giá trị của nó qua sự định giá của những người sưu tầm tem. Về kích thước của tem thì ngoài cái size bình thường, có cái King size to như cái lá mít, có cái hẹp và dài như cái tre. Những cái tem King size, ắt hẳn phải tốn nhiều nước bọt. Nước bọt chắc phải quý lắm nên các cụ mới nói tới một nghề, nghề "buôn nước bọt". Chẳng biết hội này có làm kinh tài bằng cái nghề này không.

Dựa theo những hiểu biết của tôi như thế thì ắt hội này cũng phải "ra gì" lắm chứ chẳng phải chơi đâu. Nhưng có một điều tôi cứ thắc mắc mãi, là thời buổi này, tem đã có hồ sẵn, chỉ việc lật tem ra  bóc "yếm"  là dán được ngay rồi, liếm láp làm chi cho mệt, chỉ trừ những con tem cổ như tem bà Hoàng hậu Nam Phương nước ta hay Nữ hoàng Đệ nhất nước Anh ngày xửa ngày xưa mới phải lật lưng hay đít tem ra mà liếm láp trước khi dán thôi. Tôi đoán già đoán non là hội này toàn các ông già về hưu hoặc sắp về hưu vì thích hướng về đồ cổ.

Vài hàng gửi đến các anh như một đóng góp ý kiến và quảng cáo cho hội "Liếm Tem" sắp ra đời nay mai. Hôm nào ra mắt, các anh cho tôi biết để còn để dành tiền mua nước bọt đem tới. Kể từ ngày tôi không còn đủ sức "chơi tem" nữa nên nước bọt cũng đã cạn rồi.  Làm sao vào hội Liếm Tem được đây, có họa chăng hội ấy bớt đi một tí, một tí như tôi đã nói trong phần mở đầu thư này. Nhờ các anh một tí.

***

Phở

Các anh thân, Đọc những lá thư các anh chuyển cho nhau, rủ nhau về LA ăn phở, hẹn nhau đến quán phở này rồi lại hẹn nhau đến quán phở kia làm tôi nức lòng quá muốn theo các anh xuống dưới đó làm một tô phở rồi về. Trong lúc ngẫu hứng tôi chợt như muốn gửi đến các anh chút gì về phở để cho đỡ thèm và cho đỡ đói.

Nói đến phở là ta đang nói đến một món ăn rất Việt nam, một món ăn có tính dân tộc và văn hoá cao nữa. Đứng về mặt lịch sử và phát triển của phở, khó ai biết chính xác nó có tự bao giờ, nhưng chắc chắn nó phát xuất từ miền Bắc nước ta nên cũng vì thế có người thêm sau chữ Phở là chữ Bắc để thành Phở Bắc cho có vẻ chính gốc, cho đúng nhãn hiệu trình tòa.

Phở được phổ biến rộng rãi, đâu đâu cũng có ở miền Bắc, từ hang cùng ngõ hẻm. Nhưng riêng tại thành phố Hà nội thì phở phát triển và thăng hoa nhanh hơn và được người dân Hà nội tự hào về món phở có phẩm chất cao này nên còn gọi là phở Hà nội để phân biệt với phở ở những địa phương khác. Nói về phở Hà nội thì những văn nhân thi sĩ Hà nội đã tốn nhiều giấy mực viết về nó, trong số đó có nhà văn nổi tiếng, ấy là cụ Nguyễn Tuân của "Vang Bóng Một Thời".

Tôi tin là phở đã được "Nam tiến" từ lâu, nhưng có lẽ thời kỳ phở "di cư" vào miền Nam ồ ạt nhất là vào năm 1954, theo bước chân của một triệu người từ Bắc vào Nam. Thế rồi phở không chỉ ngừng ở những bước dài "Nam tiến" để lẩn quẩn trong phạm vi đất nước Việt nam nhỏ bé, mà nó đã lại một lần nữa theo chân hàng triệu người "vượt biển" để đến khắp vùng xa xôi rộng lớn năm châu bốn bể vào năm 1975 và những năm sau đó. Phở theo chân người Việt nam đi cùng khắp thế giới để đem cái hương vị của món ăn rất độc đáo ấy đến với nhân loại như một hình thức giới thiệu một phần của văn hóa Việt nam.

Phở đã lan tràn khắp nơi. Tôi nói không ngoa. Ta hãy thử đếm xem có bao nhiêu tiệm phở ở LA nơi các anh sắp tới, bao nhiêu tiệm phở ở SJ nơi chúng ta đang sống. Ngay khu nhà tôi ở, bốn góc đường là bốn tiệm phở. Số tiệm phở ở SJ quả thực quá nhiều đến nỗi tôi không biết hết.

Món phở đã dần dần trở thành món ăn quốc tế vì số người "ngoại quốc"  thưởng thức phở càng ngày càng đông. Nào là "kiều dân" Mỹ có, Ý có, dân gốc Tây Ban Nha có , Đức có,... và đặc biệt số đông dân Á châu như Tầu, Đại Hàn, Phi luật tân, Thái lan ... thì số lượng khách ăn này đã ngang ngửa với số thực khách Việt nam rồi.

Biết đâu, chẳng bao lâu nữa, món phở của ta lại chẳng thành một món ăn "quốc hồn quốc túy" của một dân tộc nào đó trên thế giới. Và phở chính gốc Việt nam lúc đó lại trở nên lu mờ để rồi con cháu chúng ta sau này lại nghĩ phở là món ăn của một xứ nào đó mà Việt nam ta du nhập vào, cũng như người Mỹ tự hào về ông Kha Luân Bố được cho là người đầu tiên đã tìm ra châu Mỹ La tinh chứ không phải là người dân “da đỏ“ bản xứ. Lịch sử nhân loại quá dài nên những chuyện nực cười như thế biết đâu không thể không xẩy ra cho món phở của ta.

Phở còn thì dân tộc VN còn, nó quan trọng như tiếng nói của ta vậy. Nói như thế các anh cho tôi là người có tinh thần "tự hào dân tộc" quá cao. Xin các anh đừng cho tôi là lộng ngôn quá nhé. Sự thật là thế đấy. Vậy bổn phận của chúng ta là phải ăn phở thật nhiều, không những ta ăn mà ta còn phải rủ bạn bè ta đi ăn nữa dù là có phải trả tiền cho họ. Có như thế ta mới bảo vệ được sức mạnh của phở trước những "xâm thực" vừa khôn khéo vừa tinh vi vừa hiểm độc của những loại phở mang quốc tịch không phải Việt nam. Nói thẳng và nói rõ ra cho dễ hiểu là khi nào các anh rủ nhau đi ăn phở thì nhớ tới tôi, đừng quên tôi như kỳ này nhé.

Phở thì có nhiều loại phở khác nhau, nào phở bò, phở gà. Cứ như phở bò không thôi, ngoài  phở chín, phở tái nguyên thủy ta còn có một danh sách thật dài về những phó sản khác nhau của nó như phở gầu, phở vè dòn, phở tái gầu gân sách, hay đủ mỗi thứ một tíù được gọi là phở đặc biệt ... và phở "không người lái" (không thịt) ... vân vân và vân vân. Người ta có thể ăn mì khô hay hủ tíu khô với bát nước dùng để riêng, chứ không ai ăn phở khô bao giờ. Riêng anh phở xàophở áp chảo thì đúng là thấy sang nhận quàng làm họ với phở, chẳng khác gì anh Mỹ kềnh kàng họ Smith cứ nhập nhằng nhận là họ Nguyễn hay Lê, Lý, Trần của ta vậy.

Phở nó biến hóa khôn lường để hội nhập vào khẩu vị của từng địa phương. Nó dễ hòa nhập và hòa đồng như tính hòa đồng tam giáo theo đúng tinh thần yêu chuộng hòa bình của người VN vậy. Hòa nhập gì thì hòa, nhưng hương vị của phở vẫn phải là hương vị nguyên thủy của phở, không thể tách biệt ra được. Có chăng là khác nhau bởi những gia vị thêm vào theo ý thích của từng người thưởng thức hay từng địa phương như người miền Nam thì lại ăn phở với tương ớt và giá, giá sống hoặc giá trần, hay có thêm tí hành trần nước béo hay tí hành tây nhúng dấm chua chua. Có người ăn phở với cơm nguội. Tuyệt nhiên người ta không nấu phở vịt hay phở lợn. Năm 1975, tôi nghe nói ở Thanh hóa có phở hến (sò hến).

Bên cạnh những tô phở phổ thông thường được chiếu cố tới, ta có một loại phở hết sức đặc biệt  có tên gọi là phở "ngầu pín" (bộ phận lủng lẳng ở dưới bụng con bò). Ăn gì bổ nấy, nên loại phở này thường chỉ dành cho các vị đại trượng phu hảo hán như bọn chúng mình. Nói đến món phở này, tôi lại nhớ đến một chuyện vui có thật. Chắc dân sành ăn phở ở Sài gòn ngày nào, hẳn không ai không biết đến tiệm phở chuyên bán phở "ngầu pín" ở góc đường Lý Thái Tổ, ngay bùng binh Ngã bẩy. Một hôm, khi tôi đang thưởng thức tô phở "ngầu pín" với những khoanh tròn mầu nâu nâu và dòn  sừn sựt, thì chợt đâu, có hai cô nữ sinh Trung học bước vào ngồi bàn bên cạnh. Hai cô gọi người bồi bàn đến gần nói nhỏ :"Cho chúng tôi hai tô phở ngầu pín". Nghe xong, anh bồi la toáng lên cho anh đầu bếp phía trong nghe : "Hai tô ngầu pín bàn số 2". Tôi vội liếc mắt sang bàn hai cô, tôi thấy hai cô cúi xuống, mặt đỏ bừng như hai cô vừa làm điều gì kín đáo mà bị ai bắt gập. Rồi hai tô phở cũng được bưng ra, và hai cô cũng vẫn thưởng thức tô phở bốc khói với những khoanh tròn mầu nâu một cách thoải mái. Chỉ có một điều tôi không biết hai cô đang nghĩ gì về những khoanh tròn ấy mà hai cô cẩn thận cho vào mồm nhai dè dặt và kĩ lưỡng trước khi nuốt trọn. Người đàn bà ăn uống bao giờ cũng khác với đàn ông chúng ta, nhất là những cô thiếu nữ mới lớn, lúc nào cũng tò mò nhưng luôn cảnh giác.

Với phở, có một điều thú vị là ta có thể ăn phở ở bất cứ đâu và bất cứ mùa nào. Ăn đứng có, ăn ngồi có, ăn xổm có, ăn ở trong nhà, ăn cả ở vỉa hè. Ăn phở mùa đông có cái ngon của mùa đông, mùa hè có cái ngon của mùa hè. Ăn sáng cũng được, trưa cũng hay và tối cũng xong. Chính vì thế, phở không kị thời tiết, không kị không gian lẫn thời gian. Phở cũng chẳng phân biệt người sang kẻ hèn, ai ăn cũng như nhau, cũng bấy nhiêu vị, không được thiếu vị nào, có chăng là nhiều hay ít theo giá tiền phải trả.

Chỉ có một điều phở thường không phục vụ cho những người ăn chay. Phở chay thì không thể gọi là phở được. Nếu có gọi nó là phở thì cũng chỉ là gượng ép, tội nghiệp cho anh phở thật.

Nói đến hương vị và cách thưởng thức món phở thì thật đã có quá nhiều người viết. Nào phở nấu sao cho đạt, nước dùng phải trong và ngọt, không hôi mùi thịt, gân sụn phải dai và dòn, tái phải mềm và tươi, và phải đủ cả trăm thứ "phải" để có một tô phở đúng tiêu chuẩn của nó. Khi có tô phở trước mặt, người ăn phải biết cách thưởng thức sao cho không phụ lòng tô phở đang bốc khói đón chờ, như người thiếu nữ lên xe hoa về nhà chồng đợi chờ người tình lang điêu luyện trong tối tân hôn cho bõ công trang điểm.

Tôi đoán thế nào khi đọc tới đây, các anh sẽ hỏi tôi thế thì ăn phở ở Mỹ nó khác gì với ăn phở ở Việt Nam. Tôi xin trả lời.

Trên căn bản hương vị của phở, thì phở ở Mỹ hay ở Việt nam thì cũng như nhau, nếu có khác thì cũng không khác là bao. Có khác chăng là tô phở ở Mỹ thì to, có nhiều thịt hơn là bánh, ở VN thì ngược lại. Và phở ở VN, bột ngọt (mì chính) được khoe ra, ở Mỹ thì che đậy lại.

Tuy nhiên ăn phở ở Mỹ nó thiếu một cái gì đó mà ta không thể tìm thấy được. Và chính cái thiếu ấy nó làm ta có cảm giác tương tự như nhà thơ Nguyễn Bính thấy người yêu chân quê của mình khi lên tỉnh về đã làm "hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều".

Khi xưa, lúc còn ở VN, thỉnh thoảng tôi ghé một vài tiệm phở trên đường Trần Quốc Toản, gần nhà thờ Bắc Hà để thưởng thức món phở được quảng cáo là phở gia truyền. Nơi đó có Phở Tầu Bay, Phở Tầu Bò và Phở Tầu Thủy, hình như ở gần nhau. Ấy đấy, tên hiệu thì đủ thứ "Tầu", mà riêng cái tô đặc biệt và to thì bao giờ cũng được gọi là tô "Xe lửa".  Thật đủ hải, lục, không quân.

Tôi thường ghé đây ăn phở vào buổi trưa Chủ nhật, sau giờ tan lễ nhà thờ, nên thường có khá đông thực khách vào giờ ấy. Ôi cái cảnh nhộn nhịp, kẻ ra người vào tấp nập, ồn ào huyên náo làm sao. Cái ồn ào vào những ngày hè nóng bức, cái ồn ào ấy như được đun nóng lên, bốc thành hơi tỏa ra khắp phòng làm người đứng đợi cứ như bị ép lồng ngực đến trở nên khó thở. Những âm thanh càng ngày càng trở nên quánh đặc làm ta có cảm tưởng như phải lách âm thanh mà đi. Ông nói, bà nói, cả trẻ con cũng nói. Ông lấn, bà chen, trẻ con cũng dành phần ngoi lên phiá trước. Nếu ta lịch sự hay cả nể hay quân tử tầu hay hèn thì cứ đứng mà đợi mà chờ, mà đói mà thèm rỏ dãi bởi cái hương vị phở chung quanh nó cứ tàn ác chui vào lỗ mũi. Cái mà làm ta bị tăng cái đói mạnh nhất là những tiếng khua của thìa của đũa, của những cái húp xùm xụp, của những cái hít hà khoái trá đến tận cùng bởi cái vị cay bỏng lưỡi của ớt, của những tiếng nước súc miệng sùng sục trong mồm rồi nuốt chửng đến "ực" môt tiếng ngắn và khô. Những âm thanh của ăn uống làm tăng cái đói của ta chưa đủ, ta còn bị thôi thúc nóng nẩy khi đứng đợi bởi những tiếng khóc thét cuả đứa trẻ con lên ba tuổi cố ăn cho hết phần phở, mà bà mẹ vừa tát cho một cái bắt ăn cho hết khỏi phí. Đứa bé cố ăn trong tiếng khóc tức tưởi.

Ở nơi kia, có người  đàn ông tròn trịa, phinh phính, mặt mày mồ hôi nhễ nhại đang ngồi xỉa răng, thỉnh thoảng ông lại rút cái tăm ra khỏi miệng mút cái đầu tăm ấy như còn tiếc rẻ miếng thịt nho nhỏ còn lưu lại, rồi lại cho tăm vào xỉa tiếp. Có lúc ông cho cả bàn tay vào họng, móc móc moi moi, ông thản nhiên búng "nó" xuống gầm bàn như không lưu tâm đến cái quần hay cái váy của người ngồi đối diện với ông.

Và ở nơi đây, có cô áo dài trắng, cái áo trắng mà nhạc sĩ TCS ví như "áo lụa thinh không", nghĩa là chiếc áo của cô mặc mỏng như sương khói. Cô vừa ăn vừa thổi, gặp sợi phở dài, cô không kịp nhai, cô chúm môi hút chụt một cái, đám bánh phở cả ngắn lẫn dài chui tọt vào thực quản đi thẳng xuống dạ dầy, những chiếc răng ngơ ngác. Cái ngơ ngác của tôi là khi thấy cô cúi xuống gầm bàn xỉ mũi xuống đất, cô thản nhiên lấy ngón tay xinh xắn quệt ngang rồi lại thản nhiên chùi xuống gầm bàn. Thản nhiên như khi cô ăn xong, đưa móng tay cậy lá hành nhỏ dắt nơi răng, đưa ra răng cửa nhằn nhằn mấy cái trước khi cô thổi phù nó vào một nơi nào đó, thản nhiên như chỗ không người. Mọi thứ xẩy ra ở đây thật thản nhiên và tự nhiên đến độ nếu ta làm khác đi ta sẽ thấy trở thành mất tự nhiên và chẳng giống ai cả.

Đấy là phần âm thanh, hình ảnh diễn ra trước mắt. Thế còn mùi vị dành cho khứu giác thì sao. Ngoài cái mùi thơm của nồi nước lèo đang tỏa ra xa, thêm vào đó, nào mùi khen khét ngột ngạt của thuốc lá thuốc lào; nào mùi cà phê thơm ngát; nào cái mùi nước hoa thoang thoảng của cô gái đứng bên hoà lẫn mùi mái tóc chua chua của ông bên cạnh đang rịn mồ hôi mà vài ba hôm nay ông quên chưa gội; nào cái mùi nồng nặc của ông đau dạ dầy nào đó cứ từ miệng ông phà thẳng vào mặt người đối diện mỗi khi ông nói, ông lại nói quá nhiều.

Khi tô phở của tôi được bưng ra, tôi thưởng thức tô phở ấy thật ngon và đầy đủ vì nó được trộn lẫn với những âm thanh ấy, với những hình ảnh ấy và với những mùi vị ấy. Chúng nó quyện lại với nhau một cách hài hòa thắm thiết, một thứ thắm thiết đến làm ta phải thương nhớ khi thiếu vắng nó. Thương nhớ cái tình tự quê hương mà tô phở ở Mỹ ta không thể nào tìm thấy được. Chúng ta đi, không mang hết được cả quê hương, đôi khi dù chỉ là một vài hình ảnh quê hương được ẩn tàng trong tô phở. 

Lần sau các anh đi ăn phở phải nhớ đến tôi nhé, vì ít ra hình ảnh của các anh cũng là hình ảnh của những thứ mà tôi cần có, tạm goi là "tình tự quê hương" như được nói ở trên. Nhớ trả tiền cho tôi nhé, tôi "về hưu" rồi.

Hai Hát